Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Thơ Mai Văn Phấn, tiếng nói tỉnh táo và đa thanh

Thơ Mai Văn Phấn, tiếng nói tỉnh táo và đa thanh
Thơ Mai Văn Phấn, nhà thơ tên tuổi đất Cảng, đã làm tôi thao thức, trăn trở. Xuyên suốt các tập thơ đã xuất bản, từ “Giọt nắng”, “Gọi xanh”, “Cầu nguyện ban mai”, “Nghi lễ nhận tên”, “Người cùng thời”, “Vách nước” đến những bài thơ công bố trên báo chí gần đây cho thấy, thơ anh giàu triết lý, có sự giao thoa của các nền văn hoá, nhưng xuyên suốt vẫn là một giọng thơ mang ánh sáng văn hoá phương Đông.
Từ những bài thơ “đầu tay” của Mai Văn Phấn, người đọc thấy rõ lối tư duy liên tưởng bắc cầu. Mặc dù thời gian mới xuất hiện, cũng như nhiều cây bút đương thời, thơ anh còn bị dẫn dụ bởi tính truyền thống, nhưng đã hé lộ khuynh hướng cách tân, những tìm tòi độc đáo. Và đã ít nhiều nổi lên tranh luận qua những câu thơ, như: “Lỡ vin vào bóng mây qua / Lỡ nghe đắm đuối tiếng ma gọi đò / Đầu kim tựa có ai chờ/ Khâu ta vào với ỡm ờ xửa xưa” (Gom nhặt cuối mùa).
Sự tưởng tượng này, càng về sau càng tăng thêm cấp độ, làm cho thơ Mai Văn Phấn đa thanh, đa nghĩa và giàu tính triết lý: “Hương hoa giăng với tơ tằm/ Ta hay con kén đang nằm trên nong / Bầu trời tựa cái chén không / Đem hồn ta rót cho hồng chân mây” (Rượu xuân). Từ ý thức này, Mai Văn Phấn đã tự phá vỡ những trói buộc của vần điệu, thể loại. Anh như con “ngài” phá “kén” chui ra, với một giọng điệu hoàn toàn khác trước. Phóng khoáng hơn, mới mẻ hơn, khỏe khoắn hơn trong thể thơ tự do, Mai Văn Phấn đã “phát lộ” con đường thi ca riêng biệt của mình. Anh chú ý hơn đến việc xâu chuỗi những ý tưởng thành tư tưởng. Do vậy, thơ anh ngày càng dồn nén hơn, tâm trạng hơn: “Sớm/ hái bông hoa hồng/ Chiều/ gai cào mộng mị / Sẹo/ lên xanh biếc thế/ Gai/ trong hồn đơm hoa” (Gai). Trong bài thơ Lời người trồng hoa biểu lộ rõ khát vọng khai phá: “Tôi trồng hoa nơi cỗi cằn đất không còn là đất / Mưa đang tái sinh bỗng lại nắng lụi tàn/ Chợt có heo may/ Chợt/ Và bất chợt.../ Hoa vẫn đốt lên cho sáng cái hang sâu hun hút bốn mùa”. Cũng bắt đầu từ đây, lộ rõ một Mai Văn Phấn với chủ âm của vẻ đẹp nhân cách, rung hồi chuông cảnh tỉnh mọi người: “Công bằng là trời xanh, oan khuất đến như mây/ Chỉ có cánh hoa là nghe thấy cả/ Nơi đất mỡ màu, cây có khi chỉ toàn ra lá/ Lá cũng lại như bài học công bằng” (Lời người trồng hoa). Là người sáng tạo, Mai Văn Phấn dị ứng với cái cũ, cái lỗi thời, anh hăm hở như người nông dân khai phá trên những cánh đồng, đặt nhiều hy vọng ở “mùa vụ mới”. “Những đường cày” trong thơ anh thẳng băng, lóe sáng khát vọng gieo trồng, khát vọng thay đổi: “Những hạt giống vừa chạm vào ánh sáng / Đã gặp những gì chẳng thấy trong mơ/ Rơm rạ mục dâng lên từ đất ẩm/ Gió xước qua bụi gai trong lúc giao mùa/ Ngày mới đến đưa bàn tay nắng ấm/ Để lấy đi những hạt cuối cùng/ Tôi chếnh choáng rỗng không chiếc hũ/ Đợi những mùa vàng rạo rực hiến dâng” (Tự thú trước cánh đồng).
Từ khát vọng này, Mai Văn Phấn đã quyết dấn thân, tìm tòi, đổi mới, làm lại một “bình minh” mới cho thơ mình. Từ những liên tưởng, hoài niệm về quá khứ, Mai Văn Phấn trở thành “thư ký” trung thành của thời đại mình. Bắt đầu từ cuối những năm 1990, thơ Mai Văn Phấn đằm sâu thế-thái-nhân-tình. Thơ anh có sự thay đổi cơ bản về nhịp điệu, cấu trúc. Dường như Mai Văn Phấn muốn làm khác đi, phá vỡ giọng điệu, phong cách đã “manh nha” định hình. Tính ổn định truyền thống bị chính anh “bóc gỡ”. Anh chủ tâm hơn trong việc tạo hình khối, kích cỡ của những vỉa tầng tư tưởng. Từ tự-sự-trữ-tình anh chuyển sắc độ, “tước bỏ” những phần “thừa” để “tinh chất” một trữ-tình-thế-sự. Có lúc có cảm giác anh như một người thợ xây, vừa xây xong một bức tường kiên cố đã dùng chính con dao xây mình vừa miết từng mạch “si vữa” để bóc đi, đạp đổ, làm lại một giá trị khác hẳn. Bởi vậy nên anh luôn tạo ra sự mới mẻ, bất ngờ cho người đọc. Khi nhịp điệu câu thơ bị ngắt ra, không lệ thuộc vần điệu, không có dấu chấm, dấu phẩy, ta như bị lạc vào thế-giới-đa-chiều, không gian của những cộng hưởng... Không duy hình, không duy lý nhưng nhiều sáng tạo, những triết lý nhân sinh, cái nhìn luôn luôn “động” của Mai Văn Phấn đã mang đến cho thơ anh một nhịp điệu khỏe khoắn, lạnh và sắc. Biểu hiện rõ nhất trong các chương đoạn của trường ca Người cùng thời là cái nhìn bản chất về hai phần: “Con” và “Người” với tư tưởng: “Muôn năm con người / Muôn năm thiên nhiên”. Mai Văn Phấn có lúc như “nhập thiền”, nhưng nhiều khi lại như nhà hiền triết. Trong tuyên ngôn “Tôi với mọi người” (Chương I của Trường ca), Mai Văn Phấn đã không ngần ngại trong khẳng định: “Ai vô danh bước chân cò / Phù sa đọng xuống bãi bờ vô danh / Đời cua cua máy... đã đành / Mà đời cáy cũng loanh quanh hết chiều”. ý thức được mình chỉ là hạt cát trên sa mạc, cá thể giữa quần thể nên trong “Cộng hưởng I” (Chương III của Trường ca), Mai Văn Phấn đã “đi qua” nhiều miền ký ức, hướng về thiên nhiên, cội nguồn, lịch sử, văn hóa; học lại từng điều để chỉ những mong: “Những chân móng bức tường đồng điệu với đất đai. Sự cộng hưởng vu vơ giữa bàn tay và chiếc lá, ánh mắt và ánh nắng, tiếng khóc và tiếng hát, để thằng Cu, cái Tí vang trên miệng người thành những tên riêng”. Có lẽ đây cũng là khát vọng “cộng hưởng” để xác lập một chân-giá-trị-mới, chí ít là với thơ của Mai Văn Phấn. Với một ý thức công dân đầy trách nhiệm, qua trường ca Người cùng thời, Mai Văn Phấn đã đi đến tận cùng cái “tôi”, và anh đã gặp cái “ta” lớn lao, đó là nhân dân, đất nước, con người, là khát vọng “nối vòng tay lớn” hòa nhập nhưng không thể hòa tan, hòa đồng nhưng không mất bản sắc. Dấu ấn thời đại in đậm trong trường ca cũng là dấu ấn đầy tự tin trong khát vọng khai phá, gieo trồng và làm “mới” lại mình của Mai Văn Phấn.
Tôi cho rằng, ở Trường ca Người cùng thời, tuy Mai Văn Phấn đã có nhiều cách tân, cả trong cách cảm, cách nghĩ, cả trong hình thức thể hiện nhưng kết cấu của Trường ca vẫn là ‘một mảng khối”. Nó như một bức-phù-điêu-tâm-trạng Mai Văn Phấn trước thời cuộc và thời đại. ở đây còn có cả sự “đối diện” với mình, độc thoại với mình, dù là đứng trước cánh đồng, trước biển, soi vào lịch sử giữa “Đằm thắm mặt người” hay “Mail cho em”. Đọc thấy “mỏi” vì những câu thơ không chấm phẩy, xuống hàng nhưng bị “dẫn dụ” bởi trường liên tưởng “phá vỡ” những rào cản, vỏ bọc. Mai Văn Phấn cũng không ngần ngại bày tỏ: “Từng cung bậc trong các cộng hưởng đang mở những bàn tay vào không gian phía trước. Cùng thời với cả những người  chưa kịp sinh ra mà gương mặt đã hiển hiện trong vòm cây, bóng nước. Cùng thời với cả những người đã chết bởi những từ ngữ hàng ngày ta vẫn thường gọi đến tên nhau”. Từ những trải nghiệm, chiêm nghiệm, những bài học trong đời sống hiện đại sôi động, từ sau Trường ca Người cùng thời, nghĩa là từ năm 2000 đến nay, thơ Mai Văn Phấn mang nhiều tính dự báo, cảnh tỉnh, thức tỉnh hơn trước. Với lối tư duy phức hợp, “trong câu ấy có câu khác”, thơ Mai Văn Phấn đã có thêm rất nhiều biến ảo, đi đến tận cùng của cái “tôi” của nỗi đau nên thơ anh thật nhiều vỉa tầng, ý nghĩa. Càng đọc càng thêm nhiều “khám phá” về tính cộng hưởng của từng câu thơ trong một bài, của từng bài thơ trong cả tập, của chương này với chương khác trong Trường ca. Tôi không thích sự bằng lòng với chính mình nên mê những câu thơ có vẻ như hơi “cực đoan” của Mai Văn Phấn”. Có lẽ nhờ chính sự “cực đoan” mà anh đến được đỉnh điểm, tạo được “cao trào”. Trong bài thơ Biến tấu con quạ, một bài thơ tiêu biểu của Mai Văn Phấn, mới công bố trên báo Văn nghệ gần đây, chính yếu tố “cực đoan” đã tạo ra được ấn tượng mạnh, gây nên những cú “xốc” trong lòng người đọc. ảo giác, đúng là bằng ảo giác, Mai Văn Phấn đã cho chúng ta cái nhìn chân thật nhất đang diễn ra trong đời sống: “Khai sinh/ Sau tiếng quạ kêu / Ra đi không cưỡng lại / Gói bọc được mở ra / Sự băng hoại không thể cất giấu / Thày lang đốt sách cuối vườn / Tân dược trong kho đều quá hạn sử dụng / Những phù thủy chịu hình phạt / Miệng bị đóng bởi những móc sắt”.
Mai Văn Phấn tự trọng trong đời sống, tự trọng trong thơ, nhắc nhở chúng ta lòng tự trọng: “Nhà thơ trú trong bóng râm/ Những con chữ bị khoét mất mắt”. Những câu thơ sắc lạnh và trực diện “vỗ mặt” như thế, làm thức tỉnh nhân cách, thức tỉnh ý thức công dân, lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút. Những “Tỉnh táo” và trong cả “Tỉnh táo tột cùng” (thơ MVP), ngỡ rằng Mai Văn Phấn trong trạng thái tạm gọi là “cực đoan” vẫn luôn cảnh giác: “Tôi được tôn vinh là hiện tượng/ Được đăng tải trên trang bìa/ Được chiêu đãi đến say xỉn/ Em hay năm bảy em dìu tôi về?/ Thoáng bóng ai đi xe đạp vào ngõ hẹp/ Hay hàng vạn diễn viên đang trình diễn giữa quảng trường”. Đó là cách tự vấn mang tính hài cao trong thơ Mai Văn Phấn giai đoạn gần đây. Trong tâm giao, đồng cảm, trên “con tàu thơ không có ga dừng” khi đi qua “cửa hẹp”, chúng ta cùng “tỉnh táo” đón nhận “Gió biển đang bắn vào từng mũi tên mát rượi”.
Nguyễn Hưng Hải
Theo http://maivanphan.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...