Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Phương Nam ký sự

Phương Nam ký sự
Trước khi về Đất Mũi Cà Mau, tôi quyết định ngược lên An Giang, nơi con sông Mê Kông chảy vào đất Việt, rồi từ đó xuôi quốc lộ ba mốt, dọc theo sông Hậu xuống Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu mà về nơi cuối đất, cuối trời của Tổ quốc. Với An Giang, tôi có lời hẹn "giang hồ" với anh Năm Phong, người anh đáng kính trong làng báo địa phương ở miền Tây mà tôi từng gặp cách đây mấy năm.
Miền Tây mùa nước nổi
Không xuống Trà Vinh rồi ngược Cần Thơ đi lên, tôi bẻ tắt đường Đồng Tháp vượt qua sông Tiền và sông Hậu để đến An Giang. Cứ lần đường mà đi, không dè đang mùa nước nổi, xe chạy qua con lộ ba mươi đoạn Cao Lãnh nước xâm xấp đến thềm đường nhựa. Rồi thì chạm phải bến phà, cả người lẫn xe chạy lên, chạy xuống liên tục.
Sông Tiền đang mùa lũ, nước dâng cao. Trước hôm lên An Giang tôi nghe đài báo lũ trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc vượt báo động ba từ 1,5 đến 3,5 tấc, nhưng chiều nay qua phà sông Tiền, nhiều người dân ở đây cho rằng lũ như mấy hôm nay là lũ bình thường. Không như cơn lũ dữ ở miền Trung quê tôi, lũ miền Tây Nam Bộ dòng nước chảy hiền hòa. Trên sông, những dề lục bình nở hoa xanh thẩm dập dờn nối tiếp nhau trôi xuôi. Xa xa là những ngôi nhà nổi nuôi cá ba sa của dân An Giang. Rồi thì cơ man là những chiếc tàu chở đất, cát sạn, những chiếc võ lãi, xuồng ba lá của người dân đi về chằng chịt trên sông. Trên chuyến phà chiều qua sông, tôi làm quen với một anh bạn trẻ tên là Nguyễn Văn Mân, 28 tuổi, quê ở xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới, An Giang. Nhìn chiếc xe máy của Mân chở đủ loại trái cây, nào là chôm chôm, đu đủ, xoài, nhãn, chuối..., tôi hỏi:
- Mân chạy hàng này ngày mấy chuyến, bán cho ai bên này?
- Dạ ngày chỉ có một chuyến thôi chú. Cháu lấy hàng về cho bà xã bán ở chợ huyện, chỉ đủ bán trong ngày.
- Sao không đi một chuyến cho nhiều vào, đỡ tốn công?
- Ngày chạy một chuyến, trừ xăng xe, tiền phà, kiếm được chừng ba chục  ngàn "dừa đủ xài" thôi chú!
Ừ, người miền Tây là vậy, làm ăn chỉ mong có tiền sống trong ngày là đủ. Một suy nghĩ tính toán thật giản đơn rất Nam Bộ. Cũng là miền đất nơi con sông Mê Kông chảy vào đất Việt, nhưng Đồng Tháp là vựa trái cây, còn An Giang là vựa lúa, cá ba sa. Bởi thế mà lúa gạo, cá thì ngược qua Cao Lãnh, còn trái cây thì từ Cao Lãnh qua Long Xuyên. Đặc biệt mùa nước nổi khoảng từ tháng bảy, tháng tám kéo dài cho đến tháng mười, tháng mười một là mùa làm ăn của người dân miền Tây theo chu kỳ con nước lên- con nước cầm- con nước rút. Lũ về mang theo tai họa làm ngập nhà, ngập đường, học sinh vùng sâu đến trường phải đi bằng xuồng, và nhiều nơi không ít trẻ em sơ sẩy bị chết đuối, nhưng lũ còn là ân tứ của thiên nhiên, mang chứa trong nó bao loài thủy sinh nuôi sống con người. Quốc Dũng, anh bạn đồng nghiệp người Long Xuyên kể cho tôi hay chỉ cần chiếc xuồng ba lá, người dân có thể sống nhờ vào lũ. "Sống chung với lũ" là chuyện thường ngày của người dân nơi đây. Mùa lũ, trên khắp miền sông nước từ vùng biên giới Tịnh Biên, Tri Tôn...cho đến vùng sâu phía trong như kênh Vĩnh Tế, Thoại Sơn là mùa người dân đi thả lưới, giăng câu, đặt trúm, đặt lọp, đóng đáy, vớt cá linh, là mùa đi bắt rắn nước, rắn hổ, chuột, cua đồng, hái bông điên điển, bông súng... Ngày mỗi người dân kiếm được vài ký cá linh, mỗi ký giá từ 10 đến 15 ngàn đồng, hay bắt được vài ký chuột đồng, mỗi ký giá trên dưới 10 ngàn đồng là có thể sống được rồi. Những thứ đó là món ăn dân dã từ bao đời nay của người dân đồng bằng giờ trở thành món đặc sản nơi những nhà hàng sang trọng bậc nhất của thành phố vùng tứ giác Long Xuyên này.
- Thôi anh em mình "dô" đây làm một ly rồi nói chuyện heng - Năm Phong thân tình mở đầu. Vẫn khuôn mặt dịu dàng, nhân hậu với nụ cười có duyên, vẫn phong thái nho nhã, lịch lãm, anh cuốn hút tôi bằng tình cảm chân thật của người miền Tây.
Lần đầu đến với Long Xuyên nên mọi thứ đối với chúng tôi thật ngỡ ngàng. Mùa nước nổi, thành phố phồn hoa nơi mảnh đất biên giới Tây Nam này được bao bọc bốn bề là nước. Cứ cho xe chạy hết thành phố là gặp nước, là lên phà, xuống xuồng. Trong phố, công sở, nhà dân được xây dựng khang trang, những khoảng không gian còn lại của phố được đặt đầy hoa. Đường phố xanh, sạch, đẹp, những đài hoa được sắp đặt kỹ lưỡng làm cho thành phố càng thêm lộng lẫy. Không có dịp lên mạn Tịnh Biên, Thoại Sơn, mùa lễ hội Núi Sam cũng đã qua.
Qua bến phà Ô Môi, chúng tôi đặt chân lên Cù lao ông Hổ, nay thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên. Khu di tích nhà lưu niệm Bác Tôn nằm trên một khu đất khá rộng, bằng phẳng. Ngôi nhà của Bác Tôn là ngôi nhà sàn Nam Bộ theo kiểu ba gian, hai chái, chính giữa ngôi nhà là bàn thờ song thân của Bác Tôn, hai bên là hai phòng ngũ, bên ngoài có căn ghế ngựa. Ngôi nhà này đã tồn tại 118 năm, đã qua nhiều lần trùng tu.
Đất Mũi - "Rừng biết đi ra biển"
Trên đường ra Đất Mũi, Phương Nam bảo tôi: - Khi anh nghe câu thơ "Đêm nằm nghe đất lở..." là nơi đó đó, đất cứ lở xuống cho dòng sông thêm mênh mang...
Tôi nhìn sang hai bên bờ sông Cà Mau đoạn qua Năm Căn. Những căn nhà chênh vênh bốn bề là nước. Những bờ đất chực chờ đổ ụp xuống dòng sông. Những con sóng cứ mãi vỗ lên biền bãi... Lần trước lên cây số 0 Quốc lộ 1 ở Ai Nam Quan cùng đi có Thanh Đạm, một người trai đất Bắc, còn bây giờ khi lướt như bay trên sông nước về Đất Mũi bằng ca nô cao tốc lại có Phương Nam, người con gái Cà Mau hướng dẫn cho tôi cảm nhận về một vùng quê sông nước. Dọc con sông đục ngầu chở nặng phù sa, khi em đang kể cho tôi hay về đất lở, về đời cây mắm, cây đước, về tính cách của người dân sông nước, tôi lại chìm đắm trong dòng hồi tưởng về một thưở cha ông "mang gươm đi mở cõi", để bây giờ đất nước mình xinh tươi, dài rộng, bao la.
Hôm trước khi về đây, tôi có tìm đọc một vài tài liệu về Đất Mũi. Theo sử sách để lại thì mảnh đất Cà Mau được mở mang cách đây 300 năm. Vào cuối thế kỷ 17, một số lưu dân người Việt bất bình trước cảnh áp bức của chế độ phong kiến đã rời bỏ quê hương nơi cư trú đến làm ăn sinh sống tại đây, dựng thành một xã với tên gọi là “xã Cà Mau”. Sang đầu thế kỷ 18, vùng đất này thuộc quyền quản lý của Triều Nguyễn. Năm 1714, Cà Mau có tên trên bản đồ Việt Nam.
Qua hơn 300 năm mở mang và khai phá với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, người Cà Mau đã làm nên truyền thống dựng nước và giữ nước của người dân nước Việt.
So với các tỉnh thành trong cả nước, có lẽ Cà Mau là tỉnh có địa hình đặc biệt nhất, là một bán đảo có hình dáng một mũi thuyền đang rẽ sóng ở cực Nam của đất nước. Xuân Diệu đã có lý khi viết rằng: "Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau". Cả ba mặt của tỉnh giáp với biển dài 250 km. Ba bề là nước với một hệ thống sông rạch chằng chịt có chiều dài hơn 7000 cây số. Bởi vậy hệ thống giao thông chủ yếu di chuyển đường thuỷ đến mọi nơi trong tỉnh bằng tàu, thuyền, ca nô cao tốc.
Dọc đường ra Đất Mũi, chúng tôi thật bất ngờ khi thấy những nhà sàn nổi trên sông đều hướng mặt tiền ra sông như nhà ở tuyến quốc lộ hướng ra mặt đường. Hai bên bờ sông có hệ thống dịch vụ cây xăng, quán xá, trạm gác... Khi thấy tôi chăm chú nhìn những dãy phố nhà sàn nhấp nhô bên sông, Phương Nam cho hay người dân miền sông nước nơi đây xưa kia vốn là những người nghèo thiếu đất, bị các thế lực phong kiến, đế quốc chèn ép nên họ có thái độ bất hợp tác với chế độ cai trị hà khắc mà đến đây, vì vậy họ mang trong mình tinh thần dũng khí, nghĩa hiệp.
Câu chuyện cứ nối dài trên hành trình ra Đất Mũi. Phương Nam hiểu biết về vùng sông nước quê em thật nhiều. Bố mẹ em ở ngoài Bắc vào đây lập nghiệp và sinh ra em trên đất Cà Mau. Tốt nghiệp khoa Báo chí Đại học khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, Phương Nam về Cà Mau công tác đã ba năm nay. Nhỏ nhắn, tinh nghịch, với nước da ngăm đen, em đi nhiều, ham học hỏi, đã từng đi du lịch "bụi" khắp trong nước, biết được nhiều địa danh ở ba miền, còn với vùng sông nước nơi này, em còn có lạ gì.
- Kia là sông Cái Lớn, một nhánh đổ ra biển Đông, một nhánh đổ ra biển Tây - Theo tay em chỉ, một biển nước mênh mông rẻ chia đôi ngả. Mới hay câu thơ: “Tìm nguồn về đâu sông ơi!/ Bốn bề chỉ thấy trùng dương gửi mình” (Nguyễn Trọng Tín) thật là đúng khi đặt chân đến nơi này.
Có người trên ca nô sốt ruột: “Bác tài ơi! Chừng nào thì đến Đất Mũi”. “Chừng hai mươi phút nữa” - Bác tài trấn an khi đã lướt qua hơn 100 cây số quãng đường. Nhẩm tính, đi bằng ca nô cao tốc ra Đất Mũi chỉ mất hơn hai tiếng, còn tàu thường thì đi tới nửa ngày.
Xóm Rạch Tàu hiện ra. Ca nô chạy giảm tốc độ ra xã Đất Mũi thuộc huyện Ngọc Hiển. Nơi cửa sông gặp bể này dòng nước bỗng chùng xuống, yên ả. Từ cửa sông nhìn ra, biển mênh mông đến vô cùng. Trời đang mù sương nên chúng tôi không trông thấy được Hòn Khoai ngoài khơi xa. Ai nấy đều háo hức ào xuống để chạm vào Đất Mũi thiêng liêng. Tôi chạm tay vào cây mắm với chùm rễ cắm xuống mặt đất bùn phù sa như một rừng chông. Phương Nam cho biết hệ sinh thái của cây mắm có tuổi đời ngắn hơn cây đước. Cây mắm là cây tiên phong cư ngụ sớm trên đất bãi bồi. Sau đời cây mắm là cây đước. Nói đến cây đước là nói đến linh hồn rừng ngập mặn ở Cà Mau. Khi cây mắm hết nhiệm vụ giữ phù sa của mình đã trao lại nhiệm vụ cho cây đước giữ phù sa rắn dần mà nên đất đai. Tôi giật mình khi biết khu rừng nơi mình đang đứng cách đây không lâu là biển, theo thời gian đất cứ bồi thêm và rừng lại vươn ra biển.
Chúng tôi đặt chân lên mốc tọa độ quốc gia, điểm tọa độ GPS 0001 để chụp hình lưu niệm, sau đó bước lên mũi thuyền của đất nước ở trước mặt. Mũi thuyền được thiết kế, xây dựng bằng khối bê tông cách điệu hoành tráng bay lên. Trên đỉnh, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Đứng ở tọa độ này, nhìn mũi Cà Mau như một vòng cung vươn ra biển cả, bất chợt sóng mũi cứ cay cay. Giang sơn mà bao đời các thế hệ cha ông tạo dựng cho hôm nay thiêng liêng đến vô ngần. Khi trèo hàng trăm bậc cấp để lên đài quan sát cao chừng hai mươi mét so với mực nước biển, Minh Thái - hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Cà Mau cho hay đứng ở nơi này là nơi duy nhất trên đất liền ngắm nhìn được mặt trời lên ở mặt biển Đông rồi chìm xuống trên mặt biển Tây. Quanh mũi Cà Mau là vùng biển cạn lắng đọng phù sa, mỗi năm Đất Mũi vươn ra biển từ 80 - 100 mét. Bất chợt nhớ “người ham chơi” - nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có lần viết rằng trên thế giới ít có một nước nào nhận được món quà tặng kỳ diệu của biển cả như đất nước ta có mũi Cà Mau, nằm trầm mình dưới chân sóng mà vẫn được bồi đắp không ngừng. Được vậy là nhờ dòng hải lưu Bắc - Nam đã đón hết phù sa sông Cửu Long chở về đến cực Nam và vì đụng phải đảo Hòn Khoai nên nó tạt vòng lại, tấp hết lên bãi bùn là nơi có thềm lục địa cao hơn những vùng chung quanh, theo thời gian năm tháng mà hình thành bãi bồi mũi Cà Mau. Bởi thế mà khi được đặt chân đến nơi này mới cảm nhận được câu “Rừng biết đi ra biển; rừng sinh sôi, đất sinh sôi” là ân sủng của thiên nhiên ban tặng cho con người. Về Đất Mũi, sau khi thăm thú cảnh quan, rồi nương theo cây cầu dài ra nhà thuỷ tạ ở chót vót ngoài biển ăn cá thòi lòi nướng, lẩu cá dứa nấu với bồn bồn, nhậu vài ba ly rượu nếp Ngọc Hiển, lại được nghe các em ca sáu câu vọng cổ, tưởng chừng như trời- đất thật gần...
Bây giờ thì đã xa thật xa rồi mảnh đất phương Nam. Những ngày sôi nổi cũng đã lắng đọng dần theo nhịp thời gian. Có những lúc không dưng mà lại nhớ về một vùng quê sông nước mênh mang, lại nhớ tiếng em ca bên con nước ròng, nước lớn. Miền Tây ơi! Có còn không ngày trở lại, chỉ biết rằng một lần tôi đặt chân đến để khi xa rồi lại thao thức về hương đất, tình người trên mỗi bước chân qua.
MINH TỨ 
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Khúc hời ru Thằng Triều Châu lại ru con. Giọng nó vốn khàn khàn như mèo hen nhưng mỗi lần lời ru cất lên, y như rằng đứa bé sáu tháng ...