Cách đây 10 năm lên thăm
Hà Giang, mong ước của tôi là được lên thăm Cao nguyên đá Đồng Văn và Cột cờ
Lũng Cú, mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Nhưng dịp ấy đang là mùa mưa, trời mây
mù, đường đang sửa chữa nên không đi được. Thấy khuôn mặt buồn xo của tôi, Phương
Hoa - cô bạn đồng nghiệp an ủi tôi nên thay đổi kế hoạch đi thăm điểm chốt Vị
Xuyên, cửa khẩu Thanh Thủy. Đã từng về cuối đất cuối trời phương Nam chạm đất
mũi Cà Mau, đã đặt chân đến mũi Sa Vĩ nơi cực Đông Bắc, thế mà với Lũng Cú
tôi vẫn lỗi hẹn, cứ thấy canh cánh bên lòng. Lần này, theo lời mời của các đồng
nghiệp ở các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc, chúng tôi quyết tâm đi.
Đệ nhất hùng quan Mã Pì
Lèng
Buổi sáng hôm ấy ở thành
phố Hà Giang trời bỗng chuyển mưa. Chúng tôi lặng lẽ xuất phát chuyến đi khi
trời chưa sáng hẳn. Hành trình của chúng tôi đi qua hơn 200 cây số quãng đường
đèo dốc của công viên địa chất toàn cầu, từ Quản Bạ, Yên Minh qua Đồng Văn,
Mèo Vạc. Con đường này ngày trước có tên là “Đường Hạnh Phúc” do nhân công
các tỉnh phía Bắc treo mình trên vách đá để mở đường từ những năm sáu mươi của
thế kỷ trước. Có lẽ chuyến đi của chúng tôi sẽ thiếu phần ý nghĩa nếu như
không có hai vị khách mời của báo Hà Giang là nhà báo Lại Cao Khải và nhà báo
Quốc Vượng, nguyên là phóng viên mặt trận Hà Giang trong cuộc chiến tranh
biên giới nóng bỏng hơn 35 năm về trước. Bây giờ dù đã chuyển công tác ở địa
bàn khác nhưng ký ức của các anh về những năm tháng công tác ở miền đất này vẫn
thao thức, đằm sâu.
Ngồi bên cạnh tôi, Lại Cao
Khải trầm ngâm khi gặp lại người xưa cảnh cũ. Anh vẫn chưa nguôi quên ký ức
những lần đi công tác qua những ngã đường bây giờ chúng tôi đang đi thì bị
pháo kích của phía bên kia (Trung Quốc) bắn sang làm thương vong cho bao người.
Vùng biên viễn này thời ấy mọi sinh hoạt như bị đảo lộn. Những quân đoàn của
ta liên tiếp cơ động để đóng chốt, bám chắc vào dải đất biên cương để ngăn chặn
sự tấn công của đối phương. Ngày ấy không chỉ quân chủ lực, mỗi người dân đồng
bào các dân tộc nơi đây đều là một người lính ở tuyến trước, vừa sản xuất vừa
chiến đấu đánh bạt quân xâm lược...
Từ Quản Bạ theo đường quốc
lộ 4C, xe chúng tôi đi men theo vách đá, khi thì bò dưới thung sâu, khi vắt
mình chênh vênh trên sườn núi, khi cua gập hình chữ M. Xe bỗng dưng đột ngột
lên cao. Anh Khải nói đây là Cổng trời. Từng đọc sách, báo đã nghe về địa
danh này, giờ Cổng trời Quản Bạ là đây. Quản Bạ là huyện cửa ngõ của Cao
nguyên đá Đồng Văn. Khi đi qua thị trấn Tam Sơn, Quốc Vượng chỉ cho chúng tôi
thấy cặp núi đôi Cô Tiên nằm bình yên trong thung lũng. Nhìn toàn cảnh, địa
hình đá vôi thường lởm chởm, ghồ ghề do quá trình karst hoá hàng triệu năm,
nhưng hình dáng núi đôi Cô Tiên lại tròn trịa theo dạng bát úp thật khác thường,
như huyền thoại Cô Tiên bay về trời đã để lại phần thân thể đẹp nhất của mình.
Từ đây trở đi, trên cao, trước mặt, hai bên đường, phía sau tầm nhìn của
chúng tôi chỉ thấy bao trùm một màu xám của núi đá tai mèo, đá chồng lên đá.
Sự khởi dựng hàng triệu năm của địa chất cổ xưa đã tạo nên một bức tranh kỳ
vĩ, sừng sững, uy nghiêm giữa đại ngàn cao nguyên.
Dừng chân trên đèo Mã Pì
Lèng (theo tiếng địa phương nghĩa là sống mũi ngựa), cảm giác như ngộp thở bởi
từ độ cao hơn 1.500 mét so với mực nước biển này, không khí loãng ra. Nhìn xuống,
con sông Nho Quế như một sợi chỉ mong manh chảy quanh co dưới thung sâu. Buổi
trưa, trời trong xanh không một gợn mây. Chúng tôi chọn các góc độ để chụp ảnh
lưu niệm. Quanh nơi chúng tôi đứng ngổn ngang sắt thép, xi măng của công
trình, người ta đang xây dựng ở đây một điểm dừng chân cho du khách tham quan
được thoả sức ngắm cảnh, chụp hình đệ nhất hùng quan. Cạnh đó có một tấm biển
ghi dòng chữ: “Nhằm giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi, Trung ương Đảng, Khu ủy
Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Ngày khởi công
10/9/1959, ngày hoàn thành 15/6/1965. Thành phần mở đường gồm 16 dân tộc ở
các các tỉnh Cao Bắc Lạng, Hà Tuyên, Thái Nguyên, Hải Hưng, Nam Định...”. Với
những giá trị về di sản địa chất, di sản văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử hào
hùng một thời, năm 2009 Mã Pì Lèng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng
Danh lam thắng cảnh quốc gia.
Đèo Mã Pì Lèng thuộc địa
phận xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc. Đây là một trong những nơi phong phú bậc nhất
các di sản địa chất tiêu biểu của cao nguyên đá với những hình thù Kim tự
tháp chóp nón karst, những sườn, vách karst nối tiếp nhau cùng tạo nên đệ nhất
hùng quan. Với độ sâu 700 - 800 m, dài 1,7 km, vách dốc 70-90 độ, có thể nói
Mã Pì Lèng là danh danh thắng thuộc thuộc loại kỳ vĩ nhất trên cao nguyên đá,
được coi là hẻm vực sâu nhất Việt Nam, và cũng có thể là sâu nhất Đông Nam Á.
Đệ nhất hùng quan Mã Pì Lèng đã được các nhà khoa học xếp vào di sản kiến tạo
- địa mạo tầm cỡ quốc tế.
Từ Mã Pì Lèng, nhìn lên,
nhìn xuống, nhìn ngang, nhìn dọc chỉ thấy bạt ngàn đá núi, trùng trùng, điệp
điệp, nhấp nhô, uốn lượn, lởm chởm, khô khốc, đen kịt. Đá bao bọc bốn phía.
Có cái gì mà có sức hút bao nhà khoa học cũng như du khách đến vậy! Nơi đây
chỉ có đá và đá, một màu đen xám, câm lặng. Nhưng đá đâu có vô tri. Những bức
tường thành đá núi dồn dập là “lá chắn thép” giữ vững biên cương bờ cõi của Tổ
quốc, để lá cờ trên Cột cờ Lũng Cú mãi tung bay trên đỉnh đầu biên cương của
Tổ quốc. Đá tua tủa như gươm đao nơi biên cương giữ cho cuộc sống bình yên,
cho sự vẹn toàn của đất nước. Đá còn tạo việc làm cho bao người dân kể từ khi
Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Hàng ngày, hàng tuần có hàng trăm, hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến
đây tham quan, thưởng ngoạn. Bây giờ ở các thị trấn Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc,
chúng tôi bắt gặp nhiều nhà hàng, khách sạn hạng sang luôn nườm nượp du khách
đến thăm Công viên địa chất toàn cầu. Và trên cao nguyên bạt ngàn đá núi đâu
chỉ toàn đá mà còn có sự sống con người, cây cỏ...
Lạ thay sự sống nảy chồi từ
đá và vươn lên từ đá. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi thấy trên những triền núi đá
khắc nghiệt là những ngôi nhà nhỏ của người Mông và từ các hốc đá vươn trào sức
sống của cây ngô, cây cải, cây đậu tương. Quả thật không thể hình dung với sự
khắc nghiệt cái nóng của mùa hạ, cái lạnh của mùa đông mà người Mông vẫn sống
được trên cao nguyên đá. Tôi càng cảm nhận được câu nói của người Mông “Sống
trên đá chết vùi trong đá” khi nhìn thấy trên đường đi qua có những ngôi nhà
được bao bọc bởi đá núi xếp rất chắc chắn; thỉnh thoảng bên những khóm ngô
lên xanh có những ngôi mộ được xếp bằng đá, trên mộ có dải băng trắng, dấu hiệu
mới an táng người đã khuất. Người ta nói rằng người Mông sống ở nơi khắc nghiệt
như thế là để họ răn dạy con cháu của họ phải biết tìm sự sống trong cái khắc
nghiệt của thiên nhiên để biết cái khổ trước đây của dân tộc mình. Nhìn cách
canh tác của đồng bào, không thể không khâm phục người Mông khi thấy trên những
triền núi đá họ vẫn dùng bò để cày những thửa đất rất nhỏ, mà cứ vài bước
chân là vấp phải đá. Cứ thấy con bò đi một vài bước, họ lại nhấc cày lên
tránh đá rồi đặt xuống, cứ thế nâng lên, đặt xuống...Những nắm đất hiếm hoi
trong hốc đá được xới lên, rồi họ gieo ngô giống xuống mấy hôm là sự sống bật
lên. Anh bạn đồng nghiệp cho biết ở đây người ta tính diện tích gieo trồng bằng
số lượng ngô giống gieo chứ không thể tính được diện tích ruộng rẫy, vì diện
tích đất nằm lẫn trong núi đá. Thế đấy, người Mông, người Lô Lô, người Dao…từ
bao đời nay đã biết dựa vào đá núi, chắt lọc đất và nước từ đá để tồn tại, để
sinh sôi như thân cây sa mộc cắm rễ sâu vào đá vươn lên thẳng đứng trên cao
nguyên đá. Bây giờ đi ngang qua đường, có thể nhìn thấy mỗi ngôi nhà của người
Mông có một bể chứa nước và nhà nào cũng có chuồng nuôi bò. Trên những ngọn đồi,
dốc đá, ngoài cây ngô đang lên xanh còn có sự hiện diện của cây cỏ giống được
bà con người Mông trồng để nuôi bò. Anh Lại Cao Khải cho biết, đó là chủ
trương và sự trợ giúp của tỉnh Hà Giang cho đồng bào người Mông nên đời sống
người dân nay đã được cải thiện rất nhiều...
Đi qua những dốc đèo cao,
vực sâu của cao nguyên đá, tôi lại hình dung cách đây hơn 30 năm về trước các
nhà báo Lại Cao Khải, Quốc Vượng, Phương Hoa...từng trải qua những khó khăn vất
vả trên tuyến chốt, có ngày họ phải đi bộ hàng chục cây số đường núi rừng bám
bộ đội, bám dân để viết bài, chụp ảnh kịp thời biểu dương tinh thần chiến đấu
kiên cường của quân và dân ta trong chiến đấu, bám trụ để giữ vững từng tấc đất
chủ quyền thiêng liêng, đồng thời vạch trần tội ác của quân xâm lược. Thời đó
ở Tây Nguyên, tôi cũng đi qua bao dặm đường đèo dốc mỗi khi về cơ sở công
tác, nhưng không gian khó như địa hình cheo leo, hiểm trở nơi mảnh đất địa đầu
này. Sau này khi tôi đưa người bạn đồng nghiệp của Phương Hoa về phương Nam
thì em lại ngược lên phương Bắc và ở lại với đất này. Lần gặp lại mới đây
Phương Hoa mời tôi đi ăn món cháo ấu tẩu nổi tiếng khi thành phố đã lên đèn.
Tôi rất vui vì bây giờ em đã có một tổ ấm gia đình với một bé gái kháu khỉnh
tuổi đã lên năm. Đảm trách nhiệm vụ công tác bạn đọc ở tờ báo tỉnh đã lấy đi rất
nhiều thời gian của Phương Hoa nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy thấy em lên biên
giới viết bài, như là cái duyên, cái nghiệp không thể dứt rời.
Thiêng liêng núi Rồng
Lũng Cú
Mãi đến buổi chiều, chúng
tôi mới đến được xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, điểm cực Bắc của Tổ quốc. Như
quên hết mệt nhọc của một hành trình dài, chúng tôi xuống xe đã leo tiếp 389
bậc thang đá, sau đó leo thêm 140 bậc thang bằng sắt hình xoắn ốc trong lòng
cột cờ nữa để lên đến đỉnh Cột cờ Lũng Cú. Như có một luồng điện chạy dọc
sống lưng, vậy là chúng tôi đang ở trên đỉnh cao của cực Bắc thiêng liêng của
Tổ quốc. Nhìn ra phía Bắc là biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nhìn về phía
Tây, phía Đông, phía Nam là mảnh đất thân thương rộng dài bất tận của đất nước
mình. Qua những tháng năm lịch sử thăng trầm, đã có biết bao xương máu của
chiến sĩ và đồng bào của chúng ta đổ xuống cho Cột cờ quốc gia Lũng Cú luôn
có lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên bầu trời cao rộng.
Cảm nhận đầu tôi khi lên Cột
cờ Lũng Cú là gió, cơ man là gió. Gió hào phóng hơn nơi nào hết bởi nơi đây
có độ cao 1.460 mét so với mực nước biển. Theo bước chân người đi, gió lồng từ
dưới lên, từ hai bên cửa thông gió cột cờ tuôn vào. Tôi ngước lên, bầu trời một
màu xanh ngăn ngắt. Trên đỉnh cột cờ, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh với diện
tích 54 mét vuông phần phật bay trong gió. Lần đầu được lên đỉnh Lũng Cú, tôi
cứ đứng mãi trên nóc cột cờ để cảm nhận những tình cảm sâu kín của mình về một
đất nước Việt Nam dài, rộng và thiêng liêng, mảnh đất mà trải qua hàng ngàn
năm lịch sử vẫn mang sức sống mãnh liệt, hiên ngang bất chấp những thế lực
ngoại bang hết nước này đến nước khác dòm ngó, xâm lăng. Sức sống mãnh liệt
đó vững chải như những ngọn núi đá trên Cao nguyên Đồng Văn, như cây đước cắm
sâu vào lòng đất ở đất mũi Cà Mau. Cứ mỗi lần Tổ quốc bị ngoại xâm, lòng yêu
nước thương nòi lại bùng cháy, người Việt Nam muôn người như một nhất tề đứng
lên, lớp trước ngã xuống, lớp sau tiến lên, quyết tâm giữ gìn từng tấc đất
thiêng liêng của ông cha để mưu cầu cuộc sống hạnh phúc trường tồn cho thế hệ
mai sau.
Cô gái người Dao Thèn Thị
Hoa - Thuyết minh viên Khu di tích xúng xính trong trang phục sắc màu rực rỡ
giọng nhỏ nhẹ nhưng rất rõ ràng: "Các anh chị đang đứng trên điểm cao cột
cờ Lũng Cú - Hà Giang. Đây là đỉnh điểm cao nhất của cực Bắc Việt
Nam...". Tôi hiểu lời em bởi người ta mô phỏng hình dạng đường biên giới
Việt Nam- Trung Quốc như hình chóp nón thì Lũng Cú là điểm cao, còn phía hai
bên là hai địa danh A Pa Chải, Điện Biên ở phía Tây và Sa Vĩ, Móng Cái ở phía
Đông. Lũng Cú là tên gọi theo tiếng Lô Lô, còn gọi là “Long Cư”, nghĩa là nơi
rồng ở, còn được gọi là núi Rồng. Chuyện kể rằng, xưa kia có một con Rồng từ
trên trời bay xuống và đậu trên ngọn núi cao nhất của khu vực này. Rồng say
sưa ngắm cảnh núi non hùng vĩ và rất hài lòng về điểm ngụ cư. Song có điều
làm Rồng động lòng trắc ẩn, đó là nơi đây rất thiếu nước sinh hoạt.
Tương
truyền trước khi về trời, Rồng đã để lại đôi mắt cho dân làng, giờ là nguồn
nước cho cuộc sống sinh sôi nảy nở. Bây giờ đứng từ đỉnh cột cờ nhìn xuống thấy
có hai hồ nước gọi là hồ Lô Lô nằm gần như đối xứng nhau, đó chính là đôi mắt
Rồng, nguồn nước tắm mát cánh đồng bạt ngàn màu xanh của cây hoa cải, ngô,
lúa của người dân xã Lũng Cú. Kế tiếp là những khoảnh ruộng bậc thang chạy
hình vòng cung theo triền núi tạo nên một khung cảnh nên thơ của vùng
Tây Bắc, xa xa là những mái nhà rêu phong thật bình yên của người Mông, người
Lô Lô...Có phải sức hấp dẫn của mảnh đất thiêng này không mà anh Phạm Quốc
Toàn, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam lần nào lên Hà Giang cũng dành
thời gian lên thăm Cột cờ Lũng Cú. Chuyến đi này là chuyến đi thứ ba rồi mà
tôi thấy anh vẫn háo hức, mong chờ. Có lẽ anh có cảm nhận riêng về tình yêu đất
nước và đang sống trong hồi ức của một nhà báo từng một thời mặc áo lính dọc
ngang đất nước thời chiến tranh cũng như thời bình. Mảnh đất này chắc đã lắng
đọng trong anh nhiều điều mà tôi tin rằng một ngày nào đó anh sẽ viết ra trên
trang viết của mình.
Hôm trước khi lên đây, tôi
có tìm tài liệu về Cột cờ Lũng Cú. Theo như sử liệu được ghi lại thì Cột cờ
Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt. Ban đầu cột cờ được
làm bằng cây sa mộc và theo thời gian được trùng tu, xây dựng với quy mô và
kích thước tăng dần. Thiết kế cột cờ mới hiện nay được xây dựng với chiều cao
33,15 m (hơn cột cờ cũ 10 m) trong đó phần chân cột cao 20,25 m, đường kính
ngoài thân cột rộng 3,8 m. Kiểu dáng bát giác của cột cờ khá gần với kiểu Cột cờ Hà Nội. Chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng
đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết
minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con
người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang. Thân cột cờ có cầu thang bộ đi
lên đỉnh. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9 m cắm quốc kỳ Việt Nam có có chiều dài 9 m, chiều
rộng 6 m và tổng diện tích rộng 54 mét vuông, tượng trưng cho 54 dân tộc cùng
chung sống trên đất nước Việt
Nam. Việc trùng tu, nâng cấp cột cờ Lũng Cú nhằm khẳng định vị thế của đất
nước, chủ quyền của Tổ quốc và tôn vinh tinh thần yêu nước, anh dũng bảo vệ từng
tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc của đồng bào, chiến sĩ nơi đây. Năm 2009, Cột
cờ Lũng Cú được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử và
Danh thắng quốc gia.
Nằm ở chân núi Rồng là Đồn
biên phòng Lũng Cú. Đồn có nhiệm vụ chính bảo vệ 25,5 km đường biên
giới Lũng Cú giáp Trung Quốc. Theo một truyền thuyết của người địa
phương, ở thời Tây Sơn, sau khi Hoàng đế Quang Trung đại thắng quân xâm lược
phương Bắc, ông đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn tại Lũng Cú, và cứ mỗi
canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi vang xa đến bên kia biên giới cũng
nghe được. Những hồi trống đĩnh đạc khẳng định chủ quyền thiêng liêng bất khả
xâm phạm của Tổ quốc chúng ta. Phải thế chăng mà ngày nay khi xây dựng cột cờ,
chính quyền đã cho đặt phù điêu trống đồng Đông Sơn dưới chân cột cờ. Hiện tại
đồn biên phòng Lũng Cú có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên cột
cờ Lũng Cú này và hầu như cứ khoảng một tuần hoặc lâu nhất là mười ngày lại
phải thay mới cờ, bởi sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh khiến cờ nhanh hư hỏng.
Theo cán bộ của trạm, lúc nào trong trạm cũng có hàng chục lá cờ lớn cỡ 54
mét vuông để dự phòng. Mới đây, đoàn đại biểu các dân tộc anh em đi thăm cán
bộ, chiến sĩ đang công tác ở quần đảo Trường Sa, các đại biểu tỉnh Hà Giang
đã tặng Huyện đảo Trường Sa lá cờ 54 mét vuông từng được treo trên cột cờ
Lũng Cú, như một ân tình để kết nối chủ quyền thiêng biển đảo với đất liền của
Tổ quốc.
Thiêng liêng đất Rồng Lũng
Cú, đó là điều mà ai cũng cảm nhận được khi đặt chân đến đây. Lũng Cú còn được
biết đến là điểm cực Bắc với nhiều cảnh quan hùng vĩ, chứa đựng nhiều giá trị
đặc sắc khác về khảo cổ, lịch sử cũng như những giá trị truyền thống đặc
trưng của đồng bào các dân tộc Mông, Lô Lô...Những hoá thạch Tay cuộn ở Ma Lé
và hoá thạch Bọ Ba Thuỳ mà chúng ta có thể nhìn thấy, chạm tay vào được đặt nằm
về phía tay trái trên nửa chặng đường leo lên cột cờ Lũng Cú. Theo như các
nhà khoa học cho biết, những hoá thạnh này có niên đại khoảng 400 - 500 triệu
năm và đã được tìm thấy trên cao nguyên đá Đồng Văn…
Còn nhớ hôm đoàn chúng tôi
ghé thăm Huyện uỷ Mèo Vạc, được các anh lãnh đạo huyện mời bữa cơm thân mật với
nhiều món ăn đặc biệt. Ngồi cùng bàn có Thanh Ngọc, cán bộ tổ chức của huyện,
em vừa gắp thực ăn vừa giới thiệu cho chúng tôi cách ăn món mèn mén được đồ từ
ngô, loại lương thực chính của người Mông và các món lòng lợn hầm, măng đắng...Khi
chia tay, Thanh Ngọc nói nếu nán lại vài hôm các anh chị sẽ được dự phiên chợ
tình Khau Vai diễn ra vào đêm 26 rạng sáng 27 tháng 3 âm lịch hàng năm. Chợ
là nơi gặp gỡ của những đôi trai gái yêu nhau nhưng không nên vợ nên chồng,
hàng năm đến ngày họp chợ họ lại đến đây để gặp lại người yêu cũ. Hoặc nếu có
dịp lên đây vào khoảng tháng 10, tháng 11 sẽ bắt gặp bạt ngàn hoa Tam giác mạch
trên những ngọn núi đá rất đẹp; hoa có màu trắng hồng, chụm lại thành hình
chóp nón, có mặt tam giác, ở giữa hoa có một hạt quý, là cây thuốc thuộc họ
ngũ cốc, hạt dùng để làm bánh, thân lá có thể nấu làm thuốc. Thế đấy, nơi cao
nguyên này, đá vẫn nở hoa và cuộc sống vẫn mãi sinh sôi.
Bây giờ khi đã rời xa Hà
Giang rồi, chúng tôi lại thầm hẹn ước có ngày trở lại Cao nguyên đá Đồng Văn,
nơi đầy ắp những giá trị di sản tự nhiên và di sản văn hoá của nhân loại đang
được gìn giữ và bảo tồn, để có dịp hiểu thêm về mảnh đất và con người nơi địa
đầu của đất nước mến yêu.
MINH TỨ
Nguồn Báo Quảng Trị
Theo http://www.vanchuongviet.org/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét