Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

Chim én mai vàng hẹn về mùa nhớ

Chim én mai vàng hẹn về mùa nhớ

Có đôi khi tự ngồi lại với mình, rồi tự ngẫm lại quãng thời gian đã trôi qua, vui, buồn, yêu thương, giận hờn, tất bật… tất cả rồi cũng sẽ theo gió bay qua đời người. Vòng quay của bánh xe nhân thế cứ lăn, một chu kỳ lại tiếp nối một chu kỳ, đó là chân lí. Để rồi sau một quãng thời gian dài ấy, ta lại được trở về với chính mình.
Hạnh phúc nhất có lẽ là ta ngồi lại nhìn ta, trong một chút se sắt lạnh của những ngày cuối năm, không ồn ào, không vội vã, ta dành từng phút từng giây để lắng đọng lại những kí ức về bè bạn. Thật đầm ấm biết bao!.
Nếu không có mùa xuân thì cũng sẽ chẳng có Mãn Giác Thiền sư với “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”, không có Trần Nhân Tông với “Dương liễu hoa xuân điểu ngữ trì/ Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi”. Không có mùa xuân thì làm sao có thể thấy cùng Nguyễn Bính “Đã thấy xuân về với gió đông/ Với trên màu má gái chưa chồng” để rồi nghiệm với Xuân Diệu “Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua/ Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”… Đó là mùa xuân trong thơ ca đất Việt hàng ngàn năm nay, bình dị và xuyến xao.
Xuân đi rồi lại đến, một mùa nhớ lung linh lại đến, với những phút giây bình dị cuối năm, bất chợt ta muốn được lắng mình để: “Ta biết xuân còn ở lại/ Cho trái đất đủ bốn mùa/ Ngày mai ta còn trẻ dại?/ Đi hết cuộc người hơn thua” (Một sáng xuân Nguyễn Nhựt Hùng), “Tìm một người quen/ Và bâng khuâng thở hơi sương// Giọt đắng vẫn ngấm dài theo ý nghĩ/ Còn ta tự ngấm mình/ Trong mùa nhớ lung linh…” (Ly cà phê đêm cuối năm - Vĩnh Thông). Mùa nhớ! Mùa nhớ! Xin hãy choàng lên cho mình chiếc áo lung linh sắc màu, hãy mang theo tin yêu và bình yên, gói trọn niềm hạnh phúc trong những miếng bánh, chén trà… để dầu mai có đi qua, ta vẫn còn giữ được cho mình chút gì đó đơn sơ giữa phố đời chật vật.

“Chim én mai vàng”, mười lăm tác giả thơ đến từ mọi miền đất nước góp mặt trong một tập sách không dày, nhưng đủ sức nặng về nguồn cảm hứng, về tình bạn - tình thơ, dào dạt hương xuân êm đềm mà duyên dáng. Mảng đề tài chính của tập thơ không chỉ có mùa xuân mà còn là tâm tư tuổi trẻ trước mùa xuân đầy sức sống tinh khôi: “Ai lật đật/ Cành xuân gõ cửa/ Rụng câu thề/ Ngày ấy/ Bên nhau” (Xuân trổ - Nguyễn Hồng Sơn), “Chiều cuối năm có người hối hả/ Một mình đem nỗi nhớ đi xa…” (Đồng Xoài cuối năm - Nguyệt Lãng). Và là tình yêu, hạnh phúc ngọt ngào đón chào một năm mới: “Cười lên em, chẳng hoa nào sánh được/ Gương mặt ngời rạng rỡ nắng ban mai” (Tết về - Nguyên Hùng), “Thiên đường đó không có chiều vội vã/ Để ta còn luyến tiếc phút giây qua” (Ru em một giấc thiên đường - Đặng Thị Quỳnh Hương)
Ai đã từng nói, kết thúc một hành trình là bắt đầu cho một hành trình mới, vậy thì giữa hai hành trình ấy sẽ là lúc để ta tự soi lại mình, gặm nhấm hết những lo toan, ưu phiền để đón chào cái mới. Lúc ấy ta sẽ nhận ra cái gì đó thật nhất, nguyên sơ nhất, an lành nhất len vào từng phút từng giây. Bao nhiêu hình ảnh thân quen, bao nhiêu kỉ niệm vui buồn, bạn bè của một thời tuổi trẻ… tất cả như hiện về giữa thời khắc lắng đọng ấy, vụt qua như chỉ mới đâu đây. Đó là những cảm nhận nhẹ mà sâu lắng như những vần thơ này: “Mùa về rồi thắp lại những đam mê/ Mang đi nỗi đau không hình hài vô cớ/ Những bấp bênh, những dập dềnh sóng vỗ/ Chỉ đứng yên khi ta thấy thăng bằng” (Thơ viết cho mùa - Nguyễn Thúy Hạnh). Thăng bằng, mọi thứ chỉ bình yên khi lòng ta không chao đảo, và như thế thì có lẽ, khi tuổi tác con người càng tăng thì tâm hồn ta cũng không còn “long nhong” nhiều như thời tuổi dại, ta tự nhìn nhận đúng hơn và dám tự khẳng định mình, dám tự đứng giữa bộn bề cuộc sống.
Đón xuân, không chỉ là chào đón một mùa mới, mà là tiễn đi cả một năm dài với nhiều bề bộn để chào đón 365 ngày tinh khôi vừa bắt đầu. Ở đó ta bắt gặp một chút hi vọng, một chút bâng khuâng nhẹ nhàng, một chút khát khao nồng ấm: “Đợi chờ nhau khi trời đất giao hòa / Em có cuộn mây hồng theo chân bước / Mà bồng bềnh khắp ngõ bóng trăng sa” (Trăng huyền ảo - Trịnh Bửu Hoài), “Tháng Chạp/ Xôn xao những khúc quanh ký ức/ Mùa bình yên thay áo đợi xuân” (Xôn xao tháng Chạp - Phan Võ Hoàng Nam).
Trong những dòng thơ mộc mạc, ta cũng bắt gặp những cảm xúc tinh tế, sự tỉnh thức nhẹ nhàng, ý vị: “Giữa ngút ngàn màu xanh sắc lá/ Trong từng đường gân chú kiến vàng vội vã/ Chút ưu tư tìm lối riêng mình” (Tôi tìm thấy tôi - Nguyễn Văn Hòa). Cao hơn, xa hơn, là nhìn nhận về sự bé nhỏ của con người giữa khoảng trống mênh mông: “Tẫn ngẫn nhìn mùa xuân chợt biến/ Khi đang còn cách một bàn chân…” (Tết - Nguyệt Lãng), “Tờ lịch xếp những buồn vui một thuở/ Tìm thời gian níu giữ tuổi ngọc ngà” (Chạm nhánh xuân đời - Ngọc Yến). Nhìn lại quãng đời đã qua, bao nhiêu trắc trở, bao điều may mắn, rồi thì cũng chỉ là phù du, cuộc đời không thay đổi, chỉ có cái nhìn về cuộc đời là thay đổi “Mai vàng bên núi/ Giật mình đếm tuổi/ Ngấp ngưỡng chiều tà // Sợi khói bay xa/ Bếp nhà thuở trước/ Lạnh hồn gương lược/ Buồn góc tro than” (Tinh sương chiều - Trịnh Bửu Hoài). Với tâm thế, cái nhìn của người đã trải đời, có vốn sống phong phú, họ nhìn đời như một giấc chiêm bao: “Chỉ còn sóng vỗ triền miên/ Đôi bờ sông Ngộ qua miền phù du” (Chỉ còn - Vũ Thiện Khái).
Tất cả đều cũng đã qua, nhưng không ai nỡ phủ phàng phủi bỏ hết, quên đi hết những kỉ niệm trong sáng ấy. Tâm thế của người từng trải, từng hạnh phúc và khổ đau, họ trân trọng từng khoảnh khắc nhẹ nhàng, đơn sơ của cuộc sống. Không toan tính, so đo mà nhìn thẳng vào đời bằng con mắt tin yêu, lạc quan, đầy sức sống, như nhà thơ trẻ Nguyễn Nhựt Hùng với những vần thơ đầy tinh nghịch: “Vài nếp xuân tràn lên tóc/ Rẽ ngôi nhìn ta vị tha/ Ta đáp lời bằng cười mỉm/ Bởi xuân kia rất thật thà” (Một sáng xuân - Nguyễn Nhựt Hùng). Hoặc như: “Chiều gặp nhau anh nhé/ Ngày mai năm mới rồi/ Mình đi đâu em nhỉ/ Chỉ dùm anh một nơi ?” (Bến sông chiều cuối năm - Nguyên Hùng), “Biết không níu nỗi xuân đời/ Nên lơ đễnh nghĩ mình vừa đôi mươi” (Lơ đễnh mùa xuân - Ngọc Yến), “Tháng chạp về/ Không vô tình, không uốn cong duyên dáng/ (Cứ vô tư như ngày em đến)/ Tháng của sương mờ, tháng của bình yên” (Tháng của sương mờ - Vĩnh Thông).
Ngày Tết đến không chỉ có niềm vui gia đình, làng xóm, mà đâu đó vẫn có những nỗi buồn, nỗi nhớ - âm thầm mà da diết - của những người xa xứ: “Viễn xứ những chiều chênh chao gió/ Em đi bỏ lại cuối con đường/ Bỏ lại nhớ thương cho ai đó/ Tiếng cười giòn tan trong hơi sương” (Viễn xứ chiều cuối năm - Nguyễn Thúy Hạnh). Hoặc có khi là tình yêu không trọn vẹn: “Rượu xuân/ Ta chuốc ta say/ Vắng em/ Chán ngắt/ Buồn đầy con tim/ Cánh mai rơi giữa lặng im” (Xuân nhớ - Đào Thái Sơn), “Xuân nay trở lại ôm mặt khóc/ Mượn chén rượu đầy cho ngất ngây” (Xuân về - Nguyễn Thủy).
Đâu đó, ta sẽ trở về với kí ức tuổi thơ một thời cùng mẹ bên nồi bánh tét, bánh chưng, để nhớ mông lung “Vịn vào câu hát à ơi/ Võng xưa đẩy nhịp ru hời về đâu… / Vệt vôi vương trắng cối trầu/ Con về trước mẹ mái đầu pha sương” (Gánh đời - Nguyễn Văn Hòa). Rồi nghe buồn xa xăm khi ngày cuối năm về thiếu lưng còng của mẹ bên nồi bánh nghi ngút khói: “Chiều cuối năm nồi bánh chưng đỏ lửa/ Xuân năm nay vắng tiếng mẹ cười” (Góc quê xuân và mẹ - Phan Võ Hoàng Nam).
Đôi khi, nghe tiếng tắc kè kêu trong phố cũng làm lòng người trải rộng ra, nhớ về một thời tuổi xanh đã qua lâu lắm rồi: “Núp ở đâu mà tiếng nghe rõ thế/ Tắc kè kêu khắc khoải đêm đêm/ Ta khó ngủ nên thường nghe tiếng/ Nên nhủ lòng ta thành bạn thân quen” (Với tiếng tắc kè kêu trong phố - Ngô Văn Cư). Hay là cảm xúc, trăn trở của người con gái trước buổi chiều nhiều gió cuối mùa xuân: “Em nợ anh suốt đời không trả nổi/ Tình rũ buồn nhan sắc cuối mùa xuân” (Nửa đời ngơ ngác - Đặng Thị Quỳnh Hương).
Không trau chuốt, không câu nệ hình thức, không nặng về câu chữ, ý tứ… chẳng những vậy mà còn viết với tư duy và thi pháp truyền thống. Bởi lẽ, “Chim én mai vàng” không chuyển tải những gì sâu xa, không đi sâu vào phản ánh hiện thực đầy phũ phàng của cuộc sống hiện đại hoặc cái tôi bản ngã đa chiều của con người thời đại mới, mà chỉ là những cảm xúc đơn thuần của con người, nhưng khiến ai đọc cũng luyến lưu. “Chim én mai vàng” là vậy, bình dị, giản đơn và đầy tình yêu thương như những cánh mai, cánh én không hẹn nhưng vẫn về đúng xuân, không cố bẻ mình cho người khác thấy, mà cứ để vẻ đẹp tự nhiên chắc lọc qua màu nắng buổi giao mùa. Đơn giản như: “Chỉ mai là đúng hẹn kỳ/ Không nghe pháo giục vẫn chi chít vàng/ Gió hình như cứ lang thang/ Mơ màng tìm... gió giữa tràng giang xuân” (Giữa tràng giang xuân - Vũ Thiện Khái).
Tình thương, nỗi nhớ khi đầy khi vơi, nhưng nó là vĩnh cửu, là mạch máu hồng truyền cho những trái tim. Dẫu có qua bao thăng trầm, tất bật với gánh mưu sinh, ta vẫn chọn cho mình một chốn bình yên, để trao nhau yêu thương ấy. Xuân năm nay, ta hãy nhấm bình rượu “Chim én mai vàng” để cảm nhận tình thương dào dạt, đằm thắm. Và, ta hãy hứa hẹn cùng nhau về một mùa xuân viên mãn trong đời, như lời thơ tràn đầy hi vọng của lão kỳ sĩ Bùi Giáng:
Thưa rằng: Ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.
An Giang, mùa bấc 2012
 Vĩnh Thông
Theo http://vinhthongts.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...