Chopin - Quê hương và âm nhạc
Bức tượng bán thân nhạc sĩ thiên tài Ba Lan, Frederic Chopin, được trưng bày tại cuộc triển lãm “Chopin, một người Châu Âu,” từ ngày 9 tháng 3, đến 6 tháng
6, 2010.Tạp ghi Quỳnh Giao
Trong một bài tạp ghi về Gilbert Bécaud - Ta Sẽ Làm Chi Ðời Ta - để nhớ đến bài “Et Maintenant”, Quỳnh Giao nhắc đến ca khúc “Người đánh dương cầm tại Varsovie” do Bécaud soạn nhạc và Pierre Delanoé viết lời. Ðấy là ca khúc nghệ thuật không mấy phổ biến trong giới yêu nhạc phổ thông của Pháp, và không được thế giới quen biết bằng bài “Et Maintenant” dưới tên Anh ngữ là “What Now My Love”...
Bài “Người đánh đàn dương cầm tại Varsovie” gợi nhớ đến Chopin và đất nước Ba Lan.
Chopin là nhạc sĩ sinh tại Ba Lan, thân phụ là người Pháp, và nổi danh khắp Âu Châu là từ Paris, khi ấy là kinh đô hoa lệ của cả lục địa. Năm nay, từ tháng 3, cả thế giới tổ chức nhiều sinh hoạt kỷ niệm hai trăm năm ngày sinh của Chopin, nhưng ca khúc của Gilbert Bécaud khiến chúng ta nhớ đến một người đánh dương cầm tại Varsovie. Trong cảm hứng của Bécaud, có khi chính là ông thầy của Fréderic Chopin trước khi Ba Lan chìm trong máu lửa và trước khi Chopin trở thành nhạc sĩ thiên tài.
Uống nước nhớ nguồn, xin trước tiên trở lại ông thầy đàn tại Varsovie...
Chopin hay tổ chức mừng sinh nhật vào ngày mùng 1 tháng 3, dù giấy rửa tội tại nhà thờ thì ghi là ông sinh ngày 22 tháng 2 năm 1810. Sau cuộc cách mạng Pháp năm 1789, thân phụ ông qua lập nghiệp tại Ba Lan khi mới 16 tuổi và trở thành người có học, có hiểu biết. Hình như ông cũng hiểu là đứa con thứ nhì của mình, Fréderic, có năng khiếu phi thường về nhạc, như đã được học nhạc từ tiền kiếp. Thân mẫu của Chopin cũng thế. Cha là thầy dạy Pháp văn, mẹ là một dương cầm thủ, và hai ông bà nuôi nấng năng khiếu của Frédéric từ khi còn bé.
Có người giải thích rằng cho đến khi lên bảy, một đứa trẻ vẫn còn có thể nhớ lại những gì tiếp nhận từ tiền kiếp nếu được nuôi nấng trong hướng ấy. Nếu không, đứa trẻ sẽ quên dần, và có khi mất luôn, để rồi sẽ... đi lại từ đầu. Fréderic Chopin có duyên may từ cha mẹ nên năm tuổi đánh đàn, sáu tuổi học nhạc và bảy tuổi viết nhạc, tám tuổi trình diễn, làm mọi người, từ bậc vương tôn cho tới thứ dân của Âu Châu đều khâm phục.
Duyên may thứ hai là Chopin có một ông thầy dạy đàn xuất chúng, đó là Jósef Elsner.
Ông Elsner này biết môn sinh của mình thuộc loại thiên tài và muốn Chopin được bung khỏi lối mòn đã cũ, kể cả khi viết nhạc lẫn đánh đàn, và nhất là không chỉ sử dụng dương cầm. Về sau, Chopin vẫn chuyên về dương cầm, trở thành một diệu thủ virtuoso mà trong một thế kỷ thì nhân loại chỉ có được một hai người. Người kia là Franz Listzt, một bạn thân và cũng là kỳ phùng địch thủ trên phím đàn của Chopin. Chuyện này, kỳ khác thì Quỳnh Giao sẽ lại... tạp ghi.
Nhưng, Chopin có học được phép phóng túng mà thầy Jósef Elsner khuyến khích khi viết nhạc. Nên ông trở thành nhạc sĩ đã thổi một sinh khí mới trong dòng nhạc lãng mạn của Âu Châu, trên cung bậc của cây đàn dương cầm. Ông thầy xuất chúng này không chỉ có vậy.
Ngày tiễn môn sinh rời khỏi Varsovie vào cuối năm 1830, Jósef Elsner điều khiển một dàn hợp xướng hát lên những khúc khánh ca, cantate, để mừng Chopin lên đường. Hành lý của chàng thanh niên ở tuổi đôi mươi có một chén bạc đựng một dúm đất của quê hương. Trong đầu là một lời căn dặn của thầy: có thể phục vụ cho sự quang vinh của Ba Lan bằng nghệ thuật. Chứ không cần bằng cách tòng quân nhập ngũ. Ảnh hưởng của ông thầy cũ vẫn còn được thấy qua thư từ hai người viết cho nhau.
Sở dĩ Josef Elsner có lời khuyên đó vì Ba Lan khi ấy bị dìm trong ách thống trị của Ðế quốc Nga và dân chúng đang chuẩn bị nổi dậy trong biển máu. Chopin ra đi vào đúng giai đoạn bi thương ấy và cho đến chết, vẫn không có dịp hồi hương. Quê hương của ông là âm nhạc và Tổ quốc của ông là Ba Lan. Cả hai đã quyện làm một và là nỗi ám ảnh không rời...
Khi Gilbert Bécaud đánh dương cầm trên giai điệu gợi nhớ Chopin và ngợi ca ông thầy dạy đàn tại Varsovie, rồi kết thúc với tiếng nhạc hùng tráng của bài Polonaise Héroique, “Ba Lan anh dũng,” có lẽ ông muốn kể lại chuyện ông thầy này tại Varsovie. Nhớ lại thì mình càng thấy sự cảm động đầy nghệ thuật của ca khúc.
Ngoài tình yêu thiêng liêng cao quý với âm nhạc và quê hương Ba Lan, Chopin cũng có những mối tình thật đẹp với các nhân vật tài sắc nhất của thời đại. Bền lâu và đẫm lệ là với nữ sĩ George Sand, nhà văn đầy tính chất “phá cách” và phá phách của văn chương Pháp. Thời ấy mà bà ăn mặc và lấy bút hiệu của đàn ông, lại phì phèo xì gà thuốc lá thì quả là ngổ ngáo! Hơn Chopin có sáu tuổi, George Sand yêu Frédéric Chopin như một thần tượng, một người tình, một người em, thậm chí một người con! Có thể là George Sand mang “Mặc cảm Jocaste” của tâm phân học, và bảo bọc Chopin như một người mẹ...
Mà thiên tài này quả là cần được chăm sóc, bảo bọc.
Người ta thường nói rằng Frédéric Chopin bị lao từ sớm và tạ thế vào tháng 10 năm 1849 tại Paris. Trong thế kỷ 20, giới khoa học ngưỡng mộ ông nên cố tìm hiểu thêm về bệnh lý của thiên tài và nêu giả thuyết là ông bị nhiễm độc nội tạng từ bẩm sinh khiến cơ thể suy yếu dần, nhất là vào mùa lạnh, rồi mất sớm, trước tuổi bốn mươi. Phải chăng cũng như Mozart, các thiên tài không chịu ở lâu hơn với chúng ta? Phải chăng, thể chất yếu ớt khiến nhạc của Chopin có sự lung linh của ngọn đèn trước gió và nét ủy mị của một loài bướm đêm? Nhưng đôi tay trên phím đàn thì vũ bão như muốn trút hết sinh lực vào nhạc, để ra đi trong một đêm Ðông...
Trong 39 năm tại thế, Chopin sống ở quê nhà được hai chục năm. Còn lại thì sống nhiều nhất, tổng cộng là 17 năm, ở Paris. Ông dạy dương cầm, soạn nhạc và kết giao với những nghệ sĩ nổi tiếng nhất tại Pháp. Ông trở thành một biểu tượng cho sự văn minh và nghệ thuật của cả một thời đại và được dân Pháp tôn vinh như một báu vật. Sau khi tạ thế, Chopn được chôn cất tại Paris, nhưng con tim được đưa về chôn dưới chân một nhà thờ tại Varsovie.
Kỷ niệm hai trăm năm ngày sinh của Chopin, chính quyền Pháp muốn đưa di hài của ông vào điện Panthéon của các anh hùng dân tộc Pháp để làm lễ vinh danh, trước khi cùng Ba Lan tổ chức sinh hoạt tưởng niệm và thắt chặt tình đoàn kết giữa hai nước. Một hiện tượng rất đẹp...
Chúng ta có thể còn phải viết nhiều về Chopin, viết cả năm chưa hết. Các sinh hoạt kỷ niệm hai trăm năm cũng vậy, sẽ tưng bừng trong suốt năm nay. Từ Chopin, âm nhạc cổ điển đã đổi khác và nghệ thuật sử dụng dương cầm cũng thế. Quê hương của Chopin thì không, vì sau rất nhiều thăng trầm, vẫn trở thành một xứ sở anh dũng đáng kính.
Nhưng, nói đến Ba Lan quật khởi và Ba Lan vĩnh cửu, người ta không thể không nhớ tới Chopin.
Và nhớ đến lời căn dặn của ông thầy đàn tại Varsovie: Làm cho quê hương vinh quang cũng là thể hiện lòng yêu nước...
Thanh Trang
Theo http://forum.phunuviet.org/
Theo http://forum.phunuviet.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét