Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

Mùa Xuân nói chuyện hoa Mai

Mùa Xuân nói chuyện hoa Mai
Hoa mai là loại hoa nở đầu tiên trong mùa Xuân. Nói đến mùa Xuân người ta liền nghĩ đến hoa mai, nói đến hoa mai người ta liền nghĩ đến mùa Xuân. Hoa mai là một trong những loài hoa được ưa chuộng nhất từ trước đến nay.
Có  nhiều loại hoa mai, hầu hết các loại mai đều có năm cánh, hay tám cánh, có loại có nhiều tầng nên có rất nhiều cánh. Nhưng hai loại phổ thông được  nhiều người biết đến là hoa mai vàng (huỳnh hoa) và mai trắng (bạch mai). Mai vàng là hoa mai người ta thường nói tới, nở rộ vào mùa Xuân từ miền Trung vào Miền Nam. Màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng, cao sang, màu của vua chúa. Vào khoảng Tết ta, ra khỏi ngoại ô Saigon, đi về hướng Lái Thiêu, Bình Dương, dọc đường nhà nào cũng có một cội mai già, hoa đua nở đầy cành, vàng rực, đẹp không thể diễn tả. Loại hoa mai thứ hai là "bạch mai" có màu trắng, cũng có năm cánh hay tám cánh như huỳnh mai, nhưng mai trắng rất hiếm quý và có hương thơm dìu dịu, thanh khiết. Có người gọi mai trắng là "Tuyết Mai", vì tuyết có màu trắng.
Hoa mai không có hương sắc quyến rũ như hoa hồng, cũng không sực nức hương thơm như dạ lý, nhưng hoa mai mỏng mảnh, đính trên cành, trên thân cây gầy guộc, cằn cỗi tạo một nét đẹp tương phản, thật duyên dáng, độc đáo. 
Tại Việt Nam có một loại hoa mai gọi là "mai tứ quý". Hoa cũng có năm cánh vàng như huỳnh mai, khi hoa tàn thì năm cánh rụng, năm đài hoa đổi thành màu đỏ, úp lại, ôm lấy nhụy là hạt màu xanh. Hạt lớn dần đẩy năm đài hoa bung ra giống như hoa mai đỏ. Vì vậy mai tứ quý được gọi là "Nhị Độ Mai" tức là hoa mai nở hai lần, lần đầu cánh hoa có màu vàng, lần sau cánh hoa có màu đỏ. Loại hoa này nở quanh năm.  
Ngoài hương sắc và duyên dáng, hoa mai được các nhà Nho và các Thiền sư coi là một biểu tượng của  hai đức tính "Nhẫn" và "Dũng". Chịu đựng thời tiết khắc nghiệt lạnh lẽo mùa Đông, hoa vẫn kết nụ để là đóa hoa đầu tiên chào đón Xuân. Cảm cái đức hạnh thủy chung, cái khí tiết nhẫn nhục và kiêu dũng đó, mùa Xuân phong cho hoa mai là vua của tất cả các loài hoa khác, có tên  là "Đông Quân". Nhiều nữ sĩ có tên "Mai" lấy bút hiệu là "Đông Quân" cũng từ điển tích này. 
Từ nét duyên dáng, thuần khiết bên ngoài cho đến tính khí đức hạnh, kiêu dũng bên trong, hoa mai được người Trung Hoa tôn vinh là "quốc hoa". Các nhà Nho và các Thiền sư Trung Hoa cũng như Việt Nam luôn coi hoa mai là một tấm gương, một biểu tượng của vẻ đẹp vẹn toàn, "bách hoa khôi". Họ đem ghép hoa mai với "tùng" và "trúc" thành một bộ ba "Tam Hữu". Cây tùng tượng trưng cho trượng phu, cứng cõi, ngay thẳng; cây trúc tượng trưng cho sự kiên nhẫn, rộng lượng và hoa mai được gọi là "ngự sử mai" tượng trưng cho sự hiểu biết và nét đẹp vẹn toàn. Người xưa rất quý "tam hữu".  
Trong Hội Thơ Tao Đàn, vua Lê Thánh Tông có bài thơ "Mai Thụ" (Cội mai) như sau:
"Trội cành nam chiếm một chồi
Tin Xuân mãi mãi điểm cây mai
Tinh thân sáng, thuở trăng tĩnh
Cốt cách Đông khi gió thôi (ngừng)
Tiết cứng trượng phu, thông (tùng) ấy bạn
Nết trong quân tử, trúc là đôi (sánh đôi)
Nhà truyền (thống) thanh bạch dăng từng khối
Phỉ xứng danh thơm đệ nhất thời!"
Ngoài ra hoa mai cũng được ghép với lan, cúc, trúc,  thành bộ "tứ quý", tức là bốn loại hoa, kiểng quý, tượng trưng của bốn mùa Xuân, Hạ Thu, Đông.   
Cụ Chu Thần, Cao Bá Quát là một nho sĩ kiệt liệt, một tài năng văn chương lỗi lạc, một đại anh hùng thế thiên hành đạo, suốt quãng đời bôn ba khắp chốn cầu cổ kiếm để xây dựng sự nghiệp bá vương, cụ không gặp bậc chính nhân quân tử nào có cốt cách như "mai ngự sử", vì vậy cụ đã làm hai câu thơ:
"Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái hoa mai"
Có nghĩa là:
"Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ cúi đầu vái lạy trước hoa mai".
Cụ Chu Thần, Cao bá Quát đã hết lời xưng tụng "bách hoa khôi". Cụ cũng có bốn câu thơ "Trồng mai" được dịch ra như sau:
"Đầu non nắm hạt mai gieo
Giống thanh gửi chốn núi đèo xanh tươi
Nữa mai xuân điểm bầu trời
Bức tranh tuyệt tác cho đời ngắm chung".
Được bái lạy như vậy, hoa mai quả là một loài  hoa rất quý?
Hoa mai đã gợi nhiều cảm hứng cho thi nhân, nên ảnh hưởng rất lớn trong văn hóa Trung Hoa và Việt Nam. Lý Bạch làm thơ:
"Ngồi trên lầu  Hoàng Hạc, nghe tiếng sáo thổi
Giữa tháng năm, chợt vang khúc "hoa mai rơi" ở chốn Giang thành"
Nguyễn Trãi, vị khai quốc công thần nhà Hậu Lê yêu hoa mai vì:
"Yêu mai, yêu tuyết bởi vì đâu?
Vì tuyết trắng, mai thơ và tinh khiết"
Trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du có rất nhiều câu thơ  nói về hoa mai.
"Thướt tha vóc liễu Xuân đầy
Cành mai xa bẻ ngất ngây ý sầu
Biết chàng lòng có thương sâu
Chúa Xuân ngán nỗi chờ lâu mỏi mòn"
Nhiều Thiền sư Trung Hoa và Việt Nam đã dùng hoa mai làm ẩn dụ cho sự hạnh phúc, niềm vui  giác ngộ trong những bài kệ để truyền dạy Phật pháp cho Phật tử, cho hậu thế. Bài kệ về "Mùa Xuân Hoa Mai" của Thiền Sư Mãn Giác được phổ biến rộng rãi trong giới Phật tử:
"Xuân đi trăm  hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai"
Bài thơ có nghĩa là, cuộc đời là một dòng sinh diệt, vô thường, biến chuyển theo thời gian và không gian. Xuân đến rồi Xuân đi, hoa cười rồi hoa rụng… là lẽ đương nhiên của vũ trụ, hễ có sinh thì có diệt. Nhưng trong sự sinh diệt của vũ trụ vẫn còn có một cái không sinh diệt đó là Phật tánh, là chân tâm, chân như. Nếu chúng ta luôn tu tập, Phật tánh đó giúp ta có được cuộc sống an lành, hạnh phúc. Tâm an bình gọi là Tâm Xuân, trong tâm Xuân, cành mai (biểu tượng của hạnh phúc) sẽ còn mãi mãi, không tàn, không rụng. Cần gì phải chờ đến mùa Xuân mới có hoa mai? Hoa nở rồi hoa cũng tàn. Chỉ có cành mai trong tâm Xuân là tồn tại mãi mãi, ngoài dòng sinh diệt, vô thường, bể dâu của vũ trụ. 
Từ ngày lưu lạc tha hương, những thi sĩ hải ngoại luôn mang theo trong tâm tưởng những hoài niệm dấu yêu về một mùa Xuân êm đềm nơi quê cũ. Nhà thơ Nguyễn Vô Cùng thương xót cội mai già: 
"Xót cội mai khô, bình rạn vỡ
Thương cành Xuân héo, dạ đầy vơi 
Khói hương tàn lạnh từ Xuân ấy
Mà quyện tim ai mãi cuối đời"
Trong khu vườn hoài niệm đó có tang tóc, đổ vỡ, chia ly, bom đạn… Nhà thơ Nguyễn Vô Cùng viết:
"Mùa Xuân này em có về quê mẹ
Thăm dùm anh vườn cũ có còn xanh
Tới gốc mai từng trúng đạn bao lần
Xem có nở nụ hoa nào kịp Tết"
Nhà thơ Đăng Nguyên diễn tả mùa Xuân ở Huế tuyệt đẹp với mai vàng, mai trắng:
"Xuân nào đẹp hơn Xuân Huế
Mai vàng, mai trắng hương xưa
Em cười tươi như hoa ngọc
Thơ ơi! Thương mấy cho vừa
Bao giờ mùa Xuân trở lại
Bao giờ non nước đơm hoa!"
(Nhung nhớ vườn Xuân)
Làm thân viễn khách trên miền đất lạ, nhà thơ Phan Khâm luôn thiết tha  nhớ về cố quận,  hồi tưởng lại cảnh mai vàng nở rộ trên đường quê:
"Mùa Xuân  nào mình về thăm  Cam Lộ
Ghé chợ Phiên đầy bắp đậu sắn khoai
Đường nhà em còn hoa vàng nở rộ
Mít ổi trong vườn chính cho ai?"
Một lần nữa Xuân lại về trên đất khách, nếu chúng ta  may mắn có được một cành mai để chưng trong nhà ngày Tết thì nét diễm kiều thanh tú của hoa mai cũng không đem lại cho chúng ta niềm vui Xuân rội rã như những mùa Xuân kỷ niệm êm đẹp  quê nhà. Xuân đến rồi xuân cũng đi, mai nở rồi mai cũng tàn, thôi thì chúng ta hãy vun xới mảnh vườn tâm trong ta, biến vườn tâm thành vuờn Xuân tuyệt  đẹp của thế gian. Trong Tâm Xuân luôn có những cành mai.
  TUYẾT MAI 
   Nguồn Thư Viện Hoa Sen
        Theo http://www.lebichson.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...