Marie Curie - Nữ bác học tài ba
hai lần nhận giải Nobel
hai lần nhận giải Nobel
Marie Curie là nhà khoa học nữ đầu tiên và
duy nhất trên thế giới hai lần được nhận giải thưởng Nobel cao quý trong hai
lĩnh vực khác nhau là Vật lý và Hóa học.
Nhà khoa học Marie Curie
Ảnh: en.wikipedia.org
Ảnh: en.wikipedia.org
Marie Curie có tên khai sinh là Maria Salomea
Skłodowska sinh ngày 7/11/1867 tại Warsaw, Ba Lan trong gia đình có 5 người
con, bố mẹ là giáo viên. Khi còn nhỏ, Marie được đánh giá là một bé gái tò mò,
sáng dạ và xuất sắc ở trường học. Bi kịch xảy đến với gia đình Marie vào năm 11
tuổi khi mẹ cô qua đời vì bệnh lao phổi.
Marie luôn giữ vị trí đứng đầu ở trường trong
những năm tháng đi học. Tuy nhiên, thành tích học tập không thể giúp Marie được
nhận vào học ở Đại học Warsaw, ngôi trường chỉ dành cho nam sinh.
Để hỗ trợ người chị đi học y khoa tại Paris,
trong gần 5 năm, Marie làm gia sư và giáo viên dạy trẻ để kiếm tiền trang trải
chi phí. Thời gian rảnh, cô tiếp tục nghiên cứu, đọc sách về Vật lý, Hóa học và
Toán học.
Về sau, năm 1891 với sự giúp đỡ của người chị,
Marie đến Paris để học Hóa học và Vật lý tại trường Sorbonne, nơi mà sau này bà
trở thành nữ giảng viên đầu tiên. Trong quá trình học tập, cuộc sống của du học
sinh rất vất vả, Marie phải sinh hoạt kham khổ, có khi mấy tuần liền chỉ ăn
bánh mì với nước trà, thỉnh thoảng mới được ăn một vài quả trứng, một thỏi
sôcôla hay một trái táo. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó và niềm say mê học
tập, hai năm sau, ngay khi đang còn là sinh viên năm thứ ba, Marie đã được cấp
bằng Thạc sĩ Vật lý và đến năm thứ tư được cấp tiếp bằng Thạc sĩ Số học. Ngoài
ra, Marie còn nói, viết thành thạo các thứ tiếng Pháp, Nga, Anh, Đức và quyết
tâm làm luận án Tiến sĩ Vật lý.
Cũng tại trường Sorbonne, khi đang tìm kiếm một
địa điểm thích hợp để thực hiện thí nghiệm, Marie gặp và kết hôn với
Pierre Curie - nhà Vật lý học người Pháp. Khoa học trở thành cây cầu nối bén
duyên cho hai nhà nghiên cứu. Không lâu sau đó, Marie chấp thuận lời cầu hôn của
Pierre và bắt đầu được gọi bằng tên Marie Curie.
Hai người đã cùng nhau nghiên cứu các vật chất
phóng xạ, đặc biệt là quặng urani uraninit. Sau nhiều năm nghiên cứu họ đã tinh
chế vài tấn uraninit, ngày càng tập trung các phần phóng xạ, và cuối cùng tách
ra được chất muối clorua (radium chloride) và hai nguyên tố mới. Nguyên tố thứ
nhất họ đặt tên là polonium theo tên quê hương của Marie (Pologne theo tiếng
Pháp, Polska theo tiếng Ba Lan), và nguyên tố kia tên radium vì khả năng phóng
xạ của nó (radiation). Năm 1902, Marie cùng chồng công bố kết quả lọc radium
tinh khiết, đánh dấu sự tồn tại của nguyên tố quý này.
Pierre Curie và Marie Curie trong phòng thí nghiệm
Ảnh: en.wikipedia.org
Năm 1903, bà được nhận giải Nobel Vật lý cùng
với chồng Pierre Curie và Henri Becquerel cho các nghiên cứu về bức xạ. Bà là
người phụ nữ đầu tiên nhận giải này.
Năm 1906, Pierre qua đời vì bị một chiếc xe
ngựa kéo đè lên khi đang đi trên phố. Vượt qua nỗi đau mất mát, Marie bắt đầu sự
nghiệp giảng dạy tại trường Sorbonne và trở thành nữ giáo sư đầu tiên của trường
đại học này.
Năm 1911, bà nhận giải Nobel Hóa học cho việc
khám phá ra hai nguyên tố hóa học radium và polonium, trở thành nhà khoa học đầu
tiên nhận hai giải thưởng cao quý. Chính phủ Pháp quyết định tặng bà Huân
chương Bắc đẩu bội tinh.
Năm 1914, bà được cử làm Giám đốc Viện Radi ở
Paris. Đây là cơ sở đầu tiên sử dụng Radi điều trị bệnh ung thư. Trong chiến
tranh thế giới thứ nhất, Marie Curie cùng con gái là Irène đã ra sức ứng dụng
tia Radi để cứu người.
Năm 1921, Marie Curie trên cương vị Giám đốc
Viện Radi cùng con gái là Irène sang thăm nước Mỹ. Tổng thống Mỹ đã tặng
bà một gram Radi. Bà đã đề nghị ghi rõ trong chứng thư rằng đó là món quà tặng
bà để tiến hành nghiên cứu khoa học chứ không phải để làm tài sản riêng.
Năm 1922, bà được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn
lâm Y học Pháp.
Ngày 14/7/1934, Marie qua đời gần Sallanches,
Pháp vì ung thư bạch cầu do bà đã tiếp xúc với số lượng bức xạ quá cao trong
các nghiên cứu.
Năm 1995, tro xương của bà cùng chồng được
đưa vào điện Panthéon ở Paris, nơi an nghỉ của của các vĩ nhân lịch sử và những
người đã làm rạng danh cho nước Pháp. Marie trở thành người phụ nữ đầu tiên và
duy nhất được an nghỉ tại đây.
Trong một thời gian siêu lạm phát trong đầu thập
niên 1990, tờ giấy bạc 20.000 zloty của Ba Lan có hình bà. Hình bà
cũng đã hiện diện trong tờ 500 franc của Pháp cũng như nhiều tem
thư và tiền kim loại.
Nguyên tố số 96, Curium, ký hiệu Cm, được
đặt tên để tôn vinh bà và Pierre.
Ngày nay, nhiều viện nghiên cứu và cơ sở giáo
dục, trung tâm y tế trên thế giới được đặt theo tên của Marie Curie. Ở Việt Nam
có 3 ngôi trường mang tên bà một ở thành phố Hồ Chí Minh, một ở Hà Nội và một ở
Hải Phòng.
Thiên Di
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét