Ở miền Bắc, một năm có
bốn mùa rõ rệt. Khi trời vào Thu, gió heo may từ đâu thổi về từng hồi, từng
cơn, se se, lành lạnh, lùa đi “Cái nóng nung người, nóng nóng ghê” của
một mùa Hạ nồng nực, gay gắt. Từ trên thượng du xuống đến đồng bằng, tiết Thu
đã khoác lên vạn vật những mầu sắc mới, ngả đậm nét úa vàng, nâu khô, nhưng dìu
dịu, hài hòa, không còn rực rỡ, xanh mát như mùa Xuân, không còn chói chang,
nóng bỏng như mùa Hạ. Ngoài đồng, bác nông phu không còn dám xoay trần đánh vật
với con trâu, cái cầy mà ít ra trên mình cũng đã phải khoác chiếc áo vải thô để
ngăn cái lạnh se sắt, gây gây. Ngoài sân, bà mẹ quê ngồi xàng xẩy dưới nắng
hanh, không quên chít thêm chiếc khăn mỏ quạ, khoác thêm chiếc áo bông chần. Thấp
thoáng ngoài lũy tre làng, cô thôn nữ đã khép nép trong chiếc áo len mầu vỏ mận...Và
cũng từ cái se se lành lạnh đó, bầy trâu cũng đâm ra lười biếng không muốn đầm
mình trong ao chuôm, chúng như mất đi cái bản tính nghịch ngợm ngổ ngáo thường
nhật của mùa Xuân, mùa Hè.
Cảnh Thu đẹp lắm! Chẳng thế mà giới viết văn, làm thơ hay soạn nhạc đã phải đổ ra biết bao nhiêu mực, tốn biết bao nhiêu giấy để ghi lại cái đẹp man mác, cái đẹp não nùng của trời thu, mây thu, rừng thu, hồ thu, lá thu, trăng thu, sương thu, chiều thu, đêm thu, nắng thu, mưa thu vv và vv...Thu đến rồi cũng phải đi! Đối cảnh sinh tình, vì thế nẩy sinh ra những mối cảm thu, tình thu hay ý thu, hoài thu ...tùy theo cảm quan và trạng thái tâm hồn của mỗi người.
Điểm qua thơ văn và những tình khúc về mùa Thu, người ta nhận thấy các chàng họ Sĩ này thường lấy hoa cúc, lá vàng hoặc ánh trăngđể làm bối cảnh.
Thử tưởng tượng một buổi chiều Thu nắng vàng hiu hắt, một mình thả bộ giữa hai hàng cây nhuộm mầu đồng thẳng tắp trong công viên, thỉnh thoảng dăm ba chiếc lá khô từ trên vòm cây cao lạng mình xà xuống, rơi rắc trên thảm cỏ xanh, trên lối đi còn loang lổ nắng chiều...Thình lình, một trận Thu phong ập về, táp vào những vòm cây rung động, rủ rê đám lá khô xào xạc cuốn theo đường mòn, ùa xuống thung lũng; rồi như một cơn lốc, những chiếc lá nghịch ngợm xoáy tròn, bốc lên cao, liệng vòng để rồi rắc vàng trên mặt hồ phẳng lặng. Mùa Thu lá bay, đẹp ơi là đẹp!
Để mô tả sự di động của lá, cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã ghi:
Nước biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Để chép lại âm thanh của lá, thi sĩ Lưu Trọng Lư hạ bút:
Em không nghe rừng Thu
Lá Thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
Hoặc diễn tả mầu sắc của những chiếc lá vàng được nhuộm ánh trăng:
Chờ em đêm đã khuya rồi
Rộn ràng lá đổ, vàng rơi đầy thềm.
Một buổi sáng mùa Thu 1998, trên đường Raguenets từ nhà ga Saint Gratien về "Nghênh Phong Các" của Đào Tuấn Ngọc, Giáo sư Lê Hữu Mục và tôi khoác vai nhau thả bộ trên vỉa hè, dưới hàng cây platane với đám lá to bản nửa vàng nửa xanh, hạt mưa lác đác, lá rụng lưa thưa...Chợt nhớ tới món nợ định kỳ là phải ề nặn Ừ ra một bài với chủ đề Mùa Thu cho một tờ nguyệt san, tôi hỏi Giáo sư Mục : "Tại sao nói đến mùa Thu, người ta liên tưởng trước tiên đến lá vàng? " Câu hỏi tuy ngớ ngẩn nhưng có thể giúp tôi kiểm nghiệm lại suy nghĩ của chính mình. Và câu trả lời là: "Lá rụng là một hình ảnh sinh động đầy mầu sắc tô điểm cho cảnh Thu, nhưng mặt khác, hiện tượng lá vàng rơi còn là tiêu biểu cho tuổi già... "Tôi hỏi ngang:
- Phải chăng hình ảnh “Chiếc lá lìa cành” nói lên cái mong manh của kiếp người ?
- Hẳn là như thế! Ông trả lời tôi, rồi ngửng lên ngắm những tàn cây lốm đốm mầu nâu khô,xen kẽ nửa vàng nửa xanh và xa hơn nữa là cảnh Thu muộn của vùng ven đô Paris. Đây là một mẩu chuyện bên lề nhưng cũng đủ cho tôi thấy sự liên quan mật thiết giữa chiếc lávàng với mùa Thu.
Nói về hoa cúc, cây cúc là loài cây song tử diệp, biệt danh thời cổ gọi là cúc, về sau, theo sách Trung Quốc Thập Đại Danh Hoa thì loài cúc có thêm nhiều tên gọi khác nhau như Thọ Khánh, Phó Diên Niên, Cánh Sanh, Kim Anh, Kim Nhụy, Đế Nữ Hoa, Nhựt Tinh, Trị Tường, Châu Doanh, Từ Hành vv...
Hoa cúc là một loài hoa đã được người xưa xem là “loài hoa đứng đầu trăm hoa. Có phải vì hương, vì sắc mà hoa cúc được vinh danh như thế? Điều này chưa hẳn là đúng! Ngắm những bộ tranh Tứ Bình trên lụa, trên khung vải hay bằng sơn mài với những đề tài nhưTùng Cúc Trúc Mai, Mai Lan Cúc Trúc hoặc Xuân Lan Hạ Liên Thu Cúc Đông Mai (LIÊN là sen, MAI là mơ), thì thấy rằng: Dù nói theo cách nào đi nữa, thì cúc vẫn là loài hoa thảo được xếp vào hàng Tứ Quý, bốn loài hoa tiêu biểu cho bốn mùa, hoa cúc là biểu tượng của mùa Thu: “Sen tàn cúc lại nở hoa’’ (Nguyễn Du) là có ý nói: Hết Hạ sang Thu.
Đành rằng hoa cúc được xếp vào hàng Tứ Quý và tiêu biểu cho mùa Thu, nhưng sao có thể nói loài hoa này đứng đầu cả trăm hoa? Xét về đặc tính của giống cúc, nhận xét của các cụ như sau: Tử bất lạc địa, có nghĩa là cây cúc, cành hoa dù có chết cũng không rụng lá xuống đất. Tử bất lìa đài, dù hoa cúc khô héo, song cánh hoa vẫn không rời khỏi đài hoa. Nguyên cả câu Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địalà ý nói: Trưng một bình hoa cúc trong nhà từ lúc còn tươi tắn mơn mởn cho đến khi úa tàn, người ta không phải nhọc công nhặt từng chiếc lá khô, gom từng cánh hoa tàn bởi vì những chiếc lá khô quăn queo vẫn bám lấy thân, lấy cành, những cánh hoa tuy đã tàn nhưng vẫn ôm chặt lấy đài hoa, không rơi rụng xuống đất. Hiện tượng trên đây của loài cúc thanh quý đã gợi cho ta một hình ảnhchung thủy. Lại nữa, đành rằng mùa Thu có không gian thật đẹp nhưng khí hậu lại khô hanh, lạnh lẽo, không thích hợp cho sự tăng trưởng của cây cối, cho sự khai hoa mãn nhụy của hầu hết các giống hoa. Chỉ có loài cúc là thích hợp với tiết Thu, nhờ đó, cúc vàng nở rộ, tô điểm và làm đẹp cho cảnh Thu: Hoa cúc có phải vì thế mà được liệt vào Loài hoa đứng đầu trăm hoa! Phải chăng vì những đặc điểm đặc thù kể trên mà người quân tử thường sánh mình với hoa cúc? Đối với thi nhân, họ dùng hình ảnh cúc vàng để ám chỉ mùa Thu, nhưng sâu xa hơn nữa, họ còn muốn nói lên tình nghĩa thâm giao đối với bạn bè:
Cúc vàng đã hẹn mùa hương
Mây thu lưu luyến còn vương trời hồng
Địa cầu tám hướng mênh mông
Vườn xưa đồng vọng tiếng lòng thiết tha.....
Cúc vàng hẹn nở mùa mong đợi
Trời rộng mây thu nhớ cố nhân!
Trên đây là trích đoạn bài thơ Nhớ Cố Nhân của Giáo - sư Võ Long Tê, nhà thơ Tam Ngữ, đã tức tịch trong một buổi họp mặt mà thiếu vắng một người bạn ở xa. Giáo-sư Lê Hữu Mục đã phổ nhạc tại chỗ, đàn hát và ghi âm cũng tại chỗ để gửi tặng cho một người bạn bên trời Âu tuy họ mới chỉ xa nhau độ năm sắu tuần trăng. Người bạn viễn xứ đó là tôi: Tôi cảm thấy thật hạnh phúc!
Đọc thơ Nguyên Sa: “Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc”: Yêu hoa cúc ở đây không chỉ diễn tả đơn thuần về mầu sắc của nhớ nhung, mà còn bao hàm ý nghĩa sâu xa của loài hoa, đó là sự chung thủy.
Vào đời nhà Tống bên Tầu, một nhà thơ nổi tiếng tên là Chu Thục Trinh đã làm thơ vịnh Hoa Cúc, trong bài thơ đại khái có những câu:
Ninh khả bảo hương chi đầu lão
Bất tùy hoàng diệp vũ thu phong
Dịch nghĩa nôm na là: Cho dù hoa lá của cúc có già héo thì vẫn lưu lại chút hương thơm và cho dù có bị những trận gió thu vầy vò thì loài cúc cũng chẳng để hoa lá rụng rơi, lượn múa theo đám lá vàng tạp nhạp.
Thế nhưng, người ta lại được nghe câu chuyện “Tô cải Vương thi” (có nghĩa là Tô Đông Pha sửa thơ Vương An Thạch) liên quan đến loài hoa cúc thật lý thú. Câu chuyện như sau:
Tô Đông Pha, tên gọi Tô Thức, tự là Tử Chiêm (1037 – 1101) là một thi sĩ kiêm họa sĩ thời Bắc Tống, một hôm đến tướng phủ bái kiến Vương An Thạch, tự Giới Phủ, hiệu Bán Sơn (1021 – 1087), một nhà cải cách lừng danh thiên hạ, lại giỏi thơ văn. Đến nơi, không may họ Vương đi vắng, Tô Đông Pha nhìn thấy trên án thư có tờ hoa văn viết dở dang hai câu thơ:
Tây phương tạc dạ quá viên lâm
Suy lạc hoàng hoa mãn địa câm (1)
Nhẩm xong hai câu thơ, họ Tô cười thầm: Lão Vương há không biết loài hoa cúc khi héo tàn không bao giờ rụng cánh sao, mà lại cho là trận gió đêm qua thổi vào vườn ông làm cho cúc vàng rụng đầy sân? Nghĩ rồi, họ Tô với bút lông trên án và viết tiếp thêm hai câu thành bốn câu cho đủ thủ thơ để trêu Vương An Thạch:
Thu hoa bất tỷ xuân hoa lạc
Thuyết dữ thi nhân tử tế ngâm. (2)
Tạm dịch trọn bài:
* Hai câu họ Vương: Trận gió đêm qua rạp cỏ hoa
(1) Sáng ra vàng rụng giữa sân nhà.
* Hai câu họ Tô: Cúc thu nào phải đào xuân rụng
(2) Nhắn nhủ người thơ khéo vịnh a!
Khi Vương An Thạch trở về phủ, chợt thấy hai câu thơ nối tiếp thì biết ngay là nét chữ của Tô Đông Pha và hiểu họ Tô bỡn cợt mình. Ông cũng bật cười cho rằng kiến thức của Tô Đông Pha cũng còn nông cạn, quan sát sự vật còn thiển cận, biết một nhưng chẳng biết hai mà còn có ý cao ngạo.
Ít lâu sau, trong triều xẩy ra bất đồng chính kiến, họ Tô bị đầy đi Hoàng Châu. Đến nơi vào một ngày mưa to gió lớn, họ Tô rủ bạn cùng ngồi ngoài hiên uống rượu thưởng hoa...Bỗng nhiên ông nhìn thấy dọc theo luống hoa cúc, cánh hoa rụng vàng ối cả mặt đất, Tô Đông Pha chợt hiểu là kiến thức của mình quá nông cạn và trong lòng lấy làm thẹn với họ Vương.
Câu chuyện Sửa thơ cho ta thấy chữ nhưng thật ngoại lệ và phải hiểu rằng: ở trên đời, có gì tuyệt đối đâu?
Tuy nhiên, đây chỉ là năm thì mười họa mới xẩy ra mỗi khi có giông bão dập vùi, loài hoa cúc vẫn luôn luôn được tôn vinh là chung thủy, chung tình.
Bàn về ánh trăng, chẳng cứ vào mùa Thu mới có ánh trăng. Đọc truyện, đọc thơ hay chơi nhạc, chúng ta thường thấy nhan nhản những chuyện tình trên đời luôn đầy ánh trăng. Người ta tâm sự với trăng, trăng chia xẻ niềm vui hay nỗi buồn với thế nhân. Thi sĩ Tản Đà viết:
Đêm Thu buồn lắm chị hằng ơi
Trần thế em nay chán nữa rồi!
Trăng là nhân chứng cho những cho những cuộc tình dù tràn đầy hạnh phúc hay ngang trái bất hạnh. Chúng ta chỉ cần đọc qua một đoạn Kim Vân Kiều kể lại từ lúc Kiều gặp Thúc Sinh cho đến khi gá nghĩa cũng đủ nhìn thấy ánh trăng xuất hiện ở khắp mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh:
* Thúy Kiều và Thúc Sinh tình tự dưới trăng:
Nỉ non đêm ngắn tình dài (1369)
Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương.
* Trăng tròn là biểu tượng của sự đoàn viên. Nay vợ chồng Thúy Kiều và Thúc Sinh phải chia tay thì ví như:
Vừng trăng ai xẻ làm đôi (1525)
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
* Cảnh đêm Thu Kiều nhớ Thúc Sinh:
Đêm Thu gió lọt song đào (1637)
Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời.
* Cảnh gia đình hạnh phúc, vợ chồng vui hưởng thú thanh cao:
Khi chén rượu, khi cuộc cờ (3223)
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.
Đọc Chinh Phụ Ngâm, bản dịch chữ nôm của Bà Đoàn Thị Điểm, mới đến giòng thứ năm, ta đã thấy bóng trăng:
Trống trường thành lung lay bóng nguyệt
Khói cam tuyền mờ mịt thức mây.
Trong ca dao hay chuyện thần thoại của ta luôn nhắc đến Hằng Nga, Thỏ Ngọc và Chú Cuội...là những nhân vật thần thoại trong Trăng.
Việc đặt tên cho con gái, cha mẹ thường hay chọn Nga, Nguyệt, Hằng, đều có nghĩa là Trăng. Những cô con gái tuổi vừa đôi tám hoặc tới tuần cập kê còn được gọi là Tới tuổi trăng tròn.
Để mô tả Ông trăng người ta có cả trăm cách để gọi: Nào trăng già, trăng non, trăng khuyết, trăng tròn, trăng lưỡi liềm, đến trăng đứng, trăng treo, trăng thanh, trăng vàng, trăng ngà, trăng bạch (Trăng Thu bạch khói Thu xây thành), rồi trăng trong, trăng lặn, trăng lu, trăng mờ, trăng lạnh (Thái Bạch ôm trăng lạnh) và gì gì nữa, nhiều lắm, làm sao kể cho xiết...
Trăng xuất hiện trơ trọi trên đại dương, giữa bầu trời không vẩn gợn bóng mây, mặt biền thì mênh mông, không một bóng tầu bè qua lại. Bầu trời thênh thang và biển cả bao la gặp nhau bởi một đường thẳng gọi là đường chân trời. Ngắm bức tranh tĩnh vật này thì cho dù có là thi nhân chuyên nghiệp, muốn vịnh trăng sao cũng đến cạn ý bí vần, bởi trăng ở đây chỉ là một hình tròn trong bức họa kỷ hà, hay một bức tranh lập thể, người ta chỉ có thể định nghĩa Trăng ở khung cảnh này như một hành tinh hay một tinh cầu đang ở cách xa loài người 380.000 cây số đường chim bay. Trăng chỉ đẹp khi được con tạo gắn sau rặng liễu ven hồ, sau hàng cau thẳng tắp, thấp thoáng ần hiện sau lũy tre làng, đính sau cây đại cổ thụ bên mái chùa cổ kính rêu phong hoặc treo lạnh lẽo ngoài song cửa phòng khuê...Nói tóm lại, mùa Thu sẵn có phong cảnh đẹp lại có bóng trăng tô điểm thì cảnh sẽ đẹp mê hồn! Khi viết truyện, làm thơ hay đặt nhạc mà có đả động đến mùa Thu, người ta thường cho bóng trăng ẩn hiện, cho lá vàng bay xào xạc và cho cả một vườn khổng-cúc khoe hương phô sắc óng vàng. Người sáng tác cũng chỉ một nhóm, người thưởng thức tuy đông đảo hơn, nhưng cũng chỉ có một số lượng hạn định nào đó. Điều đáng nói hơn, trọng đại hơn cả ánh trăng, hơn cả hoa cúc hay chiếc lá vàng; Đó là Hội Thu hay nói cách khác, Lễ Trung Thu, một tục lệ đã ăn sâu vào tiềm thức của con người Việt Nam.
Có người cho rằng Lễ Trung Thu của ta bắt nguồn từ bên Tầu và chỉ rành riêng cho trẻ con nhi đồng. Vậy trước hết ta thử tìm hiểu khái quát nguồn gốc Lễ Trung Thu của người Hoa ra sao.
Người Việt hay người Hoa cũng mừng Lễ Trung Thu. Lễ này của người Hoa chỉ là một lễ dành cho nhi đồng: Truyền tích kể rằng, vào đời nhà Tống bên Tầu (Triều vua Nhân Tông), có con cá chép sống lâu đời, tu luyện thành tinh. Hàng năm cứ nhằm đêm Trung Thu (Rằm tháng Tám Âm Lịch) thường biến hình thành con gái để hại người. Bấy giờ ông Bao Công truyền cho dân làm đèn cá chép treo trước cửa nhà hay cầm đi ngoài đường để yêu tinh tưởng là đồng loại nên không phá phách nữa. Dân trong phủ nghe lời, nên cứ đêm rằm Tháng Tám làm đèn cá chép treo trước nhà, làm bánh trái bầy ngoài cửa. Bánh trái ngon lành đã cám dỗ đám trẻ nghịch ngợm, chúng tụ tập rước đèn cá chép đi thu lượm bánh trái khắp ngả đem về ăn. Người ta cho rằng vì đèn cá chép, vì tiếng la ó phá phách của lũ trẻ nên không thấy yêu tinh xuất hiện nữa. Từ đó, sự kiện ăn bánh và rước đèn cá chép vào đêm Trung Thu trở thành một tục lệ của người Hoa.
Nước ta là một nước nông nghiệp, công việc đồng áng được phân chia làm hai mùa:
Mùa tháng Ba và mùa tháng Tám. Thông thường, sau vụ mùa Tháng Tám, người nông dân được thảnh thơi hơn, nên đã nghĩ đến chuyện hội hè để khao vọng, vui chơi... Thụ hưởng một nền văn hóa có làm lụng thì có ăn chơi, sau hai mùa lúa với bao ngày tháng cần cù vất vả lo âu, Hội Rằm Tháng Tám là một cơ hội để người nông dân thoải mái vui chơi giải trí. Trải qua các triều đại, người dân quê gọi lễ này là Hội Mùa Thu hoặc Hội Rằm Tháng Tám. Theo sách Thái Bình Hoàn Vũ Ký thì vào khoảng Thế Kỷ XI, hội Thu còn được gọi là Hội Mùa Ngày Sửu Tháng Tám.
Như vậy, Hội Mùa Thu là một lễ hội có tính cách mùa màng. Tại Việt Nam, vào giữa mùa Thu, khí dương và khí âm ngang nhau, tức làTiết Thu Phân với đêm ngày bằng nhau. Tháng Tám (Âm lịch) tiết trời quang đãng, khí hậu lành lạnh, thích hợp cho việc trưng diện, vui vầy ca tửu. Đêm rằm tháng Tám lại thường là đêm trăng tròn và đẹp nhất trong năm: Thật là cơ hội lý tưởng cho bầy trẻ nhỏ nô đùa ngoài trời, cho trai gái trong làng có cơ hội tìm hiểu tỏ tình, và người già, kẻ cả có cơ hội an nhàn, hoan hỉ cùng con cháu.
Ngày xưa, hội Mùa Thu gồm nhiều tiết mục vui chơi như rước đèn, múa lân (ngoài miền Bắc gọi là Múa sư tử), thưởng trăng, bầy cỗ, phá cỗ, hát trống quân vv... Mỗi tiết mục đều có ý nghĩa tượng trưng riêng, nhưng lại liên hệ gắn bó với nhau.
Vào đúng đêm rằm, khi trăng đã lên cao đỉnh đầu, thanh niên nam nữ cùng lũ trẻ con tụ tập lại từng đoàn để rước đèn làm bằng vải hay giấy mầu, chúng đi khắp thôn khắp xóm: Hình rồng dẫn đầu, rồng là tiêu biểu cho nước, nhà nông rất cần nước, cho nên trong đám rước ở thôn quê luôn luôn có hình rồng. Tiếp theo là toán múa lân (múa sư tử), trống chiêng vang dội cả một góc trời, ma qủy nào mà chẳng kinh hồn bạt vía. Lân ( ly) là một con vật trong Tứ Quý gồm long ly quy phụng, biểu hiệu của sự hiền hòa và chỉ xuất hiện vào thời kỳ thịnh vượng, lân cũng tượng trưng cho sự giầu có và niềm hạnh phúc. Theo sau đám lân, các cô các cậu cùng đám trẻ con cầm đèn đủ kiểu đủ cỡ đi rước. Đèn ông trăng, đèn con thỏ tượng trưng cho mặt trăng; đèn con cóc (thiềm thừ) tượng trưng cho sự cầu mùa cầu nước; đèn ngôi sao tượng trưng cho sao hôm sao mai: một phương cách để đo lường thời gian, đèn cá chép tượng trưng cho công danh khoa cử; đèn kéo quân tượng trưng cho sinh hoạt của bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông trong sự an vui hạnh phúc...
Đặc điểm của lễ hội còn có tiết mục Thưỏng Trăng. Người xưa quan niệm rằng: trăng thuộc Thủy (nước) một trong năm yếu tố củangũ hành, mà Thủy dĩ nhiên rất cần thiết cho nhà nông. Giữa đêm trăng rằm, nhà nhà tụ họp ở ngoài sân để ngắm trăng hay còn gọi làthưởng trăng. Tùy theo mầu sắc hay hình tượng của trăng , người ta tiên đoán được nhiều điều quan hệ đến vận nước thịnh suy. Trăng sáng tỏ là điềm Được mùa, trăng ngả sắc vàng là điềm Tầm kết nhiều tơ, trăng có xen mầu xanh lục lại là điềm Cơ hàn vv...Ngồi thưởng trăng như thế, người ta thường nhâm nhi trà rượu, bánh trái... Điểm qua phong tục và hình thức mừng Lễ Trung Thu của hai dân tộc, chúng ta thấy rõ sự khác biệt: Lễ Trung Thu của người Việt có tính cách mùa màng và dành cho mọi lứa tuổi; còn Lễ Trung Thu của người Hoa có tính cách trừ yêu và chỉ dành cho nhi đồng.
Ngày xưa, khi tóc còn để chỏm, đứa trẻ được cha mẹ và các anh các chị chuẩn bị bầy cỗ Trung Thu cho bé chơi: Mẹ đi chợ mua sắm hoa quả, cốm vòng, bỏng nẻ, oản, mía...rồi ghé hàng mã một ông Tiến Sĩ giấy, ít giấy vàng giấy tiền và một đầu lân mini (đầu sư tử). Các chị ở nhà làm bánh mứt, nhồi bột, nhuộm mầu để nặn các loại thú vật hay côn trùng gọi là con giống; róc mía, tiện ông công ông táo để bầy cỗ. Anh của bé làm đèn kéo quân và một lô đèn xếp đủ mầu để trang trí cho bữa cỗ thêm lộng lẫy sắc mầu. Cha thì khuân từ trên Phố Khách về một xe tay đầy các loại bánh dẻo, bánh nướng chính hiệu Đông Hưng Viên. hay ít ra cũng phải là bánh Tân Tân, một tiệm bánh Trung Thu ngon hạng nhì so với Đông Hưng Viên nổi tiếng từ Hải Phòng, Hà Nội. Chiều ngày Rằm Tháng Tám, ngoại trừ mẹ phải chuẩn bị nhang đèn trầu rượu cúng ông bà, còn cả nhà thì xúm xít treo đèn kết hoa, khiêng bàn ghế ra sân bầy cỗ. Bé rủ các em ra vườn múa sư tử không đuôi, thùng sắt, soong nồi thay chiêng trống, thật chát chúa ồn ào...
Ở lứa tuổi của bé thì thế cũng đủ khoái chán!
Trời vừa tối, trăng đã lên cao, lấp ló sau cây khế trong vườn. Các loại đèn mầu được thắp sáng. Trên bàn, ông Tiến Sĩ Giấy ngồi bảnh chọe, trước mặt là mâm cỗ bầy biện mỹ thuật, công phu và đầy ắp những món khoái khẩu của nhi đồng...Cúng gia tiên xong, cả nhà quây quần phá cỗ tưng bừng nhộn nhịp...Tàn tiệc, bé xách đèn con cá theo anh chị lên phố xem múa sư tử cho đến khuya, hết đám nọ sang đám kia làm bé mệt nhoài...Cha mẹ còn ngồi lại với họ hàng, bạn bè để cùng thưởng trăng rồi hàn huyên tâm sự...
Thời gian qua đi thật nhanh, cậu bé để chỏm và mấy đứa em nay đã ở cái tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” hay còn gọi là cái tuổi “dài lưng tốn vải”, các cô các cậu không vòi mẹ bầy cỗ nữa, vì đêm Trung Thu sẽ không phá cỗ mà sẽ thay thế bằng một buổi dạ vũ, ông trăng của chúng tôi đêm đó sẽ là quả cầu tango ghép bằng những mảnh gương phản chiếu óng ánh xoay tròn hắt những đốm sáng lung linh bay lượn trên tường, trên trần và ngay cả trên sàn nhẩy.....
Giờ đây, hồi tưởng lại những đêm Rằm Tháng Tám của những ngày xưa thì tôi thấy đã quá xa, xa vòi vọi. Mỗi độ Thu về trên đất khách, lá vàng cũng rắc đầy lối mòn vắng vẻ, cúc vàng cũng đua nở mùa mong đợi, trăng lên cũng tròn vành vạnh, nhưng bóng trăng lành lạnh buồn tẻ làm sao ấy!
Vào một đêm trăng lộng gió tại miền Bắc Hòa Lan, đứng trên con đê khổng lồ thẳng tắp ngắm vầng trăng suông đơn độc, tôi có cảm tưởng như tâm hồn trùng xuống, bao nhiêu chuyện cũ trong dĩ vãng lần lượt trở về, trong đó không thể thiếu kỷ niệm của một đêm Trung Thu trên cao nguyên: Một chàng trai đã xếp bút nghiên theo việc đao cung, đang sánh vai cùng cô nữ sinh lớp Đệ nhị của trường Trung Học Lê Lợi, thuộc quận lỵ Di Linh, tung tăng lên đồi Đồng Lạc vào bản Thượng để hứng ánh trăng Thu. Xa xa ánh lửa bập bùng, tiếng khèn phụ họa cùng giọng hát ru hời của một cô sơn nữ nào đó vẳng từ khu nhà sàn lúc đậm lúc nhạt... Ánh trăng Đồng Lạc ấm áp, trong vắt và đẹp lạ lùng, vườn cà phê đang độ trổ hoa trắng ngời như giáp bạc, hương hoa ngây ngất khó quên. Sương Thu lạnh, trăng Thu ấm, và tình Thu thì nồng nàn! Vâng, chỉ toàn là những chi tiết nhỏ li ti, cũ kĩ, vậy mà cũng đủ làm cho mình nhớ như điên, nhớ đến phát khùng cái thuở tang bồng điểm chút hương yêu ấy!
Cảm ơn ánh trăng Đồng Lạc, cảm ơn hương hoa cà phê, và không quên cảm ơn cả người tình bé bỏng!.
Cảnh Thu đẹp lắm! Chẳng thế mà giới viết văn, làm thơ hay soạn nhạc đã phải đổ ra biết bao nhiêu mực, tốn biết bao nhiêu giấy để ghi lại cái đẹp man mác, cái đẹp não nùng của trời thu, mây thu, rừng thu, hồ thu, lá thu, trăng thu, sương thu, chiều thu, đêm thu, nắng thu, mưa thu vv và vv...Thu đến rồi cũng phải đi! Đối cảnh sinh tình, vì thế nẩy sinh ra những mối cảm thu, tình thu hay ý thu, hoài thu ...tùy theo cảm quan và trạng thái tâm hồn của mỗi người.
Điểm qua thơ văn và những tình khúc về mùa Thu, người ta nhận thấy các chàng họ Sĩ này thường lấy hoa cúc, lá vàng hoặc ánh trăngđể làm bối cảnh.
Thử tưởng tượng một buổi chiều Thu nắng vàng hiu hắt, một mình thả bộ giữa hai hàng cây nhuộm mầu đồng thẳng tắp trong công viên, thỉnh thoảng dăm ba chiếc lá khô từ trên vòm cây cao lạng mình xà xuống, rơi rắc trên thảm cỏ xanh, trên lối đi còn loang lổ nắng chiều...Thình lình, một trận Thu phong ập về, táp vào những vòm cây rung động, rủ rê đám lá khô xào xạc cuốn theo đường mòn, ùa xuống thung lũng; rồi như một cơn lốc, những chiếc lá nghịch ngợm xoáy tròn, bốc lên cao, liệng vòng để rồi rắc vàng trên mặt hồ phẳng lặng. Mùa Thu lá bay, đẹp ơi là đẹp!
Để mô tả sự di động của lá, cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã ghi:
Nước biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Để chép lại âm thanh của lá, thi sĩ Lưu Trọng Lư hạ bút:
Em không nghe rừng Thu
Lá Thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
Hoặc diễn tả mầu sắc của những chiếc lá vàng được nhuộm ánh trăng:
Chờ em đêm đã khuya rồi
Rộn ràng lá đổ, vàng rơi đầy thềm.
Một buổi sáng mùa Thu 1998, trên đường Raguenets từ nhà ga Saint Gratien về "Nghênh Phong Các" của Đào Tuấn Ngọc, Giáo sư Lê Hữu Mục và tôi khoác vai nhau thả bộ trên vỉa hè, dưới hàng cây platane với đám lá to bản nửa vàng nửa xanh, hạt mưa lác đác, lá rụng lưa thưa...Chợt nhớ tới món nợ định kỳ là phải ề nặn Ừ ra một bài với chủ đề Mùa Thu cho một tờ nguyệt san, tôi hỏi Giáo sư Mục : "Tại sao nói đến mùa Thu, người ta liên tưởng trước tiên đến lá vàng? " Câu hỏi tuy ngớ ngẩn nhưng có thể giúp tôi kiểm nghiệm lại suy nghĩ của chính mình. Và câu trả lời là: "Lá rụng là một hình ảnh sinh động đầy mầu sắc tô điểm cho cảnh Thu, nhưng mặt khác, hiện tượng lá vàng rơi còn là tiêu biểu cho tuổi già... "Tôi hỏi ngang:
- Phải chăng hình ảnh “Chiếc lá lìa cành” nói lên cái mong manh của kiếp người ?
- Hẳn là như thế! Ông trả lời tôi, rồi ngửng lên ngắm những tàn cây lốm đốm mầu nâu khô,xen kẽ nửa vàng nửa xanh và xa hơn nữa là cảnh Thu muộn của vùng ven đô Paris. Đây là một mẩu chuyện bên lề nhưng cũng đủ cho tôi thấy sự liên quan mật thiết giữa chiếc lávàng với mùa Thu.
Nói về hoa cúc, cây cúc là loài cây song tử diệp, biệt danh thời cổ gọi là cúc, về sau, theo sách Trung Quốc Thập Đại Danh Hoa thì loài cúc có thêm nhiều tên gọi khác nhau như Thọ Khánh, Phó Diên Niên, Cánh Sanh, Kim Anh, Kim Nhụy, Đế Nữ Hoa, Nhựt Tinh, Trị Tường, Châu Doanh, Từ Hành vv...
Hoa cúc là một loài hoa đã được người xưa xem là “loài hoa đứng đầu trăm hoa. Có phải vì hương, vì sắc mà hoa cúc được vinh danh như thế? Điều này chưa hẳn là đúng! Ngắm những bộ tranh Tứ Bình trên lụa, trên khung vải hay bằng sơn mài với những đề tài nhưTùng Cúc Trúc Mai, Mai Lan Cúc Trúc hoặc Xuân Lan Hạ Liên Thu Cúc Đông Mai (LIÊN là sen, MAI là mơ), thì thấy rằng: Dù nói theo cách nào đi nữa, thì cúc vẫn là loài hoa thảo được xếp vào hàng Tứ Quý, bốn loài hoa tiêu biểu cho bốn mùa, hoa cúc là biểu tượng của mùa Thu: “Sen tàn cúc lại nở hoa’’ (Nguyễn Du) là có ý nói: Hết Hạ sang Thu.
Đành rằng hoa cúc được xếp vào hàng Tứ Quý và tiêu biểu cho mùa Thu, nhưng sao có thể nói loài hoa này đứng đầu cả trăm hoa? Xét về đặc tính của giống cúc, nhận xét của các cụ như sau: Tử bất lạc địa, có nghĩa là cây cúc, cành hoa dù có chết cũng không rụng lá xuống đất. Tử bất lìa đài, dù hoa cúc khô héo, song cánh hoa vẫn không rời khỏi đài hoa. Nguyên cả câu Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địalà ý nói: Trưng một bình hoa cúc trong nhà từ lúc còn tươi tắn mơn mởn cho đến khi úa tàn, người ta không phải nhọc công nhặt từng chiếc lá khô, gom từng cánh hoa tàn bởi vì những chiếc lá khô quăn queo vẫn bám lấy thân, lấy cành, những cánh hoa tuy đã tàn nhưng vẫn ôm chặt lấy đài hoa, không rơi rụng xuống đất. Hiện tượng trên đây của loài cúc thanh quý đã gợi cho ta một hình ảnhchung thủy. Lại nữa, đành rằng mùa Thu có không gian thật đẹp nhưng khí hậu lại khô hanh, lạnh lẽo, không thích hợp cho sự tăng trưởng của cây cối, cho sự khai hoa mãn nhụy của hầu hết các giống hoa. Chỉ có loài cúc là thích hợp với tiết Thu, nhờ đó, cúc vàng nở rộ, tô điểm và làm đẹp cho cảnh Thu: Hoa cúc có phải vì thế mà được liệt vào Loài hoa đứng đầu trăm hoa! Phải chăng vì những đặc điểm đặc thù kể trên mà người quân tử thường sánh mình với hoa cúc? Đối với thi nhân, họ dùng hình ảnh cúc vàng để ám chỉ mùa Thu, nhưng sâu xa hơn nữa, họ còn muốn nói lên tình nghĩa thâm giao đối với bạn bè:
Cúc vàng đã hẹn mùa hương
Mây thu lưu luyến còn vương trời hồng
Địa cầu tám hướng mênh mông
Vườn xưa đồng vọng tiếng lòng thiết tha.....
Cúc vàng hẹn nở mùa mong đợi
Trời rộng mây thu nhớ cố nhân!
Trên đây là trích đoạn bài thơ Nhớ Cố Nhân của Giáo - sư Võ Long Tê, nhà thơ Tam Ngữ, đã tức tịch trong một buổi họp mặt mà thiếu vắng một người bạn ở xa. Giáo-sư Lê Hữu Mục đã phổ nhạc tại chỗ, đàn hát và ghi âm cũng tại chỗ để gửi tặng cho một người bạn bên trời Âu tuy họ mới chỉ xa nhau độ năm sắu tuần trăng. Người bạn viễn xứ đó là tôi: Tôi cảm thấy thật hạnh phúc!
Đọc thơ Nguyên Sa: “Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc”: Yêu hoa cúc ở đây không chỉ diễn tả đơn thuần về mầu sắc của nhớ nhung, mà còn bao hàm ý nghĩa sâu xa của loài hoa, đó là sự chung thủy.
Vào đời nhà Tống bên Tầu, một nhà thơ nổi tiếng tên là Chu Thục Trinh đã làm thơ vịnh Hoa Cúc, trong bài thơ đại khái có những câu:
Ninh khả bảo hương chi đầu lão
Bất tùy hoàng diệp vũ thu phong
Dịch nghĩa nôm na là: Cho dù hoa lá của cúc có già héo thì vẫn lưu lại chút hương thơm và cho dù có bị những trận gió thu vầy vò thì loài cúc cũng chẳng để hoa lá rụng rơi, lượn múa theo đám lá vàng tạp nhạp.
Thế nhưng, người ta lại được nghe câu chuyện “Tô cải Vương thi” (có nghĩa là Tô Đông Pha sửa thơ Vương An Thạch) liên quan đến loài hoa cúc thật lý thú. Câu chuyện như sau:
Tô Đông Pha, tên gọi Tô Thức, tự là Tử Chiêm (1037 – 1101) là một thi sĩ kiêm họa sĩ thời Bắc Tống, một hôm đến tướng phủ bái kiến Vương An Thạch, tự Giới Phủ, hiệu Bán Sơn (1021 – 1087), một nhà cải cách lừng danh thiên hạ, lại giỏi thơ văn. Đến nơi, không may họ Vương đi vắng, Tô Đông Pha nhìn thấy trên án thư có tờ hoa văn viết dở dang hai câu thơ:
Tây phương tạc dạ quá viên lâm
Suy lạc hoàng hoa mãn địa câm (1)
Nhẩm xong hai câu thơ, họ Tô cười thầm: Lão Vương há không biết loài hoa cúc khi héo tàn không bao giờ rụng cánh sao, mà lại cho là trận gió đêm qua thổi vào vườn ông làm cho cúc vàng rụng đầy sân? Nghĩ rồi, họ Tô với bút lông trên án và viết tiếp thêm hai câu thành bốn câu cho đủ thủ thơ để trêu Vương An Thạch:
Thu hoa bất tỷ xuân hoa lạc
Thuyết dữ thi nhân tử tế ngâm. (2)
Tạm dịch trọn bài:
* Hai câu họ Vương: Trận gió đêm qua rạp cỏ hoa
(1) Sáng ra vàng rụng giữa sân nhà.
* Hai câu họ Tô: Cúc thu nào phải đào xuân rụng
(2) Nhắn nhủ người thơ khéo vịnh a!
Khi Vương An Thạch trở về phủ, chợt thấy hai câu thơ nối tiếp thì biết ngay là nét chữ của Tô Đông Pha và hiểu họ Tô bỡn cợt mình. Ông cũng bật cười cho rằng kiến thức của Tô Đông Pha cũng còn nông cạn, quan sát sự vật còn thiển cận, biết một nhưng chẳng biết hai mà còn có ý cao ngạo.
Ít lâu sau, trong triều xẩy ra bất đồng chính kiến, họ Tô bị đầy đi Hoàng Châu. Đến nơi vào một ngày mưa to gió lớn, họ Tô rủ bạn cùng ngồi ngoài hiên uống rượu thưởng hoa...Bỗng nhiên ông nhìn thấy dọc theo luống hoa cúc, cánh hoa rụng vàng ối cả mặt đất, Tô Đông Pha chợt hiểu là kiến thức của mình quá nông cạn và trong lòng lấy làm thẹn với họ Vương.
Câu chuyện Sửa thơ cho ta thấy chữ nhưng thật ngoại lệ và phải hiểu rằng: ở trên đời, có gì tuyệt đối đâu?
Tuy nhiên, đây chỉ là năm thì mười họa mới xẩy ra mỗi khi có giông bão dập vùi, loài hoa cúc vẫn luôn luôn được tôn vinh là chung thủy, chung tình.
Bàn về ánh trăng, chẳng cứ vào mùa Thu mới có ánh trăng. Đọc truyện, đọc thơ hay chơi nhạc, chúng ta thường thấy nhan nhản những chuyện tình trên đời luôn đầy ánh trăng. Người ta tâm sự với trăng, trăng chia xẻ niềm vui hay nỗi buồn với thế nhân. Thi sĩ Tản Đà viết:
Đêm Thu buồn lắm chị hằng ơi
Trần thế em nay chán nữa rồi!
Trăng là nhân chứng cho những cho những cuộc tình dù tràn đầy hạnh phúc hay ngang trái bất hạnh. Chúng ta chỉ cần đọc qua một đoạn Kim Vân Kiều kể lại từ lúc Kiều gặp Thúc Sinh cho đến khi gá nghĩa cũng đủ nhìn thấy ánh trăng xuất hiện ở khắp mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh:
* Thúy Kiều và Thúc Sinh tình tự dưới trăng:
Nỉ non đêm ngắn tình dài (1369)
Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương.
* Trăng tròn là biểu tượng của sự đoàn viên. Nay vợ chồng Thúy Kiều và Thúc Sinh phải chia tay thì ví như:
Vừng trăng ai xẻ làm đôi (1525)
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
* Cảnh đêm Thu Kiều nhớ Thúc Sinh:
Đêm Thu gió lọt song đào (1637)
Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời.
* Cảnh gia đình hạnh phúc, vợ chồng vui hưởng thú thanh cao:
Khi chén rượu, khi cuộc cờ (3223)
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.
Đọc Chinh Phụ Ngâm, bản dịch chữ nôm của Bà Đoàn Thị Điểm, mới đến giòng thứ năm, ta đã thấy bóng trăng:
Trống trường thành lung lay bóng nguyệt
Khói cam tuyền mờ mịt thức mây.
Trong ca dao hay chuyện thần thoại của ta luôn nhắc đến Hằng Nga, Thỏ Ngọc và Chú Cuội...là những nhân vật thần thoại trong Trăng.
Việc đặt tên cho con gái, cha mẹ thường hay chọn Nga, Nguyệt, Hằng, đều có nghĩa là Trăng. Những cô con gái tuổi vừa đôi tám hoặc tới tuần cập kê còn được gọi là Tới tuổi trăng tròn.
Để mô tả Ông trăng người ta có cả trăm cách để gọi: Nào trăng già, trăng non, trăng khuyết, trăng tròn, trăng lưỡi liềm, đến trăng đứng, trăng treo, trăng thanh, trăng vàng, trăng ngà, trăng bạch (Trăng Thu bạch khói Thu xây thành), rồi trăng trong, trăng lặn, trăng lu, trăng mờ, trăng lạnh (Thái Bạch ôm trăng lạnh) và gì gì nữa, nhiều lắm, làm sao kể cho xiết...
Trăng xuất hiện trơ trọi trên đại dương, giữa bầu trời không vẩn gợn bóng mây, mặt biền thì mênh mông, không một bóng tầu bè qua lại. Bầu trời thênh thang và biển cả bao la gặp nhau bởi một đường thẳng gọi là đường chân trời. Ngắm bức tranh tĩnh vật này thì cho dù có là thi nhân chuyên nghiệp, muốn vịnh trăng sao cũng đến cạn ý bí vần, bởi trăng ở đây chỉ là một hình tròn trong bức họa kỷ hà, hay một bức tranh lập thể, người ta chỉ có thể định nghĩa Trăng ở khung cảnh này như một hành tinh hay một tinh cầu đang ở cách xa loài người 380.000 cây số đường chim bay. Trăng chỉ đẹp khi được con tạo gắn sau rặng liễu ven hồ, sau hàng cau thẳng tắp, thấp thoáng ần hiện sau lũy tre làng, đính sau cây đại cổ thụ bên mái chùa cổ kính rêu phong hoặc treo lạnh lẽo ngoài song cửa phòng khuê...Nói tóm lại, mùa Thu sẵn có phong cảnh đẹp lại có bóng trăng tô điểm thì cảnh sẽ đẹp mê hồn! Khi viết truyện, làm thơ hay đặt nhạc mà có đả động đến mùa Thu, người ta thường cho bóng trăng ẩn hiện, cho lá vàng bay xào xạc và cho cả một vườn khổng-cúc khoe hương phô sắc óng vàng. Người sáng tác cũng chỉ một nhóm, người thưởng thức tuy đông đảo hơn, nhưng cũng chỉ có một số lượng hạn định nào đó. Điều đáng nói hơn, trọng đại hơn cả ánh trăng, hơn cả hoa cúc hay chiếc lá vàng; Đó là Hội Thu hay nói cách khác, Lễ Trung Thu, một tục lệ đã ăn sâu vào tiềm thức của con người Việt Nam.
Có người cho rằng Lễ Trung Thu của ta bắt nguồn từ bên Tầu và chỉ rành riêng cho trẻ con nhi đồng. Vậy trước hết ta thử tìm hiểu khái quát nguồn gốc Lễ Trung Thu của người Hoa ra sao.
Người Việt hay người Hoa cũng mừng Lễ Trung Thu. Lễ này của người Hoa chỉ là một lễ dành cho nhi đồng: Truyền tích kể rằng, vào đời nhà Tống bên Tầu (Triều vua Nhân Tông), có con cá chép sống lâu đời, tu luyện thành tinh. Hàng năm cứ nhằm đêm Trung Thu (Rằm tháng Tám Âm Lịch) thường biến hình thành con gái để hại người. Bấy giờ ông Bao Công truyền cho dân làm đèn cá chép treo trước cửa nhà hay cầm đi ngoài đường để yêu tinh tưởng là đồng loại nên không phá phách nữa. Dân trong phủ nghe lời, nên cứ đêm rằm Tháng Tám làm đèn cá chép treo trước nhà, làm bánh trái bầy ngoài cửa. Bánh trái ngon lành đã cám dỗ đám trẻ nghịch ngợm, chúng tụ tập rước đèn cá chép đi thu lượm bánh trái khắp ngả đem về ăn. Người ta cho rằng vì đèn cá chép, vì tiếng la ó phá phách của lũ trẻ nên không thấy yêu tinh xuất hiện nữa. Từ đó, sự kiện ăn bánh và rước đèn cá chép vào đêm Trung Thu trở thành một tục lệ của người Hoa.
Nước ta là một nước nông nghiệp, công việc đồng áng được phân chia làm hai mùa:
Mùa tháng Ba và mùa tháng Tám. Thông thường, sau vụ mùa Tháng Tám, người nông dân được thảnh thơi hơn, nên đã nghĩ đến chuyện hội hè để khao vọng, vui chơi... Thụ hưởng một nền văn hóa có làm lụng thì có ăn chơi, sau hai mùa lúa với bao ngày tháng cần cù vất vả lo âu, Hội Rằm Tháng Tám là một cơ hội để người nông dân thoải mái vui chơi giải trí. Trải qua các triều đại, người dân quê gọi lễ này là Hội Mùa Thu hoặc Hội Rằm Tháng Tám. Theo sách Thái Bình Hoàn Vũ Ký thì vào khoảng Thế Kỷ XI, hội Thu còn được gọi là Hội Mùa Ngày Sửu Tháng Tám.
Như vậy, Hội Mùa Thu là một lễ hội có tính cách mùa màng. Tại Việt Nam, vào giữa mùa Thu, khí dương và khí âm ngang nhau, tức làTiết Thu Phân với đêm ngày bằng nhau. Tháng Tám (Âm lịch) tiết trời quang đãng, khí hậu lành lạnh, thích hợp cho việc trưng diện, vui vầy ca tửu. Đêm rằm tháng Tám lại thường là đêm trăng tròn và đẹp nhất trong năm: Thật là cơ hội lý tưởng cho bầy trẻ nhỏ nô đùa ngoài trời, cho trai gái trong làng có cơ hội tìm hiểu tỏ tình, và người già, kẻ cả có cơ hội an nhàn, hoan hỉ cùng con cháu.
Ngày xưa, hội Mùa Thu gồm nhiều tiết mục vui chơi như rước đèn, múa lân (ngoài miền Bắc gọi là Múa sư tử), thưởng trăng, bầy cỗ, phá cỗ, hát trống quân vv... Mỗi tiết mục đều có ý nghĩa tượng trưng riêng, nhưng lại liên hệ gắn bó với nhau.
Vào đúng đêm rằm, khi trăng đã lên cao đỉnh đầu, thanh niên nam nữ cùng lũ trẻ con tụ tập lại từng đoàn để rước đèn làm bằng vải hay giấy mầu, chúng đi khắp thôn khắp xóm: Hình rồng dẫn đầu, rồng là tiêu biểu cho nước, nhà nông rất cần nước, cho nên trong đám rước ở thôn quê luôn luôn có hình rồng. Tiếp theo là toán múa lân (múa sư tử), trống chiêng vang dội cả một góc trời, ma qủy nào mà chẳng kinh hồn bạt vía. Lân ( ly) là một con vật trong Tứ Quý gồm long ly quy phụng, biểu hiệu của sự hiền hòa và chỉ xuất hiện vào thời kỳ thịnh vượng, lân cũng tượng trưng cho sự giầu có và niềm hạnh phúc. Theo sau đám lân, các cô các cậu cùng đám trẻ con cầm đèn đủ kiểu đủ cỡ đi rước. Đèn ông trăng, đèn con thỏ tượng trưng cho mặt trăng; đèn con cóc (thiềm thừ) tượng trưng cho sự cầu mùa cầu nước; đèn ngôi sao tượng trưng cho sao hôm sao mai: một phương cách để đo lường thời gian, đèn cá chép tượng trưng cho công danh khoa cử; đèn kéo quân tượng trưng cho sinh hoạt của bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông trong sự an vui hạnh phúc...
Đặc điểm của lễ hội còn có tiết mục Thưỏng Trăng. Người xưa quan niệm rằng: trăng thuộc Thủy (nước) một trong năm yếu tố củangũ hành, mà Thủy dĩ nhiên rất cần thiết cho nhà nông. Giữa đêm trăng rằm, nhà nhà tụ họp ở ngoài sân để ngắm trăng hay còn gọi làthưởng trăng. Tùy theo mầu sắc hay hình tượng của trăng , người ta tiên đoán được nhiều điều quan hệ đến vận nước thịnh suy. Trăng sáng tỏ là điềm Được mùa, trăng ngả sắc vàng là điềm Tầm kết nhiều tơ, trăng có xen mầu xanh lục lại là điềm Cơ hàn vv...Ngồi thưởng trăng như thế, người ta thường nhâm nhi trà rượu, bánh trái... Điểm qua phong tục và hình thức mừng Lễ Trung Thu của hai dân tộc, chúng ta thấy rõ sự khác biệt: Lễ Trung Thu của người Việt có tính cách mùa màng và dành cho mọi lứa tuổi; còn Lễ Trung Thu của người Hoa có tính cách trừ yêu và chỉ dành cho nhi đồng.
Ngày xưa, khi tóc còn để chỏm, đứa trẻ được cha mẹ và các anh các chị chuẩn bị bầy cỗ Trung Thu cho bé chơi: Mẹ đi chợ mua sắm hoa quả, cốm vòng, bỏng nẻ, oản, mía...rồi ghé hàng mã một ông Tiến Sĩ giấy, ít giấy vàng giấy tiền và một đầu lân mini (đầu sư tử). Các chị ở nhà làm bánh mứt, nhồi bột, nhuộm mầu để nặn các loại thú vật hay côn trùng gọi là con giống; róc mía, tiện ông công ông táo để bầy cỗ. Anh của bé làm đèn kéo quân và một lô đèn xếp đủ mầu để trang trí cho bữa cỗ thêm lộng lẫy sắc mầu. Cha thì khuân từ trên Phố Khách về một xe tay đầy các loại bánh dẻo, bánh nướng chính hiệu Đông Hưng Viên. hay ít ra cũng phải là bánh Tân Tân, một tiệm bánh Trung Thu ngon hạng nhì so với Đông Hưng Viên nổi tiếng từ Hải Phòng, Hà Nội. Chiều ngày Rằm Tháng Tám, ngoại trừ mẹ phải chuẩn bị nhang đèn trầu rượu cúng ông bà, còn cả nhà thì xúm xít treo đèn kết hoa, khiêng bàn ghế ra sân bầy cỗ. Bé rủ các em ra vườn múa sư tử không đuôi, thùng sắt, soong nồi thay chiêng trống, thật chát chúa ồn ào...
Ở lứa tuổi của bé thì thế cũng đủ khoái chán!
Trời vừa tối, trăng đã lên cao, lấp ló sau cây khế trong vườn. Các loại đèn mầu được thắp sáng. Trên bàn, ông Tiến Sĩ Giấy ngồi bảnh chọe, trước mặt là mâm cỗ bầy biện mỹ thuật, công phu và đầy ắp những món khoái khẩu của nhi đồng...Cúng gia tiên xong, cả nhà quây quần phá cỗ tưng bừng nhộn nhịp...Tàn tiệc, bé xách đèn con cá theo anh chị lên phố xem múa sư tử cho đến khuya, hết đám nọ sang đám kia làm bé mệt nhoài...Cha mẹ còn ngồi lại với họ hàng, bạn bè để cùng thưởng trăng rồi hàn huyên tâm sự...
Thời gian qua đi thật nhanh, cậu bé để chỏm và mấy đứa em nay đã ở cái tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” hay còn gọi là cái tuổi “dài lưng tốn vải”, các cô các cậu không vòi mẹ bầy cỗ nữa, vì đêm Trung Thu sẽ không phá cỗ mà sẽ thay thế bằng một buổi dạ vũ, ông trăng của chúng tôi đêm đó sẽ là quả cầu tango ghép bằng những mảnh gương phản chiếu óng ánh xoay tròn hắt những đốm sáng lung linh bay lượn trên tường, trên trần và ngay cả trên sàn nhẩy.....
Giờ đây, hồi tưởng lại những đêm Rằm Tháng Tám của những ngày xưa thì tôi thấy đã quá xa, xa vòi vọi. Mỗi độ Thu về trên đất khách, lá vàng cũng rắc đầy lối mòn vắng vẻ, cúc vàng cũng đua nở mùa mong đợi, trăng lên cũng tròn vành vạnh, nhưng bóng trăng lành lạnh buồn tẻ làm sao ấy!
Vào một đêm trăng lộng gió tại miền Bắc Hòa Lan, đứng trên con đê khổng lồ thẳng tắp ngắm vầng trăng suông đơn độc, tôi có cảm tưởng như tâm hồn trùng xuống, bao nhiêu chuyện cũ trong dĩ vãng lần lượt trở về, trong đó không thể thiếu kỷ niệm của một đêm Trung Thu trên cao nguyên: Một chàng trai đã xếp bút nghiên theo việc đao cung, đang sánh vai cùng cô nữ sinh lớp Đệ nhị của trường Trung Học Lê Lợi, thuộc quận lỵ Di Linh, tung tăng lên đồi Đồng Lạc vào bản Thượng để hứng ánh trăng Thu. Xa xa ánh lửa bập bùng, tiếng khèn phụ họa cùng giọng hát ru hời của một cô sơn nữ nào đó vẳng từ khu nhà sàn lúc đậm lúc nhạt... Ánh trăng Đồng Lạc ấm áp, trong vắt và đẹp lạ lùng, vườn cà phê đang độ trổ hoa trắng ngời như giáp bạc, hương hoa ngây ngất khó quên. Sương Thu lạnh, trăng Thu ấm, và tình Thu thì nồng nàn! Vâng, chỉ toàn là những chi tiết nhỏ li ti, cũ kĩ, vậy mà cũng đủ làm cho mình nhớ như điên, nhớ đến phát khùng cái thuở tang bồng điểm chút hương yêu ấy!
Cảm ơn ánh trăng Đồng Lạc, cảm ơn hương hoa cà phê, và không quên cảm ơn cả người tình bé bỏng!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét