Quan niệm cái đẹp và giá trị của Hoa Anh đào
trong đời sống tinh thần người Nhật Bản
Từ việc tìm hiểu quan niệm về cái đẹp của người
Nhật Bản, bài viết đưa lại một cái nhìn sơ giản về ý nghĩa của hoa anh đào,
giúp sinh viên ngành học Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật hứng thú học tập, yêu
thích những giá trị nhân văn, góp phần làm giàu thêm vốn văn hóa trên đường hội
nhập và phát triển.
Beauty and Cherry blossom in Japanese
spiritual cultural life Abstract
From studying the
conception about the beauty of Japanese, the article brings about a brief view
about the meaning of Cherry blossom, helps students of Japanese Cultural and
Linguistics ology study pleasantly, love human culture values, contribute to
enrich cultural funds on the way of the intergation and development.
1. Quan niệm về cái đẹp của người Nhật Bản
Từ xa xưa, cái đẹp là một phạm trù giá trị được
người Nhật nhắc đến trong huyền thoại nữ thần Mặt trời
Amaterasu (Kojiki - Cổ sự kí). Huyền tích ấy một mặt giải thích nguồn
gốc của sự sống, mặt khác, nhấn mạnh hơi ấm của lòng nhân ái và cái thiện.
Amaterasu còn được xem là vị thần thủy tổ của dòng dõi Thiên Hoàng. Nhìn trên một
giao diện rộng, có thể khẳng định rằng, qua mỗi thời đại, người Nhật luôn bổ
sung, tô điểm cho quan niệm về cái đẹp thêm đầy đặn, sâu sắc và tươi mới. Nhưng
suy cho cùng, cái gốc của nó bao gồm bốn nguyên lí thẩm mĩ như sau:
1/
Wabi - cái đẹp giản dị đời thường;
2/ Sabi - cái đẹp mang dấu ấn thời
gian;
3/ Aware - cái đẹp u buồn; và
4/ Yugen - cái đẹp u huyền.
Ngày nay, người Nhật phát triển quan niệm về
cái đẹp lên một bước, gắn cái đẹp với nguyên tắc thực hành, bao gồm chín phạm
trù thẩm mĩ như sau:
1/ Wabi sabi, tức là, cái đẹp không hoàn hảo, bởi chính sự
không hoàn hảo khiến con người phải phấn đấu nhiều hơn nữa vì một xã hội phát
triển phồn vinh;
2/ Miyabi, thường được hiểu là sự thanh lịch, nhằm loại bỏ những
điều thô tục, xấu xa, góp phần xây dựng các chuẩn mực văn hóa ứng xử thân thiện,
tốt lành giữa người với người;
3/ Shibui, nghĩa là sự giản đơn tinh tế, không cốt
phô trương màu mè, mà cốt về giá trị đích thực làm nên phẩm giá con người;
4/
Iki, được hiểu là sự độc đáo, nhưng cái độc đáo ấy phải gắn liền với sự
tinh tế, và nhất thiết phải có phong cách thanh lịch; 5/ Jo ha kyu, nghĩa là, bắt
đầu từ từ, tăng nhanh và kết thúc bất ngờ, nói cách khác, đây là qui trình nhận
thức, nắm bắt kỹ lưỡng, cẩn thận bản chất của thế giới khách quan và tự tin thực
thi ý tưởng có hiệu quả;
7/ Geido, còn gọi là đạo đức và kỉ luật, hay những
qui tắc nghiêm ngặt giúp con người rèn luyện đức tính bình tĩnh, điềm đạm, chủ
động ứng xử với mọi biển đổi;
8/ Ensou, tức là, khoảng không bình lặng, chốn
thanh tịnh giúp cân bằng yên ổn về mặt tâm hồn, là cái lặng im cần thiết giúp
con người tìm kiếm một nguồn năng lượng mới, tái sinh bền bỉ, dẻo dai hơn;
9/
Kawaii, hay còn gọi là dễ thương, là câu nói cửa miệng của người Nhật.
Về nghĩa
gốc, nó biểu trưng cho lòng che chở, bao dung, là tình thương đối với những con
vật nhỏ bé, những em bé ngộ nghĩnh. Về nghĩa phái sinh, nó gắn liền với phong
cách thời trang trẻ như kiểu tóc, cách trang điểm đẹp đẽ được thanh niên Nhật
ưa chuộng vào những thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Mặc dù, còn nhiều ý kiến trái ngược
nhau, song về cơ bản, phạm trù này đã được xã hội Nhật Bản chấp nhận, bởi tính
chất của nó phù hợp với bối cảnh giao lưu, hội nhập văn hóa truyền thống và hiện
đại.
Nhìn quan niệm về cái đẹp của người Nhật ở bề
sâu, phần lớn giới nghiên cứu đều khẳng định rằng, quan niệm trên chịu sự chi
phối sâu sắc của hai yếu tố Thần đạo (Shinto) và Thiền tông. Mặt khác, vì nằm
trong sinh quyển văn hóa phương Đông, nên quan niệm về cái đẹp phần nào chịu
chi phối của tư tưởng Nho giáo. Tuy nhiên, tính chất của hệ tư tưởng Nho giáo
thiên về nội dung giáo hóa, cương thường, khuyến tiết khuyên trung, nên sự ảnh
hưởng của nó cũng chỉ nằm trong một phạm vi hẹp. Cần khẳng định ngay rằng, Nho
giáo có vai trò không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, tạo ra sự ổn định về mặt
xã hội. Theo trật tự trên - dưới thuận hòa, Nho giáo đề cao đạo đức Trung - Hiếu
- Nhân - Nghĩa, cách xử sự "chính danh", đúng phận vị của mỗi người.
Vì thế, khi bắt gặp ánh sáng của khoa học - kỹ thuật hiện đại phương Tây, người
Nhật đã mạnh dạn canh tân đất nước, tạo ra những thành tựu huy hoàng trong lịch
sử. Nếu Nho giáo Trung Quốc nhấn mạnh phạm trù chữ Nhân, thì khi du nhập vào Nhật
Bản, Nho giáo Nhật lại thiên về chữ Trung. Đây là nguyên nhân góp phần hình
thành nhân sinh quan, lý tưởng "Trung thành với lãnh chúa" của tầng lớp
Samurai (Võ sĩ đạo). Tầng lớp này vừa thấm nhuần chữ Trung, vừa ứng xử theo chữ
Nghĩa, sẵn sàng dấn thân trả nợ cho ân nhân bằng bất cứ giá nào. Song, vì quá
nhấn mạnh vào lý tưởng của chữ Trung, nên cả một thời gian dài, nội dung này đã
bị nhà cầm quyền đẩy lên tầm cực đoan. Tất nhiên, hạt nhân hợp lí của nó là
tinh thần xả thân, dám hy sinh, coi thường cái chết. Trên các chặng đường phát
triển, Thần đạo, Phật giáo, Nho giáo luôn bổ sung cho nhau, góp phần làm nên bản
sắc văn hóa truyền thống Nhật Bản.
Trong các phạm trù tư tưởng thẩm mĩ, Thần đạo
(được xem như một tín ngưỡng bản địa) và Thiền tông là hai yếu tố cơ bản chi phối
đáng kể tới khiếu thẩm mĩ của người Nhật Bản. Tinh thần của Thần đạo nằm ở niềm
tin "vạn vật hữu linh" (vạn vật có linh hồn), tức là, nhân cách hóa
các hiện tượng thiên nhiên đất trời, trăng sao, cây cỏ hoa lá, chim chóc muông
thú... như những vị thần. Sau nữa là trân trọng, đề cao thiên nhiên. Bảo vệ Thần
đạo chính là giữ gìn sự sống của mỗi người. Quả vậy, ở một quốc gia chịu
nhiều thiên tai nhất thế giới, với bảy vùng núi lửa, hàng nghìn cơn địa chấn,
ngoài ra, còn có những trận động đất sóng thần để lại bao hậu quả nặng nề,
chúng ta sẽ dễ hiểu vì sao Thần đạo lại có vai trò quan trọng đối với cuộc sống
của người dân Nhật Bản. Ở một vùng đất mà khí hậu vô cùng khắc nghiệt, dữ dội
và đỏng đảnh. Mùa đông, gió bắc thổi về từ vùng Siberia (Nga) khiến cả miền Bắc
băng giá; mùa hè, gió đông nam thổi mạnh từ Thái Bình Dương vào gây ra nạn lũ lụt,
thậm chí có những trận mưa kéo dài đến 40 ngày đêm. Vì thế, người Nhật luôn có
ý thức gìn giữ, gắn bó mật thiết với thiên nhiên, thờ cúng, hành hương về với
cõi thiêng, về với thế giới thần linh nhằm tìm sự cảm thông, che chở. Tiếp nữa
là tìm sự hòa hơp, sẻ chia giữa các thành viên trong cộng đồng, nhằm giải tỏa bớt
những tai ương trong cõi sống.
Dù không tuyên bố rõ ràng, nhưng trong tiến
trình lịch sử, Thiền tông đã được người Nhật xem là quốc giáo. Là một chi nhánh
nhỏ của Phật giáo, Thiền tông chỉ ra cho chúng sinh nguyên nhân của nỗi khổ, nhận
ra con đường xuất thế diệt dục, tu hành đắc đạo, cứu giúp muôn dân và giúp cả
muôn loài. Bên cạnh căn rễ tư tưởng nói chung của Phật giáo nguyên thủy vừa
nêu, Thiền tông vẫn có những đặc trưng riêng. Thiền tông nhấn mạnh
vào nghi lễ ngồi thiền, giác ngộ tâm tính, "là cách trải nghiệm của con
người để thấu hiểu được sự nhẫn nại của thời gian" [1, 50]. Nói cách khác,
đây là cách loại bỏ những thói quen rườm rà, những cảm xúc tiêu cực gây nhiễu
loạn trong tâm hồn, hình thành nên một trí tuệ vừa thanh thản yên bình, vừa phẳng
lặng siêu việt, sáng suốt. Do tính chất đơn giản, hữu ích và khoan dung của nó,
nên Thiền tông được nhiều người Nhật Bản tin tưởng, làm theo.
Suy cho cùng, quan niệm về cái đẹp của người
Nhật được chắt lọc, xây dựng trên nền tảng tư tưởng nhân văn của dân tộc và
nhân loại, được nhiều thế hệ tiếp nhận trên tinh thần dân chủ. Nói như nhà
nghiên cứu Nhật Chiêu "Cái đẹp là tiêu thức, là chuẩn tắc trong cuộc sống
của người Nhật từ bao đời (…) tuy không có tên gọi chính thức nhưng lại thấm
sâu vào tâm tưởng, dòng máu người Nhật hơn bất kì tôn giáo nào khác" [2,
9]. Một trong những minh chứng cho nét văn hóa ứng xử với cái đẹp của người Nhật,
một lắng đọng, kết tinh mà chúng tôi muốn lí giải dưới đây là biểu tượng hoa
anh đào (Cherry blossom hoặc Sakura).
2. Hoa anh đào như một ứng xử với cái Đẹp
của người Nhật
Không phải vô cớ mà người ta mệnh danh cho Nhật
Bản là "Xứ sở hoa anh đào". Để trở thành một biểu tượng, dĩ
nhiên hoa anh đào phải gắn liền với ý niệm về con người và thế giới. Trước hết,
trong dân gian, hoa anh đào không chỉ gắn liền với những bài dân ca Nhật, mà
còn găn với câu chuyện cổ bi thương về tình yêu và khát vọng của Samurai,
là sự thức tỉnh, hóa thân vào núi Phú Sĩ để bất tử vĩnh hằng. Bởi chỉ khi con
người thần linh hóa và nâng cái bi lên tầm mĩ hóa, chắc chắn, chuyện về Samurai
còn là bài học về lòng dũng cảm, thái độ bình thản coi thường cái chết khi biết
"hổ thẹn", ý thức sâu sắc về danh dự, bổn phận và tồn tại. Đặc
biệt là không cam chịu trước những điều ô nhục. Điều này còn minh chứng cho cái
đẹp về ý thức kỷ luật quyết liệt, tinh thần tôi luyện, vượt lên hoàn cảnh.
Trong thư tịch cũ, hoa anh đào kết tinh trong
kiệt tác Manyoshu (Diệp vạn tập), còn gọi là mười nghìn chiếc lá. Đây
là tập hợp sáng tác kéo dài suốt ba thế kỉ (từ thế kỉ VI đến thế kỷ thứ VIII).
Thành phần sáng tác rất đa dạng, ngoài những người xuất thân trong dòng dõi
Thiên Hoàng, quí tộc, còn có cả binh lính, nông dân, kẻ ăn mày... Ở đó, người
ta ngợi ca cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp của tình yêu nam nữ, của dân chủ
bình đẳng và niềm cảm thương, tiếc nhớ đối với người đã khuất.
Trong tự nhiên, hoa anh đào là biểu trưng
cho khoảnh khắc mong manh, bởi xét về thời gian, trung bình mỗi bông hoa
chỉ có vòng đời nở - tàn 7 ngày ngắn ngủi, một vài chủng loại khác có tuổi thọ
dài hơn, nhưng cũng chỉ kéo dài từ 10 đến 12 ngày. Hoa anh đào nở lúc xuân về,
lúc con người nghỉ ngơi, dạo chơi, thư thái tâm hồn sau chuỗi ngày làm việc vất
vả. Hơn nữa, đây cũng là khoảnh khắc cho con người tạm xếp lại cách sống khép
kín, giá lạnh của mùa đông, mở lòng hòa mình đón nhận cái tinh khiết, ấm áp
chan hòa của hương sắc mùa xuân. Mùa hoa anh đào Nhật Bản kéo dài từ tháng 2 đến
tháng 4, thậm chí còn dài sang cả tháng 5. Về không gian hoa nở, bắt đầu từ
thành phố Okinawa miền Nam, kéo dài trên vĩ tuyến, đi qua gần 20 tỉnh thành phố
và kết thúc ở Hokkaido miền Bắc. Chẳng hạn, dự tính về vòng cung bản đồ hoa anh
đào nở năm 2014, Hiệp hội Khí tượng Nhật Bản đã xác lập được các mốc thời gian
dưới dây:
Lịch
hoa anh đào năm 2014
Nguồn http://www.nhatbanaz.com
Trong niềm tin của người Nhật, hoa anh đào nở
rộ mang lại sự may mắn tốt lành. Nói cách khác, đây là hình ảnh của sự thịnh
vượng, điềm lành báo sẽ được mùa và biểu trưng cho sự trường thọ. Vì thế, người
Nhật gọi đây là mùa Hanami (dã ngoại dưới gốc anh đào), mùa thưởng hoa, ngắm
hoa. Phong tục ngắm hoa anh đào có từ thời Heian, bắt đầu từ thế kỉ thứ IX,
phát triển hoàn hảo ở thế kỉ thứ X và tiếp nối, bảo tồn cho đến tận ngày nay.
Do gắn bó mật thiết với loài hoa ấy gần mười thế kỉ, nên người Nhật có thể dự
tính tương đối chính xác các mốc thời gian ngày hoa bắt đầu nở, giờ ngắm hoa đẹp
nhất trên đất nước Nhật Bản. Đến với ngày hội hoa anh đào, người Nhật nhận ra ý
nghĩa của cuộc sống tự do, đồng thời, bước vào một chu trình nghệ thuật như ca
hát, vui chơi…, vì thế, nó hoàn toàn khác biệt với cuộc sống công nghiệp hối hả,
nhiều sức ép ngày thường. Người ta còn được thưởng thức một không gian thoáng
đãng, chạm vào niềm tin Thần đạo thiêng liêng, tức là, truyền thống thờ phụng
thiên nhiên. Dĩ nhiên, mỗi mùa anh đào nở là một lần cho thần linh có dịp đi về.
Mặt khác, người ta có thể giao tiếp với linh hồn người đã khuất, cầu cho mọi sự
suôn sẻ, an lành. Hoa anh đào nở rộ và héo rụng trong gió như "cơn mưa
hoa" sắc trắng, sắc hồng đầy kiêu hãnh, nhưng cũng không kém phần bi
tráng. Đời hoa nhắc nhở về sự hữu hạn của cái đẹp và cái thoáng chốc của đời
người. Có thể, còn nhiều lí giải khác nhau, nhưng chắc chắn rằng, mỗi lần trải
nghiệm trong mùa hoa anh đào, con người vừa được sống hân hoan hạnh phúc khác lạ,
vừa "sống khắc khoải giữa hai bờ thực - ảo". Dù chưa phải là "lột
xác", nhưng quan trọng hơn, người ta nhận ra một góc nhìn mới, một cách
đánh giá mới về bản thân. Quả vậy, chiêm ngắm mùa anh đào nở, nhà nghiên cứu
văn hóa Hữu Ngọc viết: "Màu hoa hồng nhạt tách riêng từng cây cũng đã đẹp,
nhưng khi một lùm cây nở rộ bên bờ sông, bờ ao, trên đê hay bãi cỏ thì thật vui
mắt ấm lòng" [4, 25]
Trong lịch sử xây dựng đất nước, hoa anh đào
được người Nhật tôn vinh làm quốc hoa, quốc hồn dân tộc. Người ta in nổi
hình hoa anh đào lên đồng 100 Yên Nhật nhằm trao truyền những giá trị văn hóa
truyền thống cho thế hệ mai sau. Lễ tân ngoại giao Nhật Bản tiếp đãi khách nước
ngoài trong vườn hoa anh đào sang trọng, cổ kính. Khi chính khách Nhật tặng hoa
anh đào cho quốc gia nào đó, loài hoa ấy trở thành sứ giả của hòa bình.
Thêm nữa, hoa anh đào còn là đề tài cho
các loại hình nghệ thuật khác như: hội họa điêu khắc, ẩm thực, âm nhạc và
văn học. Trong tranh khắc gỗ dân gian Nhật Bản, hình ảnh chùm hoa anh đào nhỏ
xinh xuất hiện nhiều trên trang phục kỹ nữ, cộng hưởng bàng bạc với những gam
màu cảnh sắc thiên nhiên. Giá trị của tranh khắc gỗ không nằm ở nghệ thuật cao
siêu, mà nghiêng hẳn về phía bình dị, hạnh phúc đời thường. Cũng vậy, biểu tượng
hoa anh đào còn như một kết tinh của triết lí nghệ thuật ẩm thực Nhật Bản. Người
ta không chỉ sáng tạo, bài trí, thưởng thức trà rượu anh đào; cơm, bánh, dưa muối,
mì lạnh; bánh kẹo và kem anh đào khéo léo, mà ở đó, người Nhật còn muốn
"giữ gìn cái hương vị tuyệt vời của mùa xuân" [3, 23]. Quan trọng hơn
nữa là nhân lên những niềm tin may mắn, đầy đủ trong lòng người.
Về phương diện âm nhạc, Sakura – Sakura là
bài dân ca vừa quen thuộc vừa thân thương, bởi nó là bài học đầu tiên bồi đắp,
nuôi dưỡng tâm hồn thơ trẻ trong nhà trường. Về phương diện văn học, hoa anh
đào trở thành niềm cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ nghệ sĩ. Người ta nhận ra
ý nghĩa biểu trưng của hoa anh đào qua cái đẹp chuyển hóa theo mùa, cái đẹp của
cõi vô thường, mong manh nhất thời biến đổi giữa vũ trụ mênh mông, vĩnh hằng.
Chẳng hạn, Matsuo Basho nâng niu nét tình tứ của tâm hồn qua thính giác, khứu
giác, thị giác mà nhận ra cái thanh thoát, nhẹ nhàng, đẫm màu sắc Thiền "Tiếng
chuông chùa tan lắng/ hương anh đào còn ngân/ xâm xẩm tối". Kawabata
Yasunari - nhà văn đạt giải Nobel làm hồi sinh quan niệm về cái đẹp "ngọt
ngào nữ tính". Ông dành hẳn Chương VI cuốn tiểu thuyết Tiếng
rền của núi viết về "Hoa anh đào mùa đông", về ước mơ vượt
thoát, quên mình giữa bao nghịch cảnh trái ngang, góp phần thanh lọc tâm hồn.
Có lẽ, chừng nào con người còn tha thiết với cái đẹp, còn xem cái đẹp huyền bí
phương Đông như một giá trị cứu rỗi, chừng ấy, con người sẽ biết ứng xử mềm dẻo,
nhân ái và bao dung hơn.
3. Kết luận
Từ những điều vừa phân tích, một mặt, chúng
tôi mong muốn tìm được sự hiểu từ phía người học, mặt khác, muốn nhìn lại sự
tương hỗ giữa các nhóm kiến thức với nhau. Đọc chương trình đào tạo của ngành học
Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, có thể nói, khối lượng kiến thức về tiếng Nhật
chiếm tỉ lệ khoảng 60% thời lượng. Khối kiến thức nền tảng về khoa học Xã hội
và Nhân văn chiếm tỉ lệ gần 30% chương trình, còn lại khoảng 10% là các kiến thức
khác. Thực tế cho thấy, đã có nhiều bộ sách viết về văn hóa Nhật Bản có chất lượng.
Song, cũng còn một vài tài liệu biên soạn theo sở thích, thói quen về thể loại,
đề tài, hoặc chủ ý của người cầm bút, cho nên việc nhấn lướt vào các phạm trù
văn hóa vật chất và tinh thần là rất khác nhau. Vì thế, việc khái quát những phạm
trù văn hóa sẽ có ý nghĩa bổ trợ, khắc sâu một phần kiến thức, giúp sinh viên
có cái nhìn hệ thống, cách tư duy thông thoáng, uyển chuyển, nhiều chiều và sâu
sắc hơn.
Như vậy, tìm hiểu quan niệm về cái đẹp của
người Nhật Bản trên một giao diện rộng, chúng tôi không có tham vọng giải thích
toàn bộ giá trị của một nền văn hóa giàu bản sắc, mà chỉ dừng lại ở những vấn đề
cốt lõi. Hoa anh đào xuất hiện nhiều nơi trên thế giới, nhưng chỉ duy nhất ở Nhật
Bản, loài hoa này mới mang ý nghĩa thiêng liêng, đẹp đẽ và tiêu biểu. Đó là một
biểu tượng của niềm tin. Trên cơ sở phạm trù giá trị, chúng tôi chiếu vào biểu
tượng hoa anh đào, nhận ra cái Chân, Thiện, Mĩ thiết thực, hữu ích. Bởi khi con
người biết trân trọng, hưởng thụ cái đẹp, nhận ra đâu là chân giá trị, cũng là
lúc họ xác lập được một tiêu chuẩn, một thông số đánh giá cái đẹp giúp cho cộng
đồng phát triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ou Baholyodhin
(2006), Nghệ thuật Thiền trong cuộc sống, Thanh Hương, Vũ Quang Toàn
dịch, Nguyễn Ngọc Diễm hiệu đính, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 50.
2. Nhật Chiêu
(2010), Văn học Nhật Bản – Từ khởi thủy đến 1968, Nxb Giáo dục Việt
Nam, tr. 9.
3. Nomura Mari
(2010), Sakura – mochi (Savour the sweet aroma of sping), Special
Feature: Living with Flower, Niponica, Tokyo Japan. No 2, pp. 23.
4. Hữu Ngọc
(2014), Lãng du trong văn hóa xứ sở hoa anh đào, Nxb Thông tin và
Truyền thông, Hà Nội, tr. 25.
Lương Minh Chung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét