Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Những nẻo đường xuân

Những nẻo đường xuân
Mùa xuân đã tràn ngập các miền quê Yên Bái. Lòng người rạo rực, tiết xuân ấm áp. Từ bản làng vùng cao đến các góc phố, đường quê đang phơi phới đón xuân mới. Mỗi nhành hoa, ngọn cỏ; từng công việc bình dị, những cảm nhận đầu năm... dường như đang gom góp, chở đầy xuân đến khắp nẻo đường và mỗi căn nhà dạt dào hạnh phúc.
Thân thương tiếng chổi tre
Đã quen lắm tiếng chổi tre. Sáng ra, chiều về, những con đường trong thành phố phong quang, sạch sẽ. Đêm 30 tết. Chỉ còn hơn tiếng nữa thôi là đến giao thừa, phố đã rất sạch đẹp nhưng điều khác lạ hơn mọi ngày đó là những bóng áo xanh - vàng vẫn tất bật, gấp gáp cho ngày làm việc cuối cùng của năm khi trong mọi ngôi nhà, các thành viên đã quây quần bên nhau. Những chiếc xẻng nặng trĩu, những cánh tay dang rộng, hất mạnh dứt khoát, cả những giọt mồ hôi loang loáng, ướt nhẹp như mưa xuân...
Chị trở về khi chỉ còn vài phút nữa là giao thừa. Tháo đôi giày, rồi vội vàng thay bộ quần áo ở nhà, chị quay vào bếp; xắn tay áo qua khuỷu, vặn bếp nhỏ để xôi lại mẻ xôi lần 2, vớt con gà cánh tiên trong nồi nước rồi đặt ngay ngắn trên mâm, tranh thủ xếp lại những chiếc bánh chưng mới ép, trang trí lại mâm ngũ quả bày ngoài trời... tất tả và hoàn thành đúng 12 giờ.
Chị hạnh phúc vô cùng, ánh mắt dịu dàng, lấp lánh. Đêm nay, trong phút giao thừa này, chị thảnh thơi ngắm nhìn từng thành viên trong ngôi nhà thân yêu, kiểm tra từng đôi giày cho chồng con; trang trí thêm cành đào chúm chím nụ... Một năm, chỉ có 3 đêm và 3 tối chị ở nhà trọn vẹn, được nấu những món ăn mà chồng con yêu thích, cả nhà sẽ quây quần bên mâm cơm chiều. Một năm rồi còn gì. Cảm giác được buông thả mái tóc mềm mại, diện bộ cánh mà chị đã ướm mua từ đầu mùa để cùng chồng, con ngày mai đi chơi tết, thật hạnh phúc!
Hạnh phúc giản dị nhưng tràn đầy niềm tin và ước nguyện. Chị và các đồng nghiệp là những người góp phần dệt lên mùa xuân mới. Trước ngưỡng cửa mùa xuân, xin chúc các anh, chị - những “chủ nhân” của tiếng chổi tre sức khoẻ và hạnh phúc, bình an!.

Những công nhân vệ sinh môi trường 
tất bật công việc ngày cuối năm. (Ảnh: Hoàng Đô)
Mang hương xuống phố
Xuân! Dừng chân ghé thăm làng hoa Tuy Lộc trong tiết trời xuân tươi mới dễ dàng cảm nhận được nét đẹp thanh bình mà vùng ngoại ô thành phố đem lại. Các “nàng hoa” mang tên hồng, cúc, đồng tiền... đua nhau nở rộ, khoe sắc trong không khí xuân.
Dường như ta đã hưởng trọn không khí trong lành khi tiết trời sang xuân, thả hồn vào những cánh hoa còn long lanh giọt sương đọng lại bên thành phố trẻ.
Gió xuân hanh hanh, dìu dịu như trêu đùa, vuốt ve từng cánh hoa. Đâu đó quanh đây, những chú ong mật đang dạo chơi, chắt chiu từng giọt mật, tô thêm điểm nhấn trong bức tranh xuân thanh bình.
Không chỉ có làng hoa ven sông Hồng khoe sắc trong tiết xuân, những khóm ly, Tulip hay Lan hồ điệp... của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ Yên Bái ở ven thành phố cũng đua nhau vươn mình đón nắng xuân. Đôi bàn tay gầy hao của các bác nông dân nhẹ nhàng nâng niu từng cành hoa, đong đầy tình cảm dành cho những “đứa con” của mình. Những giọt mồ hôi của họ còn đọng lại trên từng cánh hoa, mang hương sắc gửi cho đời.
Xuân đến, các “nàng hoa” theo quang gánh của các bà, các mẹ ra chợ ngắm phố phường đông vui, tấp nập. Rồi lại theo chân những người “xa lạ” về nhà, đem đến không khí xuân ấm áp cho các gia đình. Các bà, các mẹ thường nói: “Hoa là thứ không thể thiếu trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Hoa đem lại cho con người ta sức sống và niềm tin mới vào mùa xuân”. Mỗi loài hoa có một ý nghĩa, thông điệp khác nhau, khiến cho ngày tết không chỉ ngập trong sắc màu mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc chào đón một năm mới.
Mùa xuân đến thật rồi! Xuân đến trong từng hơi thở, trong từng giọt mồ hôi còn đọng lại trên những cánh hoa khoe sắc. Giữa những ồn ào, tập nập của thành phố trẻ đang từng bước thay da đổi thịt, đâu đó vẫn có những vùng quê bình dị với khung cảnh thơ mộng, bình yên. Chính nơi đây sẽ góp phần tô điểm và gìn giữ hương sắc riêng của Yên Bái.
Sắc xuân.
Đua với tết đang gần
Đêm cuối Đông lạnh, cộng với những đợt gió thổi dọc sông rét thấu da thịt. Dòng sông Hồng lúc lững lờ, lúc lăn tăn làm vỡ tan ánh đèn công trường xây dựng cầu Tuần Quán lung linh trên mặt nước. Những chiếc máy thu hình trong mỗi nhà dân đâu đấy tắt dần, tắt dần, đẩy lại ca ba của những người thợ cầu vào thời khắc ngày mới, mải miết nhưng hối hả, khẩn trương! Phía xa, thành phố Yên Bái - vầng sáng mờ mờ trong sương khuya huyền ảo.
Khung cảnh ấy quen thuộc với mỗi công nhân trên công trường này. Giờ đây, họ chỉ quan tâm rằng, những mũi khoan nhồi xuống lòng sông đúng vị trí? Ván thép ghép khuôn bê tông chính xác? Từng mối hàn có bảo đảm “độ chín”?... Họ chạy đua với thời gian, đua với mức nước sông mùa khô, đua với tết đang gần.
Trong đêm Đông, những người thợ cầu vẫn giữ nhịp sôi động, giữa cái giá lạnh, có những giọt mồ hôi rơi xuống dòng sông. Lửa hàn bừng lên, những cây thép tạo thành giàn tia sáng chĩa lên từ lòng sông, rực rỡ. Máy khoan sàn sạt, máy cẩu gầm gừ kéo những ván thép lớn đặt vào cánh tay rắn chắc của thợ cầu. Tất cả nhịp nhàng, chính xác ghép khuôn để đến ca làm việc sáng mai có thể đổ bê tông thân trụ cầu cho kịp tiến độ.
Tết. Vừa đúng 7 tháng 10 ngày đã thi công xong mố cầu M7, trụ T6, khoan và nhồi cột sắp xong trụ T5, T4, T3. Những trụ cầu sẽ lần lượt sừng sững mọc ra trên lòng sông Hồng vốn chẳng mấy hài hòa khi mùa nước về. Thợ cầu, cán bộ Ban quản lý Dự án không phí thời giờ "vàng ngọc", Bám trụ ở công trường để rút ngắn tiến độ thi công.
Cuối năm 2016, cầu Tuần Quán - cây cầu thứ ba ở thành phố có thể hợp long. Và cũng năm Bính Thân này, cầu Bách Lẫm sẽ khởi công. Bốn cây cầu - đôi bờ dường như thu hẹp để thành phố Yên Bái mở rộng không gian sang hữu ngạn sông Hồng.
Trong đêm giá, cây đào bên sông như nhận hơi ấm từ lửa hàn, từ ánh đèn và hơi thở người thợ mà nảy chồi, đơm lộc, chờ ngày bung cánh nở vẫy gọi xuân sang.
Công trình cầu Tuần Quán bên thềm xuân.
Thú vị tết Việt trong mắt người nước ngoài
Tết rất thiêng liêng, lại vừa gần gũi với tình cảm quê hương và gia đình. Tết đến, xuân về là dịp để mọi người, mọi nhà sum họp, quây quần bên gia đình và người thân. Đó chính là điều làm cho những người nước ngoài thấy thích thú khi sống trong không khí đón tết tại Việt Nam. Những nét truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam chỉ cảm nhận được khi hòa với không khí đón xuân, ăn tết và chia sẻ niềm vui với người dân.
Thế nên, Lal Singh, Ashish Kothari, Ravi Chandak - những chuyên gia người Ấn Độ của Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam tại huyện Lục Yên hết sức hào hứng khi nói về tết Nguyên đán của người Việt Nam. Lal Singh cho biết: “Tôi sang đây làm việc 6 năm và cũng từng ấy năm tôi đều ăn tết ở đây.
Điều thú vị nhất tôi cảm nhận ở Việt Nam đó chính là một cái tết sum họp với gia đình, mọi người đi đến nhà người thân trong gia đình thăm hỏi, chúc tết. Năm mới, sau khi chúc tết, mọi người đều lì xì cho nhau. Điều đó làm tôi thực sự bất ngờ và thấy thú vị”.
“Vào dịp tết, mọi người dẫn con cái đi chợ sắm rất nhiều thứ, sắm cành đào, mua cây quất… rồi dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Họ chuẩn bị tiệc thết đãi khách và mời anh em họ hàng đến uống rượu thật vui vẻ" - chuyên gia Ashish Kothari hào hứng kể.
Chàng trai Ravi Chandak năm nay mới 28 tuổi vui vẻ chia sẻ: “Những món ăn ở đây cũng thật tuyệt! Rất nhiều món độc đáo và hấp dẫn nhưng tôi ấn tượng nhất là hương vị thơm ngon của món bánh chưng của bà con đồng bào người Tày. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên dù mai này có xa Việt Nam!”.
Những công nhân Ấn Độ của Công ty 
TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam.
Sôi động làng miến bên sông
Phúc Lộc, Giới Phiên - một nửa của thành phố bên kia sông Hồng đâu đâu cũng thấy người người làm miến, nhà nhà làm miến. Những sợi miến trong vắt được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề ở Giới Phiên đã trở thành địa chỉ quen thuộc và tin cậy cho nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh.
Sáng xuân, gió từ sông Hồng thổi lên mang theo cái mùi hăng nồng từ những lò ép miến. Miến trắng trời từ đất Phúc Lộc lên Giới Phiên. Nghề làm miến bắt nguồn từ xã Giới Phiên nhưng nay đã ngập tràn vùng đất bên sông. Miến phơi trên những cái phên nứa thẳng hàng tăm tắp, trên những chiếc giàn tre ngay trong sân, đường làng và chạy tít xuống những thửa ruộng qua mùa gặt.
Miến làm quanh năm nhưng những ngày giáp tết, người ta làm nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu ngày tết. Tết đến, trong “mâm cao cỗ đầy” của mỗi gia đình làm sao thiếu bát canh măng khô với miến hay bát canh miến nấu lòng gà, đĩa miến xào thịt, miến làm nhân cho đĩa nem rán...
Nghề làm miến cũng vất vả, từ khi trồng cây đao riềng xuống đất đến khi thu hoạch rồi xay xát, lắng lọc bột, công phu lắm mới ra được cân bột. "Vất vả là một chuyện nhưng để miến có chất lượng thơm ngon, sợi miến săn dai, quan trọng nhất là khâu làm bột. Đầu tiên, bột dong phải được phơi thật khô và rửa thật sạch. Lúc cán bánh phải chọn khi thời tiết tốt hoặc có nắng, bánh mới se nhanh, miến mới thơm" - tâm sự ấy cũng như trải lòng và bày tỏ say sưa với nghề của người làm miến.
Chẳng phải quảng bá nhiều nhưng nói đến miến vùng bên sông Hồng Trấn Yên - Yên Bái thì ai cũng phải thừa nhận, đặc biệt chất lượng và cũng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chẳng thế mà áp tết, mặc cho cảnh sôi động bên này sông, dân làng miến, cứ mải miết cần mẫn ngày đêm để làm thêm nhiều miến, góp thêm niềm vui của mỗi gia đình trong ẩm thực ngày xuân.  
Người dân làng miến Giới Phiên chuẩn bị hàng bán tết.
Nhóm phóng viên
Theo http://baoyenbai.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...