Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Thu cô liêu - Văn Cao

Thu cô liêu - Văn Cao
Thu cô liêu
Văn Cao - Ánh Tuyết
Trong các nhạc sĩ thời kỳ đầu của nền tân nhạc Việt Nam, Văn Cao cũng là một người có nhiều duyên nợ với mùa thu. 
Văn Cao (1923 - 1995) vốn quê Nam Định nhưng sinh tại Hải Phòng, do cha làm cai nhà máy nước Hải Phòng. Ông theo học văn hóa ở một trường dòng và cả nhạc ở đấy cho đến năm 15 tuổi, gia đình sa sút, phải bỏ học sau khi chỉ mới học xong năm thứ hai Cao đẳng tiểu học (tương đương THCS hiện nay).
Bấy giờ ở Hải phòng có nhóm Đồng Vọng do Hoàng Quý thành lập gồm có Hoàng Phú (Tô Vũ), Canh Thân, Đỗ Nhuận, Lê Thương ... Văn Cao tham gia vào nhóm này và viết tác phẩm đầu tay Buồn Tàn Thu (1939).

Văn Cao qua nét vẽ Trịnh Công Sơn
photo: vnExpress
Thật khó tưởng tượng một thiếu niên 16 tuổi lấy ý tứ đâu để viết những câu nhạc da diết, thác lời một chinh phụ buổi tàn thu...
Đêm mùa thu chết
Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng
Em ngồi đan áo
Lòng buồn vương vấn
Em thương nhớ chàng
Người ơi còn biết em nhớ mong
Tình xưa còn đó xa xôi lòng

Phạm Duy, giọng ca đầu tiên đem Buồn Tàn Thu đi gieo rắc khắp chốn lý giải:
"Vào đầu thập niên 40, nhạc tình ở Hà Nội nằm trong tay nhóm Myosotis (Hoa Lưu Ly) với những bài như Thuyền Mơ, Khúc Yêu Đương, Hồ Xưa... của Thẩm Oánh, Tâm Hồn Anh Tìm Em của Dương Thiệu Tước và trong tay nhóm Tricéa với những bài như Đóa Hồng Nhung, Bóng Ai Qua Thềm của Văn Chung, Bẽ Bàng của Lê Yên, Cô Lái Thuyền, Biệt Ly của Dzoãn Mẫn. Nhạc tình đang phổ biến dữ dội lúc đó cũng còn là của một người Nam Định, Đặng Thế Phong với ba bài hát mùa Thu: Đêm Thu, Con Thuyền Không Bến và Giọt Mưa Thu... Ở Hải Phòng, nhạc tình là địa hạt của Lê Thương với những bài đầu tay rất hay như Bản Đàn Xuân, Một Ngày Xanh (hay Bên Bờ Đà Giang), Nàng Hà Tiên... Nhất là với bài Thu Trên Đảo Kinh Châu soạn trên âm giai Nhật Bản và đang rất thịnh hành (đến độ đi vào nhạc mục của Hát Quan Họ ở Bắc Ninh).
Trong không khí nhạc tình lãng mạn toàn nói về mùa Thu như vậy, chàng tuổi trẻ Văn Cao cũng soạn ra những bài hát mùa Thu ... (Hồi ký I, trang 240-241)
Mời nghe chính Văn Cao nói thêm về bản nhạc đầu tay của mình:

Buồn tàn thu
Văn Cao - Ánh Tuyết
Năm 1942, Văn Cao từ giã Hải Phòng lên Hà Nội ở trọ ghi danh học dự thính Cao đẳng mỹ thuật, đồng thời viết văn làm thơ gởi đăng Tiểu thuyết thứ bảy. Và viết Thu Cô Liêu:
Thu cô liêu
Văn Cao - Hồng Nhung
Chàng thiếu niên 16 tuổi viết Buồn Tàn Thu có thể theo phong trào, nhưng chàng trai 19 tuổi nghe gió biết thu sang để viết Thu Cô Liêu thì mùa thu đã là một định mệnh của chàng. Cũng trong thời gian này ông viết  Bến Xuân và Suối Mơ, một bản nhạc thu:
Suối Mơ
Văn Cao - Hồng Nhung
Dừng lại tí nghe Phạm Duy phân tích về chút nhạc lý những tác phẩm đầu tay này của Văn Cao:
Lúc đó, những chàng thanh niên mới tập tễnh soạn ca khúc VN (như Lê Thương, Đặng Thế Phong, Hoàng Qúy, Văn Cao…) thường dùng một âm giai “mineure” hơi giống như âm giai của điệu Sa Mạc (re fa sol la do re). Những bài như Buồn Tàn Thu, Bản Đàn Xuân, Cô Láng Giềng, Con Thuyền Không Bến đều có chung một hơi hướng VN và một phong cách buồn bã như nhau.
Duy chỉ có Văn Cao là muốn thay đổi phong cách, cho nên sau Buồn Tàn Thu thì ông buông cái “re mineure” ra và dùng những âm giai “majeure” để diễn tả cái buồn (lúc đó chưa có nhạc vui trong Tân Nhạc như hướng đạo ca hay thanh niên lịch sử ca. Ngay Nguyễn Xuân Khoát và Đỗ Nhuận cũng còn bám vào âm giai “re mineure” để viết Hồn Xuân, Nhớ Chiến Khu hay Côn Đảo).
Không còn là ngũ cung “re mineure” nữa, và dù tác giả tuyên bố trong một cuốn video, đây là ca khúc của kẻ thất tình, nhạc điệu trong Thu Cô Liêu, Cung Đàn Xưa của Văn Cao là nhạc chủ thể Tây Phương (musique tonale) với những áp âm (notes sensibles) làm cho nét nhạc có nhiều cảm tính. Nhịp điệu là thể valse đầy lưu luyến và cũng đầy luyến tiếc.
Sau đó, trong hai bài nhạc tình về mùa Thu và mùa Xuân là Suối Mơ và Bến Xuân, bao giờ nét nhạc mineure mở đầu cũng rất là lâng lâng rồi cũng sẽ chuyển qua một nét nhạc majeure ngắn để diễn tả một niềm vui thoáng qua. Hình ảnh người tình trong cả hai bài hát này đều rất là lộng lẫy, cao sang. Tình cảm của cả hai bài nhạc tình đều không dìm con người vào cõi u tối, trái lại làm cho người nghe thấy một chút hạnh phúc. Con suối trong rừng Thu buồn muôn thuở là vì còn lưu luyến hương vị tình yêu của chúng ta. Ðứng trên bến Xuân để nhìn những cánh buồm xa xa và nghe tiếng chim ca như lưu luyến cuộc tình vừa qua của chúng mình … 
Nghe Bến Xuân kiểm chứng nhận định của Phạm Duy nhé.

Bến Xuân 
Văn Cao - Cao Minh
Theo Phạm Duy, Suối Mơ vốn là một đoạn của bản Trương Chi I, bản Trương Chi nổi tiếng sau này chính là Trương Chi II.
Trương Chi 
Văn Cao - Ánh Tuyết
Cuối năm 1944, Văn Cao tham gia Việt Minh, sáng tác Tiến Quân Ca, vào đội ám sát ..Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Văn Cao viết báo, tham gia ban chấp hành hội Văn hóa cứu quốc, sáng tác một số ca khúc nổi tiếng khác như Làng tôi (1947), Ngày mùa (1948), Tiến về Hà Nội (1949)... và đặc biệt là Trường ca Sông Lô (1947)
Sông Lô sông ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u.
Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu

Trường Ca Sông Lô - NSND Quang Thọ [Official MV] - YouTube
Đây là bản trường ca đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam, được Phạm Duy đánh giá "Là một tuyệt phẩm mà những người đi sau Văn Cao (như tôi) đã học hỏi được rất nhiều ở ông để tiếp tục làm giàu cho âm nhạc Việt Nam". 

Sông Lô - NSND Quang Thọ
Trương Chi, Trường ca Sông LôThiên Thai được xem là ba tuyệt phẩm của Văn Cao và cũng là của tân nhạc Việt Nam. Mời nghe Ánh Tuyết trình bày Thiên Thai:
Trương Chi - Ánh Tuyết - YouTube
Trường ca Sông Lô (Ánh Tuyết) - YouTube
Thiên thai - Ánh Tuyết - YouTube
Sau 1954 Văn Cao làm việc cho Đài Phát thanh. Ông cũng có viết cho Nhân Văn Giai Phẩm nên sau khi phong trào này bị đánh, ông hầu như ngừng sáng tác ca khúc, chỉ viết một số nhạc không lời làm nền cho phim, kịch .. cùng nhận vẽ minh họa, trang trí sân khấu .. để kiếm sống. Mãi cho đến cuối 1975, mới sáng tác trở lại với ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên, tuy nhiên ca khúc này cũng chỉ trình bày được đôi lần rồi bị cấm cho đến thời Đổi mới, mới được hát trở lại.
Trong loạt bài 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam, Hoài Nam đã dành cho Văn Cao hai chương trình:

70 Năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Phần mở đầu - YouTube
70 Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam - Phần 01 – Nguyễn Văn
Văn Cao 1
Văn Cao 2
Còn đây là chương trình do Thụy Khuê thực hiện trên RFI ngay khi nghe tin Văn Cao mất (1995). Ở đây ta sẽ nghe một số kỷ niệm với Văn Cao của Phạm Duy, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Trịnh Công Sơn, ...

Tưởng nhớ nhạc sĩ Văn Cao
Khung K
Theo http://8khung.blogspot.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...