Hồn trầm
|
Đồi không tên
Mênh mang xanh ngát cánh rừng
trầm đang vươn nhành, đan lá, lao xao trong gió thoang thoảng hương thơm. Gần bốn
mươi tuổi đời, Peter Kramer đã đến nhiều nước, ngắm nhìn cánh rừng ôn đới, nhiệt
đới đẹp nổi tiếng thế giới, nhưng chưa nơi đâu ông bắt gặp cái màu xanh, xanh lạ
lùng thế này.
Ông Minh chỉ và giới thiệu địa
hình, địa vật khu vực Đồi Không Tên. Peter bất ngờ bởi một đài tưởng niệm sừng
sững trong rừng hoang vắng. Bao bọc giữa bao la mây trời và bạt ngàn xanh cánh
rừng trầm, tượng đài tưởng niệm giản dị, dáng vẻ tôn nghiêm, trầm mặc. Phía trước,
dưới chân tượng đài là "Phần mộ của 12 liệt sĩ vô danh"... Nấm mộ xây
theo hình quan tài lớn bằng đá granit màu hồng, trên bề mặt khắc ngôi sao năm
cánh màu vàng; các cánh sao được phủ cát trắng mịn thông xuống hầm mộ... Ngày
còn chiến tranh, ông Minh từng được mệnh danh là Hùm xám núi rừng Cam Lộ. Chính
ông đã cùng đồng đội vừa khóc vừa đi tìm từng cánh tay, ống chân, xương sườn,
mảnh thịt... của các anh rải rác khắp quanh Đồi Không Tên đem về mai táng chung
một hầm mộ.
Khói hương quyện bay những
vòng tròn, những dấu hỏi. Linh thiêng. Trầm mặc. Trong cõi mơ hồ diệu vợi,
Peter Kramer cảm nhận tiếng nức nở của rừng; lẫn tiếng cựu chiến binh John
Ferrell thì thầm từ xa xăm vọng đến: "...Đấy là một vùng đất chết, một
cánh rừng úa tàn, xác xơ, nham nhở, dày đặc hố đạn pháo... bao phủ ngùn ngụt
khói đen xám, máu đỏ thẫm, mùi tanh tưởi ghê rợn của những thi thể bị băm vằm
ra từng mảnh, cùng tiếng rên la thảm thiết, tuyệt vọng....”...
Năm 1969, khi David Kramer
đang tham chiến tại những vùng rừng núi nhiệt đới rậm rạp, ẩm ướt, hiểm trở...
miền Trung - Việt Nam thì Peter Kramer mới được mấy tháng tuổi. David
Kramer, John Ferrell và binh lính Mỹ tác chiến ở vùng rừng núi này trong điều
kiện hết sức nghiệt ngã, nguy hiểm. Cái chết luôn rình rập đến bất cứ lúc nào từ
họng súng cộng quân, từ bẫy chông, bẫy đá, bẫy mìn cài sẵn dưới lòng đất, trên
ngọn cây của người dân bản xứ hay sốt rừng, rắn độc cắn, thú dữ ăn thịt... khiến
họ luôn trong trạng thái hoang mang, mệt mỏi và sợ hãi.
Kết cục, chỉ chưa đầy một
năm sau, John Ferrell phải trở về nước Mỹ với đôi chân bị liệt hoàn toàn. Ngồi
trên xe lăn, anh ta tìm đến nhà bạn đồng ngũ cùng di vật của David Kramer. Chồng
chết mất xác, bà Helen Bryce chỉ còn biết ôm lấy di vật của chồng và đứa con
Peter Kramer bé bỏng mà khóc than.
Trở về cuộc sống đời thường,
nỗi đau âm thầm, và tâm nguyện tìm hài cốt đồng đội đang chìm lấp trong lòng đất
Đồi Không Tên cứ vọng vang, thôi thúc ông Minh. Xin phép chính quyền địa
phương, ông thuê toàn bộ khu đất Đồi Không Tên lập trang trại. Thời chiến từng
cầm súng ở rừng; những năm cuối đời lại sống với rừng. Nhàn tản. Tự tại. Ung
dung. Tuổi già đắm mình vào rừng xanh mây trắng, suối trong ban mai. Nhưng,
trong thẳm sâu lòng ông muốn được gần gũi, hương khói và tìm hài cốt đồng đội một
thời sống chết có nhau; lại do chính mình tự tay chôn cất mà không biết ở nơi
đâu trên quả Đồi Không Tên này?!
Vào một đêm trăng thu xanh
và lạnh. Lớp lớp sương mù giăng mờ ảo như tấm khăn voan mỏng phơi trên nhành
cây, ngọn lá. Ông Minh mơ màng thấy mình lạc vào một miền xa thẳm, huyền bí. Tiếng
suối róc rách chảy, tiếng xào xạc rừng cây, tiếng líu lo chim hót, tiếng rào rạo
bước chân người và tiếng lách cách súng đạn va vào nhau... Bất chợt ông nghe tiếng
người thì thầm vọng về lúc gần, lúc xa: "Thủ trưởng Minh ơi! Chúng tôi
đang ở đây... ". Cách chừng mươi bước chân, ông thấy thấp thoáng, nhấp nhô
một hàng quân. Gương mặt ai cũng trẻ và buồn lặng. Hồi hộp, tim đập thình thịch,
ngực phập phồng từng cơn sóng, lát sau ông mới thảng thốt: "Các đồng chí
ơi ! Các đồng chí ơi !...". Gọi không thành lời, nhưng dường như có sức mạnh
kìm nén nào đó trong ông bật vỡ òa. Bước đến khối người màu xanh, ông càng cố
đi tới gần thì họ lại càng lùi xa... "Chờ tôi với, chờ tôi với...!".
Khối người màu xanh ấy mất hút vào lùm cây.
Bừng tỉnh, ông thấy mình
đang đứng chơi vơi bên lùm cây trên đỉnh đồi. Chính giữa lùm cây, một cây trầm
hương cao vút lên, xanh ngắt, hương thơm thoang thoảng rất dễ chịu. Linh cảm
mách bảo, ông mừng rỡ thốt lên: “Ôi! Phải chăng là linh hồn của các anh?"
Sáng hôm sau, ông và dân bản
Vân Kiều gần đó đã tìm thấy hầm mộ tập thể các anh ngay chỗ lùm cây xanh. Và
cũng từ linh cảm cây trầm hương mọc trên hầm mộ các anh, sau này trang trại ông
Minh trên Đồi Không Tên chỉ trồng một loại cây trầm hương.
Bà Thủy lặng lẽ, đôi mắt buồn
xa xăm. Gấp ngay ngắn chiếc áo quân phục bạc màu, sờn ở gáy và chỗ hai cùi trỏ,
bà bỏ vào vỏ gối đặt ở đầu giường. Bà không nhớ đã bao lần rồi, lòng thổn thức,
se thắt tột cùng nỗi nhớ mong. Nước mắt lặng lẽ lăn. Chao ôi! Mới đó đã bốn
mươi năm rồi, hạnh phúc, nỗi đau gần gũi mà sao xa vợi.
Đắm chìm trong lớp sương mờ
huyền ảo ký ức, tiếng sóng lòng bà vỗ về những năm tháng xa xăm.
...Ngày ấy, cô bé Thanh Thủy
vừa mới chớm tuổi đôi mươi trắng trong, dịu dàng như dòng suối lúc tinh sương.
Chiến tranh sôi lên sùng sục. Mỹ tăng cường leo thang ném bom, bắn phá miền Bắc
dữ dội. Lửa cháy rực thị xã, trường nàng bị thui đen phải sơ tán đến một cánh rừng
phía Bắc tỉnh. Ngôi trường mới đơn sơ. Mái lá cọ xanh xinh xắn, thơm mùi nứa
lá, nép mình dưới tán cây cổ thụ.
Chiều chiều, không có máy
bay địch, cánh lính trẻ đóng quân gần đấy lại nhào vào trường chơi bóng với
sinh viên nam. Ngôi trường nhỏ yên vắng nơi núi rừng náo nhiệt hẳn lên bởi các
chàng trai mang sắc phục nhà binh.
Một hôm anh lính cao lớn
đánh bóng chuyền giỏi nhất tình cờ giáp mặt Thanh Thủy; anh ngẩn ngơ nhìn, rồi
hắng giọng : “Chào bé !". Thoáng chút bối rối, hai má ửng hồng, nàng ngước
đôi mắt to dài, đen lay láy nhìn anh, thầm nghĩ: "Hơn người ta mấy tuổi mà
lớn... lớn... bé... bé...”. Nhưng rồi, cử chỉ vụng về, rụt rè, hiền khô tội
nghiệp của anh, khiến nàng chạnh lòng: “Anh... anh, à... à... chú... chú đánh
bóng giỏi lắm!”. Anh khẽ mỉm cười, đôi mắt sáng cũng cười.
Sau lần gặp định mệnh ấy,
anh cứ bần thần, và âm thầm nhớ nàng. Cho đến đêm giao lưu văn nghệ giữa đơn vị
bộ đội với trường, nàng rụt rè hát bản “Tình ca” của Hoàng Việt. Sau mấy câu
hát vo, nàng bất chợt thấy anh cầm ghi ta gỗ đi ra sân khấu trong tiếng hò reo,
huýt sáo cổ cũ của cánh lính trẻ. Thì ra anh cầm đàn lên đệm theo giữ nhịp cho
nàng hát. Giọng nàng trong sáng, ngân vang, trữ tình hòa cùng tiếng đàn ghi ta
bập bùng làm các cô gái chàng trai trẻ ngẩn ngơ. Hát xong các nữ sinh và lính
trẻ ùa tới vây quanh hai người, tặng hoa rừng. Hoa rừng ngan ngát tỏa hương lạ,
nàng và anh ngây ngất trong niềm vui hạnh phúc đến bất ngờ.
Đêm ấy, anh và nàng đi dọc
triền đê ra bến sông Lô. Bầu trời đầy sao. Lá rừng thấm đẫm ánh trăng. Dòng
sông dát đầy ánh bạc, êm đềm trôi mênh mang.
Anh đã kể về sông Hiếu quê
hương đẹp như dòng sông Lô này. Sông chảy ngang qua trước nhà anh. Đôi mắt thăm
thẳm buồn, anh bảo: Nhưng dòng sông ấy bây giờ không còn thơ mộng và yên bình nữa.
Bom đạn ngày nào cũng vãi xuống sông. Nàng lặng người đi xúc động, bất chợt gục
đầu nép vào ngực anh. Khuôn ngực chàng trai vạm vỡ hơi mùi mồ hôi và cả mùi thuốc
đạn cứ đi theo nàng suốt cả cuộc đời.
- Bà ơi !
Tiếng gọi làm bà Thủy giật
thột cả người. Bà âu yếm mắng yêu con trai:
- Bố anh! Làm tôi hết cả hồn.
- Tuần sau cháu Thảo nghỉ hè,
bà đi Vịnh Hạ Long cùng chúng con, bà nhé! Hiếu nhỏ nhẹ nói với mẹ.
- Thôi! Vợ chồng con đưa
cháu đi. Tuần sau là gần ngày 27-7, mẹ đi Quảng Trị.
- Mẹ đã già yếu nhiều. Mình
làm mâm cỗ cúng bố ở nhà, rồi thư thả con sẽ sắp xếp công việc cùng đi với mẹ.
- Không hiểu sao mẹ thấy
nóng ruột quá. Mẹ phải vào.
- Từ ngày giải phóng miền
Nam đến giờ, mẹ đã đi hết nghĩa trang này đến nghĩa trang khác, lặn lội khắp
vùng rừng núi bố con đánh nhau ngày xưa, rồi nhắn tìm qua đài, báo, cơ quan Lao
động - Thương binh và Xã hội của tỉnh mà có tin tức gì đâu.
Bà Thủy lặng đi. Bà bâng
khuâng nhớ về cái đêm cuối cùng chia tay nơi bến sông. Bà có ngờ đâu hạnh phúc
- cái giây phút đến thật ngắn ngủi, để rồi vò võ đợi chờ người lính ấy. Những
ngày tháng bom đạn đỏ trời, bà đã phải sống lầm lủi, xa lánh người thân, làng
xóm, bạn bè... như một con bệnh xấu xa.
"Trời ơi ? Mày làm nhục
gia phong, bôi gio, trát trấu vào mặt tao...”
"Thật là uổng phí cho một
đời con gái xinh tươi, nết na...".
"Đú đởn cho lắm, sướng
cho lắm vào...”.
Những lời giận dỗi, thương cảm,
lẫn giọng điệu giỡn cợt, khinh miệt, ghẻ lạnh ấy như các mũi tên cắm ngập vào
tâm can bà, khiến cõi lòng bà tê tái, nát tan. Đêm đêm, bà cắn chặt môi đến rướm
máu, lặng lẽ khóc. Những giọt nước mắt tủi hờn, nhớ mong, đợi chờ cứ thế chảy,
giàn giụa thấm vào chiếc áo của anh. Dù sống trong ghẻ lạnh, bà vẫn có một niềm
tin người lính ấy sẽ trở về. Bà xốn xang, ấp nhẹ bàn tay xuống bụng nơi đứa con
đang cựa mình, ngày mỗi ngày lớn dần.
Bà sinh Trung Hiếu tròn một
tháng tuổi thì nhận được thư anh. Thư kể chuyện chiến trường, anh động viên,
căn dặn: "...Ngày chiến thắng anh sẽ trở về”. Lá thư chứa chan vêu thương
niềm tự hào bà đọc đi đọc lại đến thuộc lòng cả từng câu, từng chữ, từng dấu chấm,
dấu phẩy. "...Đơn vị anh đang đóng quân bên dòng sông Hiếu - Quảng Trị; để
chuẩn bị tiến về cứ điểm Đồi Không Tên... Em ơi! Nếu chúng mình có con, thì em
nhớ đặt tên con..., em nhé!". Bà nghĩ: Đây là giấy khai sinh thằng cu Hiếu.
Nước mắt bà cứ trào tuôn ra không sao cầm giữ được. Bà âu yếm, ấp con vào lòng
rồi thầm thì: "Con ơi! Ngày chiến thắng bố sẽ đón mẹ con mình về thăm nội...”...
Bà Thủy sực tỉnh, thực tại
kéo bà trở về với nỗi chờ đợi héo hon:
- Nhưng mẹ không thể ngồi ở
nhà chờ đợi mãi thế này được. Mẹ phải đi!
- Con biết là mẹ trách,
nhưng con cũng bận bịu tối tăm mặt mũi suốt năm, suốt tháng. Với lại, con nghĩ
các cơ quan chức năng nhà nước cũng rất quan tâm. Mình chờ thêm một thời gian nữa...
Bà Thuỷ buồn lặng, đôi mắt
xa xăm.
Đất nước mình đâu đâu cũng bạt
ngàn nghĩa trang. Có nơi nào trên trái đất nghĩa trang nhiều như mảnh đất hình
chữ S này? Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ đường 9, bia mộ
một màu trắng xóa, hàng dọc, hàng ngang thẳng tắp, trải dài hút cả tầm mắt. Bà
Thủy đã nhìn thấy nhiều người vật vã, đau đớn bên mộ người thân. Họ cùng nỗi
đau như bà, nhưng gánh nặng tê tái chồng chất hơn nhiều; có gia đình mất mát
ba, bốn người con; có gia đình cả bố và con cùng yên nghỉ trong một nghĩa
trang. Nhiều ông già, bà lão dò dẫm đi hết khu mộ này đến khu mộ khác, nước mắt
chảy đến cạn khô, dõi từng bia mộ... tìm con.
Hiếu ngập ngừng một lát rồi
nói với mẹ:
- Thôi thế này. Con đưa cháu
đi vịnh Hạ Long về rồi mẹ con mình cùng đi. Từ đây vào Quảng Trị chỉ hơn một
ngày đường và cũng đúng vào dịp ngày thương binh, liệt sỹ mẹ ạ !
- Ừ! Vậy thì mẹ chờ !...
Bà Thuỷ thấy vui và thoả
lòng lắm.
Bỗng chuông điện thoại của đứa
con trai reo lảnh lót.
"Alô... Alô !...
Yes!... yes! Thank you !... Good bye !”
Con trai bà nói chuyện với
người ở phía đầu dây bên kia. Chẳng hiểu câu chuyện bởi thứ ngôn ngữ lạ, nhưng
bà cảm nhận nó rất vui và mãn nguyện, càng nói, càng hào hứng... Hồi lâu, dứt
khỏi điện thoại, khuôn mặt con trai bà nặng trĩu:
"Mẹ ơi! Thế là con không
đi với mẹ được rồi. Một đối tác nước ngoài mới sang Việt Nam, ngày mai sẽ
ra Hà Nội để gặp con. Đây là một cơ hội làm ăn lớn không thể bỏ qua được mẹ ạ!..."
.
Bà Thủy chết lặng, trân trối
nhìn đứa con trai.
Peter Kramer kính cẩn chắp
tay, cúi đầu lặng người trước Đài Tưởng niệm. Không khí trầm lắng. Làn khói
hương trắng mỏng nhè nhẹ bay lên cuộn thành những dấu chấm hỏi rồi lan toả dần
ra xung quanh. Cay mắt, xốn xang lòng. Hình ảnh Đồi Không Tên những ngày khói lửa
qua câu chuyện của John Ferrell bất chợt hiện về trong tâm tưởng Peter Kramer.
...Hôm ấy, John Ferrell đưa
cho Peter Kramer tấm hình chụp người lính Mỹ đang xóc lưỡi lê ngập vào ngực một
cộng quân còn rất trẻ, bảo: "David Kramer - cha của con đấy - một người
hùng. Nhưng, đó là ngày xưa. Còn bây giờ, tôi lại nghĩ khác về cha con, về tôi,
và những người lính Mỹ như tôi…”. - Rồi với vẻ mặt khắc khổ ẩn chứa những điều
thầm kín dày vò, dằn vặt, John Ferrell kể:
Một ngày cuối Đông năm 1969.
Khoảng tám giờ sáng, tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ của chúng tôi đổ bộ xuống lưng
chừng ngọn đồi không tên cách Vĩ tuyến 17 chừng ba mươi dặm về phía Tây. Quả đồi
hoang dã, chằng chịt cây gai, không một bông hoa, chỉ một màu xanh lợt của cây
rừng và màu trắng loãng của khói sương. Đường bình độ chạy thoai thoải, cao dần
từ chân lên đỉnh đồi. Đồi Không Tên án ngự cả vùng rừng núi Đông - Bắc huyện
Cam Lộ. Trời lạnh. Mặt trời ngái ngủ. Vài tia sáng mỏng manh, len lỏi vào những
lớp sương mù bảng lảng một màu bàng bạc. Gió thổi xao xác. Tiếng chim rinh
rích, vỗ cánh xào xạc. Dưới đất, trên cây cơ man những con vắt màu đất, màu lá
cây. Kinh nghiệm của những ngày ở vùng núi rừng nhiệt đới cho chúng tôi hay, những
loại vắt này hút máu rất êm, không hề gây ra một cảm giác lạ nào, chỉ khi no
căng lên bằng ngón tay mới rơi ra, máu từ vết cắn chảy rất khó cầm, ướt đầm quần
áo mới biết. Chúng luôn trong tư thế cong mình lại búng tới người rồi chui vào
bất kể chỗ nào trên cơ thể, sợ nhất là ở lỗ tai và những chỗ kín...
Bất thần những tiếng rít ghê
tai, nổ váng óc, chớp lửa bừng loé, mùi khói khét lẹt. Đất đá bay vèo vèo. Cây
cối ngã nghiêng, xác lá tả tơi cuốn lên không trung. Binh lính nhốn nháo, khiếp
đảm nằm bẹp xuống, nấp sau những tảng đá, gốc cây. Một số người tử trận, thi thể
đầm đìa máu. Tiếng kêu la quằn quại, đau đớn của người bị thương. Phải một hồi
lâu sau, khi ngớt tiếng đạn pháo, tiểu đoàn trưởng mới hạ lệnh được cho đơn vị
triển khai bao vây khu vực đỉnh đồi - nơi có tiếng đạn cối 82 mm, đạn B40 và
AK... Rồi ông ta lệnh cho các mũi đồng loạt tiến công, hòng phân tán và tiêu diệt
nhanh gọn lực lượng của đối phương. Các họng súng của cộng quân rất ma quái, xuất
quỷ nhập thần, cơ động linh hoạt, họ lợi dụng vào những mỏm đá, thân cây để che
chắn rồi nổ súng và thả lựu đạn từ trên cao xuống. Vì vậy chúng tôi hoàn toàn bị
rơi vào thế bị động bất lợi, binh lính tử trận và bị thương nằm la liệt.
Tiểu đoàn trưởng ra lệnh lui
quân, rồi gọi cối 81mm và pháo 105 mm yểm trợ bắn vào khu vực trú ẩn của cộng
quân. Cả ngọn đồi chìm trong chớp lửa ghê rợn và những đụn khói đen đặc ngùn ngụt
bốc lên. Sau mỗi đợt pháo kích, bộ binh lại đồng loạt bò lên áp sát. Nhưng, như
từ trong lòng đất chui ra, chỗ nào chúng tôi cũng bị cộng quân đáp trả quyết liệt,
số tử trận, bị thương tiếp tục tăng vọt.
Trời nhá nhem tối, với số lượng
đạn pháo được huy động trút xối xả như mưa xuống ngọn đồi, cùng những đợt áp
sát của bộ binh, tiếng súng cộng quân mới thưa dần rồi tắt hẳn.
Chúng tôi đã chiếm lĩnh được
đỉnh Đồi Không Tên. Toàn bộ khu đỉnh đồi ken dày hố đạn pháo, cây cối bật gốc
ngổn ngang, cháy sém, găm đầy mảnh đạn pháo, nhiều thân cây bị phạt đứt, nhựa
đang ứa ra... Trời ơi ! Điều gì đã xảy ra thế này? - Tôi gào lên trong lòng - Một
tiểu đoàn khét tiếng, được mệnh danh là đại bàng, là con cưng, là bất khả chiến
bại chỉ để giành giật, quyết tử với một tiểu đội của cộng quân ư? Chúng tôi tủi
hổ và hoang mang đến cùng cực. Hơn một trăm binh lính đã tử trận hoặc mất tích
và cũng gần bằng quân số ấy nữa bị thương. Phía cộng quân con số chỉ vỏn vẹn đếm
trên đầu ngón tay: mười một tên bị trúng đạn pháo tử thương máu nhuộm đỏ thẫm,
thi thể bầm dập nằm rải rác xung quanh ngọn đồi. Nhưng vẫn còn một cộng quân sống
sót, anh ta bị thương rất nặng ở ngực và bụng, một chân bị dập nát, một cánh
tay đã đứt lìa, phần còn lại được ga rô bằng sợi dây rừng, nằm thoi thóp thở...
Điên tiết David Kramer trút cả băng đạn AR 15 còn lại và dùng lưỡi lê đâm thốc
vào ngực, vào bụng anh ta, cho đến khi mệt lả ra. Tôi khám thi thể tên cộng
quân thấy một chiếc bút máy Trường Sơn màu xanh khắc hai chữ "Tặng
anh". Tấm hình thiếu nữ trẻ, xinh đẹp; phía sau ghi dòng chữ "Mãi mãi
yêu anh..." được gói trong túi ni lông màu trắng bị lưỡi lê đâm thủng một
lỗ ở phần ngực. "Thì ra gia tài của người lính giải phóng quân chỉ có vậy."
Chưa hết cơn tức giận, cuồng loạn, tiểu đoàn trưởng ra lệnh thu lượm mười hai
xác cộng quân ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, quẳng xuống một hố đạn pháo, giật
mìn cho nổ tung. Đầu tóc, xương, máu, thịt, da... bay tung tóe lên trời, rơi lả
tả xuống khắp ngọn Đồi Không Tên. Một cách trả thù và mừng chiến thắng của người
lính chúng tôi ở chiến trường”.
Dừng lại một lát, vẻ mặt đau
buồn, John Ferrell kể tiếp: "Lạy Chúa! Đang bải hoải, rã rời và chưa kịp
hoàn hồn, vừa khi bóng đêm trùm xuống thì cũng là lúc những tiếng nổ ghê rợn
trùm lấy chúng tôi. Tiếng la khiếp sợ của đồng đội "Pháo binh cộng quân...
pháo binh cộng quân...”. Lửa, khói bụi ngùn ngụt, đất đá, cây cối rung chuyển,
va đập ầm ầm, tơi tả, vỡ toác ra như trong cơn địa chấn. Binh lính náo loạn mạnh
ai nấy chạy. Tôi toài người, vừa kịp lăn xuống hố đạn pháo thì lại... ầm ầm. Một
cảm giác khác lạ, rân rân, tê lạnh chạy khắp người tôi. Mắt hoa lên. Tôi gục xuống
không còn biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, ngỡ ngàng thấy trên mình một màu băng trắng
toát... Còn David Kramer và nhiều binh lính khác nữa thì hỡi ôi...”…
Bây giờ thì Peter Kramer đã
đứng ở Đồi Không Tên cùng ông Minh. Peter không biết cha mình ngã xuống ở chỗ
nào trên quả đồi này. Quanh đây đã là rừng xanh ngát dưới ráng chiều vàng dịu.
Hoang vắng như đang đứng niệm, chỉ có tiếng rì rầm, xao xác ở đâu đó rất xa
xăm, mơ hồ như là tiếng vọng về từ cõi hư vô. Peter thì thầm trong lòng:
"Cha ơi! Dù là quá muộn, con đã đến nơi này." Anh ta đi dọc theo từng
hàng cây, ngẩn ngơ nhìn, thổn thức: "Cây ơi! Linh hồn của cha đang yên nghỉ
tại đây và đã nhập vào cây trầm nào?". Vắng lặng! Không ai trả lời, chỉ có
tiếng vi vu, ngân ru ở đâu đó xa vời. "Ông Minh, một người lính đối phương
của cha đã nói với con: Mỗi cây trầm là một nén hương thơm ngày ngày dâng lên
anh linh các anh. Cánh rừng trầm xanh thẳm sẽ toả mát, ru mãi các anh trong giấc
yên bình... Cha và đồng ngũ của cha có được các ông ấy sẻ chia không?"
Những ý nghĩ lộn xộn trong đầu
Peter, dù sao thì anh cũng đã đến nơi cha ngã xuống và cảm nhận được lòng nhân
đạo người cầm súng không cùng chiến tuyến với cha. Họ độ lượng, khoan dung và sẵn
sàng tha thứ tội lỗi những người lính như cha đã gây ra! Bởi vì hơn ai hết họ
hiểu cái giá đích thực cuộc chiến tranh mà cả hai phía phải trả. Ngày còn nhỏ
có lần mẹ đưa con đến Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở bờ hồ Suy
ngẫm (Reflecting Pool) - Washington. Con thấy rất đông người, nhiều nhất
là những bà già, phụ nữ trẻ như mẹ; và người tật nguyền như chú John Ferrell,
ôm hoa đặt lên những nấm mộ. Con đã hỏi mẹ: Vì sao ai đến đây cũng khóc? Câu hỏi
thơ ngây khiến mẹ lặng đi hồi lâu. Lấy khăn thấm lên đôi mi mắt, mẹ bảo: Đây là
nơi người ta dành để tưởng niệm những linh hồn đang còn phiêu bạt; và những người
cạn khô nước mắt như mẹ đến viếng. Lúc ấy con không hiểu mẹ nói gì. Sau này mỗi
lần đến Đài tưởng niệm, nhìn khuôn mặt tiều tuỵ, buồn lặng, mái tóc úa màu của
mẹ, lòng con càng xa xót, quặn thắt, thương mẹ bội phần. Trước khi nhắm mắt, mẹ
trăng trối với con: "Mẹ ân hận là chưa một lần đến nơi cha con ngã xuống.
Con hãy làm những gì có thể làm được để nguôi vợi nỗi đau đè nặng linh hồn cha.
Con hãy mang kỷ vật của người lính Giải phóng và gửi lại người thân họ. Nỗi đau
chiến tranh của người cha, người mẹ, người vợ... mất chồng, mất con ở đâu cũng
thắt ruột, nát lòng như nhau, con ạ."
Peter Kramer rưng rưng nước
mắt, rút trong túi áo ra một chiếc bút máy Trường Sơn và tấm hình thiếu nữ đưa
cho ông Minh...
Bà Thủy đang ngồi ngây ra,
đôi mắt đượm buồn, tay nâng chiếc áo quân phục bạc màu... thì nghe tiếng bước
chân thình thịch của đứa cháu nội từ ngoài cổng chạy vào. Vẻ mặt nó mừng rỡ, hớn
hở lắm:
- Bà ơi! Bà ơi!..
- Có việc gì mà hớt hải thế
cháu?
Đứa cháu cầm phong thư vừa
thở, vừa líu ríu:
- Bà ơi! Bà ơi! ...Có thư
ông Minh từ Quảng Trị gửi ra cho bà.
Bà Thuỷ sững sờ, lặng đi,
không còn tin vào tai mình nữa. Những nếp nhăn hằn kín trên khuôn mặt khô gầy của
bà giãn ra, đôi mắt đục mờ mở to và như có đốm lửa lấp lánh.
Cam Lộ, ngày ... tháng...
năm...
Bà Thủy kính mến!
... Hôm qua có một người Mỹ
đến Đồi Không Tên - cánh rừng trầm của tôi - nơi cha anh ta đã đánh nhau và ngã
xuống mấy chục năm trước. Anh ta đã trao cho tôi những di vật của chồng bà (Những
kỷ vật như bà đã kể)... Anh ta nói với tôi là những di vật quý giá ấy, mẹ anh
ta đã trân trọng gìn giữ mong có dịp gửi lại. Tôi rất xúc động và báo tin cho
bà được biết là nhờ những di vật mà người Mỹ trao lại, chúng tôi đã xác định được
chính xác hài cốt của chồng bà trong số những đồng đội cùng hy sinh trên Đồi
Không Tên ngày ấy...”
Ông ơi! Vậy là đã tìm thấy
ông thật rồi. Bao năm tháng dài đằng đẵng, mòn mỏi chờ mong có một ngày hôm nay
thôi, ông ạ! Đêm chia tay nơi bến sông và trong lá thư duy nhất, ông bảo rằng:
"... Ngày chiến thắng anh sẽ trở về.". Mỗi lần trở lại bến sông xưa,
mỗi lần buồn đau tưởng gục ngã; mỗi khi ấp iu con, ru con là tôi lại à ơi ru
mình, dỗ dành mình, dìu mình bằng những lời ngắn ngủi ấy để vượt qua. Nhiều đêm
mơ thấy ông khoác ba lô về đứng sừng sững ở trước mặt tôi. Chao ôi! Thay vì chạy
đến ôm chặt lấy ông mà khóc, khóc như mưa, như gió, khóc cho thoả lòng thì tôi
lại đứng ngây ra, chết lặng. Bao năm qua tôi cứ âm thầm, lo sợ không biết mình
có còn đủ sức để đi tìm ông? Sẽ chịu đựng được đến bao lâu? Bây giờ thì tôi an
lòng rồi. Nhưng, tôi ân hận với ông quá! Tôi chưa làm trọn bổn phận của người mẹ.
Tất cả là lỗi tại tôi... Thằng Trung Hiếu của ông đã là tiến sĩ, giám đốc một
công ty lớn; nhưng nó còn trẻ người, non dạ lắm. Ông linh thiêng bảo ban, dìu dắt,
chỉ đường, đưa lối cho con, chứ tôi thì không còn đủ sức nữa rồi.
Bỗng thấy trang thư trên tay
oằn xuống, thấm nhoè nước, bà Thuỷ sững sờ, mới hay mình đang khóc.
Đồi Không Tên một màu bàng bạc,
huyền ảo. Gió rừng xào xạc. Vầng trăng neo trên đỉnh núi phía Tây lúc tối, lúc
sáng bởi những đám mây trôi vô tình. Cánh rừng trầm nhập nhoà, lúc sáng, lúc mờ
ảo, thẫm lại. Một cơn gió vô hình thoảng qua, Peter Kramer ớn lạnh. Trong ánh
trăng mơ hồ tối sáng ở rừng trầm, chập chờn trước mắt anh những bóng người lính
trận. Họ đứng kề bên nhau dưới bóng cây trầm xanh thẫm.
Ngày hôm sau, Peter Kramer
đã đáp chuyến máy bay sớm nhất xuống sân bay Nội Bài - Thủ đô Hà Nội, vào khoảng
tám giờ sáng.
Trại
sáng tác Cam Lộ, tháng 7.2008
Văn Xương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét