Bà Mẹ Tự Nhiên (The Mother
Nature) đẻ ra không biết bao nhiêu đứa con kỳ lạ, nhưng kỳ lạ nhất vẫn là con
người, bởi vì chỉ có con người mới nhận thức được sự tồn tại của chính Bà Mẹ đã
đẻ ra nó. Nếu không có con người, Tự Nhiên sẽ trở nên vô nghĩa. Nói cách khác,
nhận thức là đặc đặc trưng phân biệt con người với toàn bộ phần còn lại của vũ
trụ. Chẳng thế mà Pascal đã định nghĩa “Con người là một cây sậy, một thứ yếu ớt
nhất trong tự nhiên, nhưng là một cây sậy có tư tưởng” [1], còn Descartes thì tuyên bố: “Tôi tư duy, vậy
tôi tồn tại” [2].
Nhưng dù nhận thức đóng vai
trò đặc biệt đến mấy đi chăng nữa, nó vẫn chỉ là một sản phẩm của tự nhiên, và
do đó nó phải tuân thủ các định luật của tự nhiên. Một trong các định luật cơ bản
của tự nhiên mà nhận thức phải tuân thủ là định luật về giới hạn: Nhận
thức không bao giờ đạt tới cái tuyệt đối, cái toàn bộ, cái tận cùng – lý lẽ
không thể đi tới cùng kỳ lý! Đó chính là điều John Saxe đã nói ngay từ thế kỷ
19 bằng truyện ngụ ngôn “Thầy Bói Xem Voi”, và đã được Reutersvard hoặc Penrose
nhắc lại trong thế kỷ 20 dưới dạng “những mô hình bất khả” (impossible models)[3].
Tuy nhiên, khát vọng nhận thức
vốn là một lẽ sống, một hòn than vĩnh cửu cháy âm ỉ trong lòng người, nên nhiều
lúc nó bùng lên thành một ngọn lửa lớn, đẩy con người vào những cuộc phiêu lưu
đầy tham vọng – tham vọng “biết hết mọi thứ”, “biết đến cùng kỳ lý của sự vật”!
Điển hình là cuộc phiêu lưu của Chủ Nghĩa Hình Thức (Formalism) trong
toán học đầu thế kỷ 20 hòng khám phá ra “Con Voi Toán Học”, y như chuyện Sáu
anh chàng ở xứ Indostanmuốn khám phá ra con voi của họ.
“Con Voi Toán Học” là gì?
Xin tạm trả lời vắn tắt: Đó là một hệ thống chân lý tuyệt đối của toán học (tuyệt
đối logic, tuyệt đối phi mâu thuẫn)!
Hệ thống chân lý ấy nếu tồn
tại, ắt phải rất “thiêng liêng”, rất “vĩ đại”. Nhưng chính toán học đã chứng
minh rằng “Con Voi Toán Học” chỉ là một giấc mơ không tưởng, và do đó nó đã được
mệnh danh là “Chiếc Chén Thánh[4] của Chủ Nghĩa Hình Thức” (The Holy Grail of
Formalism).
Nhưng mặc dù không tưởng, Chủ
Nghĩa Hình Thức vẫn như một “bóng ma” ám ảnh mọi nền giáo dục cho đến tận ngày
hôm nay.
1] “Bóng ma” của Chủ Nghĩa
Hình Thức:
Nếu Chủ Nghĩa Hình Thức chỉ
đóng khung trong phạm vi nghiên cứu toán học thì đó là chuyện riêng của các nhà
toán học, nhưng vì nó đã xâm nhập vào giáo dục, làm méo mó hệ thống giáo dục,
vì thế nó đã trở thành một vấn đề xã hội!
Thật vậy, Chủ Nghĩa Hình Thức
vốn coi toán học là một hệ logic hình thức thuần tuý, hoàn toàn tách rời khỏi
thế giới hiện thực, nên một khi đã xâm nhập vào giáo dục, nó biến thành một căn
bệnh:
Bệnh sính hình thức, sính biến
cái đơn giản thành phức tạp, sính sử dụng ký hiệu và ngôn ngữ “hàn lâm” trừu tượng
thay cho ngôn ngữ đời sống, đề cao ngôn ngữ này như “tiêu chuẩn” của chân lý, đến
nỗi dám coi thường truyền thống giảng dạy của cha ông, tuỳ tiện vứt bỏ hoặc đảo
lộn các chương trình kinh điển, rồi chủ quan áp đặt lên trẻ em một chương trình
được gọi là “mới” nhưng thực chất chẳng có gì mới, mà chỉ là một sự nhồi nhét
hàng đống kiến thức hình thức sáo rỗng, biến môn toán thành một môn học khó hiểu,
nặng nề, đẩy học sinh tới chỗ mất kiến thức cơ bản, phải lao đi học thêm lu bù
nhằm đối phó với thi cử, miễn sao giành được “miếng cơm manh áo”. Đó chính là
tình trạng “dạy giả + học giả” tràn lan hiện nay.
Để chấn chỉnh giáo dục, phải
học kỹ lại bài học lịch sử về Chiếc Chén Thánh của Chủ Nghĩa Hình Thức. Học
lịch sử chính là học cách nhận thức!
Đó là nhiệm vụ quan trọng bậc
nhất của giáo dục mà Henri Poincaré đã từng nhắc nhở chúng ta ngay từ
đầu thế kỷ 20: Nhiệm vụ của nhà giáo dục là phải tạo điều kiện để cho nhận
thức của trẻ em được trải nghiệm lại tất cả những gì mà tổ tiên của các em đã từng
trải qua. Sự trải nghiệm lại phải tiến hành một cách nhanh chóng thông qua những
chặng nhất định, nhưng tuyệt nhiên không được lấp liếm bỏ sót một chặng nào cả.
Với quan điểm đó, lịch sử khoa học chính là người dẫn đường cho chúng ta[5].
Trong những chặng đường của
Chủ Nghĩa Hình Thức, có một chặng rất đặc biệt, không thể lấp liếm bỏ qua, đó
là chặng đường của Gottlob Frege, người từng được coi là “Ngọn đèn pha của Chủ
Nghĩa Hình Thức”.
2] Ngọn đèn pha của Chủ
Nghĩa Hình Thức:
Ngay từ thế kỷ 18, Immanuel
Kant đã nói: “Hình học dựa trên trực giác không gian; Số học dựa trên trực giác
thời gian”[6].
Bước vào thế kỷ 20, David
Hilbert phủ nhận Kant một cách tuyệt đối. Ông cho rằng toán học thực chất là
các quan hệ logic, do đó những quan hệ này càng được hình thức hoá cao bao
nhiêu thì toán học càng chính xác bấy nhiêu. Nói cách khác, toán học không phải
là một khoa học thực dụng như vật lý, hoá học, bởi nó không nghiên cứu bản chất
vật chất của các đối tượng, mà chỉ nghiên cứu mối quan hệ logic giữa các đối tượng
đó mà thôi. Nếu toán học vấp phải nghịch lý, ấy là vì toán học trước đây vẫn
còn vướng quá nhiều “bụi trần”, tức là chưa thật sự toán học, chưa thật sự là một
hệ logic thuần tuý hình thức. Muốn có một nền toán học chân chính, phải giải
phóng toán học một cách tuyệt đối khỏi thế giới hiện thực, phải hình thức hoá
toán học một cách tuyệt đối từ nền móng cho tới thượng tầng. Muốn vậy, phải xây
dựng lại toàn bộ cơ sở của toán học, hướng tới mục tiêu cuối cùng là hệ thống “siêu-toán-học”
(metamathematics) – một hệ thống logic tuyệt đối siêu hình, hoàn toàn độc lập với
thế giới hiện thực, cho phép giải thích và chứng minh mọi mệnh đề toán học cho
tới cùng kỳ lý, loại trừ hoàn toàn mọi nghịch lý, mâu thuẫn. Hilbert tin chắc rằng
với một phương pháp nghiên cứu đúng đắn, trước sau toán học sẽ đạt tới mục tiêu
đó. Câu châm ngôn nổi tiếng của ông, “Chúng ta phải biết, Chúng ta sẽ biết”
(Wir müssen wissen, wir werden wissen), được khắc trên bia mộ ông đã nói lên
tham vọng “vá trời lấp biển” của ông.
Để chứng minh tư tưởng của
mình là đúng và khả thi, bản thân Hilbert đã bỏ công xây dựng lại Hình Học
Euclid. Xuất phát từ một hệ 20 tiên đề[7], ông đã xây dựng nên một thứ hình học thuần tuý
hình thức, không cần hình vẽ, được gọi là Hình Học Hilbert, ra mắt năm 1899 dưới
tên gọi Cơ Sở Hình Học(Grundlagen der Geometrie). Nhưng không thoả mãn với
những gì đã làm được, Hilbert kêu gọi toàn thế giới toán học cùng bắt tay vào
việc tái thiết toà lâu đài toán học theo “thiết kế” của Chủ Nghĩa Hình Thức.
Mục tiêu tiếp theo là Số Học: Hãy
xây dựng cho số học một hệ tiên đề hình thức đầy đủ, độc lập, phi mâu thuẫn, để
từ đó xây dựng nên một lý thuyết số học tuyệt đối hình thức. Đó chính là nội
dung cơ bản của Bài Toán Số 2 trong số những bài toán ông nêu lên tại
Hội Nghị Toán Học Thế Giới ở Paris năm 1900, như một thách thức đối với toán học
thế kỷ 20.
Với uy tín lừng lẫy của bản
thân, Hilbert đã tập hợp được phần lớn các nhà toán học đương thời dưới ngọn cờ
của mình, bao gồm cả một kẻ thù vốn không đội trời chung với ông về hình học,
đó là Gottlob Frege.
Thật vậy, Frege đồng ý với
Kant rằng hình học dựa trên trực giác, và do đó đã quyết liệt chống đối Hilbert
trong ý tưởng biến hình học thành một mớ logic hình thức thuần tuý. Nhưng trớ
trêu thay, Frege lại đồng quan điểm với Hilbert khi cho rằng số học dựa trên
logic, do đó đã trở thành cứu tinh của Hilbert về mặt số học: Frege đã lao vào
làm một cuộc cách mạng về số học, nhằm biến số học thành một hệ logic hình thức
thuần tuý, đúng như Hilbert mong muốn!
Để làm cuộc cách mạng đó,
Frege bắt đầu xây dựng lại số học từ nền móng – định nghĩa lại khái niệm về số.
Với Frege, từ nay số 2 không được hiểu một cách “tầm thường” là 2 con gà, 2 con
vịt, … mà phải hiểu là tập hợp của các cặp đôi (pairs); 3 là tập hợp của các “bộ
3” (triples), một cách tổng quát, số là tập hợp của các tập hợp.
Định nghĩa ấy thể hiện tham
vọng chính xác hoá các khái niệm toán học đến vô chừng vô độ: Frege đã tìm mọi
cách “tẩy rửa”, vứt bỏ mọi ý nghĩa dính dáng đến vật chất cụ thể của số, vì chừng
nào số còn gắn với ý nghĩa vật chất cụ thể thì chừng ấy số vẫn chứa đựng bên
trong nó những “hạt sạn phi-toán-học” – nguồn gốc dẫn tới nghịch lý mâu thuẫn.
Một nhà toán học đã bình luận rằng với Frege, 3 không phải là “number
three” (số 3), mà là “the threeness” (cái 3) (!).
Sau khi thanh tẩy và hình thức
hoá tuyệt đối các khái niệm cơ sở của của số học, Frege đã xây dựng nên hàng
trăm định lý của số học dưới dạng hình thức tuyệt đối. Toàn bộ lý thuyết của
ông đã được công bố trong bộ sách đồ sộ mang tên Cơ Sở Số Học (Grundlagen
der Arithmetik), một bộ sách đã làm rung chuyển thế giới toán học. Thật vậy,
các nhà toán học theo Chủ Nghĩa Hình Thức đã thật sự bị choáng ngợp trước “vẻ đẹp
siêu thoát tinh tuyền hình thức” trong lý thuyết của Frege. Họ phấn chấn đến mức
tưởng rằng sắp tìm thấy “Chiếc Chén Thánh”, và tưởng rằng “thiên đường của chủ
nghĩa hình thức” đã lấp ló đâu đó ở phía chân trời!
Đó là lúc cuộc đời Frege đạt
tới tột đỉnh vinh quang. Tên tuổi của ông nổi lên như sóng cồn. Người ta gọi
ông là “ngọn đèn pha của Chủ Nghĩa Hình Thức”. Cuốn Cơ Sở Số Học của
ông được tôn vinh như một kiệt tác toán học, sánh vai với những tác phẩm toán học
vĩ đại khác, như bộ Cơ Sở của Euclid chẳng hạn, và thậm chí được ca
ngợi như cuốn “Kinh Koran của chủ nghĩa logic hình thức”, … (!)
Nếu câu chuyện dừng lại ở
đây, thì quả thật không sao nói hết được sự thán phục mà người đời đã dành cho
ông, và từ đó cũng có thể hiểu được vì sao Frege đã có một ảnh hưởng sâu đậm và
lâu dài trong giới toán học và giáo dục toán học đến như thế: Sâu đậm và
lâu dài đến nỗi sau khi lý thuyết của ông sụp đổ, ảnh hưởng của ông vẫn tiếp tục
tồn tại – tồn tại không chỉ trong thời của ông và tại quê hương ông, mà tồn
tại kéo dài cho tới tận ngày nay trên khắp thế giới, ngay cả trong những nền
giáo dục xa lắc xa lơ với ông về mặt không gian lẫn thời gian, trong đó có nền
giáo dục Việt Nam. Ảnh hưởng ấy phổ biến đến nỗi
được coi như một thứ chủ nghĩa, được gọi là “chủ nghĩa Frege mới”
(Neo-Fregeanism), hoặc chủ-nghĩa-lý-thuyết-logic-tập-hợp(logic-set
theoreticism),vì công cụ chủ yếu Frege sử dụng để xây dựng Cơ Sở Số Học là
logic và lý thuyết tập hợp.
3] Chủ nghĩa Frege mới:
Cách đây hơn 40 năm, tôi thấy
chủ-nghĩa-lý-thuyết-logic-tập-hợp chỉ mới xuất hiện trên trường đại học, mặc dù
không nghe thấy vị giáo sư nào nhắc đến cái tên Gottlob Frege. Nhưng hiện nay
chủ nghĩa này đã tràn xuống trường phổ thông, mặc dù hầu như không thầy cô giáo
dạy toán nào ý thức được rằng mình đang thực hành cái chủ nghĩa do Frege khởi
xướng từ một thế kỷ trước đây.
Có lẽ các nhà biên soạn sách
giáo khoa và các thầy cô giáo dạy toán của chúng ta hiện nay không ý thức được
rằng họ đang hàng ngày sử dụng những ký hiệu và ngôn ngữ của một lý thuyết đã sụp
đổ, chẳng hạn ký hiệu ” (mọi), $ (tồn tại), v.v. vì đó chính là những ký hiệu
và ngôn ngữ do Frege sáng tác ra khi ông biên soạn bộ Cơ Sở Số Học. Cũng
có thể các nhà biên soạn sách giáo khoa và các thầy cô giáo dạy toán của chúng
ta càng không ý thức được rằng họ đang bắt chước Frege trong cách trình bầy
toán học, sính diễn đạt toán học bằng những ký hiệu trừu tượng hình thức, xa rời
ngôn ngữ đời sống, mà hoàn toàn không biết rằng chính Frege cuối cùng đã tự phủ
nhận tư tưởng toán học của bản thân mình.
Đó là một sự thật trớ trêu,
quá trớ trêu, bởi vì người ta đua nhau bắt chước một phong cách của một tác giả
mà chính tác giả ấy đã tự chê bai và từ bỏ. Sự trớ trêu ấy đã làm cho nhà toán
học Philip Kitcher phải chua chát thốt lên rằng: “Triết học toán học 30 năm qua
chỉ là một chuỗi những ghi chú cho Frege”. Một nhà toán học khác là Reuben
Hersh[8], tác giả cuốn “What is Mathematics, Really?” (Thực
ra Toán Học là gì?), cũng buồn rầu thừa nhận: “Bất chấp sự thất bại về mặt triết
học, chủ nghĩa lý thuyết logic tập hợp vẫn thống trị nền triết học toán học
ngày nay”.
Thật vậy, bất chấp những lời
trăng trối do chính Frege để lại, hậu thế vẫn tiếp tục đi theo vết xe đổ của
ông. Đó là một hiện tượng kỳ quái, khó hiểu, và có thể là độc nhất vô nhị trong
lịch sử khoa học nói chung và toán học nói riêng. Để “giải mã” hiện tượng kỳ
quái đó, có người vội đặt dấu hỏi nghi vấn: Phải chăng trong di sản của Frege vẫn
có cái hay cái đẹp đáng bắt chước, vì thế mới có “chủ nghĩa Frege mới”?
Xin trả lời ngay rằng KHÔNG!
Những ai còn nghĩ như thế
thì chỉ chứng tỏ rằng người đó không biết gì về Frege, không biết gì về những lời
trăng trối của Frege, không biết gì về lịch sử toán học thế kỷ 20, không biết
gì về những bài học đã được rút ra từ lịch sử đó. Những người này có thể từng được
coi là “giỏi toán”, có một vốn liếng toán học tiếp thu từ những thập kỷ cách
đây vài chục năm, nhưng sau đó chỉ đem những vốn liếng đó ra hành nghề giảng dạy
mà không chịu tiếp tục học hỏi mở mang thêm, không biết rằng thế giới đã thay đổi,
đặc biệt từ cuối thế kỷ 20 cho đến nay, do đó vẫn tiếp tục “nằm trong chăn” để
tụng niệm ngôn ngữ của Frege, coi đó là ngôn ngữ chân chính và duy nhất của
toán học, và do đó vô tình tiếp tục nuôi dưỡng Chủ Nghĩa Hình Thức.
Với những người mê ngủ đó, cần
phải gõ lên tiếng kẻng báo động: Chủ Nghĩa Hình Thức đã lỗi thời rồi, thậm chí
đã chết rồi, chỉ còn cái “bóng ma” của nó vẫn cứ ám ảnh những nhà giáo dục mê
ngủ mà thôi!
Thật vậy, cả Hilbert lẫn
Frege đều đã bị chứng minh là nhầm lẫn. Định Lý Bất Toàn (Theorem of
Incompleteness) của Kurt Gödel đã phủ nhận toàn bộ chương trình Hilbert, phủ nhận
toàn bộ công trình hình thức hoá số học của Frege.
Kết luận trên có thể làm cho
một số “học giả” dẫy nẩy lên phản ứng: Phủ nhận hình thức hoá là phủ nhận toán
học, vì hình thức hoá là một phương tiện không thể thiếu của toán học, nhờ hình
hức hoá mới có toán học ngày nay, chẳng hạn, nếu không hình thức hoá thì làm gì
có số ảo i = , làm gì có lý thuyết số phức, làm gì có khoa học logic, và do đó
làm gì có khoa học computer ngày nay, v.v. Vậy phủ nhận hình thức hoá tức là chống
lại toán học, chống lại khoa học (!).
Với những “học giả” đó, cần
phải nhắc lại điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, và đặc biệt, phải trích ý
kiến của Reuben Hersh trong cuốn “Thực ra Toán Học là gì?” (đã dẫn). Hersh viết:
Logic là gì? Phải chăng đó là những quy luật
tư duy chính xác? Kinh nghiệm thường ngày và những nghiên cứu phong phú của các
nhà tâm lý học cho thấy phần lớn tư duy của chúng ta không tuân theo logic. Từ
đó suy ra rằng, hoặc phần lớn tư duy của con người là sai, hoặc logic chỉ tác động
trong một phạm vi quá hẹp. Computers chính là những chiếc máy tuân thủ logic,
đó chính là câu trả lời! Logic là những quy tắc của máy tính! Logic cũng áp dụng
cho con người khi con người cố gắng biến mình thành những chiếc máy tính!
Xin nói rõ thêm: Bài viết
này không phản đối nhu cầu hình thức hoá trong nghiên cứu toán học, nhưng phản
đối việc hình thức hoá, máy móc hoá, chương trình hoá bộ não của học sinh! Học
sinh là con người chứ không phải những chiếc máy tính, đúng như Hersh đã nói!
Xin đừng cố gắng biến học sinh thành máy tính! Xin các nhà giáo dục hiểu cho rằng
đối tượng của giáo dục là con người chứ không phải những chiếc máy! Nghệ thuật
của sư phạm có những đặc điểm riêng mà một người “giỏi toán” có thể không hiểu,
bởi vì bản chất của giáo dục là KHAI TÂM chứ không phải là nhồi nhét kiến thức!
Ngay cả đối với sinh viên đại học chứ đừng nói tới học sinh, việc khai tâm vẫn
quan trọng hơn khai trí, bởi vì một khi tâm đã động thì học sinh và sinh viên
có thể tự học, tự nghiên cứu, tự mở mang, và sẽ trở thành một trí thức chân
chính, trong khi những con vẹt được điểm 10 trong thi cử sẽ chỉ trở thành những
chiếc máy tính loại xoàng. Rất tiếc là lối dạy học nhồi nhét hình thức ngày nay
chủ yếu chỉ tạo ra những con vẹt nhiều hơn là những trí thức chân chính!
4] Thay lời kết:
Riêng Frege, không cần đợi đến
khi Định Lý Bất Toàn ra đời, ông đã thay đổi quan điểm, tự ông đã phê phán tính
hão huyền của Chủ Nghĩa Hình Thức. Tại sao bỗng nhiên Frege thay đổi, và Frege
đã thay đổi như thế nào? Đó là một bí mật lý thú cần phải làm sáng tỏ, và sẽ được
làm sáng tỏ.
Rất tiếc là nhiều nhà giáo dục
hiện nay đang bắt chước Frege lại không hề biết điều đó, và do đó họ không ý thức
được rằng việc ra sức nhồi nhét vào đầu trẻ em những khái niệm trừu tượng xa rời
thực tiễn không những chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về lịch sử toán học, đồng thời
còn tỏ ra thiếu hiểu biết về nghệ thuật sư phạm.
[1] L’homme est un roseau, le plus faible de la nature, mais c’est
un roseaupensant.
[2] Je pense, donc je suis.
[3] Xem “Thầy Bói Xem Voi” (Phần 1) của Phạm Việt
Hưng, Khoa Học & Tổ Quốc số Tháng 2-2009.
[4] “Chiếc Chén Thánh” (The Holy Grail) là một
thuật ngữ có nghĩa đen là chiếc ly Chúa Jesus đã dùng trong bữa tiệc cuối
cùng với các môn đệ trước khi Chúa bị hành hình. Nhưng thuật ngữ này thường được
dùng trong nền văn hoá tây phương với nghĩa bóng, ám chỉ những khát vọng có thể
rất thiêng liêng, vĩ đại, nhưng quá xa vời, rất khó với tới, thậm chí không bao
giờ với tới.
[5] Trích “L’enseignement mathématique”, Henri
Poincaré, 1899
[6] Xem “What is Mathematics, Really?”, Reuben
Hersh, Chapter 7, Immanuel Kant
[7] Xem thêm: “Hệ tiên đề Hilbert có hoàn hảo?”,
Phạm Việt Hưng, Tia Sáng tháng 08-2002.
[8] Giáo sư danh dự Đại học New Mexico, nổi tiếng
vì những công trình triết học toán học, từng đoạt Giải Thưởng Sách Quốc Gia Mỹ
năm 1983 nhờ cuốn “Mathematical Experience”. Cuốn “What is Mathematics,
Really?” được đánh giá là một “outstanding book” (một cuốn sách nổi bật) của
năm 1998.
Phạm Việt Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét