Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Chopin và Liszt - Ðôi bạn đôi bờ

Chopin và Liszt - Ðôi bạn đôi bờ
Tạp Ghi Quỳnh Giao
Người học dương cầm để chơi nhạc cổ điển Tây phương thường mặc nhiên xếp loại từ “dễ” đến “khó” là nhạc Mozart, rồi Chopin, sau cùng mới là nhạc của Liszt, một diệu thủ dương cầm.
Có lẽ là tay dương cầm cự phách, Liszt viết nhạc với cảm hứng và trình độ siêu hạng, nên nhạc của ông vũ bão dữ dội và khó trình diễn, chứ không hồn nhiên dễ thương như nhạc Mozart hay lãng mạn như nhạc Chopin, người được tôn là thi sĩ của dương cầm mà cũng là bạn chí thân của Liszt.

Chopin

Liszt
Hai nhạc sĩ đại tài, Chopin (chân dung, tác phẩm của Delacroix, 1838) và Liszt (chân dung, tác phẩm của Barabas), 
“Ðôi Bạn Ðôi Bờ.” (Hình minh họa)
Còn nhớ ngày thi tốt nghiệp trường nhạc ở nhà, các thí sinh phải trình tấu ba bài. Một bài nhiệm ý do mình chọn lấy, phải thuộc loại khó chứ không để đánh cho vui. Nhưng hai bài kia mới là hóc búa vì do nhà trường đưa ra, thí sinh chỉ được biết trước có hai tháng để tập luyện.
Năm đó, cũng đã hơn bốn chục năm rồi có ghê không, Quỳnh Giao chọn “morceau au choix” - như cách nói thời xưa - là bài “Scherzo No 1.” Chopin viết bài này năm 1835 với nhịp điệu u uẩn mà vừa sinh động, một tác phẩm khả dĩ làm giáo sư hài lòng, nhưng mình phải tập cả năm! Hai bài sau mới là thử thách! Ðó là “Les Jeux d'Eau de la Villa d'Este” của Liszt với nét nhạc dạt dào tung hứng như điệu vũ của dàn nước. Và một bài cứ gọi là “bài tập” của Chopin mà chao ôi là ác liệt. Ðó là “Étude No 2 trong Opus 25.” Hai bàn tay phải trổ nghề song thủ hổ bác để diễn tả đặc tính đa nhịp của tác phẩm.
Nhớ lại thì khi đó, mình chỉ như đứa trẻ thi leo núi hoặc thi... ngâm thơ, chứ chưa có cơ hội thưởng ngoạn cho đúng nghĩa. Và nhờ trời mà được đổ đầu.
Khi có dịp qua Ý du lịch, Quỳnh Giao mới đến tận Villa d'Este, nơi Franz Liszt sáng tác bài này tặng người tình là nữ Bá Tước Marie d'Agoult. Ðã nghe nhạc diễn tả cảnh sắc của các tia nước chơn vờn phun lên từ nhiều bậc cao thấp trong ngôi vườn kỳ ảo, rồi mới được thấy tận mắt thì phải phục người nhạc sĩ và càng yêu mối tình sóng gió của Listz với nàng d'Agoult.
Nhưng, nhớ lại thì Chopin cũng tặng nàng Bá Tước d'Agoult này cả tập Études, Opus 25, trong đó có bài Étude số hai mà mình phải trình tấu năm xưa... Hóa ra là khi ra thi, mình phải diễn hai bài được hai tác giả cùng tặng cho một giai nhân. Lâm ly thật!
Có chuyện gì hay không, giữa đôi bạn là cùng là nhạc sĩ thiên tài, cùng diệu thủ dương cầm với một nàng bá tước viết văn dưới bút hiệu đàn ông là Daniel Stern? Xin thưa rằng có. Nhưng đây là mục “tạp ghi,” không phải là “gossip” đâu!
Giữa đôi bạn chí thân ấy, còn có một người đẹp viết văn khác. Mà cũng viết văn dưới bút hiệu nam giới. Ðó là nàng George Sand, tên thật là Amantine Aurore Lucile Dupin, người tình của Chopin.
Nữ sĩ George Sand cũng là bạn thân của nữ sĩ Daniel Stern, nàng Bá Tước d'Agoult. Thành phố Paris ngày nay vẫn còn một con đường nhỏ có tên là Daniel Stern. Còn George Sand thì khỏi nói vì danh tiếng lẫy lừng như cuộc đời sóng gió của nàng. Nghĩ lại thì cũng lạ! Chopin là người Ba Lan, Liszt là người Hung Gia Lợi, nàng Marie d'Agoult là người Ðức, cả ba đều nổi tiếng ở thủ đô Paris của nàng George Sand người Pháp...
Thế rồi, hai nữ sĩ này có chuyện không vui với nhau, vì George Sand tài hoa và ngổ ngáo trong khi Marie d'Agoult lại kín đáo thâm trầm, hơi có vẻ lạnh. Mối giao tình phai lạt giữa hai người có ảnh hưởng đôi chút đến tình bạn giữa Chopin và Liszt. Nhưng chẳng phải vì các bậc nữ lưu này mà đôi bạn có khi lại ở đôi bờ.
Tình bạn giữa Chopin và Liszt là một chuỗi giai thoại bốn mùa, khi nồng ấm, khi lạnh lùng... Chỉ vì hai người đều là diệu thủ dương cầm loại cự phách, đều là nhạc sĩ có tài xuất chúng, họ mến phục nhau, tặng nhạc cho nhau. Nhưng cũng có lúc ngấm ngầm cạnh tranh.
Chopin hơn Liszt một tuổi, nhưng mất quá sớm, ở tuổi 39, vào năm 1849. Còn Liszt thì thọ hơn nhiều, đến năm 1886 mới mất. Về già còn kết bạn với người con rể là Richard Wagner. Nhạc sĩ Wagner lấy nàng Cosima, con gái của Liszt với nữ Bá Tước d'Agoult. Sau khi Chopin tạ thế, Liszt còn tiếc mãi cái tài của người bạn mà cũng là một đối thủ trong xã hội thượng lưu ở Paris.
Nói về nhạc thuật, Liszt rất phục loạt bài “Études” của Chopin. Về cầm thuật thì Chopin rất phục Liszt về tài diễn tả các tác phẩm này. Trong căn phòng bài trí rất sơ sài của mình, Chopin chỉ có một tấm hình trên bàn, đó là hình của Franz Liszt. Họ đánh đàn và viết nhạc khác nhau, nhưng quý trọng nhau. Loạt Etudes gồm 12 bài trong Opus 10 là do Chopin đề tặng Liszt và sau này đã gây cảm hứng sáng tác cho Liszt. Ðôi bờ chia cách hai người chính là việc Chopin ra đi quá sớm.
Một giai thoại rất đẹp cũng nên được nhắc tới ở đây.
Có một đêm, Liszt trình tấu bài “Nocturne” của Chopin và bàn tay thiên tài lả lướt biến hóa tác phẩm của bạn. Ngồi nghe, Chopin ngọ nguậy rồi bật dậy, phán như ông thán, “Chỉ có Chopin mới được sửa nhạc Chopin!” Rồi ngồi trước dương cầm trình diễn lại... Khi ấy, gió bỗng thổi tắt nến trong phòng mà Chopin vẫn mặc: Suốt một giờ trong bóng tối mờ ảo chàng chơi nhạc nhờ ánh trăng từ hàng hiên tỏa vào. Sau đấy, cử tọa lặng người trước bậc thiên tài. Còn Liszt thì nín thinh, nước mắt trào ra vì thấy nhạc quá hay...
Sau đêm đó, Chopin có vẻ hể hả tự đắc. Thấy vậy, người nghệ sĩ cũng có cách trả lời bằng nghệ thuật.
Ba bốn ngày sau, cũng vào nửa đêm, Liszt khẩn khoản mời Chopin chơi nhạc và bạn nhận lời. Nhưng Liszt đòi tắt hết đèn nến và kéo màn cửa cho bóng đêm ngự trị. Thế rồi khi Chopin tiến lại cây dương cầm thì Liszt nói thầm vài câu. Chưa hiểu gì hết, nhưng chiều ý bạn, Chopin lặng lẽ ngồi sang ghế bên. Ðấy là lúc, trong bóng tối đen đặc, Liszt tấu lại ngần ấy bài Chopin đã chơi tối bữa trước. Hoàn toàn với nghệ thuật và tài nghệ của Chopin.
Khán giả ngồi dưới chồm lên tán thưởng và trong tiếng ngợi khen ồn ào đó, Liszt mới cho thắp đèn nến. Bấy giờ, mọi người mới biết rằng thiên tài vừa rồi, chính là Liszt! Câu kết luận là của Liszt: Rằng “Nếu muốn thì Liszt có thể là Chopin, chứ Chopin có thể là Liszt được không?”
Theo lời người kể lại trong một cuốn hồi ký thì đêm đó, diệu thủ Chopin không dám nhận lời thử thách! Ðọc truyện cũ, chúng ta bỗng tiếc là thời ấy chưa có máy ghi âm để thời nay có thể thưởng thức được những âm thanh tuyệt diệu này. Cứ như trong một cõi Thiên Thai đã mất...

Chopin & Nocturne
Chopin Nocturne No. 1 in B Flat Minor: Larghetto


Yundi Li plays Chopin Nocturne Op. 9 No. 2

Thanh Trang
Theo http://forum.phunuviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...