Có một nền văn minh, nếu
không muốn nói là sáng giá, đã bị chôn vùi dưới chân núi Đưng. Anh đi
làng Nhút làng Dìng, đi chín suối mười dốc, gặp không biết mấy nhiêu cô gái,
vẫn quay về làng mình để đeo vào cổ em chiếc xi tiu xinh đẹp do chính tay anh
làm ra. Lời người thợ nấu sắt nói với người yêu của mình trong cuốn sử
truyền miệng chép về nền văn minh núi Đưng. Điều này có nghĩa nền văn minh đã
bị chôn vùi là thuộc thời kim khí. Ở núi Đưng hầu như ai cũng thuộc Giót. Đó
là tên cuốn sử truyền miệng chép về nền văn minh đã bị chôn vùi ấy.
Tôi lên cao nguyên miền
Trung là để lấy tư liệu cho một bài viết mình còn nợ của một tờ báo, bài viết
về sự hình thành các tập tục của các dân tộc ít người ở Tây Trường Sơn. Trên
đường về lại thành phố, tôi ghé vào làng Dang dưới chân núi Đưng là để thăm chơi
cho biết, vì bấy giờ việc lấy tư liệu coi như đã hoàn tất. Mùa hạ ở núi Đưng
có hoa muồng rực thắm giữa màu lá rừng đương ngã màu, tựa bức tranh cổ u tịch bỗng
hiện ra ở đâu đấy một chút le lói. Khách đường xa suốt tháng trời chỉ chăm chắm
mỗi việc săn tìm tư liệu là tôi, phút chốc cũng thấy lòng nhẹ bổng trước cảnh
nước non mới lạ. Núi Đưng không cao. Chỉ đứng đó như sự che chở cho cuộc sống
lẻ loi đương diễn ra trong một vùng trũng rộng lớn, có thể gọi là cuộc bình
nguyên trên cao nguyên. Khi người khách đường xa là tôi đã ngồi vào một chỗ
ghế học của một lớp học vùng cao, thì cả đám học trò con trai con gái lên năm
lên bảy, ở trần có mặc áo có, lẫn cô giáo dạy học, vẫn tự nhiên như không,
như con suối Dang đối với tôi, lúc tôi đứng trên bờ của nó ngắm nhìn trời đất.
Lũ học trò dường đã xong việc tập viết, làm tóan, đang ngồi hóng cổ nghe cô
giáo kể chuyện.
Giót là không có gì hết,
nhưng cái gì cũng có, là không biết gì hết, nhưng cái gì cũng biết. Có với
không, không với có, bỗng quấn quít lấy nhau, cất tiếng khóc thê thảm. Nước mắt
chảy, một phần thành đất, một phần thành nước, một phần thành loài người,
muông thú và cây cỏ. Trong những người sinh ra từ nước mắt đó có một người
đàn ông chỉ sống được trong bể khơi, và một người đàn bà chỉ sống được giữa
thinh không, rồi hai người đó đã thành chồng vợ và sinh ra tổ tiên người núi
Đưng.
Liêu kể. Cô giáo ấy là
Liêu. Còn tôi thì cứ ngồi ngẩn người, tựa hồ đang nghe một trang kinh của một
tôn giáo mới nào đó vừa mới xuất hiện ở trần gian. Con người là sinh ra từ những
giọt nước mắt của một cõi khác thường. Là sáng thế ký? Mà cũng không phải
sáng thế ký. Anh ở bên lâm trường sang chơi? Liêu chợt hỏi. Cô ta tưởng tôi
là người của lâm trường trồng rừng ở núi Đưng. Đám học trò dồn mắt cả về phía
tôi. Tôi nói là mình ở dưới miền xuôi đi nghiên cứu lịch sử các dân tộc ít
người ở Trường Sơn. Tự dưng tôi tự xưng là nhà nghiên cứu lịch sử. Sau này mới biết
chuyện kể ấy là lấy ở cuốn sử truyền miệng của người núi Đưng. Còn lúc ấy,
Liêu liền rời khỏi bàn thầy giáo, tiến lại chỗ tôi ngồi. Anh phải qua bên nhà
em, bên làng Riềng, để gặp cha em thôi. Liêu nói, mỉm cười với tôi. Và giật lấy
xách hành lý của tôi, để tự tay cô ta xách giúp cho tôi. Chạy lóc thóc đàng
trước là lũ học trò của Liêu. Tiếp theo sau là ông khách lạ là tôi, và Liêu. Ở
các nhà sàn bọn tôi ngang qua, có cả ông bà già lẫn phụ nữ và trẻ con ra
đứng ở cửa, ngóng nhìn theo bọn tôi. Những phút đầu tiên tôi đến với người
núi Đưng là thế.
Ông bà Dên, cha mẹ Liêu,
là thuộc lớp người ở núi Đưng ra khỏi nhà vẫn thích mặc váy, ở trần, và nghe
máy thu thanh thì chưa hiểu người ta nói gì. Nhưng khi nghe Liêu nói tôi đi
nghiên cứu lịch sử các dân tộc ở Trường Sơn thì hai ông bà liền
đem rượu cần bày ra giữa nhà sàn. Cha mẹ em muốn giữ anh ở lại nhà em đấy.
Sau này mới biết đấy là tập tục. Còn lúc nghe Liêu nói thế, tôi biết là mình
sắp không thể tránh khỏi một cuộc phiêu lưu.
Coi như đã dứt hẳn cuộc du
canh du cư. Nhà sàn của ông bà Dên đã có cột kèo, được đục lỗ hẳn hoi. Và đám
gia súc trâu bò heo gà đã có chuồng trại riêng biệt. Cuộc sinh nhai cũ dường
chỉ còn để lại bóng dáng trên lớp men đen mướt trên da ché rượu cần. Cả việc
những ông già ở những nhà bên mang thêm những ché rượu
sang nhà ông bà Dên để đãi khách là tôi, cũng có thể nói là cung cách hình
thành từ cuộc du cư du canh xưa cũ. Cả việc cả chủ lẫn khách vây quanh ché rượu,
cùng cầm lấy những chiếc cần cùng uống thứ chất vừa ngọt ngào vừa cay đắng,
cũng là hình thành từ cuộc sống xưa cũ. Những phút bầy đàn, nhằm củng cố sức
tồn sinh. Cho nên lúc men rượu đã đủ bổ sung cho sức sống, mọi người đều đòi
kể Giót. Tức trở về với cội nguồn của mình. Để con Liêu kể, nó mới hiểu được.
Ông Dên nói. Nó, là khách của cuộc rượu, là tôi. Cuộc rượu khách lập tức biến
thành cuộc rượu thánh. Dường như rượu là cách thế dẫn dắt con người quay về với
chính mình. Các cụ già cùng ứng lên. Cùng vít cần, rồi cùng ứng lên. Chẳng cần
phải rõ nghĩa thứngôn ngữ cổ kính ấy, chỉ nghe thôi, cũng đủ mường tượng được
cảnh trí một thời cổ sơ. Thứ tiếng nói cổ sơ ấy như có sức chứa cả hình tượng
lẫn âm thanh, chỉ nghe thôi, cũng mường tượng ra được những hoang dã, những bất
trắc, những máu và nước mắt, trong cuộc chống chọi với tự nhiên để sinh tồn.
Phải chờ đến lúc các cụ già nhường việc lĩnh xướng cho Liêu tôi mới hiểu hết
những gì mình nghe được. Liêu không vít cần, mà nâng cần lên. Và quì. Kể mà
như hát.
Đấy là lúc vua Đưng
đã lập xong nước. Bèn sai ông Khơ Nan coi việc thiên văn địa lý.
Và sai Lung đi tìm của cải quí ở dưới mặt đất. Ta tuy là vua, là pơtan của lũ
ngươi, nhưng ta cũng là người núi Đưng, nên phải ở cùng lũ ngươi. Vua Đưng
nói. Nhưng người núi Đưng bảo kẻ đứng đầu một nước phải có chỗ ở khác với
chúng dân, mới khiến các nước khác nể nang. Rồi kéo lên núi Đưng đốn cây gỗ về
làm chỗ ở cho vua. Chỗ ở của vua Đưng gọi là cung pơtan. Này Khơ Nan, ta
không đành lòng khi thấy nhà ở của chúng dân bị ngập lũ. Vua Đưng nói. Ông
Khơ Nan liền theo lũ kiến đen suốt ba mùa lũ, rồi vẽ họa đồ, định lại chỗ ở
cho dân. Này Khơ Nan, ta thấy lúa trên đồng không được nhiều hạt cho lắm. Vua
Đưng nói. Ông Khơ Nan phải ăn nằm dưới gốc cây môi ba mùa hoa trái, để xem
cách đơm hoa kết trái của môi, rồi mới định ra lịch gieo trồng. Lung đã tìm
được mỏ sắt trên núi. Sắt đào được đem về để cả ở hang Gió. Nghe chuyện lạ, cả
nước kéo tới xem. Lung lấy củi đốt thành than, rồi đem than đốt thì sắt chảy
ra đủ thứ hình thù. Cái làm rìu chặt cây. Cái để cuốc đất. Cái thành lưỡi
cày. Này Lung, bấy lâu ta chỉ cày bằng lưỡi cày gỗ, nay đã có sắt, ngươi hãy
làm cho thật nhiều lưỡi cày bằng sắt cho người núi Đưng cày ruộng. Vua Đưng
nói. Lung ngồi trong hang Gió cả ngày lẫn đêm để lo nấu sắt, rèn lưỡi cày lưỡi
cuốc. Chẳng bao lâu, ruộng nương của người núi Đưng rộng gấp trăm lần trước,
dân chúng giàu có vô kể.
Người trong nước muốn vua
Đưng phải có vợ để sinh con nối ngôi vua. Người con gái nào biết được lúc mặt
trời đứng bóng thì cây khư trên núi Đưng ngã bóng phía nào, ta sẽ cưới làm vợ.
Vua Đưng nói. Cây khư trên núi Đưng được người núi Đưng ví với sự cao quí.
Con gái ông Khơ Nan là nàng Hơ Lia nói lúc mặt trời đứng bóng là lúc cây khư
trên núi Đưng ngã bóng nơi trái tim của nàng. Vua Đung liền đưa con gái ông
Khơ Nan về nhà mình. Còn nàng Hơ Mia, con gái ông Nư Năng , lúc bấy giờ là
người tình của người thợ nấu sắt là Lung.
Bấy giờ, cả ông Dên, cả những
cụ già bạn ông Dên, đều thôi uống, chỉ ôm lấy cần ngồi lặng lẽ, như thể đang
cùng nhau bước vào cõi cổ sơ. Đêm mùa hạ ở núi Đưng là mùa giao phối của loài
chim đỏ mỏ. Giữa những lúc Liêu ngừng kể thì nghe thấy tiếng kêu thảng thốt ở
đâu đấy ngòai rừng. Tiếng kêu của lũ chim đỏ mỏ lạc bạn tình. Lúc mọi người
đã về hết, trong ngôi nhà sàn chỉ còn tôi, ông bà Dên, và Liêu, tôi mới nghe
rõ hết những xáo động ở bên ngoài. Chuyện yêu đương của lũ chim trời cũng thật
ghê gớm. Hốt nhiên im lắng, như thể hết thảy đã biến mất. Hốt nhiên rố lên tiếng
vỗ cánh rậm rực, tiếng riu rít hân hoan. Rồi thắc thỏm gọi tìm nhau.Từ sáng
giờ em đã quên hỏi tên anh. Liêu chưa ngủ. Nghe Liêu nói, ông bà Dên cựa
mình, rồi ngủ lại. Tôi bảo cứ gọi tôi là anh nhà nghiên cứu. Qua bóng đêm,
tôi nói nửa đùa nửa thật. Liêu bảo, trước cũng có mấy nhà nghiên cứu lên núi
Đưng, nhưng lúc đó Liêu chưa thể kể Giót bằng tiếng Việt phổ
thông. Tôi bảo, còn bây giờ thì Liêu kể rất hay. Cuộc phiêu lưu của tôi coi
như được tính từ đêm hôm ấy. Tôi bị chôn chân ở núi Đưng ba bốn tháng trời.
Liêu đã kể cho tôi ghi gần hết cuốn sử Giót. Và đã đưa tôi đến hầu hết những
nơi có liên quan đến cuốn sử truyền miệng ấy. Tôi và Liêu có vượt quá tình bạn
một chút. Nhưng cũng chưa phải là tình yêu.
Mười ba năm sau tôi trở lại
núi Đưng. Sông núi vẫn còn như cũ. Nhưng có nhiều người tôi từng quen biết đã
thành người thiên cổ.
Ở nhà ông bà Dên ở làng Riềng,
người tôi gặp trước tiên là thiếu phụ đã có bảy đứa con, trai có gái có, có vẻ
như là cùng một lứa. Ký ức bảo tôi thiếu phụ đó là Liêu. Nhưng mắt tôi lại
cho là không phải. Người thiếu phụ mặc váy, ở trần, nằm ở võng, đương banh vú
ra cho đứa con trai nhỏ nhất bú, vừa cho con bú, vừa hát Giót, lũ anh chị thằng
bé thì ngồi dưới sàn, vây quanh mẹ, hóng mỏ nghe. Tôi đứng ở cửa nói mười ba
năm trước mình đã lên đây tìm hiểu về nền văn minh núi Đưng, và đã được cô
giáo Liêu, con ông bà Dên, kể cho nghe sử Giót. Em là Liêu đây, còn cha mẹ em
thì chết đã lâu. Người thiếu phụ thôi cho con bú, vừa nói, vừa nhìn tôi vẻ dò
xét. Rồi bật dậy, bước lại chỗ giường nằm, kéo tấm màn che. Liêu đi mặc áo,
và sửa lại tóc tai. Rồi bước ra, nhìn tôi, bỡ ngỡ: Anh nhà nghiên cứu, em đã
nhớ rồi. Nếu Liêu và tôi lúc bấy giờ ôm chầm nhau thì chẳng có gì phải nói. Đằng
này, lũ con Liêu cứ bâu lấy mẹ chúng, lấm lét nhìn người khách lạ là tôi, cho
đến lúc ấy vẫn còn đứng như trời trồng chỗ cửa. Cả tôi, cả Liêu, như vẫn chưa
xua đuổi được vẻ xa lạ của nhau. Bấy giờ thì tôi đã không cầm lòng được, buột
kêu, rằng đây là chuyện trong hiện tại, hay là chuyện trong sử Giót?.
Tây Trường Sơn 1985
Qui Nhơn 2007
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét