Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Đi qua thời gian

Đi qua thời gian 
Năm nay nghỉ lễ, vợ chồng con gái chọn đi Cali, mang theo 2 thằng con và một bà ngoại. Một công đôi việc, người con rể có ý định đem chiếc xe cũ qua cho cậu em trai vừa ở Việt Nam sang định cư, đồng thời thăm gia đình ở thành phố Norco luôn.
Con gái nói: “Tụi con lái xe, mẹ đi máy bay cho khỏe nghe.” Tôi lắc đầu. Nó dọa: “Mệt lắm, mẹ không chịu nổi đâu.” Tôi nói: “Con không nhớ mẹ đã từng đi xe đò Đà Nẵng –Sài Gòn như đi chợ sao, ổ voi ổ gà gì cũng từng trải hết.” “Mẹ à, lúc đó mẹ mới 30, bây giờ mẹ đã 70 rồi đó.” Bảy mươi hay ba mươi không thành vấn đề, quan trọng là tôi thích đi đường bộ để ngắm nhìn phong cảnh và cảm nhận được sức khỏe mình cũng chưa đến nỗi nào. “Mẹ nhất định rồi, con trả vé máy bay lại đi.”
Qua Cali, người bạn tôi muốn gặp lại nhất là Nguyễn Hữu Lân, đang bệnh, ngồi xe lăn. Email cho Phan Thanh Hòa, bạn thân của Lân, Hòa sốt sắn nhận lời và hứa sẽ làm tài xế cho “chị” trong suốt thời gian tôi qua đây chơi. Trường tôi ngày xưa nam nữ học chung, con gái bao giờ cũng được các “em” trai gọi bằng “chị”. Năm mươi năm qua, bạn bè trôi giạt khắp bốn phương trời. Ở hải ngoại, Cali là nơi tập trung nhiều học sinh Phan Châu Trinh nhất. Rất tình cờ, lễ mừng đại thọ 90 tuổi của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc được tổ chức tại San Diego cũng vào thời gian này. Bạn bè nghe tin tôi sẽ có mặt ở Cali, đã điện thoại, email tới tấp, rủ rê tham dự, dĩ nhiên là tôi hào hứng nhận lời. Tôi rất muốn gặp lại thầy. Thứ nhất, thầy là vị hiệu trưởng đạo đức đáng kính, thứ hai, tôi nhớ mãi năm đệ nhị, thầy dạy thay hai giờ Việt văn, bài giảng hôm đó là “Thề Non Nước” của Tản Đà: Nước non nặng một lời thề, nước đi đi mãi không về cùng non… thầy giảng rất hay, rất lôi cuốn để lại dấu ấn trong tôi mãi đến bây giờ.
Hòa báo tin: “Đã ghi tên chị rồi, lớp mình có Thu Liên, Thu Hà và thầy Tịnh Đức cũng về. Yên tâm.” Vui thật. Tôi đã gặp thầy TĐ nhiều lần, còn Liên và Hà ở tận Canada, giờ được hạnh ngộ đúng là ý trời. Gần ngày đi, tôi email cho Hòa địa chỉ nhà bà sui, nơi tôi sẽ ở lại chung vui Noel với gia đình, trước khi họp mặt cùng bạn cũ. “Hình như là xa lắm phải không Hòa?” Hòa reply: “Không sao, chỗ chị cách Hòa một giờ lái xe mà thôi. Khi nào đến nơi, cho Hòa biết.”
Lên đường từ 2 giờ sáng ngày thứ bảy, 8 giờ tối đến Arizona, ngủ lại khách sạn một đêm. Tới Cali lúc 3 giờ chiều chủ nhật (5 giờ chiều Houston), ghé vào một tiệm ăn nhanh ven đường, xếp hàng rồng rắn, cả tiếng đồng hồ, xe mới nhích được tới chỗ bán hàng. Tôi không thích ăn đồ Mỹ, nhưng không thể phủ nhận hamburger quán này rất ngon, cả khoai tây chiên nữa, dòn thơm tuyệt vời. Trời nắng đẹp, xe chạy êm ru qua những con đường dốc, những khu nhà yên tĩnh nhiều bóng cây, một vài người cưỡi ngựa đi thong thả trên đồi cỏ xa xa. Hình như nhà xây trên đồi giá đắt hơn bình thường, nhưng sao ở đây tôi thấy hơi bất trắc vì theo lời bà sui kể, dãy núi đá phía sau nhà có chó sói, lâu lâu chúng chạy ra quậy phá, có lần còn cắn chết con chó nhỏ nhà bên cạnh, cô bé chủ nhân người Mỹ chỉ biết sợ hãi ôm mặt khóc ròng, cho nên, mỗi sáng đi bộ tập thể dục, bà phải mang theo cây gậy đề phòng sói tấn công. Tôi nghe lạnh cả người. Đúng là gan cùng mình! Bà còn kể trước sân nhà có hai hồ lớn thả cá kiểng đủ màu, một hôm đàn cò từ đâu không rõ, bay sà xuống quắp mất mấy con cá đắt tiền. Từ đó, phải lấy tấm lưới đậy kín lại, mất hết vẻ mỹ quan, mất luôn phút giây thư giãn ngắm đàn cá đẹp.
Gọi điện cho Hòa. “Chị tới rồi hả? Bao giờ thì Hòa lên đón chị?” “Chắc qua Noel. 25 hay 26 gì đó.” “Được. Bạn bè bàn bạc rồi. Tất cả đều tập trung ở quận Cam, chị phải xuống đây ở mới tiện.” “Tùy các bạn thôi. Mình có hẹn sẽ ở nhà Cử.” Buổi tối, Hòa gọi lại: “Ngày 26 Hòa sẽ đón chị về nhà Hồng Đóa, ngày 27 họp mặt tại nhà Minh Nguyệt, 28 đi San Diego, 29 chị qua nhà Cử và ngày 30 sẽ đưa chị đi thăm Lân.” Gọi điện cho Hồng Đóa, nó nói: “Mi ở với tao là quá đúng. Con Cử không biết lái xe, ai chở mi đi chơi?” Vậy là thất hứa với Cử rồi. Gọi điện xin lỗi, Cử cười: “Không sao, Ái cứ vui vẻ đi, 29 qua Cử, hai đứa sẽ đi chơi bằng xe bus.” Tôi chưa hề đi xe bus nội địa trên đất Mỹ, một trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua.
Hồng Đóa ở thành phố Irvine, trong khu apartment nhiều bóng mát, gần phố chợ, khang trang, thuận lợi. Nhà có một bếp, một phòng ngủ, một phòng khách mở ra bao lơn rộng thoáng, cây xanh và hoa tươi phô sắc hương đằm thắm, lung linh trong ánh nắng chiều. Nội thất đơn giản, salon bọc nỉ xám, bàn thờ Phật trên cao, cây thông noel còn đứng lặng lẽ nơi góc phòng, cạnh chiếc laptop nối qua màn hình tivi lớn, tạo nên không gian gần gủi, thân mật. Thấy màn vi tính còn sáng đèn, tôi hỏi: “Ủa, mi đang làm việc hả?.” “Ờ, tao làm mấy cái slide show, sắp xong rồi. Mi thấy tao giỏi không Ái?” Bước qua bộ bàn ăn ngay cửa bếp, thấy trên lò, một nồi nước màu hồng đang sôi liu riu. “Mi nấu chi rứa?” “Tao đang làm cá.” Tôi tròn mắt, Đóa cười, cầm lấy cái khuôn hình con cá lớn cỡ bắp tay, dùng muỗng múc chất nước màu nâu nhạt rưới vào đáy khuôn, lắc nhè nhẹ: “Cá làm bằng đông sương nè, chờ lớp này ráo, sẽ đổ lên lớp màu khác, dần dần, sẽ ra con cá 7 màu. Mi thấy tao giỏi không Ái?” “Mỗi người làm một món hả?” “Tao không biết nhưng lát nữa, tao sẽ làm thêm món chạo tôm.
Tối nay, anh Tuấn đi đón Thu Liên Thu Hà. Ngày mai các bạn đón tiếp tụi bây tại nhà Minh Nguyệt đó.” “Còn slide show thì sao?” “Khuya tao làm tiếp, mà khi mô làm chẳng được, đâu có gấp. À, mi thích phim Hàn Quốc không? Tối tao mở cho coi.” Đóa giúp tôi đem vali vào phòng ngủ: “Mi nằm đây, tao ra ngoài salon. Bây giờ thì… đi.” “Đi mô?” “Tao dắt mi đi chơi.” Tôi chỉ đám vật liệu bề bộn trên bếp, nó xua tay: “Thì cứ để đó, chút nữa về tính.” Nhìn nhỏ bạn vui vẻ, năng động mới thấy giá trị của hạnh phúc khi được sống một mình, tự do tự tại, làm chủ hoàn toàn thời gian của mình. Chợt nhớ đến một bài viết tình cờ thấy trên mạng, có câu: “Hạnh phúc của tuổi già là muốn làm gì thì làm.” Nghe cũng hơi “chướng”, nhưng ngẫm lại… có lý thật.
Đường phố sạch sẽ, yên tĩnh. Hồng Đóa chở tôi đi lòng vòng, rồi ghé vào một hiệu ăn Nhật Bản. Ghi tên vô tờ giấy để sẵn, ngồi đợi cho đến lúc được gọi cũng mất gần một tiếng đồng hồ. Những dĩa đồ ăn xinh xắn đẹp mắt, ung dung chạy trên băng chuyền, phô trương vẻ hấp dẫn cho thực khách tùy ý chọn lựa. Đặc trưng là susi đủ loại kèm theo miếng cá sống trắng hồng. Tôi chưa bao giờ ăn cá sống. “Mi thử ăn đi, ngon lắm.” Tôi thử một dĩa, cũng được, không có mùi vị tanh như mình nghĩ, nhưng… vẫn thấy ghê ghê. “Thôi, tao chịu.” “Vậy tao lựa món nấu chín cho mi nghe.” Ăn uống no nê, hai đứa đi loanh quanh cho giãn gân cốt, rồi ghé vào một siêu thị Đại Hàn gần đó, rảo khắp các quầy trà, bánh, trái cây… Đẹp nhất là những kệ gỗ chưng bày kim chi, hũ lớn hũ nhỏ, rất đa dạng, đầy màu sắc. Ra về, hai bà già quên mất chỗ đậu xe, tìm một lúc mới thấy. Lại nghĩ đến 4 câu thơ của chị Hỷ Khương: “Đến tuổi này không quên mới lạ, chuyện lãng quên là chuyện bình thường, chỉ mong Phật độ Trời thương, quên in ít, đừng quên tất cả.”
Ngủ một giấc thật ngon. Mở mắt, đã nghe tiếng gọi: “Ra đây, cho mi coi nè.” Trên bàn ăn, nổi bật tác phẩm “Đôi Cá” của Hồng Đóa vừa hoàn thành, đẹp ngoài sức tưởng tượng của tôi. “Mi thấy tao giỏi không Ái?” Đóa chạy vô bếp mang tác phẩm thứ hai ra: món Chạo Tôm được trang trí dưới dạng những đồng tiền vàng, xếp theo hình lông công rất mỹ thuật. Lại hỏi: “Mi thấy tao giỏi không Ái?” Tôi lấy máy hình ra chụp, rồi hai đứa khệ nệ mang tác phẩm ra xe. Đóa nói: “Tối qua tao có gọi anh Tuấn, anh nói máy bay trễ vì tuyết rơi nhiều quá. Sáng nay anh sẽ ghé khách sạn đón Liên Hà đến nhà Minh Nguyệt luôn”, rồi lên xe phóng thật nhanh: “Mi thấy tao giỏi không Ái?” Đây là câu hỏi khôi hài của Đóa, cô nàng còn có tài kể chuyện tiếu lâm, những câu chuyện “người thật, việc thật” rất thâm thúy và có duyên. Bây giờ thì tôi trả lời: “Giỏi, biết rồi khổ lắm nói mãi.”
 Đôi cá
Gặp nhau quanh bàn tiệc, những người bạn mà lâu nay tôi chỉ nhìn thấy hình trên mạng, nay hiện ra bằng xương bằng thịt, ánh mắt hân hoan, bàn tay ấm và nụ cười rạng rỡ.
Vui họp mặt
Lớp Nhất A tôi chỉ có 6 người: Thu Liên, Thu Hà đến từ Canada, Hồng Vân, Hồng Đóa, Phú và bạn nam duy nhất là Hòa.
 Minh Nguyệt học sau tôi 2 lớp và những người bạn cùng niên khóa như Tuấn, Quảng, Bông (nam), Thu, Nhụy, Hòa (nữ). Đặc biệt, có chị Thương học trước chúng tôi cũng đến từ Canada. Những đôi “uyên ương” đến tuổi hoàng hôn vẫn mặn nồng hương lửa: Đông –Phú, Hòa –Đào, Trâm –Thu, Tuấn –Hòa, Quảng –Nga, Bông –Nhụy, và nổi bật nhất là Thầy Bảo –Minh Nguyệt, chủ nhân ngôi nhà xinh xắn tại thành phố Garden Grove.
Bánh bèo, bánh ướt, chạo tôm, chả ốc, thịt gà… rượu và nước ngọt tràn đầy, mọi người vừa ăn vừa bàn chuyện ngày mai đi San Diego dự lễ thượng thọ thầy Hiệu Trưởng.
Quà cáp đã mua xong, xe cộ cũng sẵn sàng. Thầy Bảo cầm máy hình ra, tình nguyện làm phó nhòm cho những lão bà ham vui. Khỏi đi đâu xa, khoảng đất cây nhà lá vườn do một tay thầy Bảo trồng trọt, chăm sóc là nơi lý tưởng cho những khung hình vừa ý. Trong ánh nắng vàng đầu xuân ấm áp, các bạn tôi tha hồ tạo dáng bên hòn non bộ, sau khóm hoa xinh, trên chiếc cầu bán nguyệt bắc qua thảm cỏ mịn màng…
Hội ngộ U70
Hoa và người
Ấn tượng nhất là giàn cây trái thơm ngon sau nhà: mảng cầu, thanh long, khế ngọt, cam, bưởi… đang độ vào mùa, mơn mởn, tươi xanh, làm tăng thêm nét duyên thầm của các “người mẫu”.
Minh Nguyệt
Huỳnh Phú
Đỗ Thu
Hồng Đóa
Thu Hà 
Thu Liên
Chị Thương
Trong phòng khách, dàn Karaoke đang chờ đợi chúng tôi. Vừa hát, vừa ăn chè Thái Lan và lục tào xá do Minh Nguyệt nấu, thêm một nồi bún bò đầy chất lượng trên bếp dành cho buổi tiệc chiều.
Tuấn và Phố đêm
Sau nửa thế kỷ xa cách, buổi họp mặt đầy ý nghĩa giữa những người bạn đồng môn đã đem lại cho nhau niềm cảm xúc khó quên. Ra về, mỗi người còn được hai vị chủ nhân hiếu khách tặng 2 đĩa DVD và CD kỷ niệm, hình ảnh đẹp lung linh trên nền nhạc nhẹ nhàng… Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi, chim vẫn hót sau vườn nhà tôi, giọt nắng bâng khuâng, giọt nắng rơi rơi bên thềm, bài hát bâng khuâng, bài hát mang bao kỷ niệm những ngày đã qua…
Tôi đã đưa vài tấm hình lên Facebook, có em học sinh cũ ở VN comment: “Cô ơi, bạn của cô đẹp quá. Các cô ấy bằng hay nhỏ tuổi hơn cô vậy?” Ý nó chê tôi già đây! Tôi trả lời: “Bạn cùng lớp dĩ nhiên là bằng tuổi cô rồi. Tại các cô ấy ăn bơ sữa nên xinh đẹp trẻ trung, còn cô ăn bo bo nhiều quá nên mới xấu xí già nua như vậy đó em.” Tủi thân quá!
Thầy hiệu trưởng
Lễ thượng thọ thầy Hiệu Trưởng được tổ chức tại nhà hàng trên một ngọn đồi thơ mộng, có xe con đưa khách đến tận nơi. Tôi đã gặp lại cô Liệu dạy Anh văn năm đệ thất và thầy Duận tổng giám thị với biệt danh Kennedy. Có một kỷ niệm vui vui. Nhớ năm đệ nhị, thầy phạt lớp tôi đứng ngoài nắng một giờ vì đùa giỡn trong lúc chào cờ. Sau đó vào lớp, thầy bắt mỗi học sinh đứng dậy “đơn ca” bài Quốc Ca. Dĩ nhiên là ai cũng hát được, trừ TTT chỉ thuộc câu mở đầu… Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi… sau đó là hát theo giai điệu tành tành tành tanh tanh tanh tánh tành tanh tánh… khiến thầy buồn cười tha không phạt nữa. Bây giờ TTT là Tỳ kheo Tịnh Đức, chủ trì ngôi chùa lớn tên Đạo Quang ở Dallas. Tuy việc đạo bận rộn nhưng thầy vẫn dành thì giờ qua San Diego mừng thọ thầy Hiệu trưởng và tái ngộ bạn bè.
Đệ Nhất A 63-64
Tôi còn gặp bạn cũ Quỳnh Chi vui tươi hạnh phúc, gặp Như Hảo học trên tôi hai lớp vẫn còn đẹp lắm, rồi còn gặp bà xã thầy Quân và cô con gái Nam Phương (bé Gà). Những năm thầy đi học tập về, tôi thường ghé thăm thầy, hồi đó, bé Gà nhỏ xíu, ốm nhom, bây giờ đã trở thành cô gái đầy sức sống, cao đẹp như người mẫu. Mọi người tập trung ở sảnh nhỏ, chào đón thầy cô Hiệu Trưởng và gia đình. Ở tuổi 90, trông thầy rất khỏe, đi đứng nhanh nhẹn, nét mặt hân hoan trong vòng vây thân ái của các cựu học sinh từ bốn phương về tụ hội. Lễ được tổ chức trong sảnh lớn. Lớp tôi được xếp ngồi cùng bàn, nhân tiện, thầy Tịnh Đức mời các bạn chiều về, ghé quán Bồ Đề Tịnh Tâm ăn chay. Sân khấu tràn ngập hoa tươi, các con cháu của thầy Hiệu Trưởng lần lượt lên bày tỏ tình cảm đối với người cha, người ông, người cố đáng kính, rồi cùng hát bài “Ơn Nghĩa Sinh Thành”… nụ cười chen lẫn nước mắt thương yêu. Các liên lớp lên tặng quà và chúc thọ. Buổi lễ kết thúc bằng bản hợp ca “Phan Châu Trinh Hành Khúc”. Học trò đứng chật sân khấu. Hình ảnh được post lên trang Web của trường, Đan Thanh ở Đà Nẵng gửi tặng chúng tôi hai câu thơ:”Ôi bạn bè xưa của lớp mình, sao mà cứ đẹp, cứ tươi xinh.”
Chúc thọ Thầy Hiệu trưởng
Đêm cuối ở nhà Hồng Đóa, bên tách cà phê và bánh ngọt, hai đứa lan man nói chuyện trên trời dưới đất, những kỷ niệm thời đi học, thầy cô và bạn bè, kẻ còn người mất… bước vào tuổi thất thập cổ lai hy, sức khỏe chập chờn như ngọn đèn trước gió, không biết tắt lúc nào. Giây phút bên nhau thật là đáng quí.
Buổi sáng dậy muộn. Hồng Đóa đưa tôi qua nhà Cử. Cô nàng đang chờ tôi bên chảo chả giò nóng hổi. Cử không dự lễ mừng thọ thầy Hiệu Trưởng vì khi Cử vào trường thì thầy đã ra đi. Cử chỉ vào Phan Châu Trinh năm đệ nhất nên bạn bè không nhiều. Tôi không thân với Cử, nhưng hai đứa có một kỷ niệm độc đáo mà không phải ai cũng có được. Đó là ngày gặp nhau trong… bệnh viện, nằm cùng phòng, cùng sinh đứa con gái đầu lòng đúng ngày rằm trung thu năm Quí Sửu (1973). Tuy không cùng giờ sinh, nhưng hai cháu bây giờ cũng học hành thành đạt, có gia đình hạnh phúc. Cử cũng ở một mình, tầng trệt trong một chung cư của nhà nước tại thành phố Santa Ana. Cử cho biết vừa mới dọn đến nên đồ đạc còn bề bộn, thông cảm nghe. Tôi nói không sao, căn phòng quá tốt, Cử là người hạnh phúc thứ hai mà mình gặp. Cử ngạc nhiên: “ Hạnh phúc gì?” “Là được ở một mình đó.” Cử cười, dọn chả giò, rau sống ra bàn: “Ăn đi Ái, rồi mình ra chợ Phước Lộc Thọ chơi.” Trạm xe bus ngay cổng nhà Cử, thật là tiện lợi. Chỉ vài phút thôi, chiếc xe to đùng đã trờ tới, tấp ngay lề. Xe bus ở Mỹ rất tôn trọng khách, chờ khách lên hoặc xuống hẳn hoi, mới đóng cửa lại, chạy tiếp. Không như ở VN, vừa bước một chân lên, xe đã chạy khiến khách té dúi dùi, và khi xuống cũng thế, hết sức nguy hiểm, bởi vậy, xe bus ở VN được báo chí tặng biệt danh là : “Hung thần trên đường phố.” Nghĩ muốn lạnh xương sống! Xe dừng ngay trước chợ. Ba ông Phước, Lộc, Thọ bằng đá trắng niềm nở đón khách phương xa. Chợ rộng rãi sầm uất, nhưng không đẹp bằng chợ Hồng Kông 4 ở Houston. Hai đứa đi dạo qua các cửa hàng quần áo, nữ trang, băng dĩa… chọn được 2 CD của Mai Hương có những bài tôi rất thích như Tạ Từ (Tô Vũ), Bóng Chiều Tà (Nhật Bằng), Hình Ảnh Một Đêm Trăng (Văn Phụng)… Vào tiệm sách, không thấy gì mới, hai đứa chụp chung một tấm hình, nhờ cô bán hàng bấm máy. Chiều qua nhanh, Cử rủ đi ăn nhưng tôi muốn về nhà. Mấy ngày nay bụng chưa có hột cơm nào, chỉ thèm cơm. Nhớ hoài món cá nục kho dưa cải của Cử, ăn mãi quên thôi.
Cử và Ái
Sáng dậy sớm, ngồi bên máy vi tính uống cà phê, xem những bài thơ của Cử. Hàn huyên tâm sự chưa xong, Hòa đã bấm chuông cửa. Như đã hẹn, Hòa sẽ đưa tôi cùng Thu Liên, Thu Hà đến thành phố El Monte –Los Angeles thăm Lân. Email từ tháng trước, chắc giờ này, Lân đang mong ngóng ba cô bạn của một thời áo trắng học trò. Không ngờ, đây là lần gặp cuối.
16/2/2014
Thùy An
Theo http://www.art2all.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...