Phải nói gì đây để giới thiệu
JACQUES PRÉVERT?
Một tác giả chuyên viết kịch
bản và đối thoại cho phim ảnh? Một nhà văn viết truyện thiếu nhi? Một kịch
tác gia sáng tác và phóng tác nhiều vở kịch cho Nhóm Kịch Tháng Mười? Một người
yêu hội họa, bạn thân của các danh họa Braque, Picasso, Max Ernst…, tự minh họa
nhiều sách của mình, từng sáng tác và triển lãm tranh cắt dán? Một nhà thơ lúc
nhỏ chỉ ngồi trên ghế nhà trường đến 15 tuổi mà về sau có tác phẩm được đưa vào
sách giáo khoa làm tài liệu học tập cho bao nhiêu thế hệ người học tiếng Pháp?
Một tác giả ca từ của hàng chục bản nhạc được những giọng ca hàng đầu của làng
âm nhạc Pháp giới thiệu từ nửa thế kỷ nay và được người yêu nhạc khắp nơi trên
thế giới thuộc nằm lòng, kể cả qua các bản dịch?
Chân dung của JACQUES
PRÉVERT đã được khắc họa qua những lĩnh vực đa dạng và phong phú như thế. Sinh
ra cùng với thế kỷ XX và sống đến 3/4 thế kỷ này, JACQUES PRÉVERT đã để lại cho
đời những dấu vết sâu đậm. Năm 1992, mười lăm năm sau khi Ông qua đời, toàn bộ
tác phẩm của Ông đã được in trong Tủ sách Pléiade, một tủ sách “sang trọng”
dành cho những tác giả mà tài năng và danh tiếng đã được thừa nhận. Tập thơ
Paroles (Lời nói) xuất bản lần đầu vào tháng 5 năm 1946, chỉ một tuần sau đã
in thêm 5000 bản, đến nay vẫn còn tái bản và tính ra đã có hơn hai triệu bản
in. Khắp nơi trên đất Pháp hiện nay có hàng trăm trường học mang tên Ông, chỉ
tính riêng trường trung học (collège/ lycée) có đến 309 trường.
Ngay từ năm 1925, Ông đã đồng
hành cùng nhóm Siêu thực, cùng sáng tác và sinh hoạt với các nghệ sĩ của nhóm này
như Raymond Queneau, Yves Tanguy, Marcel Duhamel, Louis Aragon và tất nhiên cả
André Breton; nhưng chẳng bao lâu, với bản tính thích độc lập và tự do sáng tạo, Ông đã sớm tách rời trường phái Siêu thực, tách rời mọi ràng buộc phái
nhóm.
Trong thời gian từ 1932 đến
1936, Ông tham gia nhóm kịch Tháng Mười, viết nhiều vở kịch có nội dung
khuynh tả, bênh vực những người bị áp bức, bóc lột. Nhóm thường trình diễn
trong các khu lao động, các nhà máy, cửa hàng, đã từng sang Nga biểu diễn năm
1933. Năm 1950, Ông đã từng lên tiếng ủng hộ Henri Martin, người lính hải quân
(sau này là lãnh tụ của Đảng Cộng sản Pháp) đứng ra rải truyền đơn kêu gọi
nhân dân Pháp chống lại cuộc chiến tranh của Pháp tại Đông Dương. Thế nhưng,
khác với Aragon, Ông không hề gia nhập đảng Cộng sản.
Đồng thời với việc viết kịch
bản và đối thoại phim – khiến tên tuổi Ông gắn liền với tên tuổi của đạo diễn nổi
tiếng Marcel Carné và các diễn viên lừng lẫy như Jean Gabin, Michèle Morgan –
JACQUES PRÉVERT làm thơ khá sớm. Suốt thời gian từ 1929 đến 1945, thơ của Ông
xuất hiện rải rác trong các tạp chí hoặc dưới dạng bản đánh máy. Mãi đến năm
1946, một người bạn thân của Ông là René Bertelé, phụ trách nhà xuất bản Le
Point du Jour, mới tập hợp lại và cho ra mắt người đọc, lấy nhan đề là Paroles,
mở đầu cho một loạt tác phẩm đều đặn xuất hiện sau đó: Histoires (1946),
Spectacles (1951), Grand bal du printemps (1951), Charmes de Londres (1951), L’opéra de la lune (1953), La pluie et le beau temps (1955), Lumière
d’homme (1955), Fatras (1966), Imaginaires (1972),Choses et autres (1972), Hebdromadaires (1972) và, sau khi Ông mất, Soleil de nuit (1980),
La cinquième saison (1984).
Ngay từ các tập đầu tiên,
thơ JACQUES PRÉVERT đã chinh phục người đọc mọi lứa tuổi bằng một thứ ngôn ngữ
giản dị, dễ hiểu. Ông không coi trọng cú pháp, vần luật, diễn đạt nhẹ nhàng, hồn
nhiên, có khi như là văn nói. Cái nhan đề PAROLES (Lời nói) cũng phần nào hàm
chứa ý đó. Mà nhìn kỹ một chút thì PAROLES chính là anagramme (sắp xếp, đảo lộn
thứ tự các chữ cái) của LA PROSE (văn xuôi) đó thôi. Cái xu hướng tự do của
Ông trước hết thể hiện ở chỗ trong cùng một tác phẩm, Ông đưa vào đủ loại thơ:
thơ có vần, thơ tự do, thơ kể chuyện, trữ tình, công kích, có bài như một tiểu
phẩm (saynète), có những bài rất ngắn (3 câu, 4 câu), có bài dài trên 30
trang (La crosse en l’air/ Gậy quyền chỉ lên trời). Bài “Les paris stupides
/Những cuộc đánh cá xuẩn ngốc) chỉ vỏn vẹn thế này:
Un certain Blaise
Pascal
Etc..etc..
Một ông Blaise Pascal nào đó
v.v…v.v…
(Ý nghĩa bài này thế
nào? Chưa thấy ai «giải mã».).
Ông thoải mái sử dụng đủ mọi
hình thức chơi chữ jeux de mots): điệp âm, đồng âm, lặp lại, nói lái, đảo
ngược … Ông đặt tên cho một tác phẩm của mình là HEBDROMADAIRES. Đó là mot
valise tức là một từ mới được tạo ra bằng cách ghép một/ vài âm tiết của một từ
với một/ vài âm tiết của từ khác (hebdomadaire + dromadaire). Tương tự
như thế Ông viết un alcolonel (alcool+colonel) …Ông chơi chữ với hình thức đồng
âm (homonymie): De deux choses lune/ l’autre c’est le soleil. (l’une –
l’autre và lune.) Cũng là đồng âm nhưng ví dụ sau đây thật là bất ngờ :
Les conquérants: Terre ...
Horizon . Terrorisons.
Còn học trò Hamlet (trong
bài L’accent grave) khi chia động từ « être » đã nói Je suis ou je ne suis pas
rồi tiếp: Je suis « où » je ne suis pas và kết luận: Être
«où» ne pas être/ C’est peut-être aussi la question.
thì chỉ với một cái dấu
accent grave, không chỉ thầy giáo mà cả Shakespeare cũng phải ngạc nhiên.
Bài CHANT SONG trong tập
Spectacles không thể nào dịch được vì đây là kiểu chơi chữ đậm phong cách
PRÉVERT:
Moon lune
chant song
rivière river
garden rêveur
petite house
little maison ....
Một vài câu trích dẫn (citations) Ông đưa ra cũng rất thú vị:
«Người phụ nữ là một
tư tưởng, mạnh mẽ nhất của tạo hóa, nhưng là một tư tưởng hay nhảy nhót.» (La
femme est une pensée, la plus forte de la nature, mais c’est une pensée
dansante).
(Ta không quên câu của
Pascal: «Con người là một cây sậy, yếu đuối nhất của thiên nhiên, nhưng
là một cây sậy biết suy tư» («L’homme est un roseau, le plus faible
de la nature, mais c’est un roseau pensant.»)
«Nếu lời nói là bạc và
im lặng là vàng thì tiếng kêu của con tim là một hạt kim cương muôn màu muôn sắc.»
(Si la parole était d’argent et le silence d’or, le cri du cœur serait alors
un diamant multicolore.)
«Khi sự thật không được
tự do thì tự do không thật: những sự thật của cảnh sát là những sự thật của
hôm nay.» (Quand la vérité n’est pas libre la liberté n’est pas vraie :
les vérités de la police sont les vérités d’aujourd’hui.)
«Có lẽ phải cố gắng hạnh
phúc dầu chỉ là để làm gương» (Il faut essayer d’être heureux, ne
serait-ce que pour donner l’exemple.»
Một đặc trưng khác của ngôn
ngữ PRÉVERT là việc dùng hàng loạt danh từ, tính từ liên tiếp nhau, tiêu biểu
là bài Inventaire/ Liệt kê:
Một viên đá
Hai ngôi nhà
Ba phế tích
Bốn phu đào huyệt
Một khu vườn
Những bông hoa
Người đọc tưởng như đây chỉ
là những liên tưởng ngẫu hứng, không có một trật tự, một ý tưởng nào. Nhưng đọc
xuống đoạn sau :
Một ông đeo bắc đẩu bội
tinh đi liền sau câu
Một cánh cửa với tấm thảm
chùi chân
hoặc Một
vị giáo sĩ một cái mụn nhọt...
thì chắc chắn không phải là
ngẫu hứng nữa rồi.
Thế đó, JACQUES PRÉVERT viết
như một nhà ảo thuật của ngôn từ nhưng điều này không có nghĩa là thơ Ông dễ
dãi, hời hợt. Là người sớm vào đời lao động kiếm sống, Ông tỏ ra đồng cảm với
những cảnh đời khốn khó, chia sẻ với những thân phận bị áp bức, bóc lột. Ông lớn
tiếng chống lại những thế lực tước đi tự do và hạnh phúc của con người, và, ở
đây, không có đề tài nào là cấm kỵ (tabou) đối với Ông.
Cho dù đó là tôn giáo:
Lạy Cha chúng tôi ở trên trời
Xin Người cứ ở đó
Còn chúng tôi, chúng tôi cứ ở
dưới đất
Trái đất đôi khi rất xinh đẹp...
(Pater Noster)
Cho dù đó là vương quyền :
Louis XIV mà người ta còn gọi
là Vua Mặt trời
Thường hay ngồi trên chiếc
ghế thủng
Vào khoảng cuối triều đại
mình
Một đêm trời tối đen
Vua Mặt trời bước ra khỏi
giường
Đến ngồi trên chiếc ghế
Và mất hút.
(L’éclipse)
Ngược lại, Ông luôn ca ngợi
tình yêu, thương yêu trẻ em, quan tâm đến thú vật – đấy là những chủ đề quen
thuộc trong thơ JACQUES PRÉVERT.
Ông luôn nhắc đến thú vật
trong thơ của mình, đặc biệt là loài chim. Chỉ riêng trong tập
Paroles chim đã hiện diện trong hơn hai mươi bài. Chim có thể chịu một số
phận bi thảm, chim bị mèo vồ ăn mất một nửa rồi được cả làng tổ chức cho một
đám tang thật to ( Le chat et l’oiseau/ Mèo và chim), chim chết cả hàng ngàn
con khi bay về từ hải đảo vì lóa mắt trước ánh sáng ngọn hải đăng nên va đập
vào nhau (Le gardien de phare aime trop les oiseaux/ Người gác hải đăng
quá yêu chim). Nhưng chim bao giờ cũng là biểu tượng của tự do: Vẽ chim thì
trước hết phải vẽ cái lồng với cánh cửa để mở, rồi khi chim tự bay vào lồng rồi
thì hãy tháo gỡ dần từng chiếc chấn song, có thế chim mới cất tiếng hót (Pour
faire le portrait d’un oiseau/ Để vẽ chân dung một con chim). Chim phải được
thoải mái bay chuyền từ cành này sang cành khác (Le désespoir est assis sur un
banc/ Tuyệt vọng ngồi trên chiếc ghế băng).
Càng yêu thương loài vật,
Ông càng dành nhiều tình cảm cho tuổi thơ. Trẻ em không thể mãi là cậu học trò
nhỏ cứ phải đứng trước lớp để cho «người ta hỏi nó/ đủ mọi thứ vấn đề».
Trẻ em phải được quyền nói có với những gì mà nó thích, phải được lấy phấn
đủ màu/ trên tấm bảng thương đau/ vẽ khuôn mặt hạnh phúc. (Le cancre/
Học trò lười). Trẻ em không thể mãi bị tra tấn bởi những bài học nhàm chán hai
với hai là bốn, bốn với bốn là tám ...khi mà từ bên ngoài lớp học tiếng chim
hót vọng đến. Trẻ em phải được hát được chơi với chim để cho «tám
với tám bỏ đi/ và bốn với bốn và hai với hai / cũng lần lượt chuồn theo... » và
lúc đó thì:
... các bức tường lớp học
yên lặng sụp đổ
rồi cửa kính trở lại thành
cát
mực viết trở lại thành nước
bàn học trở lại thành cây
phấn viết trở lại thành vách
đá
và trẻ em trở lại với khung
trời mơ mộng của lứa tuổi thần tiên. (Page d’écriture/ Trang viết).
Đối với JACQUES PRÉVERT,
tình yêu rất cần cho cuộc sống, yêu là sống và sống là yêu:
Chúng ta yêu nhau và chúng
ta đang sống
Chúng ta đang sống và chúng
ta yêu nhau
Và chúng ta không biết cuộc
đời là gì đâu
Và chúng ta không biết hôm
nay là ngày mấy
Và chúng ta không biết tình
yêu nó ra sao.
(Chanson/ Bài ca)
Đó là tình cảm nhẹ nhàng
tinh khiết của những đứa trẻ ôm hôn nhau «trong ánh sáng chói lòa của mối tình
đầu tiên» (Les enfants qui s’aiment/ Những đứa trẻyêu nhau), tình yêu
của đôi trai gái cùng mới mười lăm tuổi phải «ăn gian» cọng tuổi cả hai để
nói chúng ta đã ba mươi tuổi rồi chúng ta đã có quyền yêu nhau. (Embrasse-moi/ Hãy ôm hôn em). Thơ tình của JACQUES PRÉVERT bao giờ cũng mượt mà trau chuốt,
kể cả những bài rất ngắn. ALICANTE chẳng hạn. (Alicante là tên một thành phố hải
cảng của Tây Ban Nha, cũng là tên một thứ rượu vang nổi tiếng sản xuất ở đây)
Có thể nói Jacques Prévert đã vận dụng sở trường về hội họa và kịch nghệ trong
bài này. Bài thơ mở đầu với hình ảnh một bức tranh tĩnh vật:
(1) Một trái cam trên bàn
(2) Áo em trên tấm thảm
Điều thú vị là tác giả đã
chuyển hình ảnh này sang đoạn sau bằng sự nhắc lại mà không trùng lặp ở hai câu
4 và 5:
(4)Tặng phẩm ngọt ngào của
hiện tại
(5) Khí mát của đêm thanh
Đến câu thứ ba (được nhắc lại
ở câu thứ 6) không gian tĩnh đã nhường chỗ thế giới động với sự xuất hiện của
nhân vật:
(3) Và em trên giường anh
(6) Hơi ấm của đời anh.
Và như thế tranh vẽ đã chuyển
thành màn kịch ngắn với ngôn ngữ không lời, bố cục độc đáo của bài thơ mở ra
nhiều hướng cho người đọc tự cảm nhận.
BARBARA là một kiểu thơ tình
khác. Đây là một cuộc tình bi tráng trong chiến tranh. Cô gái “tươi cười hân
hoan rạng rỡ“ vừa mới choáng ngợp trong tình yêu chạy dưới mưa “ngã vào trong
vòng tay “chàng trai đã sớm đối diện với “cuộc chiến tranh xuẩn ngốc”. Cả hai
phải chia tay trong bối cảnh thành phố Brest bị dội bom khốc liệt đến mức tất cả
đều bị hủy diệt:
Xa, xa hẳn Brest
Thành phố không còn chút dấu
vết.
Câu kết của bài dịch như
trên không diễn được cái âm thanh khô khốc, lạnh lùng, bi thương của từ RIEN
trong nguyên tác.
Thơ của JACQUES PRÉVERT còn
được chắp cánh bay xa khi chuyển thành nhạc. Bài thơ đầu tiên được phổ nhạc là
bài Les animaux ont des ennuis, phần nhạc do một người bạn gái thuở thiếu thời
của Ông là Christiane Verger viết từ năm 1928. Về sau, rất nhiều tác giả khác
đã sáng tác nhiều ca khúc bất hủ từ thơ của Ông, ngoài Joseph KOSMA (1905-1969) được nhiều người biết còn có thể kể Louis Bessières, Hanns Eisler, Wal-Berg,
Georges Auric, Jo Warfield, Henri Crolla, Sebastien …. Mấy chục năm nay những
bài này đã được nhiều thế hệ ca sĩ trình bày như Agnès Capri, Marianne Oswald,
Germaine Montero, Fabien Loris, nổi tiếng hơn là Juliette Gréco, Yves Montand,
Mouloudji, les frères Jacques, Edith Piaf và hiện nay còn có Jean Guidoni,
Catherine Ribeiro, Djemel Charif. Bài LES FEUILLES MORTES ra đời từ 1945, đến
nay vẫn còn nhiều người thích hát hoặc thích nghe.
JACQUES PRÉVERT đã đi qua thời
đại đầy biến động của Ông với một thái độ tỉnh táo, không gò mình trong khuôn
phép của trường phái nghệ thuật, không để bị ràng buộc bởi xu hướng chính trị,
tự khẳng định mình qua nhiều hình thức biểu hiện và nổi trội hơn cả vẫn là thơ
vì với Ông “ Thơ ca có mặt ở khắp nơi cũng như Thượng đế chẳng có ở đâu cả.Thơ
ca là một trong những biệt danh xác thực nhất, hữu dụng nhất của cuộc đời” (La
poésie est partout comme Dieu n’est nulle part. La poésie, c’est un des plus
vrais, un des plus utiles surnoms de la vie». Thế giới thơ của JACQUES PRÉVERT,
cũng như chính con người JACQUES PRÉVERT, bao giờ cũng tự do, tự do như
khí trời, tự do như mây gió, tự do như hoa cỏ trong ĐỒNG XANH (pré vert) .
a2a: Nghe vài bản nhạc phổ
thơ Jacques Prévert:
Déjeuner du Matin
Barbara
Les Feuilles Mortes - Yves
Montand
Les Feuilles Mortes - Frank
Michael
LA CHANSON DE PREVERT. SERGE
GAINSBOURG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét