Hát hay không bằng hay hát! Nói vậy nhưng
không phải để tự khen mình. Người Việt rất thích tự hát, tự diễn, vừa vui cho
mình, vừa góp vui với mọi người. Có người, nắm rất vững kỹ thuật hát, phát âm,
nhả chữ, ngắt câu, đúng nốt nhạc…, rất «clean», nhưng không truyền
cảm, thiếu cái hồn, cái thực, nên người nghe không cảm nhận được linh hồn của bản
nhạc, sự truyền đạt của người viết nhạc, viết lời.
Có người có khả năng luyện thanh, luyện âm,
có một giọng nói khác hoàn toàn với giọng hát, khi đã nghe giọng thật của họ
nói, thì tôi lại không thích nghe họ hát nữa, vì thấy nó sao mà máy móc, sao mà
kỹ thuật ! nhưng lại không thật.
Cái «timbre» (chất giọng) là cái
quan trọng nhất của người hát, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp. Hiện nay
trong giới ca sĩ trẻ, cá nhân tôi thấy là có vài chất giọng hát truyền cảm nhất:
Mỹ Linh nhẹ nhàng, rất Hà Nội, Trần Thu Hà mượt mà thanh thoát, Lệ Quyên đầm ấm
truyền cảm dù kỹ thuật của Lệ Quyên không đạt được mức điêu luyện, Lê Hiếu lưu
loát, bóng bẩy, nghe không bị mệt. Tôi rất cảm ơn những người ca sĩ vì họ đã
góp phần tích cực qua giọng hát lời ca và cách phát âm, nhả chữ rất chuẩn vào
việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy tiếng Việt.
Mấy lần tôi được hỏi, sống ở nước ngoài lâu
như thế làm sao giữ được tiếng Việt? Có gì đâu, cứ đem mấy cuốn sách cũ ra đọc
đi đọc lại, hay ngồi ôm cây đàn guitar hát nghêu ngao những bản nhạc cũ quen
thuộc, vừa tự cho mình những phút giây thoải mái, thư giãn, giảm stress (khủng
hoảng), vừa ôn lại tiếng Việt để không quên.
Bắt đầu kể từ khi có mạng Internet thì công
việc ôn lại, học lại tiếng Việt lại còn dễ dàng hơn nữa. Báo mạng và các bài viết
hay, có giá trị…nhiều lắm, đọc không hết. Rồi, nghe nhạc cũng dễ hơn trước rất
nhiều. Mỗi lần về thăm Việt Nam, tôi đều gửi về trước 2, 3 thùng sách và vài
cái CD nhạc. Có dạo, các loại ấn phẩm, nhạc…phải qua khâu kiểm duyệt trước rồi
mới được đem ra nước ngoài, rất lôi thôi phiền phức và tốn tiền, ở phi trường
ra/vào cũng thế, nhưng bây giờ thì sự kiểm duyệt ấy đã bị dẹp bỏ rồi, cứ mua,
đóng thùng rồi gửi Bưu điện. Về lại nhà, cả hai tháng sau mấy thùng sách mới lần
lượt bay tới, có lần thùng bị ướt hôi mùi nước mắm và dầu ăn, may là tôi gói
sách trong bao ni lông dán kín nên bên trong không bị hư hỏng.
Những bản nhạc hay là những kho tàng văn hóa
vô giá để lại ngàn đời. Cần chi phải «cãi nhau» ai hay nhất, ai hay
nhì. Âm nhạc, giọng hát của người hát, của một ca sĩ, cũng như mọi tác phẩm nghệ
thuật khác, đều được thưởng thức theo một hoàn cảnh hoàn toàn chủ quan, một tâm
trạng hoàn toàn cá nhân, chủ quan.
Có một thời gian, tôi không thể nghe bài Hoa
sữa dù là rất thích bản nhạc ấy do Mỹ Linh hát, vì với tôi, sao mà nó buồn quá,
đau đớn quá. Có một bài hát thường làm tôi rưng rưng mắt khi nghe, đó là bài
dân ca Bèo dạt mây trôi. Có một giai điệu làm tôi ứa nước mắt, tim mừng đập thụi
thụi, đó là bản hòa tấu Long hổ kim tiền. Lại có một loại nhạc, làm mỗi khi
nghe tôi bị nổi da gà, rợn tóc gáy vì tác động sâu xa của nó như các bản quốc
ca! Quốc ca là những bản nhạc rất diệu kỳ, một khi đã «đứng vững»
trong lòng người thì không ai dám thay thế bằng một bản nhạc khác, một giai điệu
khác. Nó đã trở thành một «bản sắc», một dấu ấn của dân tộc. Một bản
nhạc cũng là một vũ khí chiến đấu.
Tôi không thích cách gọi, cách phân loại nhạc
vàng, nhạc đỏ, nhạc sến, nhạc «trẻ», nhạc «sung», nhạc
«Trịnh»…bây giờ, nó thể hiện một sự khinh bỉ người nhạc sĩ, thi sĩ
chỉ là những người «ca hát cho đời mua vui», mà không thấy giá trị
nghệ thuật cũng như công lao, tâm hồn sáng tạo của những người nghệ sĩ đã tặng
cho đời những dòng nhạc bất hủ, những giây phút hạnh phúc hiếm có. Có người sử
dụng những khái niệm như «nhạc sến», «nhạc sung» mà
không biết nó từ đâu ra và ý nghĩa của nó là như thế nào!
Chữ «sến» xuất phát từ sự chế nhạo
những cô gái gánh nước thuê khi xưa, ít được học hành, họ thường tụ tập ở nguồn
nước giếng, vòi nước công cộng, để gánh những thùng thiếc nặng đầy nước cho người
thuê. Họ bị xã hội miền Nam thời ấy, khoảng 1950-1960, khinh bỉ là thành phần
«hạ cấp», chế nhạo là những cô «ma ri la phông ten» (ma
ri là một tên pháp, tên của Đức Mẹ, la phông ten – la fontaine – là vòi nước)
hay là »ma ri sến«. Nhạc sến là ý chỉ loại nhạc «hạ cấp»,
chỉ phù hợp cho những cô gánh nước nghe mà thôi!
Nhạc sung? tôi bật cười khi hiểu ra phiên âm
của chữ «sung». Đó là phiên âm tiếng Việt của chữ
«soul», một loại nhạc có âm hưởng đặc biệt của người da đen hát
trong một thân phận nô lệ, buồn bã thê lương nhưng có khi gào thét, bất mãn, đấu
tranh. Cái gào thét khi ca hát của người Việt không thể nào lột tả được tâm trạng
«soul» chính thống, mà nghe rất chói tai, rất mệt.
Con gái tôi về Việt Nam học múa, tốt nghiệp
trường múa với danh hiệu xuất sắc, nhưng nó lại trở về châu Âu, vì con tôi
không muốn trở thành một trong hàng trăm người phải nhẩy nhót làm phông cho ca
sĩ hát, một hình thức sân khấu gọi là «hiện đại», nhưng làm mất đi
giá trị riêng biệt của ngành «múa» và của diễn viên múa.
Ở đây, trong tâm trạng chủ quan «điếc
không sợ súng» tôi giới thiệu với bạn đọc/bạn nghe vài bản nhạc tôi hát.
Các bản nhạc này đều được thâu trong studio với nhạc sĩ thật, người hòa âm thật.
Một trong những bài hát đó là bản nhạc Từng giọt yêu thương của nhạc sĩ Phạm Trọng
Cầu, bản nhạc tôi hay hát thời còn là sinh viên trong những buổi văn nghệ chung
cho cộng đồng, đệm bởi sáu nhạc sĩ, thâu tại Saigon năm 2008. Hình ảnh trong
video Từng giọt yêu thương là Lễ hội biển ARMADA tại Pháp, được tổ chức 4 năm một
lần, có tàu thuyền Việt Nam tham dự, rất nhộn nhịp, thú vị.
Một bài hát, tôi hát cho những người bạn
Pháp, và đặc biệt là cho chồng tôi, là bản nhạc quen thuộc «Mon amant de
Saint Jean», thể hiện một sinh hoạt cộng đồng hàng năm ở miền quê tại
Pháp, đó là đêm lửa Saint Jean, đốt vào ngày dài nhất trong năm vào tháng sáu.
Nhiều cuộc tình duyên giữa trai làng và gái làng đã bắt đầu từ đêm lửa Saint
Jean. Làng Saint Jean aux bois, nơi nhạc sĩ Emile Carrara đã sáng tác bản
nhạc này, gần làng tôi ở, cách khoảng 30 cây số, cũng là một ngôi làng picard,
nhỏ, yên tĩnh, nằm ẩn náu trong một cánh rừng, một nơi hẹn hò kín đáo, lý tưởng
cho những người (còn) yêu nhau. Bài hát này cũng do một nhạc sĩ Việt Nam hòa âm
và sáu nhạc sĩ đệm, thâu ở Saigon.
Và một bài hát Xuân, về mùa Tết mà tôi thích,
một bản nhạc vui tươi, giản dị, thể hiện sự yêu đời, yêu thiên nhiên và yêu người.
Bài hát này được thâu trong studio BR ở Saigon, năm 2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét