Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Chiếc lá trạng nguyên

Chiếc lá trạng nguyên
Đang ngồi làm việc như thường lệ bỗng nhỏ Loan từ phòng Hành chánh chạy xộc vào rủ tôi:
- Lát nữa bọn em đi thi chị Châm đi cùng bọn em nhé?
Tôi buông viết hỏi lại:
- Chị theo làm gì? Nhóm của em dự thi hội diễn văn nghệ, chị có hát hò gì đâu mà đi theo?
- Anh Tiến bảo em qua rủ chị, nói là đi theo ủng hộ tinh thần. Càng nhiều người đi càng tốt!
Tôi phì cười:
- Trời ! đi hát hò chứ có phải đánh nhau đâu mà cần đông người ?
- Không phải, tụi em cần nhiều người ngồi bên dưới vỗ tay cho đỡ run thôi. Với lại giám khảo nghe tiếng vỗ tay nhiều chắc sẽ cho thêm điểm.
- À ra vậy, quý vị tính “ lấy thịt đè người “ áp đảo tinh thần người khác đây.
Con nhỏ bỏ qua câu nói đùa của tôi cứ nằng nặc kéo tay năn nỉ :
- Đi nghen chị, anh Tiến nói chị mà không đi ảnh hát không ra hồn, tụi em thất bại bị xếp hạng bét cho xem.
Tôi trợn mắt :
- Gì ghê dữ vậy ? Chị thấy các bạn trong đội văn nghệ tập dợt quá trời làm gì có chuyện đó, kéo cả đám bỏ việc đi theo coi chừng bị giám đốc giũa te tua.
Nhỏ Loan cười hì hì:
- Chị đừng lo, ổng đi Vũng tàu từ đầu giờ sáng, chưa chắc chiều về tới, xí nghiệp như chùa Bà Đanh mạnh ai nấy đi, vả lại mình đi thi giành về “ lá cờ đầu “ cho xí nghiệp chứ bộ.
Tôi lắc đầu:
- Đúng là “ vắng chủ nhà, gà vọc nêu tôm “Xí nghiệp chắc chỉ còn có mỗi bà bảo vệ ở lại.
Đến địa điểm hội diễn chúng tôi chia làm hai tốp, những ai có tiết mục trình diễn thì vào phía sau hội trường, nhóm ủng hộ “ gà nhà “ thì ngồi ỏ hàng ghế khán giả. Tôi lơ đãng ngồi nhìn lên sân khấu. Cũng vẫn là những bài hát, những điệu múa nhún nhảy nhai đi nhai lại từ ngày giải phóng đến nay. “Thành phố mười mùa hoa, hoa mười mùa đầu ngõ, rạo rực tiếng chim ca, rạo rực từng nốt nhạc ….. ”Bài hát ông nhạc sĩ nào đó sáng tác trong kế hoạch mười năm. Mai mốt mười lăm năm, hai chục năm chắc sẽ có bài “Thành phố hai mươi năm, ba mươi lăm năm …“. Nhớ những lần được vé mời xem phim cũng tại nơi này tôi thường nghe lời thuyết minh mở đầu chuyện phim nào cũng có câu “ ….. phim được làm theo đơn đặt hàng của cơ quan X, Y, Z... ” Văn nghệ làm theo đơn đặt hàng, văn chương phát xuất từ trại viết tập trung, tôi cứ tưởng tượng những nhà văn bị bắt buộc cầm viết gò ép “sản xuất tác phẩm“ chắc phải mệt mỏi lắm, phải chắt bóp đầu óc giống y hệt những đứa học trò không có khiếu văn chương bị thầy cô bắt buộc làm những bài luận văn trong lớp học.
Đang nghĩ ngợi lan man nhỏ Loan ngồi bên cạnh thúc tay tôi:
- Tới tiết mục trình diễn của xí nghiệp mình kìa chị.
Loan là bí thư chi đoàn thanh niên, trách nhiệm chủ yếu đôn đốc hướng dẫn sinh hoạt chính trị của đám trẻ trong xí nghiệp, văn nghệ là phụ. Sân khấu giới thiệu bài hát mở đầu của một bạn gái ở phân xưởng sơn mài, bài hát rất lạ và dài lần đầu tiên được nghe có những câu: “Tình yêu có từ nơi đâu, êm êm một khúc sông cầu, sao trời lọt qua mắt biếc, à” bỗng câu hát tiếp theo làm tôi cụt hứng:” nhà xa mặt trận cũng xa, chẳng đủ để mà giận dỗi!!” Tôi thở dài, mười năm qua rồi, chiến tranh đã qua đi nhưng sao người ta vẫn cố tình níu kéo vào không để tình yêu trọn vẹn với ý nghĩa đích thực của nó! Tôi ngồi chăm chú nhìn lên sân khấu với tâm trạng tham dự một cách máy móc như trước, vỗ tay khi chấm dứt bài hát. Loan nhỏm dậy lay tôi :
- Đến phiên Mạnh Tiến hát đó chị.
Tôi thấy Tiến bước ra sân khấu nghiêng đầu, hướng cái nhìn về phía chúng tôi ngồi rồi cất giọng :
- “Chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông dường nào,
Chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu về đâu.
Nếu biển phải xa thuyền biển bạc đầu thương nhớ
Nếu thuyền phải xa biển lòng thuyền đau rạn vỡ
Có những đêm vô cớ biển ào ạt xô thuyền
Vì tình yêu muôn thuở có bao giờ đứng yên....
Những ngày không gặp nhau biển rạt rào sóng vỗ,
Những ngày không gặp nhau lòng thuyền đau rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa em anh chỉ còn bão tố !! …."
 Lời nhạc phổ từ bài thơ thuyền và biển của Xuân Quỳnh có lần tôi đã đọc qua nhưng hôm nay bỗng dưng tôi xúc động lặng người khi nghe bài hát, đến lúc có tiếng vỗ tay râm ran tôi mới biết bài hát chấm dứt và cảm tưởng rằng nó quá ngắn. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao Tiến nằng nặc thúc giục Loan kéo tôi đi theo cho bằng được. Có lẽ những nhà nghiên cứu tâm lý tình yêu đã nói đúng “con gái yêu bằng tai“.
Tôi và Mạnh Tiến làm chung xí nghiệp, tôi trong vai trò phó phòng kế toán còn Tiến chỉ là một công nhân bình thường. Tiến nhỏ hơn tôi hai tuổi, mỗi khi ghé qua phân xưởng lấy số liệu của thống kê Tiến hay lân la trò chuyện cùng tôi. Một hôm đi học gặp Tiến ở lớp học mới biết ngoài lớp Anh văn, Tiến cũng học thêm lớp Y tế gia đình ở nhà Văn hóa vào buổi tối. Có lần trên đường về cùng đạp xe song song bỗng nhiên Tiến nói với tôi :
- Hồi trước ba Tiến cũng học Y khoa, nghe nói ba Trâm cũng trong ngành Y ?
Tôi không trả lời mà đánh trống lảng bằng cách hít một hơi dài và thở ra :
- Hương ngọc lan thơm quá, lần nào đạp xe đến đây cũng ngửi được mùi hương đặc biệt này.
- Trâm thích hoa ngọc lan lắm hả? Sao nhà không trồng?
Tôi cười nhẹ nói:
- Má mình không thích, bà nói hoa này có mùi hương quyến rũ và chỉ nở về đêm là loại hoa không tốt.
- Trâm không hỏi má lý do tại sao à?
- Mình đâu dám hỏi tại thấy má có vẻ buồn và không thích tất cả các loại hoa đẹp, hoa thơm.
- Ủa vậy mấy khóm hoa trạng nguyên trồng bên trong cạnh cửa rào nhà Trâm không phải của bác trồng à ?
Tôi trả lời cụt ngủn :
- Không phải.
Tôi và Tiến chia tay ở ngả rẽ vào con đường nhựa nhỏ có những căn biệt thự nằm im lìm. Trước mỗi căn nhà đều có những giàn hoa leo dọc hàng rào, hoa tigôn hồng thắm, huỳnh anh vàng rực, hoa giấy đỏ chói chỉ độc nhất căn nhà tôi ở là trơ trọi với cái cổng sắt, lác đác hai ba khóm trạng nguyên mọc dựa bờ rào. Loại hoa độc nhất trong khuôn viên nhà cũng chỉ cho những khóm hoa đỏ có cánh hoa giống như chiếc lá trên đầu cành thưa thớt khi mùa đông sắp về. Hôm thi kết thúc một khóa học của lớp Anh văn thầy giáo ra đề luận :" Bạn thích nhất mùa nào trong bốn mùa và cho biết lý do tại sao ? " Ngày trả kết quả ông thầy mang bài của tôi đọc cho cả lớp nghe lúc ấy Tiến nói với tôi :
- Đến bây giờ mình mới biết Trâm sinh vào mùa đông,
Tôi chối:
- Ai nói với Tiến tôi sinh vào mùa đông?
- Thì bài luận văn Trâm viết đó " … tôi thích mùa đông không vì những lý do đó, mà chỉ với một lý do duy nhất :” mùa đông là mùa tôi sinh ra đời “."
Tôi đỏ mặt cãi:
- Người ta khi viết thường hay tưởng tượng nhiều chuyện không có thật.
Tiến bật cười :
- Trâm hay nói với mình “Văn là người“ và nhà văn khi viết chỉ cần một điểm nhỏ của sự thật họ có thể hư cấu chi tiết để biến câu chuyện thành một trường thiên tiểu thuyết.
 Hôm sinh nhật tôi không biết Tiến dò hỏi ở đâu nên biết được ngày và rủ vài bạn thân học cùng lớp Anh văn hẹn nhau đến nhà mừng sinh nhật tôi. Họ lễ mễ mang bánh kẹo, thức uống và duy nhất chỉ có một bông hồng màu vàng nhạt. Tiến nói sinh nhật không có hoa thì không trọn vẹn. Trong khi các bạn lúi húi bày bàn tiệc, má tôi lẵng lặng mang kéo ra cắt cành trạng nguyên vừa đơm chùm lá đỏ đầu cuống mang vào cắm trong chiếc bình thủy tinh cổ cao để giữa bàn. Buổi tiệc với thức ăn nghèo nàn, đơn sơ nhưng đầy xúc động. Các bạn học ai cũng tấm tắc khen ngôi nhà nhỏ nhưng trang trí ấm cúng, so với thời buổi thiếu thốn lương ba cọc ba đồng. Sở dĩ gian phòng khách trở thành đơn giản, và rộng rãi bởi những thứ đồ đạc trước kia đã theo nhau chạy ra chợ trời.
Câu chuyện trở nên rộn rã khi mọi người nhắc đến chuyện tương lai, hầu như tất cả theo học lớp Anh văn đều có giấy tờ xin đi xuất cảnh, bé Ngọc Anh hỏi tôi :
- Ba chị ở nước nào vậy?
Tôi bị hỏi bất ngờ nên hơi lúng túng :
- Ở Pháp.
Cả chục đôi mắt ngạc nhiên tròn xoe nhìn tôi, một đứa lên tiếng ;
- Ba chị ở Pháp sao chị học tiếng Anh?
Tôi trả lời qua loa:
- Tại chị muốn học thêm tiếng Anh, biết đâu sau này chị chuyển qua Mỹ khi tới Pháp thì sao?
- Ừ hén, mai mốt mình sẽ gặp nhau bên Mỹ.
Chưa bao giờ tôi tâm sự chuyện của mình với bất cứ một ai bởi tôi không có bạn bè nào có thể gọi là “ tri kỷ “, với Tiến cũng vậy mặc dù nhiều lần hắn cố tình để lộ tình cảm của mình bằng cách quan tâm và chăm sóc tôi hết sức tỉ mỉ. Nhiều lần tôi xoáy quanh lý do rằng tôi lớn hơn Tiến hai tuổi để hắn nản lòng nhưng không ngờ Tiến hóm hỉnh trả lời:
- Sách tử vi hay viết :” Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một “.
Tôi cười chế giễu :
- Sắp sang thế kỷ hai mươi mốt rồi mà còn tin vào bói toán,
Cho dù hiểu hết những gợi ý xa xôi, với tôi cuộc tình chưa bắt đầu và tất cả chỉ là giấc mơ từ phía Tiến, cũng vì tôi hay lẩn tránh những tia nhìn da diết trong khi hai chúng tôi trò chuyện. Tiến kể lại ba của Tiến ngày xưa là sĩ quan quân y thời VNCH sau bảy lăm bị đi tù gần ba năm. Trở về ông đi vượt biên hiện đang bên Mỹ, gia đình Tiến đang chờ ngày đoàn tụ, đó là lý do tôi và Tiến tình cờ học cùng lớp Anh văn ban đêm với nhau.
 Ai cũng tưởng vị nha sĩ già khả kính, chủ nhân ngôi biệt thự là ba ruột của tôi. Sự thực không phải vậy nhưng có hề gì, thâm tâm tôi vẫn xem ông như người cha ruột mặc dù ngay từ tấm bé tôi đã biết ông chỉ là cha nuôi, sở dĩ tôi xem ông như cha ruột vì khi tôi bắt đầu hiểu biết mọi chuyện tôi đã thấy mình có mặt trong căn nhà của ông, được ông quan tâm, nuôi nấng và chăm sóc. Về sau lớn lên một lần duy nhất tôi hỏi về ba ruột mình má chỉ trả lời gọn lỏn hai chữ “ chết rồi “. Tôi hỏi chỉ là hỏi cho biết vậy thôi và vẫn yên tâm lớn lên với đời sống mình đang sống cho đến ngày người người chung quanh bàng hoàng giống như họ vừa trải qua “ nạn hồng thủy “. Trong khi mọi người vật vã với đời sống vật chất thay đổi riêng tôi thì đau đớn trong hồn, giằng xé ở trái tim non trẻ. Năm tháng trôi qua đã phủ lên trong tôi tình cảm gắn bó với người nuôi dưỡng giống như lớp rêu phong bám chặt vào đền đài từ thời cổ độ, giờ bỗng chốc phủi sạch làm sao không để lại dấu vết tang thương khi người cha ruột bỗng dưng xuất hiện!
Má tôi kể :” Con tên Châm, là Kim Châm, cái tên nghe ra đớn đau trong lòng như muối xát. Hồi nhỏ đi học con hay về khóc kể cho má nghe chuyện chúng bạn chòng ghẹo cái tên mình, má nói trớ là hồi làm khai sanh ông thư ký hộ tịch viết nhầm tên Trâm thành ra Châm. Sự thực không phải thế, má đặt tên con như vậy vì lúc đó cuộc đời má đau khổ quá! tưởng chết được. Bà ngừng một chút như để nhớ lại rồi nói tiếp:
- " ….. Hồi còn con gái má thuộc loại“ lịch sự, dễ coi “nói theo kiểu của mấy bà già trầu với tóc dài, da trắng, dáng mềm mại, uyển chuyển. Người xứ khác thường đồn đãi rằng có lẽ con gái xứ dừa quanh năm ăn cơm dừa, tắm nước dừa và leo dừa nên đẹp hơn các cô gái làm ruộng tay lấm chân bùn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. “Hồng nhan đa truân“ câu nói quả không sai. Ngày má báo tin mình mang thai cũng là ngày ba con được lệnh tập kết theo đơn vị ra Bắc. Để tránh “ điếm nhục gia phong “ má đành phải lén bỏ xứ mà đi bởi ông ngọai là một “ ông già Ba tri “ điển hình, mẫu mực về luân thường, đạo lý. Lên Saigon má lang thang nhiều ngày đi tìm người bạn gái chơi thân cùng xóm lúc nhỏ nhưng không gặp, tiền dành dụm mang theo cũng sắp cạn, bụng đói, mắt hoa má ngồi bệt xuống đất dựa lưng vào bức tường thì trời đổ mưa. Nhìn quanh quất chẳng thấy mái hiên nào có thể trú chân má đành nép vào góc cột cạnh cửa sắt của ngôi biệt thự mà ngồi như thế đến nửa đêm, khi xe hơi của ông bà chủ nhà về đến, thấy má bị ướt lạnh hai người kêu chị bếp và anh tài xế cho má vào nghỉ đỡ trong gian nhà phía sau dành cho bồi bếp. Hỏi rõ hoàn cảnh sẵn dịp chị bồi phòng đã nghỉ việc cả tháng trước, chị bếp xin với ông bà chủ cho má ở lại giúp việc. Trời thương cho má gặp người tử tế nên khi sinh ra con má được mọi người giúp đỡ hết lòng. Suốt từ lúc ấy đến nay má con mình đã ở lại ngôi nhà này như con đã biết. "
Câu chuyện má tôi kể khiến tôi đắm mình vào cơn hồi tưởng “ Ký ức con người có đôi lúc mù mờ, nhưng vẫn có những chuyện làm người ta nhớ rất rõ, làm sao tôi lại có điều không nhớ khi đã sống hết mười chín năm bên cạnh người tôi gọi là cha nuôi. Ông là con trai của một điền chủ giàu có, thời còn trẻ ông được đi học bên Tây, khi trở về ông dẫn theo một người vợ đầm. Hai người sống với nhau không có con nhiều năm, trong một lần về thăm nhà khi trở qua bà dẫn theo một đứa nhỏ, đứa bé nhỏ hơn tôi hai tuổi là con của một người chị họ vừa qua đời. Tôi và con bé cùng chơi đùa và cùng lớn lên, tuy địa vị khác biệt nhưng ở trẻ con ít khi nhận ra việc này huống chi mọi thành viên trong nhà mỗi người điều có một công việc riêng chỉ có hai đứa trẻ chúng tôi là rảnh rang. Con nhỏ có cái tên tây là Hélène nhưng ở nhà chị bếp và má tôi hay gọi là Hồng. Cũng giống như bao đứa trẻ khác tôi có gen di truyền của bên ngọai nên tối ngày lăn lóc ở góc vườn cạnh dãy nhà bồi bếp, hái lá, trèo cây chơi trò bán hàng, Hồng thích lắm nhưng bị bà má không cho phép nó vầy đất bẩn, những hôm ba má nó có công việc vắng nhà vài hôm là nó chạy tọt ra với tôi ôm theo một lô búp bê lóc nhóc, con to con nhỏ để chơi trò làm ba má với tôi. Dù ngôn ngữ bất đồng nhưng trong thế giới đồng cảm của trẻ con không có biên giới, chúng tôi chơi đùa hết sức vui vẻ, tôi dạy con bé bập bẹ từng chữ tiếng Việt trong khi nó chỉ xổ toàn tiếng Tây.
Đến lúc Hélène bắt đầu vào trường tiểu học Pháp tôi thơ thẩn một mình vì không còn bạn chơi đùa,ngày nào tôi cũng ra cổng chờ nó về. Một hôm ông chủ hỏi má về tôi và biết được tôi chưa đi học, ông rầy rà bảo má phải cho tôi đi học nhưng lúc đó tôi đã hơn cái tuổi vào lớp chót của bậc tiểu học Việt Nam hai tuổi nên không trường nào nhận vào. Ông phải đích thân đến trường xin với bà Hiệu trưởng ông quen biết cho tôi vào học, kể từ đó coi như ông nhận tôi làm con nuôi, mỗi đầu năm học phải sắm sửa quần áo, sách cặp tôi đều có phần ông dành cho, bạn bè bên ngoài không hề biết tôi là đứa bé không cha bởi ngày ngày thấy tôi tung tăng vui vẻ đến lớp, ăn mặc tươm tất và sống trong nhà cao cửa rộng.
Mỗi năm sau lễ Giáng sinh lúc má dọn dẹp nhà cửa bao giờ bà cũng giữ lại một đống thiệp chúc mừng hầu hết đều từ Pháp gửi đến, những cánh thiệp với mầu sắc hình ảnh thật đẹp đẽ tươi tắn, có cái đầy kim tuyến lấp lánh, chúng là nguồn tiền riêng tôi kiếm được bên cạnh tiền ăn quà sáng hàng ngày mỗi khi đi học. Mấy đứa bạn trong lớp rất thích mua những tấm thiệp tôi bán cho chúng vì vừa rẽ, vừa đẹp, vừa to và hình ảnh lạ mắt hơn mấy thứ người ta bày bán trước cổng trường. Bọn chúng đứa nào cũng mím môi, mím lợi gò những câu chúc mừng giống nhau :" … thương nhau mới tặng ảnh này. Dù cho ảnh có phai màu, xin đừng ghét bỏ mà lòng bạn đau … " bên cạnh mấy chữ ký tên hoặc viết bằng tiếng Tây không đứa nào biết đọc. Dù rất đắt hàng nhưng bao giờ tôi cũng lựa ra và giữ lại những tấm thiệp in hình những bông hoa có hình chiếc lá đỏ nhiều góc, bên cạnh chùm trái tròn tròn nho nhỏ màu son là hình ảnh tôi thích nhất.
Năm tôi đậu Đệ thất vào trường Nữ trung học lớn nhất thành phố thì Hélène theo má nó về Pháp để đi học bên ấy và kể từ đó chúng tôi xa nhau. Cha nuôi tôi trong vài năm đầu có qua bên ấy thăm hai mẹ con nhưng sau này thì ông ỏ lại hẳn bên này. Từ khi người Mỹ đổ quân vào Việt Nam ai cũng đua nhau đi làm sở Mỹ, chị bếp và chú tài xế cũng không ngoại lệ. Họ rủ má tôi đi theo nhưng má tôi không đi vì lý do gì thì tôi không biết, không thuê được người làm mọi công việc đều do má tôi cáng đáng, tôi đi học về phụ giúp thêm. Thực tình việc nhà cũng chẳng có bao nhiêu, căn biệt thự giờ chỉ còn ba người nên chúng tôi sống chung đụng hài hòa và trở thành một tiểu gia đình nho nhỏ hạnh phúc lúc nào chẳng biết. Từ nhỏ tôi đã quen mắt khi sống gần bên cha nuôi, được ông chăm sóc nên khi việc ông chính thức chung sống với má, tôi không thấy có gì khác biệt, duy chỉ có việc má tôi không hề sánh vai ông khi đi ra ngoài, sau này khi lớn lên tôi hỏi nguyên do thì má nói “ má lấy ông vì cảm kích tấm lòng nhân hậu, vì tình nghĩa cha nuôi đối với mẹ con tôi, chứ trong thâm tâm má vẫn thấy mình kém cỏi về học thức và vì tuổi tác, giai cấp không ngang bằng, dù nghĩ thế nhưng má vẫn chấp nhận sống chung chỉ để chăm sóc ông trong chuỗi ngày quạnh quẽ như một cách trả ơn à “
Hôm cha ruột tôi xuất hiện trong tư thế của người chiến thắng, hiên ngang tìm tới đòi vợ đòi con không làm má tôi bàng hoàng nhưng riêng tôi lại cảm thấy hụt hẫng. Cha nuôi tôi ở tình trạng kẻ bại trận xuôi tay bởi biết hạnh phúc mình đang có không được phép giữ lại. Chuyện tình tay ba của người lớn tôi không muốn xen vào nhưng nhìn vẻ thiểu não của cha nuôi trong thời gian qua tôi thấy đã quá sức chịu đựng của ông rồi. Phòng mạch tư với chế độ mới tạm thời bị đóng cửa, mọi thứ được sắp xếp lại bằng sự đảo lộn. Mấy tháng qua đi đâu tôi cũng đọc được bất bình trong ánh mắt mọi người cho dù đã được che giấu. Tôi cũng giống như họ, đời sống êm đềm của tôi ngần ấy năm phút chốc bắt tôi thay đổi, những toan tính về tương lai bỗng tan tành làm tôi nuối tiếc quá khứ. Bỗng dưng tôi thấy mình không cần tới những hứa hẹn huy hoàng mà cha ruột tôi vạch ra, chế độ sẽ giành mọi thứ ưu tiên cho những đứa con như tôi. Tự dưng tôi nổi giận bởi cha ruột tôi càng nói chỉ càng khiến tôi nhớ lại những gì má tôi thủ thỉ từ tấm bé.:
- “à Sau này lấy chồng con đừng đặt tên con gái là tên các loài hoa à
Tôi chu mỏ hỏi:
- Sao vậy má, con thấy tên bông hoa nên nào cũng đẹp, Lan, Hồng, Cúc … đẹp thấy mồ má không đặt, lại đặt tên con là Châm …!
- Con gái mang tên các loài hoa bạc phận lắm con à, sẽ đau khổ vì tình suốt đời à !
Bao giờ nhắc đến chuyện ấy má tôi cũng khóc, về sau khi tôi bắt đầu lớn thì má dạy thêm:
- " …. Trong đời con sẽ có lúc con gặp nguy khốn khó khăn, khi ấy con hãy nhớ kỹ những bàn tay chìa ra giúp đỡ cho con dù chỉ là chuyện rất nhỏ bởi nó rất quý báu vào lúc đó.Cũng giống như khi con đói lả có người chia sớt cho con chén cháo vẫn quý hơn là mâm cao cổ đầy khi con đã ăn no..."
Nghĩ nhiều về việc cưu mang, nuôi dưỡng từ lúc nhỏ tôi cảm thấy mình sẽ vô ơn bạc nghĩa khi bỏ cha nuôi trở về cha ruột, tôi bỗng trỏ tay về phía cha nuôi và thốt lên lời nói tự đáy lòng :
- Người này mới là cha của tôi.
 Không cần nói dĩ nhiên là má chọn theo tôi, cha nuôi không còn được làm việc chúng tôi bán dần đồ đạc để sống qua ngày. Dù sao đi nữa giữa cha ruột và tôi cũng còn chút huyết thống nên ông xin cho tôi đi học một khóa đào tạo kế toán trước khi về làm tại một xí nghiệp quốc doanh là một cách đền bù sau ngần ấy năm không chăm sóc tôi. Cha nuôi vẫn còn giữ quốc tịch Pháp nên khi được chính quyền mới cho phép ông cũng giống như những ngoại kiều khác kéo nhau lục tục trở về xứ. Ông hứa khi sang đến nơi sẽ hoàn tất thủ tục bảo lãnh cho má con tôi theo. Căn nhà và toàn bộ đồ đạc ông để lại cho chúng tôi sử dụng trong khi chờ đợi ông. Thỉnh thoảng ông gửi vài thùng thuốc tây cho má con tôi sống. Tôi không hy vọng gì vào việc sẽ được ra đi nhưng cũng cố gắng đi học thêm sinh ngữ cho má tôi vừa lòng, tôi giấu không nói cho má biết vì qua một người quen viết thư cho biết cha nuôi tôi giờ đã về hưu không còn đủ lợi tức để bảo lãnh nên hồ sơ sẽ khó được chấp thuận.
Ai đến nhà tôi cũng thích góc vườn nhỏ còn lại với khoảng cỏ và trời xanh. Thời gian đầu sau bảy lăm nhiều căn biệt thự chung quanh đào xới tất cả những bãi cỏ lên để trồng những thứ khác vì theo lời cán bộ để đất như thế là phí phạm, nên nhà nào cũng phải theo phong trào tăng gia sản xuất. Thậm chí cả lề đường trước nhà cũng “ tranh thủ “ cắm mấy vồng dây khoai lang bởi chưa bao giờ làm công việc này nên khoai đâu không thấy, tôi chỉ thấy đất đá trơ trơ hoặc phủ đầy cỏ dại.
Một lần Mạnh Tiến ghé nhà thấy tôi ngồi trên khoảng cỏ sót lại ở góc vườn đọc sách hắn dựa xe đạp vào cổng rào ngồi ghé bên cạnh hỏi:
- Khóa học tới Trâm có ghi tên học tiếp không ?
Tôi xếp sách ậm ừ :
- Chưa biết, có lẽ tôi không học nữa. Mà nè, tên tôi là Châm không phải là Trâm. Sao Tiến cứ gọi là Trâm hoài vậy ? Nếu gọi như vậy nữa tôi không thèm trả lời ráng chịu à.
Mắt Tiến nhìn tôi thật nồng nàn khiến tôi rùng mình, hắn nói :
- Tiến thích gọi tên Trâm vì ít ra tên đó chỉ dành riêng cho mỗi mình Tiến. Kim Trâm cái tên thật dễ thương, đài các so với cái tên thật đọc lên nghe đau nhói lòng.
Ánh mắt ấy tôi không dám nhìn lâu, giả vờ ngước nhìn lên bầu trời tôi nói với Tiến :
- Ngồi ở đây nhìn lên mình có cả “ khoảng trời xanh riêng của ta “.
Giơ tay bứt lấy một cánh lá của nhánh hoa trạng nguyên Tiến trao cho tôi :
- Tặng Trâm chiếc lá diêu bông.
Bỗng dưng tôi nhớ đến bài thơ " …..Chị thẩn thơ đi tìm, đồng chiều cuống rạ. Chị bảo đứa nào tìm được lá diêu bông, từ nay ta sẽ gọi là chồng. …"
Bắt chước nhân vật “ chị “ trong bài thơ, tôi tròn mắt lắc đầu nói với Tiến :
- Không, không phải lá diêu bông.
Xoay xoay cuống lá hắn lại chuyển đề tài :
-  Đố Trâm đây là hoa hay là lá ?
- Vậy mà cũng đố, là chiếc lá trạng nguyên.
-  Trật lất, nó là một cánh hoa trạng nguyên, bộ Trâm không thấy chiếc lá mang màu đỏ sao ?
Hai chúng tôi đi tới gần bên cụm hoa trạng nguyên đang nở, tôi chỉ cho Tiến và nói :
- Đây nè những chiếc lá nhỏ nhất lại phát xuất từ giữa nụ hoa, khi bắt đầu sinh ra nguyên thủy là màu xanh, lớn lên dần dần chúng đổi sang màu đỏ vậy nó từ lúc sinh ra căn bản đã là chiếc lá rồi. Hồi đi học mình thích hoa này lắm nhưng không biết tên cứ gọi nó là hoa tầm xuân.
Tiến ngạc nhiên hỏi :
- Sao lại gọi là hoa tầm xuân?
- Tại dân gian có bài thơ :” Trèo lên cây bưởi hái hoa, bước ra vừa cà hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc …. ” Hoa này chỉ có vào mùa xuân, nụ hoa khi nở lại màu xanh nên mình gọi là hoa tầm xuân cho gọn. Sau này mới biết người ta gọi tên là trạng nguyên. Thuở nhỏ mình có mấy tấm thiệp bên Pháp gửi về có in hình hoa này làm thành những vòng hoa trái đo đỏ rất đẹp nên mình thích nó lắm.
Tiếng má tôi gọi vào ăn cơm chiều cắt đứt lời tranh cãi của chúng tôi.
Tôi cứ ngỡ mối tình thầm lặng giữa hai chúng tôi sẽ còn kéo dài và phát triển, không ngờ hạnh phúc lại là những bọt bong bóng mong manh dễ vỡ. Những tối mùa hè, tan học xong bọn tôi kéo nhau đi uống nước, vì cả đám đều là những đứa có giấy tờ chờ bảo lãnh đoàn tụ nên câu chuyện xoay chung quanh đề tài sang bên ấy sẽ làm gì, học gì. Tiến nói với tôi thích theo nghề của bố, đó cũng là lý do hắn theo học thêm lớp y tế ở đây như là một sự chuẩn bị cho tương lai.
Nếu ngày hôm ấy tôi không kể hết chuyện tôi có hai người cha và cha ruột tôi là một cán bộ tham gia cách mạng, không phải ở trong ngành Y khoa như cha của Tiến, hình như Tiến hơi sững người khi nghe tôi nói. Tôi nhận biết điều đó nên nói lảng qua đề tài khác :
- Mình đang đọc cuốn AQ chính truyện của Lỗ Tấn.
Tiến gật đầu:
- Ừ, Tiến cũng mới vừa đọc xong. Nghe nói ông này nguyên là một bác sĩ đi theo cách mạng nên mới dám cho nhân vật AQ hiểu về những cán bộ cách mạng theo ngôn từ ngây ngô “Cách mạng là sẽ cách đi cái mạng mình“
Tôi biết tình yêu khó có thể tồn tại nếu có bất đồng về chính kiến, dù bản thân chẳng hề nghỉ đến nhưng cũng bị môi trường chung quanh chi phối, rốt cuộc thế hệ chúng tôi là nạn nhân nếm trải di chứng của nó. Giá mà những ngày đầu chính quyền mới không bắt bớ, đày ải những người bên kia chiến tuyến như bố của Tiến có lẽ hố ngăn cách sẽ không sâu như bây giờ.
Vốn nhạy cảm nên tôi lặng lẽ lùi xa cho tâm hồn quay về chốn cũ dù biết rằng nơi đó đầy cô đơn và đau khổ, để tự nhủ “ thôi đừng nhẹ lòng với bất cứ một ai nữa!“
Những ngày kế tiếp tôi vẫn cười nói tự nhiên với Tiến như chưa hề yêu nhau, chỉ quen thân mà thôi, trong câu chuyện tôi khéo léo quanh co hướng về viễn ảnh tương lai của riêng Tiến mà thôi. Giả sử vài tháng trước khi có danh sách chuyến bay, định mệnh trớ trêu lại rơi vào tôi vì cái vỏ ốc trốn tránh bị trơn tuột bởi những cơn mê đắm không sao cưỡng lại, chuyện tình của tôi chắc sẽ giống má hồi xưa, có điều hơi khác là tôi sẽ không bao giờ nói ra tác giả là ai, rất may chuyện ấy đã không xảy ra. Còn một tuần lễ nữa Tiến lên máy bay, điều xảy ra lại trái ngược với những cặp tình nhân sắp phải xa nhau, chúng tôi gặp gỡ chỉ có một lần. Tiến nói:
- Sắp đi nên bận quá.
Tôi nói với giọng tỉnh queo:
- Mình biết, nhưng tiếc là ngày Tiến lên máy bay xí nghiệp duyệt hoàn thành kế hoạch cuối năm nên không thể ra phi trường tiễn Tiến được.
Tiến không nhìn nhưng nói với tôi giọng buồn buồn :
- Vậy thì tiếc thật, sang bên ấy Tiến sẽ viết thư về cho Trâm.
Tôi cười gượng nói đùa :
- Bài học Anh văn hồi trước có câu “out of sight, out of mind“ nhưng mình tin rằng có ngoại lệ.
Gia đình Tiến ra đi vào ngày cuối năm sau khi hoàn tất thủ tục bảo lãnh, đúng mười bốn năm sống với chế độ mới.
Buổi sáng Tiến đi tôi đứng lặng một mình bên cổng rào, khóm hoa trạng nguyên vẫn còn mấy đóa hoa đang nhẹ rung rung cánh, tôi bỗng nhìn lên bầu trời về hướng phi trường, một con chim sắt lặc lè bay lên mang tình yêu và nỗi buồn của tôi bay theo.
  Mạnh Tiến gửi về tôi lá thư đầu tiên và cũng là lá thư cuối cùng, trong phong bì có một tấm thiệp hay nói đúng hơn là một tấm ảnh, trên nền giấy bóng láng chụp hình một chậu hoa trạng nguyên màu đỏ đang nở rộ và kèm theo một xác lá hay cánh hoa tôi không rõ vì đã được ép khô. Ngoài những lời thăm hỏi bình thường, câu tái bút làm tôi chú ý:
- "À! Trâm thua Tiến rồi đấy nhé, là cánh hoa trạng nguyên chứ không phải chiếc lá trạng nguyên. Hoa này nở khi bắt đầu vào đông, được trồng trong chậu và bán rất nhiều vào ngày lễ giáng sinh, theo phong tục người ta hay trưng bày chúng trong nhà gần lò sưởi, tên tiếng Anh là hoa Poinsettia".
Tháng 12/2008
Cỏ Biển 
Theo http://www.bienkhoi.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...