Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Nơi gần với bầu trời

Nơi gần với bầu trời
Duyên nợ với một vùng đất sẽ khiến ta còn phải gặp lại, dù không phải lần gặp nào cũng suôn sẻ với những ấn tượng ngọt ngào.
Tâm trí tôi còn vẹn nguyên cảm giác chao đảo dữ dội, khi chiếc xe mang tôi lượn vòng trên điệp trùng triền núi, để đến với xứ sở bồng bềnh sương mây Tam Đảo.
Lần gặp đầu tiên đó, với chứng say xe ngầy ngật, đã khiến tôi không thể nhớ gì về Tam Đảo, ngoài vẻ hiu hắt của một thung lũng nhỏ giữa những núi non vây quanh, và một thác nước nằm đâu đó giữa lòng thị trấn, nơi mọi người vội vã uống bia, ăn bánh mì trong cơn mưa bất chợt. Rồi lại những vòng xe chao đảo trên đường về, và viên seduxen uống vội trong nôn nao, hy vọng một đêm yên ổn để sáng mai thức dậy còn có thể nhìn thấy mặt trời !?
Tôi đã ngủ trong nước mắt vì mệt, và Tam Đảo đã “được” tôi nguyền là mảnh đất sẽ không bao giờ trở lại.
Dĩ nhiên tôi đã quên ngay lời nguyền của mình.
Lần này tôi đã không ghé ngang Tam Đảo như một vết cắt. Tôi đã được ngồi lại cùng Tam Đảo. Thong thả như người ăn trầu. Như người yêu ngồi bên người yêu trong một ngày mưa, ủ tay vào hơi ấm tách trà, chuyện trò đắm đuối, không muốn rời xa.
Tôi đã được nhẩn nha cùng Tam Đảo.
Cảm nhận của một con người về một con người luôn mang tính chủ quan, về một vùng đất dĩ nhiên cũng vậy. Tôi may mắn vì đã được đến và ở lại nơi này. Một chốn yên bình tĩnh lặng, một nơi thật nhiều màu xanh, nơi gần với bầu trời, nơi con người có thể suy ngẫm bao điều. Như thể tự mình thanh lọc mình, tự mình nhìn lại mình, để sau đó có thể tiếp tục sống, lo toan mà thanh thản, tất bật mà nhàn nhã vì đã thấu hiểu phần nào những hão huyền của đời sống, và lẽ diệu kỳ của sự bình thản trong tâm hồn.
Cuộc sống không cứ nôn nả là được, và sự bằng an của mỗi người muốn có cũng phải được tập luyện hằng ngày. Tôi không muốn bỏ qua cơ hội được sống với bản thân mình cho chính mình ở nơi đây. Tôi muốn được đuổi theo, đắm chìm trong những ý nghĩ đến và đi, bất chợt như nắng mưa, sương mây Tam Đảo. Để Tam Đảo xa lạ mỗi ngày trở thành Tam Đảo thiết thân. Để tôi có cơ hội yêu và hàm ơn cuộc đời đã sống.
Ngày đầu tiên tôi loanh quanh trên những con đường lên xuống ngoằn ngoèo khám phá một Tam Đảo xinh xắn, đất trời dịu nhẹ mát mẻ, một Tam Đảo với những ngôi biệt thự nằm rải rác trên các sườn núi, và rất nhiều chú chó mập mạp, hiền lành nằm chơi trước những hiên nhà.
Rồi cũng như những ai từng đến Tam Đảo, chúng tôi cũng xuống suối Bạc, lên tháp truyền hình, đến đền Bà Chúa Thượng Ngàn...
Rồi có thể tôi cũng như một số du khách khác, sau đôi lần ngây ngất ngắm mây trôi, hít thật sâu làn không khí mát lạnh, ăn một ít ngọn su su, đã tưởng mình biết về Tam Đảo, đã tưởng Tam Đảo chẳng còn gì hơn để kiếm tìm. Nhưng bằng linh cảm và hoài vọng riêng, tôi biết không chỉ vậy, tôi biết lần này Tam Đảo sẽ mang đến cho tôi một điều gì đó thật đặc biệt. Có thể rõ rệt như quả dâu dại tôi đang nắm trong tay, cũng có thể chỉ là những suy tư chập chờn như cánh bướm.
Có những sáng tinh mơ, (tôi thật sự yêu vô cùng giờ khắc này) tôi đi dọc theo sườn núi, tưởng nắm trong tay cả vạt mây, rồi hồn nhiên cười cho sự hoang tưởng của mình, vì khói mây làm sao mà nắm níu. Có những trưa đứng ngoài ban công, tôi kinh ngạc nghe cuồn cuộn sương mây vây bọc. Mây như người tình vuốt ve từng chút thịt da bằng những ngón mềm tha thiết. Mơn man, mát lạnh, thấu suốt mà nhẹ tênh.
Tôi nhớ mình cũng đã từng đẫm trong sương mù Đà Lạt, nhớ hai mí mắt trĩu nặng vì những hạt nước li ti, chỉ khẽ chớp mi vài cái những hạt nước ấy đã vỡ ra loang dài trên má, như nước mắt... Sương mây Tam Đảo nhẹ hơn rất nhiều, rõ ràng có đó, trắng mịn như tấm voan trùm phủ cả người, cả cây cỏ núi đồi, nhưng rồi tan đi rất nhanh không để lại dấu vết nào, rồi lại vụt đến không ngờ, rồi lại mất đi... Trò chơi của khói mây Tam Đảo cứ như trò ú tim với một luật chơi không cách gì học biết. Có thể chúng ta đã là người được chọn, đã ở trong cuộc chơi mà chúng ta vẫn vô tâm không hề.
Những ngày tôi lang thang Tam Đảo, thi thoảng tin nhắn của Ph vào những giờ phút không ngờ lại khiến tôi rùng mình nhung nhớ. Không hẳn nhớ nhà, không hẳn nhớ người, cái nhớ thương mông lung mới làm tôi chao đảo ngẩn ngơ: Em đang làm gi? Krông Pắc mưa to, giông sét thật dễ sợ./ Mưa suốt ngày, hôm nay anh hút đến điếu thuốc thứ mười lăm rồi./ Vắng em, nhà buồn quá... Tâm trí tôi bất chợt nhoè nhoẹt, đằng sau sương mù kia, ở một nơi xa kia là khu vườn vắng người, ướt sũng, lá mimosa rụng dày, không gian thoảng nhẹ hương hoa coti dịu ngọt... Và khói thuốc từ ngón tay Ph, đôi bàn tay bao dung, không biết so bì, toan tính, luôn nâng đỡ để tôi vịn vào mà thoả lòng mơ ước... Tôi là người phụ nữ không biết bằng lòng với sự bình yên, tôi đang tìm kiếm điều gì giữa núi non cao ngất này, giữa xa xôi lạnh lẽo này?
Bất chợt trong tôi hiện ra rõ rệt bạt ngàn dã quỳ của một chiều đông. Ph và tôi trên con đường từ Buôn Ma Thuột về Sài Gòn. Một góc núi đồi Đắk Song, hoang dã lạnh lẽo, và rực cháy những dã quỳ nồng nàn dâng hiến, dâng hiến chẳng để cho ai, chỉ đơn giản là dâng hiến vì như thế mới là mình. Tôi đã từng nghĩ, có thể một hôm nào đó sẽ trốn đến nơi này, lẩn vào đâu đó giữa hoa mà chết. Lúc đó tôi được chẩn đoán về một căn bệnh mà cái chết là đích đến rất gần. Cái ý nghĩ mình có thể chết một cách lặng lẽ, mình có thể chịu đựng nỗi đau một mình rồi ra đi để lại sự nhẹ nhàng cho người thân đã ám ảnh tôi, tưởng như tôi đã thực hiện rồi...
Từ lúc đó, mỗi lần gặp lại dã quỳ ở bất cứ đâu tôi lại cười cho tôi, cho những suy nghĩ ấu trĩ ấy. Bởi thật khó để làm một cuộc ra đi thầm lặng. Bước vào một cuộc đời, một nỗi nhớ đã khó, thì đi ra khỏi một cuộc đời, đi ra khỏi ký ức của một người còn khó hơn rất nhiều. Thân xác con người quả là luôn mang đến bao hệ luỵ, làm sao có thể dễ dàng nhẹ nhõm tan vào đất như cỏ cây. Có thể vì vậy mà tôi luôn ngưỡng mộ sự hồn nhiên dâng hiến, hồn nhiên lụi tàn của hoa lá, ngưỡng mộ những ngọn gió cứ như ngựa hoang, ngùn ngụt suốt ngày suốt đêm rượt đuổi nhau mải miết, cứ như không khởi sự không kết thúc ở vùng đất Tây Nguyên hoang dại này. Nhưng có thể cũng vì vậy, mà tôi đã luôn nhìn dã quỳ không chỉ ở màu vàng tươi tắn, không chỉ lúc ngàn hoa nhất loạt nở tràn, bởi tôi đã ở nơi này quá lâu, đủ để chứng kiến dã quỳ rời rã, rũ rượi trong gió đông. Màu vàng của dã quỳ lúc đó như một lời thét gào, đau đớn câm lặng. Ai người hiểu được nỗi buồn của hoa?
Cũng như nỗi buồn vắng vẻ của Tam Đảo một đêm đầu tuần!
Cảm giác rợn ngợp chạy dài theo sống lưng, khi tôi ngồi duỗi chân trên mái ngói của một ngôi nhà nằm trên một sườn núi cao. Những giọt mưa lạnh chấm vào đôi gót trần. Tôi nhìn xuống thưa thớt những ô cửa sáng đèn của những biệt thự cheo leo bám vào sườn núi bên dưới mà nghĩ thầm: Mình đang ở rất cao, rất cao nếu nhoài người rơi xuống chắc sẽ kịp mọc cánh trước khi chạm đất. Thoáng nghĩ vụt qua thôi, chứ làm sao có thể nghĩ đến chuyện rơi xuống, khi ngập tràn quanh tôi là tiếng đàn guitar da diết nhường kia. Tôi vòng tay qua gối mơ màng. Tiếng đàn ấy quyến rũ lòng người không phải vì những ngón tay điêu luyện, mà vì trái tim thổn thức của người chơi. Anh đang buông thả những giai điệu mềm, mỏng và nhẹ, vấn vít như mây trời Tam Đảo.
Mưa vẫn dè dặt mưa, chẳng thể ướt người ngồi co ro trên ngói, chỉ đủ thấm lành lạnh mười ngón chân trần, chỉ đủ để sẽ còn dài thêm thương nhớ.
Tôi đã ngồi như vậy bao lâu?  Và đã im lặng bao lâu? Có nhiều lúc ngôn từ thật sự vô nghĩa. Tôi đã nhìn không chớp mắt vào những ô cửa thưa thớt sáng, những ô cửa như đang trò chuyện, câu chuyện về một Tam Đảo đêm thứ hai trong tuần tiễn khách về Hà Nội, một Tam Đảo hiu hắt buồn... Không còn người người tiu tít váy dài khăn ấm, không còn quán sá tấp nập bán bán mua mua. Tam Đảo ngày giữa tuần như một chợ phiên đã tan, như một thiếu phụ đã qua ngày hò hẹn, ngậm ngùi chờ đợi người mình yêu quay về.
Sự tĩnh lặng của Tam Đảo đêm khiến con người không khỏi nghĩ ngợi mông lung, nghĩ về những xuôi ngược của tình yêu, những có không của hạnh phúc, những mỏi mệt nặng nề, những hân hoan nhẹ nhõm... Đôi khi thoáng rùng mình rờn rợn vì hình như tất cả đều không thực, tất cả đều được thêu dệt do chính suy tư trong tâm trí con nguời.
Tôi xuống phố một mình, Tam Đảo lặng ngắt, trên những con đường mờ ảo sương chỉ có ánh sáng đơn côi của vài ngọn đèn đường. Tôi đi theo uốn lượn, vòng vèo, lên cao, rồi xuống thấp. Phố Tam Đảo không dài, không xa, không bí ẩn. Hiền lành và yên ổn.  Tôi chưa từng có cảm giác sợ hãi khi một mình lang thang nơi này.
Đôi lúc tôi tự hỏi, Tam Đảo có gì để nhớ, để gọi, để giữ chân người? Một Tam Đảo ngủ triền miên trong màu xanh của sắc núi, của tầng tầng lớp lớp rau su su trên những nền nhà cũ. Một Tam Đảo chỉ bừng lên rộn rã những ngày cuối tuần. Với một dãy chợ không nhiều hàng hoá. Chỉ năm phút lại qua đã hết chợ. Nhìn ngắm tìm tòi mãi cũng chỉ vài hàng chuối, quả nhỏ vàng tươi màu vỏ chín do thuốc ủ, vài hàng mít nài, những chai măng chua ngâm ớt, những quả la hán chở từ Trung Quốc sang, một vài cây trái từ rừng.  Và rượu ong đất, rượu chuối rừng, và mật ong và mộc nhĩ...Cũng có đôi hàng bán thú nhồi bông cho trẻ con, nhưng thật kỳ lạ là chỉ mỗi một dạng thú: những chú vượn thân dài, tay cũng dài, vươn lên đu đưa treo mình vào nhau... Thái độ buôn bán của những người dân ở đây cũng khiến tôi lạ lẫm. Không lôi kéo, không nài ép, bán mua trầm tĩnh và bình thản. Dường như họ không ở trong cuộc mưu sinh mà đang thực hiện sự tồn tại của mình như cây cỏ, như nền nhà cũ, như biệt thự, như mưa sương để làm nên Tam Đảo.
Đôi lúc đứng trên đồi cao, tôi đã cố hình dung Tam Đảo của những năm đầu thế kỷ XX. Nơi đây đã từng có trên 100 ngôi biệt thự xinh đẹp do người Pháp xây dựng. Họ đã đến và đã ở lại. Đã từng vọng ra từ những ô cửa sổ ấm áp đèn kia tiếng dương cầm, (tôi bất chợt mường tượng giai điệu dồn dập, mà mượt mà thanh thoát của bài Danube blue). Đã từng tóc xoăn, mắt xanh. Đã từng những bước đi dài như khiêu vũ... Chiến tranh và những tàn hại của nó thật khốc liệt và hầu như phi lý. Con người có thể làm tất cả, và che giấu tất cả bằng những giả trá, nguỵ biện. Cái tồi tệ và đẹp đẽ vẫn cùng tồn tại. Cái ác và cái lãng mạn vẫn đi cùng nhau trên những cung đường xoay tròn theo hướng núi. Những nền cũ, những đá tảng đen điu kia, đang sống tiếp đời sống của nó trong ngậm ngùi, tiếc nhớ. Còn biết bao con người đã mang theo những hồi ức cay nghiệt, đắng chát về với lòng đất lặng câm.
Tôi đã nhìn những hoa rêu trên những vách nhà đổ, với tình cảm ngưỡng mộ không giấu giếm. Rêu kia, hoa kia đã là chứng nhân của bao vật đổi sao dời. Câu chuyện về Tam Đảo ngày xưa sẽ luôn được lưu giữ, được truyền tụng bởi những tồn tại bé nhỏ dường kia. Và sự hấp dẫn của Tam Đảo dường như không chỉ ở trong sự lặng lẽ, tĩnh mịch, không chỉ ở trong mưa sương, chợ phố, những cua đường bất chợt. Sự hấp dẫn của Tam Đảo nằm đâu đó trong tưởng tượng, trong những hoài niệm về quá khứ  của bất cứ ai khi đặt chân đến vùng đất cao ngất này.
Tôi băng ngang sườn núi dốc, hướng nhìn về ngọn núi bên kia, nơi đang có dự án biến khu lõi vườn quốc gia Tam Đảo thành khu du lịch sinh thái. Với dự án này thì Tam Đảo 2 (tên của dự án) sẽ trở thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp có khu villa, sân gold, sòng bạc.. . Tỉnh Vĩnh Phúc rồi sẽ được giàu lên nhờ việc cắt gọt rừng để làm kinh tế. Tuy nhiên, đã có không ít ý kiến phản đối, của các nhà khoa học, và của cả những người dân bao đời chôn nhau cắt rốn trên mảnh đất này. Rằng nếu khu du lịch ấy được xây dựng thì sẽ có những tác hại không lường đến môi trường Tam Đảo. Rằng vườn quốc gia Tam Đảo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, nguồn gen quý của hệ thực vật động vật phong phú đa dạng nơi này sẽ không được bảo tồn. Và rồi sự hoạt động của khu du lịch ở trên cao với những chất thải rò rỉ sẽ làm ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của những vùng dân cư bên dưới... Rồi những dự đoán về thảm hoạ lũ bùn, những âu lo về việc cạn kiệt nguồn nước cho hệ thống sông hồ ở những vùng rộng lớn xung quanh Vĩnh Phúc....
Ôi chao, bài toán phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường tự nhiên bao giờ cũng khó giải. Không chỉ ở Tam Đảo – Vĩnh phúc mà đã từng ở khách sạn trên đồi Vọng Cảnh - Huế, ở cáp treo núi Lớn – núi Nhỏ - Vũng Tàu, ở nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch gần  Phong Nha - Kẻ Bàng - Quảng Bình... Có nơi đã kịp dừng lại, có nơi đã không giữ được sự vẹn nguyên. Tất cả tuỳ thuộc vào sự thận trọng của những người có thẩm quyền, tuỳ thuộc vào việc nghe ngóng, nắm bắt, thực hiện cái đúng trong ý kiến của những con người có lương tâm.
Lang thang Tam Đảo, lên lên xuống xuống theo những bậc đá cũ mòn nối những con đường quanh co, ngồi ở quán Lá Cọ, nghe những ước ao của người mua người bán. Rằng giá như Tam Đảo không chỉ được đón khách vào những ngày cuối tuần. Giá như Tam Đảo không chỉ trồng được mỗi một loại rau su su.  Giá như Tam Đảo bớt đi những ngôi biệt thự bê tông vuông vức nặng nề lạnh lẽo. Giá như và giá như...
Tại sao cứ phải là Tam Đảo 2?  Thị trấn Tam Đảo bây giờ vẫn ngổn ngang lắm trong mắt người, và những ai yêu Tam Đảo đều đang ước mong cho Tam Đảo sẽ ngày một đặc biệt hơn, đáng nhớ hơn. Tam Đảo có thể vẫn còn những đêm lặng vắng thưa thớt ánh đèn như đêm nay, nhưng đó là không gian được sắp đặt rất riêng dành cho mọi người, để Tam Đảo trở thành nỗi nhớ không nguôi cho những ai đã đến rồi đi.
Chưa thể hình dung được đoạn cuối của câu chuyện Tam Đảo 2, nhưng bất chợt tôi lại nghĩ đến dã quỳ. Năm 2006 ở Đà Lạt, những người tổ chức đã chọn loài hoa hoang dã này làm biểu tượng cho festival hoa. Thật vinh dự! Nhưng liền ngay sau đó, đã có ý tưởng và có người thực hiện ngay ý tưởng ấy, là tiến hành lai tạo dã quỳ trong ống nghiệm, gây đột biến gen bằng tác nhân phóng xạ để  biến đổi màu hoa, biến đổi dáng cây, để có thể đưa dã quỳ vào trồng trong hoa viên thành phố. Như vậy dã quỳ rồi sẽ được làm lùn đi để không thể vươn cao lay lắt, sẽ được chuyển màu tím để thêm sắc mơ mộng cho thành phố ngàn hoa. Dã quỳ sẽ không chỉ ngờm ngợp bầy đàn, vàng cháy nồng nàn dưới các chân đồi, mà sẽ còn tím ngát e lệ đứng bên thềm nhà của các biệt thự sang trọng...
Dĩ nhiên con người với bộ óc siêu phàm của mình có thể sẽ làm được điều đó, nhưng dã quỳ sẽ ra sao? Tôi hình dung dã quỳ cắm lọ, tôi hình dung dã quỳ thiếu không gian, thiếu gió. Tôi hình dung dã quỳ không là mặt trời vàng ấm áp trong hanh hao mùa đông, không thắp lửa giữa những triền đồi hoang vu hiu hắt lạnh, mà rùng mình...
Tâm huyết của những người muốn làm ra cái mới thật đáng trân trọng, nhưng sao trong việc muốn thay đổi dã quỳ lại làm tôi không mấy hân hoan. Cũng như tôi không thể hân hoan trước việc học trò mình vội vã tặng quà cho thầy cô ngày 19, để ngày 20 tháng 11 kéo nhau vào hồ Ea Uy cắm trại, và ở lại qua đêm... Có thể tôi đã quá uỷ mị. Có thể cuộc sống đã đi quá nhanh còn tôi thì đang rùng rình đứng lại..
Sao bỗng dưng tôi lại muốn chạy đến ngay bên triền đồi ấy, một góc  Đăk Song bạt ngàn nồng cháy dã quỳ, để được chìm đắm trong màu vàng hoang hoải, được ngồi xuống khuất lấp giữa cỏ cây. Ở giữa hoang vu, tôi luôn cảm thấy mình gần với bầu trời. Tôi muốn nói về những ước nguyện dành cho Tam Đảo, dành cho dã quỳ. Tôi muốn cầu nguyện cho cây cỏ, hoa lá, núi đồi, suối sông, con người được sống đời hồn nhiên, như chính bản thân của sự sống hồn nhiên trên trái đất này...
Krông Pắc 6.12.2007
Đinh Thị Như Thúy
Theo http://www.vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...