Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Người sáng lập giải thưởng Nobel

Người sáng lập giải thưởng Nobel
Nobel được xem là giải thưởng danh giá nhất trên thế giới trong các lĩnh vực Y học, Vật lý, Hóa học, Hòa bình, Văn chương và Kinh tế. Giải thưởng được đặt tên theo nhà phát minh nổi tiếng người Thụy Điển Alfred Bernhard Nobel.
Alfred Nobel. Nguồn: Jakarta Post
Alfred Bernhard Nobel sinh ngày 21/10/1833, tại thành phố Stockholm, Thụy Điển trong một gia đình trí thức. Theo dòng họ nội, ông là hậu duệ của nhà khoa học Thụy Điển danh tiếng Olaus Rudbeck (1630-1702).
Từ bé, Nobel đặc biệt thích văn học, nhưng nhận thấy năng khiếu của con trai trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, bố Nobel lại muốn ông theo học khoa học, trở thành kỹ sư để nối nghiệp kinh doanh của gia đình. Thành thạo tiếng Thuỵ Điển, Nga, Pháp, Anh và Đức, năm 17 tuổi, Nobel bắt đầu nghiên cứu cùng bố và các anh về thuốc súng và thuỷ, địa lôi. Ông được đưa sang Paris học tập trong lĩnh vực hóa học.
Năm 1863, Nobel đã chế tạo ra một loại thuốc nổ mới bằng cách trộn thêm silic với nitroglycerine làm nó trở nên an toàn và dễ sử dụng hơn. Chất nổ có tên là “Dynamite”. Thuốc nổ Dynamite là phát minh nổi bật nhất trong hơn 350 bằng phát minh của ông. Năm 1867 Nobel được trao bằng sáng chế với phát minh của mình.
Bên cạnh việc phát triển công nghệ chất nổ, ông còn phát minh ra nhiều vật liệu hóa học khác, trong đó có cao su và da tổng hợp, tơ nhân tạo...
Thị trường Dynamite và ngòi nổ tăng rất nhanh. Không dừng lại ở đó, Alfred Nobel tự học hỏi không ngừng, trở thành nhà kinh doanh tài ba. Anh em nhà Nobel, gồm Nobel và các anh trai Robert, Ludwig, cùng nhau thành lập công ty dầu lửa Branobel tại thủ đô Baku của Azerbaijan. Công ty này đã sản xuất 50% sản lượng dầu của thế giới khi đó. Thành lập đến 90 nhà máy sản xuất vũ khí, chất nổ cộng với việc kinh doanh dầu lửa đã khiến Nobel trở thành một trong những người giàu nhất châu Âu.
Thời đó, Nobel được mệnh danh là “kẻ buôn bán tử thần” do thuốc nổ của ông được áp dụng vào các cuộc chiến tranh với vô vàn người chết. Tuy nhiên, không muốn thế giới nhớ tới mình là một kẻ tồi tệ và xấu xa sau khi qua đời, ông quyết định thành lập Quỹ Nobel để tôn vinh những người kiến tạo hòa bình và các khoa học gia đã cho ra đời những phát minh thúc đẩy sự phát triển của nhân loại.
Ngày 27/11/1895 tại Câu lạc bộ Thuỵ Điển - Na Uy ở Paris, Nobel đã ký chúc thư cuối cùng, dành phần lớn số tài sản thành lập các giải Nobel, trao hàng năm cho bất kỳ ai, không phân biệt quốc tịch. Di chúc của Nobel đã dùng tới 94% gia sản của ông, tức 31.225.000 kronor Thụy Điển, để lập 5 giải Nobel (nay là 6 giải, trong đó giải Nobel Kinh tế có thêm từ năm 1968). Theo thời giá năm 2012, con số này tương đương 472 triệu USD. Ba giải Nobel đầu tiên dành cho những gương mặt nổi bật trong khoa học Vật lý, trong Hoá học và trong Sinh học hay Y học; giải thứ tư là dành cho các nhà văn có tác phẩm Văn học “theo một định hướng tư tưởng” và giải thứ năm được trao cho cá nhân hay tổ chức có được thành tích tốt nhất phục vụ lý tưởng hòa bình quốc tế, ngăn chặn hoặc làm giảm bớt các đội quân thường trực, hay thành lập, xúc tiến sự tiến triển của hoà bình.
Không có giải Nobel cho Toán học vì có giả thuyết cho rằng Toán học là phương tiện cho các môn khoa học tự nhiên khác chứ không tạo ra sản phẩm ứng dụng như Vật lý, Hóa học, Sinh học hay tác động tức thời tới tinh thần và sức khỏe con người như Y học và Văn học. Từ các ngành khoa học được trao giải Nobel có thể thấy việc ông muốn trao giải cho những người tạo ra được thành tựu ứng dụng thực tiễn và tạo ra sản phẩm có thể thấy được. Để thay thế sự thiếu hụt này, có một giải toán học tương đương với giải Nobel là giải Fields. Đây cũng là giải mà giáo sư Ngô Bảo Châu của Việt Nam đã đạt được.
Nobel qua đời vào ngày 10/12/1896 tại San Remo, Italia. Quỹ Nobel trao giải đầu tiên vào năm 1901. Người lớn tuổi nhất giành giải Nobel là nhà khoa học Mỹ gốc Nga Leonid Hurwicz. Ông được trao giải Nobel Kinh tế năm 2007, lúc đã 90 tuổi. Người trẻ tuổi nhất giành giải Nobel là nhà khoa học Anh Lawrence Bragg, 25 tuổi, với giải Nobel Vật lý năm 1915.
Kể từ đó tới nay, giải Nobel đã được trao đều đặn trong hơn 1 thế kỷ, góp phần khiến người ta nhớ tới Nobel như một hiệp sĩ bảo vệ hòa bình, chứ không phải “kẻ buôn bán tử thần”.
Thùy Giang
Theo http://review.siu.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...