Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Văn Dung và những khúc xuân ca

Văn Dung và những khúc xuân ca
Với nhạc sĩ Văn Dung, bài hát đều gắn với một kỷ niệm nào đó sau mỗi chuyến đi thực tế, hay một cảm nhận trước cuộc sống, trước thiên nhiên, đất nước và tình người.
“Nhìn lại những ca khúc được viết ra, tôi có cảm giác nó luôn xảy ra ở những hoàn cảnh và tình huống khác nhau. Những âm thanh, những ý tứ, lời ca đó, như không biết từ đâu ùa vào trong tôi một cách mạnh mẽ và dịu dàng, thể hiện điều mà trước đó tôi không nghĩ tới một cách cụ thể”. Về người chiến sĩ biên phòng và mùa xuân, ông đã có ý định viết một ca khúc về đề tài này. Nhưng khi đặt bút viết lại chỉ được một câu nhạc rồi đành gác bút, vì không thể viết tiếp được nữa. Nhưng sau một chuyến đi thực tế năm 1976, tình cờ đọc được bài thơ Mùa xuân cho em của nhà thơ Dương Kiềm, như một sự đồng cảm, ông đã viết nhạc cho bài thơ một cách dễ dàng:
Xuân đi giữa biên cương
Mây mù giăng qua suối
Rừng trắng phấn măng gửi tặng em năm mới
Anh như gió xuân không mỏi, mang đầy hương núi hương hoa
Anh lại đi trên đường đầy hoa
Bản em khèn vui đỉnh núi
Chú bướm vàng khoe áo mới
Bầy ong thức vội rì rào hoa ban…
(Mùa xuân cho em - Phổ thơ Dương Kiềm)
Mùa xuân cho em tuy không được phổ biến ngay, nhưng cho đến nay, các đoàn nghệ thuật Bộ đội Biên phòng, Quân khu II và các chiến sĩ vẫn hát như chính bài hát của họ. Và phải đến hàng chục năm sau, câu nhạc dở dang mà ông đặt bút viết về mùa xuân, về người chiến sĩ biên phòng năm xưa, tưởng như không bao giờ viết được nữa lại vang lên trong ông:
Chiến sĩ ghìm cương ngựa, vuốt đầm mồ hôi
Cất cao đầu ngựa hí giữa núi non lưng trời
Nghe tiếng ngựa về qua, bản làng lòng hân hoan
Vui đón mùa xuân sang đồi nương tràn nắng ấm.
Tiếng ai hát ru từ những bản làng…
(Em và sắc trời biên giới)
Nhạc sĩ Văn Dung thường vẫn nói, không hẳn những bài hát cứ có hai chữ “mùa xuân” thì được gọi là bài hát về mùa xuân: “Nếu vậy thì có bao nhiêu bài thơ xuân hay sẽ có bấy nhiêu bài hát về mùa xuân được phổ nhạc?”. Nếu nói như trên thì mùa xuân mới ở phần câu chữ mà thôi. “Quân tử trí giả”, người “biết nghe nhạc” phải cảm được cái “xuân” ấy ở cái phần nhạc. Cũng như “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội…” (Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi), chỉ mới cất nhạc lên người nghe đã cảm được cả cái hồn cốt của Thủ đô mến yêu. Bởi thế, ngay cả khi phổ nhạc các bài thơ xuân, ông cũng luôn đặt ra cái chuẩn là phải “thổi hồn xuân” vào từng nét nhạc.
Mùa xuân có nhiều trong ca khúc của Văn Dung, nhưng với nhạc sĩ, mùa xuân được cảm nhận thầm kín và sâu lắng hơn cả là mùa xuân trong Những bông hoa trong vườn Bác. “Người ta cứ tìm mùa xuân ở đâu xa, nhưng nó lại nằm ngay trong mỗi con người, mỗi con người đã là một bông hoa, một mùa xuân trong vườn hoa của Bác” - Ông đã tâm sự như vậy về mùa xuân trong bài hát này:
Những bông hoa trong vườn Bác
Tỏa ngát hương mang tình yêu mênh mang của Người.
Mỗi mùa hoa một mùa quê hương
Mỗi màu hoa một màu yêu thương
Gợi nhớ về bao nhiêu kỷ niệm.
Em ơi nghe chăng mùa xuân tới
Xanh tươi muôn hoa, xôn xao cánh chim
Trong muôn tiếng ca dạt dào tình yêu thương.
Xanh trong mắt em một mùa xuân ngát hương...
Bài hát sáng tác vào đầu năm 1977, khi lăng Bác mới được khánh thành. Ông kể lại, ông khi đó đã bị “mời” ra khỏi đoàn người vào lăng viếng Bác cũng chỉ bởi cái dáng quá nghệ sĩ: Râu tóc dài, mặc quần jean. Người ta bảo ông ra đầu phố mà cắt tóc, cạo râu đi đã… Ấy thế mà nhìn đoàn người vào lăng viếng Bác, tối về ngồi đọc sách, những nét nhạc cứ nhảy nhót tuôn ra, đó là “Những bông hoa trong vườn Bác”. Có lẽ cũng vì vậy mà cảm xúc trong bài hát rất tự nhiên, rất chân thành, dung dị.
Và quả như ông nói “Nghệ thuật khi chúng ta chạm tay được tới thật vô cùng khó khăn, và cũng vô cùng hạnh phúc. Nếu chúng ta chỉ có cảm xúc và những ý tưởng tốt đẹp là chưa đủ, nó chỉ là chất xúc tác cho những nhạc sĩ tài năng chứ không phải cho những người viết nhạc tồi”.                       
 Hà Loan
Theo http://anninhthudo.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...