Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Thăm chiến trường Điện Biên Phủ

Thăm chiến trường Điện Biên Phủ 
Cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: HM
Để tiết kiệm thời gian, sáng sớm (18-4) cả đoàn đã dậy, ăn phở 184 ở Sơn La, vội lên đường đi Điện Biên (160km), hy vọng trưa sẽ đến. Qua Thuận Châu, đường len lỏi qua các thị trấn nhỏ ven đường, nếu không có các cô mặc váy thêu, người đi xe máy đội mũ bảo hiểm cao lêu đêu, thì những vùng này cũng giống như bất kỳ miền trung du nào.
Đi khoảng hơn 30 phút, đường số 6 bắt đầu lên đèo, xuống dốc, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực thẳm. Bác đi cùng báo, sắp đến đèo Pha Đin dài 32 km, một trong tứ đại đèo của Tây Bắc.
Phiên âm từ tiếng Thái, Phạ là trời, Đin là đất, là nơi trời đất tiếp giáp nhau. Có một đôi trai gái ở hai phía đèo từng gặp nhau và hẹn gặp vào cùng một ngày xuất phát đi tìm nhau. Đi mấy ngày và gặp nhau trên đỉnh đèo, trai gái cùng lên “đỉnh” là tín hiệu tuyệt vời của tình yêu.
Sau những dốc dựng đứng, ngoằn ngoèo, nhìn phía xa có ngôi nhà cheo leo trên đồi trọc, rồi phía dưới thung lũng sâu hút, nhà cửa bé tý trong sương mờ trong thung lũng Mường Quài trải rộng, đồng lúa bậc thang xanh, thấy cột phát truyền hình cao vút hiện ra, đèo lên trời hiện ra trước mắt.
Trên đỉnh đèo chẳng có gì đặc biệt, xung quanh là rừng núi bao bọc, vài cửa hàng lèo tèo mấy thứ quen thuộc của vùng cao như mật ong rừng chắc gì đã lấy từ rừng, thang thuốc bắc, mấy cảnh sát giao thông ngồi ngáp ruồi. Không nhìn thấy thung lũng, muốn xem phải đi bộ 1-2km. Mới biết nhà thơ Tố Hữu giỏi tưởng tượng khi viết bài thơ “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên”
Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh
Chưa bao giờ lên đèo cao tới 1.648m, rất nhiều đoạn cua nguy hiểm (cua thì luôn nguy hiểm rồi), đất đồi dễ sụt lở, thỉnh thoảng có đá lăn, rất đáng ngại, ngày xưa toàn đi bộ, thế mà Tố Hữu viết như đã trèo đèo lên đó.
Đường số 6 đi Điện Biên. Ảnh: HM
Pha Đin là nơi 8000 dân công hỏa tuyến đưa lương thực, súng đạn, đi chiến trường Điện Biên, bom đạn ném xuống chặn đường. Cha ông dùng xe thồ, gánh gạo, lên đỉnh đèo mấy chục km, chắc ít người còn hò hát được, nhưng có lẽ họ không tiếc tuổi xanh cho tương lai.
Từ khi Sơn La và Điện Biên được công nhận thành phố, đoạn đường giữa hai nơi được cải tạo và nâng cấp, đủ hai làn xe chạy, có barrier khá an toàn. Lên đỉnh đèo mà không có cảm giác là đỉnh nên có lẽ nhiều du khách thất vọng. Cả nhóm ngồi đi lòng vòng, ngắm mấy con lợn Mán thả rông, ngắm cái cổng của VTV, tìm cách đái ra rừng, rồi xuôi Điện Biên.
Thăm chiến trường xưa
Chiến trận thay đổi lịch sử có nhiều: Marathon năm 450 trước công nguyên, Borodino và Waterloo của Napoleon ở thế kỷ 19,  Đức Anh (1940), Leningrad (1941-1945), công phá thành Berlin, Gettysburg…là những trận chiến cổ điển, máu đổ thành sông. Trận Điện Biên Phủ năm 1954 cũng là một trong những cuộc chiến mang tầm vóc thế giới như vậy.
Điện Biên Phủ được nhắc tới trong cẩm nang của các trường quân sự về sự đối đầu của hàng trăm ngàn bộ đội áo vải, dân công chân đất và xe thồ, đấu với 16 ngàn quân Pháp danh tiếng.
Một bên là tướng Giáp chưa tốt nghiệp trường võ bị nào, một bên là tướng Christian de Castries từ một gia đình danh giá của Pháp, bằng cấp đầy người. Chiến thuật biển người đấu với súng đạn hiện đại. Sự kiên nhẫn trong đánh lấn của tướng Giáp đã khiến Christian de Castries phải kéo cờ trắng đầu hàng sau 55 ngày đêm.
Hố sâu hoắm do bộc phá 1 tần.. Ảnh: HM
Như một sự trùng lặp, đoàn được ở trong khách sạn A1. Xem trong sách lịch sử, cánh học trò cứ nghĩ A1 là một cái đồi khổng lồ, nhưng tới nơi mới thấy cũng bé, trèo lên đỉnh không khó. Nhưng khi lên đỉnh mới thấy tầm nhìn bao quát toàn bộ cánh đồng Mường Thanh, từ đây có thể khống chế toàn bộ khu vực.
Tới quán ăn ở góc đường Hoàng Văn Thái chân đồi A1, một bác trong quán kể lại khá chi tiết, từ nơi đây quân đội Việt Nam đã nhiều lần tấn công, lính ta chết như rạ do phía Pháp ở trong hầm ngầm kiên cố bắn ra đến nỗi súng đỏ cả nòng. Bác còn chỉ xung quanh là chiến trường đẫm máu xưa, có ngày tới cả ngàn người chết, giờ đây phố xá đã mọc lên.
Trên đỉnh A1 có chiếc xe tăng Pháp đã bung xích, méo mó, có lẽ nó đã bị trúng đạn đại bác hay bazooka của bộ đội Việt Nam
Xa chút nữa là một cái hố khổng lồ được đánh bởi 1 tấn thuốc bộc phá, cách hầm ngầm đồi A1 vài chục mét. Chính cú nổ này đã làm quân Pháp hoảng sợ và kéo cờ trắng ra hàng. Sau nhiều thập kỷ, người ta cố tìm xem đường giao thông ngầm đã được đào từ đâu và ai đã tham gia, ai đặt thuốc nổ, và có bao nhiêu người hy sinh.
Chiều đó còn được thăm hầm De Cat (de Castries), nhìn trên phim ảnh cứ nghĩ là một ngọn đồi rất cao, nhưng trong thực tế chỉ bằng ngôi nhà 6-7 gian có mái che bằng thép cong. Trong hầm còn phòng chỉ huy, đèn tối lờ mờ, khách du lịch có thể vác cờ chạy và chụp ảnh với giá vài chục ngàn.
Thành phố Điện Biên
Đã 60 năm trôi qua với bào mòn của thời gian, nghèo đói qua mấy cuộc chiến tranh, Điện Biên từng là tỉnh khổ nhất nước, nhưng thăm A1 vẫn thấy đường giao thông hào, bao cát, cửa hầm còn lại, nghĩa trang liệt sỹ với những nấm mồ không tên, hầu hết mang tính biểu tượng, mới thấy hết được những cố gắng trong duy tu, bảo dưỡng những gì còn lại của chiến trường năm xưa.
Thành phố Điện Biên nằm gọn trong cánh đồng Mường Thanh nay đã đổi thay rất nhiều. Đại lộ chính được đặt tên vị tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp. Cờ bay phấp phới vì sắp đến 30-4 và 7-5, kỷ niệm 40 hòa bình cho Việt Nam và 61 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trung tâm Điện Biên. Ảnh: HM
Với số dân khoảng 100 ngàn bao gồm cả Kinh, Thái, Hmong, Điện Biên so với 10 năm trước đây đã thay đổi, ít người có thể nhận ra. Gặp một bác từ Thái Bình lên đây lập nghiệp từ 50 năm trước, bác vẫn còn nhớ Điện Biên sau cuộc chiến như thế nào và những năm sau đó, cứ nghĩ nơi này bị rơi vào quên lãng. Ngày xưa, tuần hai chuyến, bây giờ hàng ngày có vài chuyến bay Hà Nội – Điện Biên.
Trong blog có bác TamHmong, có lẽ là người Hmong, chắc hiểu rõ hơn cái tên Điện Biên Phủ có từ tiếng Thái là “Xứ Trời”, nơi được cho rằng sinh ra dân tộc Thái. Trong khu tưởng niệm chiến sỹ Điện Biên, phía bên trái có tượng đài phụ nữ dân tộc đứng sát cánh cùng đồng bào miền xuôi tham gia chiến dịch, chứng tỏ vai trò của các dân tộc ít người trong chiến thắng.
Đôi lời về tượng đài chiến thắng
Ở trung tâm có khu tượng đài chiến thắng xây dựng nhân dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện Điện Biên Phủ, trên đỉnh đồi cao nhất (50m), từ đây có thể bao quát bốn phía toàn bộ bốn phía của thành phố.
Tượng đồng trên đồi D1. Ảnh: HM
Nghe nói đây là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam, có ba người lính bồng em bé dân tộc và lá cờ quyết chiến quyết thắng. Bên trong là bê tông cốt thép, phía ngoài là đồng thau, nặng tới 220 tấn, cao gần 17 m.
Khi lắp đặt xong, tượng đồng bị nứt, rỉ đồng xanh chảy ra từ thân tượng, đế tượng bị rạn vỡ, gây bão dư luận trên internet. Hình như một số người đã bị bắt vì vụ này. Kể cũng là một điều đáng tiếc, sự kiện 50 năm lịch sử Điện Biên Phủ nổi tiếng thế giới đã không trọn vẹn. Tượng đài rỉ đồng đã làm hoen ố hình ảnh và công lao hàng chục ngàn người lính áo vải đã ngã xuống.
Để đảm bảo mắt thấy, tai nghe, tôi lên tận đỉnh, đi vòng quanh dưới chân tượng đài. Dù đã cố gắng, nhưng các nhà điêu khắc, xây dựng tượng Việt Nam không vượt qua được motive quen thuộc trong  tượng đài, lại lính cầm súng, các em vẫy hoa, bà mẹ đứng đợi, có ở khắp đất nước này.
Tượng đồng 3 người lính trên đồi D1 cũng vậy. Tuy nhiên, vẻ mặt, cờ bay, và trong quần thể trên đồi D1 cao nhất thành phố, cũng thấy sự hùng vĩ của những người chọn vị trí đắc địa. Xung quanh khá sạch sẽ, đường đi bộ lên xuống cũng tạm ổn. Riêng tượng đồng vẫn còn những vết rỉ xanh chảy ra ở phía dưới, nhìn thấy khá rõ. Nghe mấy bác đi cùng giải thích, người ta đã sửa sang lại khá nhiều lần mới được như hôm nay.
Cũng mong bạn đọc, nếu có điều kiện hãy tới đây, chiêm ngưỡng thành phố của Tây Bắc. Nếu có nổi sóng trên mạng ảo thì tôi tin, bạn đọc sẽ kiệm lời hơn khi chỉ nghe qua báo đài, đọc ở đâu đó. Sự thiêng liêng của mảnh đất đầy máu để làm nên chiến thắng sẽ giúp bạn nghĩ lại.
Trong bối cảnh Điện Biên còn nghèo ở một vùng xa xôi hẻo lánh, đường xá đi lại khó khăn, việc bảo tồn được khu đồi A1, khu nghĩa trang, và tượng đài trên đồi D1 cũng là một cố gắng lớn của địa phương. Nhìn những thiếu nữ trong trang phục Thái dẫn khách và thuyết minh, hiểu tường tận về lịch sử Điện Biên, riêng tôi cảm thấy hài lòng, và thầm biết ơn những người yêu quí Điện Biên.
Cũng mong các đại gia hay quan chức giầu có, thay vì đầu tư vào mộ của dòng họ, nhà thờ hàng trăm tỷ, hãy giúp Điện Biên giầu có của vùng Tây Bắc cũng nổi tiếng như tên của cuộc chiến.
Chia tay Điện Biên, tôi mong ngày gặp lại. Nhớ lần đến thăm khu chiến trường Gettysburg ở Pennsylvania, không khỏi thán phục cách làm bảo tàng rộng lớn, biến cả thành phố thành một bảo tàng ngoài trời. Giá mà Điện Biên được như thế, vừa đẹp, vừa có tiền vì du lịch, lại giữ lại được vùng đất nổi tiếng trong lịch sử chiến tranh thế giới. Điện Biên và cánh đồng Mường Thanh ít còn dấu tích của chiến trường xưa. Trong tương lai, nếu lãnh đạo có tâm, có tầm, thì đất nước sẽ tái hiện lại một sự kiện làm thay đổi thế giới.
Cảm ơn các bác, các anh, các chị và các bạn mà tôi đã gặp ở Điện Biên. Hẹn một ngày gặp lại.
Cheo leo người Mèo. Ảnh: HM 
Người Thái mới. Ảnh: HM 
Tháp VTV trên đỉnh Pha Đin. Ảnh: HM
Catwalk lên đèo Pha Đin. Ảnh: HM
Cô gái Thái thời hiện đại. Ảnh: HM


Khu tưởng niệm chiến sỹ ĐBP. Ảnh: HM
Nghĩa trang liệt sỹ. Ảnh: HM
Rỉ đồng dưới chân tượng đài. Ảnh: HM 
Những đoàn du khách vẫn vui mừng 
chụp ảnh làm kỷ niệm. Ảnh: HM 
Chiến hào của lính Pháp Ảnh: HM 
Xe tăng của Pháp. Ảnh: HM
Hầm De Castries. Ảnh: HM
Điện Biên hôm nay. Nhìn từ 
tượng đài chiến thắng. Ảnh: HM
Người đẹp vùng cao. Ảnh: HM
17/4/2015 - Điện Biên Phủ
 Hiệu Minh
Theo https://hieuminh.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...