I. Thơ Phạm Ngọc Lư
thời văn học miền Nam
thời văn học miền Nam
Sinh năm 1946 tại Phú Vang,
Thừa Thiên, giáo chức tốt nghiệp Viện Hán Học và Đại Học Văn khoa Huế, động
viên khóa 5-1968 trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Từ 1963, ký tên thật và bút hiệu
Phạm Triều Nghi, ông có thơ văn đăng trên các tạp chí văn học Văn, Nghệ Thuật,
Bách Khoa, Ý Thức, Trình Bày, Khởi Hành, Tuổi Ngọc, ... Tác phẩm xuất bản sau
1975: Đan Tâm (Thư Ấn Quán, 2004 gồm một số thơ trước 1975) và Mây
Nổi (tác giả xuất bản, 2007). Phạm Ngọc Lư đến và ở lại với văn học miền
Nam với những bài Hành đặc sắc. Thể thơ Hành thuộc thơ xuất xứ từ Trung Hoa,
thường viết theo các thể song thất lục bát, thất ngôn hoặc ngũ ngôn, và thường
dài hơi. Với nhà thơ Việt Nam, hành thường dùng để nói lên nỗi niềm, tâm sự, những
cái bất hạnh, đớn đau, có khi hiền hòa nhẫn nhục, có khi là tiếng
"thét" lớn, nhưng thường thường bi hận, lắng đọng. Phạm Ngọc Lư viết
Biên Cương Hành vào năm 1972, lúc mà cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn lên cao
điểm với những cuộc tấn công, khủng bố lan khắp vùng đất nước - Mùa Hè Đỏ Lửa
tiếp nối Tết Mậu Thân. Có thể nói bài Biên Cương Hành thuộc vào những bài Hành
hay nhất của văn học miền Nam, hay về đề tài chiến tranh và đặc sắc thể loại:
những con chữ trung thực của con người sống thực, với hành trang và xuất xứ cổ
điển, lời thơ trang trọng, nhiều ẩn dụ, có chiều sâu tri thức và tâm thức,
lương tri, bi thương, như những tiếng chuông chiêu hồn từ chiến trường. Những
tàn nhẫn của chiến tranh, của con người, của nhiều thế lực có thể vô hình, với
phẫn uất và nỗi đau tận cùng của người lính, của con người ViệtNam. Đây đó như
một bản cáo trạng tội ác đối với những kẻ đã gây ra cuộc nội chiến huynh đệ
tương tàn. Với người lính Phạm Ngọc Lư, những vần trung thực, chân thành mới tỏ
bày được hồn thơ lâm chiến:
Biên cương hành
"Biên cương biên cương
chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu
nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh
ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ
chôn
Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi
non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như
vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn
phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn
Đá mang dáng dấp hình chinh
phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng
con
Khu chiến ngày tràn lan lửa
dậy
Đá Vọng Phu mọc khắp biên
cương
Biên cương biên cương đi biền
biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng
đường
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Sá chi hạt cát giữa sa trường
Sa trường anh hùng còn vùi dập
Há rằng ta biết hẹn gì hơn?
Đây
biên cương, ghê thay biên cương!
Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe
truông
Hãi hùng chưa trời hoang mây
rậm
Mùa mưa về báo hiệu tai ương
Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
Sát khí đằng đằng rừng dựng
tóc
Ma thiêng còn ngán bọn cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hóa thành thú
muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
Chém cây cho đỡ thèm giết
chóc
Đỡ thèm môi mắt gái buôn
hương
Đây
biên cương, ghê thay biên cương!
Tử khí bốc lên dày như sương
Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
Rừng núi ơi ta đến chia buồn
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
Chiều hôm bắc tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ tha
phương?
Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận?
Ai người thiên cổ tiếc máu
xương?
Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên
cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ
gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta nhắm mắt tay
buông
Thôi em, chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn
trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông
Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
“Nhất khứ bất phục phản” là
thường!
Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về: thân cạn máu khô
xương
Ngày về: hôn lễ hay tang lễ
Hề chi! buổi chinh chiến
tang thương
Hề chi! kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn
biên cương".
Tháng 5-1972
(Văn tháng 10-1972; Trích từ
Đan Tâm, tr. 15-18)
Bài sau, Thâu Đêm Trằn Trọc Nghe Mưa, cũng mang âm hưởng những bài Hành thời
tráng sĩ đầy tâm sự biết ngỏ cùng ai ở chốn nhân gian thường tình:
Thâu Đêm Trằn Trọc Nghe Mưa
"Chưa mùa mưa trời bỗng
mưa mau
Mái nghiêng gác lệch mưa rêm
đầu
Nghe lòng chăn chiếu ê chề
quá
Hơi hướm giang hồ chẳng ấm
nhau
Cứ gom tâm sự nằm nhai lại
Tâm sự một đời [ôi] bể dâu
Năm năm mười năm không là mấy
Góp lại không đầy một đêm
thâu
Đêm thâu nghe mưa rơi trằn
trọc
Đời mòn chí mỏi biết về đâu?
Bao khách xa nhà trong thiên
hạ
Đêm mưa thanh khí chẳng
tương cầu
Cứ nghe mưa héo mòn trời đất
Tê buốt lòng ngàn mũi kim
khâu
Chưa mùa mưa sao mưa rười rượi
Không chừng trời ốm khiến
mưa đau
Chiếu chăn meo mốc chua mùi
mộng
Mộng sớm mộng khuya chóng bạc
màu
Nhốn nháo sinh linh thời nhiễu
loạn
Lều bều thân thế lộn vàng
thau
Năm nổi tháng chìm ngày mắc
cạn
Đêm mưa lòng nghẽn nước đục
ngầu
Nằm suông thức trắng nghe
mưa giọt
Sáng dậy ngu ngơ: tóc bạc đầu!".
1973
Phạm Ngọc Lư còn có bài hành khác: Cố Lý Hành. Ở đây, dấu vết chiến tranh
không trực tiếp hiện diện thì cũng là nguyên nhân, khi nhà thơ trở về xóm làng
cũ tưởng vẫn là chốn thanh bình, trở về quá khứ mới 10 năm - vì hiện tại đã
khác xưa, đưa đến những nghi vấn và cảm nhận buồn đầy thi vị, thi vị một cách
bi hoài:
Cố Lý Hành
"Chiều chết đuối trên
sông ngờm ngợp
Nước đua chen đớp bọt nắng
tàn
Đò qua sông đìu hiu bến đợi
Buồn rút lên bờ cây khai
quang
Mây đổ xù lông như chó ốm
Trời bôi nhòe mặt ngóng đêm
sang
Thôn ổ tiêu sơ gầy khói bếp
Đồng không mốc thếch lạnh
tro tàn
Có
biết ta về không cố lý?
Mười năm chưa lạ mặt xóm
làng
Sao phên giậu nghiêng đầu
câm nín
Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi
han
Cổng khép rào vây vườn cỏ dại
Tường xiêu mái rách bóng nhà
hoang
Ngõ vắng bàn chân như hụt đất
Tre già đang kể chuyện chôn
măng
Nương rẫy đang phơi lòng dâu
bể
Nói làm sao hết nỗi bàng
hoàng?
Khóc làm sao vừa lòng cố lý?
Phải đây là cố lý ta chăng?
Đâu bóng mẹ già sau khung cửa
Và những người em mặt trái
xoan
Đâu bóng chị hiền như hoa cỏ
Bên luống cà xanh liếp cải
vàng!
Đất
đá thở ra mùi u uất
Bốn bề hun hút rợn màu tang
Mà cơn gió lạnh réo hồn oan
Ai trong muôn dặm không về nữa
Cố lý mười năm mộng bẽ bàng
Cố lý mười năm ngày trở lại
Như ngày Lưu Nguyễn xuống trần
gian!"
1972 (Sđd, tr. 20-21)
Bài Bên Sông mang âm hưởng Kinh Thi cổ thời:
Bên sông
“Chảy đi chảy đi / Hỡi sông
buồn lắm
Nước thôi chờ chi / Thuyền
xưa đã đắm
Người đi người đi / Trăm năm
bến vắng
Xa hút bờ kia / Bóng người
mây thoáng
Chảy mau chảy mau / Đời nông
tình cạn
Mà nước quá sâu / Trăm chiều
khổ nạn
Ta bơi qua sông / Mới hay đời
nặng
Ta
gieo xuống sông / Vỡ dòng nước chết
Nước đứng tim đêm / Ta còn
thở hết?
Chảy đi chảy đi / Người về
đâu biết
Chảy mau chảy mau / Đời: con
nước xiết
Tình: vực nước sâu / Em:
dòng ly biệt / Ta chiếc lá chìm
Chảy
thôi chảy thôi / Còn trông còn ngóng
Nhớ ai gương xưa / Chờ ai cửa
rộng
Đưa ai tiễn ai / Phai hình mất
bóng
Khổ lắm người ơi / Qua sông
mất nón
Sông trôi sông trôi / Về đâu
mà đón / Thôi hẹn hò chi …
Với
người xưa ấy / Đã khói sương che
Chút tình xa ngái / Đã cách
bến bờ
Biết lòng không đậu / Trông
chi thuyền về
Người như khung cửa / Khép lại
hững hờ
Người như gương vỡ / Trăm
năm lỗi thề
Người như phong vũ / Lạnh
màu thê thê…"
Tuy Hòa 1972 (Sđd, tr.
11-14).
Lời thơ không hẳn cổ kính, nhưng ý và tâm tình thì đơn thuần, mộc mạc như con
người thuở hoang sơ sống an nhiên giữa một không-gian chưa cơ khí văn minh vật
chất.
Cùng đề tài chiến-tranh và với
bút hiệu Phạm Triều Nghi, Phạm Ngọc Lư trên đường qua Bắc Bình Định đã ghi nhận:
“... Tháng tư / Lửa bùng lên
đầu chợ
Lửa cháy quanh sông / Lửa
vây Đệ Đức
Lửa đốt Bồng Sơn / Người người
tan xác giữa đồng
(…) Ngó về đâu không rợn màu
tang tóc
Ngó Nam ngó Bắc / Nuốt tiếng
thở dài
Ai đến Sa Huỳnh khóc mướn?
Có nghe những oan hồn vất vưởng
Than van trên ngọn cờ bay
Kêu đòi thân thế hình hài
Trăm năm cát bụi... miệt mài
cơn đau"
Hè 1973
(Trên Đèo Bình Đê, TQBT, số
20, 7-2005, tr. 97, 99)
Lời thơ hiện thực nhưng sao đầy kêu thương, tra vấn và phẫn uất! Nghe như khúc
chinh-phu thời hiện-đại, ở chốn chiến trường không còn là tên bay đạn lạc trong
bão tố sương mù mà là bom rơi đạn nổ không chừa một ai hay một nơi nào!
II. Phạm Ngọc Lư Qua Vài Truyện Ngắn
Về truyện ngắn, Phạm Ngọc Lư đã có một số tác-phẩm đăng tạp-chí thời này,
và trong số đã có những truyện khá đạt với một ngôn-ngữ văn-chương của riêng
ông. Hiện sinh, siêu hình đã được Phạm Ngọc Lư khéo léo đưa vào các truyện ngắn
như Mộng Thấy Mình Đã Chết, ...
Mộng Thấy Mình Đã Chết (Ý
Thức, số 7, 15-1-1971) nói lên tâm thức Trang Hoa Kinh khi đứng trước Cái
Chết như một hiện trạng nhân sinh. Nhân vật Tôi vẫn thường thấy Muội, người yêu
chưa cưới và đã chết, nàng đến như mộng, như thật:
“Tôi quay lại, sát với mặt
Muội bóng tối mỏng như tấm vải voan lờ mờ, chìm khuất. Chưa nói mà môi đã run
lên vô cớ, tôi nghe lòng mình đang tỉnh táo, quang tạnh, khô buốt lại. Chung
quanh, cả vùng biển lớn ngưng đọng, chết sững, sóng hết vỗ, nước đứng im. Muội,
âm vang của trí nhớ trìu trĩu. Muội, người bạn gái sát mặt, bóng tối cứ loãng
ra tựa một làn sương mềm. Tôi mấp máy nói, những tiếng cụt, giọng đơ, lưỡi líu.
Ba năm, gớm thật. Mới đó đã ba năm dài; chim bay không tới, cánh rụng giữa
trùng trùng thời gian xa hút. Can qua, máu lửa đã lớn dậy cùng ngăn cách trời vực.
Muội, tiếng kêu hụt, chìm, nghẹn. Nàng quay đi, mặt áp vào một thân cây dừa
khô, thở dài thườn thượt – dài hơn cả ba năm đằng đẵng, ý chừng hơn thế – và
nói: “Em tưởng anh đã chết trong biến cố Mậu Thân ở Huế. Anh chết vỡ ngực, máu
nhuộm đỏ cả chiếc sơ mi trắng nằm trước cổng nhà với cái tay nải còn rơi vướng
cạnh đó...””. Tôi đã bỏ Huế, “Với Huế tôi đã chết. Muội không hiểu được lòng hờn
oán, cay xót, mặc cảm… Huế dành cho tôi. Quả thật, tôi đã cầu mong cho cả thành
phố ấy nổ tung lên. Ghê thay, tôi đã chết theo. Mẹ tôi, sau những ngày chạy loạn,
đói, bệnh, thiếu cơm thiếu thuốc đã đau đớn lìa đời tại nhà một người bà con ở
vùng quê. Bà chưa kịp về nằm giữa căn nhà đổ nát thở hơi thở cuối cùng như lời
mong mỏi trăng trối lúc lâm chung, chưa kịp biết xác tôi có được ai chôn lấp
đàng hoàng chưa hay đã bị heo chó rỉa rói mất rồi…”
“Tôi còn sống hay đã chết thật
rồi? Cảm giác mập mờ bất định, ngỡ ngàng như những lúc soi kỹ mặt trong gương:
có chắc gì cái hình bóng kia là vóc dáng thật, đúng, in hệt của mình? Người ta
vẫn không ngớt cải dạng, giả trang đánh lừa đời sống phải cưu mang để được sống
ra ngoài những quy định ước lệ của con mắt thiên hạ. Tôi không thể, không hề,
không nuôi nổi óc tưởng tượng bệnh hoạn. Ngày ngày tôi vẫn cố bám riết níu theo
dòng đời phăng phăng cuốn siết (mà vẫn bị hất tung, mất vuột). Để nhớ lại mình,
biết mình có thật. Để tìm gặp Muội, Muội như tấm gương sáng, rõ, đúng, không thể
lường gạt, phỉnh phờ những điều tôi muốn soi tìm, ngắm nghía. Ba năm, thời gian
đã tráng thủy nhiều lớp mới, đã lồng bóng lũ lượt ảnh tượng xuống cái đáy ngưng
đọng, bất biến. Nhưng đêm nay, giữa tình cờ gặp gỡ, trong bối rối chưa gạn lọc
hết xúc động, Muội quá trong suốt, rỗng, phẳng và như thể nàng đã tự đập vỡ tấm
gương, xé vụn hết thảy mọi hình ảnh mang nặng chồng chất, chịu đựng âm ỉ trong
cõi trí nhớ tội đồ. Dường như nàng chực đợi được gặp tôi và vỡ òa.
“Anh Bạt chết một hôm trước
ngày Huế được giải tỏa, người ta bắn lầm. Năm tháng sau, chị Vu sinh đứa con đầu
lòng, phải mổ và tắt thở trên giường đẻ… Nhưng, bây giờ em tin cả anh Bạt và chị
Vu và bao nhiêu người thân khác vẫn còn sống ở đâu đó. Như anh vậy. Không hẳn
cái chết chỉ đến một lần! Anh, anh nói cho em biết, đời người chỉ một lần chết
thôi sao?”. Muội nắm bàn tay tôi, sờ lên quần áo tóc tai, tôi đứng im như
pho tượng quên thở, mất tiếng nói, tôi đang giả đò chết hay chết thật rồi cũng
nên. Bạt ở kia, dáng cười cười nói nói, liến thoắng cháu lảy như đứa trẻ: “Mi
để tau rước nàng về trước nghe? Sợ động viên không kịp cưới thì phiền lắm. Dễ
chi đi lính rồi mình còn đủ lạc quan mà tính chuyện lấy vợ. Đó là chưa dám nói
cái chết gờm sẵn từng phút giây bên mình… Để tết ra, vợ chồng tau lo cho mi với
con Muội cái đám cưới thật ngon, chịu chưa?”. ”
Nhân-vật Tôi của Phạm Ngọc
Lư gây liên tưởng đến Trang Tử của thời xa xưa, người chủ trương vui cái sống gắn
liền với cái Chết - Ngoại thiên Chí Lạc chép truyện Trang Tử gõ bồn, theo đó sống
chết cùng một thể, thế nên cứ vui sống cái sống gắn liền với cái Chết. Cái Chết
hiện hình trong chiếc đầu lâu khô-khốc bên đường của cái sống. Cái Chết kề bên
như trời che đất chở, và cái sống kề bên cái Chết, đầu lâu nói với Trang Tử
trong mộng: chết còn vui sướng hơn sống nữa. Và thế là quên hẳn cả cái sống cùng
cái Chết. Đó là đạt được thuật chí lạc đạt tới Đạo và quên hẳn cái sống và cái
Chết. Tôi trong truyện Phạm Ngọc Lư sống thời chiến-tranh Tết Mậu Thân 1968 ở
miền đất Thần-kinh cho nên thường tự vấn “Tôi đã chết? Con đò đưa linh hồn
thả về bên kia bờ quá khứ cháy bùng lên, chìm xuống mặt biển sóng gió trùng
trùng nô giỡn nhẫn tâm giữa nỗi quên lãng mông mênh ngút ngàn thiên địa tận.
Đêm nay, trí nhớ chết đuối, cõi sống rã rời như những mảnh ván còn lại trong một
vụ đắm tàu còn nổi lêu bêu dập dềnh. Nhưng tôi là con chim đen bay hoài trên mặt
nước động không tìm ra khúc gỗ trôi nổi nào sà xuống trú chân. “Anh đã chết
vào sáng sớm ngày mồng 7 Tết dưới gốc cây nêu trước ngõ. Em còn về ngoài đó, nhớ
hôm giỗ anh ghé lại thắp giùm một nén nhang và hạ luôn cây nêu xuống”. Tôi
nhớ đã ôm hôn Muội, hôn thật lâu trên cái nốt ruồi tai quái dưới khóe mắt. Ba
năm trước. Đêm ngủ mê muội và mộng thấy ḿnh đã chết. Thức dậy, bàng hoàng
không biết đang nằm ở đâu?”
Tình-yêu đóng vai chính
trong một số truyện ngắn khác của Phạm Ngọc Lư. Một Chuyện Tình Phải Quên
Đi (Văn, số 19 (228), 30-7-1973) vì ở trong một bế tắc: cha của
Xuyên không chấp nhận gả con gái cho một nhà văn như nhân-vật Tôi, bên cạnh bế
tắc của cuộc hiện sinh qua cái nhìn của tha nhân (“Tôi nhìn quanh, khó chịu
trước các cặp mắt rình rập đang thỉnh thoảng ngó qua phía mình, soi mói, theo
dõi.”, “ con nhỏ mặc áo vàng kia ở cạnh nhà em (là) cái loa phóng thanh của Ty
Thông tin đó”, “thiên hạ đang ngó mình chằm chặp, ghê quá! - Những con mắt thối
tha lác chột”) vì Tôi và Xuyên phải thường xuyên kín đáo hẹn hò trong “cái
thành phố hẹp hòi độc ác”, Xuyên có khi “phải khổ sở ngụy trang làm người
xa kẻ lạ ngay trước mặt tôi; giá chi gia đình Xuyên nghèo bớt đi một chút để
tôi ít xót xa cho mình mà thương mến cuộc đời hơn”, ... Tôi đưa hận thù vào
ngòi bút, tẩm độc ngòi bút để “giết” cho được người cha. Nhưng tình cũng cao chạy
xa bay khỏi tầm tính toán của Tôi: người cha chết, Xuyên vào Sài-Gòn học dù thi
rớt, rồi lấy chồng, rồi chồng chết trận. Ba năm sau gặp lại, tình với Xuyên lại
vụt bay. “Mươi hôm sau tôi tìm lại được những trang bản thảo viết về mối
tình của tôi và Xuyên ba năm trước, ngậm ngùi đọc. Xong, tôi gởi đến Xuyên kèm
một cái thư rất ngắn: “Xuyên, anh vẫn yêu em như ngày nào. Ngày nào, tình
ta thơ ngây tuyệt vời quá, em nhớ? Còn những dòng chữ nầy làm chứng. Em hãy đọc
để hiểu lòng anh, cái tốt cái xấu của anh. Câu chuyện chỉ tạm thời kết thúc,
anh nghĩ mình còn viết tiếp được bởi vì Trời đã cho hai nhân vật trong truyện
tái ngộ và họ có lý do để gần nhau, sống hạnh phúc bên nhau. Em đồng ý?”.Ít hôm
sau, Xuyên gởi trả lại tôi xấp bản thảo, không bày tỏ ý kiến gì ngoài ba chữ ngắn
ngủn nàng viết thêm vào sau cái tựa đề của truyện. Thành ra: MỘT CHUYỆN TÌNH PHẢI
QUÊN ĐI!”.
Tàn Đông (Bách Khoa, số 344, 1-5-1971) kể chuyện tình thời chiến của
Kiền thầy giáo mới đổi từ tỉnh lên vùng cao nguyên (?) và người bạn gái tuổi chị,
công tác ở chi y tế cho người dân tộc thiểu số, cùng thuê chung nhà, ở một “nơi
rừng sâu nước độc nầy, Kiền mang cảm tưởng tội nghiệp của con thú đang chờ thời
mọc cánh. Vâng, phải có cánh mới bay vượt qua khỏi trùng lũy đồi núi chồng chất
vây bủa chung quanh. Núi Cấm hiểm trở, núi Một vòi või, núi Lá rậm rì… và rừng
Hỏa-thán thâm u, rừng Hàm-long điệp điệp. Suốt tháng nay chưa có một ngày nắng lớn,
mặt trời không xé nổi mây, mây tụ tập càng lúc càng dày, xuống thấp mãi, sát ngọn
cây, đụng chóp nhà, cho đến một buổi sáng mở cửa ra: mặt đất mù mịt như có khói
lan tỏa, sương kín dày, khí lạnh phả vào mặt, xanh tái da”.
Không-gian buồn hiu, cuộc sống
lặng lờ trôi, thân phận như lưu đày, trống vắng, cuối cùng cả hai đã đến với
nhau:
“Người bạn gái uốn cong mình
giẫy giụa, mặt nhăn nhó đau đớn, kêu khan:
- Đè chặt tôi lại coi… Sao cứ
bay bổng lên!
Kiền e dè cúi xuống dằn tay
bạn. Bất ngờ nàng ôm chầm lấy anh lôi ngã sấp lên ngực, hơi thở nóng ran, hổn hển,
dồn dập. Kiền nhúc nhích cựa nhẹ mình nhưng không dám gỡ vòng tay bạn đang quấn
quýt siết chặt trên lưng. Anh cứ dại dột nghĩ nếu xô bạn ra chắc nàng sẽ chới với
chết mất.
- Chị không đến nỗi nào chứ?
Kiền nói lắp bắp, không ngoi
lên khỏi sự lo âu trìu trĩu. Người bạn rên hừ hừ, mắt nhắm kín, miệng lại ú ớ
nói sảng. Trời đổ mưa rào rào bên ngoài, càng lúc càng dữ dội. Căn nhà hình như
chôn chân trên mặt nước xô động chòng chành. Mồ hôi bạn thấm ướt áo, Kiền se lạnh.
Vòng tay quanh lưng nới lỏng dần rồi nàng khẽ đẩy anh ra, nằm ngay người, kéo
chăn đắp tới cổ. Kiền ngỡ ngàng nhổm dậy, rời khỏi giường, chóng mặt, lảo đảo.
Tiếng ngựa hí ngoài chuồng tựa tiếng cười nhạo báng vang lên từng chặp. Dứt
mưa, cái im lặng quanh nhà thật sắt se, không một tiếng giun dế, có lẽ chúng ngủ
quên hay đã chết tiêu dưới lòng đất úng thủy từ lâu, cả tháng nay kẻ nhớ nhà
không còn nghe giọng kêu ca nỉ non đứt ruột (…) Bỗng một tiếng nổ vang ầm rung
đất. Từng tràng súng khác nổ tiếp theo, nghe quá gần, đâu dưới xóm chợ, càng
lúc càng gần thêm, phía trường học, trụ sở xã. Trời sáng rực bên ngoài, hình
như có lửa cháy. Mé sông, ngoài vòng đai chi khu, đạn nổ rát hơn. Súng cối bắn
đùng đùng tới tấp, bay vèo vèo trên đầu. Vách nhà rung chuyển liên hồi. Phòng
trong người bạn kêu ơi ới. Kiền sực nhớ, bỏ chỗ núp dưới gầm phản chạy vào, thở
hào hển, cứng miệng nói không ra tiếng. Anh lôi bạn xuống khỏi giường, nàng thất
thần ngã vào người anh mềm nhũn như kẻ vừa trúng đạn chết không kịp ngáp”.
Tiếng nổ đó cùng lúc đã làm
sập một góc mái lớp học của Kiền!
Tình Hoài (Văn, số 210, 15-9-1972) là truyện khá thành công về kỹ thuật
truyện ngắn và truyện như một tự sự hoặc tác-giả không ở ngoài câu chuyện. Một
chuyện tình nhưng không bình thường vì nhân-vật xưng Tôi (L., viết tắt) và Tố
Nương trên danh nghĩa là chị em, nhưng mẹ nàng, Dì Thuận, thời son trẻ từng là
người yêu của cha của L. trước khi ông lập gia-đình. Dì cũng lấy chồng,
“ông Hồng Tố. Ông ta với ba
tôi là đôi bạn nối khố từ thuở hàn vi, từng đi kháng chiến với nhau, giữa hai
người, lý tưởng chí hướng như một định mệnh vô tình trói buộc lấy nhau không rời
nửa bước, họ khác nào hình với bóng, sóng với biển, núi và rừng. Đến nỗi cả hai
cùng yêu chung một thiếu nữ, tình cảm người nầy chính là tâm sự kẻ kia. Sau rốt,
ba tôi, kẻ chưa muốn trói chân vào hệ lụy thê nhi, tự ý rút lui khỏi cuộc chơi
tình cảm tay ba, để cho bạn mình tiến tới hôn nhân với người-ấy. Người-ấy chính
là dì Thuận ngày nay. Hai năm sau, trên đường xuôi ngược Nam Ngãi Bình Phú, ba
tôi gặp một cô gái bơ vơ ở Bồng Sơn, cưới làm vợ: mẹ tôi đấy. Dường như ông lấy
vợ cốt để cho bạn mình yên tâm và người-ấy khỏi bồn chồn?”.
Mẹ chết sớm (“Giả như
ông nghĩ đến bổn phận gia đình mà ném gói hành trang đi, dừng gót giang hồ lại
thì chưa chắc mẹ đã chết yểu trong lạnh lẽo côi cút. Với tôi, có cha cũng chẳng
khác nào mồ côi cha, đời nầy, tình phụ tử vốn đạm bạc, trong cảnh huống tôi, nó
càng mơ hồ mong manh gần như không. Nhớ mẹ, tôi thẫn thờ bước ra vườn đến bên cụm
hoa hồng trắng, những nụ hoa buồn tẻ lạc loài giữa các khóm hải đường, thược dược,
cúc đại đóa rực rỡ khoe tía phô hồng, trêu cợt gió đưa bướm lượn”).
Cha của L. thường khuyên con
cư xử với dì Thuận như dưỡng mẫu, nay ông đi mất biệt, hành tung của ông chỉ dì
Thuận là biết rõ. Sống chung lâu ngày dưới cùng mái nhà dì Thuận, L. thầm yêu Tố
Nương.
“Tôi vùng vằng ném mạnh cái
chổi xuống chân. Tố Nương sửng sốt, hai tay đưa ra chới với như thể muốn đỡ lấy
nó. Căn phòng hình như vừa rung rinh lảo đảo. Tôi tỉnh táo biết mình vừa làm một
cử chỉ bất nhã, vô cùng bất nhã. Hậu quả: hai giọt nước mắt ứa ra long lanh
trong đôi mắt mở lớn chị đang đăm đăm ngó tôi, lạc thần. Chặp lâu, tôi bước đến,
khe khẽ cầm cổ tay chị, dường như chị vẫn chưa tỉnh cơn chết giấc. Tôi từ từ
nâng bàn tay chị lên và tát mạnh vào má mình. Chị bàng hoàng rút tay lại, chớp
mắt, hai giọt nước mắt rơi nhanh xuống nền xi-măng vỡ ra thành hai chấm lớn.
Tôi ngẩng đầu lên nhìn sững
chị, ấp úng: - Giận tui không?
Tố Nuơng mím môi chặp lâu.
- Giận tui không?
Chị khẽ lắc đầu.
- Tui đáng ghét lắm phải
không?
Lắc đầu.
- Chị... thương tui không,
thương không?
Tố Nương cúi đầu, tôi cũng
cúi đầu theo: hai giọt nước mắt trên nền nhà vẫn chưa khô, chị dí ngón chân trần
xóa đi.
Suốt tuần lễ sau đó, chúng
tôi không gặp nhau dù vẫn loáng thoáng thấy bóng nhau hàng ngày, đúng ra, Tố
Nương lánh mặt tôi và ngược lại. Thời gian nầy, tâm hồn tôi như quyển sách vừa
lật qua trang mới, là lạ hay hay; một cảm giác mới, ngỡ ngàng thèn thẹn vui
vui.
Ngờ đâu, cái “im lặng cúi đầu”
đó (vì không có cách nào biểu lộ khác hơn, ý nghĩa hơn chăng?) là một liều thuốc
hiệu nghiệm trị dứt chứng “bệnh cảm xoàng” đeo đẳng trong đầu tôi lâu nay. Tôi
quên bẵng giấc mộng ra đi. Đi đâu nữa? Quả thật dì Thuận nghĩ đúng, sự ham
thích gàn bướng ương dở ấy chỉ nhất thời phút chốc. Một cái gì mơ hồ đang trói
chân buộc đời tôi ở lại đây? Riêng Tố Nương cũng có một thay đổi lớn ai cũng thấy
rõ: chị không còn cười đùa luôn miệng tối ngày như trước nữa. Vâng, chị biết
khóc rồi mà, lần đầu tiên (?), hai giọt nước mắt thần thánh, vì tôi. Vì tôi hết!
Đang mùa trăng sáng, dường
như tâm hồn tôi cũng sáng trăng theo. Biết diễn tả làm sao cho bạn hiểu những
rung động dịu dàng đang giao thoa với thiên nhiên vạn vật về đêm, những cảm xúc
tinh ròng trong vắt màu trăng suông, những nôn nao rạo rực trong lòng tôi. Lòng
tôi mặc áo mới. Lòng tôi đang khai hoa!”.
Cuộc chia tay nào mà không
có nét buồn, nhất là khi đã có tình với nhau:
“Tố Nương lặng thinh không
có ý kiến trước cuộc chia ly “thảm khốc”.
- Về trong đó rồi, L. sẽ trở
ra chứ?
- Chưa biết được, tùy ý ba.
- Biết rồi, L. cũng muốn xa
mình mà.
Tôi cuống lên tìm cách giải
oan cho lòng mình mãi mà líu lưỡi nói không được. Xúc cảm bồi hồi nghẹn ngang
ngực:
- Chị nghĩ láo! Tại ba tôi.
Cả dì nữa, bây giờ dì muốn đẩy tôi đi khỏi nhà, dì không nói ra nhưng mình dư
biết. Dưới mắt dì, tôi đâu có xứng đáng với chị...
- Thôi thôi thôi. Đừng chọc
mình khóc, tội nghiệp mình lắm.
Tố Nương bỏ chạy vào nhà, hẳn
chị bật khóc một mình trong phòng? Còn đâu nụ cười ngày nào, cười lúm má đồng
tiền, cười duyên mủm mỉm, cười chúm chím thẹn thùa thơ ngây? Tôi đứng ngẩn ngơ
giữa vườn, xác hoa rụng đầy mặt đất mà Tố Nương bỏ bê không thèm quét dọn. Cụm
hồng trắng vẫn nở bông héo muộn dưới cơn nắng lửa đầu hè. Làm sao bứng cây hoa
nầy về trồng dưới chân mộ mẹ?”
L. về với cha đem theo cái hộp
mà khi đưa, Tố Nương đã dặn: “Chừng nào ngồi trong lòng phi cơ bay giữa trời
mây rồi, L. mới được phép mở hộp ra. Nếu bất tuân sẽ gặp 'tai nạn'”. Bí mật tồn
đọng vì L. đánh mất cái hộp!
Hà Châu (Văn, 11-1972) mà Nghi được Cẩn giới thiệu đã trở thành thần tượng tình-yêu được Nghi vẽ vời thành Mộng (“tuyệt thế giai nhân”, “quý phái thơ mộng”), và khi Nghi khổ công từ Huế tìm đến nhà ở Hội An đã bị vỡ Mộng, vì Thực sẽ là một cô gái tên Chu bình thường - nhưng Nghi đã lỡ nên vẫn muốn ấp ủ hình bóng một Hà Châu trong Mộng. Trong khi Chu thì biết mình đang tham gia một trò chơi thú vị nhưng cũng nguy hiểm. Cuối cùng, họ lấy nhau và sinh con đặt tên là Hà Châu như đồng nghĩa với hạnh-phúc tìm thấy! Chuyện của những chàng trai lãng-mạn mới trưởng thành vào đời! Cũng nhẹ nhàng truyện tình còn có Cây Ngọc Lan Trong Vườn (Tuổi Ngọc, số 60, ngày 28-9-1972), ...
Hà Châu (Văn, 11-1972) mà Nghi được Cẩn giới thiệu đã trở thành thần tượng tình-yêu được Nghi vẽ vời thành Mộng (“tuyệt thế giai nhân”, “quý phái thơ mộng”), và khi Nghi khổ công từ Huế tìm đến nhà ở Hội An đã bị vỡ Mộng, vì Thực sẽ là một cô gái tên Chu bình thường - nhưng Nghi đã lỡ nên vẫn muốn ấp ủ hình bóng một Hà Châu trong Mộng. Trong khi Chu thì biết mình đang tham gia một trò chơi thú vị nhưng cũng nguy hiểm. Cuối cùng, họ lấy nhau và sinh con đặt tên là Hà Châu như đồng nghĩa với hạnh-phúc tìm thấy! Chuyện của những chàng trai lãng-mạn mới trưởng thành vào đời! Cũng nhẹ nhàng truyện tình còn có Cây Ngọc Lan Trong Vườn (Tuổi Ngọc, số 60, ngày 28-9-1972), ...
Ngoài ra là những truyện ngắn
về thời chiến như Cuối Ngày, Cuối Đường (Văn, 223, 1973), Cái
Đuôi Sao Chổi (Ý Thức), về những bất hạnh, tang thương của người dân và dĩ
nhiên cả những người yêu thương nhất cũng không thể tránh khỏi, Phạm Ngọc Lư viết
lên như chứng nhân hơn là người trong cuộc. Truyện Nhà Hầm (Văn, số
140, 15-10-1969) kể một chuyện tình đẹp thời chiến. Khởi từ nhà hầm trú mà
cả gia-đình nơi Huỳnh ở trọ thường xuyên phải xuống trú ẩn để tránh bom đạn,
pháo kích. Con người gần gũi nhau không lựa chọn trong một diện tích thu hẹp, cọ
xát là chuyện thường: Huỳnh và Cúc cọ da thịt, cơ thể áp sát, cùng hơi người và
thèm muốn dục vọng bất chợt, ...
“Những con muỗi bay vo ve
tìm da hút máu nghe vẫn rộn rã om sòm hơn thứ bóng tối nặng nề âm thanh súng đạn
chung quanh, Huỳnh nghĩ dại giá lúc này một trái đạn vô tình trổ nóc nhà rớt lọt
xuống hầm nổ tung… chắc mình cũng không biết gì, dưới tay, da Cúc nhớp nháp mồ
hôi, trong đêm mà nỗi run sợ như màng lưới dày mắc ràng rịt cảm giác, Huỳnh ngờ
ngợ cái khối mình đang ôm cứng (để trấn an những cảm giác chết chóc) không phải
là một sinh vật, một người đàn bà dù đang héo hon bám giữ từng chút sự sống.
Cúc vẫn thiếp đi trong nỗi im lặng cần có chỗ tựa. Rồi Huỳnh cũng chỉ là một
bao cát thừa thãi chẳng biết chất thêm vào đâu, chàng chẳng tìm thấy gì, ngày
thường đời Cúc vẫn thu khép lẩn trốn vào căn hầm riêng của chỗ tâm hồn ủ dột.
Chút thèm muốn nào đó bất ngờ nhú lên nhỏ nhoi như hạt cát đang rục rịch trong
bao cát dưới lưng, không chừng Cúc lường được mức độ tham lam quá đáng nơi bàn
tay Huỳnh, nàng khẽ đẩy chàng ra dành lại tấm chăn cuốn quanh mình. Có nhiều tiếng
chân chạy thình thịch ngoài đường, súng nổ tạt qua phía cổng, một vật gì bằng
thủy tinh vỡ loảng xoảng ở nhà ngoài, Cúc ôm chầm lấy Huỳnh ghì đầu chàng vào
ngực. Huỳnh thử lắng nghe nhịp tim Cúc đập hối hả, ngoạm lấy áo Cúc nhai kín miệng”.
Huỳnh ở trọ nhà bà Bé và
Cúc, còn Cúc không chừng trong vô thức đã gần gũi Huỳnh! Khi tiếng máy bay quần
trên bầu trời đã xa, mọi người ra khỏi hầm khám phá có xác chết một thanh niên
du kích 17, 18 tuổi theo VC đã chết trước nhà. Huỳnh lên cơn sốt, được Cúc chăm
sóc tận tình, cảm động. Huỳnh tỏ tình nhưng Cúc từ khước, nên lành bệnh là Huỳnh
bỏ đi. Sau này Cúc gởi thư cho Huỳnh, bộc bạch tâm tình đối với Huỳnh nàng xem
như em trai.
“Anh bảo yêu tôi ờ – anh có
quyền, tuổi trẻ, sự đam mê cộng với cơn sốt nung nấu giữa cái không khí im lặng
chết người đêm đó anh còn nói được trăm ngàn câu bốc đồng khác, bởi tôi chẳng
còn gì để từ chối hay chấp nhận. Tôi vẫn sống đẩy đưa lơ lửng chẳng chân thật với
mình chút nào. Hai mươi tám năm nay từ một kẻ tình phụ, chinh phụ rồi góa phụ,
tôi là người con gái không được lớn lên bằng từng đốt tuổi đàn bà, trái lại bằng
mỗi tảng đá nặng đè dí mình xuống, lạ quá chớ anh!”.
Huỳnh ra trường chuẩn úy,
tìm về nhà cũ nơi có nhà hầm chiến-tranh và tình ái, nhưng không gặp Cúc...!
Phạm Ngọc Lư đã có hơn chục
truyện ngắn đăng báo trước 1975 và qua vài truyện ngắn tìm lại được nhân Thư
Quán Bản Thảo ra số đặc-biệt về nhà văn, chúng tôi có cảm tưởng tác-phẩm của
ông có điểm khác các nhà văn trẻ cùng thời đó. Có chiến-tranh nhưng không nhất
thiết là đề tài chính, có tình-yêu nhưng không xuôi chảy, trơn tru, dễ dàng, có
hiện thực đời-sống đang xảy ra nhưng rốt cùng chỉ là cái cớ, có triết lý nhưng
cũng không phải để thuyết phục người đọc,... vì thiển nghĩ truyện và thơ ở Phạm
Ngọc Lư đã đụng đến cái lõi nhân bản qua các phác thảo, nhận định, đã là những
diễn biến tâm sinh lý ông trình bày để nhân-vật tự xuất hiện. Riêng lời văn con
chữ mang thi tính đặc sắc, chọn lọc:
“Mới đó đã ba năm dài; chim
bay không tới, cánh rụng giữa trùng trùng thời gian xa hút. Can qua, máu lửa đã
lớn dậy cùng ngăn cách trời vực”, “thời gian đã tráng thủy nhiều lớp mới, đã lồng
bóng lũ lượt ảnh tượng xuống cái đáy ngưng đọng, bất biến”, “cả thành phố đó tựa
một cái khung mờ thu hẹp giữa ký ức từ lâu, vàng son sơn thiếp của tuổi nhỏ ngọc
ngà đã cháy rụi” (Mộng Thấy Mình Đã Chết),
“những con mắt thối tha lác
chột”, “thành phố hiu hắt như một góa phụ”, “lòng tôi lúc này lại sưng vù tê buốt
như có hàng triệu con ong con kiến đang phũ phàng đua nhau châm đốt”, “bao buồn
bực trong lòng tôi đang dần dần đóng váng (…) lòng tôi chùng xuống, mềm rười rượi
như sợi bún tàu vừa nhúng nước. Tôi đem sợi bún này ngắt ra từng khúc trải lên
trang giấy thành những dòng chữ gởi Xuyên, hy vọng nó mang đến cho nàng một món
ăn nhấm nháp đỡ lòng” (Một Chuyện Tình Phải Quên Đi), v.v…
Chữ Hán và điển tích cũng được
Phạm Ngọc Lư sử dụng một cách khôn khéo và khi cần. Tóm, muốn hiểu tâm thức con
người miền Nam nhất là những người trẻ, trí thức thời chiến trước 1975, hãy tìm
đọc thơ văn của Phạm Ngọc Lư - cũng như các nhà văn trẻ khác cùng giai đoạn.
Nguyễn Vy Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét