Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Cao Biền ở đất Phú Yên

Cao Biền ở đất Phú Yên
Cao Biền (821-887) là một danh tướng đời nhà Đường. Tên tuổi Cao Biền gắn với những truyền thuyết huyền hoặc của người Việt. Những truyền thuyết ấy kể rằng Cao Biền thấy ở đất Giao Châu có nhiều kiểu đất đế vương, nên thường cưỡi diều giấy bay đi xem xét, rồi dùng phép thuật phá những nơi có hình thế sơn thủy đẹp, và chặn những đất có long mạch bằng cách đào những giếng khơi rất sâu.
Truyền thuyết núi Cánh Diều ở Ninh Bình kể rằng Cao Biền thường cưỡi diều giấy đi dò phá long mạch nước Nam, khi bay đến đất Hoa Lư đã bị một đạo sĩ cùng nhân dân ở đây dùng tên bắn, Cao Biền bị trọng thương, diều gãy cánh rơi xuống một hòn núi, từ đó hòn núi mang tên là núi Cánh Diều.
Ở Phú Yên có một gò cát và đất sỏi gọi là mả Cao Biền.
Mả Cao Biền ở Tuy An. Ảnh: Trần Quỳ trên Báo Phú Yên online
Mả Cao Biền là một gò cát và đất sỏi đá nhô lên như một ngọn đồi thấp ờ thôn Đồng Môn, xã An Hải, huyện Tuy An, Phú Yên. Trên đỉnh đồi có một cồn cát nổi cao, trải qua bao nhiêu năm tháng vẫn giữ nguyên không hề bị xói mòn. Dân gian có câu ca dao:
Cao Biền táng tại Đồng Môn
Trên sơn, dưới thuỷ trời chôn Cao Biền.
Ấy, nhưng Cao Biền đi đâu mà chết chôn ở Tuy An, Phú Yên? Lịch sử có ghi rằng Cao Biền được cử sang xứ Giao Châu dẹp loạn ở nước Nam Chiếu (thời bấy giờ vùng đất Phú Yên thuộc nước Nam Chiếu chứ không phải nước Giao Chỉ). Có một bài vè kể lại chuyện này. Đoạn đầu kể về xuất thân của Cao Biền, sang đất Nam trấn yểm long mạch:
Cao Biền từ thuở nhà Đường
Biệt tài địa lý, thạo luôn phép màu
Bút thần biết ở cung sâu
Xin vua chọn bút ngõ hầu mưu toan
Vẽ diều rồi điểm mắt Loan
Cỡi chim vượt núi phương Nam đi tìm
Hàm Long, Long Đổ kỳ duyên
Trấn yếm linh huyệt giữ quyền trị dân
Khi Cao Biền cỡi diều bay tới đất Phú Yên thì người dân biết chuyện, ra sức chống cự:
Tiếng đồn lan khắp xa gần
Nơi này biết được hợp quần cùng lo
Mua cung lớn, sắm ná to
Chờ cho Biền đến bắn cho nát diều
Thế rồi đến một buổi chiều
Họ Cao ngất ngưởng phiêu diêu lưng trời
Bỗng nhất loạt, bắn khắp nơi
Rừng tên vây phủ làm rơi diều thần
Ô Loan từ ấy hoá thân
Mắt thành ngọc điệp, vảy chân sò, hàu
Bộ lông hoá kiếp rau câu
Tạo nên đặc sản hàng đầu quê ta
Đầm Ô Loan. Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam
Đó là sự tích phát sinh ra đầm Ô Loan. Người ta kể rằng con diều - có nơi nói là con quạ - bị bắn rơi xuống vẫy vùng trước khi chết làm thành một vùng trũng, sau này thành đầm Ô Loan (mả Cao Biền nằm ở không xa phía Đông đầm Ô Loan). Và cho rằng tên Ô Loan là do tích này mà ra (Ô là con quạ, Loan là chim loan như trong câu Vẽ diều rồi điểm mắt loan).
Cao Biền về cõi tha ma
Nắm xương gửi lại không xa vùng đầm
Chiếc giày thuở ấy âm thầm
Rơi trên vách đá bao năm vẫn còn
Cái mũ thì rớt cao hơn
Cách mấy hòn núi là hòn Mão đây.
Còn Cao Biền thì rớt xuống chết ở vị trí nay là mả Cao Biền, đất cát vùi lấp thành gò. Đoạn cuối bài vè còn kể về sự tích phát sinh hòn Mão, dấu giày trên gành Cây Sung...
Ngày nay mả Cao Biền, hòn Mão, gành Cây Sung vẫn còn đó, riêng đầm Ô Loan còn là thắng cảnh quốc gia và có những món hải sản tuyệt ngon, như sò huyết đầm Ô Loan.
Theo sử Trung quốc, Cao Biền về Tàu và bị cấp dưới là Lã Dụng Chi hãm hại, bị giết vào năm 887 ở Dương Châu (Trung quốc). Vì vậy, mả Cao Biền ở Phú Yên chắc chắn không phải là nơi chết của ông ta rồi. Sự tích đầm Ô Loan, hòn Mão... cũng chỉ là huyền thoại, không có bao nhiêu phần trăm là sự thật. Có điều ngồi trên đầm Ô Loan thưởng ngoạn cảnh đẹp, thưởng thức món sò huyết ô loan nổi tiếng và nghe kể chuyện huyền thoại thì cũng thú vị lắm chứ, phải không các bạn?.
Đầm Ô Loan. Ảnh: PHN
Một bữa ăn hải sản trên đầm Ô Loan. Ảnh: PHN
Phạm Hoài Nhân
Nguồn Tư liệu của ông 
Nguyễn Đình Chúc và báo Phú Yên
Theo http://www.vncgarden.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...