Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Có bao nhiêu chim trên thế giới

Có bao nhiêu chim trên thế giới
Hỏi có bao nhiêu chim trên thế giới chẳng khác gì hỏi có bao nhiêu sao trên trời hay có bao nhiêu lá trong rừng. Đếm sao hay đếm lá có lẽ còn dễ hơn đếm chim nhiều, tuy nhiên các nhà khoa học đã tìm nhiều cách để đếm chim, và tất nhiên là không thể đếm được trên toàn thế giới hay ở một vùng quá rộng.
Công trình đếm chim đầu tiên có lẽ là do hai nhà tự nhiên học người Anh là Tômas Pennan và Gilbe Oaitơ thực hiện vào năm 1768. Tiếp theo là Alêxandơ Uynxơn, nhà điểu loại học người Mỹ. Năm 1806, trong khi quan sát một đàn bồ câu di cư rất lớn bay qua vùng Kentucky, Uynxơn đã viết: 'Nếu chúng ta cho rằng đội hình chim này có bề ngang rộng một dặm (1 dặm bằng 1609 mét) (và tôi tin rằng còn hơn nữa) và nó di chuyển với tốc độ một dặm một phút, trong 4 giờ liên tục đàn chim mới bay qua, như vậy là chiều dài của đàn chim là 240 dặm. Lại cho rằng mỗi iác vuông (1 iác bằng 0,914 mét) của đàn chim đang di chuyển này có 3 con, thì cả đàn chim có đến 2.230.272.000 con! Thật là một quần thể chim hết sức kỳ lạ, và hẳn là còn ít hơn con số thực tế rất xa'.
Có lẽ chim bồ câu di cư ở châu Mỹ là loài chim có số lượng lớn nhất mà người ta đã biết được từ trước tới nay. Số lượng ước tính ít nhất cũng vào khoảng 3 đến 5 tỷ con. Nhưng tiếc thay con chim cuối cùng của loài này đã chết vào lúc 1 giờ ngày 1 tháng 9 năm 1914, thọ 29 tuổi ở vườn bách thú Cinninnati. Phải chăng đây là 'công trình vĩ đại' của con người. Vào thời bấy giờ mỗi lần có đàn chim bồ câu bay qua như thế là người ta chĩa mọi thứ vũ khí lên trời để bắn chim, kể cả đại bác. Người ta đã tàn sát chim không phải để ăn thịt mà chính là để làm phân! Một loài chim có số lượng cá thể đông vào bậc nhất đã bị tiêu diệt một cách nhanh chóng bởi bàn tay của con người.

Trong thế kỷ trước việc đếm chim mới được thực hiện một cách lẻ tẻ ở vùng này hay vùng khác. Nhưng bước qua thế kỷ này công tác thống kê chim đã tinh tế hơn, công phu hơn và đã trở thành một công việc nghiên cứu quan trọng, cho phép chúng ta không những ước đếm số chim ở từng vùng mà còn có thể so sánh chúng với nhau, và từ sự so sánh đó mà rút ra được những quy luật về tiến hóa và sinh thái. Ngày nay để đếm chim người ta đã sử dụng những thiết bị hiện đại như ra đa, máy bay, nhưng các nhà nghiên cứu chim vẫn ưa dùng phương pháp đơn giản mà tinh tế, công phu là phát hiện tất cả các cá thể trên một dải dài và hẹp có diện tích nhất định, thuộc từng sinh cảnh điển hình, rồi quy ra cho cả vùng rộng. Cách đếm trên đây càng lặp đi, lặp lại nhiều lần thì kết quả đếm được càng chính xác. Trên tuyến đường đếm chim người ta có thể dùng mắt, đếm tất cả các chim thấy được nằm trong dải đếm, hay dùng tai để phát hiện tất cả chim trống có trong dải đếm rồi nhân đôi lên vì thường trong mùa sinh đẻ chim ghép thành từng đôi, 1 trống và 1 mái. Nếu là chợ chim thì người ta chụp ảnh, tìm số trung bình cá thể đậu trên 1 mét vuông rồi nhân với diện tích của vùng chim đậu, và thậm chí nếu chim có cổ khá lớn, đậu không quá gần nhau thì có thể chụp ảnh toàn cảnh rồi đếm tất cả.
Tất nhiên đếm chim, chỉ trừ trường hợp hãn hữu là đối với các loài chim cỡ lớn có số lượng còn sót lại rất ít và vùng phân bố không rộng thì người ta có thể đếm chính xác từng con, còn các kết quả đếm khác chỉ là con số ước lượng.

Với những kết quả bước đầu đã đạt được trên toàn thế giới, tất nhiên là các nhà nghiên cứu chim cũng chưa nghiên cứu được nhiều về mặt này, thì tổng số chim ước tính được khoảng 100 tỷ, với số lượng cá thể của từng loại rất khác nhau. Những năm gần đây cơ quan bảo vệ thiên nhiên và nguồn lợi thiên nhiên quốc tế đã thông báo về số các loài chim hiếm đang đe dọa bị tiêu diệt: loài chim báo bão ở đảo Becmút chỉ còn khoảng 20 đôi, sếu trắng ở Bắc Mỹ năm 1963 chỉ còn 39 con; loài hải âu lưng trắng ở đảo Tôrixima (Nhật Bản) năm 1962 còn 47 con, chim gõ kiến mỏ trắng ở Cuba chỉ còn khoảng 13 con, loài kền kền Caliphocnia năm 1960 chỉ còn 60 - 65 con, loại cò quăm Nhật Bản ở đảo Hốckaiđô năm 1962 chỉ còn 10 - 15 con. Cũng cần nói thêm rằng từ thế kỷ XVII đến nay đã có đến 76 loài chim bị tiêu diệt, mà phần lớn là do con người săn bắt.
Nếu không kể gà là loài chim đã được thuần chủng và đang đà phát triển mạnh khắp nơi thì số loài chim có số lượng cá thể nhiều nhất thế giới ngày nay có lẽ thuộc vào nhóm chim ở biển. Đacuyn đã có lần cho rằng loài hải âu phương bắc có lẽ là loài phổ biến nhất thế giới. Nhưng Phisơ, người nghiên cứu nhiều về loài này lại có ý khác. Mặc dầu hải âu phương bắc có thể có hơn vài triệu con nhưng không thể đến con số 100 triệu. Theo ý ông ta thì loài có số lượng nhiều nhất là chim báo bão tí hon, lớn bằng con nhạn, ở vùng Nam cực. Các loài báo bão mỏ nhỏ cũng có số lượng rất nhiều. Chỉ riêng một đàn của loài báo bão mỏ nhỏ ở vịnh Baxô ở châu Úc đã có hơn 150 triệu con. Mỗi tập đoàn chim cánh cụt phương bắc thường cũng phải có trên trăm nghìn con. Có vùng chỉ trên một số đảo đã có đến năm triệu chim cánh cụt đang sống. Tập đoàn chim điên và cốc sống ở một số đảo nhỏ gần Pêru có đến chục triệu con. Chúng đã sản xuất ra nguồn phân vô tận cho đất nước này.
Ở nước ta, trên một số đảo ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng có nhiều loại chim biển làm chỗ cư trú trong mùa đông hoặc làm tổ trong mùa hè như chim nhiệt đới, chim điên, cốc biển và nhạn biển. Có đảo chúng tập trung đến hàng vạn con.

Các loài chim sống trên đất liền có số lượng cá thể nhiều nhất có lẽ là chim sẻ và sáo. Chúng cũng là những loài chim phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.
Một vài nước trên thế giới cũng đã ước tính được số chim sống trên đất nước mình. Năm 1954, Phisơ đã thông báo số chim sống ở Anh là khoảng 120 triệu con, thuộc 426 loài, trong đó có 30 loài chiếm đến 75% tổng số đó; sẻ đồng và hoét đen có số lượng nhiều nhất, mỗi loài có đến 10 triệu con, sáo 7 triệu, sẻ nhà 3 triệu, quạ xám 1.750 nghìn. Theo số liệu của Phisơ thì trung bình ở Anh cứ 1 hecta có khoảng 5 con chim. Theo Pêtersơn thì ở Mỹ có khoảng 6 tỷ con chim, trung bình mỗi hecta có 6 đến 7 con.
Phần Lan là nước đã biết được tương đối chính xác nhất số lượng chim đang sống trên lãnh thổ nước mình. Nhà nghiên cứu chim người Phần Lan E. Merikaliô đã bỏ nhiều công sức để tính số lượng chim bằng cách đếm theo tuyến đường đi (như đã nói ở trên) trong toàn lãnh thổ. Từ năm 1941 đến 1956, hàng năm vào tháng sáu và đầu tháng 7, mỗi ngày Merikaliô đếm tất cả chim thấy được và nghe được tiếng hót trong một diện tích, mỗi bề đúng km, và ghi rõ từng loài một. Bằng cách như vậy ông ta đã nghiên cứu khắp đất nước từ vịnh Phần Lan đến biển Baren và đã đếm được gần 64 triệu con, nghĩa là khoảng 3 - 4 con trên 1 hecta.
Như đã nói ở trên nước ta thuộc vào vùng giàu chim, không những về số lượng loài mà cả về số lượng cá thể. Hiện nay chúng ta cũng chưa có điều kiện để ước tính được toàn bộ chim trên lãnh thổ nước ta. Nhưng nếu không kể một số vùng tập trung nhiều chim có khi đến hàng triệu con như ở các bãi lầy ở cửa các sông lớn ở miền Bắc, các đảo chim ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hay các sân chim ở đồng bằng Nam bộ, thì trung bình ở vùng đồng bằng trên mỗi héc ta có khoảng 20 - 25 con vào mùa đông (đếm ở nông trường Tam Thiên Mẫu, Hà Bắc) và 10 - 15 con vào mùa hè. Ở vùng rừng núi mật độ chim khá cao vào khoảng 15 - 20 con trên 1 hecta nhất là ở ven rừng. Đây là một đội quân rất lớn có khả năng tiêu diệt nhiều côn trùng phá hại mùa màng và cây rừng. Chúng ta phải có biện pháp bảo vệ chúng.

Trinh Quy
Theo http://www.banchim.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...