…Ta về Huế lần nầy
Không cố ý làm thơ…
Thơ thẩn làm chi. Cứ viết
lui viết tới lùm cây, bụi chuối và đám tơ hồng tầm gửi vàng hoe phủ kín trên
hàng chè tàu bên vườn. Viết và ném qua hàng rào như thói quen ngày nào. Không
muốn đọc nhưng cũng phải nhặt thật nhanh, che chở cho kịp mẩu giấy mỏng mang
theo các dòng chữ viết thân yêu một thời, đang đong đưa trên các chòi lá lẫn
chung với những sợi tơ hồng mảnh khảnh, ướt nhoẹt sương mai.
Uống miếng chè xanh
Thấy em cười hoài trong
đó…
Nói tầm phào. Nước chè
xanh, ai cười cho nổi. Về tới Huế là tìm ngay đến quán rượu Thiên Tường. Thứ
rượu duy nhất của "Huế mình”, cất bằng nước giếng Kim Long. Ủ với
"kỳ hương- dị thảo”, chôn dưới đất đúng ba tháng mười ngày. Đàn ông
mà, biết quá. Nhất là đàn ông làm thơ, giờ nào cũng có thể gặp ở quán. Uống
nhâm nhi, nói thì sang sảng. Giữa trời và đất chỉ cái –Tôi.
Ta về Huế lần nầy
Bước chần chừ bên Đại nội..
Có khi mô thấy hăng hái.
Cái tướng lừ nhừ, chậm rãi như người thất hồn lạc vía. Gọi là rùa bò cũng gật.
Kêu là ốc sên cũng cười. Kiểu của "Mệ” trăm năm …như rứa?
Gọi thầm tên em
Từ buổi chiều hẹn vội
Giữa mảng rêu xanh
Im lặng chút nắng vàng…
Lại kêu tên tuổi người ta
ra làm chi. Hẹn hò với người ta thì lụp chụp vội vàng, lí nhí, nói không ra
hơi. Và, có khi mô mà đúng hẹn cho cam. Chục lần như một. Mỗi lần nghe hẹn là
phải đứng chết trân bên cổng Hiển Nhơn, chịu đựng cả trăm con mắt xuôi ngược,
nhìn xéo, nhìn xiên. Rồi chờ cả canh giờ mới thấy lững thững, cà khừng cà nhắc
bước đến, trông tướng như con ngựa nhà trời gãy chân.
Minh họa: Hoàng Đặng
Ta về Huế lần nầy
Ngắm hoàng hôn bên kia cầu
Đập Đá
Lại ngắm cảnh. Lại làm
thơ. Sao thỉnh thoảng không nghiêng ngó đến người ta một chút. Giúp người ta
sửa lại chiếc kẹp lệch trên mái tóc người ta một chút. Cứ mãi ngắm nghía hết
bình minh … đến hoàng hôn.
Có lần, mượn bài thơ của
nhà thơ nữ nào đó, ý thơ đại khái như "Hoàng tử của lòng em, con nai
vàng ngơ ngác yêu dấu của em… Em sẽ theo anh đến chân trời góc bể, sẵn sàng
chia sẻ ngọt bùi, cay đắng cùng anh đến trọn đời, nếu chiều nay, trên ghế đá
công viên, sau giây phút bềnh bồng, anh chịu khó cài lại giúp chiếc nút áo
trên ngực em…”. Nhắc khéo như thế rồi. Nói tuột luột ra như thế rồi. Vẫn chỉ
biết ngắm…trên trời.
Ngắm con đò
Chòng chành chào kẻ lạ
Tìm ai, ai đợi, mà tìm…
Đáng đời, khùng. Hương sắc
thời con gái con gông đâu được tươi hoài như xương rồng giữa cát trắng. Tuổi
tác một bên, một bên, mạ hối. Mạ sốt ruột trông cho ai đến rước đi cho khuất
mắt. Mạ cứ trông cho sớm có cháu ngoại để tưng tiu, ẵm bồng. Trước ngày người
ta đến coi mắt, bỏ trầu, sao không thấy hẹn hò. Không thấy tăm thấy dạng. Đi
đâu biền biệt…
"Tìm ai bên sông”, xé
bỏ đi thì tội trời. Bài thơ sẽ được xếp chung với trang nhật ký cuối cùng nầy.
Sẽ cất giấu vào nơi nào đó và, nhỡ khi chồng con bắt gặp, đánh đập, chửi mắng
vẫn cam lòng. Bắt đội cả thúng cứt trâu đi quanh làng xin lỗi, vẫn cam chịu.
Nhưng còn thằng con, cháu ngoại, "cậu ấm” cưng của mạ, dù cất giấu ở
đâu, cậu ấm cũng xục xạo, tìm thấy. Và, có lẽ lúc nào đó, cu cậu sẽ gấp nó
thành con thuyền, thuyền giấy, thả trước hiên nhà, vào một ngày mưa.
Hoàng Đặng
|
Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016
Tìm ai bên sông
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát
Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét