Chiều
cuối năm về trên nẻo nhớ
Cái
se sắt lạnh của ngọn gió cuối năm như thôi thúc người ta tìm về một triền nhớ.
Những nỗi nhớ quay quắt, gặm nhấm trong cảm xúc của mỗi người. Nhớ gánh cải cuối
năm của mẹ ở phiên chợ nghèo, nhớ cái nắm tay lạnh tê tái của người tôi yêu, nhớ
đôi mắt cha sâu hoắm vì mất ngủ, nhớ nụ hoa chuối còn e ấp, đỏ chót trong cái lạnh
chiều cuối năm. Và bao nhiêu nỗi nhớ khác cứ trôi dần về phía ngày đã cạn...
Chiều
cuối năm, tâm trạng tôi như một cuốn tiểu thuyết dày cộm, ngổn ngang những tình
tiết, ngổn ngang những nỗi nhớ. Cái lạnh của từng cơn gió ngang qua, khiến tôi
thấy mình biếng nhác hơn nhiều, tôi cuộn mình như một con tôm, nằm khum khum
trong chiếc chăn thơm mùi vải, để tìm được chút hơi ấm. Và tôi bắt đầu nhớ về
những buổi chiều cuối năm ở quê ngày ấy.
Trên
nẻo đường làng quen thuộc, trong khi cái lạnh lẽo nhảy múa trên khắp mọi ngóc
ngách xóm làng, thì bóng dáng quen thuộc của mẹ tôi vẫn lầm lũi với đôi quang
gánh. Và ở một góc chợ quê nhỏ bé, có những người đàn bà đang ngồi xoè tay đếm
từng đồng tiền lẻ thấm đẫm mồ hôi, để chuẩn bị cho những ngày Tết sắp đến với
biết bao nỗi lo thường nhật.
Vui
sướng nhất là lũ trẻ con, bởi chúng sẽ lớn thêm một tuổi, sẽ được nghỉ học để
vui chơi, có quần áo, quà bánh mới. Với thế giới trẻ thơ ấy, mùa xuân dường như
về từ rất sớm cùng với bao niềm vui, không chút muộn phiền hay suy nghĩ.
Bức
tranh quê vào những ngày cuối năm, đẹp nhưng buồn ảm đạm. Hàng cau già trước
hiên nhà như trầm tư hơn với những buồng cau đã quá lứa, ngó nghiêng mây trời để
đếm thời gian qua. Sau vườn nhà, cây rơm vàng vẫn ủ ê trong chút mưa phùn gió bấc
của những ngày cuối năm. Và trong đêm tối, sương buông dày đặc, nhìn qua khe cửa
phòng tôi vẫn thường thấy cha nằm gác tay lên trán suy nghĩ, cùng với khói thuốc
lá mờ ảo. Tiếng ếch nhái ngoài đồng ruộng vẫn cứ văng vẳng đều đều như một điệp
khúc buồn cho vùng quê lam lũ.
Nhìn
thời gian vẫn cứ lặng lẽ trôi qua. Những ngày cuối năm kèm theo bao cung bậc cảm
xúc, với những tờ lịch còn sót lại nằm giãy giụa trên bức tường cũ. Ngày tháng
nối đuôi nhau đi mãi, cho đến khi những ngày còn sót lại trong một năm, người
ta thường giật mình, cảm nhận mọi thứ trôi qua thật nhanh chóng. Mới ngày nào
còn trong niềm vui sướng đón rằm tháng Giêng, giờ chuẩn bị cho mâm cỗ tất niên
sum họp bạn bè, gia đình.
Chiều
cuối năm ngồi một mình suy nghĩ bao điều, cảm nhận từng giờ phút trôi qua, chợt
nhận ra sự hữu hạn của kiếp người. Tự an ủi mỗi phút còn sống là phải cố gắng hết
sức để mỗi ngày trôi qua là một niềm vui. Nhớ nồi bánh tét mang tên tuổi trẻ mà
chúng tôi quây quần thức suốt đêm nấu, để mang cho những đứa trẻ miền sơn cước
nghèo khó. Gió mơn man da thịt như hát bản tình ca về cuộc đời. Nụ cười của những
đứa trẻ nghèo khó ấy đã xua tan bao sự buốt giá trong trái tim mỗi chúng tôi,
khi vượt hàng trăm cây số để đến với từng vùng đất.
Ngày
cạn dần bên khung cửa sổ. Ánh hoàng hôn không còn chảy trên các nẻo đường quen
thuộc nữa, mà đó là sự ảm đạm của những ngày cuối năm. Ngang qua con hẻm nhỏ,
nghe mùi khoai lang nướng, với gánh hàng rong chợt thấy hình ảnh quen thuộc, gần
gũi hiện về. Thỉnh thoảng, tiếng còi tàu trong gió rúc gợi lên một nỗi buồn man
mác không định nghĩa được.
Chiều
cuối năm thương dáng mẹ vất vả, lặng lẽ với đôi quang gánh trên con đường làng
quen thuộc. Thương mái tóc cha bạc trắng vì những nỗi trăn trở về cuộc đời.
Thương người em gái lận đận hai lần đò ngang. Và lòng ấm hơn khi thắp những nén
nhang cho ông bà, tổ tiên trong chiều cuối năm. Ðó cũng là đạo lý “ăn quả nhớ kẻ
trồng cây", "uống nước nhớ nguồn” mà tôi được dạy từ bé.
Chiều
cuối năm, còn gì sung sướng hơn khi được xúm xít trong chái bếp cũ, để cùng mẹ
trò chuyện nhỏ to, để quây quần bên mâm cơm gia đình, để ôn lại những kỷ niệm đẹp
ngày xa xưa ấy. Mặc cho dòng đời cứ chảy trôi, mặc cho những chiều cuối năm cứ
nối đuôi nhau, nhưng gia đình vẫn là điểm tựa vững chắc để mỗi người quay về, để
đoàn tụ, để yêu thương. Và hạnh phúc bắt nguồn từ những điều bình dị ấy.
Thân
Thị Thanh Trâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét