Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Các ca khúc gắn với Tam Kỳ

Các ca khúc gắn với Tam Kỳ
Tam Kỳ đã trưởng thành từng ngày, từng giờ, qua những chặng đường phát triển khác nhau, và thứ để người ta dễ dàng hình dung ra từng chặng đường đã qua ấy chính là những bài hát, những ca khúc gắn với Tam Kỳ, mà nghe bài hát đó để cảm nhận chân thực nhất những chặng đường mà Tam Kỳ đã qua. Có thể là bài hát “Tam Kỳ chiều qua thị xã” đến một “Tam Kỳ ơi, phố thân thương giữa lòng miền Trung”, hay “phố Tam Kỳ hôm nay rạng ngời trong những mùa hoa” và “phố trong làng, làng nằm trong phố”, những bài hát mang đậm dấu ấn riêng về Tam Kỳ, gợi nhắc lòng tự hào quê hương.
Tam Kỳ hôm nay
Tam Kỳ trong những năm 1997 là một thị xã tỉnh lỵ Quảng Nam, tỉnh vừa được chia tách từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, lúc bấy giờ bao gồm nhiều phần đất của huyện Phú Ninh ngày nay như Tam Thái, Tam Dân, Tam Lãnh, Tam An, Tam Đàn, Tam Thành, Tam Vinh, Tam Phước. Nền kinh tế lấy phát triển nông nghiệp làm trọng yếu. Qua cái nhìn của nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa trong bài hát “Tam Kỳ khúc hát yêu thương”, thành phố Tam Kỳ hiện lên với những “cánh đồng dừng dưng biển cả, con kênh trôi xa trời nước bao la”, hay “mênh mông mặt hồ trời mây lung linh” … Và có những địa danh của thị xã Tam Kỳ cũ vang vọng trong ca khúc: Chiên Đàn, Tam Thái, Phú Ninh, Chóp Chài. Với tình yêu Tam Kỳ, người nhạc sĩ này cũng đã cảm nhận sự phát triển của thị xã đang bắt đầu mang dáng dấp một phố thị trong tương lai, để từ đó ông “ngỡ ngàng giữa bao phố xá” với những “công trường đổi mới thênh thang”. Ca khúc “Tam Kỳ khúc hát yêu thương” được sáng tác trong những ngày đầu của thị xã Tam Kỳ còn non trẻ, nhưng nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa đã cho chúng ta cảm nhận được những đổi thay to lớn trên quê hương thân yêu, để rồi từ đó, ca khúc vang lên với niềm tự hào “nhịp sống hôm nay rộn ràng” của một “con tim giữa lòng Quảng Nam…”.
Chợ mới Tam Kỳ
Sau ca khúc này, nhiều nhạc sĩ khác cũng đã có những cảm nhận riêng về sự phát triển thành phố Tam Kỳ qua các chặng đường. Khi Tam Kỳ bắt đầu phát triển vượt bậc, nhất là trên lĩnh vực đô thị, nhạc sĩ Hoàng Bích đã cảm nhận những cung đường đang được xây dựng và vươn xa. Qua ca khúc “Chốn xưa ta về”, ông cho thấy Tam Kỳ với những hình ảnh mới như: “đường Quảng Phú vui sao”, hay “lên Trường Xuân qua Nguyễn Hoàng” và những “con đường phố hoa đang tươi màu” … Năm 2006, Tam Kỳ được công nhận là thành phố loại 3. Với bước phát triển này, Tam Kỳ đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng. Những cung đường to rộng được hình thành để đáp ứng nhu cầu phát triển của một thành phố trẻ. Ở các vùng nông thôn, sự phát triển cũng diễn ra không ngừng. Sắc màu nông thôn đã có những đổi thay mà nhạc sĩ Hoàng Bích đã ghi lại qua ca khúc “Chốn xưa ta về”. Đó là những “thênh thang nẻo đường quê”, “rợp bóng cây xưa”, để từ đó tác giả phải ngỡ ngàng trước sự phát triển của quê hương Tam Kỳ mà thốt lên rằng: “thấy nhiều đổi thay nghe chừng như huyền thoại…”.
Hoa bằng lăng một góc đường Tam Kỳ
Khi Tam Kỳ bắt đầu cho một thời kỳ mới, thành phố chú trọng vào phát triển thương mại dịch vụ và đẩy mạnh phát triển du lịch. Nhiều thứ cũng đã đổi thay trên quê hương. Nếu như hình ảnh biển Tam Thanh những năm về trước qua ca khúc “Tam Kỳ khúc hát yêu thương” của nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa chỉ là một “đêm trăng Tam Thanh vọng khúc dân ca” thì nay, với sự đầu tư mạnh mẽ cho du lịch biển, hình ảnh Tam Thanh qua ca khúc “Âm vang Tam Kỳ” của nhạc sĩ Trần Quế Sơn đã là “người về rộn vui Tam Thanh”, hay qua ca khúc “Tam Thanh biển gọi” của nhạc sĩ Lê Xuân Bá đã là “ai về Hạ Thanh vui cùng biển xanh khi mùa hè sang rộn vang tiếng cười…”. Song song với quá trình phát triển kinh tế, các cấp lãnh đạo thành phố Tam Kỳ cũng đã đặt ra nhiều phương hướng để xây dựng Tam Kỳ thành một đô thị xanh phát triển bền vững. Do vậy, trên các tuyến đường trong thành phố, ngoài sự đầu tư cơ sở hạ tầng thì công tác tầng hóa hệ thống cây xanh cũng được chú trọng. Nếu như những năm về trước, cây Sưa chỉ rợp bóng ở rừng Cừa thì nay, Sưa được chọn trồng nhiều trên các tuyến đường trong thành phố và trở thành một trong những điểm nhấn của đô thị Tam Kỳ. Để rồi qua cảm nhận của nhạc sĩ Nguyễn Cường trong ca khúc “Rực rỡ lên hoa Sưa” mới đây, hình ảnh hoa Sưa đã “dát vàng thành phố tuổi thơ Tam Kỳ” và “ngàn hoa trải thảm, triệu hoa trải thảm, mưa hoa, mưa hoa…”. Trong đồ án quy hoạch chung đô thị Tam Kỳ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, ngoài sự phát triển đô thị xanh, thành phố cũng đã chú trọng đến sự phát triển đô thị với việc cải thiện chất lượng môi trường ở, bảo tồn không gian cảnh quan và các giá trị văn hóa làng quê. Theo hướng phát triển này, thành phố Tam Kỳ đã triển khai nhiều kế hoạch, phương hướng để phát triển vùng Đông Tam Kỳ. Trong ca khúc “Chiều Tam Kỳ” mới sáng tác trong thời gian gần đây của nhạc sĩ Trần Quế Sơn, ngoài hình ảnh “hoa sưa trải vàng những lối đi”, người nhạc sĩ này cũng đã cảm nhận được thành phố Tam Kỳ đang trên những đổi thay to lớn khác. Đó là hình ảnh “phố trong làng, làng nằm trong phố”, “phố yên bình, lòng người mến khách” và “phố xanh ngời cỏ cây râm mát…”.
Tam Kỳ năng động hiện tại
Để đi đến ngày hôm nay, một thành phố trẻ, xu hướng hiện đại hóa là cả một chặng đường phát triển với biết bao gian khó. Qua những ca khúc của mình, các nhạc sĩ đã ghi nhận những đổi thay to lớn trên quê hương Tam Kỳ, cũng như thể hiện những cảm nhận riêng đối với thành phố thân yêu, đặt vào đó những niềm hy vọng mới về một tương lại mới rực rỡ Tam Kỳ.
Tam Kỳ Khúc hát yêu thương 
Trần Ái Nghĩa trình bày 
Thanh Trà VCD NHẠC QUẢNG NAM
Theo http://tamky.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...