Tháp Eiffel, cầu Long Biên
Hà Nội
và cầu Tràng Tiền Huế
Tháp Eiffel mang mầu cờ Pháp trong ngày lễ quốc khánh
14-07-2015: Photo: Thierry Chesnot/Getty Images
Không có ai đến Paris mà
không đến thăm tháp Eiffel và chụp ít nhất một tấm ảnh làm kỷ niệm, nhất là du
khách đến từ bốn phương tám hướng của thế giới. Để chụp ảnh, du khách thích đến
phía bên kia của khu vực tháp Eiffel, trên Trocadero, hầu có thể «lấy»
hình ảnh của nguyên vẹn cái tháp vào trong khung ảnh. Hiện nay, vị trí của tháp
Eiffel được định vị như sau: thuộc quận 7 Paris, nằm ở phía Đông-Bắc của vườn
hoa Champ-de-Mars, bên cạnh bờ sông Seine.
Nhưng khi đến thăm Việt Nam,
có ai đi trên cầu Long Biên (le pont Doumer) bắc ngang sông Hồng tại Hà Nội ngắm
từng cái bù looong và nhớ về Paris?
và có ai đứng trên cầu Tràng
Tiền bắc ngang qua dòng sông Hương rộng lớn ở Huế ngắm dòng nước chảy xiết, những
con đò thơ mộng để từ cố đô Huế mà nhớ đến tháp Eiffel?
Trời chiều trên cầu Long
Biên. Photo: MTT
Cầu Long Biên dài 1.682 mét
gồm có 19 nhịp dầm thép được xây dựng làm cầu cho xe lửa, xe đạp và người đi bộ
trên trục đường từ nhà ga Hàng Cỏ (Hà Nội) ngang qua sông Hồng đi về hướng Lào
Cai, và Vân Nam (Trung quốc). Cầu Long Biên được xây dựng theo phong cách của
Eiffel, công ty thực hiện là Daydé&Pillé thuộc nhóm công ty Gustave Eiffel.
Cầu Long Biên được xây dựng vào năm 1898 và kết thúc vào ngày 28-02-2902 dưới
thời vua Thành Thái, cùng được vua Thành Thái, hai viên toàn quyền Paul Doumer
và Paul Beau khánh thành. Phí tổn xây dựng cầu lên đến 10,5 triệu quan tiền
Pháp. Thời Pháp thuộc tên cầu là pont Paul-Doumer.
Cầu Tràng Tiền - Huế
Cầu Tràng Tiền (tên thời
Pháp thuộc là Pont Clemenceau) nối hai bờ sông Hương trong trung tâm thành phố
Huế dài 403 mét, rộng 6 mét, gồm có «sáu vài mười hai nhịp». Cũng
trong thời vua Thành Thái, năm 1897 công trình xây dựng cầu Tràng Tiền được
giao cho công ty Gustave Eiffel thực hiện. Sau hai năm xây dựng, cầu được khánh
thành với cái tên «Cầu Thành Thái».
Bưu điện chính của thành phố
Saigon, nay là thành phố Hồ Chí Minh, được Pháp xây dựng vào năm 1886 cho đến
năm 1891 bởi kiến trúc sư Auguste Henri Vildieu và Alfred Fouhoux, có sự tham dự
của công ty Gustave Eiffel thiết kế và thực hiện vòm nóc nhà bằng sắt thép.
Ngoài ra, còn nhiều công trình công cộng tại Việt Nam như một số nhà chợ như chợ
Cao Lãnh, chợ Long Châu, chợ Tân An, chợ Tân Quí Đông…được công ty Eiffel thực
hiện.
Tháp Eiffel, trong dự án xây
dựng, mang tên là «tháp cao 300 mét», sau đó thì được mang tên người
kiến trúc sư đã xây dựng lên nó, ông Gustave Eiffel và những người cộng sự của
ông, cho cuộc Triển lãm thế giới tại Paris vào năm 1889.
Jules Ferry, vào ngày
08-11-1884, khi ấy là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (1883-1885), ký quyết định tổ
chức Triển lãm thế giới tại Paris trong thời điểm từ 05-05 cho đến 31-10-1889,
trong mục đích kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp 1789.
Ông Alexandre Gustave
Bonickhausen dit Eiffel, gốc Đức, sinh ngày 15-12-1832 tại Dijon, qua đời ngày
27-12-1923 tại Paris, là người xây dựng tháp Eiffel mang tên ông, pho tượng Nữ
thần Tự Do đặt tại New York và những công trình kiến trúc khác…như ở Việt Nam
dưới thời Pháp thuộc.
Photo: Hulton Archive/Getty Images
Trong dự án ban đầu thì hai
kỹ sư thuộc công ty Eiffel là Maurice Koechlin và Emile Nouguier phác họa vào
tháng 6 năm 1884 một ngọn tháp bằng kim loại 300 mét hầu làm cái đinh thu hút
khách tại cuộc Triển lãm 1889. Nhưng Gustave Eiffel không bằng lòng với bản
phác thảo này và cho nghiên cứu lại bởi Stephen Sauvestre, kiến trúc sư trưởng
của công ty Eiffel. Sauvestre kiến thiết lại bốn trụ cột thêm bằng bê tông và
cho đến tầng một của tháp với những trụ sắt hình cung cho chắc chắn hơn, cùng một
số những củng cố kiến trúc khác.
Bản vẽ này đã làm vừa ý
Eiffel, khiến cho ông nộp đơn bản quyền tác phẩm xây dựng tháp vào ngày
18-09-1884 với tên ba người: Eiffel, Koechlin và Nouguier. Sau đó, Eiffel mua lại
bản quyền của Koechlin và Nouguier, để chỉ có ông là người sở hữu bản quyền duy
nhất.
Cùng một lúc với dự án của
Eiffel thì có một dự án cạnh tranh của hai người khác, ông Sebillot, kỹ sư, và
ông Jules Bourdais, kiến trúc sư, với công trình một ngọn tháp đèn pha xây bằng
đá hoa cương có một chiều cao cũng 300 mét. Nhưng về mỹ thuật thì dự án tháp đá
có vẻ đẹp cổ điển hơn là cái mỹ thuật hiện đại và kỹ thuật của một ngọn tháp bằng
sắt thông suốt.
Xây móng chân tháp Eiffel
vào tháng 1 năm 1887
Gustave Eiffel không phải là
kỹ sư xây dựng tháp nhưng ông là chủ sở hữu và xúc tiến thực hiện các công việc
hành chánh về phía chính phủ, quản lý công cộng…để cho để án được chấp nhận và
thực hiện.
Khi ấy có hai vấn đề được
phía chính phủ đặt ra là hệ thống thang máy không được vừa ý, khiến cho Eiffel
phải thay đổi công ty xây dựng thang máy, và địa điểm đặt tháp.
Cuối cùng thì địa điểm được
lựa chọn là đặt tháp ngay tại khu vực Champ-de-Mars, khi ấy còn là một khoảng đất
trống rộng mênh mông dùng làm khu vực triển lãm, xem cái tháp như là một cái cổng
chào, ra vào, vĩ đại.
Một trong những móng tháp phải
chịu đựng được một sức nặng tổng cộng là 7.300 tấn thép của tháp cao 324 mét
Ngày 08 tháng 1 năm 1887 một
bản hợp đồng được ký kết giữa Edouard Lockroy, bộ trưởng bộ Thương mại đại diện
cho chính phủ Pháp, ông Eugène Poubelle, thủ hiến vùng sông Seine, đại diện cho
thành phố Paris và ông Gustave Eiffel. Phí tổn xây dựng được dự trù là 6,5 triệu
quan tiền vàng Pháp của thời điểm đó, chính phủ tài trợ 1,5 triệu quan tiền
vàng, phần còn lại do công ty Gustave Eiffel nhận trách nhiệm và vay nợ của một
tổ hợp gồm có ba ngân hàng. Để thâu lại vốn, hợp đồng cũng dự trù sẽ bán vé
tham quan tháp. Và cuối cùng là điều khoản sau khi hết thời gian triển lãm,
thành phố Paris sẽ là chủ sở hữu của tháp, nhưng ông Eiffel là chủ đầu tư và
xây dựng của dự án thì được quyền thâu lợi nhuận trong 20 năm, cho đến năm 1909
thì tháp Eiffel sẽ thuộc hẳn về thành phố Paris.
Đến tháng 12 năm 1888 thì tầng
thứ ba của
ngọn tháp Eiffel được hoàn tất ở một chiều cao là 267,1 mét
ngọn tháp Eiffel được hoàn tất ở một chiều cao là 267,1 mét
Trên thực tế, Gustave Eiffel
được ký thêm một hợp đồng gia hạn quyền sử dụng thương mại của ông thêm 70 năm
nữa, kể từ ngày 01-01-1910. Sau đó, thì một công ty quản lý hỗn hợp công và tư
được thành lập trong khoàng từ 1980 đến 2005. Kể từ 2005 thì Hội đồng thành phố
Paris thành lập công ty quản lý mới gọi tắt là SETE (Sociéte d’exploitation de
la tour Eiffel) gồm có 60% cổ phần thuộc thành phố Paris và 40% cổ phần công ty
tư nhân,
Công trình xây dựng tháp
Eiffel được bắt đầu vào ngày 28-01-1887 và kết thúc kịp thời vào tháng 3 năm
1889 trước khi cuộc Triển lãm được chính thức khai mạc. 250 người thợ làm liên
tục tại nơi xây dựng, nhưng một phần lớn của công việc kiến trúc được thực hiện
tại công ty Eiffel ở Levallois-Perret, rồi chuyên chở đến. Cho đến độ cao 30 –
45 mét thì các mảnh sắt được bắc lên bằng cần cẩu, nhưng kể từ độ cao 45 mét trở
lên thì công nhân phải xây dựng những dàn thang làm việc bằng gỗ. Sắt dùng cho
tháp Eiffel được mua một phần từ các quặng của Algérie (Zaccar và Rouina) và do
công ty Dupont et Fould ở Pompey thuộc vùng Lorraine cung cấp.
Phí tổn xây dựng vượt trội
hơn 1,5 triệu quan tiền vàng so với dự tính ban đầu là 6,5 triệu, tức là 8 triệu
quan tiền vàng. Nhưng trong tổng số 32 triệu người tham dự triển lãm, có khoảng
2 triệu người mua vé tham quan tháp Eiffel.
Kể từ tháng 10 năm 1898 cho
đến nay, ngọn tháp Eiffel cũng được sử dụng làm cột sóng điện cho các đài truyền
thanh và truyền hình.
Tháp Eiffel đã trở thành biểu
tượng văn hóa, lịch sử và chính trị của thủ đô Paris, của nước Pháp. Mỗi khi có
một sự kiện đặc biệt thì những kiến trúc chiếu đèn trên tháp là một biểu hiện đặc
biệt, và ánh sáng, mầu sắc, cùng với ý nghĩa của sự kiện làm tăng thêm giá trị
tinh thần cho ngọn tháp Eiffel.
Một cuối năm ở Huế, ngồi bên
bờ sông Hương thanh bình êm ả, ngắm nhìn ánh đèn 7 mầu thay đổi luôn luôn trên
cầu Tràng Tiền rọi xuống dòng nước chảy lăn tăn mát rượi, tôi không khỏi nhớ về
không khí xuống cấp, u buồn như thể của một quá khứ thê thảm xa xôi trên cầu
Long Biên Hà Nội, trong cùng thời gian này đang trôi qua. Hình ảnh những đôi vợ
chồng lên cầu Long Biên chụp ảnh ngày cưới, tôi đi theo sau, nhặt được bó hoa của
một cô dâu đánh rơi, đọng lại không quên trong một tình cảm nhớ nhung về Hà Nội,
ấm cúng và thân thiện.
Tuyết Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét