Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Tản mạn nửa đêm

Tản mạn nửa đêm
Đêm thu gió lọt song đào,
Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời.
(Kiều câu 1637-1638)
Hai câu thơ trên thể hiện tâm trạng nhớ mong Thúc Sinh của Thúy Kiều. Thời gian là cảnh một đêm trăng sao  mùa thu. Có gió nhè nhẹ len vào phòng, qua một cửa sổ, có che một tấm màn cửa màu đỏ.  Tấm màn cửa sổ mở ra để Kiều trông thấy một khung trời có trăng sao. Trăng là trăng khuyết, không thể xác định là trăng hạ tuần hay trăng thượng tuần. Trăng và ba ngôi sao giữa trời cũng có thể hiểu bấy giờ trời đà khuya lắm, có thể  vào lúc nửa đêm. Căn cứ vào câu chữ là vậy.
Song, căn cứ vào ý nghĩa của chữ Hán, thì cả câu bát là chữ tâm, chữ tượng hình  , bộ tâm, vẽ hình trái tim có những lỗ nối mạch máu lưu thông,nghĩa là trái tim, tư lự. tánh tình, trung ương, gai nhọn…(như tâm chí:tâm tư và ý chí. Tâm khảm: cái lỗ ở quả tim hay chuyện sâu kín trong lòng). Đối chiếu với câu bát,”nửa vành trăng khuyết” (là hình ảnh một nét mác); “ba sao giữa trời” (là hình ảnh của ba chấm). Hai chi tiết nầy gộp lại thành chữ  (tâm), không chỉ là tấm lòng của Thúy Kiều mà còn là tên của Thúc Sinh (Thúc Kỳ Tâm)    Nguyễn Du tiên sinh đã hạ bút một cách tuyệt vời như thế đấy!
Điều nầy lại gợi tôi nhớ đến một giai thoại đầy tự hào về một Trạng Nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam: Trạng Nguyên Nguyễn Hiền,   .  Xin được chia sẻ cùng quý bạn đọc.
Nguyễn Hiền,   .  ( 1234 – 1255 ), người làng Dương A, Huyện Thượng Hiền, Phủ Thiên Trường. Nay là xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông thi đỗ Trạng Nguyên năm 12 tuổi, khoa  thi đầu tiên đời Trần Thái Tông (1247), cùng khoa với Lê Văn Hưu,      , ( 17 tuổi ), đỗ Bảng Nhãn và Đặng Ma La,
     (14 tuổi),  đỗ Thám  Hoa. Vì còn thiếu niên, Ông không được ban áo mão Trạng Nguyên, phải về quê phụng dưỡng mẫu thân và chờ học lễ 3 năm mới được phong chức. Ông làm quan đến chức Thượng Thư Bộ Công, có đi sứ Trung Quốc, có bình Chiêm Thành, có công đắp đê quai vạc sông Hồng, kế sách phát triển võ thuật rèn luyện quân sĩ…
Ngày 14 tháng 8 năm Bính Tý (1255),Thượng Thư Bộ Công tức Trạng Nguyên Nguyễn Hiền bệnh nặng, qua đời lúc đang tuổi 21.  Nhà vua thương tiếc truy phong Ông là “Đại Vương Thành Hoàng”, phong thần ở 32 nơi, trong đó có đình Lai Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đặc biệt, tại đền thờ ở quê hương Ông còn giữ được cuốn Ngọc Phả, kể về công đức của Ông trong đó có câu đối ca ngợi tài năng của Ông:
Thập nhị tuế khôi khai lưỡng quốc,
Vạn niên thiên tuế lập tam tài
            
            
Tạm dịch là:
Mười hai tuổi khai khoa hai nước,
Nghin năm sau sừng sững”tam tài”
Tương truyền sứ thần Trung Hoa sang nước NAM để thử nhân tài nước ta. Bài thơ như sau:
Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Lưỡng vương tranh nhất quốc.
Tứ khẩu tung hoành gian.
        
        
        
        
Dịch là:
Hai mặt trời bằng đầu
Bốn trái núi điên đảo
Hai vua tranh một nước
Bốn miệng  khoảng trời dọc ngang.
Vua và các quan trong triều không ai hiểu được điều gì. Có người tâu, sao không hỏi ý kiến Trạng nguyên Nguyễn Hiền.
Cuối cùng, Nguyễn Hiền giải thích như sau;
Hai mặt trời bằng đầu. Bốn trái núi điên đảo. Hai vua tranh một nước. Bốn miệng  khoảng trời dọc ngang. Thật ra 4 câu thơ đều nói đến một chữ, theo lối chiết tự. Đó là chữ điền.
Giải xong, Ông liền viết trên giấy một chữ điền, chữ chân phương rất đẹp trao cho sứ giả Trung Hoa ngay giữa triều đình. Sứ giả bẻn lẻn, gật đầu lia lịa, bái phục, ca ngợi và phải chịu là  NƯỚC NAM VẪN CÓ NHIỀU NHÂN TÀI. Biết nước Nam có nhân tài, nước Tàu mới bỏ cái “mộng hoang tưởng” hòng  thôn tính nước ta, thời đại bấy giờ.
Trời se lạnh. Chắc là trời quang mây. Bốn bề tịch mịch, lặng lẽ. Chỉ có tiếng gõ nhịp, đếm thời gian đầy kiên trì của một loại côn trùng nào. Tôi bước ra sân để nghiệm đúng điều đó. Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời đâu rồi nhỉ? Tôi không thể nhận ra ba ngôi sao nào, chắc là sáng lắm đã kết hợp với nửa vành trăng khuyết thành một chữ tâm, nghĩa là tấm lòng. Phải chăng cần có một tấm lòng nhân ái rộng mở, bao dung, vị tha… cao cả, trên trời, cũng như đã được ngưỡng mộ tôn vinh bằng một bức tranh chữ tâm viết theo lối thư pháp, treo một cách trang trọng, trong phòng khách, nhà của một số cựu giáo viên hưu trí? Điều đó, như thầm nói, chủ nhân sống bằng tấm lòng khiêm tốn của một người thầy như thế và sẽ ra đi như thế. “Modeste, je vis et modeste, je mourai”. Thật là thanh cao!  Suốt một cuộc đời “đưa những chuyến đò thế hệ sang sông”, nhiều thế hệ học trò đã thành đạt, “văn dĩ tải đạo” (   )   hay tạm chỉnh lại cho phù hợp “giáo dĩ tải đạo”(   ) thầy cô giáo đã giáo dục nhân cách cho học trò, ít nhất mà sâu đậm nhất, chưa kể kiến thức, chính là một tấm gương của bản thân mình , suốt một đời đưa đò lồng lộng. Văn chương chuyên chở đạo lý, giáo dục chuyên chở đạo lý, đạo lý làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc, một đạo lý nhân nghĩa sáng ngời.
Dòng suy nghĩ tản mạn của tôi nghe khô khan quá! Sao nó giống hình ảnh một ông già lụ khụ, khắc khổ, khó tính, luôn nhăn nhó, luôn trừng mắt với đời! Kia là ba ngôi sao sáng của tôi. Ba ngôi sao giăng thành một tam giác đều hoàn hảo trên nền trời mùa Đông.
Tam giác đều mùa Đông (Ảnh Thiên văn Google)
Tam giác nầy gồm có 3 ngôi sao: Ngôi sao Procyon, trong chòm sao con chó nhỏ; Sao Syrius, chòm sao con chó lớn, sáng nhất bầu trời đêm;  sao Bételgeuse, ánh sáng màu đỏ nằm trên vai phải của Ông Sao Thần Nông. Sao Thần Nông dân gian còn gọi là Sao Cày (hình một cái cày trên một đám ruộng, ba ngôi sao dọc theo thân cày, kéo dài thì nó cắt đường chân trời tại một điểm. Điểm đó là phương chính Nam, đối diện là phương chính Bắc (có thể nhìn thấy sao Bắc Đẩu, không sáng lắm, nằm ở khoảng 15-20 độ, so với góc vuông của người quan sát, hợp bởi một đường từ điểm đứng đến chân trời theo tầm nhìn và một đường thẳng từ điểm đứng của người quan sát lên thiên đỉnh). Đã xác định Bắc Nam thì rất dễ dàng nhận ra hai Phương Đông Tây còn lại. Tương tự, Sao Thần Nông Orion làhình ảnh một vị Thần có đai, đeo gươm. Cây gươm quý của Thần (hay là cái thân cày của dân gian) đều chỉ đúng phương Nam. Nhớ hồi sinh hoạt học sinh bài hát, kiến thức tìm phương Nam, hát mà vui. Bài hát đó như sau:
Nhìn lên trời xem sao sao sao
Nhưng không biết phương Nam Nam Nam
Nhìn lên thấy Ông Thần Thần Thần
Cài gươm quý bên mình mình mình 
Thật là dễ hiểu, dễ nhớ!
Như vậy, ba sao giữa trời của tôi ở đây chưa tròn chữ tâm, vì chưa có nửa vành trăng khuyết. Thời điểm báo ứng cuộc đời chưa trọn chữ tâm, làm lòng tôi se buồn. Ai ai cũng muốn có một tấm lòng trong sáng, vằng vặc tựa ánh trăng Nguyên Tiêu đối với tha nhân và với đời…chưa thể thực hiện được trọn vẹn, quả là chuyện ngoài mong muốn vậy.
Nhớ có lần, nửa đêm, ngồi đợi đón học trò chủ nhiệm tham gia chiến dịch xóa dốt trở về, (Hồi đó, tôi mới 33), Thầy Chiến, An Giang, dạy môn Vật Lý huých hông tôi, cười:
- Trời se lạnh mà trong veo!  Anh chỉ cho tụi nầy xem Tam giác đều mùa Đông coi!
… Đúng là tam giác đều  thật!  …Sao Sirius, sáng nhất, rất hay!  …Tam giác đều của Anh thật tuyệt vời!...Những ngôi sao đó, có ý nghĩa gì không về mặt tử vi?
- Ba ngôi sao là ba người tình của Anh Triều đó, đúng không?  Một sao là một người tình, anh thích ba sao là anh có ba người tình chớ gì!
 Thầy Hùng dạy Toán, (sau nầy là Hiệu Trưởng Trường THPT Hậu Nghĩa) vui tính, nhanh nhẩu bông đùa.
- Thôi đi mấy cha! Tội nghiệp Anh Triều, hiền hậu, đông con!  Mình có tấm thân lo còn không nổi làm sao lo cho nổi nhiều người? … Anh Chiến, cho mượn bịch thuốc rê Cotab gùi coi…
Thầy Út Nhương, Cần Đước, dạy Toán, đột  ngột cắt ngang câu chuyện gẫu.
Thật ra, hồi đó, tôi chưa nghĩ gì hay tự tìm ý nghĩa ba ngôi sao tam giác mùa Đông. Có thể là trong đời nầy, tôi có ba người tình cũng nên. Ngôi sao sáng nhất Sirius có thể là Ngân, người bạn nhỏ thời thơ ấu, K3 SPS, cựu hs TN,(chỗ dựa vững chắc). Ngôi sao thứ hai Procyon, có thể là Thanh, bạn tâm giao với Xuân, khóa 3 SPS (đồng cam cộng khổ). Ngôi sao cuối cùng, Bételgeuse, có thể là Xuâng (viết có g), (46 năm đằng đẵng vẫn còn ấm áp trong tim, dẫu rằng nàng đã theo chồng, chưa bao giờ gặp lại). Ba người con gái, y hệt nhau đã đi qua đời tôi, sáng trong, ấm áp, thủy chung.
Còn có thể hiểu, ba độ sáng khác nhau đó như biểu tượng của duyên kiếp ba sinh: trong quá khứ chưa sáng lắm, hiện tại tương đối sáng hơn và của con đường tương lai tương đối rực rỡ. Tôi vẫn cảm nhận như thế. Chúng tôi đã cùng đi trên quảng đường ít nhiều cay đắng, ngọt bùi. Tôi không muốn tô hồng cái tôi đáng ghét nhưng mặt trái đời thường không phải không có lúc “sóng chén hòa âm”.
Trong ba người bạn gái tôi yêu quý đó, chắc là có một người chung sống, một người ở xa và một người xa tít, tận phương trời, hay “Là ba nàng hay chỉ một Ngân thôi?”.
Với những tâm tình đó, tôi viết những dòng nầy, cốt để giải thích và xác định cùng bè bạn đã đọc truyện Còn vương của tôi, trong tập sách số 1 “Giai điệu Hồ Xuân Hương, Bà Chúa Thơ Nôm” (Ngân Triều), do CLB Sinh Hoạt, Hội CGC Huyện Đức Hòa, Long An phát hành tháng 10/2011 và tái bản lần 2, ngày 12/01/2012, Lưu hành nội bộ.
Bây giờ, trời quá nửa đêm. Bốn bề tịch mịch, lặng lẽ. Tiếng côn trùng điểm nhịp thời gian nghe chậm chạp và mòn mỏi hơn. Ba sao giữa trời đã xế ngang đầu. Ô kìa! Nửa vành trăng khuyết đã ló lên tận cuối chân trời tự lúc nào! Vành trăng biết bao kỷ niệm của một thời hoa mộng, vẫn dịu dàng, tôi vẫn đắm đuối nhìn mãi vành trăng ấy. Thiên hạ như vẫn còn ngủ kỹ. Nửa đêm. Một tiếng gà nhà ai nghe rất buồn cười:
Trời chưa sáng…à nghen!  Trời chưa sáng … à nghen!.
Ngân Triều
Theo http://blogngantrieu12.blogspot.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...