Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Buổi sáng trong vườn

Buổi sáng trong vườn
1*. Mưa rải đều trên thảm cỏ, mây xám chùng thấp, thi thoảng một làn chớp lóe lên, văng vẳng tiếng sấm rền xa xa. Gió phất lay những hàng cây trước nhà nghiêng ngả, đêm xuống nhanh hơn, khí hậu mát dần. Cô học trò tôi nói đúng, qua tháng chín sẽ hết nóng thôi.
Sáng sớm ra vườn, ngắm nhìn những hạt sương đọng trên cây lá, phản chiếu ánh nắng vàng tươi, tâm trạng người xa xứ cũng nhẹ bớt nỗi niềm. Tôi đang đứng ở một nơi cách đất nước mình nửa vòng trái đất, làm bài tập thể dục Hương Công thường lệ, rồi tay đánh đường xa, bách bộ quanh vườn, đến khi mỏi chân thì ngồi xuống chiếc ghế bên hiên, cúi đầu, nghiêng cổ hết cỡ về bên phải, bên trái… đủ bảy mươi hai lần, đó là “bí kíp” chống nhức mỏi cánh tay. Nhớ thời bao cấp, cuộc sống nhọc nhằn, lao động cật lực, cơ bắp làm việc nhiều khiến cánh tay phải của tôi bỗng nhức nhối khó chịu. Uống thuốc, đi chữa trị nhiều nơi vẫn không khỏi, đành phải nghỉ ngơi một thời gian. Rồi tự nhiên, cơn đau dứt hẳn như một phép mầu, có thể nhờ sức trẻ, tôi đã vượt qua.
Bước vào tuổi già, cánh tay bỗng lại trở chứng. Đi bệnh viện, bác sĩ phán: “Thiếu calci” rồi cho một toa thuốc nặng tiền, uống ngày uống đêm, vẫn không thấy hiệu quả gì. Than thở với mấy bà bạn cùng đi tập dưỡng sinh, được một bà mách nước: “Thuốc thang gì, vẽ chuyện! chẳng qua là dây thần kinh cột sống cổ của chị bị chèn ép đấy thôi. Tôi chỉ cho chị bài tập này nè, bảo đảm trong vòng ba ngày, chị sẽ bớt đau ngay.” Tôi ngoan ngoãn làm theo. Nói ba ngày thì hơi lạc quan, nhưng khi tôi tập khoảng mười ngày thì cánh tay nhẹ dần, rồi lành hẳn lúc nào không biết. Tôi báo tin vui, khen bà bạn: “Chị đúng là Hoa Đà tái thế.” “Thì tôi cũng học lóm của ông bác sĩ đông y quen thôi mà. Nè, hết đau cũng phải tập thường xuyên đấy nhé, bảo đảm không bao giờ bị lại.” Không chờ khuyên bảo, tôi vẫn siêng năng tập mỗi ngày cho đến khi bận bịu làm giấy tờ, rồi đi khám sức khỏe, phỏng vấn… Tôi bỏ tập một thời gian. Qua đây được vài ngày, cánh tay bị tê nhức, tôi mới giật mình và bắt đầu tập thể dục cổ trở lại. Sau một tuần, tay tôi giảm đau thấy rõ, nhủ lòng từ nay, không được làm biếng nữa, sức khỏe là vàng mà.
Một ngày như mọi ngày. Tập tành xong, tôi thở sâu cho không khí trong lành tràn đầy buồng phổi, rồi pha một tách cà phê sữa nóng, ngồi nhâm nhi vị thơm đắng ngọt ngào, thả hồn lên mây trắng trời xanh … chợt thấy vườn nhà tôi sao mà đơn điệu, buồn tẻ quá. Phân ranh với vườn nhà khác là dãy hàng rào gỗ ghép bằng những miếng ván mỏng đơn sơ, cao quá đầu người. Tôi thầm nghĩ, như vậy ăn trộm nhảy qua dễ như chơi, nhưng rồi cũng không lo lắm vì nếu chuyện có thể xảy ra thì cũng xảy ra rồi. Con gái nói: “Mẹ làm như ở Việt Nam hồi đó.” Lại nhớ đến thời khốn khó, lương tiền ít ỏi mà sao cứ bị mất trộm hoài. Chiếc quần, cái áo phơi trên dây, đôi dép để ngoài cửa… sơ sẩy một tí là bốc hơi liền.
Trước tầm mắt hạn hẹp của tôi là diện tích khoảng vườn vuông vắn, thảm cỏ mượt mà, vạt đất trồng chanh ớt, dấp cá, tía tô … rải rác vài loại cây ăn quả còn nhỏ xíu như đào, ổi, hồng… không biết bao lâu mới đơm hoa kết trái?… Và bao la trong tim tôi là một không gian vườn khác, xanh tươi hơn, thơ mộng hơn cùng những kỷ niệm êm đềm thời bé dại làm tôi mãi nhớ hoài.
Dễ chừng đã hơn nửa thế kỷ, tôi vẫn không quên ngõ vào nhà dì Ấm- bạn của mẹ tôi, với hai hàng chè tàu thẳng tắp rẽ qua hai phía. Chính giữa là bức bình phong bằng đá khắc dòng chữ nho sắc sảo, cạnh bể nuôi cá vàng, nổi bật hòn non bộ rêu phong với những hình tượng tí hon như mục đồng thổi sáo, tiều phu đốn củi, ngư ông thả lưới… soi bóng xuống mặt nước trong veo. Qua một sân rộng trải sỏi là căn nhà trệt ba gian hai chái đồ sộ với những bức hoành phi sơn son thiếp vàng, những bức tranh thủy mạc mơ màng sương khói đã một thời làm tôi mê mẩn. Càng mê mẩn hơn nữa là được cùng đám trẻ hàng xóm bày những trò chơi buôn bán, năm mười, đánh thẻ, ô làng, ù mọi… trong ngôi vườn rộng thênh thang, cây trái trĩu cành.
Ba cây nhãn được trồng bên chái phải, cao lớn sum suê. Để tránh thất thoát, đến mùa nhãn chín, dì tôi thường thuê những thanh niên lực lưỡng leo lên cây, dùng mo cau bọc từng chùm nhãn thành những chiếc lồng lơ lửng. Tôi không nhớ thời gian là bao lâu, chỉ biết những hôm dì gọi người đến hái và chở những lồng nhãn ra chợ bán, vui như ngày hội, thế nào tôi cũng được một túi nhãn rơi, cơm dày và ngọt lịm.
Đào cũng nhiều. Những cây đào thấp, bốn mùa sai trái. Đào ở Huế không tròn như đào ở Mỹ, người Sài Gòn gọi là mận, trái hình nón trơn tru, màu lục nhạt và hồng tươi, ruột trắng như bông gòn, vị ngọt thanh. Tôi không thích ăn đào, chỉ thích hương thơm của lá. Mỗi lần đứng gần cây, tôi thường có thói quen ngắt vài lá vò nát trong lòng bàn tay rồi đưa lên mũi, cảm nhận một mùi hương dịu nhẹ, dễ chịu vô cùng đến nỗi tôi đã từng nuôi mộng là sau này lớn lên sẽ trở thành kỹ sư hóa mỹ phẩm, chế tạo một loại nước hoa có hương lá đào (đáng tiếc là chí lớn tài hèn!).

Khoảng năm, sáu cây mít ở cuối vườn, trái lớn, có rất nhiều công dụng. Đầu tiên, phần bên ngoài là vỏ mít gai lú nhú trải đều, dùng để “trừng phạt”. Tôi chưa hề thấy ai quì gối trên đó cả, nhưng mới nghe dọa cũng sợ hết hồn. Thứ đến, phần bên trong dùng để “phục vụ bao tử”: từ những múi mít chín vàng thơm lựng đến những món ăn chế biến từ mít, món nào cũng ngon không chê vào đâu được: Mít non làm gỏi hoặc nấu canh với tôm và lá lốt, xơ mít kho cá bống thệ, hột mít luộc chấm muối mè. Người Huế tôi thường có tính từ “mủ mít” để chỉ những người ít nói, nhưng “mủ mít” thật sự cũng rất có công dụng. Nhớ hoài những đêm mùa hè, tôi thường theo các anh chị lớn, lấy mủ mít trét trên cây que dài, đi bắt ve ve. Có lần tôi tóm được một chú ve mới lột vỏ, thân hình mong manh xanh biếc, run rẩy thấy thương, tôi không nỡ nhốt vào hộp giấy, nên chụp chú trong chiếc lồng bàn, chờ đến sáng, đem thả ra vườn để chú tự bay đi.
Bưởi nhà dì chỉ có hai cây, không phải giống Huế mà thuộc “dòng dõi” một loại bưởi nổi tiếng ở miền Nam. Hoa ra nhiều, đậu trái tròn to, múi dày mọng nước rất ngon. Thích nhất là mỗi lần có khách quí đến nhà, dì thường làm món gỏi bưởi với khô mực để ăn chơi trước khi nhập tiệc, mùi vị thơm cay nồng nàn… rồi còn những chùm khế ngọt, những trái ổi sẻ, trần bì xanh tươi, bồ quân hồng tím… đặc trưng cho quê hương tôi đến bây giờ vẫn chưa phai mờ trong ký ức…
Hoa nở khắp vườn và trên các lối đi. Nhớ thời gian trọ học ở nhà dì, những đêm thức trắng ôn thi, không gian tĩnh lặng, càng về khuya, hoa bưởi cùng những lài, hường, tỉ muội, ngâu, thiên lý… chung quanh tôi thi nhau thả hương theo gió đưa tâm hồn tôi bay bổng như lạc vào cõi tiên … Đêm thơm như một dòng sữa, lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà. Hiu hiu hương từ ngàn xa bỗng quay về dạt dào bên hè, ngoài trời khuya… (Dạ Lai Hương - Phạm Duy)
Nắng lên cao. Thời tiết dịu dàng. Tách cà phê vừa cạn, tôi đứng dậy thả bộ một vòng trước khi trở vào nhà. Mặt trời chiếu sáng những nụ hoa nhỏ xíu trắng ngần. Hoa ớt. Hy vọng sẽ có những trái ớt thật sự, nghĩa là phải cay như ớt Huế, bởi có nhiều lần ghé qua các nhà hàng, ăn những lát ớt mọng xanh, đường kính gần 2cm, chỉ thấy the the, khiến tôi có cảm giác là phụ nữ ở đây không biết ghen.
2*. Sáng nay mở cửa bước ra vườn, bàn chân bỗng mất cảm giác, hình như tôi đang lạc vào một ngăn đá tủ lạnh khổng lồ. Chung quanh tôi, trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, nắng vàng bàng bạc, gió nhẹ đón chào… thì không có lý do gì ngăn cản tôi trốn chạy. Tôi trở về phòng, mặc thêm áo ấm, quàng khăn, mang tất… đứng trước gương ngắm nhìn hình ảnh mình hơi lạ lùng một chút, vì đã hơn ba mươi năm sống ở Sài Gòn nhiệt đới, tôi đã quên hẳn trang phục mùa đông rồi.
Hồi sắp đi, định ra Lê Thánh Tôn sắm đồ lạnh nhưng bạn bè nói: “Đừng, để tụi này lo cho.” Vậy là áo len, khăn quàng, mũ, tất… có đến chục cái, chen kín va li. Có những chiếc áo thời trang hơn bốn mươi năm trước, từ lâu cất kỹ trong đáy rương kỷ niệm, bây giờ được lấy ra: “Mi biết không? Đây là cái áo đầu tiên tao học đan, mới xỏ tay một lần, giờ tặng mi nè.” Tôi cảm động mân mê cái cổ bẻ góc tròn, vuốt ve những hoa văn hình thoi đường nét đan sắc sảo trên nền áo nâu sẫm phớt vàng: “Mầu len thật độc đáo, lâu quá mới được thấy lại.” “Mi nhớ không? có một thời, mầu này rất được ưa chuộng ở Huế.” Nhìn cô bạn thân thời trung học giờ đã hom hem, ký ức lại tràn về. Nhớ mùa đông năm nào, hai đứa rủ nhau đi mua len về đan áo, dạo hết hai con phố, rã rời chân cẳng vẫn không tìm được mầu ưng ý. Cô bán hàng chỉ những cuộn len mầu nâu sẫm óng ánh vàng: “Hàng mới về, em mua đi.” Tôi lắc đầu: “Em thấy… hơi già, không hợp.” “Vậy là em theo không kịp thời đại rồi. Đây là mầu cổ đồng –thời trang tuổi trẻ trong mùa lạnh này đó. Em biết không, hàng về bao nhiêu, là hết bấy nhiêu, các tiệm đan len đã tranh nhau mua, chị bán đắt lắm.”
Lại được tặng những chiếc áo len kiểu mới rất hiện đại: “Tao đặt đan cho mi đó. Thích không?” “Đẹp thì có đẹp, những màu tươi quá, hơi bị trẻ.” “Vậy thì không sao. Tụi mình mới U 70 thôi mà, vẫn còn trẻ quá đi chứ.” Lạc quan thấy ớn. Bạn bè phê bình: “Con nhỏ này thật khó tính, màu len nào cũng không vừa ý, hồi còn trẻ thì chê màu già, đến khi già thì chê màu trẻ.” Tôi cãi: “Làm chi có, màu nào cũng được cả. Vì bây giờ mặc vào, có ai… thèm nhìn đâu mà kén cá chọn canh!” “ Có lý."
Thật ra, được trang bị đầy đủ như tôi bây giờ, không còn cảm thấy lạnh nữa, chỉ thấy đầu mũi hơi tê vì gió. Nhớ một câu chuyện đọc hồi còn bé, có nhà bác học chế ra một loại máy biến đổi không gian, chỉ cần đứng lên máy, ước đi đến đâu là sẽ được toại nguyện ngay tức khắc. Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu… là những danh lam thắng cảnh tôi từng mơ ước, sau này lớn lên, được đi suốt chiều dài đất nước, giấc mơ thời bé dại chìm vào quên lãng cho đến bây giờ… Lúc này, Huế đang trong cảnh mưa dầm gió bấc. Mùa đông ở quê hương tôi rất hiếm hoi những ngày nắng đẹp, giá như lúc này có được chiếc máy, tôi sẽ mang cả khung trời êm ả quanh tôi về đó, gió sẽ ngừng thổi, mưa sẽ thôi rơi… chỉ còn cái lạnh se se trong ánh nắng vàng trải nhẹ, rất thích hợp cho những cánh áo len khoe màu trên đường phố, trong sân trường, dưới những hàng cây lá xanh gần với nhau. Tuổi trẻ đã lùi xa gần nửa thế kỷ, sao mỗi lần nghĩ về, lòng vẫn thấy bâng khuâng.
Mùa đông ở đây có nhiều lễ hội lớn. Không khí thật rộn ràng. Ngoài lễ Noel quen thuộc, còn có lễ Halloween, lễ Thanhksgiving… thật lạ lẫm, dĩ nhiên là đối với riêng tôi –một kẻ chân ướt chân ráo –mà thôi.
Một buổi sáng trước ngày lễ Halloween, như thường lệ, tôi đi bộ một vòng khắp cư xá, thấy như lạc vào một cõi mơ hồ, rờn rợn, bởi phần lớn nhà nào cũng trang hoàng trước cửa… những bộ xương khô tay chân khẳng khiu chỉa thẳng lên trời, những hình thù ma quái, mặt trắng bệt, mắt thô lố, lưỡi thè ra cả tấc… Theo truyền thuyết, lễ hội này bắt nguồn từ dân tộc Celt, sống cách đây hơn 2000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh Quốc, Ái Nhĩ Lan và miền bắc nước Pháp. Ngày lễ hội này báo hiệu sự bắt đầu của mùa lạnh, của những ngày tối tăm thường được liên kết với sự tàn tạ và sự chết của loài người, cho phép những linh hồn người chết được trở về nhà trên trần gian vào đêm hôm đó.
Lễ Thanhksgiving vui hơn. Đây là một dịp sum họp gia đình ở Bắc Mỹ. Truyền thuyết về lễ này xuất phát từ thời xưa, khi những nhà thám hiểm Âu Châu đầu tiên đặt chân lên Châu Mỹ, thiếu thốn lương thực và có nguy cơ bị chết đói thì được những thổ dân da đỏ mang lương thực đến thết đãi. Thức ăn mang đến chủ yếu là gà tây và bắp. Sau đó họ còn được người da đỏ dạy cách đặt lươn, trồng bắp, săn bắt, v.v. và thiết lập một mối quan hệ hữu hảo với nhau. Cho nên, buổi tiệc gia đình trong ngày lễ Thanksgiving không thể thiếu món gà tây nhồi… thập cẩm. Lần đầu tiên ăn món thời thượng này, thấy giống như gà tam hoàng bán phổ biến ở chợ Việt Nam, thịt bở và nhạt, không đậm đà thơm ngon như gà ta mình.
Nói các bạn đừng cười, có chê tôi là bảo thủ, là “hai lúa” cũng cam tâm. Giữa chiều đông giá lạnh, trong gian phòng ấm áp, bên bàn tiệc tưng bừng hoa nến như thế này, tôi vẫn chưa hòa nhập được, vẫn nghĩ đến một tô cháo gà nghi ngút khói, một dĩa gỏi su hào, dưa leo, cà rốt, rau răm, đậu phụng… thơm hương tỏi ớt nồng nàn… Ngoài cửa kính, hoàng hôn trên xứ người chầm chậm trôi … Thời gian như ngừng trong tê tái, cây trút lá cuốn theo chiều mây, mưa giăng mắc khắp nơi tiêu điều, sương thướt tha bay ôi đìu hiu…(Đêm Đông -Nguyễn Văn Thương)
Lễ Giáng Sinh càng rộn ràng hơn. Trước lễ một tuần, trong cư xá, những biểu tượng ma quỷ được thay thế bằng những thiên thần ôm đàn hoặc thổi sáo, những cây thông đính ngôi sao, những hang đá, máng lừa, chiếc xe chở ông già Noel có bầy tuần lộc kéo… tất cả đều làm bằng vật liệu nhẹ có gắn điện. Đêm xuống, cư xá sáng bừng, ngay cả trên thảm cỏ, bụi cây… cũng lấp lánh hoa đèn gợi nhớ những ngày hội hoa đăng ở Thảo Cầm Viên năm nào giờ đã cách xa.
Không như ở Việt Nam, bên này hầu như nhà nào cũng trang hoàng cây Noel, cũng có tiệc nửa đêm dù không phải là Thiên Chúa Giáo. Trong những ngày lễ này, rộn rịp nhất là hoạt động của các đài Truyền hình: họ tổ chức những đêm dạ vũ, ca sĩ từ Việt Nam qua rất đông, rồi còn những hoạt động gây quĩ cho những bữa ăn từ thiện ở nhà thờ, nhà chùa, nhà dưỡng lão... Hoành tráng nhất là lễ hội Giáng sinh tổ chức ngoài trời, trong công viên rộng rãi, có văn nghệ cây nhà lá vườn, có nhân viên mặc trang phục Santa Claus phát quà nên phụ huynh dẫn con cháu đến rất đông. Tất cả đều được trực tiếp truyền hình. Ở Houston, hồi tháng bảy, chỉ có 2 kênh tiếng Việt, chương trình nghèo nàn đơn điệu, phát sóng toàn những bộ phim có từ thời ông Bảo Đại mới rụng rốn, bây giờ có thêm 3 kênh nữa, khá hơn nhiều. Kênh VietfaceTV thường xuyên chiếu chương trình Paris by night của Thúy Nga, tuy cũ nhưng xem lại cũng đỡ buồn, kênh SaiGon Network có mục hội thoại khá thú vị. Trội nhất là kênh GlobalTV, có chương trình Màu Kỷ Niệm thích hợp cho những người lớn tuổi đang sống bằng hồi ức như tôi. Vừa rồi, đài phát hình nhạc cảnh “Anh Không Chết Đâu Em” được làm lại từ năm 1995, cũng Nhật Trường và Thanh Lan nhưng tôi thấy không hay bằng ngày xưa dù khi đó chưa có Ti Vi màu. Đặc biệt, MC chương trình này là Như Hảo, học cùng trường PCT cuối thập niên 50, trên tôi hai lớp, sao giờ vẫn thấy trẻ trung năng động, chẳng tệ như tôi, tóc bạc da mồi, dung nhan xuống cấp trầm trọng, cả tháng chỉ dám nhìn vào gương vài lần thôi.
Cuối năm 2011
Thùy An
Theo http://www.art2all.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...