Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, sinh ngày 6 tháng 3
năm 1945, tại Hà Nội (cũng có khi cô lấy tên là Phạm Thị Lệ Mai theo họ Phạm của
người cha dượng). Khánh Ly là một trong những tiếng hát tiêu biểu nhất của tân
nhạc Việt Nam. Tên tuổi Khánh Ly gắn liền với các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn. Khánh Ly cũng rất thành công với các nhạc phẩm tiền chiến và của nhiều
nhạc sĩ khác như Trầm Tử Thiêng, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Nguyễn Đình Toàn, Vũ
Thành An... Nghệ danh Khánh Ly được cô ghép từ tên hai nhân vật Khánh Kỵ và Yêu
Ly trong Đông Chu Liệt Quốc.
Năm 1962, Khánh Ly khởi đầu nghiệp ca hát của mình ở phòng
trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện, Sài Gòn. Cuối năm ấy, Khánh Ly rời Sài Gòn lên
hát cho một Night Club ở Đà Lạt và thành phố cao nguyên thơ mộng này đã giữ
chân cô ở lại đó suốt 6 năm liền. Năm 1964, tại thành phố sương mù này, số phận
đã sắp đặt cho cô gặp gỡ với một nhạc sĩ tài ba và hai người nhanh chóng trở
thành bạn. Anh đến với cô bình thản như cơn mưa dầm của Đà Lạt đêm hôm ấy. Người
bạn ấy không ai khác, đó chính là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rất nhiều lần Trịnh
Công Sơn đã đề nghị Khánh Ly về Sài Gòn cùng đi hát với ông nhưng cô đều từ chối
bởi cô yêu Đà Lạt, sự yên tĩnh thanh bình của Đà Lạt đã quyến luyến bước chân
cô, không như Sài Gòn vốn đông người và luôn nhộn nhịp. Nhưng nếu tin vào định
mệnh thì cuộc gặp gỡ của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn tuy bình thản, giản dị là
thế song đã trở thành định mệnh của cuộc đời Khánh Ly, là khoảnh khắc lịch sử
không riêng của Khánh Ly mà còn của nền âm nhạc nước nhà.
Bởi định mệnh nên đến năm 1967, như một sự tình cờ, Khánh Ly
gặp lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giữa giòng người đông đúc trên đường Lê Thánh
Tôn, Sài Gòn, vào một buổi chiều êm ả. Từ một đêm mưa của Đà Lạt đến một buổi
chiều trên đường phố Sài Gòn, một huyền thoại đã bắt đầu. Ngay buổi chiều hôm ấy,
tại quán lá đơn sơ có cái tên mộc mạc: Quán Văn, nằm trên bãi đất rộng ngay sau
trường đại học Văn Khoa Sài Gòn, Khánh Ly bắt đầu bước đi trên con đường định mệnh
- cùng sát cánh bước đi và ca hát bên cạnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - đánh dấu sự
thành công tuyệt đỉnh vinh quang của dòng nhạc Trịnh Công Sơn và tiếng hát
Khánh Ly. Giọng hát khàn đục và quyến rũ của Khánh Ly với những bản tình ca và
dòng nhạc phản chiến của nhạc sĩ tài ba họ Trịnh đã làm bàng hoàng ngây ngất cả
một thế hệ trẻ vào những năm cuối của thập niên 60 và đầu thập niên 70. Khánh
Ly đã được các bạn sinh viên thời đó yêu mến đặt cho biệt danh là “Nữ Hoàng
Chân Đất” hay “Nữ Hoàng Sân Cỏ”. Tiếp tục cuộc “du ca” với cây đàn của người nhạc
sĩ lãng tử họ Trịnh, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn đã có những buổi trình diễn sống
động trong các trường đại học lớn, có khi kéo dài đến cả 4-5 giờ đồng hồ, Khánh
Ly đã hát say mê hơn bốn mươi lăm nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn để đáp lại lòng
yêu mến của khán thính giả trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết thời đó.
Video clip ca khúc "Ru Ta Ngậm Ngùi", tạo dựng lại
khung cảnh Quán Văn ở Sài Gòn thập niên 60, với sự xuất hiện của hiện tượng
"Nữ hoàng chân đất Khánh Ly" và tiếng hát ma quái đầy sức quyến rũ của
cô.
Từ năm 1967 đến 1975, Khánh Ly hợp tác với nhiều băng nhạc tại
Sài Gòn, thâu âm nhiều bài hát trong các chương trình của Phạm Mạnh Cương,
Trung tâm Trường Sơn, Băng nhạc Sơn Ca, Hoạ Mi... Năm 1968, Khánh Ly mở Hội
Quán Cây Tre ở Đakao, số 2bis đường Đinh Tiên Hoàng, Sài Gòn. Đây là nơi tụ họp
của các văn nghệ sĩ và các sinh viên học sinh yêu văn nghệ yêu tiếng hát Khánh
Ly, và đây cũng là nơi tổng phát hành những cuốn băng nổi tiếng "Trịnh
Công Sơn - Khánh Ly hát cho Quê Hương Việt Nam". Năm 1969, Khánh Ly và Trịnh
Công Sơn được mời đi lưu diễn tại Âu Châu. Khánh Ly là nữ ca sĩ Việt Nam đầu
tiên trình diễn tại đây cũng như các nước trên toàn cầu.
Phu quân của Khánh Ly là nhà văn, nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan.
Khánh Ly có hai người con trai và hai người con gái, tất cả đều đã trưởng
thành. Năm 1975, Khánh Ly cùng gia đình rời Việt Nam đến sinh sống tại thành phố
Cerritos, California, Hoa Kỳ và định cư ở đó cho đến nay. Tuy phải “theo đời
cơm áo, mai ra cùng phố xôn xao”, bỏ lại “những yêu dấu tan theo” nhưng Khánh
Ly vẫn không ngừng phát triển Kiếp Cầm Ca. Trung tâm băng nhạc mang tên “Khánh
Ly Productions” do cô thành lập đã cho ra đời hơn 50 đĩa nhạc, 4 cuốn băng
video. Ngoài ra, Khánh Ly còn hợp tác với nhiều trung tâm băng nhạc nổi tiếng
khác như Asia Productions, Thuý Nga Paris, Mây Productions để cho ra đời nhiều
băng nhạc quý hiếm.Ngoài niềm vui ca hát, dù chưa bao giờ nhận mình là nhà văn
nhưng trong giới văn bút, có lẽ Khánh Ly được coi là người cầm bút “đột xuất”
duyên dáng nhất. Cô viết dễ dàng cũng như khi cất tiếng hát. Những bài viết
“Bên Đời Hiu Quạnh” của cô về những vui buồn của đời nghệ sĩ đã đem đến cho người
đọc một cảm giác thật nhẹ nhàng, thích thú và dễ thương.
Cuối mùa Xuân năm 2001, tại quê nhà, một người đã vĩnh viễn
ra đi. Ông ra đi để lại nỗi nhớ mênh mang cho bao người ở lại, để lại gia tài
nghệ thuật vô giá cho người, cho đời. Vậy mà, với một người, một nửa đã mất đi.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời vào ngày 1 tháng 4 năm 2001. Hồn lìa khỏi xác
người ta có còn sống được không. Bóng và Hình chia lìa nhau như thế. Khánh Ly
bày tỏ nỗi đau thương, lòng biết ơn qua từng lời ca, giọng nói. Bao năm rồi, những
bài hát ấy chất chứa nhiều kỷ niệm của cô và nhạc sĩ. Bất cứ nơi nào, buổi hát
nào cô cũng hát bài nào đó của ông vậy mà sao lời ca quen thuộc lại đứt quãng nửa
chừng, "cổ họng bằng vàng" không vượt qua nổi những cái nấc âm thầm,
lặng lẽ...
Dẫu tuổi không còn trẻ, sức không còn dài như ngày xưa đã có,
Khánh Ly vẫn sống cùng những ngày tháng của mình bằng tình cảm chân thành, trân
quý, niềm tri ân với những người ơn, người bạn và với khán thính giả khắp nơi
dành cho Khánh Ly tình yêu thương vô bờ bến. Khánh Ly mãi hát cho đời, cho người,
hát với người, cùng người... và mãi hát!.
TIẾNG HÁT KHÁNH LY QUA
CÁC NHẠC PHẨM CỦA TCS
100 ca khúc chọn lọc
Phôi Pha
Tưởng rằng đã quên
Ướt mi
Tình nhớ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét