Thơ Mai Văn Phấn nhiều những
ban mai. Cái nguyên sơ trong trẻo của buổi đầu ngày, khi bóng đêm qua ánh sáng
tới, mang ý nghĩa khải thị, hồi sinh. Cảm hứng thơ Mai Văn Phấn đi từ ban mai đến
những sự nở sinh, phát triển, đến sự hòa đồng, hài hòa của vũ trụ thiên nhiên
con người. Nỗi khát ban mai là nỗi khát thường trực trong thơ anh.
Từ rất sớm anh đã có “Kinh cầu ban mai”: Mắt bừng ra lúc rạng đông/ Chân
trời hổn hển phập phồng ngón chân. Anh khắc khoải “qua hoàng hôn” chờ rạng ánh
ngày: Cầm tay gió dắt vào đêm/ Mà hồn xanh lỡ để quên cuối trời/ Dấu chân
xin cát chớ vùi/ Cho ta niệm chắc ban mai lại về.
Có ban mai là có ánh sáng. Ánh sáng chống lại sự quên lãng, sự chôn vùi, sự tàn
úa. Ánh sáng thức dậy những vùng nhớ, những trăn trở, những tìm kiếm. Con đường
thơ của Mai Văn Phấn là hành trình đi tới ban mai. Anh bắt đầu từ Giọt nắng (tập
thơ, 1992), anh lên tiếng Gọi xanh (tập thơ, 1995), nắng ấm đưa lại
màu xanh sự sống, và như là không thể khác, giữa chốn thánh đường cao cả linh
thiêng của đất trời, anh Cầu nguyện ban mai (tập thơ 1997). Bìa tập Gọi
xanh gợi một cánh đồng nứt nẻ khô hạn. Bìa tập Cầu nguyện ban mai hiển
lộ một khuôn mặt thi nhân trên nền bóng đêm đen khắc khoải trông ngóng. Ban mai
hứa hẹn gì cho anh mà thi nhân khát khao đến vậy?
Lời đáp lại “Tiếng gọi từ những cánh đồng”: Trong mơ thấy ban mai thành
lúa vàng ươm/ Và dấu chân người gieo thành hạt thóc. Niềm hạnh phúc “Lúc mặt
trời mọc”: Con đã thức dậy trong ban mai của cha. Phía chân trời hừng đông
như trẻ thơ bụ bẫm đang duỗi dài khoái hoạt, vài tia sáng đầu tiên giãi bày niềm
hân hoan trên thềm cửa, rồi đưa những ngón tay mềm âu yếm đỡ con đi. Mộng
mơ “Hải Phòng trước năm 2000”: Bước chân của ban mai hay em đến bên hè,
qua lối ngỏ hồn ta như cỏ ướt.
Và cầu nguyện là tự thú. Ban mai của Mai Văn Phấn là ban mai trên của cánh đồng.
Cánh đồng là nơi gieo cấy, gặt hái, là tượng trưng của sinh sôi, nảy nở. Nhà
thơ tự thú trước cánh đồng, anh thấy mình là chiếc hũ thóc giống vào một buổi sớm
mai: Ngày mới đến đưa bàn tay nắng ấm/ Để lấy đi những hạt cuối cùng/ Tôi
chếnh choáng rỗng không chiếc hũ/ Đợi những mùa vàng, rạo rực hiến dâng...
Và sau cầu nguyện đến nghi lễ nhận tên (tập thơ, 1999). Từ
đây nhà thơ đã thành con của ban mai, người ca hát ban mai, anh được hồi sinh
cùng vạn vật và thấy vạn vật tái sinh trong mình.
Ấy là dấu hiệu sự tái sinh
Hay bắt đầu những điều trọng đại
Chưa kịp xúc động
Mới mơ hồ nhận ra
Ban mai đã cuốn lấy ta những vòng tã lót
(Khúc dạo đầu)
Hay bắt đầu những điều trọng đại
Chưa kịp xúc động
Mới mơ hồ nhận ra
Ban mai đã cuốn lấy ta những vòng tã lót
(Khúc dạo đầu)
Cùng rền rĩ trong mê man cơn sốt
Cho tầng lá già lênh đênh
chưa kịp mục
Cho bén rễ vào thịt da những mùa ngũ cốc
Nước mắt ban mai trổ những đòng đòng
(Hồi sinh)
Cho bén rễ vào thịt da những mùa ngũ cốc
Nước mắt ban mai trổ những đòng đòng
(Hồi sinh)
Ban mai là khởi đầu. Với Mai Văn Phấn mọi sự khởi đầu là từ đất, từ cánh đồng,
cho những mùa gieo trồng. Anh biết có “thời vụ” cho đời người, và cho thơ. Khi “cánh
đồng trên đầu vừa mở cho tiếng vọng”, sấm rền và mưa xuống, “mỗi giọt đều
được lau chùi từ thăm thẳm”. Đó là khi “lại vỡ ra bài ca gieo hạt”. Và “có
ai đặt vào tay ta khoảng lặng im vụn rời như nắm thóc”. Phải tung nắm thóc rời
này theo hướng nào, theo chiều quay nào, trong một không gian nào thời gian
nào, để người không trắng tay? Nhìn xung quanh anh thấy “Trước mắt ta đâu
còn là đường chân trời, mà những chỏm tóc của nhiều người nối tiếp nhau đang chạy
gấp. Họ dốc sức chạy xa hơn khi phát hiện ra những đích khác”. Nhìn vào mình
anh thấy: “Sự e dè thường được bọc kín thành nhân trong hạt. Dẫu mang nhiều
hứa hẹn những mùa xanh, những hiệu quả bội thu tiếp nối, nó vẫn không tự thoát
ra khỏi lớp vỏ dày”. Từ đó anh đi tìm một “giải pháp” cho mình. Một giai điệu
gì quen lắm nhưng giờ đây hát lên anh không còn thấy hào sảng và lôi cuốn
như xưa. Có lẽ phải có một cái gì mới, khác, nếu không sẽ là một nỗi kinh
hoàng. Anh muốn hát bài ca của mình theo cách của mình, muốn trồng cái cây của
mình trên đất của mình, trong một khung cảnh mới. Nhà thơ hiểu rõ rằng: “Chỉ
khi một cánh chim hay tia sáng ngôi sao vô tình bỗng xuyên thủng lớp vỏ kia bí ẩn,
hay hạt giống được chạm vào dịu nhẹ ngón tay của đợt mưa xuân, lúc ấy mọi trật
tự và quan niệm sẽ khác”. Mặt trời cũ muôn đời nhưng mỗi ban mai mặt trời lại mới.
Con người cũng vậy và thơ cũng vậy, sống lại mỗi ban mai, đổi khác và đổi mới mỗi
ban mai. Và Mai Văn Phấn mạnh dạn, tự tin cùng thơ bước vào ban mai của những tìm
tòi, khai phá.
Từ tưởng tượng
Và những niềm khát vọng
Tôi rút những mũi tên
Ra đi tìm đích cho ngày
Từng mũi tên vạch đường bay vun vút
Và những niềm khát vọng
Tôi rút những mũi tên
Ra đi tìm đích cho ngày
Từng mũi tên vạch đường bay vun vút
(Mũi tên bóng tối)
Đọc thơ Mai Văn Phấn từ đầu tôi đã có cảm giác thơ anh mới mẻ. Cảm giác đó có lẽ
là do ý hướng tiếp cận hiện đại của thơ anh. Với thời gian, qua các tập thơ anh
ra đời, cảm giác đó đầy lên. Mai Văn Phấn có chung với Nguyễn Quang Thiều nỗi
đam mê kéo căng các con chữ, tạo ra những kết hợp chữ mới, để câu thơ xâu chuỗi
các hình ảnh trong một mạch ngầm liên kết ý tưởng, nhưng thơ Thiều thiên về cảm
xúc để suy tưởng, còn thơ Phấn thiên về suy tưởng để cảm xúc. Và cả hai anh,
trong phần thành công của mình, đều có cốt lõi dân tộc trong dáng vẻ hiện đại.
Ban mai là của ngày, nhưng ngọn lửa là của đêm. Ban mai quay vòng từng chu kỳ,
ngọn lửa xuyên suốt cả trường kỳ. Ban mai dọi sáng, lửa thắp sáng. Ban mai của
đất trời, ngọn lửa của con người. Lửa, cũng như ban mai, có thể gọi là “từ
khóa” (key-world) của thơ Mai Văn Phấn. Anh đã tìm đến lửa để soi sáng con đường
và bước chân NGƯỜI trên lộ trình lịch sử từ xa xưa đến xa sau. Trường ca Người
cùng thời là một nỗ lực mới, một bứt phá của Mai Văn Phấn. Tôi - nhân vật
trữ tình, sống với người cùng thời, ngoái nhìn người trước, hướng vọng người
sau, chiêm nghiệm những điều đã qua, lường trước những điều sẽ tới, sống tận
cùng mình và hòa đồng cùng nhân quần, vũ trụ. Lịch sử nhân loại trải qua các nền
văn minh và các cuộc chiến tranh, đặc biệt chiến tranh trong thế kỷ XX, đặt con
người hôm nay trước một câu hỏi lớn: phải sống thế nào đây để xứng là NGƯỜI?
Mai Văn Phấn với Người cùng thời muốn đi tìm một lời giải, muốn đưa
ra một lời đáp cho câu hỏi có tính nhân văn sống còn ấy.
Bắt đầu từ hành động “Nhóm lửa” (chương I): “Những ngón tay que diêm vừa
rút ra khỏi vỏ/ Quẹt lên da trời còn ở rất xa/ Ta cúi xuống cuống cuồng thổi lửa/
Nhận ra mình là hòn than cháy dở đêm qua”. “Cháy dở” nghĩa là còn ấm nóng, còn
năng lượng, còn trách nhiệm phải cháy tiếp, cháy hết. Lửa đã nhóm, hòn than còn
âm ỉ cháy, phải “thắp lên phần cháy dở đêm qua”. Từ đây “Xin hân hoan
với NGƯỜI CÙNG THỜI/ dưới Thánh đường Ban-Mai-Cao-Cả. Từ đây “Tôi với mọi người”
(chương II): “Từ trong tắt lửa tối đèn/ Từ trong khoảng rỗng không tên thuở
nào/ Bây giờ đất rộng trời cao/ Bàn tay ta cũng lao xao tiếng người”. Ngọn lửa
thắp lên đã bén cháy vào tôi, tôi cháy lên trong ngọn lửa, tôi tự cháy, tôi là
lửa, tôi nhập với mọi người trong hành động phá hủy và dựng xây. “Cộng hưởng I”
(chương III) là tôi về lại những tháng ngày qua: “Đi qua giấc mơ vụn nát
những bờ vùng bờ thửa, có hàng phi lao hát mãi lời ca mang quá khứ hay tương
lai không giới tính. Lồng ngực ta như hộp đàn, cộng hưởng những âm thanh xoay
ngược tháng ngày. Có chiếc cọc mơ dưới lòng sông nảy lá, có nắm bùn già mơ một
lần được trở lại bùn non”. Quá khứ không dứt được hiện tại, như hình với bóng
liền nhau, và đó là“cái có có không không duy nhất mắt ta nhìn thấy được”.
Trong mắt ta nhìn “Nỗi đau phát sáng” (chương IV), nhân loại đã tự gây bao đau
khổ, chết chóc, người với người đã trả giá bao nước mắt và máu: “Soi vào lịch
sử chiến tranh/ Những nền văn minh hủy diệt/ Xin gọi lay từng cái chết/ Tái
sinh cùng những bình minh”. May sao, cuộc đời dẫu đắng cay, hành trình chân lý
dẫu nhọc nhằn khổ ải, nhưng bên ta còn “Đằm thắm mặt người” (chương V): “Vợ
con, đồng chí, bạn bè/ Triền sông cỏ mịn ta về thảnh thơi… Mắt nhìn gạn đục
khơi trong/ Đau không sợ, chẳng ngông cuồng khi vui”. Mãi mãi nhân gian tồn tại
là nhờ “người vin tay người/ nối vào ngọn bấc/ lửa đời thắp lên”. Trong cuộc
chạy tiếp sức của con người về phía tiến bộ, hạnh phúc, ngọn lửa đã truyền đến
hôm nay. “Cộng hưởng II” (chương VI) là với lúc này và ở đây: “Chân tay ta
vừa rút khỏi những huyễn hoặc giấc mơ, ngón còn tê cứng một đời cuốc cày liềm
hái, một đời bàn tay phải lệ thuộc vào tay trái. Cả hai bàn tay lệ thuộc vào nỗi
ú ớ toát mồ hôi của cái chết lâm sàng, chỉ biết cứng đơ mặc cho cơn bóng đè
trùm lợp. Giờ những bàn tay đã tự do thức dậy, biết cộng lực cho nhau khi bình
minh đang đến tái sinh. Đây là khoảnh khắc lịch sử: “Người cùng thời
nhìn rõ đường đi nhờ những nỗi đau hắt sáng phía sau lưng, hắt sáng gương mặt
người đằm thắm. Đã bắt đầu những nghi thức mới, tự nhiên hơn và tự tin hơn, khi
từng hồi chuông dồn nén, dõng dạc bay đi xô đổ những tháp ngà”. Nhưng liệu con
người có kịp nắm lấy số phận mình, giải phóng cho cái “tôi” của mình được phát
triển hết sức mạnh? Mỗi bước phát triển khoa học kỹ thuật, nếu không khéo, sẽ
là một sự kéo lùi về mặt nhân văn nhân bản. “Mail cho em” (chương VII) là một hồi
chuông báo động nguy cơ cái giả thay thế cái thật, cái máy móc lấn chỗ cái con
người, khi khoa học khám phá đến kiệt cùng vật chất, con người trần trụi biết bấu
víu vào đây: “Cầu nguyện ban mai cho tình yêu sẽ thuần phục được vật chất
lẫn phản vật chất theo mã số đã chọn cả diệp lục máu hồng cùng linh cảm đang
liên hồi truyền tới nơi em”. Con người sẽ được giải thoát khỏi nguy cơ trên nhờ
có trái tim, “trái tim giải thoát” (chương VIII) giúp con người giữ được phần
người, tinh chất người trong bản thể mình, nhịp đập trái tim là khúc ca mới
nguyện cầu cho con người: “Một trong hai lại rằng lành/ Tự tin tới cả mong
manh cánh chuồn/ Nhện sa quấn quýt hương thơm/ Trái tim mở một cánh buồm ban
mai”. Khúc ca mới đó vang lên cộng hưởng với người sau, “Cộng hưởng 3” (chương
IX) ở những nền văn minh cao nhất cũng là nơi con người được tự do hoàn thiện
mình nhất, quá trình này liền mạch sau trước và bao giờ cũng được mở ra từ ánh
ngày: “Không gian tựa chiếc bình cổ khổng lồ mang những đám mây thời gian
rạn nứt/ Và ban mai đến/ Lũ trẻ ùa ra từ chiếc bình kia/ Hân hoan chạy tới bến
xưa/ Vẽ hình hài thế kỷ sau trên mặt cát bây giờ”. Liên tục, tiếp nối bàn chân
con người đi lên phía trước, người cùng thời là biến thành cùng thời, là sống
trong không-thời gian đồng hiện của tất cả những “đã là, đang là và sẽ là”. Ngọn
lửa qua mỗi chặng lịch sử được tiếp thêm năng lượng soi sáng “phía trước bàn
chân” (chương X) đi tới một ngày mai: “Lòng tốt của người cùng sự hài hòa
tự nhiên rồi sẽ thấm nhuần mưa xối vào miệng những khoảng không đang hanh hao
cơn khát, làm tan loãng mọi giấc mơ chai cứng, vụn tơi thành từng mạch mát
lành”.
Lửa, từ khi ở tay người, đã thành lửa người. Nhưng lửa chỉ soi tỏ bóng đêm chứ
không xóa được bóng đêm. Lửa phải dắt con người đến được bình minh, ban mai, nếu
không lửa chỉ mới là đốt cháy, chứ chưa thể thắp sáng. Lửa người phải nhập cùng
lửa trời. Khi đó một nhân loại mới ra đời, con người được tái sinh, cuộc sống
luôn mới mẻ tinh khôi như lẽ tuần hoàn tự nhiên: Và thấy trong tiếng chim/ Một
ban mai vừa nở/ Một bọc trứng vừa nở/ Trong chiếc nôi sương mờ.
Cấu trúc bản trường ca là một cấu trúc hệ thống có nhiều tầng lớp, trục tuyến đối
xứng đối ứng nhau. Trục dọc (lịch đại) gắn ba cộng hưởng (các chương III-VI-IX)
theo tổng phổ thời gian lịch sử và tâm cảm con người. Trục ngang (các chương
I-II, IV-V, VII-VIII) gắn kết nhau theo chủ đề tư tưởng. Mạch ngầm cơ sở của cảm
xúc thơ là diễn tiến quá trình văn minh nhân loại từ mông muội đến khai sáng, từ
tự nhiên đến nhân văn. Chương X kết thúc là hợp lực, tổng thành của cả hệ thống,
nó nối theo trục dọc về thời gian, theo trục ngang về vấn đề. Các lớp lang chặt
chẽ như vậy cho thấy Mai Văn Phấn chuẩn bị rất kỹ cho việc viết trường ca. Người
cùng thời của anh là trường ca cấu tứ theo ý, không đặt thành cốt truyện,
lấy sự đồng vọng vang hưởng của chủ đề làm mạch dẫn dắt cảm xúc. Thể trường ca
cho phép dung hợp nhiều lối thơ, Mai Văn Phấn không bỏ qua khả năng này, anh sử
dụng cả thơ lục bát, thơ văn xuôi, thơ ngũ ngôn, thơ đồng dao. Anh mạnh dạn cho
cả kỹ thuật hiện đại vào thơ như chương VII là một bản Mail viết liền
mạch không chấm phẩy, in riêng một kiểu chữ, và có dòng đề “Gửi vào mã số
nbn276 1965”. Có thể tạm gọi đây là dạng “thơ mail”, nó có khả năng mở rộng
liên tưởng thơ nhờ ở những cách đọc khác nhau trên cùng một văn bản.
Trường ca Người cùng thời có những chương đọc thích. Chương IV Nỗi
đau phát sánglà một chương lay động. Nó là chỗ bản lề để cảm xúc thơ vận động từ
cái ngày qua đến cái ngày sau, do đó nó hiện thực, thấm thía, do đó nó có thơ.
Người cùng thời ngẫm nghĩ về cái giá con người phải trả cho những lầm lạc của
mình qua một dãy dài những cái chết trên trường kỳ lịch sử. Mai Văn Phấn rất
hay ở chỗ anh tạo được một khung cảnh đầy ý nghĩa: tội lỗi con người bị phán
xét trước đất trời:
Mặt trời lên
Một vị quan tòa
Từng nỗi oan
Dẫn ra từ bóng tối
Từng cái chết
Dẫn ra từ bóng tối
Mặt đất uy nghiêm
Minh bạch
Nhân từ
Một vị quan tòa
Từng nỗi oan
Dẫn ra từ bóng tối
Từng cái chết
Dẫn ra từ bóng tối
Mặt đất uy nghiêm
Minh bạch
Nhân từ
Những câu thơ ngắn cắt dòng tạo được cả ấn tượng thị giác. Điệp khúc Một
người để nước mắt rơi/ Mặn mòi lan khắp mặt người yêu thương là một nỗi xa
xót. Những cái chết ngày đang qua, ngày đang lại, xoáy lên bao câu hỏi. Lầm lỗi
một thời nỗi đau không nhãn mác/ nghèo khổ được tấn phong không chỉ nỗi
đau một thời. Câu thơ Nhân loại đi chếnh choáng dưới mặt trời hay,
như một tiếng nấc. Tiếc ở cuối chương này giá tác giả cứ để nguyên hai câu lục
bát điệp khúc thì tập trung sức nặng của cả chương hơn, thêm lên đầu hai câu nữa
vừa gượng (về ý) vừa không hay (về tình). Chương II Tôi với mọi người,
chương V đằm thắm mặt người, nhuần nhị, lắng đọng. Đó là những chương ngòi
bút Mai Văn Phấn chân thực, tự nhiên, anh thể hiện được điều muốn nói bằng những
câu thơ thật. Còn đôi chỗ khác trong trường ca ý của anh chưa nhập được vào
thơ, tức là anh chỉ mới diễn ý không thôi, ví như “Tuân theo luật mà dồi dào cá
tính. Cái Tôi tận cùng dẫn tới cái Ta”. Trên đây tôi có nói chương X kết thúc
là hợp lực, tổng thành của cả hệ thống trường ca, đấy là xét theo cấu trúc của
nó, còn như ở đây tác giả đã viết chương này như một tổng kết, gói gọn lại những
ý triển khai ở chín chương trước. Theo tôi chương cuối này lặp, chưa tương xứng
với toàn bộ bản trường ca. Nhưng đây là một trường ca đọc có hứng thú, hứng thú
nhất là hướng thơ bứt về phía hiện đại của một lối viết. Hiện đại là gì, trong
thơ? Nói cái hôm nay bằng ngôn ngữ và cách nói của ngày hôm nay. Và đã là hôm
nay thì nó khác ngày qua và không giống với ngày mai. Do đó, nó lạ với chính cả
hôm nay. Nếu thành công nó thành cái mới. Nếu không thành công nó chỉ là cái lạ.
Nhưng lạ hay mới, trước hết nó phải khác. Thơ Mai Văn Phấn có cái khác đó.
Mai Văn Phấn làm thơ dưới luồng sáng linh thiêng dẫn dắt của ban mai và ngọn lửa.
Anh tin vào sự hồi sinh, phục thiện, hoàn nguyên của đất đai bầu trời, của cỏ
cây hoa lá. Cố nhiên niềm tin mãnh liệt của anh là ở sức sống luôn tươi mới của
con người. Thơ anh tìm tòi cách tân theo hướng đó. “Nghi lễ nhận tên” là bổn mạng
anh nhận: Tung lên bọt nước đầu ghềnh/ Và tăm sóng thở lặng thinh đáy hồ/
Trổ mầm những khoảng vu vơ/ Hay con cò trắng ngẫn ngờ bay lên. “Người cùng
thời” là trách nhiệm anh mang: Lửa theo hưng thịnh bao đời/ Tro than gieo
vãi về nơi cấy cày/ Chiêm mùa mọc mộng chân mây/ Cánh chim vun xới ấp ngày vào
đêm. Ngẫu nhiên tôi lại kết bài bằng những câu lục bát của anh. Mà thật ra có
ngẫu nhiên không nhỉ?.
Hà Nội, tiết trùng dương 1999
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét