Xuân chơi cùng: "Người về với Như"
Đối với người Việt, có lẽ không từ nào gây nôn nao và thương
thiết như tiếng “về”, nhất là khi năm hết tết đến, giữa dòng người bát ngát như
nước sông mùa xuân đang đổ về muôn ngả. “Về quê”, “về nhà” là về với quê hương - nơi ta sinh ra với hình hài nguyên sơ nhất, là về với mái nhà - tổ ấm của ta
và cũng là nơi ta cởi bỏ mặt nạ xã giao để sống chân thành nhất với bản diện của
mình. Có thể hiểu một cách đơn giản mà không hề hời hợt rằng, “Như” là “Nhà” và
“Người về với Như” là “Người về Nhà”.
“Nhật Chiêu” là cái tên quen thuộc trong giới đại học, trong
giới nghiên cứu và cả trong giới sáng tác văn học. Độc giả chưa hết ngạc nhiên
về sự tinh tế, sâu sắc, tài hoa của Nhật Chiêu trong Basho và thơ Haiku,
Thơ ca Nhật Bản, Nhật Bản qua chiếc gương soi, Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến
năm 1868, Ba nghìn thế giới thơm, Câu chuyện văn chương phương Đông,… thì lại
ngạc nhiên về một loạt tập truyện ngắn, thơ với phong cách nghệ thuật lạ lùng
mà đầy hấp lực: Người ăn gió và quả chuông bay đi, Mưa mặt nạ, Viết tên
trên nước, Lời tiên tri của giọt sương, Ân ái với hư không, Tôi là kẻ khác. Rồi
gần hơn là những bài giảng, bài thuyết của Nhật Chiêu về nghệ thuật học, lý luận
văn học hiện đại đương đại phương Tây trên giảng đường, viện nghiên cứu, salon
học thuật cũng gây tiếng vang rộng rãi do cách lựa chọn và trình bày vấn đề của
ông vừa mới mẻ, độc đáo lại khiến người nghe dễ tiếp nhận.
Nhưng gây ngạc nhiên nhất cho nhiều người có lẽ là tập Người
về với Như mới ấn hành đầu năm mới này. Ngạc nhiên bởi người ta thường
nghĩ rằng trong học thuật cái tên Nhật Chiêu gắn liền với “văn học Nhật Bản”,
“văn học nghệ thuật nước ngoài”, “người tình của văn chương thế giới” mà ít ai
nghĩ rằng ông cũng là một kẻ tình si của thơ ca Việt Nam suốt từ thời Lý Trần
cho đến nay. Chính từ những hiểu biết rộng rãi và sâu sắc về văn học thế giới
đã giúp cho Nhật Chiêu khám phá ra nhiều vẻ đẹp của thơ ca Việt Nam, bằng hình
thức mà ông gọi là “tương chiếu”, tức ánh chiếu nhau, hay mượn ngọn lửa của văn
chương xứ người để soi sáng cho văn chương xứ minh, vượt qua cả không gian và
thời gian.
Người về với Như là tập tùy bút thơ ca bao gồm 34 bài viết,
trong đó chiếm phần chủ yếu là các thi hào thi bá lẫy lừng nhất trong lịch sử
văn học Việt Nam, tuy tên tuổi quen thuộc, nhưng lại rất tân kỳ bởi được nhìn
nhận, kiến giải từ những góc độ mới của một đôi mắt và ngọn bút luôn kiếm tìm,
phát hiện ra những cái mới. Tập sách này cũng thể hiện rõ nét được tài năng đa
diện của Nhật Chiêu: khảo cứu, dịch thuật, sáng tác – tất cả được kết tụ, hòa
quyện vào nhau, mà cái độc đáo, cái hay, cái đẹp về ý tưởng, cấu tứ cho đến
ngôn từ được thể hiện một phần ngay trên nhan đề của mục lục sách: Thiên hạ
ai cười với Tố Như?, Cảm thức “buồn trông” trong Truyện Kiều, Những con sóng và
chốn bình an, Linh sơn trong lòng ai, Ngồi nhìn mây trắng mọc, Hãy lắng nghe
hoa, Như một chiếc thuyền không, Nghe tiếng vượn trầm, Vần thơ sinh tử của Vô
Nhị Thượng Nhân, Xoay mình một cái thong dong, Về cõi vô tâm cưỡi chơi cánh diều,
Đường hoa bên nắng bên râm, Người ảo hóa sự chiêm bao, Nguyễn Trãi: Mới hay kìa
nước nọ hư không, Tùng cô tịch hát, Đi giữa cõi sen hồng, Gió mưa ngầm đổi người
ca múa, Ai nói cười trong mây biếc, Đâu chỉ Đào nguyên có cội đào, Cực lạc là
đây, Hồ Xuân Hương – Hoàng Chân Y và huyền thoại người nữ, Nằm trong hạt cải,
Ngủ với phù vân, Rơi một hồi chuông, Về chơi bên ấy, Bước đi của núi, Lệ bóng
hoa tan, Người ôm lấy muôn loài, Tâm linh và huyền bí sắc dục trong văn chương,
Hàn Mặc Tử và Han Yong-un: Thơ ca của niềm im lặng, Bùi Giáng “chơi”, Triết lý
Tarot và Truyện Kiều: từ ngây thơ đến thế giới, Huyền bí tranh Haiga, Người về
với Như.
Ở đó, Nguyễn Du được Tuệ Trung của Việt Nam, Silessius và
Holderlin của Đức, Vương Duy, Thôi Hiệu và Trương Duyệt của Trung Quốc, Han
Yong-un của Hàn Quốc, Issa và Ikkyu của Nhật, Walt Whitman của Mỹ, Tarot của
phương Tây soi sáng, làm bật lên “tiếng cười mang thinh không, bay suốt thiên
thu”, “giải thoát cho sự vật”, “thâm trầm hơn giọt lệ” trong thơ chữ Hán và hé
mở cái “buồn trông” “vừa hướng ra ngoài vừa vọng vào trong”, nhưng “ít bóng tối”,
“nhắm hướng cái đẹp mà đi”, cái cảm thức “buồn nhưng ái ân với cuộc sống”trong
Truyện Kiều của Tố Như. Tuệ Trung Thượng Sĩ được sư Thường Chiếu của Việt Nam,
Yajin và Shurin của Nhật Bản, Trang tử, Vương Duy, Sư Giới, Vương Xương Linh,
Lý Bạch, Đỗ Phủ và Tạ Tam của Trung Quốc, Tagore của Ấn Độ soi sáng, làm lộ ra
“hình ảnh một khách trần đang chơi, phiêu bồng với sóng”, “hình bóng Tuệ Trung
như một cánh chim bay lượn trong khói sương trên nước, ngây ngất tiêu dao”, làm
phát ra “âm thanh của đáy sâu”, “cái nguyên thanh của tâm hồn” trong thơ Trần
Tung. Nguyễn Trãi được Vương Bột, Vương Duy, Đạo Nguyên, Lý Bạch của Trung Quốc,
Nangai, Buson, Sesshi, Ryokan, Issa, Boncho, Shiki, Ryoroku, Kikaku, Sodo,
Takakocủa Nhật, Bettt Drevniok và George Swede của Mỹ soi sáng, cho chúng ta thấy
được “những chiêm bao tan vỡ và hình thành liên tục”, “cái nghi ngút mênh
mông”, nghe được “tiếng nói cười trong mây biếc”, cảm nhận được “cái đẹp của
hương và bóng” trong thơ Ức Trai. Hồ Xuân Hương được sư Thiền Lão của Việt,
Hwang Chin-I của Hàn, Sei Shonagon của Nhật, Emily Dickindson của Mỹ soi sáng,
làm ta có cái nhìn nhất nguyên về nghệ thuật nhị phân “cung Ma và cõi Phật”,
“bóng tối” và “ánh sáng”, “vũng tang thương” và “mùa xuân cực lạc” cùng “cái
nhan sắc” như “cái gì đó cụ thể, trần thế, va chạm” trong tác phẩm của Bà chúa
thơ Nôm. Ngô Thì Nhậm được Vương Duy, Lý Bạch, Chora soi sáng, khiến người đọc
như nghe được “tiếng lời của cái thấy”, “tiếng lời của dư vang”, “tiếng lời
nguyên thanh” và “tiếng gọi ẩn giấu của trời đất” trong thơ phú Hải Lượng thiền
sư. Hàn Mặc Tử được Hàn Long Vân soi sáng, làm hiển hiện “thứ ngôn ngữ đang tìm
kiếm niềm im lặng”, “niềm im lặng của Ai”, “niềm im lặng của Trăng và Thơ”,
“tình yêu của niềm im lặng” trong thơ Phong Trần. Bùi Giáng được Heidegger, Tản
Đà soi sáng, làm phơi bày một “thế giới hỗn độn chập chờn”, một “phong cách du
mục”, một “ngữ ngôn cuồng dại”, một “trò hài” “nghịch thơ”, một “giọng nói lố bịch”
mà hiền minh của thi sĩ trung niên. v.v. Trên đây chỉ là một vài ví dụ dẫn ra từ
tập Người về với Như cực kỳ phong phú đa dạng với hàng chục thi nhân
khác, cả Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc được Nhật Chiêu cảm mến,
tìm gặp, tâm tình.
Và từ đó, vẻ đẹp của văn chương Việt Nam phát sáng, tỏa
hương, lên nhan sắc làm say mê lòng người. Cũng có thể nói “Như” trong sách này
là cái Đẹp, vậy “Người về với Như” cũng là “Người về với Cái Đẹp”, cái đẹp
nguyên lành, thuần khiết, như thơ như ngây mà đầy quyến rũ thể hiện một cách vừa
cụ thể vừa huyền ảo qua hình ảnh Linh sơn của Nguyễn Du, Đào nguyên của Ngô Thì
Nhậm, đỉnh Vân Tiêu và cánh diều của Huyền Quang, con thuyền rỗng không của Tuệ
Trung, qua âm thanh từ chiếc đàn không điệu của Trần Thánh Tông, qua tiếng suối
của Nguyễn Trãi, tiếng cười của Hồ Xuân Hương,… Nó khiến những ai chưa từng yêu
văn chương xứ ta cũng phải tự giận mình, còn những ai đã yêu lại càng thêm đắm
đuối. Tất cả tình cảm, cảm xúc, ấn tượng ấy sẽ đến với những ai mang trong lòng
hạt mầm tình yêu văn chương, vẻ đẹp tiếng Việt và Người về với Như sẽ
là một tia nắng ấm, một dòng nước mát khiến cho hạt mầm ấy nảy chồi sinh sôi.
Tập sách này cũng sẽ làm hài lòng những người ưa vẻ đẹp thanh
nhã, mỹ thuật bởi ngoài ảnh bìa đẹp đúng như tranh chạy dài qua cả hai bìa thì
bên trong còn được điểm xuyết bằng một số kiệt tác tranh Haiga của Nhật mang
cái đẹp đặc hữu “giản ước, ẩn giấu và trống vắng” trong sự tương chiếu với thơ
haiku của Issa, Shiki, Chora. Cả chữ và tranh đều được in trên nền giấy êm dịu
ánh mắt và tê tái những ngón tay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét