Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Bản năng và trí khôn của chim

Bản năng và trí khôn của chim
Chim là sinh vật của bản năng, nhưng đồng thời chim cũng có một 'trí khôn' khá sắc sảo, có lẽ vượt xa nhiều loài thú bậc cao và làm cho con người chúng ta cũng phải ngạc nhiên. Khả năng học tập và trí nhớ của nhiều loài chim thật tuyệt diệu. Người ta đã nhận thấy rằng một con vẹt vằn trong một thời gian nhất định có thể thuộc được một số từ tiếng Anh gần bằng một số người Anh. Nó có thể liên hệ được những từ đó với các đồ vật hay tiếng động bó hẹp trong khoảng không gian quanh nó. Nhưng nó hoàn toàn không hiểu được nghĩa thật của các từ mà nó nói. Nhiều con vẹt, yểng hay sáo nuôi lâu năm có khả năng nhớ và nói được những câu khá dài và thậm chí còn nói đúng lúc, tưởng chừng như chúng có trí khôn, chúng hiểu hết mọi ý nghĩa của những câu chúng nói. Nhưng thực ra chúng chỉ lập đi lập lại lời nói của người một cách vô ý thức mà thôi.
Hầu hết các hoạt động của chim là do bản năng. Chim non chui ra khỏi trứng là do bản năng, chim ẩn mình để tránh kẻ thù là do bản năng, họp đàn và kiếm thức ăn là do bản năng, rỉa lông làm dáng cũng theo bản năng. Tuy nhiên trong từng hoạt động mỗi cá thể chim cũng thể hiện một cách khác nhau về mức độ thành thạo. Như vậy có nghĩa là chim hoạt động theo bản năng, nhưng ở từng con chim, mỗi hoạt động đó cũng được cải tiến bằng kinh nghiệm, bằng học tập và đây là chỗ thể hiện sự 'thông minh' của chim.
Có lẽ từ 'thông minh' đối với chim chưa được thật chặt chẽ vì rằng nói đến sự thông minh nghĩa là nói đến tư duy, nhưng cho đến nay cũng chưa có ai chứng minh được một cách rõ ràng là chim có biết suy nghĩ hay không? Để đỡ phải tranh luận chúng ta hãy hạn chế lĩnh vực 'thông minh' của chim trong khả năng của chúng về học tập, bắt chước và xét đoán các hiện tượng xảy ra xung quanh chúng.

Trước hết phải nói rằng chim có khả năng rất lớn về sự thích nghi. Chim rất sợ những vật lạ, tiếng lạ, nhưng chỉ vài ba lần thử nghiệm, nếu thấy không có gì nguy hại là chúng đã quen và không còn phản ứng bảo vệ như lúc mới tiếp xúc nữa. Chính nhờ khả năng phân biệt được một cách nhanh chóng cái gì có thể có hại, cái gì không hại mà chúng tiết kiệm được rất nhiều năng lượng trong cuộc sống. Ai đã từng đi săn chim đều nhận thấy rằng nhiều loài chim như cu gáy, cò, ngỗng, vịt trời, v.v..., phân biệt được rất rõ người đi săn với những người lao động quanh đấy. Nhiều loài chim như sếu, ngỗng còn biết canh gác khi kiếm ăn theo đàn. Một người đã kể cho tôi nghe một việc như sau: 'Sát phía sau nhà tôi có một cây sắn rất sai quả. Hàng ngày rất nhiều chim chào mào đến đây ăn quả sắn. Tôi để sẵn ống xì đồng ở gốc cây. Khi nghe đàn chim ríu rít kiếm ăn ở cây sắn, tôi ở trong nhà đi ra, ven theo đầu hồi nhà, luồn ra phía sau đến gốc cây, và thế nào cũng có một chú chào mào bị lộn cổ. Nhưng rồi mấy ngày sau đó, hễ tôi vừa ra đến sân là cả đàn chim đã bay hết, mặc dầu tôi đã cố cúi thật thấp để chúng không phát hiện được. Thì ra, sau tôi mới biết, là khi cả đàn đến kiếm ăn, có một con hình như được phân công để gác, đậu ở ngọn cây xoan phía trước nhà. Hễ thấy bóng tôi ra khỏi cửa là chim cảnh vệ này kêu lên một tiếng báo động, và cả đàn chim say mồi cũng vụt bay đi ngay'. Rõ ràng là chim gác cho cả đàn kiếm ăn ở trường hợp loài chào mào này hay ở trường hợp sếu, ngỗng..., đều không phải là do bản năng mà là do kinh nghiệm được tích lũy trong cuộc sống, nếu ta không muốn nói rằng là kinh nghiệm xương máu của đồng loại. Chim diều trắng châu Phi biết dùng đá để đập vỡ vỏ trứng đà điểu, chim cò xanh biết nhặt viên mồi để nhử cá cũng không phải là hành động theo bản năng, vì rằng không phải con nào cũng biết công việc đó mà chúng phải bắt chước những chim đàn anh và thử nghiệm nhiều lần mới đạt được mức thành thạo. Một số chim nuôi còn biết kéo dây, mở nút chai, xâu chỉ để lấy thức ăn. Những công việc này hoàn toàn không liên quan gì đến các hoạt động hàng ngày của chim trong thiên nhiên vì vậy không thể xem là hoạt động theo bản năng. Rõ ràng để làm được các công việc đó ít nhất chim cũng phải có một phần cơ sở là kinh nghiệm.
Khả năng đếm của chim gần như không thua kém con người mấy nếu như ta tước bỏ đi cái khái niệm trừu tượng của các con số. Đứng trước một nhóm các dấu hiệu, trong một thời gian ngắn để không kịp đếm, con người thường chỉ có thể phân biệt được một cách chắc chắn giữa 4 và 5, và chỉ một số rất ít người phân biệt được 7 và 8. Các loài chim tuy không biết tên các chữ số nhưng chúng cũng có thể phân biệt được đến 5, như bồ câu và thậm chí đến 6 và cả đến 7 như quạ đen và quạ xám.
Người ta đã làm nhiều thí nghiệm để xác định khả năng đếm của chim.
'Người ta đặt trong phòng một số hộp trong đó có một hộp đựng thức ăn. Chim phải mở đúng hộp có thức ăn đó. Cứ mỗi lần thí nghiệm người ta lại thay đổi cách sắp xếp các hộp để không tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn. Dấu hiệu duy nhất mà chim có thể lợi dụng để lựa chọn được hộp đựng thức ăn là số dấu chấm vẽ trên nắp hộp: đó là những số 2, 3, 4, 5, và 6. Người ta cũng thường xuyên thay đổi hình dạng và cách sắp xếp các dấu chấm trên nắp hộp nhưng vẫn đảm bảo số dấu chấm không quá 6.
Phía trước các hộp có đặt một tấm biển nhỏ làm 'chìa khóa mật mã' để giúp chim tìm thấy hộp đựng thức ăn. Lúc đầu trên tấm biển đó chỉ vẽ có 2 chấm, sau tăng dần lên, nhưng không quá 5. Các chấm vẽ trên biển về hình dạng, kích thước và cách sắp xếp cũng khác hẳn so với những dấu chấm vẽ trên nắp hộp. Như vậy chim chỉ có điều kiện nắm được mối quan hệ về lượng giữa các nhóm trên tấm biển với các dấu chấm trên các nắp hộp. Cuối cùng, những người thí nghiệm đã đạt được kết quả là một con quạ mang tên Jakốp lần nào cũng tìm thấy đúng hộp đựng thức ăn'.

Kết quả thí nghiệm này chứng minh rằng chim, hay ít ra là một số chim có thể nắm được cái gì là chung trong hai nhóm bao gồm một số phần tử khác nhau về hình dáng và cách sắp xếp. Cái chung đó chỉ có thể mang tính chất định lượng.
Chim không những có khả năng nhớ được những sự khác nhau về lượng trong những nhóm đồ vật chúng nhìn thấy cùng một lúc mà còn có thể nhớ được sự khác biệt đó nếu lần lượt cho chúng xem từng nhóm.
Ta cũng có thể huấn luyện cho chim chỉ ăn một lượng hạt nhất định, không kể có bao nhiêu hạt nằm trước mắt chúng và những hạt đó tập hợp thành nhóm như thế nào. Đó có thể là một đống hạt rất lớn, tức là một số hạt nhiều hơn nhiều so với số hạt chúng được phép ăn. Như thế là qua hình dáng của đống hạt, chim không thể xác định được số hạt chúng đã ăn.
Trong một thí nghiệm khác người ta đặt một cái chén trước mặt con chim và bỏ từng hạt vào đó, nhưng không theo một thứ tự thời gian nhất định, có lúc cách nhau đến một phút. Như vậy chim không có điều kiện xác định được số lượng hạt qua hình ảnh của nhóm hạt, tuy thế chim vẫn ăn đúng một lượng hạt nhất định.
Người ta đã thí nghiệm xếp các hộp có hạt và không có hạt thành một hàng. Chim mở liên tục các hộp cho tới khi ăn đủ số hạt được phép. Số hạt trong hộp không giống nhau và trật tự sắp xếp các hộp cũng thay đổi luôn. Do đó đôi khi muốn ăn 5 hạt chim phải mở đến 7 hộp. Người ta cũng đã dạy cho con vẹt ăn 3 hạt khi nghe 3 tiếng chuông và ăn 2 hạt khi nghe 2 tiếng chuông.
Có một lần thí nghiệm, một con quạ đen phải mở nắp hộp cho đến khi tìm đủ 5 hạt. Trong 5 hộp đầu các hạt phân bố như sau: 1, 2, 1, 0, 1. Quạ chỉ mở ba hộp đầu và như thế chỉ mới ăn được 4 hạt. Ăn xong 4 hạt đó nó trở về vị trí của mình giống như đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Người phụ trách thí nghiệm đã định ghi kết quả đó vào biên bản như một kết quả sai, thì bỗng dưng con quạ quay lại chỗ đặt hộp, hành động như một người đãng trí quên không khóa cửa, bây giờ quay lại để xoay tay vặn.
Con quạ tiến đến hộp thứ nhất, gật đầu một lần, rồi mới mở nắp. Đến hộp thứ hai nó gật đầu hai lần, hộp thứ ba - một lần, sau đó nó mở hộp thứ tư là hộp không có hạt. Tiếp nữa, quạ mở hộp thứ năm và ăn hạt cuối cùng. Sau đó nó không tiến đến các hộp còn lại mà quay về chỗ đậu.
Trên cơ sở những thí nghiệm đó ta có thể khẳng định rằng chim biết đếm trong một giới hạn nhất định và có thể phân biệt được tương đối dễ dàng từ 1 đến 5.
Điều rất thú vị là trừ con người ra, trong giới động vật hình như chỉ có chim là biết đếm, còn các động vật khác kể cả các loài thú bậc cao đều học đếm rất khó khăn. Có lẽ là vì trong thiên nhiên động vật không sử dụng đến khả trắng đó chăng (?).
Ngoài khả năng đếm ra, chim còn có trí nhớ tuyệt diệu. Kết quả của các thí nghiệm trên cũng đã có phần nào nói lên khả năng đó của chim. Ta cũng có thể kể rất nhiều ví dụ về trí nhớ của chim ở trong thiên nhiên. Nhiều loài chim di cư như hạc, nhạn, mòng biển, chim báo bão, v.v..., tuy bay trú đông xa đến hàng nghìn, có khi đến hàng vạn kilômét, nhưng vẫn tìm được về quê hương, thậm chí có con về đúng tổ cũ của mình. Chim cánh cụt, mòng biển, và nói chung là các loài chim làm tổ tập đoàn, có thể nhanh chóng tìm được bạn cùng đôi với mình hay con mình trong cả đám đông hàng vạn con bằng cách phân biệt tiếng kêu. Để làm được những việc đó, chim phải có trí nhớ thật tinh tường mà con người khó tưởng tượng được.

Trinh Quy
Theo http://www.banchim.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Mô hình nghệ sĩ - Trí thức Xét trên đại lượng lớn, mỗi thời đại sẽ sinh ra một/hơn một mô hình nghệ sĩ (nhà văn, nhà thơ) tương ứng tiêu...