Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Nước Pháp vinh danh nhạc sĩ Chopin


Nước Pháp vinh danh nhạc sĩ Chopin

Thanh Hà
Chân dung Chopin do họa sĩ Delacroix-Bảo tàng Louvre
Gần 20 năm lưu lạc trên đất Pháp, cho đến hơi thở cuối cùng Frédéric Chopin không ngừng đóng góp để Paris xứng đáng là thủ đô văn hóa. Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông, nước Pháp, quê hương thứ hai của Chopin, vinh danh ông như một nghệ sĩ bậc thầy, một nhà soạn nhạc xuất chúng.
Frédéric Chopin
2010 là năm nước Pháp vinh danh Frédéric Chopin nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhạc sĩ. Sinh ra và lớn lên ở Ba Lan, nhưng ông đã chọn nước Pháp là quê hương thứ hai, một mảnh đất lành gợi cho Chopin nhiều cảm hứng sáng tác, tạo cơ hội cho tài năng của ông thăng hoa.
Gần 20 năm quay cuồng với đam mê nghệ thuật, với chiếc dương cầm, cho đến hơi thở cuối cùng, người nhạc sĩ này đã liên tục có những bước đột phá trong nghệ thuật chơi đàn.
Chopin không ngừng đóng góp để Paris xứng đáng với tên gọi là thủ đô văn hóa, là chiếc nôi của trường phái lãng mạn, là điểm hội tụ của những vì tinh tú trong nghệ thuật âm nhạc của thế kỷ thứ XIX.
Thân thế Chopin
Mang hai dòng máu Pháp và Ba Lan, sinh trưởng trong một gia đình khá giả gần thủ đô Vacxava, có khiếu âm nhạc từ bé, Frédéric Chopin chính thức học nhạc từ năm lên sáu tuổi và bắt tay vào việc sáng tác ngay từ đấy.
Sau khi hoàn thành hai bản Polonaise đầu tiên, Frédéric đã có những buổi trình diễn riêng tại dinh thự của các gia đình quý tộc ở Vacxava, như gia đình Đại quận công Constantin, người anh cả của Sa Hoàng Nga Nicolais đệ nhất. Nghệ thuật chơi đàn của Chopin nổi tiếng từ đấy.
Thế giới của Chopin thời niên thiếu không chỉ chỉ giới hạn ở lĩnh vực âm nhạc và cây dương cầm. Frédéric Chopin còn say mê nghệ thuật sân khấu và nhất là văn học Ba Lan.
Cho dù sức khỏe yếu kém từ nhỏ, nhưng Chopin luôn khát khao tìm đến những chân trời mới. Vừa 18 tuổi Frédéric Chopin lần đầu tiên rời xa tổ ấm, một mình đến Berlin để làm quen với giòng nhạc châu Âu, như thể loại opera qua các tác phẩm của nhạc sĩ Spontini người Ý, «Freischutz» của Carl Maria von Weber một cây đại thụ trong nghệ thuật âm nhạc Đức
Nhưng có lẽ bước đột phá lớn nhất trong sự nghiệp đã đến với Chopin khi nhạc sĩ này có cơ hội tận mắt trông thấy nhạc sĩ người Ý, Niccolo Paganini và chiếc vĩ cầm của ông chỉ là một trong các bản concerto ra mắt công chúng Ba Lan.
Paganini không chỉ là một nhà soạn nhạc nổi tiếng, ông còn là tay violon điêu luyện nhất thời đó.
Từ buổi hội ngộ với thiên tài người Ý này, con đường sáng tác của Chopin rẽ sang một khúc quanh mới: Từ nay, Chopin và cây đàn piano cũng chỉ là một.
Trừ một vài ngoại lệ, Frédéric Chopin chỉ viết nhạc cho dương cầm.
Tượng bàn tay F. Chopin
Khác với hai nhạc sĩ dương cầm lớn cùng thời là Franz Liszt và Robert Schumann, Chopin không «vũ bão» với cây đàn piano như Liszt ; chiếc dương cầm dưới đôi tay của Chopin không đơn thuần là người bạn tri kỷ để gửi gấm vui buồn như quan hệ giữa Schumann với cây đàn. Người ta thường nói khi chơi nhạc, hồn của Chopin nhập vào cây đàn để tạo nên chất thơ và mỗi âm điệu, tự nó là một vần thơ
Giã từ quê hương
Giấc mộng viễn du để tung hòanh trên bầu trời âm nhạc châu Âu, hay thời thế đã đưa chân Frédéric Chopin đến những phương trời xa lạ?
Vào đầu thế kỷ XIX, Ba Lan bị quân đội Nga chiếm đóng. Là một người yêu nước, năm 1830, Chopin khước từ lời mời trình diễn trước Sa Hòang Nicolais đệ nhất tại Vacxava.
Chopin cũng không thể tiếp tục sáng tác khi những người bạn cùng trang lứa đang lao vào cuộc đấu tranh để đưa Ba Lan thóat khỏi vòng kềm tỏa của đế quốc Nga. Chopin sớm hiểu: Vũ khí của ông là âm nhạc.
Ông lên đường đúng vào ngày lễ Thanh Minh trong truyền thống Công giáo mồng 02/11/1830. Mang theo hành trang là một chiếc ly bạc, đựng một ít đất của Ba Lan để dù phiêu bạt đến tận phương trời nào, thì một nắm đất tổ quê cha cũng đủ để sưởi ấm con tim người nghệ sĩ. Một chuyến đi không biết ngày về, một chuyến đi đưa ông vào cõi chết, như bản thân Frédéric Chopin đã linh tính trước.
Ông để lại sau lưng một mối tình dang dở, một phần ba sự nghiệp sáng tác gồm nhiều thể loại, như các khúc nhạc dân ca Mazurka, những bản Polonaise chỉ mang dấu ấn riêng của Chopin hay Etudes đã được xem là đỉnh cao của nghệ thuật dương cầm.
Chặng đầu tiên trên con đường lưu vong của Frédéric Chopin dừng tại Vienna, nơi giới yêu âm nhạc chỉ quay cuồng với những vũ điệu Valse của Strauss, mà dửng dưng với những áng thơ trong dòng nhạc của Chopin. Vienna đã vô tình đẩy người nhạc sĩ Ba Lan này vào vòng tay êm ái của Paris.
Paris, đất lành chim đậu
Mùa thu năm 1831, Chopin đến với một thành phố tràn đầy nhựa sống, «Thế giới đẹp nhất trên đời» như ông đã từng tâm sự.
Cộng đồng người Ba Lan lưu vong, hầu hết là giới quý tộc đã tìm đến nước Pháp để nương thân cũng như giới nghệ sĩ Paris mở rộng cửa đón nhạc sĩ Chopin.
Như Chopin, Franz Liszt cũng là một nhạc sĩ từ đông Âu đến Pháp
Nguồn: bảo tàng Hungari

Tại đây Frédéric Chopin đã kết bạn với những nhạc sĩ bậc thầy, như Liszt, Berlioz, Mendelssohn, với Camille Pleyel một nhà chế tạo dương cầm đã cung cấp cho ông những cây đàn piano đến mãn đời.
Ngay từ buổi ra mắt đầu tiên giới yêu âm nhạc tại salon của gia đình Pleyel, một nhà phê bình lớn thời đó đã nhìn thấy «rất nhiều ý tưởng mới lạ trong âm nhạc» của người nghệ sĩ đến từ Ba Lan này.
Chopin «đang thổi một làn gió mới vào nghệ thuật piano và ông sẽ để lại dấu ấn sâu đậm cho nhiều thế hệ chơi đàn».
Gần như chỉ một sớm một chiều, Frédéric Chopin đã khẳng định vị trí trong giới âm nhạc và nghệ thuật. Rất ít xuất hiện trong các buổi trình diễn đại chúng, dù vậy Chopin đã trở thành một trong những nhạc sĩ uy tín nhất của Paris.
Sáng tác và chơi đàn, ông dậy học thêm để kiếm sống. Những năm đầu trên đất Pháp cũng là những năm mà Chopin say mê soạn nhạc. Ông liên tục cho ra đời mười hai bài Etudes, sáu dạ khúc Nocturnes, bốn bản Mazurka và còn nhiều tuyệt tác khác nữa.
Thành công và vinh hoa không làm lu mờ bóng hình Ba Lan trong lòng người nghệ sĩ : Frédéric Chopin tham gia nhiều buổi hòa tấu từ thiện, gây quỹ giúp đỡ những người Ba Lan bỏ xứ đi tìm tự do như ông.
Sống trên đất Pháp tổng cộng 19 năm, Frédéric Chopin để lại hai phần ba toàn bộ những tác phẩm.
Đấy là những năm tháng mà tài nghệ và danh tiếng Chopin lên đến tột đỉnh. Chopin được mời biểu diễn trước nhà vua Louis Philippe và hòang gia Pháp. Suốt cuộc đời, Frédéric Chopin từng chơi đàn trước những vì vua chúa, từ ở Vacxava sang đến Paris hay Luân Đôn.
Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất đối với người nhạc sĩ này là khi Niccolo Paganini - ở vào thế kỷ thứ XIX ông được xem là «nghệ sĩ vĩ đại nhất của mọi thời đại» - trong một chuyến lưu diễn ở Paris năm 1838, đã đến tận nhà thăm Chopin để khen tụng một «tài năng xuất chúng», một «hiện tượng âm nhạc».
Chúng ta còn nhớ rằng đúng mười năm trước đó, trong mắt của Niccolo Paganini, Frédéric Chopin là một chàng nhạc sĩ vô danh, mà vô tình ông đã gặp trong một buổi trình diễn ở Vacxava.
Họa sĩ Delacroix, cũng như nhiều thi sĩ, những nhà văn lớn ở vào đầu thế kỷ thứ 19 đặc biệt là cây bút nữ George Sand là những chỗ thân tình với Chopin.
Nhà văn George Sand
Sách vở đã nói nhiều về cuộc tình éo le đầy sóng gió của tác giả Ao Quỷ -La Mare au Diable- với chàng nhạc sĩ Ba Lan. Đấy cũng là những năm tháng mà tâm hồn cô đơn của Chopin tìm thấy một chút bình yên, một niềm an ủi.
Trong giai đoạn này, ông cho ra đời những tuyệt tác, trong đó phải nói tới bản Polonaise thứ sáu được thể hiện sau đây qua tiếng đàn của giải thưởng âm nhạc quốc tế Frédéric Chopin năm 1980: Đặng Thái Sơn.
Ra đi không ngày về
Thể chất vốn đã yếu đuối, Chopin lại bị bệnh lao hành hạ. Kể từ năm 1842, sức khỏe của ông suy sụp trông thấy. Những tin buồn từ Ba Lan dồn dập đến với Chopin. Cái chết của người cha thân yêu mà ông chỉ được gặp lại một lần duy nhất từ khi bỏ xứ ra đi ; tin những người bạn thân và người thầy dậy nhạc đầu tiên của Chopin qua đời.
Những trăn trở với quê hương đất nước, với những mảnh đời xa vắng, với mái ấm gia đình ông đã đánh mất từ năm 21 tuổi, là ngọn lửa sáng tác của Chopin. Và trong làn hơi sáng tác đó, nhạc sĩ Berlioz đã cảm nhận được: «mỗi nốt nhạc tóat ra từ cây đàn, mỗi âm điệu như thể đã mang theo một mảnh đời người nhạc sĩ». Nhựa sống của Chopin như thể chắp cánh bay theo từng nốt nhạc để lạc vào hư không.
Bà bá tước Delfina Potocka, người yêu 
duy nhấtChopin được gặp lại trước khi nhắm mắt
Cả một cuộc đời như chơi ú tim với những cuộc cách mạng, với những khúc quanh của lịch sử châu Âu, với những cuộc tình không một lần êm ả, càng cận kề cõi chết, sức sáng tác của Chopin càng mãnh liệt. Ông cho ra đời một lọat các bản Barcarolle, những bản Valse và Mazurka cuối cùng.
Ngày 17/10/1849 khi trở về với cát bụi, nguyện vọng cuối cùng của Chopin là để lại hình hài trên đất Pháp, nhưng trái tim của Chopin thì phải được ngủ yên nơi đất Mẹ.
Tang lễ của Chopin được cử hành ngày 30 cùng tháng, tại nhà thờ Madeleine. Ba ngàn người đến chia tay với Frédéric Chopin lần cuối. Người con của Ba Lan về an nghỉ tại nghĩa trang Père La Chaise, phía đông Paris cùng với nắm đất Ba Lan đã luôn theo chân người nghệ sĩ này từ khi ông xa lìa tổ quốc.
Chị gái của Chopin trở lại Vacxava cùng với trái tim người nghệ sĩ, chiếc ly bạc được đong đầy đất của nghĩa trang Père La Chaise và một vài di vật Chopin để lại.
Trong số này, phải nói đến bức thư tuyệt tình của cô nữ sinh thanh nhạc học viện âm nhạc Vacxava, Konstancja Gladkowska, mối tình đầu của Frédéric Chopin; phải kể đến dòng chữ« niềm bất hạnh » trên tập thơ Maria gửi đến Chopin, khi giấc mơ kết duyên Châu Trần với cô con gái của gia đình bá tước Wodzinska tan vỡ.
Dấu ấn của Chopin 200 năm sau
Frédéric Chopin là một trong những nhạc sĩ đầu tiên mà những sáng tác của ông đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi đến giới yêu âm nhạc. Từ khi còn sinh thời, dòng nhạc Chopin đã không còn biên giới.
Hai trăm năm sau, Frédéric Chopin vẫn là tác giả được yêu chuộng nhất ở bất cử thể loại nào. Bóng dáng Chopin luôn ẩn hiện trên sân khấu các phòng nhạc nổi tiếng nhất thế giới từ Salle Pleyel ở Paris đến Carnegie Hall tại New York.
Chương trình của các dàn giao hưởng Philharmonic của Chicago, Berlin, của Luân Đôn hay Praha không thể thiếu Chopin.
Ngoài khoảng 200 sáng tác còn lưu lại, thì còn phải nói đến giải dương cầm quốc tế lâu đời nhất và uy tín nhất mang tên Frédéric Chopin.
Được tổ chức 5 năm một lần tại Vacxava, từ năm 1927 đến nay, ban giám khảo đã vinh danh 18 nhạc sĩ của thế giới. Trong số này phải kể đến tên tuổi của nhạc sĩ Việt Nam Đặng Thái Sơn, người đầu châu Á đầu tiên được trao tặng giải thưởng cách nay đúng 30 năm.

Thanh Trang
Theo http://forum.phunuviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...