Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Hoàn cảnh ra đời: "Những bước chân âm thầm"

Hoàn cảnh ra đời của: "Những bước chân âm thầm"?
Nhớ thương Kim Tuấn (1938 - 2003)
Tôi quen Kim Tuấn trong một lần tình cờ gặp anh ở trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Biết tiếng đã lâu, nhưng đến năm 2000 tôi mới quen anh. Những ngày đến chơi với anh, và có lần anh đến nhà tôi, vẫn là con người dễ mến. Những ngày chơi với nhau, tôi khoe anh là tôi đang viết cuốn sách “Tội nghiệp Boléro” và cho anh xem bản thảo. Anh cũng đã góp ý và nói rằng nên in cuốn này. Vậy mà Kim Tuấn đã ra đi năm 2003, và quyển “Tội nghiệp Boléro ra đời năm 2005, anh chưa kịp nhìn thấy nó!
Kim Tuấn có tặng tôi mấy tập thơ, nhưng một kỷ vật mà Kim Tuấn đã gởi cho tôi là cuốn “Thế giới nghệ sĩ”, Kim Tuấn nói, em hãy giữ, vì trong tạp chí này có viết về cái chết của nhạc sĩ Trúc Phương và bài “Những bước chân âm thầm”. Mỗi lần tìm tài liệu trong cuốn “Thế giới nghệ sĩ” tôi lại nhớ anh.
Tôi nghĩ viết về Boléro mà không nói đến “Những bước chân âm thầm” là điều thiếu sót lớn. Những ngày ngồi bên nhau, tôi hỏi anh về “Những bước chân âm thầm”, với điếu thuốc trên tay, anh gõ vào chiếc gạt tàn và “Những bước chân âm thầm” từ từ… bước về. Tiếc rằng Kim Tuấn chưa đọc được bài viết này. Mới đó mà 14 năm! Nhớ anh, tôi đăng lại bài này như một nén nhang tưởng nhớ người thi sĩ có rất nhiều thơ được phổ thành nhạc nổi tiếng.

Kim Tuấn là một người làm thơ khá nổi tiếng trước 1975, và nhiều người biết anh qua những bài thơ phổ thành nhạc. Nhắc đến Kim Tuấn, người ta nhớ ngay nhạc phẩm “Anh cho em mùa xuân”, và “Những bước chân âm thầm”… hai bài hát này nằm trong số mười bảy bài thơ được phổ thành nhạc, một con số mà không phải người làm thơ nào cũng có được!
Bài hát “Những bước chân âm thầm” do nhạc sĩ Y Vân phổ từ bài thơ “Kỷ niệm” của Kim Tuấn. Khi nhạc phẩm ra đời từ 1960, nó đã làm mưa làm gió trong nhiều thập kỷ. Trong giai điệu Boléro từng bước… từng bước thầm… như có ma lực làm người nghe lúc bấy giờ đón nhận nó như một cao trào, bất cứ ở đâu, từ một quán vỉa hè, bến xe, nhà ga, đến nhà hàng sang trọng… từ học sinh, sinh viên cho đến anh nông dân, đâu đâu cũng nghe “từng bước… từng bước thầm”, quả là một bản nhạc nổi đình nổi đám.
Hoàn cảnh ra đời của “Những bước chân âm thầm”?
Tôi viết vào mùa nắng tháng 5 năm 1956, hồi đó tôi theo bố tôi lên cao nguyên lập nghiệp. Lúc bấy giờ, Pleiku chỉ là một khu phố nhỏ với vài trăm người Kinh cư ngụ. Khu phố núi nằm giữa rừng thông xanh, những cội thông già xác xơ buồn thảm do những người tù thời Pháp thuộc trồng trên những ngọn đồi đất đỏ, đứng mờ khuất trong những chiều sương mù.
Vào những ngày tháng đó, cả một thời tuổi trẻ, tôi chỉ còn lại những buổi chiều. Đôi khi với một hai người bạn thân, hoặc một mình thơ thẩn dạo trong rừng thông để thấy mình như trôi giữa trời đất. Những lần như thế, không có gì để vội vã, nên chân thường bước chậm, từng bước một, để nghe được tiếng lá thông khô xào xạc dưới chân mình, lẻ loi giữa chiều yên ắng mênh mông.

Giữa khung cảnh và nỗi lòng như thế, tôi viết bài thơ “Kỷ niệm” với câu mở của bài thơ: Từng bước, từng bước chân… Và nhạc sĩ Y Vân phổ thành “Những bước chân âm thầm” từ thập niên 1960.
“Những bước chân âm thầm” mang giai điệu Boston Rock, theo Y Vân nó rất thích hợp với bài thơ. Nhưng khi tôi đem bản nhạc này đến hãng đĩa Việt Nam để bán lấy tiền trả bữa nhậu với bạn bè ở nhà hàng Thanh Thế, thì bà chủ hãng dĩa đồng ý mua với điều kiện phải đổi sang nhịp Boléro cho phù hợp với thị hiếu là vừa vỗ thùng đàn, vừa hát lúc bấy giờ. Và “Những bước chân âm thầm” từ Boston Rock phải đổi sang Boléro từ đó.
Đã là mùa nắng nóng, vậy tại sao “Những bước chân âm thầm” lại “Hoa vòng rừng tuyết trắng”?
Đúng là bài thơ này, tôi viết ở Pleiku vào mùa nắng, tháng 5, trời lúc đó chỉ vừa chớm những cơn mưa. Nhưng khi thành nhạc đã chuyển mùa đông lạnh giá, tuyết trắng phủ đầy. Có nhiều bạn tinh ý hỏi tôi điều này, nhưng tôi chưa có dịp công khai cùng các bạn. Sự thật thì trong bài thơ tôi viết: “Từng bước từng bước thầm/ Hoa VÔNG rừng tuyết trắng…”. Bởi lúc đó những cây vông trong rừng thông đã nở bung những trái vông trắng xoá, và rơi xuống rừng thông như những hoa tuyết lơ lửng trong gió. Nhưng khi phổ nhạc, chữ “VÔNG” biến thành chữ “VÒNG”, nên hoa đã trở thành tuyết trong mùa đông!
Nhưng cho dù Hạ hay Đông, nhiều bạn đã hát “Những bước chân âm thầm” mà không bao giờ nghĩ đến lộn mùa, yêu nó không phải vì tuyết mà vì nỗi cô đơn âm thầm của nó”…
Và theo tôi, câu hay nhất trong bài hát và cũng là câu kết: … “Đời biết ai thương mình”…Câu này không có trong bài thơ “Kỷ niệm” nhưng nhà thơ Kim Tuấn cho biết do nhạc sĩ Y Vân viết thêm vào. Quả là hai tâm hồn đồng điệu đã làm nên một nhạc phẩm dễ nhớ mà khó quên…
TRẦN HỮU NGƯ
Theo http://lengoctrac.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Việt Bắc – Suối nguồn thi ca 15 Tháng Mười, 2023 Với người Việt Nam, Việt Bắc còn gọi là Tây Bắc, là ngôn từ có âm thanh sâu lắng và ý...