Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Huyền sử 2

Huyền sử 2
Chương Năm
"Tấm và Cám" trong nội tâm của chúng ta
Trước 1960, trên quê hương Việt Nam, làm gì có hệ thống truyền hình hay là những đại lộ thông tin vi tính như ngày hôm nay. Cha ông chúng ta, nhất là vào các triều đại Lý, Trần và Lê dùng những câu chuyện cổ tích, thần thoại nhằm thông đạt cho con cháu và các thế hệ về sau những cách sống làm người, những phương thức phục vụ anh chị em bà con thôn xóm. Mỗi câu chuyện nói được là một giáo trình cô đọng và gói ghém những bài học về giáo dục, sư phạm và tâm lý... còn mang tính thời sự cho đến ngày hôm nay.
Câu chuyện "Tấm - Cám" là một minh hoạ rõ ràng và súc tích, cho chúng ta nhận thấy một cách cụ thể: Cha ông chúng ta đã có những kiến thức vững vàng về Phân tâm học, hằng bốn năm thế kỷ, trước khi khoa học này ra đời vào đầu thập niên 1900, với những công trình nghiên cứu và sáng tác của  Bác sĩ tâm thần S. Freud.
1. Gần như ai ai trong chúng ta cũng đã biết ít nhiều về câu chuyện "Tấm - Cám", từ những ngày bé thơ, đêm đêm nằm nghe mẹ kể chuyện, trước khi đi vào giấc ngủ thần tiên. Sau đây tôi chỉ nhắc lại một đôi điều nồng cốt:
Tấm là cô gái mồ côi mẹ, từ khi lên mười tuổi. Sau ngày mãn tang vợ, cha của cô đã tục huyền. Ông có ý định tìm cho con một người mẹ kế, ngày đêm săn sóc lo lắng cho con. Bà này đã goá chồng từ lâu. Bà cũng có một đứa con gái mang tên là Cám.
Người Cha hy vọng: Tấm và Cám ở vào lứa tuổi giống nhau, sẽ trở thành như hai chị em ruột thịt, biết thương yêu đùm bọc và nâng đỡ lẫn nhau, khi ở nhà cũng như lúc ra ngoài xã hội. Khi làm việc cũng như lúc vui đùa giải trí...
Thực tế trong cuộc sống hằng ngày đã chứng minh ngược lại : bà mẹ kế chỉ là một bà dì ghẻ tàn nhẫn độc ác và lạnh lùng. Bà tìm mọi cách để hành hạ Tấm, nhất là khi người cha chẳng bao lâu, sau ngày tái giá, đã lâm bệnh và qua đời một cách quá bất ngờ. Suốt ngày từ sáng cho tới khuya, Tấm không bao giờ có một đôi phút nghỉ ngơi và rảnh rỗi. Bà dì ghẻ trao cho nàng nhiều công việc phải làm ở trong nhà cũng như ngoài đồng áng. Nếu không hoàn tất bổn phận đúng ngày giờ được ấn định, Tấm phải bị la mắng, chưởi bới và roi đòn một cách bất nhân và thậm tệ.
Đang khi ấy, Cám chỉ chạy chơi loanh quanh. Nàng không bao giờ đụng tay vào một công việc nhỏ nhặt. Thêm vào đó, nàng còn hùa theo mẹ, để sai khiến chị giặt áo quần. Hay là đi gánh nước cho mình tắm gội.
Mặc dù vậy, Tấm vẫn thương dì và thương em. Theo lối suy tư và cảm thức của nàng, họ là những người được ba chọn, để có mặt với mình trong lòng cuộc đời.
Tấm luôn luôn tìm cách an ủi, dỗ dành chính mình: dù thế nào chăng nữa, họ đói mình đói. Họ lành mình lành. Họ no mình no. Trước lúc tục huyền và khi lâm chung, phải chăng ba đã an ủi và căn dặn mình như vậy? Khi yêu thương và lắng nghe họ, ở một tầm độ nào đó mình đã yêu thương chính ba, mặc dù ba là mặt trời và họ chỉ là đêm đen trên mọi nẻo đường xuôi ngược.
Nói thì nói như vậy, nhưng lắm lúc Tấm đã gần như tuyệt vọng. Nàng có cảm tưởng như mình chỉ là "con kiến đen, trên tảng đá đen, nằm giữa đêm đen" không biết đâu là con đường dẫn tới ánh sáng của bình minh rạng rỡ.
Hẳn thực, hôm ấy Tấm được dì bảo đi ra đồng bắt cá, đem về làm đám giỗ cho ba. Lần nầy Cám cũng đi theo để cùng bắt cá với chị. Ngờ đâu, ra tận nơi Cám chỉ ngồi chơi trên bờ ruộng. Tấm mãi lặn lội bùn sâu. Áo quần lấm lem. Mặt mày nhem nhuốc. Cũng nhờ cực nhọc như vậy, nàng mới bắt được một giỏ cá đầy. Trước lúc về nhà, nàng xuống bờ sông tắm rửa. Lợi dụng cơ hội, Cám lấy giỏ cá đầy của chị sang qua giỏ của mình và vội vàng chạy về nhà khoe với mẹ về kết quả lao động của mình.
Theo câu chuyện, nếu hôm ấy không có Bụt hiện ra, chắc hẳn Tấm đã nghe theo tiếng gọi của biển cả, "trầm mình xuống dòng sông đi về về Nơi Vô Định".
Bụt còn hiện ra với Tấm trong nhiều lần khác, mỗi khi Tấm phải đương đầu với lòng người nham hiểm, trước những trớ trêu trong lòng cuộc đời.
Lần cuối cùng cũng nhờ Bụt sáng soi can thiệp, Tấm đã tìm ra được áo quần và những đồ trang sức, đi lên Thành đô, nhằm ngày mở hội của Nhà Vua để chọn người làm Hoàng hậu. Kết quả bất ngờ đã xảy ra: chính Tấm được chọn làm Hoàng hậu để giúp nhà Vua làm đại phụ mẫu của người dân, nhất là cho những ai nghèo đói, bần cùng, bị ức hiếp trong lòng của đất nước và nhân loại.
2. Câu chuyện đã chấm dứt một cách đột ngột ở giữa chừng, nhường chỗ cho mỗi người tự do hình dung và sáng tạo tuỳ nghi những giai đoạn kế tiếp. Theo Phân tâm học của Freud, câu chuyện cổ tích nào cũng thường được xây dựng và trình bày giống như một giấc mơ.
Sau khi lắng nghe, mỗi người trong chúng ta tự do tha hồ nêu lên cho chính mình rất nhiều câu hỏi và thắc mắc. Đồng thời, mỗi người cũng khám phá những lối giải quyết tuỳ hoàn cảnh riêng tư. Họ dựa vào những kinh nghiệm vui buồn mà mình đã gặt hái. Họ nương theo những tâm trạng hạnh phúc, khổ đau, thương nhớ, trăn trở mà mình đang kinh qua trong giây phút hiện tại. Mỗi người tự bày vẽ, sửa đổi, hoạ rồng, thêm rắn tuỳ sở thích. Sau đó, người khác tiếp nối câu chuyện, gọt đẽo vài chi tiết. Cắt xén bớt những rườm rà, phụ thuộc. Điều quan trọng đối với tôi chưa hẳn là nội dung thiết yếu đối với bạn bè. Phụ nữ ghi nhớ những đoạn trường éo le. Trẻ em kể lại những hoàn cảnh cụ thể của đời mình, để bổ túc và kiện toàn cho câu chuyện. Và cứ như vậy, từng từng thế hệ nối đuôi nhau ngày ngày đóng góp, thay đổi, làm mới. Phong phú hóa hay là biến thành hiện thực những ý tưởng của cha ông tổ tiên. Cơ hồ nhiều hạt mưa họp nhau lại làm thành con suối. Dòng nước lượn quanh, từ những trái núi nầy đến những hang động khác. Cũng nhờ vậy, càng ngày càng lớn rộng ra. Dòng suối róc rách ngày xưa, bây giờ biến thành một con sông cuồn cuộn chảy băng qua các thôn xóm và thành thị. Cuối cùng nó hòa mình vào biển cả mênh mông.
Trong lối nói có vẻ cao kỳ và chuyên môn của Phân tâm học, khi chúng ta đóng góp phần mình vào câu chuyện cổ tích, bằng cách lắng nghe, kể lại, chuyển biến, sáng tạo, đổi mới, chúng ta đang làm công việc mang tên là thuyên giải, hay là Deutung trong tiếng Đức và Interprétation trong tiếng Pháp.
3. Tôi cần cả một cuốn sách dày 300 trang, mới có thể tát cạn nghĩa là liệt kê những động tác cần thực hiện, khi chúng ta Thuyên giải.
Ở đây tôi xin trình bày một vài đường hướng thiết yếu mà thôi.
Trước hết, thuyên giải là đóng góp phần tích cực của mình, để sáng soi những câu hỏi do chuyện cổ tích nêu ra.
- Phải chăng tôi đang làm bà dì ghẻ cho một ai đó, trong lòng cuộc đời và trên từng mảnh đất của quê hương?
- Có chăng những bà dì ghẻ biết sống tình mẹ hiền hay là từ mẫu, cho đứa con của một người khác, không do chính mình mang nặng đẻ đau?
- Đối với con cái ruột thịt của tôi, phải chăng tôi đang có thái độ cha ghẻ hay mẹ ghẻ, ở một phương diện nào đó, khi tôi nói và dạy dỗ? Có bao giờ tôi biết lắng nghe tiếng nói của chính mình, để rà soát lại bao nhiêu điều còn rất ghẻ, khi tôi tiếp xúc với con cái hay là anh chị em đồng bào của  tôi?
- Một loạt câu hỏi thứ hai có liên quan đến hai nhân vật Tấm và Cám. Hẳn thực, trong lòng cuộc đời cũng như trong câu chuyện cổ tích, dù khi nghe hay lúc phát biểu, chúng ta thường có xu thế nhị nguyên. Không ít thì nhiều,  mỗi người bị cám dỗ phân chia anh chị em đồng bào của mình thành hai phe: một bên mang tên là Tấm, phe kia bị gắn nhãn hiệu là Cám. Chúng ta thương Tấm và có ác cảm với Cám, vì cô nầy ác độc, gian lận, thiếu tư cách, không có tư duy độc lập, chỉ a tùng theo lý kẻ mạnh. Và khi có lập trường tư tưởng như vậy rồi, tự khắc không cần suy nghĩ đắn đo dài dòng, chúng ta ủng hộ phe Tấm và loại trừ những ai đứng về phía của Cám.
4. Chính vì thế, khi thuyên giải thái độ và nếp sống của người đối diện, Phân tâm học đề nghị chúng ta đặt lại câu hỏi như sau:     
- Tôi về phe của Tấm. Đó là lẽ thường tình và tự nhiên, vì Tấm là con người dễ thương và đáng thương. Tuy nhiên, có bao giờ tôi giật mình tỉnh thức nhận ra rằng: tôi cũng là Cám, ở một góc độ nào đó, trong cuộc sống thường ngày? Nếu tôi loại trừ Cám, phải chăng tôi cũng loại trừ một phần của chính mình tôi? Làm như vậy là tự lường gạt. Tôi khư khư giữ cho mình phần Tốt, mặt Sáng. Đồng thời, tôi  phóng chiếu lên khuôn mặt kẻ khác phần xấu và mặt đen. Nếu ai ai cũng hành động với đầu óc kỳ thị như vậy, xã hội quê hương và nhân loại sẽ biến thành một bãi chiến trường đầy máu và tang thương, luôn luôn nặc mùi hận thù và tử khí.
Đảm nhận mình một cách thành thực và can đảm, với mọi bộ mặt tốt và xấu, sáng và đen, phải chăng đó là bước đầu tiên cần bước tới, nhằm thăng tiến bản thân và làm đẹp cuộc đời?
Theo giáo lý của Thánh Phaolô, "ở đâu tội lỗi tràn trề, ở đó ân sủng thứ tha cũng chứa chan bát ngát". Tội lỗi mà Ngài muốn nói tới là tội lỗi được chúng ta nhận diện và đối diện. Được can trường thú nhận. Không ém nhẹm, che giấu. Chúng ta cần đấm ngực và sám hối. Thay vì mang mặt nạ hay là có bộ mặt mồ mả tô vôi.
5. Sở dĩ tôi phải đảm nhiệm, hội nhập và chuyển hoá mọi thành phần làm nên con người muôn màu muôn sắc trong bản thân tôi, là vì theo lối nói của văn sĩ Paulo Cuelho, tôi là người "luyện vàng". Ơn gọi của tôi là chuyển  biến tất cả những gì là quặng sản, đồng chì, sắt thép, trong bản thân tôi, thành Vàng nguyên chất. Đó là giấc mơ đẹp nhất trong tất cả mọi giấc mơ. Thêm vào đó, khi tôi nuôi ẵm vun tưới trông nom một giấc mơ kỳ vĩ và trọng đại như vậy, trong thâm sâu của cõi lòng, toàn thể vũ trụ trăng sao, côn trùng chim chóc, hoa lá cát sạn... tất cả đều là đồng minh có khả năng đóng góp phần mình, để giúp tôi:
«Mỗi ngày từng bước, biến Không thành Có,
«Hoá bóng đêm thành mặt trời rạng tỏ»
Chính Tấm là một con người có tầm cỡ như thế. Hẳn thực, ngày ngày Nàng đã luyện vàng
- Mất tất cả phần cá mà mình đã góp nhặt, suốt một ngày lặn lội lam lũ, nàng chỉ giữ lại được một con cá bé nhỏ. Tuy vậy, ngày ngày nàng cho nó ăn. Nó trở nên người bạn tri kỷ sớm hôm. Nhờ sự hiện diện của nó, Tấm đã vượt qua được mọi thăng trầm chìm nổi trong cuộc đời.
- Khi con cá ấy bị giết làm thịt, trong khi nàng vắng nhà, Tấm vẫn không đánh mất tất cả. Bộ xương là "phần còn sót lại" được nàng trân quí và cất giữ cẩn thận. Chính nhờ nó, nàng đã tìm ra áo quần, khăn mũ, giày dép và đồ trang sức, để đi lên Thành đô, dự ngày lễ hội do nhà Vua tổ chức.
- Khi bổn phận tách lúa khỏi thùng gạo quá lớn lao và nặng nề, Tấm chỉ đi ra trước sân, nhìn lên và gọi mời, tự khắc từng đám mây đen, làm bằng chim trời sà cánh xuống, cuống quít vui mừng và tiếp tay cho nàng hoàn thành công việc một cách nhanh chóng.
Theo câu chuyện cổ tích - được hình thành trong những triều đại thấm đậm màu sắc văn hoá do ba tôn giáo Phật, Khổng và Lão kết dệt - mỗi lần Tấm gặp khó khăn, luôn luôn có Bụt hiện hình. Nói đúng hơn, chính lúc ấy Tấm trở thành Bụt. Mắt nàng sáng lên, thấy được những điều phải làm. Biết tìm ở đâu những dụng cụ cần thiết, cho cuộc hành trình kết hợp với Nhà Vua để làm Đại phụ mẫu, trong lòng quê hương đất nước. Bụt hiện hình, theo giáo lý của Phật giáo, không phải là một Đấng ở trên hay ở ngoài. Trái lại, khi tâm hồn của Tấm tràn đầy yêu thương, thứ tha và hy vọng, Tấm chính là Đức Bụt. Tấm trở thành Bụt Quan Thế Âm, có trăm con mắt để thấy. Có trăm cánh tay để làm. Có trăm đôi chân để đi gieo vãi Tình Thương, ở bốn  phương trời của quê  hương và nhân loại.
6. Theo lối nói của Kinh Thánh trong Kitô giáo, khi ai tràn đầy Tình thương và Tha thứ, giống như Tấm đối với mẹ kế và đứa em, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ. Chọn cung lòng họ làm Đền thờ. Giống như một hôm nào, Ngài đã ngự xuống trên Người Con Gái Xion là Maria. Nhờ đó, Bà đã làm được những điều kỳ vĩ, trọng đại trong lòng cuộc đời. Cũng theo giáo lý của Thánh Phaolô, khi được tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần như vậy, chúng ta trở thành Cung đền của Thiên Chúa. Ngài ở giữa chúng ta. Ngài chia sẻ mọi ngọt bùi đắng cay với chúng ta. Và cái gì của chúng ta cũng là của Ngài, ngoại trừ tội lỗi. Gia tài của Ngài cũng là của chúng ta. Một cách nào đó, chúng ta "làm Chúa" với Ngài. Nhờ Ngài. Giống như Ngài.
Giữa Tấm và người Cha của Tấm, cũng có một quan hệ tương tự. Trong câu chuyện cổ tích, người cha đã lâm bệnh và qua đời. Nhưng trong tâm hồn của Tấm, Người Cha vẫn luôn luôn có mặt. Lời của Cha vẫn còn là con đường tất yếu mà Tấm đang đi. Và ngày ngày phải đi như một qui luật tự nhiên và cần thiết. Người mà cha đã yêu thương chọn lựa, Tấm vẫn chọn lựa và yêu thương. Nếu họ còn mang trong mình nhiều tồn tại, Tấm chỉ có một thái độ là thứ tha vô điều kiện. Khi có khả năng thứ tha như vậy, Tấm trở nên vĩ đại và bao la.
Nói cách khác, với ngôn ngữ của Phân tâm học, con đường tất yếu, còn được Freud gọi là Ananké, làm bằng chất liệu yêu thương và thứ tha, đối với những ai cố quyết làm người. Ai đi con đường nầy, trong lòng quê hương và nhân loại, người ấy đang mang trong mình dòng máu của chính Thiên Chúa. Ngài cho phép chúng ta gọi Ngài là Cha: "Áp-ba, Cha ơi". Ngài là Nơi Xuất Phát. Đồng thời, Ngài cũng là Điểm Hẹn cuối cùng cho những ai ngày ngày đánh sáng Đức Sáng Làm Người của mình, như sách Đại học đã dạy:
"Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện", có nghĩa là: Khoa học của con người trọng đại là luôn luôn đánh sáng cái đức chói sáng nằm sẵn trong mình.
Đánh sáng như vậy là đổi mới bản thân và cuộc đời của mình. Từ đó, người ấy có khả năng đổi mới mọi người. Đó là đích điểm tốt đẹp nhất, cần hướng tới để thực hiện trong suốt cuộc đời. Không đi con đường tất yếu ấy, là Thứ Tha và Yêu Thương, chúng ta sẽ trầm luân vào một ngõ cụt. Đó là Thanatos có nghĩa là hận thù, chiến tranh, tử vong và hoại diệt.
Vậy hỡi bạn, hỡi em, chúng ta hãy chọn con đường nào, mỗi lần có nguy cơ tranh chấp và xung đột giữa chúng ta và anh chị em đồng bào, đồng loại?
Chương Sáu
«Thằng Bờm» trong cõi lòng của Người Việt Nam
Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu,
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu.
Phú Ông xin đổi một xâu cá mè,
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè.
Phú Ông xin đổi ba bè gỗ lim,
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy lim.
Phú Ông xin đổi đôi chim đồi mồi,
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mồi.
Phú Ông xin đổi vắt xôi, Bờm cười.
Để lãnh hội thể thức Tổ tiên và Cha ông chúng ta, qua bài ca dao «Thằng Bờm», đã am tường thế nào về bản sắc và lòng tự tin của con người Việt Nam, trong chương nầy, tôi xin phác họa một vài nhận xét thô thiển về tâm lý của nhân vật lạ lùng và kỳ diệu nầy.    
Thứ nhất, tên cậu bé là gì? Bài ca dao không nói tới. Và theo tôi, có lẽ trong những quan hệ tiếp xúc hằng ngày, không mấy người tìm cách gọi tên cậu cho đúng đắn làm gì.
Xuyên qua nhãn hiệu «Thằng Bờm», ai ai cũng có thể nhận ra : đó là một đứa con trai, còn mang trên đầu cái bờm tóc, giống như ngàn vạn trẻ em Việt Nam khác. Ngoài phái tính của mình, được mọi người qua lại nhìn thấy, vì chưa được che giấu một cách kỹ càng, theo những kỹ cương của xã hội, cậu con trai nầy chắc hẳn còn ở trong một vị trí «vô danh tiểu tốt». Cậu chưa thể có một chức vị, hay giá trị xã hội nào, khả dĩ đòi hỏi mọi người trong khóm phường phải cất mủ cúi chào, hay là xưng hô theo đúng lễ nghĩa thưa, dạ, xin vâng...
Xuyên qua những tục lệ ăn nói, xưng hô của người Việt Nam, một cách đặc biệt vào những cơ hội chính thức như kỵ giỗ, đám đình, liên hoan... gọi ai là «thằng» có nghĩa là khinh thị, coi thường người ấy. Thằng ấy là «đồ» ăn trộm, ăn cướp, mất dạy, vô lương tâm.
Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, trong ngữ cảnh hoặc mạch văn của bài ca dao nầy, «Thằng Bờm» chưa làm gì tai tiếng về mặt luân thường đạo lý, để bị khinh chê và đánh giá một cách tồi tệ như vậy. «Thằng» ở đây chỉ muốn xác định rằng: hắn chỉ là thằng con trai, trên dưới chừng mười tuổi, chưa có kiến thức gì bao nhiêu, đang ngày ngày chạy chơi loanh quanh đầu làng, xó chợ. Có nhiều khi, hắn còn ở thể trạng «trống không, trần truồng», nhất là vào những ngày nắng nóng. Trong những lúc như vậy, hắn chỉ có vỏn vẹn một chiếc mũ trên đầu, để che nắng, tránh cảm cúm. Đương khi đó, đáng lý, nó cần có những mảnh vải khác, để che đậy những «chỗ» cần che đậy một cách kín đáo hơn.
Thứ hai, Thằng Bờm đã làm được gì, về mặt làm người?
Theo bài ca dao, chắc hẳn nó đã có khả năng tiếp cận những phương tiện như dao và kéo. Nó đã được cha mẹ cho phép sử dụng những đồ dùng nguy hiểm nầy.
Tuy nhiên, vì «chơi dao có ngày đứt tay», cho nên Thằng Bờm không chơi dao. Nó biết dùng dao, cắt mo cau làm quạt, vào những ngày hè oi bức, khó chịu. Cụm từ «Thằng Bờm có cái quạt mo» cho chúng ta nhận biết rằng: hắn đã có khả năng làm chủ thể, tuy dù còn rất hạn chế. Chính nó là tác giả đã làm nên chiếc quạt mo. Hẳn thực, nếu ai khác đã làm cho nó, nó không thể hãnh diện và tự hào về sở hữu do mình làm ra như vậy. Của do mình làm ra mới có khả năng xác định giá trị đích thực của Thằng Bờm.
Thứ ba, ở giữa môi trường khóm phường và xã hội, Thằng Bờm chưa thể nào đảm nhiệm những vai trò quan trọng.
Thế nhưng, trong quan hệ tiếp xúc và trao đổi, giữa nó với «Phú Ông»:
«Nực cười, châu chấu đá voi,
«Tưởng rằng chấu ngã, ai dè voi nghiêng».
Hẳn thực, trước mặt của Phú Ông, mọi người lớn bé đều có thái độ cung kính, cất nón cất mũ, để cúi chào. Khi có chuyện cần vay mượn, hỏi han... người bình dân thường phải đến tận nhà, để chờ đợi được tiếp kiến. Thông thường, trong các làng mạc Việt Nam, tuy dù không đảm nhận những chức vụ chính thức, Phú Ông vẫn luôn luôn có chức vị, trong những nơi công cộng, như đình, chùa, lăng, miếu, hoặc trên các con đường cái quan, nơi qua lại của mọi người.
Thế mà ở đây, với Thằng Bờm, Phú Ông đã có thái độ và tác phong «xin đổi». Quan hệ hàng ngang và quan hệ qua lại hai chiều ấy diễn tả tầm quan trọng và vị trí bề thế của cậu con trai đang làm chủ nhân của cái quạt mo. Không còn bị khinh khi, coi thường, Thằng Bờm đã trở nên một chủ thể trao đổi, một đối nhân có lời ăn, tiếng nói ngang hàng với Phú Ông, trước đôi mắt chứng kiến của mọi người có mặt.
Thứ bốn, trong thể thức trao đổi qua lại hai chiều, Thằng Bờm càng tỏ ra là một «con người» đích thực, đứng đắn. Khi trao đổi, Bờm không còn được gọi là «Thằng». Nó trở nên một «chủ thể, có nhân cách vững mạnh, với những giá trị tự lập và tự do. Trên bình diện ý thức, nó bày tỏ ra ngoài một cách tự nhiên, những khả năng «biết mình, biết người»: Tôi có thể CHO cái gì. Và ngược lại, tôi muốn NHẬN cái gì. Nói khác đi, trong quan hệ tiếp xúc và thông đạt, Bờm vừa biết lắng nghe Tình. Vừa biết coi trọng Lý.
Ngoài ra, khả năng từ chối, được lặp đi lặp lại bốn lần «Bờm rằng Bờm chẳng...», khẳng định một cách rõ nét, ý chí tự quyết và tư cách «tri túc» của cậu con trai nầy. Trước tài sản, lương thực, nhà cửa và thú vui, được biểu hiện trong bốn hình tượng, là «trâu bò, cá mè, gỗ lim và chim đồi mồi», thái độ kiên định của Bờm là «VÔ TRƯỚC», có nghĩa là không tham lam, ham hố, choáng váng và loạn động, trước những hào nhoáng lòe loẹt bên ngoài của vật chất và giàu sang.
Bờm không đuổi bắt những nhu cầu giả tạo. Thái độ vô trước cho phép Bờm có khả năng buông xả hoàn toàn, chỉ bám trụ vào chính giây phút hiện tại «ở đây và bây giờ» mà thôi.
Chọn lựa cơ bản của Bờm là đời sống Hạnh Phúc và An Lạc, được diễn tả trong Nụ Cười của Bồ Tát Di Lạc. Không một ai, không điều gì, không một trở ngại nào... có thể làm khô héo đóa hoa nụ cười tươi mát ấy.
Để trao đổi chiếc quạt mo của mình, Bờm chỉ chọn lựa một vắt xôi mà thôi.
Nhưng vắt xôi có một sức nặng như thế nào, so với ba bò chín trâu, một lực lượng sản xuất rất to lớn?
Một xâu cá mè có thể nuôi sống, hằng tuần hằng tháng, một khẩu phần ở thôn quê.
Một bè gỗ lim có giá trị tương đương với một căn nhà khang trang, kiên cố.
Đôi chim đồi mồi có thể tạo nên những thú vui, trong địa hạt săn bắn, tiêu khiển.
Về mặt vật chất và tiện nghi xã hội, vắt xôi không có giá trị ngang bằng bốn tư liệu trên đây. Thế nhưng, những sản phẩm ấy có thể mang đến được cho Bờm, một vài phút giây làm Bồ Tát Di Lạc không?
Trên bình diện khôn ngoan thông thường hay là trong địa hạt hoàn toàn duy lý, thái độ chọn lựa của Bờm có lẽ sẽ bị rất nhiều người trong chúng ta chê cười, phê phán, đánh giá là ngu dại, ngây ngô, «ăn chưa no lo chưa tới».
Tuy nhiên, trong địa hạt quan hệ giữa người với người, bài học của Bờm đáng được tất cả chúng ta lưu tâm và ghi nhận một cách đứng đắn. Quan hệ chỉ thành tựu một cách hài hòa, tốt đẹp và lâu bền, khi hai đối nhân trao đổi không tìm cách thủ lợi, kéo phần thắng về mình, mặc dù hoàn cảnh bên ngoài có thể cung ứng những điều kiện thuận lợi, cho phép thực hiện những ý đồ ấy.  
Trước sau như một, trong suốt tiến trình trao đổi, tiếp xúc qua lại, Bờm không chơi trò KHÔN DẠI. Bờm không lợi dụng và lạm dụng kẽ hở, chỗ sơ ý của đối phương, hay là thể thức đánh giá sai lầm của họ, vì bất cứ lý do gì. Một cách đơn phương, Bờm tôn trọng cán cân thăng bằng, giữa cho và nhận, trong lề lối xử thế và trao đổi. Một cách sáng suốt và với lập trường kiên định, Bờm đã biết chọn lựa đối tượng khả dĩ thỏa mãn nhu cầu cơ bản của mình. Duy vắt xôi mới có giá trị tương đương cân bằng với cái quạt mo, do chính tay Bờm làm ra.   
Trong cách chọn lựa và quyết định của Bờm, nếu chúng ta không đua đòi phương thức duy lý cực đoan, do Descartes chủ trương và khởi xướng, chúng ta sẽ mở mắt bừng sáng, nhận ra sức mạnh nội tâm của một con người khôn ngoan, vừa có tình, vừa có lý. Có tình, vì Bờm đã toát ra chất người đích thực, trong cách cư xử, đãi ngộ và tiếp xúc với một con người, có «chất người» giống như mình. Có lý, vì Bờm đã có thái độ rõ ràng, sáng suốt về nhu cầu và nguyện vọng của mình. Trong quan hệ với Phú Ông, nguyện vọng ấy được ghi nhận, lắng nghe, đáp ứng và thỏa mãn.
Kết quả cuối cùng là Phú Ông vẫn tiếp tục làm phú ông. Vẫn giàu có và được tôn trọng, trong phường khóm. Không một ai, không vì một lý do gì, có thể gọi Phú Ông là thằng. Khi tiếp xúc với Bờm, Phú Ông không thua cuộc, trong một ván cờ rủi may được và mất, hơn và thua.
Cái thay đổi lớn lao và kỳ vĩ đã xảy ra trong con người của Bờm : đó là thái độ «Bờm cười». Hạnh phúc là gia tài và gia sản trên con đường tìm kiếm của Bờm. Gia sản nầy còn quan trọng và quí hóa gấp bội lần, so với tình trạng giàu sang, phú quí vật chất.
Thêm vào đó, sau lần tiếp xúc và trao đổi với Phú Ông, Bờm có một căn cước mới. Bờm trở thành một tên tuổi bất diệt, trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ một ông già, bà lão đến một em bé vừa tròm trèm, thỏ thẻ học nói tiếng Mẹ Đẻ, ai ai cũng ghi lòng tạc dạ về bài Ca Dao bất diệt và bất hủ nầy. Chính Bờm đã trở nên một người anh em rất thân thương và bất tử, trong lòng Đất Nước Việt Nam, từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau. 
Ai là tác giả của bài ca dao «Thằng Bờm» nầy?
Chúng ta không thể và không cần biết tên tuổi. Tác giả là Tổ Tiên, Cha Ông chúng ta, từ đời Lý, đời Trần. Có khi còn sớm hơn.
Tổ Tiên, Cha Ông, qua bài ca dao vắn gọn, với mười câu thơ lục bát, đã trối trăng lại một hình tượng «Người Việt Nam», cho con cái, cháu chắt và hâu thế, từ đời nầy qua đời khác. «Thằng Bờm» đã mặc khải và thể hiện mình như một con người, có ý thức rất tinh vi, bén nhạy và sáng suốt về bản thân mình cũng như về người anh chị em đồng bào, trong lòng Đất Nước và Quê Hương.
Căn cước đích thực của BỜM bao gồm những điểm chính yếu sau đây :
1- «Thằng Bờm» có khả năng từ chối, nói «Không», để khẳng quyết bản sắc khác biệt của mình: Tôi khác và tôi có quyền khác, đối với những người đang tiếp xúc với tôi.
2- «Thằng Bờm» không một lần chơi trò làm con kỳ nhông, uốn mình và luồn cúi, theo màu sắc của người đối diện, mặc dù người ấy là Phú Ông, có tiền tài, địa vị và chức tước. Và nhất là khi Phú Ông tỏ ra đại lượng, muốn bao che, ban phát, viện trợ và cứu vãn, với những chiêu bài « bổn phận quốc tế, tình anh em bốn biển một nhà, nhân nghĩa đại đồng vô biên cương». Trước sức quyến rũ của Phú Ông, mặc dù rất chân thành, «Thằng Bờm» không đánh mất bản sắc của mình. Bờm biết từ chối. Bờm có nội lực, để nói Không. Bờm có khả năng đánh giá và chọn lựa, tùy vào những chuẩn mực thích ứng với thực tế của Quê Hương và anh chị em đồng bào.
3- «Thằng Bờm» có ý thức rõ ràng và trong sáng về thực chất và thực hữu của mình. Khi tiếp xúc, Bờm có khả năng trả lời cho người đối diện: Tôi là ai? Tôi biết làm gì? Tôi có thể cho gì? Tôi muốn nhận lại điều nào? Giới hạn mà người khác không thể vượt qua, bao gồm những tiêu chuẩn cụ thể và khách quan nào, khi trao đổi với tôi?
4-  Mặc dù bị gọi là «thằng», mang tên là «Bờm», «Thằng Bờm» vẫn an nhiên, tự tại. Không quan trọng hóa. Không cường điệu một vài chi tiết nhỏ nhặt, trong lời nói của đối nhân. Đàng khác, Bờm không bị kích thích như một đối vật, hoàn toàn chịu ảnh hưởng của ngoại cảnh. Một vài từ ngữ, nhãn hiệu, cho dù có vẻ khiêu khích, thách thức... không làm cho Bờm động tâm, nổi sóng gió, bị ngụp lặn trong những xúc động tức tối, giận hờn.  
5- «Thằng Bờm» không đuổi bắt, một cách vô vọng, những gì thoát khỏi khả lực hiện thực của mình. Trái lại, Bờm hãnh diện và bằng lòng về kết quả, do chính bàn tay mình tạo nên. «Tri túc» như vậy có nghĩa là biết mình cần gì, thấy mình giàu có ở những địa hạt nào, có khả năng dừng lại ở một biên giới nào...
6- «Thằng Bờm» không dùng dao, để chơi trò bạo động, xung đột, hận thù, chiến tranh. Đó là những trò chơi «có ngày đứt tay», nghĩa là trở lại gây tang tóc cho da thịt, anh chị em đồng bào của mình, sau khi thành đạt «những chiến công oanh liệt, tiêu diệt và uống máu quân thù».
Hẳn thực, quen thói chém giết, chúng ta có thể trở nên những tên đồ tể, đào hầm chôn sống người anh chị em, như Trần Thủ Độ đã làm với tôn thất Nhà Họ Lý.
Thay vào đó, «Thằng Bờm» biết dùng dao, để sáng tạo, biến mo cau thành quạt mát cho mình và cho anh chị em hai bên cạnh. Sáng tạo như vậy là «Biến Không thành Có». Biến bản thân mình còn tầm thường như mo cau, thành dụng cụ tạo khí mát, cho người đồng hương, đồng loại.
Nói khác đi, «Thằng Bờm» là hình tượng của mỗi người Việt Nam, luôn luôn ý thức mình là «con Rồng, cháu Tiên», mang hai dòng máu Trời và Biển, trong quả tim của mình.
Cho nên, động lực thúc đẩy mỗi người Việt Nam đi tới, vượt qua mọi chướng ngại, là sứ điệp « trở thành Gió»:
«Tôi muốn hóa thân thành Gió, thổi ào ạt khắp Non Sông. Dập tắt những ngọn lửa nồng của Chiến Tranh, Hận Thù và Thiên Kiến.
«Tôi muốn hóa thân thành Gió, mang hơi mát cho mọi anh chị em Đồng Bào. Không phân biệt giàu nghèo. Không kỳ thị tôn giáo. Không chia rẽ Bắc Trung Nam.
«Tôi muốn hóa thân thành Gió, mang an lạc cho lòng người đau khổ. Mang ủi an cho tâm hồn cô quạnh. Mang đường đi cho những ai đang phân vân, rối loạn, trước những ngã ba đường của lịch sử»
Gió đến từ Trời Xanh của Bà Âu Cơ. Gió thổi về, từ lòng Biển Khơi của Lạc Long Quân.   
7-  Sau cùng, trong quan hệ với Phú Ông, cho dù đó là người Pháp, người Mỹ, người Nga hay người Trung Quốc... «Thằng Bờm» không sụp lạy, ngửa tay xin trâu bò, súng ống và bom đạn.
Đằng khác, khi nguyện vọng của mình bị từ chối, Bờm cũng không gọi họ một cách xấc xược và hỗn láo, là Thằng Tây, Thằng Tàu, Thằng Mỹ hay là Thằng Nga. Chúng ta phát huy và nuôi dưỡng quan hệ hài hòa với mọi người xa cũng như gần, thân cũng như lạ. Khi họ cho, chúng ta nhận. Nhưng sau khi nhận, chúng ta cũng có khả năng cho lại những quà tặng tâm linh độc đáo, những nụ cười an lạc hồn nhiên, những vòng tay thân mật đón tiếp, những điệu nhạc thánh thiêng của một Đất Nước Thanh Bình và Đức Hạnh.
Nói tóm lại, «Thằng Bờm» có mặt trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam. Cậu bé đang đưa tay chỉ hướng, để mỗi người anh chị em của mình có khả năng tìm đường bước tới. Với tất cả niềm tự hào và tự tin, chúng ta hãy cùng nhau đi ra vùng Ánh Sáng, làm đẹp Quê Hương, xây dựng cuộc đời. Ngày ngày Đồng Hành với anh chị em, trên cả ba Miền của Đất Nước:   
«Từng bước đi, đường Non Sông diệu vợi,
«Quyết ấn mạnh dấu chân con người mới,
«Lo băng bó vết thương còn lở lói,
«Gieo An Lạc vào lòng ai mòn mỏi,
«Ngày ngày cưu mang Biển Trời cao cả,
«Thổi Gió Mát, biến đời thành phép lạ».   
Chương Bảy
Đối Thoại, Bắc lại Nhịp Cầu
Hiểu Biết và Tình Thương
Cách đây trên dưới chừng mười năm, nhằm chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa của Nghìn Năm Thứ Ba, con người khắp đó đây, trên nhiều diễn đàn quốc tế, đã tiếp nối nhau thắp sáng lên những giấc mơ trọng đại và kỳ hùng, có liên hệ đến ngày mai của nhân loại.
Trong giấc mơ thứ nhất, «ước chi rồi đây, súng ống bom đạn sẽ im hơi lặng tiếng một cách vĩnh viễn, trên mặt địa cầu». Và con người sẽ ngồi lại, tôn trọng, lắng nghe, trao đổi với nhau về tất cả những tình huống khả dĩ gây ra chia rẽ, hận thù, trong cuộc sống hằng ngày.
Trong giấc mơ thứ hai, «ước chi không còn có những hố sâu thăm thẳm, đang phân chia người giàu và kẻ nghèo thành hai đường song song vạn kiếp, trong xã hội loài người». Lẽ tất nhiên, nếu mai ngày giấc mơ nầy được thực hiện, người giàu vẫn tiếp tục làm giàu. Và trên từng xứ sở khắp năm châu, người nghèo vẫn còn có mặt, giống như ngày hôm nay. Tuy nhiên, thể theo giấc mơ nầy, người giàu sẽ biết sử dụng phần dư thừa của mình, để phục vụ, nâng đỡ, đùm bọc những anh chị em không có cơ may và khả năng kinh tài giống như mình. Trái lại, những anh chị em thuộc thành phần nghèo sẽ ý thức một cách sáng suốt rằng mình là những giá trị đích thực, có khả năng đóng góp phần tích cực và hữu hiệu, để xây dựng Hòa Bình và thăng tiến xã hội, cùng với bao nhiêu người khác. Hẳn thực, trong một cơ thể sinh động và lành mạnh, ai đang làm bộ óc, hãy tiếp tục làm bộ óc để phục vụ lợi ích chung. Ai đang làm bàn chân, họ cũng có quyền hãnh diện rằng: Không có bàn chân, con người không thể làm người, một cách trọn vẹn và đầy đủ. Chân và đầu bổ túc và kiện toàn cho nhau, thay vì loại trừ hoặc chống đối nhau.
Tuy nhiên cho đến bao giờ, những giấc mơ thiết thực và chính đáng ấy mới trở thành hiện thực, trong lòng nhân loại, và nhất là trong tâm tưởng của mỗi người?
Trước Công nguyên, ước chừng trên dưới một ngàn năm, dân tộc Do Thái cũng đã ghi lại một giấc mơ diệu kỳ, trong sử sách của mình: «Cho sói và chiên con ở chung một chuồng, ngày ngày cùng chơi đùa với nhau như hai anh chị em một nhà». Thế mà, mãi cho đến ngày hôm nay, dân tộc ấy vẫn chưa hưởng được một ngày thực sự hòa bình, trên quê hương của mình, thậm chí trong khu vực thuộc thủ đô thần thánh và linh thiêng mang tên là Giêrusalem. Chính ngày hôm nay, chó sói đang còn sát hại chiên con, một cách tàn ác và hung bạo. Và chiên con cũng đang tìm mọi cách, để tận diệt chó sói, với những phương tiện khủng bố sẵn có trong tầm tay vấy máu của mình. Con đường hận thù và chiến tranh đang còn chạy xuyên qua quả tim của từng người, phía bên nầy cũng như phía bên kia. Và nhiều thành phần còn lại chỉ biết đứng nhìn từ ngoài với đôi mắt bàng quan. Tệ hại hơn nữa, họ còn «thêm dầu vào lửa», bằng cách vỗ tay hoan hô, cổ võ bên này, hay là tố cáo, đá đảo bên kia.
Không cần nói về ai khác xa xôi, chúng ta hãy can đảm nhìn vào chính mình. Trong lòng Quê Hương Việt Nam, từ những ngày đầu tiên thuộc thời kỳ dựng Nước, tổ tiên, cha ông của chúng ta cũng đã cưu mang, nuôi dưỡng những giấc mơ lạ lùng và kỳ diệu, giống như những dân tộc khác, trên mặt địa cầu. Qua ca dao và tục ngữ, quí vị đã trối trăng lại những giấc mơ làm người, cho con cái và cháu chắt, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác:    
«Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một Nước, hãy thương nhau cùng».
«Bầu ơi, thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn».
Ngoài ra, nhiều câu chuyện Huyền sử, được lưu truyền trong dân gian, nhắc nhở rằng: chúng ta tất cả đều là anh chị em đồng bào, được sinh ra từ một cha và một mẹ. Chúng ta cùng chia sẻ với nhau một bào thai, trong cung dạ của Bà Âu Cơ. Cha chúng ta là Rồng. Quê Hương và nguồn gốc của Người là Đại Dương bao la, hùng vĩ. Mẹ chúng ta là Tiên. Quê Hương và dòng máu của Mẹ là Bầu Trời trọng đại và cao cả.
Tuy nhiên, từ thời nguyên thủy cho đến ngày hôm nay, chúng ta chưa bao giờ thấm nhuần và hội nhập những bài học làm người ấy trong xương da và máu thịt của mình. Mặc dù đã phải trải qua bao nhiêu chu kỳ khổ đau trầm trọng, bao nhiêu tình huống «nát thịt xương rơi»... chúng ta vẫn cứ khư khư làm «gà một nhà bôi mặt đá nhau». Từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, chúng ta luôn luôn sắp hàng thành hai phe «Sơn Tinh và Thủy Tinh», để gieo rắc hận thù, chia rẽ và chiến tranh, trên từng mỗi tấc đất của Quê Hương.
Thay vì nhìn lui quá khứ để trách móc, ta thán, tố cáo người nầy, đổ lỗi cho người nọ, như chúng ta đã làm, thường làm và còn làm... nghĩa là suốt đời dẫm chân tại chỗ, trong vòng khổ đau chồng chất ê chề và dai dẳng... phải chăng ngày hôm nay đang là thời điểm thuận lợi, để chúng ta cùng nhau kết hợp lại, cố quyết thực hiện hai điều chủ yếu:
- Thứ nhất là can đảm khám phá nguyên nhân nào đã đưa đến tình trạng oái oăm, khốc liệt và khổ đau ấy.
- Thứ hai là sáng tạo con đường hướng tới ngày mai. Đó là con đường Hiểu biết và Tình thương, Đồng cảm và Đối thoại.
Tuy nhiên, Đối thoại thực sự là gì?
Vì tương lai của con cháu, cũng như vì tiền đồ của Quê Hương, ngay từ bây giờ, chúng ta cần thực thi những động tác cụ thể và tích cực nào, để những giấc mơ trọng đại của Tổ tiên có thể biến thành hiện thực sáng ngời, trong tầm tay của mỗi người trong chúng ta?
Phần thứ nhất: 
Tìm hiểu nguyên nhân phát sinh
những khổ đau trong lòng cuộc sống
Mỗi lần chúng ta đưa ra một ý kiến, bênh vực một lập trường, trình bày một quan điểm về chính trị hay là tôn giáo... trên mặt khoa học và nguyên tắc hành động, chúng ta cần phải đi qua ba giai đọan thiết yếu, trong lãnh vực tư duy và lý luận :
- Trong giai đoạn một, chúng ta quan sát và ghi nhận những dữ kiện cụ thể và khách quan.
Và khi chúng ta nêu lên một số tin tức hoặc sự kiện, xảy ra bên ngoài, chung quanh chúng ta như vậy, chúng ta cố quyết phản ảnh và trình bày những gì chính chúng ta thấy và nghe một cách trực tiếp và trung thực. Chúng ta không thêm, không bớt, không bóp méo hoặc xuyên tạc. Không lấy râu ông nọ, đặt cằm bà kia. Không vơ đũa cả nắm. Không có ít, xít ra cho nhiều. Không cường điệu, một cách ba hoa, vớ vẩn.
- Trong giai đoạn hai, chúng ta thuyên giải.
Sau khi đã thu lượm một số dữ kiện hoặc tin tức, chúng ta đưa ra ý kiến hay là quan điểm chủ quan của chúng ta. Công việc nầy còn mang tên là giả định, hay là đề xuất một giả thuyết. Theo lối nói thông thường được sử dụng, ngày hôm nay, trong môi trường văn hóa và khoa học, giai đoạn thứ hai nầy được gọi là THUYÊN GIẢI. Xuyên qua cách làm nầy, chúng ta khoác vào cho các sự việc đã xảy ra, một ý nghĩa, một hướng đi tới. Ý nghĩa nầy còn mang đầy tính cách chủ quan của người phát biểu, bao lâu chưa được kiểm chứng với nhiều sự kiện khác hay là do nhiều người khác góp ý và chia sẻ, bổ túc và kiện toàn, sửa sai và điều chỉnh.
- Trong giai đoạn thứ ba, chúng ta chắt lọc một kết luận, để gây ảnh hưởng hoặc tác động trên môi trường.
Sau khi đã kiểm nghiệm và chứng minh giả thuyết, chúng ta rút ra một kết luận, khẳng định một qui luật có tính thường hằng và bất biến, được mọi người chấp nhận, nếu họ đi lại cùng một tiến trình từ đầu chí cuối, giống như chúng ta. Chính kết luận nầy sẽ có khả năng điều hướng những chọn lựa và quyết định của chúng ta, trong lãnh vực hoạt động, hay là trong cách thức rút tỉa những bài học thực tế cho cuộc sống.
Tuy nhiên, ngoài lãnh vực thuộc về những khoa học chính xác, như toán, lý và hóa... chúng ta không bao giờ đạt được mức độ «sự thật chắc chắn một trăm phần trăm», trong những kết luận thông thường và hằng ngày của chúng ta. Một cách đặc biệt, trong địa hạt tiếp xúc và quan hệ giữa người với người, khi có một trăm người phát biểu, chúng ta sẽ dễ dàng ghi nhận « một trăm ý kiến khác nhau ». Chẳng hạn, sau khi chứng kiến tận mắt một tai nạn xe hơi trên đường phố, ba chứng nhân sẽ đề xuất ba lời chứng khác nhau, có khi hoàn toàn mâu thuẫn với nhau.
Mỗi lần đưa ra một ý kiến, về người anh chị em, trong nhiều lãnh vực khác nhau, như chính trị, tôn giáo hay là phương thức làm ăn... phải chăng chúng ta đã lưu tâm và cẩn trọng đến cả ba giai đoạn trên đây: khảo sát những sự kiện, kiểm chứng những giả thuyết và cân nhắc kỹ càng những kết luận?
Phải chăng chúng ta đã «đánh lưỡi bảy lần», như Tổ tiên, Cha ông chúng ta đã căn dặn, mỗi khi phát biểu một nhận định hay là phê phán về giá trị, bản sắc hay là tác phong của một người khác, thuộc môi trường gia đình và xã hội?
Từng lời nói của chúng ta phải chăng là một viên gạch góp công xây dựng ngôi nhà Hòa Bình của Đất Nước và thế giới? Hay đó chỉ là súng ống, bom đạn... nhằm tiêu trừ và hủy diệt người anh chị em đồng bào, đồng hương và đồng loại?
Đối thoại, trong lăng kính vừa được trình bày, là trao đổi, chia sẻ qua lại hai chiều, trong ý hướng tôn trọng và thăng tiến lẫn nhau, cũng như làm giàu cho nhau, trên bình diện thành nhân. Hẳn thực, trong điều kiện và thân phận làm người, không bao giờ có hai người hoàn toàn y hệt nhau, nhất là khi họ thâu lượm tin tức, trình bày lập trường tư tưởng, ngoại hiện những phản ứng xúc động tình cảm, cũng như khi kết dệt những quan hệ giữa người với người. Chúng ta khác biệt nhau, như Trời và Biển, như Rồng và Tiên, như Sơn và Thủy. Nhưng nhờ khác nhau như vậy, chúng ta mới có thể bổ túc, kiện toàn cho nhau, cùng nhau thực hiện những công trình cao cả và trọng đại, trong lòng Đất Nước và Quê Hương.
Một cách cụ thể, Đối thoại bao gồm ba động tác tiếp nối và tác động trên nhau:
- Động tác thứ nhất, tôi diễn tả và khẳng định lối nhìn, quan điểm và nhu cầu chính đáng của tôi.
- Động tác thứ hai, sau khi khẳng định mình, tôi tạo điều kiện thuận lợi, cho phép người khác có một thời gian và không gian, để nói về 
thực tế và con người độc đáo của họ. Cũng như họ đã nghe tôi nói, bây giờ đến lượt họ phát biểu, tôi lắng nghe một cách cẩn trọng, tìm hiểu thực tế và nhu cầu cơ bản của họ là gì. Theo cách nói ngày nay, tôi nhận làm của mình «khung qui chiếu của họ». Trong đó, có cách thức nhìn đời và bao nhiêu phản ứng xúc động thường nhật.
- Động tác thứ ba, cả hai bên, người và tôi cùng nhau tìm ra mẫu số chung, mảnh đất đứng chung, lối nhìn đồng qui, và đồng thuận .
Nói một cách vắn gọn, khi đối thoại, tôi cố quyết làm người và thành người. Đồng thời, tôi tôn trọng tư cách làm người của kẻ khác. Hẳn thực, đằng sau những nét khác biệt, nếu chúng ta học NHÌN, giúp nhau NHÌN, cùng nhau chấp nhận và nhìn nhận giá trị của nhau, thì thế nào, chúng ta cũng sẽ tìm ra rất nhiều điểm giống nhau. Ít nhất, cả hai chúng ta cũng đều kinh qua những cảm nghiệm đớn đau ê chề giống như nhau, trong cuộc sống. Cả hai chúng ta đang có những ưu tư và hy vọng giống như nhau. Cả hai chúng ta cũng đang đấu tranh quyết liệt, để vươn lên, hướng thượng, ngõ hầu trối trăng lại cho con cháu sau này một gia tài, một quê hương an bình và thịnh vượng. Cả hai  chúng ta đang đổ ra bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, cộng vào với xương máu mà Tổ tiên và Cha ông đã chất lên thành núi, đã đổ ra thành sông, trong hơn bốn nghìn năm lịch sử.
Theo lối nhìn của tác giả Stephen R. Covey, khi hai người có khả năng trao đổi, đối thoại, họ đang «sinh thành và sáng tạo cho nhau».[1] Họ không phải chỉ là hai nguời đơn độc, đứng sát kề nhau. Trái lại, như vết dầu loang, họ sẽ gieo hạt mầm, để rồi hằng nghìn, hằng triệu người anh chị em đồng bào cũng sẽ đi vào quỹ đạo tương thân, tương ái giống như họ. Trong lòng Đất Nước, nếu «trăm người như một, một người như trăm», chúng ta sẽ biến mình thành Bồ Tát Quan Thế Âm, có trăm con mắt để nhìn, có trăm trăm cánh tay để làm, có trăm đôi chân để đi những bước dài vạn dặm. Và nhất là có trăm quả tim để yêu thương đồng bào và Quê Hương.
Và lúc bấy giờ, đúng như câu nói của tác giả người Mỹ là G.G. Jampolsky: [2]
«Bất kỳ một câu hỏi nào được nêu lên, yêu thương là câu trả lời.
«Bất kỳ một vấn đề gì xuất hiện, yêu thương là câu trả lời.
«Bất kỳ một cơn bệnh nào đang đe dọa và hoành hành, yêu thương là câu trả lời.
«Bất kỳ một nỗi khổ nào đang tiến lại, yêu thương là câu trả lời.
« Bất kỳ một xúc động sợ hãi nào đang trào dâng, yêu thương là câu trả lời.
«Yêu thương luôn luôn là câu trả lời, trong mọi tình huống, vì chỉ có yêu thương là tất cả».
Không dấn bước trên con đường Hiểu biết và Yêu thương như vậy, chúng ta sẽ sa vào cạm bẫy hận thù, chiến tranh. «Mầy phải chết, để cho tao sống. Mày và tao không thể nào đội trời chung»... phải chăng đó là những câu nói diễn tả tâm tình và ý hướng của chúng ta, mỗi lần tiếp xúc và giao thiệp với những người sống hai bên cạnh?
Như trên đây, tôi đã nhấn mạnh lui tới, chúng ta khác nhau, trong rất nhiều địa hạt. Khác nhau trong lời ăn tiếng nói. Khác nhau, trong cách nhìn và cách nghe. Khác nhau trong nhận thức và tư duy. Khác nhau trong tâm tình, nhu cầu, ý thích và sở nguyện. Thay vì tìm cách bổ túc và kiện toàn cho nhau, chúng ta dựa vào những nét khác biệt tất yếu ấy, để loại trừ, tố cáo, phê phán, mạt sát lẫn nhau. Tư tưởng NHỊ NGUYÊN và LỐI NHÌN ĐỘC LỘ đang trấn áp cõi lòng của chúng ta. Tư tưởng nhị nguyên xuất đầu, lộ diện, mỗi lần chúng ta tranh giành phần hơn, phần thắng, phần tốt, phần có lý về cho mình. «Tao Hơn, Mày Thua, Tao Tốt, Mày Xấu, Tao có Lý, Mày phi lý...», phải chăng đó là những câu nói luôn luôn có mặt, trên đầu môi chót lưỡi của tất cả mọi người trong chúng ta?
Còn tệ hại hơn nữa, lối nhìn độc lộ, một chiều đang trấn áp tâm hồn của chúng ta. Đó là tên độc tài đầu đàn, đang điều khiển, lèo lái mọi tên độc tài khác đang có mặt trong lòng nhân loại. Tên độc tài ấy đang đặt sào huyệt trong tư duy của chúng ta. Cho nên, trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi, chúng ta có xu thế qui chụp, gắn nhãn hiệu, tố cáo và đổ lỗi cho người khác. Đó là con đường dẫn đến tình trạng bạo động, hận thù và chiến tranh, khắp đó đây, trên mặt địa cầu, ngày hôm nay. Đó cũng là nguyên nhân đã đẻ ra những con sông Gianh và Bến Hải, trong lòng Đất Nước và Quê Hương Việt Nam.
Nói tóm lại, chỗ nào có bạo động trong tư duy, lời nói và hành vi, chỗ ấy không có Hòa Bình giữa người với người, và không có An Lạc trong nội tâm. Chỗ nào còn có tình trạng tố cáo, đổ lỗi, chia rẽ, hận thù... chỗ ấy không có Đối Thoại, Đồng Cảm và Đồng Hành. Chỗ nào con người còn tranh giành hơn thua, còn kỳ thị xấu tốt, chỗ ấy không có Con Đường Hiểu Biết và Tình Thương. Chỗ ấy chỉ có KHỔ ĐAU tràn lan, lây lất, lai láng, trong mọi hang cùng, xó xỉnh của cuộc đời.
Vậy chúng ta chọn lựa con đường nào cho chúng ta và con cháu của chúng ta? Khổ đau trong hận thù? Hay là An Bình Nội Tâm, trên Con Đường Hiểu Biết và Tình Thương, Hòa Bình và Hạnh Phúc bắt đầu từ bản thân và gia đình nhỏ bé của chúng ta? Chúng ta mỗi người hãy bắt đầu tề gia, trước khi bàn đến những chuyện to tát như trị quốc, bình thiên hạ.
[1] Stephen R. COVEY - The 7 habits of highly effective people - Simon & Schuster, London 1989.
[2] Gerald G. JAMPOLSKY - Change your mind, change your life - Bantam Books, New-York 1991.
Phần thứ hai:
Vai trò BẮC CẦU của mỗi người
trên con đường xây dựng và phát huy Đối Thoại
Đầu năm 2003, tôi đã phát hành một cuốn sách dài hơn 250 trang, mang tựa đề «Đồng Cảm để Đồng Hành» [1] Trong tác phẩm nầy, tôi đã trình bày những động tác cụ thể cần thực hiện, mỗi lần chúng ta chọn lựa thái độ «Đồng Cảm» với tha nhân, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hẳn thực, không có khả năng Đồng Cảm giữa người với người, Đối Thọai chỉ là chuyện ba hoa chích chòe, lý thuyết, viễn mơ, hay là quảng cáo, tuyên tuyền láo khoét mà thôi.
Khả năng Đồng Cảm xuất hiện rất sớm, trên tiến trình giáo dục, làm người và thành nhân. Chung quanh hai tuổi rưỡi, một đứa bé khi nhìn vào đôi mắt của Mẹ, đã có thể cảm nghiệm: Mẹ đang sung suớng hay là khổ đau trong tâm hồn? Mẹ lo sợ, tức giận, cấm đoán? Hay là Mẹ bằng lòng cho mình đi ra dạo chơi chung quanh vườn nhà.
Không có khả năng Đồng Cảm như vậy, làm sao chúng ta có thể nhận ra rằng: Khi một người lên tiếng tố cáo, chưởi bới, mạt sát chúng ta, cũng như khi họ trầm luân, chìm đắm trong hận thù, bạo động, sát hại chúng ta, nhốt chúng ta vào tù và tìm mọi cách hành hạ chúng ta... chính người ấy đang giam hãm mình trong khổ đau tràn trề lai láng. Có lẽ, suốt cả cuộc đời, từ ngày sinh ra, họ chưa bao giờ được ai thương. Chưa được ai dạy dỗ cho họ biết đồng cảm với kẻ khác. Phải chăng tôi là người đầu tiên, với thái độ đồng cảm, cho phép người ấy cảm nghiệm được thế nào là thương yêu và được người khác thương yêu, một cách thực sự và trọn vẹn, theo như ý nghĩa «cho ra và nhận lại», một cách vô điều kiện?
Thêm vào đó, khi một người sống trong khổ đau trầm trọng, từ ngày này qua ngày khác, họ trở nên lạnh lùng, chai đá, mù quáng. Họ có mắt, nhưng họ không còn thấy. Họ có tai, nhưng họ không còn nghe. Họ có một con tim như chúng ta. Nhưng con tim ấy đã bị đầu độc từ bao nhiêu ngày tháng.
Tôi đã làm việc trong ba mươi năm, với những bà mẹ có đứa con chậm trí, chậm phát triển. Ít nhất, trong những ngày tháng đầu tiên, khi vừa mới gặp phải một biến cố bất ngờ như vậy, họ đớn đau, tê tái, kiệt quệ, cơ hồ mọi tai họa trong trời đất nầy đều đổ xuống trên đầu óc và cuộc đời của họ. Cho nên, giữa tình huống khổ đau, kinh hoàng và tê liệt như vậy, họ không còn biết nhìn con, nuôi con, bi bô, thỏ thẻ chuyện trò với con. Với đứa con mang khuyết tật, họ đánh mất mọi khả năng đã học tập. Họ không còn làm được những gì họ đã làm với những đứa con khác.
Cũng giống hệt như vậy, khi hai người đang sống những xung đột nghiêm trọng, cả hai đều trầm luân trong khổ đau. Họ chưới bới, mạt sát lẫn nhau, với những lời lẽ bỉ ổi thậm tệ. Cả hai giành nhau nói cùng một lúc. Cho nên, không ai lắng nghe ai, để nhận biết người bên kia có những nhu cầu và sở nguyện như thế nào. Và cứ như vậy, vấn đề kéo dài, từ ngày này qua ngày khác và không bao giờ được giải quyết, một cách thỏa đáng.
Khi đối mặt với những tình huống khổ đau của người khác, như tôi vừa phác họa trên đây, chúng ta có trách nhiệm làm những gì có khả năng làm, trong điều kiện hiện tại, để bầu khí quan hệ giữa người và người đã ô nhiễm, bị đầu độc, không còn ô nhiễm thêm lên mỗi ngày.
Thứ nhất, điều chúng ta cần làm là không thinh lặng đồng lõa, đứng chứng kiến một cách thụ động.
Thứ hai, chúng ta không «đổ thêm dầu vào lửa», bằng cách ủng hộ, vuốt đuôi, về phe người nầy và tố cáo, đá đảo phía bên kia.
Trong môi trường văn hóa của Quê Hương, Tổ Tiên và Cha Ông chúng ta đã đề nghị những cách làm quan trọng như sau:
- Chúng ta hãy bắt chước Bồ Tát TRÌ ĐỊA: ngày ngày đi nối lại những con đường hư đã làm gián đoạn giao thông và liên lạc. Chúng ta hãy dốc toàn lực, cố quyết nối lại khắp đó đây những nhịp cầu Hiểu Biết và Đồng Cảm. Chúng ta BẮC CẦU, cho bờ bên nầy gặp lại bờ bên kia, nói chuyện trao đổi với nhau, trong an hòa và tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ cho nhau niềm đau và nỗi khổ của mình.
- Chúng ta hãy bắt chước Bồ Tát THƯỜNG BẤT KINH: trên mọi nẻo đường của Quê Hương, gieo rắc niềm tin, tinh thần tự lực tự cường. Đi đâu, chúng ta cũng rỉ tai cho mọi người biết rằng: họ có đủ khả năng để bước tới với mọi người, như mọi người. Ai ai cũng hãy tin ở sức mình. Giải trừ những mặc cảm tự ti, bất lực. Bỏ lại đằng sau những cảm nghiệm tội lỗi, phản bội, bán nước, hại dân. Kỳ thực, nếu chúng ta đã lầm lỡ, chúng ta dựa vào đó, để rút ra những bài học, những kinh nghiệm. Sai lầm lúc bấy giờ không còn là sai lầm. Nó sẽ biến thành một cơ may, để thăng tiến bản thân và phục vụ anh chị em đồng bào. Hãy cùng nhau đốt lên một que diêm, trước khi chờ đón một rừng đuốc. Hãy đổ một giọt mồ hôi, thay vì đứng hô hào những chiến dịch, bằng mồm miệng. Trao cho bà con thôn xóm một nụ cười chân tình và thân ái, thay vì rao giảng ồn ào về Tình Anh Em bốn bể một nhà.
- Chúng ta hãy bắt chước Bồ Tát ĐỊA TẠNG: muốn có mặt khắp muôn nơi. Bước chân đến những chốn nhiều khổ đau nhất của Đất Nước. Chừng nào địa ngục chưa trống không, chúng ta còn ở lại đó, để ĐỒNG CẢM và hoạt động. Với chúng ta, những con đường còn bùn lầy nước đọng hôm nay, mai ngày sẽ trở thành con đường Yêu Thương và Hiểu Biết.
- Chúng ta hãy bắt chuớc Bồ Tát QUAN THẾ ÂM : Lắng nghe tiếng kêu đau thương của anh chị em Đồng Bào, để sẵn sàng tới với họ, bằng mọi cách, trong bất cứ một hình hài nào : một em bé, một nhà văn, một bà mẹ nội trợ... một người lãnh đạo Đất Nước « chăn lạnh choàng vai, đêm chẳng ngủ. Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân ».
Tất cả bốn công việc: «Lắng nghe, Đồng cảm, tạo nhịp cầu cho hai phe gặp gỡ và trao đổi với nhau, nhìn nhận nhu cầu và quyền lợi chính đáng của mỗi người», mang tên là BẮC CẦU, LÀM TRUNG GIAN, trong khoa học Tâm Lý Xã Hội, thuộc thời đại Nghìn Năm Thứ Ba. [2]
Công việc Bắc Cầu ấy bao gồm những động tác cụ thể như sau:
Thứ nhất là có mặt ở giữa: tạo điều kiện thuận lợi, cho hai người hoặc hai phe xung đột trình bày và xác định vấn đề của mình. Người bắc cầu đề xuất những tiến trình và qui luật, để hai bên lần lượt trình bày trong trật tự và an hòa quan điểm chủ quan của mình. Trong giai đoạn xác định vấn đề, trách nhiệm của người bắc cầu là giúp cho cả hai phía «môi trường hóa» những thông tin và ý kiến của mình : Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Thế nào? Với ai?...
Những qui luật cần được cả hai phía tôn trọng một cách nghiêm chỉnh là :
-  Qui luật một: sử dụng ngôi thứ nhất «Tôi», để nói về mình. Thay vì dùng ngôi thứ hai, để kết án, tố cáo. Nhìn mình như vậy để ý thức về mình, trước sự chứng kiến, của người bắc cầu và người thuộc phe bên kia.
-  Qui luật thứ hai là lắng nghe một cách nghiêm chỉnh và cẩn trọng, đồng thời tìm hiểu, khi kẻ khác nói ra nỗi lòng bức xúc và khổ đau của mình. Xuyên qua cách làm như vậy, người bắc cầu chính là nơi gặp gỡ, và điểm hội tụ.
- Cho nên, qui luật thứ ba là hai phe xung đột không có phép nói trực tiếp với nhau. Họ chỉ nói, xuyên qua người trung gian, giải thích, trình bày cho người trung gian, theo những thể thức và qui luật đã được ấn định với người trung gian. Nếu có trường hợp người bên nầy cắt lời và phản đối người bên kia, vai trò và trách nhiệm của người bắc cầu là nhắc lại qui luật thứ ba nầy: Ông đã nói trong 5 phút. Bây giờ, đến lượt Bà, Bà cũng có quyền nói trong vòng 5 phút. Tiếp sau đó, Ông cũng sẽ phát biểu trở lại... Không ai cắt lời của ai.
Thứ hai là nêu ra những câu hỏi xúc tác: dựa vào đó, người nói có thể dễ dàng phát biểu những xúc động như buồn, lo, tức giận, thất vọng, bất mãn... của mình, ngoại hiện một cách đầy đủ tất cả những tình huống đang trấn áp nội tâm.
Thứ ba là chuyển hóa những xúc động thành NHU CẦU. Ví dụ: Khi Ông, Bà nói như vậy, Ông, Bà cảm thấy mình có những xúc động gì? Khi diễn tả nỗi niềm bực tức, như Ông Bà vừa làm, Ông Bà có những nhu cầu cần phải thỏa mãn là những gì?
Thứ bốn là xúc tác tinh thần TRÁCH NHIỆM. Người bắc cầu không làm thay, làm thế. Chính những người trong cuộc chọn lựa và quyết định về phương thức và chiều hướng giải quyết vấn đề của mình. Khác với người trọng tài, người bắc cầu không làm công việc giàn hòa. Người bắc cầu cũng không đưa ra những đề nghị hoặc áp đặt từ ngoài hay từ trên những lời khuyên.
Nói tóm lại, người bắc cầu chỉ làm công việc xúc tác, với sự có mặt «vô công, vô vi và vô tư của mình». Chính những người hoặc phe phái, trong vụ xung đột, mới là những tác nhân năng động, tìm ra con đường chuyển hóa bản thân và sáng tạo những phương hướng giải quyết vấn đề của mình.
Nhằm kết luận, tôi xin kể ra một câu chuyện:
Hôm ấy, có một nông phu ở Xứ Ngoài muốn vào Xứ Trong làm ăn. Truớc khi ra đi, ông đã đến tham vấn một Thiền sư đang cư ngụ trong vùng.
Chàng nông phu vào đề:
- Thưa Sư Ông, con sắp vào Xứ Trong làm ăn. Sư Ông đã đi khắp đó đây, từ Đông qua Tây, từ  Bắc xuống Nam. Xin làm ơn cho con hay : Người Xứ Trong dễ thương hay dễ ghét?
Thiền sư hỏi lại :
- Cho đến bây giờ, trong xóm làng của Anh, những người anh đã tiếp xúc trong công việc và đời sống hằng ngày, có thái độ thế nào đối với anh ? Họ dễ thương hay dễ ghét?
- Thưa Sư Ông, ai ai cũng dễ thương với con.
- Thế thì ở Xứ Trong cũng vậy, Thiền sư trả lời, mọi người cũng sẽ dễ thương với anh, như ở quê làng của Anh.
Một vài tuần sau, một chàng nông phu khác cũng đến tham vấn Thiền Sư:
- Thưa Thầy, con quyết định vào Xứ Trong lập nghiệp. Xin Thầy chỉ bảo cho con biết: Người trong ấy có tính tình thế nào, theo cách nhận xét và kinh nghiệm của Thầy?
Thiền sư hỏi lại:
-  Theo kinh nghiệm và nhận xét của Anh, người trong quê làng hiện nay của anh có tính tình như thế nào? Dễ ghét hay dễ thương?
- Thưa Thầy, ai ai cũng dễ ghét và khó chịu. Cho nên con muốn ra đi, cho khuất mặt, khuất lòng.
- Thế thì tôi sợ rằng, Thiền sư trả lời, người ở Xứ Trong chắc cũng sẽ rất dễ ghét và khó chịu, giống như người ở quê nhà của mình.
Cuối ngày hôm ấy, một chú tiểu độ mười hai tuổi, đến lẩn quẩn bên cạnh Thiền Sư. Thiền sư hỏi :
- Hình như con có điều chi khó chịu, trong mình con, phải không?
Chú tiểu thưa lại:
- Kính thưa Sư Ông, cách nhau hai tuần, hai người thanh niên đến hỏi Sư Ông một câu hỏi hoàn toàn giống nhau. Thế mà con nghe Sư Ông trả lời cho người thứ nhất : Người Xứ Trong rất dễ thương. Với người thứ hai, trái lại, Sư Ông trả lời : Người Xứ Trong rất dễ ghét và khó chịu. Thưa Sư Ông, con nghe như vậy, con không hiểu Sư Ông muốn nói gì. Con đang lo : Sư Ông có mắc bệnh gì không.   
Sư Ông mỉm cười và dịu dàng dạy cho chú tiểu :
- Tâm con làm sao, thì cách con nhìn cũng sẽ như vậy.
Tôi không biết chú tiểu đã hiểu Sư Ông thế nào. Phần tôi, tôi cảm nghiệm rằng: khi tôi cố quyết làm người, tôi sẽ thấy phẩm giá làm người, trong mọi người, khi họ tiếp xúc, trao đổi, chuyện trò với tôi, thậm chí những người có tác phong bên ngoài rất hằn học, tố cáo, hung bạo đối với tôi. [3]
Nói cách khác, khi tôi ngày ngày học tập, tôi luyện để phát huy chất liệu đối thoại trong bản thân và cuộc đời của mình, mọi người, bất kể là ai, người xấu hay kẻ tốt, người thương tôi hay kẻ ghét tôi, người bao bọc che chở cho tôi, cũng như người ác độc, tìm cách sát hại tôi... tất cả mọi người đều là cơ may quí hóa, giúp tôi thực tập bài học đối thoại, trong lòng Quê Hương và cuộc đời làm người. [4]
Chương Tám
Con Đường Luyện Vàng
1. Khi nhìn lại cuộc đời của mình, tôi có thể phân biệt ba giai đoạn vừa đối kháng vừa bổ túc lẫn nhau:
Thứ nhất, từ 20 đến 40 tuổi, tôi ấp ủ hoài bão cải hóa con người và thay đổi bộ mặt của thế giới. Tôi muốn thực hiện một cuộc cách mạng toàn diện cho bản thân và cuộc đời. Theo lối nhìn của tôi vào thời kỳ ấy, nếu điều kiện môi trường xã hội bắt buộc, tôi sẵn sàng dấn bước vào con đường xung đột, bạo động, hận thù, đổ máu và chiến tranh... miễn là ý đồ thành đạt và mang lại những thành quả mong muốn.
Thứ hai, từ 40 đến 60 tuổi, tôi đã dần dần thu hẹp những ước mơ và mộng tưởng của mình. Cuối cùng tôi chỉ giữ lại một tham vọng độc nhất là thay đổi vợ con và một vài bạn bè thân tình, thiết cốt mà thôi.
Thứ ba, từ 60 tuổi trở đi, sau bao nhiêu khổ đau chồng chất, thất bại ê chề và nhiều tác phong phản bội, trong cuộc đời lý tưởng cũng như trong quan hệ trao đổi và tiếp xúc giữa người với người... tôi đã mở mắt bừng sáng về khả năng thực sự của mình: Tôi chỉ có thể chủ động chuyển hóa chính con người của tôi mà thôi. Khu vườn mà tôi có thể vun trồng tưới bón một vài bông hoa, để hiến tặng cho đời và những ai lại gần tôi, đó là tâm hồn của tôi. Không khởi sự từ nơi đây, tôi chỉ làm con keo vẹt, hô hào, cổ động, chiêng trống rùm beng, thanh la chũm chọe. Tệ hại hơn nữa là tôi sử dụng bom đạn hận thù, cưỡng bức và chiến tranh... để đòi buộc kẻ khác phải « cải hóa và qui thiện », giống như tôi, theo ý của tôi, đúng như mẫu thức do tôi áp đặt từ trên, từ ngoài, một cách đơn phương, độc tài và độc đoán.
Chính cách «đặt vấn đề», «thấy vấn đề» và «giải quyết vấn đề», một cách độc lộ, một chiều như vậy, là một vấn đề nan giải và bế tắc triền miên, có mặt khắp nơi, trong thế giới ngày hôm nay.
Cuối cùng, không một ai đón nhận và chấp nhận «ý đồ thực dân» của tôi, được ngụy trang ở dưới một bộ mặt «đầy thiện chí và thiện tâm».
2. Từ những kinh nghiệm đau thương ấy, tôi đã chọn làm của mình lời khấn nguyện của thi sĩ Reinbold Niebuhr được trích dẫn trong cuốn sách của tác giả bác sĩ tâm thần B. Burns: [5]
«Xin cho tôi có lòng thanh thản và bình tâm để chấp nhận những gì tôi không thể thay đổi.
«Xin cho tôi có lòng can đảm để chuyển hóa những gì tôi có khả năng và trách nhiệm chuyển hóa.
«Xin cho tôi có lòng khôn ngoan để phân biệt một cách sáng suốt điều nào tôi có thể thay đổi và điều nào thoát ra ngoài khả lực hiện thực của tôi»
Hẳn thực, mỗi lần khảo sát vấn đề thay đổi, chuyển biến trong cuộc sống làm người, tôi không thể không nêu lên một loạt câu hỏi đan chéo chằng chịt vào nhau:
- Tôi thay đổi cái gì?
- Tôi thay đổi để làm gì?
- Tôi thay đổi bằng cách nào?
- Tôi thực hiện công cuộc thay đổi ấy khi nào, ở đâu, với ai, bao lâu?
- Trường hợp cái hại lấn áp và khống chế cái lợi, trong tiến trình thay đổi ấy, tôi cần lấy quyết định như thế nào? Sáng suốt dừng lại? Vẫn ngoan cố tiếp tục? Hay là chuyển hóa mục tiêu, bằng cách CHỌN LỰA lại một con đường hợp tình hợp lý, linh động và hài hòa, có người và có tôi đồng lòng và hợp ý với nhau?
Trong lời khấn nguyện của R. Niebuhr, năm bước đi lên ấy được gói ghém trọn vẹn trong lối nói «Lòng Khôn Ngoan». Đây là ngọn hải đăng có khả năng hướng dẫn và soi sáng những con thuyền đang lênh đênh trên biển cả đầy sóng gió. Một lòng khôn ngoan đa năng, đa diện và hữu hiệu như vậy, chỉ phát huy và triển nở được trong một tâm hồn thanh thản và an lạc, luôn luôn tỉnh thức và bao quán về những đường đi và nẻo về của mình, trong lòng cuộc đời ba chìm bảy nổi tám lênh đênh. Thêm vào đó, lòng khôn ngoan ấy cũng là động lực thúc đẩy chúng ta can trường bước tới, vượt qua mọi trở ngại, trên bất cứ giai đoạn nào, thuộc tiến trình làm người.
Hẳn thực, chừng nào chúng ta có khả năng thay đổi tất cả những gì chúng ta có trách nhiệm phải thay đổi, để ngày hôm nay trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn ngày hôm qua, lúc bấy giờ chúng ta đang trở thành người LUYỆN VÀNG, theo lối nói của văn hào Paulo Cuelho. Tất cả mọi quặng sản như đồng, chì, sắt, thép... sẽ chuyển biến thành Vàng nguyên chất, khi tiến vào trong quĩ đạo sinh sống và hoạt động của chúng ta.[6]
3. Cũng chính vì lý do và ý hướng nầy, Kinh Dịch phân biệt hai loại biến chuyển khác nhau: Một là những chu kỳ thay đổi trong các hiện tượng tự nhiên của trời đất, vũ trụ. Hai là những con đường vươn lên, hướng thượng, chuyển hóa trong cuộc sống thành người. Hẳn thực, những đổi thay như nắng mưa, ngày đêm, nóng lạnh... là định luật tự nhiên, tất yếu của đất và trời. «Mai mưa, trưa tạnh, chiều giông» là lẽ thường tình của khí hậu, do nhiều yếu tố tác động và ảnh hưởng qua lại hai chiều, theo định luật nhân sinh ra quả, quả trở lại chi phối nhân.
Bản sắc và sứ mệnh của con người, trái lại, là làm chủ cuộc đời. Từ ngày sinh ra cho đến khi lìa đời, con người không ngừng sáng tạo, chuyển hóa, thăng tiến bản thân của mình. Đồng thời, chúng ta có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, để người anh chị em hai bên cạnh cũng có khả năng tiến hóa, vươn lên như chúng ta và với chúng ta. Nghĩa là ngày ngày trở thành con người có Văn Hóa. Có khả năng chuyển biến cuộc đời và bản thân mình thành một cánh đồng phì nhiêu. Ngày ngày kết sinh mùa màng và hoa lợi. Mang lại hạnh phúc và ấm no, trên hai bình diện vật chất và tinh thần, cho chính mình và những người anh chị em khác, cùng chung sống hai bên cạnh.
Con đường luyện vàng ấy không thể được áp đặt hoặc chỉ đạo từ bên trên hoặc bên ngoài. Nó được cưu mang, ấp ủ và phát sinh ở bên trong nội tâm của mỗi người. Rồi từ đó, toát ra bên ngoài, trong các địa hạt khác, thuộc môi trường sinh thái chung quanh.
4. Để trở nên hữu hiệu, nghĩa là có khả năng tạo ra những thành quả cụ thể, vững bền, trên con đường luyện vàng nầy, theo cách hướng dẫn của tác giả Stephen R. Cover, chính con người của chúng ta cần kinh qua một tiến trình bao gồm 7 giai đoạn, giai đoạn trước chuẩn bị và tạo điều kiện « hộ sinh » cho giai đoạn sau: [7]
-  Thứ nhất: Chủ động và sáng tạo, thay vì bị động và phản ứng một cách máy móc, bốc đồng trước những kích thích của ngoại cảnh.
- Thứ hai: Xác định mục đích tối hậu, trước mỗi kế hoạch hành động. Nói cách khác, lý tưởng của đời tôi là gì? Chí hướng soi đường chỉ lối cho tôi, bao gồm những giá trị nào, nhất là khi tôi trải qua những giai đoạn bão bùng giông tố?
- Thứ ba: Làm việc với những mục tiêu cụ thể, được đánh giá kỹ càng và xếp đặt thành ưu tiên 1, 2, 3..., để từ từ tiến lên, theo kế hoạch «kiến tha lâu đầy tổ» hay là « cháo nóng húp quanh».
- Thứ bốn: Phát huy một loại quan hệ tích cực, xây dựng và hài hòa, «Tôi Thắng-Người Thắng», khi trao đổi và tiếp xúc với người khác, trong bất cứ giai đoạn và địa hạt sinh hoạt nào.
- Thứ năm: Học hỏi, lắng nghe, tìm hiểu quan điểm của người khác ở trên hay ở dưới, ở ngoài hay ở trong... thay vì đơn phương áp đặt lập trường và quan điểm chủ quan của mình, một cách độc tài, độc đoán.
- Thứ sáu: Người và tôi khác nhau, trong quan điểm, nhận thức, quyền lợi và kinh nghiệm. Nhưng quyền khác biệt ấy cần được nhìn nhận và tôn trọng một cách nghiêm minh. Nhờ đó, người và tôi có thể bổ túc, kiện toàn phát huy và làm phong phú cho nhau, trên con đường làm người và thành người.
- Thứ bảy: Ngày ngày đánh sáng và mài nhọn lại sáu phương thức luyện vàng trên đây, cho đến lúc tròn đầy và nhuần nhuyễn.
Thực ra, con đường luyện vàng nầy không thể nào có điểm chấm dứt. Ngày ngày chúng ta quyết định lại. Chọn lựa lại, như ngày đầu tiên. Làm mới lại từng bước đi lên, đúng như lời người xưa đã căn dặn: «Nhật tân. Nhật nhật tân. Hựu nhật tân». Mỗi ngày, tôi đổi mới con người của tôi. Đổi mới không ngừng.  Đổi mới toàn diện, trong mỗi lời ăn, tiếng nói, hành vi và thái độ. Đổi mới trong quan hệ tiếp xúc và trao đổi với người khác. Đổi mới trong tâm tình và ý nguyện.
Một cách đặc biệt, con đường đổi mới và luyện vàng ấy phải bắt nguồn và phát khởi từ lối nhìn của mỗi người. Của tôi, của Anh, của Chị. Bao lâu chưa có cuộc đổi mới tận gốc tận ngọn ở nơi đây, mọi đổi mới khác cho dù được hô hào hoặc đánh bóng đến độ nào chăng nữa, cũng chỉ là bì phu, giả hiệu, « sơn son thếp vàng » ở bên ngoài mà thôi.
5. Lối nhìn, trong cách dùng từ ngày nay, còn mang nhiều danh hiệu khác như: Thể thức nhìn đời, lề lối nhận thức, quan điểm, cách thuyên giải thực tế, vũ trụ quan...
Nói một cách đơn sơ, dễ hiểu, vừa tầm của người bình dân, lối nhìn của một người bao gồm tất cả những gì người ấy diễn tả, phát biểu, bộc lộ ra ngoài, để trả lời ba loại câu hỏi như sau:
- Tôi là ai?
- Người đang chung sống hoặc tiếp xúc với tôi là ai?
- Thực tế và thực tại, với bao nhiêu sự việc hoặc sự kiện ngày ngày xảy ra trước mắt tôi, có ý nghĩa gì cho cuộc đời làm người của tôi? Những sự việc ấy có mang lại hạnh phúc cho cuộc đời làm người của tôi không? Hay đó chỉ là ngục tù giam hãm, tạo ra cho tôi những tình huống khổ đau, bất hạnh và bệnh hoạn?
Sau đây là một vài ví dụ về lối nhìn:
- Câu hỏi thứ nhất: Tôi nhìn tôi như thế nào? Tôi có xu thế trả lời: Tôi đúng, kẻ khác sai. Tôi tốt, kẻ khác xấu. Mỗi lần có một hư hỏng, sai lầm xảy ra trong môi trường, tôi thấy tôi là người hoàn toàn trong trắng và vô tội. Thủ phạm hay là tội nhân là một ai đó khác tôi, không phải là tôi, đang sống cùng với tôi. Ngoài những điều hoàn toàn tiêu cực ấy, còn có một lối nhìn nào khác tích cực và xây dựng không? Khi khẳng định mình, phải chăng tôi cũng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ những người khác có khả năng khẳng định con người và bản thân họ giống như tôi?
- Câu hỏi thứ hai: Người trước mặt tôi là ai? Họ phải làm những gì? Mỗi lần tôi nói, tôi đòi hỏi mọi người phải lắng nghe, chú ý. Nhưng khi có một ai khác đề xuất một ý kiến, nêu lên một quan điểm... Tôi không đón nhận. Tôi không lắng nghe để học hỏi, tìm hiểu. Trái lại, tôi chỉ sẵn sàng lên án, phê phán, kết tội, vạch lá tìm sâu, nhấn mạnh những thiếu sót và sai lầm. Một cách đặc biệt, khi có những khác biệt giữa tôi và người khác, trong lề lối nhận thức và lập trường tư tưởng, tôi đã chuyển biến những điểm khác biệt ấy thành đề tài tranh chấp, xung đột, bạo động và hận thù. Thay vào những cách làm ấy, tôi có thể sáng tạo những hướng đi nào khác có tính xây dựng và an hòa hơn không?
- Câu hỏi thứ ba: Thực tế và thực tại đang xảy ra và biến chuyển thường xuyên trong môi trường sinh thái bao quanh tôi, như bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, mang lại cho bản thân và cuộc đời làm người của tôi, những ý nghĩa tích cực hay tiêu cực, thăng tiến hay suy đồi, bao la mở rộng hay là hẹp hòi, ngột ngạt? Những ý nghĩa ấy do tôi chủ động sáng tạo? Hay là tôi chỉ là nạn nhân của thời cuộc? Một con múa rối, do bàn tay lông lá của người khác lèo lái, chỉ huy và điều động?
Những lối nhìn, mà tôi vừa đề xuất một cách sơ phác, trong một vài ví dụ cụ thể, đang tạo lập, ở bên trong nội tâm của tôi một loại bản đồ tâm linh, để hướng dẫn và soi sáng mọi đường đi nẻo về của tôi, trong lòng cuộc đời.
Tuy nhiên, tấm bản đồ ấy không phải là thực tế và thực tại khách quan bên ngoài. Không phải là xứ sở và quê hương đích thực của tôi. Xuyên qua một vài đường nét thô thiển và giản lược tối đa, nó giúp tôi hình dung những con đường phải chọn lựa, những trở ngại cần đề phòng.
Việc gì sẽ xảy ra, nếu tôi đi tìm đường ở Thành Phố Sài Gòn, với một bản đồ của Thủ đô Hà Nội hay là của Thành Phố Huế ? Cho dù tôi đã tìm mọi phương tiện, để thay đổi thái độ, tác phong, tâm tình... tôi vẫn đi lầm đường, tìm không ra địa chỉ, bao lâu tôi không rà soát hay là kiểm điểm lại tấm bản đồ đang điều khiển và lèo lái mọi đường đi nẻo về của tôi.
6. Trong những quan hệ tiếp xúc và trao đổi giữa tôi và người anh chị em đồng bào, trong lòng quê hương, phải chăng tôi cũng đang sử dụng những loại bản đồ đã lỗi thời, lạc hậu như vậy? 
Bao nhiêu khổ đau đang còn tràn lan, lây lất khắp đó đây, phải chăng vì chúng ta chưa thay đổi tấm bản đồ nội tâm của chúng ta về người anh chị em?
Phải chăng chúng ta đã biết can đảm ngồi lại với nhau, để giúp nhau làm mới lại, cập nhật hóa lối nhìn của chúng ta về mình, về người khác và về thực tế, thực tại bao quanh chúng ta?
Trong quá khứ xa và gần của Đất Nước và Dân Tộc, những nét khác biệt đương nhiên tất yếu, giữa chúng ta và người anh chị em hai bên cạnh, đã phát sinh những tình huống hận thù và xung đột, bạo động và chia rẽ. Thời gian đã trôi qua. Nhưng vết thương lòng vẫn còn đớn đau và rướm máu. Chính ngày hôm nay, đúng như lời cảnh giác của Tổ Tiên và Cha Ông, chúng ta vẫn còn sắp hàng thành hai phe Sơn Tinh và Thủy Tinh, để làm «gà một nhà bôi mặt đá nhau».[8]
Thay vì dồn nén, ức chế, ngoảnh mặt làm ngơ, giả vờ như « không có, không thấy, không nghe, không cảm », chúng ta hãy can trường nhận diện và đối diện với lối nhìn đang tác yêu tác quái trong tâm hồn và cuộc đời. Nỗi lo sợ đang khống chế và xuyên tạc một cách trầm trọng, tấm bản đồ tâm linh của chúng ta. Nó dẫn đầu một đoàn tùy tùng dài thòng lòng bao gồm những tư tưởng nhị nguyên như «tao tốt, mầy xấu»... những tư duy độc lộ như «chỉ có tôi mới có toàn quyền sở hữu về chân lý». Bạo động, hận thù, chia rẽ và chiến tranh dưới mọi hình thức... chỉ là sản phẩm của loại bản đồ «LO SỢ» nằm sâu trong những tầng lớp dày đặc của tâm hồn.
7. Thể theo nhận định của những tác giả như Louise L. Hay, John Gray [9]... chỉ có CON ĐƯỜNG LUYỆN VÀNG, làm bằng Tình Yêu và Lòng Thứ Tha vô điều kiện, mới có khả năng khai thông những tình trạng bế tắc được nói tới trên đây. Chỉ có con đường Luyện Vàng này mới có khả năng hàn gắn và chữa lành mọi vết thương lở lói và nhức nhối, trong lòng Quê Hương và Nhân Loại.
Trên con đường luyện vàng nầy, thể theo câu nói của tác giả G.G. Jampolsky: [10]
«Bất kỳ một câu hỏi nào được nêu lên, Tình Yêu là câu trả lời.
«Bất kỳ một vấn đề gì xuất hiện, Tình Yêu là câu trả lời.
«Bất kỳ một cơn bệnh nào đang đe dọa và hoành hành, Tình Yêu là câu trả lời.
«Bất kỳ một nỗi đớn đau nào đang tiến lại, Tình Yêu là câu trả lời.
«Bất kỳ một xúc động sợ hãi nào đang trào dâng, Tình Yêu là câu trả lời.
«Tình Yêu luôn luôn là câu trả lời trong mọi tình huống, vì chỉ có Tình Yêu là TẤT CẢ»
8. Không cưu mang «Tình Yêu và Lòng Tha Thứ» trong cung dạ của mình, liệu chúng ta sẽ có gì, để có thể mang đi hiến tặng cho người anh chị em đồng bào, hai bên cạnh chúng ta? Không có hành trang «Tình Yêu và Lòng Tha Thứ», chúng ta sẽ dùng chất liệu nào, để xây dựng Đất Nước và phục vụ tha nhân? Bao lâu «Tình Yêu và Lòng Tha Thứ» đang vắng mặt trong cõi lòng của chúng ta, mỗi lời nói và hành vi xuất phát từ chúng ta, đều là bom đạn, hận thù, xung đột và chiến tranh, trong mỗi quan hệ giữa chúng ta và những người sinh sống hai bên cạnh. Những Lò Hơi Ngạt của người Đức Quốc Xã phải chăng đã và đang còn là những chứng liệu linh động trước mắt chúng ta, về một loại người đã trở thành «chó sói và hỏa ngục» đối với người anh chị em đồng hương, đồng loại?
Chương Chín
Xây dựng Quan Hệ và Quan Hệ Xây Dựng
Chương nầy bàn về thể thức xây dựng những quan hệ tích cực và hữu hiệu, giữa người với người. Bao nhiêu cạm bẫy cản trở bước đường thành nhân của chúng ta đều nằm tại đây. Tuy nhiên, không có những đóng góp của kẻ khác - trong đó có những người tìm cách làm hại và đàn áp chúng ta - chúng ta có thành tựu được tất cả những gì đang tạo nên bản sắc của chúng ta trong cuộc đời hiện tại hay không?
Nhằm trả lời cho vấn nạn nầy, trong Phần Một, tôi sẽ phân biệt và tách rời khỏi nhau, hai lãnh vực «Người và Việc».
Hẳn thực, trong lãnh vực Người, bao lâu chúng ta chưa chấp nhận và tôn trọng quyền khác biệt của nhau, chúng ta chưa thể nào thiết lập những quan hệ chung sống hài hòa, kiện toàn và bổ túc cho nhau. Đây là một tiến trình lâu dài, liên lỉ, không bao giờ kết thúc, bao lâu chúng ta còn sống trên cõi đời này.
Trái lại, trong lãnh vực Việc, điều thiết yếu là chúng ta cần học tập và tôi luyện phương pháp thương lượng với nhau, để tiến tới những giao điểm, những vùng hội tụ, những mảnh đất đứng chung với nhau. Không đồng ý «cùng với nhau nhìn về một hướng», không chia sẻ một số giá trị chung, chúng ta không thể hợp tác và thành tựu những kết quả cụ thể mong muốn cho nhau và với nhau.
Trong Phần Hai, tôi sẽ nhấn mạnh thêm: Khi thương lượng với nhau, điều tiên quyết cần thành đạt là cả hai bên đều thắng, nghĩa là gặt hái những kết quả tích cực, cụ thể và khách quan, trong chiều hướng thành người. Trên tiến trình nầy, không có kẻ thua. Trái lại, xây dựng quan hệ hài hòa và đồng cảm là cùng đích chúng ta cần nhắm tới. Trên con đường ấy, chúng ta không thể dấn bước một mình.
Lẽ đương nhiên, khi kết dệt những quan hệ xây dựng, cả hai bên - người và chúng ta - sẽ thâu lượm dễ dàng những thành quả tốt đẹp. Thế nhưng, chúng ta không chờ đợi, đòi hỏi phải có kết quả trong địa hạt thương lượng, rồi mới dấn bước trên con đường làm người.
Bên này là một tiến trình. Bên kia là kết quả cụ thể. Cho nên, tôi chỉ đơn phương làm người. Nói cách khác, một cách VÔ ĐIỀU KIỆN, tôi thực hiện những điều cần thực hiện, về phía bản thân của tôi. Tôi không thể chờ đợi hay là đòi hỏi kẻ khác phải làm người, để rồi tôi mới làm người.
Trong Phần Ba, tôi sẽ trình bày thêm: đâu là những động tác cụ thể cần được tôi tức khắc dấn thân thực hiện, từ ngày hôm nay, không trì hoãn, trên tiến trình xây dựng những quan hệ với người khác, bắt đầu từ môi trường gia đình, thậm chí với đứa con vừa đi ra khỏi lòng mẹ, chưa hoàn toàn ý thức về mình.
1. Người và Việc
Khi nói đến Người, chúng ta nói đến những quan hệ tiếp xúc và trao đổi giữa hai người với nhau, trong tất cả mọi hoàn cảnh chung sống, thuộc đời sống gia đình, cũng như thuộc địa hạt xã hội. Ngay từ giây phút đầu tiên, lúc đứa bé vừa ra chào đời, nó đã cần quan hệ với người mẹ, hay là với một người nuôi nấng, đùm bọc nó giống như một người mẹ. Nhờ đó, nó mới có khả năng sống và thành người. Chính người mẹ cũng cần phải quan hệ với đứa con và bao nhiêu người khác, mới có thể chu toàn vai trò làm người và làm mẹ một cách tốt đẹp.
Hẳn thực, suốt cuộc sống làm người, từ lúc sinh ra cho đến khi lìa đời, những mạng lưới quan hệ chằng chịt sẽ dạy cho tôi ba bài học chủ yếu:    
- Bài học thứ nhất, giữa người khác và tôi có những NÉT KHÁC BIỆT «đương nhiên và ắt có». Quyền khác biệt ấy thuộc bản sắc làm người và cần phải được tôn trọng. Bằng không, chất lượng làm người của cả hai người - người không biết tôn trọng và người không được tôn trọng - đều bị tổn thương trầm trọng. Ngoài ra, nhờ khác biệt, người ấy và tôi có khả năng bổ túc, kiện toàn cho nhau, trên suốt tiến trình làm người. Người khác nói được là một tấm gương soi, trong đó tôi nhận ra khuôn mặt xinh đẹp của tôi, cũng như bao nhiêu đường nhăn và vết thẹo... Trong một vài tôn giáo và nền văn hóa, xưa và nay, người khác được coi như là một «Hồng Ân». Ít nhất về mặt lý thuyết, họ là «vị đại diện hữu hình của Thượng Đế Vô Hình», đang có mặt với tôi, trên những chặng đường xuôi ngược của cuộc đời. Tuy nhiên, cũng vì những nét khác biệt ấy, bao nhiêu tranh chấp, xung đột, thiên kiến, hận thù... cũng có thể bùng nổ, giữa người ấy và tôi. Chính Triết gia người Pháp J. P. Sartre đã khẳng định: «người khác là hỏa ngục».
- Bài học thứ hai, giữa người khác và tôi, cũng có rất nhiều điểm GIỐNG NHAU, cho dù người nầy sinh ra ở Nam và kẻ kia xuất phát từ miền Bắc. Nhờ vào những đồng điểm ấy, hai người có thể «xích lại gần nhau» và yêu nhau. Dưới một khía cạnh nào đó, họ nhận thấy mình là «một phần nửa» của nhau, đã cùng nhau «chia sẻ một bào thai», trong cung lòng của một mẹ và một cha. Giống như những cặp vợ chồng trẻ trung ở miền Bình Trị Thiên, họ không ngần ngại gọi nhau là Mình. «Mình với Ta, tuy hai mà một. Ta với Mình, sao một mà hai?»
- Bài học thứ ba, người khác và tôi CẦN nhau, trong rất nhiều công việc hoặc dự án, tốt cũng như xấu, xây dựng, tích cực cũng như tiêu cực và phá hoại. Theo lối nhìn của nhà tâm lý xã hội  J.J. Crèvecoeur, [11] khi tôi từ chối một cách rộn ràng bằng mồm miệng, cũng như khi tôi thinh lặng đồng lõa, tôi đều góp phần tích cực của mình, để nuôi dưỡng những trò chơi quyền lực, trong những xã hội rộng và hẹp, thuộc tầm cỡ hoàn vũ, hay là trong giới hạn chính trị của một khu vực. Theo lối nói ngày nay, chúng ta tất cả đều «liên đới với nhau», đều «đồng trách nhiệm». Ai ai cũng đóng góp phần mình, khi có một «con sâu đang đục khoét», trong lòng xã hội. Hẳn thực, tôi không hối lộ. Nhưng tôi đã làm gì trong những giới hạn của tôi? Tôi vẫn mua vé chợ đen, khi lên tàu, để có chỗ ngồi đàng hoàng, thoải mái. Tại các cơ sở y tế, tôi nhờ cậy người quen thân, để được ưu tiên «không sắp hàng» chờ đợi, như bao nhiêu người khác... Chính vì những lý do đó, thay vì phê phán, tố cáo kẻ khác có tác phong «tùy tiện», có lẽ tôi hãy bắt đầu nhìn mình: tôi đang «tùy tiện» ở đâu, trong những chu vi hoạt động của tôi? Ngược lại, tôi cũng có khả năng «làm con én nho nhỏ tạo nên mùa xuân», trong những tầng sâu thăm thẳm của nội tâm tôi. Từ điểm xuất phát đó, con én ấy sẽ dần dần làm «vết dầu loang», cho người khác. Nếu chất lượng thực sự của chúng ta là hương, tự khắc mùi thơm sẽ lan tỏa ra chung quanh. Để làm người, ai ai cũng cần cho. Và đồng thời, chúng ta cũng đang nhận lại rất nhiều, từ bốn phương thiên hạ. Xin và cho thuộc bản chất làm người. Tuy nhiên, CHO không phải là từ trên ban phát xuống một cách trịch thượng. XIN không phải là chối từ quyền lợi và giá trị tự tại của mình. Khi cho, chúng ta nhận mình là người truyền thừa một gia tài vô tận, trong chính con tim và cuộc đời làm người. Khi xin, chúng ta ý thức mình luôn luôn «làm đứa con» trong lòng Trời Đất, không đòi hỏi, không đặt điều kiện. Xin là nhìn nhận mình đang được thương yêu. Trong cuộc sống, dưới chế độ Vô Thức, trái lại, quan hệ xin-cho có nguy cơ đánh mất bản chất cao quí và trọng đại, bằng cách bị xuyên tạc và thoái hóa, thành đồ hàng hóa mua chác, chiếm hữu, kiểm soát, đút lót...
Nữ Thi sĩ Xuân Quỳnh đã nhận thức được cả ba bình diện Khác, Giống và Cần, trong mỗi quan hệ làm người, nhất là trong địa hạt tình yêu: [12]
«Từ ngày nào chẳng biết,
«Thuyền nghe lời Biển khơi.
«Cánh hải âu sóng biếc
«Đưa Thuyền đi muôn nơi.
«Lòng Thuyền nhiều khát vọng,
«Và tình Biển bao la.
«Thuyền đi hoài không mỏi,
«Biển vẫn xa... còn xa. (...)
«Chỉ có Thuyền mới hiểu
«Biển mênh mông nhường nào.
«Chỉ có Biển mới biết
«Thuyền đi đâu, về đâu.
«Những ngày không gặp nhau,
«Lòng Thuyền đau rạn vỡ.
«Nếu từ giả Thuyền rồi,
«Biển chỉ còn sóng gió.»
Xuyên qua hai hình tượng Biển và Thuyền, phải chăng Xuân Quỳnh đã gọi mời chúng ta cảm nghiệm thế nào là quan hệ giữa người và người, trong những nét đẹp tinh tuyền, nguyên khởi của nó: NHẬN mà không cần xin nài, than vản. CHO mà không đòi hỏi lòng biết ơn nơi kẻ khác. Phải chăng đó là cốt tủy của tình mẹ con, trong những tháng ngày đầu đời của chúng ta?
Phải chăng người mẹ, khi nuôi con và dạy con, đang làm Siêu Ngã cho đứa con của mình. Làm Siêu Ngã có nghĩa là Đang ở trên, để có một lối nhìn bao quát và toàn diện, không quên sót điều gì. Đang ở trên, để có thể dễ dàng bảo đảm sự có mặt tích cực của mình, về tất cả những gì mà đứa con của mình đang cần.
Đang ở trên, như con gà mẹ ấp ủ bầy con, dưới đôi cánh của mình, một đàng để tạo lại hơi ấm của bào thai.
Đàng khác, để đứa con cảm thấy mình an toàn, trước mọi hiểm họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Người mẹ ở trên, làm Siêu Ngã. Nhưng không độc tài, đàn áp. Không cưỡng chế và ép buộc.
Người mẹ ở trên. Nhưng «ở trên» để có thể «ở với», đồng hành và chia sẻ.
Người mẹ ở trên, nhưng đồng thời cũng «ở trong», đặt mình vào vị trí của đứa con, để hiểu nó, như chính nó hiểu mình. Vui với con. Cười với con. Bi bô với con. Đưa bàn tay xoa bóp, vuốt ve nhẹ nhàng, để đứa con cảm thấy có mẹ đi theo mình, tiến vào với mình trên những con đường lạ lùng của giấc ngủ.
Và khi đứa con thức dậy, mở mắt ra, sau một giấc ngủ ngon lành, hình ảnh đầu tiên xuất hiện trước mặt nó, là nụ cười hạnh phúc của mẹ. Hình ảnh khách quan nầy phát sinh, trong đứa con, một cảm nghiệm hạnh phúc và vui sướng : Mẹ có mặt, để đón nhận mình.
Trái lại, khi đứa con khóc, một nhu cầu đang từ từ chớm nở trong nội tâm. Và đồng thời, nhờ nhu cầu ấy tác động, trẻ em sẽ mơ tưởng một đối tượng, có khả năng thỏa mãn ước mơ của mình. Chính khi đó, hình ảnh người mẹ xuất hiện bên ngoài, trùng hợp với hình ảnh mà đứa con đang ước mơ bên trong. Nhờ sự trùng hợp nầy, đứa bé có thể phát huy lòng tự tin, cảm thấy mình có khả năng «sáng tạo» bà mẹ theo khuôn khổ và tầm ước mong của mình. Cốt lõi của Bản Ngã nằm ở trong ý thức về khả năng nầy. Và cốt lõi nầy sẽ từ từ lớn dần. Bản Ngã của đứa bé sẽ xuất hiện, nhờ bà mẹ biết làm Siêu Ngã, đúng lúc, đúng chất lượng và đúng liều lượng, đối với thực tế và nhu cầu của đứa con.
Quan hệ Mẹ Con, trong những đường hướng tích cực và xây dựng như vậy, là mẫu thức nguyên tượng, nguyên thủy cho mọi quan hệ giữa người với người. Làm người, theo tinh thần và lăng kính ấy, bao gồm ba chiều hướng:
- Thứ nhất, tôi làm người «cha mẹ» cho người khác, để soi sáng và nâng đỡ họ.
- Thứ hai, tôi làm người «đồng hành và chia sẻ», để biến cuộc đời vô vị, tầm thường, thành một tác phẩm đầy ý vị và lạ thường, với hai bàn tay đóng góp của tôi.
- Thứ ba, tôi làm một «đứa con hạnh phúc», để phản ảnh hạnh phúc của cha mẹ, chính khi quí vị chọn lựa «nằm bên ướt, để nhường lại bên ráo», cho tôi nằm.
Với lối nói riêng bịệt của mình, tác giả Stephen R. Covey, [13] cũng đề xuất ba đường hướng tương tự, cho mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi giữa người với người:
- Điểm một: Khi tiếp xúc, chúng ta lắng nghe người khác, để tìm hiểu họ, thay vì đợi chờ người khác phải hiểu mình,
- Điểm hai: Khi tiếp xúc, mục tiêu cần nhắm tới, là «Người thắng, tôi thắng. Cả hai cùng thắng với nhau, nhờ nhau». Thắng trong tinh thần của tác giả, có nghĩa là thành đạt mọi chiều kích làm người.
- Điểm ba: Trong mọi quan hệ hài hòa, xây dựng và tích cực, người và tôi «tương sinh, tương thành, tương tức và tương tạo». Cơ hồ, trong quan hệ mẹ con, mẹ sinh con ra, tạo mọi điều kiện cho con thành người. Nhưng đứa con cũng đang nuôi lại mẹ, với nụ cười, với tiếng nói líu lo, với thái độ «vùi đầu vào lòng mẹ», để thỏ thẻ: «Mẹ ơi, con thương Mẹ». Nó đang cho lại bà mẹ, những gì bà đang cần, để ngày ngày làm người. Trong tiếng Anh, Stephen R. Covey đã sử dụng một từ thời trang «Synergizing». Syn có nghĩa là cho nhau, với nhau. Ergizing, hình thức rút gọn của Energizing, có nghĩa là tạo ra năng động, nhiệt lực, hứng khởi, sức mạnh. Trong tinh thần và lăng kính nầy, Synergizing có nghĩa là «Một cây làm chẳng nên non, ba cây họp lại thành hòn núi cao». Synergizing là cùng nhau tạo nên một nguồn năng lực lớn lao, phát xuất từ hai thành tố đầu tiên, nhưng bây giờ đang được nhân ra thành ngàn lần, triệu lần to lớn hơn nguồn gốc ban đầu. Từ Ergizing còn có một xuất xứ khác trong tiếng Hy Lạp là Erg, có nghĩa là hành động, tác động. Cho nên hiện tượng cộng hưởng sẽ xảy ra - synergizing - khi hai người tác động qua lại hai chiều trên nhau. Nói khác đi, khi hai người hợp tác với nhau, họ có khả năng «đồng hành và chia sẻ». Khi họ hoạt động, họ có với nhau «một trăm cánh tay». Khi họ cứu xét một vấn đề, họ có cùng nhau «một trăm bộ óc, một trăm cặp mắt». Khi họ lắng nghe, họ có  với nhau «một trăm đôi tai».
Khi nói đến «NGƯỜI», xuyên qua tất cả những nhận xét vừa được nêu ra trên đây, chúng ta đã nói đến «một TIẾN TRÌNH làm người». Trên con đường ấy, không ai làm ông chủ. Và cũng không ai làm đầy tớ. Không ai có quyền lèo lái, điều khiển, áp đặt và chỉ đạo người khác từ trên, từ ngoài. Không ai có quyền coi kẻ khác là công cụ. Trái lại, ai ai cũng được kêu mời làm người và coi trọng quyền làm người của kẻ khác, dù người ấy đang là một đứa bé sơ sinh, vừa đi ra khỏi cung lòng của mình.
Đàng khác, khi nói đến «VIỆC», chúng ta không thể không nhắm tới những kết quả cụ thể. Trong công việc, chúng ta phải biết thương lượng. Khởi điểm là những nét khác biệt, trong cách ghi nhận tin tức, trong cách thuyên giải, tìm ra ý nghĩa, hay là trong những phản ứng xúc động, cũng như trong các thể thức thiết lập những quan hệ trao đổi. Nhưng tận điểm là nơi HỘI NGỘ, là những điểm đồng ý với nhau, hay là một số giá trị cùng nhau chia sẻ. Và trong cuộc sống làm người, chỗ nào có hội ngộ, chỗ ấy có minh đức. Minh Đức có hai ý nghĩa: Vừa là Ánh Sáng, vừa là Năng động. Vừa là Hiểu biết, vừa là Tình thương.  
2.  Người và Việc không được trộn lẫn vào nhau
Khi nói đến Việc, chúng ta nhắm tới những kết quả cụ thể, thích hợp cho cả hai người đang trao đổi và thương lượng với nhau. Trong điều kiện hiện tại, họ và chúng ta  đang có những sở thích, nhu cầu và giá trị khác nhau. Đó là lẽ thường tình, tất yếu. Cho nên, khi họ và chúng ta cảm nghiệm những quan hệ tranh chấp và xung đột, con đường cần chọn lựa và dấn bước là sáng tạo một cách hữu hiệu và khoa học vùng giao tiếp, hội tụ. Trên đó, quyền lợi, nhu cầu của cả hai bên đều được coi trọng một cách đồng đều và công minh.
Lẽ đương nhiên, người và việc, trong thực tế cụ thể, đang giao thoa chằng chịt và khắng khít vào nhau, chồng chéo lên nhau một cách phức tạp, đến độ chúng ta nhiều khi không biết phải bắt đầu tháo gỡ từ chỗ nào.
Vì thiếu lối nhìn đứng đắn và phương pháp giải quyết hữu hiệu, nhiều người chấp nhận hy sinh hay là xóa bỏ những quyền lợi riêng tư của mình, để bảo tồn những quan hệ tốt đẹp với kẻ khác.
Nhằm bênh vực cách làm nầy, những người ấy thường lặp đi lặp lại và đề cao câu tục ngữ: «Một sự nhịn, chín sự lành».
Trong thực tế cụ thể, họ NHỊN ở ngoài mặt. Nhưng trong nội tâm, một tiếng nói cứ ngày đêm lải nhải bên tai họ, trách mắng họ: «Mày dại khờ. Mày hèn nhát. Mày để cho kẻ khác chèn ép, ức hiếp mày».
Rốt cuộc, «chín điều lành» không bao giờ xuất hiện. Thay vào đó, họ có thể trầm mình trong những hội chứng buồn lo, hay là mất ăn, mất ngủ, khó tiêu hóa... Nguyên nhân chính yếu của bao nhiêu hiện tượng tâm thần ấy là vì nhu cầu cơ bản của họ không được nhìn nhận, tôn trọng, thỏa mãn và đáp ứng.
Ngoài ra, rất nhiều người dễ lầm tưởng rằng: Để có một quan hệ hài hòa với một người, chúng ta PHẢI đồng ý với người ấy, trong tất cả mọi vấn đề. Chúng ta PHẢI chia sẻ mọi giá trị của người ấy.
Hẳn thực, bao lâu chúng ta chưa có khả năng đem ra giữa vùng ánh sáng của Ý Thức, những tầng lớp tin tưởng và qui luật vô thức như vậy, đã ăn đời ở kiếp từ bao nhiêu năm trong nội tâm, chúng ta vẫn tiếp tục bị khống chế: Chúng ta chưa «biết mình là ai», chưa trở thành Bản Ngã có ý thức nhạy bén và sáng suốt.
Cho nên, khi nói đến Bản Ngã, chúng ta cũng dễ lầm tưởng rằng: đó là một kết quả «hoặc có hoặc không». Trong thực tế sinh động của cuộc sống hằng ngày, trái lại, Bản Ngã là một tiến trình «vừa có vừa không», làm bằng những bước đi, những bài học, những thất bại và những thành công, không ngừng tiếp nối nhau. Bản Ngã là một hiện thực rất phức tạp.
Khi nhìn lại cuộc đời của mình, chẳng hạn, tôi nhận thấy tôi đã vi phạm nhiều lỗi lầm. Những ý định đã có mặt trong nội tâm của tôi, không phải luôn luôn là những ý định trung trực. Thêm vào đó, trong lứa tuổi «ăn chưa no lo chưa tới», tôi đã góp phần, tạo nên nhiều vấn đề tranh chấp và xung đột, khi sống và làm việc với bạn bè đồng liêu.
Mặc dù vậy, tôi vẫn cảm thấy mình là con người có giá trị. Ngày hôm nay, một số bạn bè luôn luôn thương tôi. Về mặt luân thường, tôi không phải là thánh nhân, cũng không phải là ác quỉ. Trên bình diện khả năng chuyên môn và nghề nghiệp, trong thời gian phục vụ trẻ em chậm phát triển, tôi đã tạo niềm tin cho những học sinh, mà cha mẹ đã giao phó cho tôi. Trên bình diện lý tưởng, tôi đã kinh qua những chặng đường «ba chìm bảy nổi tám lênh đênh», và tôi không ém nhẹm những hèn yếu và phản bội ấy. Nhưng cũng nhờ đó, tôi học được bài học «đồng cảm và tha thứ» đối với những ai «mang tiếng bỏ cuộc, đầu hàng», trên bước đường làm người.
Xuyên qua bao nhiêu nhận xét cụ thể ấy, tôi muốn khẳng định một số điểm rất quan trọng sau đây:
- Nhờ vào khả năng sống và xây dựng những quan hệ đặt nền tảng trên tình người, tình đồng bào, tình nhân loại, chúng ta có thể dễ dàng vượt qua những tình huống tranh chấp và xung đột, khi hai người hoặc hai phe đang có những quyền lợi khác biệt nhau.
- Mặc dù vậy, chúng ta không gắn chặt vào nhau hai lãnh vực «Người và Việc». Chúng ta không dẹp bỏ quyền lợi và nhu cầu chính đáng của mình, chỉ vì để duy trì một quan hệ tốt đẹp với những người cùng chung sống.
- Chúng ta cũng đừng lừa gạt mình, khi nêu ra lý do «Bản sắc, Bản Ngã», để phủ nhận quyền lợi và nhu cầu làm người của kẻ khác. Bản Ngã là một con đường hay là một tiến trình cần xây dựng và phát huy cũng như đổi mới, từng ngày. Bản Ngã không bao giờ là một tận điểm bất di bất dịch. Nói cách khác, chúng ta không thể làm người, chừng nào chúng ta không biết coi trọng quyền làm người cơ bản của người khác. Trái lại, khi chúng ta, một cách đơn phương, vô điều kiện, tìm cách thăng tiến chất lượng làm người của kẻ khác, chính chúng ta cũng đang đi lên, trên con đường thành người.
Nói tóm lại, trong cả hai lãnh vực Người và Việc, một đàng chúng ta cần ý thức và khẳng định nhu cầu cơ bản và chính đáng của mình. Đàng khác, không những chúng ta tôn trọng nhu cầu làm người của kẻ khác, chúng ta còn có trách nhiệm «đồng cảm» với họ, bằng cách tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhằm giúp họ thỏa mãn nhu cầu làm người của mình.
Nhu cầu thường có mặt ở đằng sau mỗi xúc động. Nói rõ hơn, bốn thành tố Nhu Cầu, Xúc Động, Yêu Cầu và Giới Hạn giao thoa chằng chịt với nhau. Khi xây dựng quan hệ hài hòa cũng như khi thương lượng, chúng ta cần phải ý thức một cách sáng suốt về sự có mặt của bốn thành tố ấy.
Ý thức như vậy có nghĩa là xác định, bằng cách gọi ra ánh sáng, kêu tên, diễn tả bằng ngôn ngữ, tìm phương tiện đáp ứng và thỏa mãn, bốn loại thực tế sau đây:
- Người và Tôi cần gì? (nhu cầu),
- Người và Tôi cảm thế nào? (xúc động),
- Người và Tôi muốn gì? (yêu cầu hay là ước vọng),
- Người và Tôi không thể chấp nhận những điều kiện khách quan nào? (giới hạn hay là ngưỡng khổ đau).
Nếu ngày ngày, chúng ta học tập, tôi luyện, để phát huy ý thức về bốn thành tố trên đây, nơi người khác cũng như trong chính bản thân mình, chúng ta đang ở trên con đường làm người hay là trở thành Bản Ngã. Đồng thời, chúng ta cũng đang tạo điều kiện năng động, giúp đỡ kẻ khác làm người với chúng ta, như chúng ta.
3. Xây dựng Quan Hệ một cách «vô điều kiện»
Khi chúng ta xây dựng quan hệ giữa người với người, mục đích mà chúng ta nhắm tới là lắng nghe, tìm hiểu và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Chúng ta không nuôi ẵm ý đồ thay đổi kẻ khác, tìm cách lèo lái hay là ép buộc họ nhận làm của mình những quan điểm chủ quan của chúng ta. Tiến trình xây dựng nầy vẫn có mặt, khi chúng ta thương lượng với mục tiêu cụ thể là thành đạt những đồng thuận. Với kết quả khách quan nầy, người khác tôn trọng và thỏa mãn quyền lợi của tôi, cũng như tôi tôn trọng và thỏa mãn quyền lợi của kẻ khác. Cho dù kết quả cuối cùng nầy không thành đạt, tôi vẫn coi trọng tính người và tình người của kẻ khác. Không vì một lý do nào, tôi giành độc quyền làm người cho tôi và hạ bệ kẻ khác xuống hàng «phế liệu bỉ ổi». Nói khác đi, tôi không thể nhân danh bất kỳ một lý tưởng cao cả nào, để truất phế quyền lợi và giá trị làm người của kẻ khác.
Tôi sống và làm như vậy, «một cách đơn phương, vô điều kiện», thậm chí khi kẻ khác hô hào bôi nhọ và truất phế tôi. Tôi tiếp tục xây dựng những quan hệ hài hòa và tôn trọng, đối với kẻ khác, mặc dù họ không đáp ứng, trong ngôn ngữ và hành động của mình.
Trong tinh thần và lăng kính ấy, những nhận xét sau đây sẽ giúp chúng ta xác định một cách cụ thể và rõ ràng những tác động, cần được thực hiện, trên tiến trình xây dựng quan hệ giữa người với người. Trên con đường làm người nầy, tôi không lẻ loi, cô đơn một mình. Nhiều tác giả có tầm cỡ quốc tế như R. Fisher, D. Stone, Stephen R. Covey, Marshall B. Rosenberg, Gerald Jampolsky...,[14] và nhất là NGUYỄN TRÃI, trong lòng Đất Nước Đại Việt, đang có mặt với tôi. Sức mạnh nội tâm của những vị ấy đang là động cơ thúc đẩy tôi tiến tới, mặc dù con đường còn hiểm trở, đầy chông gai.
Theo lối nhìn của tác giả Roger Fisher, tiến trình xây dựng quan hệ tích cực và hài hòa bao gồm sáu bước quan trọng sau đây: [15]
- Bước thứ nhất: Vừa tình vừa lý,
- Bước thứ hai: Lắng nghe và hiểu biết,
- Bước thứ ba: Diễn tả, thông đạt một cách rõ ràng trực tiếp, không úp mở, ngụy trang,
- Bước thứ bốn: Khả tín trong ngôn ngữ và hành động. Đồng thời, kiểm chứng một cách khoa học những tin tức, trước khi tin lời nói của kẻ khác,
- Bước thứ năm: Trau dồi khả năng thuyết phục, khi ­thương lượng, thay vì đàn áp, cưỡng chế, nhất là dùng bạo động ép buộc kẻ khác đồng ý, ký tên,
- Bước thứ sáu: Nhìn nhận và đón nhận giá trị làm người của kẻ khác, bất kể họ là ai.
Bước thứ nhất: Coi trọng Lý và lắng nghe Tình
Khi dấn bước vào con đường xây dựng quan hệ, cũng như khi thương lượng về những quyền lợi cụ thể và chính đáng, Tình và Lý là hai tiếng nói cần được coi trọng và lắng nghe, một cách đồng đều. Lý nằm trong địa hạt tư duy, suy nghĩ, lý luận, lối nhìn hay là thuyên giải. Khi lý không được phát huy và coi trọng, một cách đúng tầm, chúng ta sẽ không biết mình đi về đâu, đi trên con đường nào, đi với phương tiện nào, đi theo thứ tự nào... Lý là ánh sáng soi đường dẫn lối, nhất là về những điều cần làm, những cạm bẫy nên tránh.
Một cách đặc biệt, chúng ta vận dụng lý, trong 4 địa hạt khác nhau :
- Địa hạt thứ nhất: khảo sát những vấn đề cụ thể mà chúng ta đang gặp, bằng cách trả lời những câu hỏi: điều gì, thế nào, tại sao, với ai, ở đâu...
- Địa hạt thứ hai: xác định nguồn gốc hay là nguyên nhân đã gây ra cho chúng ta những khó khăn hiện thời. Thông thường, chúng ta quay về quá khứ, để khảo sát khía cạnh nầy.
- Đia hạt thứ ba: khám phá và liệt kê những đường hướng giải quyết hay là những phương pháp tiếp cận, trong đó có những chủ thuyết hiện hành đang được ứng dụng trong nhiều môi trường khác nhau. Trong địa hạt nầy, chúng ta hướng đến tương lai gần và xa, để tìm ra những chân trời rộng mở, những phương thức giải quyết.
- Địa hạt thứ bốn: những bước cụ thể cần thực hiện, theo một chương trình hay là kế hoạch dài hoặc ngắn hạn. Ở đây, chúng ta đi từng bước khoan thai, không nôn nóng muốn đến điểm hẹn ngay lập tức. Chúng ta không thúc ép hoặc cưỡng bức chính mình. Không đứng núi nầy trông núi nọ. Giờ phút hiện tại được chúng ta đón nhận như một quà tặng cao quí. Le présent est un présent. Từ présent trong vế đầu có nghĩa là hiện tại. Từ thứ hai có nghĩa là một món quà, một của lễ.
Một cách cụ thể, trong vấn đề thương lượng có tính khoa học, chúng ta cũng đi lên từng bước một, kinh qua những giai đoạn thiết yếu y hệt như vậy.
- Giai đoạn Một: Liệt kê những vấn đề của cả hai bên.
- Giai đoạn Hai: Xác định những quyền lợi, nhu cầu hay là lợi ích, mà mỗi bên đặt lên bàn thương thuyết (interests, needs).
- Giai đoạn Ba: Cả hai bên ngồi lại khảo sát với nhau những con đường có thể chọn lựa, khả dĩ thỏa mãn từng quyền lợi của mỗi bên (options).
- Giai đoạn Bốn: Khảo sát những tiêu chuẩn khách quan, hợp lý, hợp pháp của mỗi con đường có thể chọn lựa, và được cả hai bên chấp thuận (criteria).
- Giai đoạn Năm: Cùng nhau quyết định và chọn lựa những điểm đồng ý (agreements).
- Giai đoạn Sáu: Đề xuất một lối thoát «tôn trọng tình người và tính người» cho cả hai bên, khi công cuộc thương lượng không mang lại những kết quả đồng thuận mong muốn (alternatives).
Mặc dù với bao nhiêu cách làm hợp lý ấy, chúng ta không thể không ngồi lại, cùng nhau lắng nghe «những vết thương lòng rướm máu» của nhau. Xúc động là động cơ thúc đẩy chúng ta làm người. Quên mất yếu tố «Tình», chúng ta chỉ là gỗ đá. Chúng ta không còn là con người. Và khi không cưu mang chất người trong lòng mình, làm sao chúng ta có thể thương lượng? Thay vào đó, chúng ta sẽ chỉ biết «dùng lý của kẻ mạnh», nghĩa là đi vào con đường súng ống, bom đạn, hận thù, chết chốc và lầm than... Không biết lắng nghe, nhìn nhận, tìm hiểu, tôn trọng tâm tình của kẻ khác, phải chăng chúng ta đang ý thức mình là NGƯỜI? Hẳn thực, duy những ai đã bị khổ đau nghiền nát trong cuộc đời, mà vẫn còn có khả năng vùng đứng lên, người ấy đang có một kho tàng lớn lao, trong nội tâm: «biết ĐỒNG CẢM» với mình và với người khác. Với một tấm lòng «đầy Hiểu Biết và Tình Thương» nầy, chúng ta mới có thể lắng nghe lời của NGUYỄN TRÃI:
«Mở rộng Cửa NHÂN, mời khách đến,
«Vun trồng Cây ĐỨC, nuôi con ăn»
Bước thứ hai: Tìm hiểu kẻ khác
Tìm hiểu kẻ khác bao gồm nhiều động tác ăn khớp với nhau như : lắng nghe lời nói của kẻ khác, đi lại con đường tư duy của họ, đặt ra những câu hỏi cụ thể và chính xác, để yêu cầu họ giải thích cho chúng ta khung qui chiếu của họ.
Hẳn thực, khung qui chiếu bao gồm nhiều thành tố tác động qua lại và có ảnh hưởng trên nhau. Và mỗi người có một khung qui chiếu riêng biệt, độc đáo, trên con đường tư duy của mình, mặc dù bộ sườn hướng dẫn vẫn luôn luôn bao gồm bốn thành tố:
- Thành tố thứ nhất là thể thức thâu lượm và ghi nhận những tin tức do môi trường cung ứng,
- Thành tố thứ hai mang tên là «Tiến trình tư duy». Ở đây, những động tác được chúng ta thực hiện mang nhiều tên gọi khác nhau, tùy theo sở thích và thói quen của mỗi tác giả: Nhận thức, lối nhìn, quan điểm chủ quan, thể thức thuyên giải, những nấc thang suy luận, cách thế nhìn đời, vũ trụ quan. Tên gọi bên ngoài đã khác nhau. Huống hồ khi đi vào nội dung cụ thể, có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu ý kiến. Người xưa đã có những nhận xét tương tự, trong câu nói «Bá nhân, bá tánh». Một trăm người có mặt, sẽ trình bày một trăm cách thấy khác nhau.
- Thành tố thứ ba là những tình trạng của nội tâm, bao gồm nhiều xúc động. Và trong lãnh vực nầy, như trên đây tôi đã nói tới, chúng ta cần phân biệt: nhu cầu, yêu cầu, giới hạn, phản ứng nội tâm với rất nhiều danh hiệu khác nhau.
- Thành tố sau cùng nằm trong địa hạt quan hệ tiếp xúc và trao đổi.
Khi lắng nghe và tìm hiểu khung qui chiếu của kẻ khác, thái độ mà chúng ta cần ôm ẵm, tôi luyện và mài nhọn, mỗi ngày, là hiếu kỳ, thích học hỏi. Và bài học khó khăn nhất, trong lòng cuộc đời là «biết mình và nhận mình đã SAI LẦM». Sở dĩ như vậy, vì «Tư Duy Độc Lộ» và «Tư Tưởng NHỊ NGUYÊN» đang trấn áp cõi lòng của mỗi người. Với tư duy độc lộ, chúng ta chỉ thấy một con đường duy nhất: tôi đúng, kẻ khác sai. Với tư tưởng nhị nguyên, trái lại, chúng ta giành phần tốt cho mình và coi kẻ khác là phế liệu, đồi trụy và ngụy phản.
Bước thứ ba: Diễn tả mình và thông đạt một cách trong sáng
Trong bốn nghìn năm văn hiến, chúng ta đã phải trải qua «Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây». Cho nên, vì lý do sống còn và chiến đấu chống ngoại xâm, chúng ta đã tạo cho mình một thói quen hào hùng là «có mặt khắp mọi nơi, biến mất bất kỳ lúc nào, không ai hay, không ai biết». Duy tiếng «Dạ», hoặc tiếng «Vâng» của chúng ta cũng có nhiều nghĩa: «đồng ý» và «không đồng ý». Một cách nào đó, mỗi lần phát biểu, tôi luôn luôn muốn cho kẻ khác phải hiểu rằng: Tôi nói vậy, nhưng không phải vậy. Trường hợp tôi sai lầm, tôi vẫn còn có lý do, để tự biện minh.
Thêm vào đó, cách giáo dục và dạy dỗ của các Thiền sư, trong ba Triều Đại phồn thịnh là Lý, Trần và Lê, luôn luôn đề cao phương pháp «vô ngôn», và khinh thường lời lẽ dài dòng, luộm thuộm. Cho nên, chúng ta không có thói quen « nói nhiều, nói hết, nói đúng đích, nói cho đến nơi đến chốn». Chúng ta có xu thế «gợi ý», đưa tay «chỉ mặt trăng», và không bao giờ phát huy nhu cầu «đụng đến mặt trăng», với hai tay chứng nghiệm.
Ngoài ra, vì đất nước của chúng ta nhỏ bé, bên cạnh một lãnh thổ lớn lao có vị thế và uy quyền lâu đời, chúng ta khôn ngoan, không muốn đương đầu, trực diện, nhìn thẳng mặt. Chúng ta có kế sách «thu mình lại», hay là «rút vào hang động», như con chuột, trên đường di động của con voi đồ sộ, nặng nề, dập nát tất cả những gì không biết lẩn tránh ra hai bên.
Trong điều kiện và thân phận của con người, mọi phương tiện chọn lựa đều có tính lưỡng năng, cơ hồ con dao hai lưỡi, vừa có ích trong khía cạnh nầy, vừa gây tai hại ở một khía cạnh khác. Nếu chúng ta quá đề cao một phương tiện, chúng ta sẽ lầm tưởng rằng: không có một phương tiện nào khác, ngoài cách làm độc đáo của chúng ta.
Trong vấn đề diễn tả và thông đạt, chúng ta cũng còn ở trong một tình thế lưỡng năng như vậy. Chúng ta tự đặt mình trong điều kiện khẩn trương và chiến đấu. Cho nên chúng ta luôn luôn quyết định một mình, không cảm thấy nhu cầu phải tham khảo những người khác. Hệ quả của tình trạng nầy là chúng ta thông đạt «một chiều». Kẻ khác có bổn phận lắng nghe và thừa hành. Họ không có quyền «góp ý và phản hồi».
Tệ hại hơn nữa là sau bao nhiêu năm hòa bình, chúng ta vẫn còn giữ lại thói quen của thời chiến, luôn luôn ngụy trang mỗi tin tức phát ra. Nói đúng hơn, chúng ta úp úp, mở mở... đến độ chỉ chúng ta mới hiểu chúng ta muốn nói gì. Nếu người khác không hiểu, hỏi lại... họ sẽ bị chúng ta gắn vào một nhãn hiệu là «kém thông minh, không bén nhạy... », hay là «có ý đồ phản động, chống đối...»
Tôi cố tình phân tích một cách cặn kẽ như vậy, nhằm gây ý thức rằng : làm người, chúng ta không thể không học. Học mỗi ngày. Học với mọi người, thậm chí với một trẻ sơ sinh, vừa ra khỏi lòng mẹ.
- Bài học thứ nhất là lắng nghe một cách trân trọng, khi kẻ khác nói.
- Bài học thứ hai là biết nêu ra những câu hỏi, tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ khác diễn tả, chia sẻ con người đích thực của mình.
- Bài học thứ ba là nói về thực tại, thực tế và thực chất của mình. Hẳn thực, không ý thức về mình, không cưu mang trong mình một mục đích, một chí hướng rõ ràng và trong sáng, làm sao chúng ta có thể nói. Nói phải chăng là diễn tả và chia sẻ chính mình?
Tất cả những gì tôi đang có, trong bản thân và cuộc đời, đều là quà tặng, do kẻ khác mang đến cho tôi. Tất cả những gì tôi ĐANG THÀNH và SẼ THÀNH, là quà tặng, tôi có trách nhiệm chia sẻ lại cho người khác, nhất là những thế hệ đến sau tôi. Khi chia sẻ như vậy, chúng ta hãy có gan nói về mình, dùng sứ điệp «Ngôi Thứ Nhất số ít». Chính tôi đã thấy. Chính tôi đã nghe. Chính tôi đã cảm. Chính tôi đã có kinh nghiệm. Chính tôi đã CHỨNG NGHIỆM. Tôi không lặp lại như keo vẹt, những lời đồn thổi hay là những dư luận không có căn cứ.
Chia sẻ như vậy không phải là lên mặt mô phạm, dạy đời. Nhưng là dâng hiến một tấm tấm lòng làm người, cho anh chị em đồng bào, đồng loại, đúng như NGUYỄN TRÃI đã nói, cách đây hơn năm thế kỷ:
«Chăn lạnh choàng vai, đêm chẳng ngủ.
«Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân».
Bước thứ tư: Khả tín và tin vào người
Trong đoạn nầy, tôi muốn nhấn mạnh hai điều: Thứ nhất là sống làm sao, để xứng đáng với lòng tin của kẻ khác. Thứ hai là tin vào người khác, một cách sáng suốt và khôn ngoan. Không nhắm mắt tin, một cách mù quáng, trước khi kiểm chứng một cách khoa học những điểm tựa, những lý chứng của lòng tin.
Trong khuôn khổ của chương và đoạn nầy, tôi không thể trình bày một cách rốt ráo, mọi khía cạnh. Tôi chỉ nhấn mạnh một vài điểm then chốt như sau:
Thứ nhất, tôi có khả năng tạo niềm tin, khi tôi sử dụng một loại ngôn ngữ chính xác và rõ ràng. Ví dụ, khi tôi hẹn với ai sẽ có mặt lúc sáu giờ chiều, tôi không thể nhẩn nha đến điểm hẹn, lúc tám giờ tối. Khi không chắc chắn, tôi cần phải thêm vào những lối nói như ước chừng, có lẽ, thường thường...
Nhằm đánh thức và giúp chúng ta sử dụng một loại ngôn ngữ chính xác, trong những quan hệ trao đổi hằng ngày, tác giả A. Robbins kêu mời mỗi người hãy nhìn năm ngón tay của mình, đặt ra những câu hỏi, trước khi trình bày, phát biểu một ý kiến: [16]
- Một, ngón tay út phía bên trái, nhìn từ phía lưng, trước khi chúng ta sắp sử dụng những từ như: luôn luôn, không bao giờ, tất cả, mỗi... chúng ta đặt ra cho mình câu hỏi: Luôn luôn không có ngoại lệ à? Tất cả không thiếu một ai cả sao?
- Hai, ngón tay đeo nhẫn. Các từ: phải, cần, không được, không nên, không thể. Câu hỏi: Ai đã đưa ra mệnh lệnh và qui luật ấy? Cái gì bắt buộc? Điều gì cản trở như vậy? Người nào cấm đoán?
- Ba, ngón tay giữa. Các động từ hành động như làm, thương yêu, hợp tác, đóng góp, thực hiện... Cách đặt câu hỏi: Hợp tác... bằng những cách làm cụ thể và khách quan nào?
- Bốn, ngón tay trỏ. Các danh từ tổng quát và trừu tượng như: người Việt Nam, hòa bình, tự do, hạnh phúc. Cách đặt câu hỏi: Người Việt Nam cụ thể là ai, tên gì, ở đâu? Những động tác cụ thể, để thể hiện Hòa bình là gì? Những yếu tố cụ thể cần thành đạt, để có được Tự do là những gì?
- Năm, ngón tay cái. Những cách nói về số lượng hay là so sánh, như quá ít, quá nhiều, tốt hơn, quá xấu... Cách đặt câu hỏi : So sánh với ai, cái gì để quyết đoán như vậy? Hơn là hơn ai? Thua là thua về phương diện nào? Dựa vào những chuẩn mực nào để so sánh như vậy?
Thứ hai, tin tức không thể đồng hóa với giả thuyết. Và giả thuyết không phải là chân lý. Sau hết, kết luận của tôi chưa hẳn là kết luận của người đang nghe tôi. Không phân biệt một cách chính xác những bình diện khác nhau như vậy, trên tiến trình tư duy, chúng ta sẽ luộm thuộm «bắt râu ông nọ đặt cằm bà kia», và dần dần chúng ta sẽ đánh mất lòng tin của những ai nghe chúng ta.
Thứ ba, trong những lời hứa, chúng ta có bổn phận thực hiện đúng lúc, đúng thể thức và đúng số liệu... Khi nói mà không làm, hay là làm một cách qua loa, lấy lệ, chúng ta sẽ trở thành người lừa gạt, gian dối, thiếu tinh thần trách nhiệm.
Nói tóm lại, khi đề cập vấn đề khả tín, chúng ta cần lưu tâm một cách nghiêm minh, đến hai địa hạt. Trong địa hạt thứ nhất, chúng ta cần thường xuyên đánh sáng và vuốt nhọn khả năng thông đạt chính xác của chúng ta. Trong địa hạt thứ hai, chúng ta phải «nhất quán»: Nói và làm ăn khớp với nhau. Nét mặt và hành vi bên ngoài xuất phát từ một thái độ trung thực, ở bên trong nội tâm.
Ưu tư thứ hai của chúng ta, trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi, là tin vào người. Làm như vậy, trong những điều kiện nào, với những mức độ như thế nào?
Trên bình diện nầy, người chủ động vẫn là chúng ta.
- Khi lời nói của kẻ khác không rõ ràng, chúng ta hãy giúp họ mang đến cho chúng ta những tin tức chính xác. Ví dụ, bạn hẹn với tôi gặp nhau lúc 8 giờ để ăn tối. Nhưng tôi biết bạn hay bị cản trở, vì công việc bề bộn của bạn. Trong trường hợp như vậy, bạn điện thoại cho tôi biết trước lúc bảy giờ, có được không?
- Trường hợp kẻ khác đã lỗi hẹn, chưa hẳn vì họ giả dối, muốn lừa gạt hay là có ác tâm và ác ý. Trong cuộc sống, người khác cũng như chúng ta có thể gặp bao nhiêu điều xảy ra ngoài ý muốn, vào phút cuối cùng, không thể tiên liệu, tiên phòng. Ví dụ, trên đường đi đến nơi hẹn, họ gặp tai nạn xe hơi. Hay là năm phút trước lúc họ ra đi, đứa con của họ bị té ngã, gãy tay. Họ phải cấp tốc chở con họ vào bệnh viện. Cho nên, họ đã lỗi hẹn với chúng ta.
- Nếu kẻ khác, vì nhiều lý do, không đáng được chúng ta tin tưởng, chưa hẳn vì họ xấu về mặt luân lý hoặc đạo đức. Có thể những khổ đau đang làm cho họ kiệt quệ, về mặt ý chí và trí nhớ, nên họ không bao giờ có khả năng giữ lời hứa, hay là thực hiện những điều họ cam kết.
Nói tóm lại, vấn đề tin vào một người thuộc về lãnh vực quan hệ giữa người với người. Cho nên, trước khi không tin vào ai, chúng ta cần có thái độ lắng nghe, tìm hiểu, trắc nghiệm hay là kiểm chứng những tin tức mà chúng ta đã thâu nhận về người ấy. Dù thế nào chăng nữa, người ấy vẫn được chúng ta kính trọng, vì họ là người. Trong đa số trường hợp, họ cần chúng ta nâng đỡ hơn là bị loại trừ, để dần dần có khả năng trở nên khả tín, đối với những người khác.
Bước thứ năm: Thương lượng và thuyết phục, thay vì cưỡng chế
Trong địa hạt thương lượng, NGUYỄN TRÃI là tấm gương sáng ngời, không những cho Quê Hương Đại Việt mà thôi, nhưng còn cho tất cả những ai thiết tha với chí hướng làm người, trên khắp năm châu bốn bể. Câu nói bất hủ của tác giả này, ở vào thế kỷ thứ mười lăm, đã xác định phương hướng cho những ai dấn bước vào con đường thương lượng :
«Lấy Đại Nghĩa mà thắng hung tàn,
«Lấy Chí Nhân mà thay cường bạo»
Hẳn thực, chỗ nào cường bạo đang còn thống trị, trong tâm hồn, con người ở chỗ ấy không thể xây dựng và phát huy con đường làm người. Họ đang còn làm «chó sói» đối với nhau, như người La Tinh đã có nhận xét, cách đây hơn hai nghìn năm. Khi đi con đường «Chí Nhân», chúng ta chỉ thuyết phục, soi sáng, thay vì cưỡng bức, áp chế, thủ tiêu, thanh trừng, nếu kẻ khác không đồng ý với chúng ta.
Khi thương lượng, chúng ta không «cố chấp» lập trường trước sau như một của chúng ta. Trái lại, chúng ta coi trọng những nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của người khác, ở phía đối diện.
Khi thương lượng, chúng ta bắt đầu ngồi lại với phía bên kia, lắng nghe họ, và CÙNG NHAU khảo sát lợi ích của nhau. Chúng ta có quyền làm người. Họ cũng có quyền được chúng ta cư xử và kính trọng, với tất cả tư cách làm người như chúng ta, ngang hàng chúng ta.
Khi thương lượng, chúng ta cùng với phe bên kia sáng tạo những con đường đồng thuận, càng nhiều càng tốt. Những con đường nầy được xác định một cách khách quan và khoa học, với những tiêu chuẩn hợp lý, hợp pháp và hợp tình, được cả hai bên chấp nhận. Trong tinh thần ấy, không bên nào có thể tùy tiện áp đặt, một cách đơn phương, những qui luật cho bên kia.
Khi thương lượng như vậy, không có kẻ thắng người thua. Cả hai bên cố quyết làm người và tạo điều kiện, cho kẻ khác cũng có khả năng làm người với mình, giống như mình. Và như trong cuốn sách «Đồng Cảm để Đồng Hành», tôi đã nhấn mạnh lui tới, nhiều lần, khi hai người biết làm người với nhau, họ có «một trăm con mắt», để nhìn. «Một trăm lỗ tai» để nghe. «Một trăm cánh tay» để sáng tạo. «Một trăm quả tim», để làm người và làm NGƯỜI anh chị em, đối với nhau.[17]
Bước thứ sáu: Nhìn nhận và Chấp nhận nhau
Bước thứ sáu nầy thu tóm và tổng hợp năm bước vừa qua. Hẳn thực, khi người khác và chúng ta không chấp nhận tư cách làm người của nhau, MỘT CÁCH VÔ ĐIỀU KIỆN, làm sao chúng ta có thể cùng nhau xây dựng quan hệ tình người? Làm sao chúng ta kính trọng quyền lợi làm người của nhau?
Công việc và thái độ chấp nhận ấy bao gồm những động tác cụ thể và tất yếu sau đây:
- Thứ nhất là chú trọng vào con người cụ thể đang hiện diện trước mặt chúng ta, với bao nhiêu thao thức, trăn trở, khổ đau và thất bại trong cuộc đời, cũng như với bao nhiêu hoài vọng và ước mơ, phấn đấu và vươn mình tới. Con người ấy đáng được chúng ta lắng nghe và coi trọng.
- Thứ hai, con người ấy đã trải nghiệm cuộc sống, trong những hoàn cảnh và điều kiện oái oăm, khắc nghiệt, đáng được chúng ta tìm hiểu, đồng cảm, để rút tỉa những bài học quí hóa, cho chính cuộc đời của chúng ta.
- Thứ ba, con người ấy, đằng sau một bề ngoài rất tầm thường, đang có những giá trị cao cả, đáng được chúng ta phát hiện, để ngày ngày nuôi dưỡng và phát huy lòng tin của chúng ta vào con người và vào cuộc đời, với những viễn tượng kỳ diệu và cao cả.
- Thứ bốn, biết thêm một con người là biết thêm một chân trời rộng mở, cơ hồ chúng ta đi du lịch ra nước ngoài, để thấy mình rõ hơn, với bao nhiêu khuyết điểm, cũng như với bao nhiêu đức tính không có nơi người khác.
- Thứ năm, người khác, dù họ là ai, ở đâu, làm gì, thuộc lứa tuổi nào... cũng đang bổ túc cho chúng ta, về một phương diện cụ thể nào đó. Cho nên, khi cởi mở, đón nhận, tham khảo họ, chúng ta đang làm giàu cho bản thân và cuộc đời của mình.
Trong Sa mạc Sahara, sau một lần bị tai nạn máy bay, văn hào A. Saint-Exupéry, lúc ấy là phi công, phải sống ba ngày ba đêm  một mình giữa trời đất, vũ trụ. Sau khi gặp lại được một người du mục bản địa, tác giả cảm thấy tràn đầy hạnh phúc và lòng biết ơn. Ánh mắt và đôi tay của người ấy, theo lời tự thú của Saint-Exupéry, là «một Hồng Ân» làm cho ông đã chết đi, bây giờ được sống lại, giữa con người, với con người, nhờ con người.
[1] NGUYỄN VĂN THÀNH - Đồng Cảm để Đồng Hành - Tình Người, Lausanne 2003.
[2] Jacqueline MORINEAU - L'Esprit de la Médiation - Erès, France 2001.
[3] NGUYEN VAN THÀNH - Sơn Tinh và Thủy Tinh : HAI cong, MấT Nước Non - Tình Người, Lausanne Mùa Thu 2003.
[4] NGUYEN VAN THÀNH -  Khung Trời Mở Rộng -  Tình Người, Lausanne Hè 2000. N.B. Trong cuốn sách này, xin xem Phần II tr.75. Một cách các biệt, phân biết câu hỏi, sau khi lắng nghe lời phát biểu của kẻ khác, tr.144. 
[5] BURNS D. - Ten days to Great Self-Esteem - Vermilion London 2000, tr. 136.
[6] CUELHO P. - The Alchemist - Harper, San Francisco 1994, tr.158. 
[7] COVER St. R. - The 7 Habits of Highly Effective People - Simon & Schuster, London 1992.
[8] NGUY?N V?N THÀNH - S?n Tinh và Th?y Tinh: Hai con ???ng, M?T N??c Non - T? Sách Tình Ng??i, Lausanne 2003.
[9] HAY L.L. - Love yourself, Heal your life - Eden Grove, London 1990.  GRAY J.  - What you feel, you can heal - Heart, CA 1984.
[10] JAMPOLSKY G. G. - Change your mind, change your life  Bantam Books, New-York 1991., -  Love is the Answer - Bantam Boks, New-York 1990, tr. 234.
[11] J.J. CRÈVECOEUR - Relations et jeux de pouvoir - Équinoxe 21, Toulouse 1999, 539 tr.   
[12] 100 bài thơ  tình - Nhà Xb Giáo dục, Hà Nội 1993.
[13] Stephen R. COVEY - The 7 Habits of highly effective people - Simon & Schuster, London 1989, 358 tr.
[14] D. STONES - Difficult conversations - Michael Joseph, London  1999, 250 tr.
M.B. ROSENBERG - Nonviolent Communication - Puddle Dancer Press, CA 2001, 204 tr.
[15] Roger FISHER - Getting together - Business Books, London 1989, 213tr.
Roger FISHER  - Getting to Yes  -  Penguin Books, N.Y. 1981, 1991, 200 tr.
Roger FISHER - Beyond Machiavelli : Tools for coping with conflict  -  Harvard University Press, London 1994, tr. 151.
[16] ROBINS R. - ROBINS R. - Unlimited Power : a black choice - Simon & Schuster, New-York 1997, tr 251.
xem NGUYỄN VĂN THÀNH - Sơn Tinh và Thủy Tinh : HAI con đường, MỘT Nước Non - Tình Người, Lausanne Mùa Thu 2003.
[17] NGUYỄN VĂN THÀNH - Đồng Cảm để Đồng Hành - Tình Người 2003, 276 tr.
Chương Mười
HẠNH PHÚC và  KHỔ ĐAU
Trong lòng Cuộc đời
Ước mơ hạnh phúc có mặt trong tâm hồn của tất cả chúng ta, dù mỗi người có một lối nhìn riêng biệt và độc đáo về bản sắc của hạnh phúc và con đường thực hiện. Trong lòng cuộc đời này, khổ đau cũng có mặt khắp muôn nơi, trong mọi hang cùng ngõ hẻm của nhân loại.
Theo giáo lý của đạo Phật, “phiền não tạo bồ đề”. Cây giải thoát chỉ nảy mầm đâm mộng trong lòng đất khổ đau. Hoa sen nở ra, cống hiến hương sắc cho đời, sau khi đã vươn mình lên, vượt khỏi lớp bùn lầy nước đọng. Tin Mừng của Đức Kitô cũng kêu mời chúng ta ngày ngày thực hiện cuộc “VƯỢT QUA” ấy. Phục sinh phải chăng là hoa trái ngọt ngào, chỉ xuất hiện ở cuối chặng đường khốn khổ và gian truân? Con đường nầy là một tất yếu (từ Hi Lạp là ananké) thuộc thân phận và điều kiện làm người.
Trong khoảng mười năm gần đây, với những khám phá mới mẻ về vai trò và tầm quan trọng của xúc cảm trong đời sống con người, tâm lý học đương đại cũng đang nhấn mạnh và làm nổi bật mối liên hệ mật thiết giữa hạnh phúc và khổ đau. Nói cách khác, khổ đau không thể không có mặt trong lòng cuộc đời. Trong những cuốn sách đã được phát hành, tôi thường dùng lối nói ví von, rằng khổ đau là “rác”, là “phế liệu”, do con người làm ra. Chỗ nào có con người chung sống, hợp tác, đồng hành và chia sẻ, trong bất cứ điạ hạt nào, chỗ ấy thế nào cũng có “rác” dần dần xuất hiện, dưới nhiều hình thức khác nhau. Rác ấy sẽ biến thành khổ đau, nếu nó tạo nên tình trạng xung đột, kỳ thị, hận thù, chiến tranh giữa người với người.  Trái lại, chừng nào con người có khả năng “chuyển luân” hay là “hóa giải” rác thành vật tư và phương tiện phục vụ con người, lúc ấy HẠNH PHÚC thuộc tầm tay thực hiện của con người. Thuộc chủ quyền của chúng ta.
Nhằm quảng khai những tư tưởng nói trên, bài chia sẻ này sẽ lần lượt trình bày hai phần sau đây:
Trong phần đầu, tôi sẽ liệt kê một vài dấu hiệu cụ thể và khách quan nhằm phát hiện tình trạng khổ đau, đang có mặt trong chúng ta và giữa chúng ta.
Trong phần hai, tôi sẽ khẳng quyết thêm rằng : hạnh phúc toàn mãn và trọn vẹn không bao giờ hiện hữu trên đời này. Trái lại, đó là một tiến trình liên lỉ do tôi chọn lưạ và quyết định. “Có công mài sắt ắt ngày nên kim”. Nói khác đi, hạnh phúc là mùa màng, do chính tôi gieo vãi và gặt hái, bằng cách chấp nhận những nhu cầu của chính mình và tôn trọng nhu cầu làm người của mỗi anh chị em đang sống chung quanh chúng ta.
Trong lời kết luận, tôi sẽ nhấn mạnh rằng :  hạnh phúc vừa là quyền lợi của mọi ngưòi sinh ra trong Trời Đất nầy. Đồng thời, đó cũng là trách nhiệm làm người của chúng ta tất cả, đối với từng anh chị em, trong lòng xã hội, quê hương và nhân loại. Hẳn thực, bao lâu còn có một người đang bị áp bức bóc lột, tôi có trách nhiệm giải thoát người anh em ấy, bằng bàn tay và tất cả tấm lòng của tôi. Bao lâu còn có một người đi ăn xin, nằm lê lết qua đêm trên hè phố, trách nhiệm làm người của tôi là làm một điều gì cụ thể thuộc tầm tay của mình, để chia sẻ niềm " ưu tư và ước vọng " của người ấy.
Trên con đường tìm kiếm và thực hiện hạnh phúc, với tư cách làm người, chúng ta không thể tiến bước lẻ loi, một mình. Chúng ta đồng hành và chia sẻ. Chúng ta liên đới, đồng trách nhiệm. Tôi chỉ có thể gặt hái mùa màng hạnh phúc, chừng nào tôi biết gieo vãi hạt giống hạnh phúc trong vườn lòng của mỗi người anh chị em, hai bên cạnh tôi.
1. Làm sao phát hiện những dấu hiệu khổ đau nơi chính mình và nơi kẻ khác?
Sơ đồ sau đây trình bày bốn thành tố với bốn phần vụ khác nhau của nội tâm:
Thành tố thứ nhất: Cửa Vào
Phần vụ: Tiếp thu và ghi nhận thực tại bằng con đường năm giác quan
Thành tố thứ hai: Thuyên Giải
Phần vụ: Tổng hợp tin tức và khám phá ý nghĩa bằng con đường Tư duy và Suy luận
Thành tố thứ ba: Xúc động và Tình cảm
Phẩn vụ: Trình bày nhu cầu và yêu cầu bằng con đường Xúc động và Tình cảm, như buồn , lo, sợ, giận..
Thành tố thứ bốn:  Cửa Ra
Phận vụ: Tạo quan hệ tiếp cúc và trao đổi với những người có mặt trong môi trường, qua con đường ngôn ngữ và tác phong.
Khi khổ đau xâm chiếm và tràn ngập tâm hồn, bốn loại triệu chứng khách quan sẽ từ từ xuất hiện, trong bốn lãnh vực của nội tâm.
Loại một nằm ở cửa vào
Thay vì ghi nhận thực tại một cách khách quan cụ thể, nghĩa là có sao nói vậy, cố gắng phản ảnh thực tại bên ngoài, một cách trung thực toàn diện, chúng ta thường có khuynh hướng xuyên tạc bóp méo sự kiện, bằng ba cách sau đây:
(a) vơ đũa cả nắm, nghĩa là biến hoá một sự kiện cụ thể thành một qui luật tổng quát và thường hằng;
(b) gạn lọc, nghĩa là chỉ ghi nhận những sự kiện thuận lợi và thích hợp cho hệ thống tin tưởng của chúng ta. Khi đã ghét ai, chúng ta chỉ thấy nơi người ấy những khía cạnh tiêu cực và bỏ quên những đặc điểm tích cực năng động;
(c) chủ quan hoá hay là xuyên tạc, nghĩa là chỉ lưu tâm nhấn mạnh đến ý kiến riêng tư của bản thân mình mà không tôn trọng lối nhìn của những người khác, nhất là những ai không cùng chia sẻ quan điểm và lập trường của chúng ta.
Loại hai nằm trong điạ hạt thuyên giải
Thay vì trình bày ý kiến và ý nghĩa của mình, cũng như tôn trọng, lắng nghe quan điểm của kẻ khác, chúng ta thường có xu thế phân biệt hai phe đối lập với nhau:
tao tốt – mày xấu
tao có lý – mày vô lý
tao đúng – mày sai
tao có ý ngay lành – mày có ý đồ gian ác, lưu manh
Lối suy nghĩ nhị nguyên ấy, với bao nhiêu lời tố cáo, phê phán, đổ lỗi, chụp mũ, gắn nhãn hiệu... là triệu chứng khách quan bên ngoài của một tâm hồn đang bị khổ đau bủa vây và làm tê liệt một cách trầm trọng, những sinh hoạt và quan hệ hằng ngày.
Loại ba nằm trong điạ hạt xúc động và tình cảm
Một cách đặc biệt và rõ ràng, trong điạ hạt xúc động và tình cảm, khi nào ai đau khổ thì người ấy sẽ bị bế tắc,  phong toả hay là tràn ngập, đắm đuối. Họ mất khả năng làm chủ bản thân và cuộc đời. Họ cảm thấy mình là nạn nhân của bao nhiêu người khác, trong đời sống gia đình và xã hội. Theo ngôn ngữ của Daniel Goleman, tình trạng nầy của nội tâm được so sánh như một cuộc đảo chánh, trong đó chính phủ bị lật đổ, nghĩa là lý trí không hoạt động một cách sáng suốt.[1] Bao nhiêu quyết định và chọn lựa đều mang sắc thái của dục vọng mù quáng, bốc đồng và hỗn độn.
Sống trong những tình huống như thế, con người – phàm là ai, cho dù ở điạ vị hoặc chức vụ nào, có trình độ học thức cao hay thấp… –  sẽ dần dần đánh mất ý thức về bản sắc hoặc căn cước đích thực cuả mình.  Họ không còn nhận biết mình là ai, có những nhu cầu cơ bản như thế nào. Cũng vậy, họ không nhận biết người anh chị em mình là ai, có những nhu cầu cơ bản như thế nào…  Rốt cuộc, chúng ta là ai trong lòng quê hương, đất nước ? Chỉ là nồi da nấu thịt ! Hay là gà một nhà bôi mặt đá nhau, từ đời này sang đời khác.
Loại thứ bốn nằm trong lãnh vực quan hệ tiếp xúc và trao đổi
Trong một đất nước hoặc xã hội hạnh phúc, không có kẻ thắng người thua. Không có chủ nhân và nô lệ. Không có phân biệt bạn và thù, trắng đen rõ rệt. Theo truyền thống văn hoá của Lạc Long Quân và Âu Cơ, chúng ta tất cả là anh chị em đồng bào, mang dòng máu Rồng Tiên trong huyết quản. Trái lại, khi quả tim chúng ta là sào huyệt của khổ đau, đam mê và dục vọng, chính chúng ta làm nên những con sông Gianh, Bến Hải, những hàng rào kẽm gai giữa người với người.
Nhiều khi chính chúng ta đã đào hầm chôn sống những người anh chị em cuả chúng ta, cơ hồ Trần Thủ Độ – vị công thần khai nguyên nhà Trần – đã làm cách đây hơn bảy thế kỷ, đối với tôn thất nhà Lý. Cũng vậy, để thiết lập triều đại Hồ Quý Ly đã truất phế đứa con rể của mình là vua Trần Huệ Tông, nhốt ngài vào một ngôi chùa heo hút, xa cách thủ đô Thăng Long. Thế vẫn còn chưa đủ. Ông còn sai bộ hạ đem dây đến thắt cổ vị vua cuối cùng của nhà Trần. Sở dĩ như vậy, là vì ông chủ trương “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”.
Lịch sử Việt Nam cho chúng ta thấy rõ : từ cổ chí kim, phần lớn những triều đại hay chính thể luôn luôn khởi đầu bằng những cuộc thanh trừng đổ máu. Và cuối mỗi triều đại, thường có những người sẵn sàng bán đứng quê hương, sụp lạy trước ngoại bang, để xin xỏ, cầu viện hay là “rước voi chà mả tổ”.
2. Làm sao xây dựng hạnh phúc cho bản thân và cuộc đời?
Để hiểu rõ thế nào là hạnh phúc, chúng ta hãy lắng nghe câu chuyện dưới đây của C. Steiner: [2]
Ngày xửa ngày xưa, vào thời nguyên thủy, con người khắp nơi trên mặt đất đã sống với nhau những chuỗi ngày rất hạnh phúc và hòa bình. Chúng ta hãy đến thăm viếng họ và tìm cách học hỏi nơi họ đâu là bí quyết của một đời sống hạnh phúc. Thủa ấy, mỗi người vừa sinh ra đã có hai chiếc bị nằm sẵn ở trước ngực và sau lưng của mình. Với chiếc bị nằm sau lưng, tôi nhận lãnh tất cả mọi quà tặng do cha mẹ, họ hàng bà con xa gần mang đến. Nào là lương thực, trò chơi, kiến thức, áo quần, vật tư xây nhà cửa và dụng cụ sản xuất, lao động. Mỗi lần có người cần một vật dụng, tức khắc có một người khác sẵn sàng xuất hiện và biếu tặng món quà cần thiết cho người ấy.
Cũng vào thời kỳ vàng son này, khi tôi nhận thấy có người đang cần một món đồ, bất kỳ thuộc điạ hạt nào, tôi chỉ cần đưa tay vào chiếc bị ở đằng trước ngực, tức thì tôi kiếm ra được món đồ mà người kia đang cần cho bản thân và cuộc sống của mình. Ngày ngày lớn lên, tôi thấy mọi người đều làm như vậy. Và tôi đã học sống quảng đại, giống như mọi người. Cuộc sống thủa ấy thật là phong phú, sung mãn cho mọi người và cho từng người, không trừ sót một ai.
Thế rồi, một hôm, bỗng xuất hiện một bà phù thủy. Không ai biết bà đến từ hành tinh nào. Ngày ngày, bà cứ đi rỉ tai từng người, già trẻ lớn bé: “Con hãy khôn ngoan, lựa người mà cho. Hãy giữ lại cho mình một đôi điều cần thiết. Thời buổi khó khăn sẽ uà đến. Lúc bấy giờ con sẽ thiếu thốn mọi sự”.
Cũng từ đấy, con người bắt đầu lo sợ. Nhiều lần, khi thấy bạn bè bà con thiếu một vật dụng, theo thói quen, họ đưa tay vào chiếc bị ở đằng trước. Nhưng nhớ lại lời khuyên của bà phù thủy, người ấy lập tức rút tay ra, không còn muốn cho đi một cách dễ dàng, đơn sơ như trước đây.
Vì thái độ dè sẻn và tự vệ của mỗi người, cuộc sống làm người đã thay đổi bộ mặt. Từ bấy giờ, ai ai cũng trở nên nghi kị, lo sợ. Và cuộc sống càng ngày càng trở nên thiếu thốn, bất hạnh.
Nhận thấy tình hình càng ngày càng thoái hóa, một cách tai hại và trở thành bế tắc, các bô lão đã có sáng kiến họp nhau lại, khảo sát một cách tỉ mỉ nguyên nhân của vấn đề. Họ khám phá rằng đầu dây mối nhợ là sự có mặt của bà phù thủy, và họ đã cầm gậy gộc xua đuổi bà ra khỏi xóm làng.
Oái oăm làm sao, bà phù thủy bằng xương bằng thịt đã đi xa rồi. Nhưng lời rỉ tai của bà vẫn còn lẩn vẩn đâu đó, trong tư duy và quả tim của mỗi người. Bà phù thủy vẫn còn nằm vùng, trong mỗi chúng ta và ở giữa chúng ta.
Nếu mỗi ngày, mỗi người không quyết định thay đổi niềm lo sợ của mình thành thương yêu, tha thứ và tin tưởng nhau, chúng ta sẽ suốt đời làm nạn nhân tự nguyện của bà phù thủy, đang tìm mọi cách để làm ô nhiễm mối quan hệ giữa người với người. Tên tuổi của bà phù thủy ấy là thiên kiến, hận thù, chia rẽ, bạo động và chiến tranh. Nói tắt một lời, đó là tư duy nhị nguyên phát sinh ra mọi khổ đau cho con người trong lòng cuộc đời và trên từng mảnh đất của quê hương.
Sào huyệt hay là chiến khu của bà phù thủy là nội tâm, nhất là đời sống xúc động và tình cảm.
Để hoá giải bao nhiêu vấn đề chung quanh đời sống xúc động và tình cảm, nghĩa là:
- ngày ngày biến Không thành Có,
- chuyển luân Rác nuôi sống những cánh đồng,
- giữa Sa mạc làm tuôn chảy dòng sông,
- trong Chết chóc vun trồng hạt mầm Sống,
- gieo Thứ tha và xây đắp Đường Hy Vọng…
Chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật tâm lý với bốn bước đi lên như sau: [3]
1-Xác định môi trường chung quanh, hay là nhận diện hoàn cảnh hiện hữu. Để làm công việc này, chúng ta cần sử dụng những lối phát biểu càng khách quan chừng nào, càng hay bấy nhiêu: “Tôi thấy ….”, “Tôi nghe …”. Ví dụ: “Tôi nghe bạn phàn nàn và phê phán thái độ của tôi …”
2- Đặt tên, hay gọi tên xúc động vừa đang chớm nở và xuất hiện trong nội tâm. Bốn xúc động đầu đàn là Lo, Sợ, Buồn và Giận. Lối phát biểu cần sử dụng trong giai đoạn này là: “Tôi cảm  …”.
3- Khám phá, phát hiện nhu cầu cơ bản cuả mình đang có mặt hay là ẩn nấp, nguỵ trang ở bên dưới mỗi xúc động.
4- Sở dĩ tôi buồn, là vì tôi đang cần được nâng đỡ, uỷ lạo.
5- Tôi sợ, là vì tôi cần được an toàn.
6- Tôi lo, là vì tôi cần có phương tiện cụ thể, hữu hiệu để đối phó với những biến cố bất trắc, bất ngờ.
7- Tôi giận, là vì tôi cần được tôn trọng. Những giá trị và xác tín của tôi cần được người khác nhìn nhận.
8- Nêu rõ lời yêu cầu tích cực, cụ thể, nói lên nguyện vọng chính đáng cuả mình. Thay vì đòi hỏi, cưỡng bức, áp đặt từ bên ngoài, hay là lạm dụng vị trí quyền lực của mình, chúng ta chỉ thỉnh cầu, nghĩa là XIN với một thái độ hài hoà, đồng hành, chia sẻ. Mỗi lần xin, chúng ta biết rằng: kẻ khác có quyền từ chối, tùy vào thực tế và thực tại hiện hữu của họ.
Khi có nhiệm vụ nâng đỡ ai, giúp họ hóa giải xúc động và tình cảm của mình, chúng ta cùng với họ kinh qua bốn giai đoạn vừa được trình bày. Từ từ đi tới từng bước một, trong tinh thần cởi mở và trung thực. Thêm vào đó, mỗi lần nói về MÌNH, chúng ta hãy tự xưng là TÔI. Không dùng sứ điệp ngôi thứ nhất, chúng ta sẽ có xu thế phê phán, tố cáo, đổ lỗi cho người khác đang đối diện chúng ta.
điều kiện diễn tả nầy, cơ hồ một dòng sông lưu nhuận, luân chuyển từ cội nguồn đi ra biển cả… đời sống tình cảm và xúc động sẽ được thoáng thoát, chuyển biến một cách hài hòa tự nhiên, không còn bị ứ đọng, ối đọng và ô nhiễm.
Trong một cộng đồng, khi mỗi thành viên biết diễn tả rõ ràng nhu cầu của bản thân mình, và đồng thời tôn trọng nhu cầu làm người của mọi thành viên khác,  cộng đồng ấy đang dấn bước trên con đường yêu thương và hạnh phúc, hiểu biết và tha thứ. Thiếu lòng thứ tha, bất cứ cộng đồng nào – tôn giáo, đất nước, xã hội, gia đình… – sẽ không đứng vững, sẽ không có ngày mai. Thứ tha phải bắt đầu bằng lối nhìn của mỗi người về giá trị tự tại của người anh chị em hai bên cạnh. Dù họ có những hành vi sai trái đến độ nào chăng nữa, dù khuyết điểm đang tràn lan trong tác phong của họ, họ vẫn đáng yêu và cần tôi yêu thương, để ngày ngày biết vươn lên làm người. Tôi là Đức Phật đại trí và đại bi, mang đến cho người ấy con đường giải thoát làm bằng Hiểu Biết và Tình Thương. Tôi cũng là Đức Kitô đang đồng hành với người ấy, để họ có thể SỐNG LẠI, trở thành bất tử và bất diệt.
Hạnh phúc không phải là quả sung từ trên trời cao đột nhiên rơi vào miệng của tôi. Hạnh phúc chẳng bao giờ là tận điểm, có sẵn đó rồi, hoàn toàn, viên mãn. Bao lâu còn mang thân phận và điều kiện làm người, chúng ta còn phải tạo dựng hạnh phúc cho mình và cho người khác. Hạnh phúc là một tiến trình liên tục, do tôi làm nên, với hai bàn tay, nước mắt và xương máu cụ thể, trong mỗi phút giây của cuộc đời. Hẳn thực, khi tôi làm cho kẻ khác hạnh phúc, chính tôi đang gặt hái mùa màng hạnh phúc, cho bản thân và  cuộc đời.
Khi phân tích những quan hệ tiếp xúc và trao đổi giữa hai người, nhà tâm lý E. Berne đã khám phá sự hiện hữu của ba bộ mặt, trong mỗi con người chúng ta :[4]
Bộ mặt thứ nhất là NGƯỜI CHA MẸ, có phần vụ hướng dẫn và soi sáng, nâng đỡ và ủy lạo những ai cùng chung sống trong môi trường.
Bộ mặt thứ hai là NGƯỜI TRẺ EM, có phần vụ học hỏi thường xuyên và sống hạnh phúc với những người đang cùng có mặt trong xã hội.
Bộ mặt thứ ba là NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH, có phần vụ đồng hành và chia sẻ với mọi người anh chị em đồng bào, đồng hương, đồng loại.
Bên cạnh ba bộ mặt tích cực và xây dựng ấy, ba bộ mặt TIÊU CỰC khác cũng đồng thời có mặt và đang đe dọa, khống chế con người và quả tim của chúng ta:
Thứ nhất là NGƯỜI CHA MẸ áp chế hay là bao che quá đáng.
Thứ hai là NGƯỜI TRẺ EM phản loạn hay là lệ thuộc, bị động.
Thứ ba là NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH quá duy lý, khô khan lạnh lùng như cái máy vô hồn, vô tâm và vô cảm.
Những phân tích và nhận xét của E. Berne trên đây cho chúng ta hiểu rõ, và ngày ngày đánh thức chúng ta: hai con người Ánh Sáng và Bóng Tối đang tranh giành ảnh hưởng trong chính quả tim của mỗi người. Trong tinh thần và chiều hướng ấy, hạnh phúc là CHO. Khi cho bất kỳ một cái gì, chúng ta nhận lại hạnh phúc trong cõi lòng của mình. CHO là một quyết định, một chọn lựa, cần được thực thi từng ngày, từng giờ, trong mỗi quan hệ tiếp xúc và trao đổi.
Làm người, chúng ta, tự bản chất, là một sinh vật rất giàu có. Chúng ta có rất nhiều điều để trao tặng cho Anh Chị Em Đồng bào, bắt đầu từ một nụ cười, một liếc nhìn đầy yêu thương, một bàn tay tiếp xúc, hỏi han, xoa dịu, một lời nói nâng đỡ an ủi, khích lệ…
“Ánh mắt em là cả một Bầu Trời,
Bàn tay em huyền nhiệm thấu từng mây,
Bước chân em gieo hạnh phúc mỗi ngày,
Quả tim em: Nguồn suối không cạn vơi!
Em trọng đại, vì em là tất cả:
Là Mẹ, là mảnh đất của Quê Hương,
Một khu vườn ươm lại giống Tình Thương,
Xây non sông làm tươi đẹp khóm phường.
Em là nước tưới Ngày Mai, Tuổi Trẻ,
Đem rừng xanh phủ hết Đất Tang Thương,
Mang Mặt Trời chiếu rạng vùng tăm tối,
Hạt Tình Người gieo vãi khắp mười phương”.
Để kết thúc, tôi xin chia sẻ một câu chuyện. Hôm ấy,  tôi đã trải qua một giấc mơ êm dịu. Trước mặt tôi, từ trên cao rơi xuống bốn con búp bê hoàn toàn giống nhau, trong mọi chi tiết. Mỗi con đều có mũ đỏ, áo trắng, quần xanh, đôi dép màu vàng mặt trời. Bỗng có một tiếng nói từ trên vọng xuống: “Này con, hãy phân biệt cho bằng được cái gì làm nên nét khác biệt cơ bản, giữa bốn con búp bê ở trước mặt con.”
Tôi có sáng kiến đi ra vườn, kiếm một cọng cỏ vừa dài, vừa dai, vừa dẻo. Rồi tôi đút cọng cỏ vào lỗ tai của con búp bê thứ nhất. Tôi nhích, nhích, và nhích… Cọng cỏ thoát ra khỏi lỗ tai phía bên kia.
Tôi cũng làm như thế với con búp bê thứ hai. Lần này, cọng cỏ thoát ra khỏi lỗ miệng của nó.
Với con thứ ba, cọng cỏ đi xuống quả tim, bị bế tắc và dừng lại ở đó.
Với con sau cùng, tôi nhích lui nhích tới cọng cỏ, một cách rất tế vi và ý nhị. Thế rồi, quả tim nó bắt đầu thổn thức, phập phồng. Tôi tiếp tục nhích thêm. Đôi mắt nó loé sáng, như hai đốm lửa. Tôi vẫn tiếp tục nhích cọng cỏ. Hai tay búp bê bắt đầu cử động. Đôi chân di chuyển về phía trước. Con búp bê đứng dậy, bước tới. Nó Làm Người.
Nếu tôi được phép đem cọng cỏ nhích vào tai các bạn, các bạn sẽ đáp ứng thế nào… giống như con búp bê nào đây?
Chương Mười Một
Khi nào một cơ cấu tổ chức trở nên bệnh hoạn?
Cơ cấu tổ chức, mà tôi đề cập trong suốt bài chia sẻ nầy, có thể là một gia đình bao gồm cha mẹ và con cái, cũng như bao nhiêu thành viên khác, đang sống chung dưới một mái nhà. Hay đó là một xí nghiệp với nhiều công nhân viên, từ ban lãnh đạo đến những cán bộ lao động thuộc nhiều tầng lớp tổ chức khác nhau.
Nói đến một cơ cấu, chúng ta cũng có thể nêu lên làm ví dụ những trường trung học và đại học hay là những vườn trẻ, lớp mẫu giáo và vỡ lòng... trong đó có ban giám hiệu, toàn thể các giáo viên, những thành viên thuộc bộ phận quản lý và cuối cùng là các sinh viên, học sinh. Dù muốn dù không, họ đang kết dệt những quan hệ qua lại hai chiều với nhau. Tất cả vấn đề then chốt là những quan hệ ấy có tạo ra cho họ điều kiện thuận lợi, trên tiến trình «làm người và thành người» hay không. Trong trường hợp ngược lại, đó chỉ là một môi trường bị đầu độc và ô nhiễm, ngày ngày dẫn khởi những tranh chấp và hận thù, kỳ thị và chiến tranh giữa các thành viên.
Một cách đặc biệt, Đất Nước hay là Quê Hương, với bao nhiêu tầng lớp tổ chức và sinh hoạt... cũng là một cơ cấu, có khả năng bao bọc và che chở, cơ hồ cái bào thai trong lòng Mẹ đã nuôi nấng chúng ta, trong những ngày tháng đầu đời. Trường hợp cái bào thai bị nhiễm trùng, đứa con ở bên trong cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tăng trưởng.
Hiểu được những định luật tâm lý xã hội, có phần vụ tác động và chi phối tình trạng sức khỏe của bất kỳ một cơ cấu nào, chúng ta sẽ có rất nhiều cơ may trong chiều hướng «tránh những điều cần tránh, thực hiện những gì cần thực hiện, tác động vào chính vị trí cần tác động».
Nói cách khác, chúng ta BIẾT mình đang ở đâu. Khi nào nên tiếp tục đi tới, khi nào phải tức khắc dừng lại. Khi nào hãy can đảm đi lui, vì thấy mình đã lầm đường. Và chính lúc bấy giờ chúng ta phải thực thi những động tác nào, để chọn lựa lại một con đường thích ứng, quang đãng và hữu hiệu hơn trong quá khứ.
Nói khác đi, làm con người, với những điều kiện và thân phận hiện tại, ai ai cũng có thể sai lầm. Cái cao cả và trọng đại, trái lại, bắt nguồn từ khả năng chuyển biến cái sai lầm, thành một kinh nghiệm, một bài học khả dĩ thăng tiến bản thân và làm đẹp cuộc đời, của chúng ta cũng như của anh chị em đồng bào.
Trong tinh thần và lăng kính ấy, tôi sẽ lần lượt khảo sát hai câu hỏi then chốt:
Thứ nhất, một cơ cấu BỆNH HOẠN bao gồm những dấu hiệu cụ thể và khách quan nào?
Thứ hai, nhằm lành mạnh hóa một cơ cấu tổ chức, như gia đình hay là Đất Nước, chúng ta cần tôi luyện những kỹ năng hoạt động nào?
1. Phát hiện những cơ cấu bệnh hoạn
Để bắt đầu, chúng ta có thể so sánh một cơ cấu với một thân thể của con người. Trong một cơ thể lành mạnh và sinh động, mọi bộ phận như tim, buồng phổi, dạ dày, não bộ... đang thiết lập với nhau, những quan hệ tác động qua lại hai chiều, mặc dù từng bộ phận có một phần vụ độc đáo và riêng biệt. Để có thể sống và phát triển, mỗi bộ phận vừa nhận vừa cho, vừa diễn tả nhu cầu của mình vừa biết từ chối, dừng lại, «tri chỉ», không còn nhận thêm, khi không cần thiết.
Mặc dù công việc chính yếu của não bộ là ban phát những mệnh lệnh cho toàn thể tay chân và các cơ phận bên ngoài và bên trong. Tuy nhiên, để có thể lãnh đạo một cách đứng đắn, chính xác và hữu hiệu, nghĩa là thành tựu những kết quả mong muốn, não bộ không thể không lắng nghe, ghi nhận những tin tức hồi tố, do các thành phần ngoại vi gửi về. Mọi cơ phận khác, như tim phổi... cũng làm công việc «lắng nghe, tham khảo và đối thoại» tương tự như vậy, với mọi thành phần khác, trong  con người.
Ngoài ra, theo cách bố cục và tổ chức tự nhiên của thân thể, não bộ nằm ở phía trên. Và đôi chân có vị trí ở dưới cùng. Tuy nhiên, nếu bàn chân không thực thi công việc « lãnh đạo », thể theo vai trò, phương thức và trách nhiệm đặc biệt của mình, toàn thể xác thân của con người cũng sẽ bị tê liệt hay là bệnh hoạn.
Trong tinh thần và lăng kính vừa được trình bày, trong một cơ thể lành mạnh, năng động, đang diễn tả chiều hướng đi lên, phát triển, tăng trưởng và sáng tạo... mọi bộ phận từ nhỏ chí lớn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, đều lãnh đạo, theo cách thế và địa hạt độc đáo của mình. Không một thành phần nào hoàn toàn năng động một trăm phần trăm. Và cũng không một cơ phận nào hoàn toàn bị động một cách tuyệt đối. Mỗi thành viên đều lãnh đạo, bằng cách «lắng nghe, tham khảo, đối thoại, chia sẻ và đóng góp phần tích cực của mình».
Cũng vậy, trong một đất nước lành mạnh, có chiều đi lên và phát triển mọi mặt, vật chất cũng như tinh thần, giáo dục cũng như đạo đức, cá nhân cũng như tập thể... mọi thành viên đều biết lắng nghe nhau. Đối thoại với nhau. Mỗi người góp chung lại phần năng động của mình. Không ai chỉ ban phát mà không đón nhận. Không ai chỉ nhận và không tìm cách cho lại. Một nụ cười, một bàn tay thân mật, một lời trao đổi hỏi han, một ánh mắt chan hòa tình người... tất cả đều có thể là những món quà cao quí, có khả năng gói ghém trọn vẹn «một tấm lòng», một mối tình đồng bào, một khả năng đồng cảm và đồng hành.
Trong một đất nước lành mạnh như vậy, không ai lãnh đạo một cách độc chiều, nghĩa là từ trên rót xuống những mệnh lệnh, những chương trình. Lãnh đạo còn có nghĩa là lắng nghe, trân trọng những lời hồi tố của người dân, chân lấm tay bùn, ngày ngày lên đồng cạn xuống đồng sâu, để kiếm cho được một bát cơm lót lòng... Lãnh đạo, trong lối nhìn và lối nói của Nguyễn Trãi, có nghĩa là «Chăn lạnh choàng vai, đêm chẳng ngủ. Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân».
Thêm vào đó, trong một đất nước lành mạnh, ngoài tầng lớp lãnh đạo, còn có những thành viên làm công việc nâng đỡ, ủng hộ, nối dài, cổ động. Họ là những vị Bồ Tát Quan Thế Âm, đang hiến tặng và đóng góp một trăm quả tim, một trăm cánh tay, một trăm đôi chân và nhất là một trăm đôi mắt để người lãnh đạo đất nước thấy được «bao nhiêu tầng lớp nắng mưa», trong lòng cuộc đời của người dân. Nếu không đảm nhận trách vụ ấy, người ủng hộ sẽ lập tức trở thành người vuốt đuôi, nịnh bợ, tâng bốc, làm kệ lót chân cho người có chức quyền. Loại người nầy sẵn sàng hối lộ cho các nhà lãnh đạo, bằng mọi phương tiện. Tuy nhiên, ở bên dưới những tầng lớp vàng bạc, tiền của, quà cáp... chầy kíp sẽ xuất hiện những quả bom nguyên tử làm băng hoại cả một quê hương gấm vóc. 
Trong một đất nước lành mạnh, còn có mặt một loại thành phần thứ ba mang tên là Chứng Nhân. Nếu thực thi đúng trách nhiệm, họ sẽ là những tấm gương soi, phản chiếu cho người lãnh đạo, mọi bộ mặt lông lá của họ. Với đôi mắt của chứng nhân, người lãnh đạo thấy được những con nước ngầm ở dưới lòng đất. Với lỗ tai của người chứng nhân, người lãnh đạo nghe được tiếng kêu «vô thanh» của nhiều tầng lớp người dân đang đói, đang khát, đang bị hối lộ và bốc lột, trên từng chén cơm, chén cháo của mình. Trường hợp họ làm những chứng nhân ù lì, «không nói, không nghe, không thấy», họ đương nhiên hóa thân thành một lớp người thinh lặng đồng lõa. Trong giấc ngủ, Thánh Gióng và Thần Kim Qui có lẽ đã hiện về hỏi họ: các con đã làm được những gì với dòng máu Rồng Tiên, trong huyết quản? Và họ đã trả lời: Chúng con chấp nhận làm người chứng nhân ù lì, «không thấy, không nghe và không nói», để có thể sống cho qua ngày tháng. Nhưng sống như vậy là sống ngất ngư. Sống cũng không ra sống. Chết cũng không chết thực sự.
Tầng lớp sau cùng là loại người chống đối. Trách nhiệm của họ không phải là đả đảo, đập phá hay là lật đổ. Nhưng là làm cho người lãnh đạo và mọi người dân thấy được rằng: khi có một vấn đề xảy ra trong lòng quê hương, không bao giờ CHỈ có một cách giải quyết duy nhất. Nếu chúng ta thay đổi cách nhìn và vị trí đứng nhìn, bao nhiêu cách giải quyết mới lạ sẽ từ từ xuất hiện.
Nói tóm lại, dựa vào những tiêu cứ sau đây,chúng ta có thể phát hiện chứng bệnh trầm kha của một đất nước. Bất kỳ đất nước nào. Ở đông hay ở tây. Ở nam hay ở bắc.
- Thứ nhất: đất nước ấy không có một tầng lớp lãnh đạo biết tôn trọng, lắng nghe và tham khảo người dân.
- Thứ hai: trong đất nước ấy, thành phần ủng hộ chỉ biết dạ dạ, vâng vâng hay là vuốt đuôi, nịnh thần...
- Thứ ba: thành phần chứng nhân đã biến thân thành một loại người có tai nhưng không nghe, có mắt nhưng không thấy, có miệng nhưng không nói.
- Sau cùng, trong một đất nước bệnh hoạn, không ai có quyền đối chất. Chỉ có một thiểu số gọi mình là đa số, và tự động khoác cho mình mọi quyền lực về sự thật của quê hương. Bao nhiêu sự thật khác đều bị kiểm duyệt và ức chế. Tôi có xu thế gọi loại quê hương ấy với danh hiệu là « nhị nguyên », chỉ bao gồm hai phe. Một bên bị chụp mũ là « ác ôn côn đồ ». Bên kia tự tôn phong mình làm thành phần « ưu tú và siêu việt ». Nhưng thực ra, cho dù chúng ta là ai, thuộc phe bên nầy hoặc phe bên kia, khi chúng ta mang ý đồ loại thải hoặc tiêu diệt người anh chị em đồng bào của mình, phải chăng một cách vô tình hay hữu ý chúng ta đang phủ nhận dòng máu Lạc Hồng trong chúng ta?
Hẳn thực, trong một đất nước lành mạnh, bốn phần vụ trên đây –  lãnh đạo, ủng hộ, chứng nhân và chống đối – cũng có mặt. Tuy nhiên, không một ai chỉ đóng khung và khép kín mình trong một vai trò và trách nhiệm duy nhất, suốt cuộc đời của mình. Tùy nhu cầu và hoàn cảnh thay đổi của đất nước, khi nầy tôi có thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. Khi khác tôi ở vị trí đối phương, chứng nhân hay là ủng hộ. Đất nước có thể được so sánh như một dòng sông. Chừng nào có khả năng lưu nhuận, trôi chảy, đất nước ấy đang ở trên một tiến trình phát triển và tiến bộ. Trái lại, khi bị ứ động và khép kín mình, trong những thành trì nghi nan, lo sợ, tự vệ và phản ứng... đất nước ấy đã bị ô nhiễm trầm trọng. Có lẽ hiện thời đất nước ấy đang còn hấp hối trên giường bệnh, đối với một số người. Nhưng trong lòng đại đa số người dân, đất nước ấy đã chết. Khi ra đi, không còn ai để nhớ. Khi trở về, không còn ai để thương.
Cũng giống hệt như vậy, trong một cơ cấu gia đình lành mạnh và triển nở, người cha có thể đóng nhiều vai trò trong cùng một lúc, một ngày. Ông soi sáng, hướng dẫn, dạy dỗ con cái. Đồng thời, ông cũng có thể chọn lựa vị trí làm người đồng cảm và đồng hành, có khả năng chia sẻ, trao đổi, đối thoại, đặt mình ngang hàng với con cái. Sau một ngày vắng mặt ở sở làm, khi về nhà, ông có thể bò bốn chân trên sàn nhà, chơi đùa, vui thú và hạnh phúc với đứa con vừa lên hai tuổi.
Trái lại, trong một gia đình có vấn đề, nhất là vào một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, người cha chỉ biết đóng kín mình trong vai trò ra lệnh, đập đánh, la nạt, la cà ở quán cà phê. Người mẹ chỉ biết nấu cơm, giặt ủi và quét nhà. Con cái chỉ biết «dựa cột mà nghe». Đó là một cơ cấu «ba đường song song vạn kiếp» bên ngoài, nhưng đang chưởi bới và xé nát lẫn nhau ở bên trong nội tâm.
2. Để phát huy một cơ cấu tổ chức lành mạnh
Một cơ cấu tổ chức, như tôi đã trình bày trong phần trên đây, bao gồm nhiều thành tố, ở nhiều vị trí khác nhau, đang thực thi những phần vụ khác nhau. Tuy nhiên, để lập thành một cơ cấu sinh động, các thành tố kết dệt với nhau những quan hệ trao đổi qua lại hai chiều. Thành tố nầy tác động trên thành tố kia. Thành tố kia cũng có khả năng tác động trở lại trên thành tố nầy, bằng cách này hay cách khác. Đặc điểm nổi bật nhất của một cơ cấu đang phát triển là khi các thành tố họp lại với nhau, đó không phải là một tổng cộng. Nhưng là một tổng thể, tổng hợp còn mang tên là một thực thể toàn bích, toàn diện. Nói khác đi, trong cơ cấu ấy, khi một cộng với một, số thành không phải là hai. Nhưng là hai trăm, hai ngàn, hai triệu. Các thành tố sinh thành, nuôi dưỡng và thăng tiến lẫn nhau. Hẳn thực, mẹ sinh ra con. Nhưng đứa con, từ ngày sinh ra, đã có khả năng nuôi lại người mẹ, dưới nhiều thức dạng khác nhau. Con bi bô, làm cho mẹ vui. Con mỉm cười, làm cho cuộc đời của mẹ có một ý nghĩa diệu vợi. Con khóc la, làm cho lòng mẹ bồi hồi, xao xuyến... Con an bình trong giấc ngủ, mẹ là bầu trời tràn đầy trăng sao, đang bao phủ chiếc nôi của con.
Trong phần trên đây, tôi đã phác họa một vài đường nét thô thiển có liên hệ đến một cơ cấu sinh động, như gia đình, đất nước. Một cách đặc biệt, tôi tóm lược lại, bằng cách nhấn mạnh những điểm then chốt sau đây:
- Mỗi cơ cấu bao gồm nhiều thành tố khác biệt nhau,
- Những thành tố ấy tác động qua lại và có ảnh hưởng trên nhau. Không một thành tố nào có thể khẳng định rằng: tôi không chịu ảnh hưởng của một ai. Mỗi thành tố vừa chủ động, vừa bị động ... cơ hồ hai nghệ sĩ nam và nữ đang cùng nhau thao tác một vũ khúc khi trầm khi bổng, khi vui khi buồn.
- Mỗi thành tố thực thi những công việc hay là những phần vụ độc đáo, riêng biệt.
- Đồng thời tất cả mọi thành tố đều cùng nhau chia sẻ một mục đích chung đang điều hướng mọi sinh hoạt của cơ cấu Tổng Thể, Toàn Diện. Chính vì lý do nầy, trên đây tôi đã gọi cơ cấu là một Bào Thai, một Bọc Trứng có khả năng cưu mang, nâng đỡ, hướng dẫn và động viên mọi thành tố cấu thành.
Trong khuôn khổ của chương nầy, tôi không quảng diễn thêm những điểm trên đây, với nhiều chi tiết khác, tuy dù rất quan trọng. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh hai chuẩn mực chính yếu là Thảo Luận và Đối Thoại. Dựa vào hai kỹ năng nầy, chúng ta có thể đánh giá hay là phát huy một cơ cấu tổ chức lành mạnh, năng động, như gia đình hay là đất nước.
Nói một cách vắn gọn, một đất nước đang dấn bước trên con đường thanh bình và thịnh vượng, chừng nào các thành viên của đất nước ấy, từ cấp lãnh đạo, trí thức cho đến những tầng lớp bình dân có khả năng và cơ hội ngồi lại học hỏi, thảo luận và đối thoại với nhau. Hai bài học hay là hai sinh hoạt nầy không thể thiếu vắng, nếu chúng ta cùng nhau thực hiện hoài bảo Dựng Nước và Giữ Nước, một cách thiết thực và hữu hiệu.
- Tranh cãi
Thông thường, khi thảo luận về một vấn đề, cùng với nhiều thành viên khác trong một nhóm, tôi đi qua bốn giai đoạn:
- Giai đoạn một: trình bày những sự kiện cụ thể và khách quan mà tôi đã quan sát và ghi nhận.
- Giai đoạn hai: dựa vào những sự kiện ấy, tôi đề xuất một giả thuyết, còn mang tên là tiền đề, trong lối dùng từ ngữ cá biệt của một số người.
- Giai đoạn thứ ba: Từ giả thuyết ấy, tôi rút ra một kết luận cuối cùng, sau khi kiểm chứng và rà soát lại những sự kiện mà tôi đã khảo sát một cách kỹ lưỡng. Kết luận nầy diễn tả quan điểm, lối nhìn đời, lập trường hay là cách nhận thức của tôi về thực tế và thực tại bao quanh tôi. Thể thức rút ra một kết luận thay đổi từ người này qua người khác, cùng chung sống trong một môi trường giống nhau. Lý do cơ bản giải thích sự khác biệt ấy, là vì hai người có hai quá khứ khác nhau, hai tầng lớp kinh nghiệm khác nhau, đang đeo đuổi hai loại lợi ích và nhu cầu khác nhau.
- Giai đoạn thứ bốn: sau cùng là phương thức và chương trình hành động, nhằm thâu đạt những thành quả mong muốn.
Trong thực tế hằng ngày, thay vì thảo luận một cách có hệ thống và trật tự như vậy, chúng ta thường có xu thế tranh cãi, giành phần hơn, phần đúng, phần có lý, phần sự thật về cho mình. Đồng thời, chúng ta tố cáo, phê phán, qui chụp, gắn cho đối phương của chúng ta những nhãn hiệu hồ đồ như: sai lầm, gian manh, phản bội, dối trá...
Thêm vào đó, ngoại trừ giai đoạn bốn, ba giai đoạn một, hai và ba đều xảy ra trong nội tâm của chúng ta. Không ai thấy, không ai nghe, không ai có thể khảo sát thể thức suy luận của chúng ta.
Ngoài ra, chính chúng ta cũng nhảy vọt một cách lung tung và lộn xộn. Rốt cùng chúng ta cũng không rõ ràng điều nào là sự kiện, điều nào là giả thuyết và điều nào là kết luận, trong tiến trình tư duy và lý luận của chúng ta.
Thay vào những cách làm hỗn độn, thiếu hệ thống như vậy, điều chúng ta cần làm, trong tiến trình dựng Nước và giữ Nước, là cùng nhau ngồi lại, học với nhau cách thức thảo luận có tính khoa học và kỹ thuật.
- Thảo luận một cách khoa học
Kỹ năng nầy bao gồm hai phần khác biệt và bổ túc cho nhau.
Trong phần thứ nhất: Tôi trình bày ra ngoài, một cách rõ ràng và khúc chiết, trước mặt những người cùng thảo luận, năm bước đi lên của tôi, trên tiến trình tư duy và suy luận, hay là cách giải quyết vấn đề.
- Bước Một: Tôi nêu lên những sự kiện khách quan làm bàn đạp cho công việc và tiến trình suy tư.
- Bước Hai: Tôi đề xuất một hay nhiều giả thuyết, nhằm thuyên giải vấn đề hay là tìm ra ý nghĩa và hướng đi tới.
- Bước Ba: Tôi chứng minh giả thuyết, bằng cách phát hiện những liên hệ ràng buộc các sự kiện với điều tôi đề xuất.
- Bước Bốn: Tôi rút ra một kết luận cuối cùng, khả dĩ trình bày quan điểm và thể thức nhận thức của tôi.
- Bước năm: Tôi tiên liệu những cách tác động trên môi trường, để thành đạt một kết quả mong muốn.
Trong phần thứ hai: Sau khi đã phát biểu và trình bày, tôi khiêm cung và thành khẩn yêu cầu mọi tham dự viên, đóng góp những ý kiến, đưa ra những nhận xét bổ túc, kiện toàn hay là sửa sai. Trong phần nầy, tôi cũng từ từ đi lên từng bước, một cách khoan thai và có thứ tự, để mọi người có mặt có thể bộc lộ những quan điểm hay là lối nhìn độc đáo và khác biệt của mình.
- Bước Một: ngoài những sự kiện mà tôi đã ghi nhận và trình bày, trong các bạn có ai ghi nhận thêm những sự kiện khác lạ?
- Bước Hai: Ai đề xuất một hay nhiều giả thuyết khác, để bổ túc hay là điều chỉnh giả thuyết của tôi?
- Bước Ba: Bạn nào nhận thấy cách chứng minh giả thuyết và lối kiểm chứng các sự kiện do tôi thực hiện, còn thiếu tính mạch lạc và thuyết phục?
- Bước Bốn: Kết luận cuối cùng mà tôi rút tỉa, có hợp lý và hợp tình hay không?
- Bước Năm: Thể thức hành động mà tôi đã dự kiến, có ăn khớp với vấn đề mà chúng ta muốn giải quyết, hay là đi ra ngoài đề?
- Bước Sáu: Trong tiến trình tư duy và lý luận, với năm bước đi lên của tôi, các bạn còn muốn thêm, muốn bớt hay là muốn sửa sai những điểm nào?
- Đối Thoại
Trong một nhóm Đối Thoại, chúng ta cũng sử dụng kỹ năng thảo luận khoa học, như vừa được trình bày. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt hai mục tiêu khác nhau và hai khuôn khổ khác nhau.
Trong nhóm thảo luận khoa học, các thành viên nhắm đến một kết luận rõ ràng và cụ thể, bao gồm những quyết định, những điểm đồng ý và một số ưu tiên cần xác định.
Nói một cách vắn gọn, tư tưởng ĐỒNG QUI là khuôn khổ hoạt động của một nhóm thảo luận khoa học. Tư tưởng nầy là một điều kiện thiết yếu, khi nhóm có nhiệm vụ giải quyết một vấn đề cụ thể.
Trái lại, trong nhóm Đối Thoại, thực tế và thực tại «muôn màu muôn sắc» được trân trọng, nhận diện và đối diện, một cách thanh thản và an hòa nội tâm. Nội dung được trình bày và phát biểu, không khoác tầm mức quan trọng và ưu tiên, ngang bằng chủ thể hay là con người cụ thể và xương thịt, đang diễn tả những tầng lớp sâu xa của lòng mình.
Nói tóm lại, chúng ta cần ghi nhận ba đặc điểm quan trọng của nhóm trong sinh hoạt Đối Thoại:
Thứ nhất, mỗi thành viên đặt lên hàng đầu công việc lắng nghe chính mình và lắng nghe Nhóm, hơn là ghi nhận, khảo sát những quan điểm, lối nhìn của từng người.
Thứ hai, các thành viên cùng nhau chia sẻ, trao đổi và góp chung lại những quan điểm, kinh nghiệm và cảm nghiệm, hơn là đấu tranh, biện minh, cổ động cho cá nhân của mình.
Thứ ba, bản sắc của từng người vẫn được trân trọng. Nhưng các thành viên đang ý thức một cách nhạy bén mình đang cùng nhau làm nên một thực thể toàn bích, toàn diện, một «Chúng Ta». Cho nên họ trở thành trong sáng, thông suốt với nhau. Không úp mở, ém nhẹm. Nhất cử nhất động, tất cả những gì xuất hiện trong nội tâm của từng người, đều được đặt lên bàn, trước mặt mọi người. Lối nói «Cùng Với Nhau» gói ghém trọn vẹn thế nào là đường đi, hơi thở, lối nhìn và nhất là tấm lòng trăn trở của nhóm Đối Thoại.
Ngoài những nét đặc trưng ấy, hai loại nhóm Thảo luận khoa học và Đối Thoại cùng chia sẻ một mẫu số chung, như sau:
- Một: Khi phát biểu, mỗi thành viên trình bày ra ngoài, một cách rõ ràng, những bước đi lên có thứ tự, trong tiến trình tư duy.
- Hai: Ai ai cũng được gọi mời khảo sát và tìm hiểu những giả thuyết của người đang trình bày và diễn tả chính mình.
- Ba: Mọi thành viên khảo sát, một cách thanh thản và tường tận, những quan diểm bất đồng được nêu lên trong nhóm.
- Bốn: Mỗi người tham dự cố gắng hết mình, để nâng cao chất lượng, trong hai lãnh vực suy luận và quan hệ tiếp xúc đang diễn tiến trong nhóm.
Nhằm kết luận, tôi xin mượn lại câu chuyện của Đức Phật về «Năm người mù đi xem voi».
Người thứ nhất đã sờ vành tai của voi, và mô tả con voi giống như cái quạt mo.
Người thứ hai đã sờ lưng của Voi, và mô tả con voi giống như một tấm ván.
Người thứ ba đã sờ chân của Voi, và mô tả con voi giống như một cột nhà.
Người thứ tư đã sờ cái vòi của voi, và mô tả con voi giống như một ống thổi lửa.
Người thứ năm đã sờ cái đuôi của voi, và mô tả con voi giống như một cây roi to bự.
Không một câu trả lời nào trên đây diễn tả trọn vẹn toàn diện sự thật về con voi. Tuy nhiên, mọi câu trả lời đều phản ảnh ít nhiều thực tế của con voi. Không một câu trả lời nào có thể bị đánh giá là sai lạc một cách tuyệt đối.
Cũng vậy, khi nói về Đất Nước và Quê Hương, mỗi người trong chúng ta đều giống như «một người mù đi xem voi» trên đây. Thế mà chúng ta cứ khư khư cho mình là Đúng hoàn toàn và kết án kẻ khác là sai một trăm phần trăm. Cho nên, trong suốt bốn nghìn năm văn hiến, chúng ta đã xếp hàng thành hai phe Sơn Tinh và Thủy Tinh, để loại trừ và hủy diệt lẫn nhau. Phải chăng ngày hôm nay là thời điểm thuận tiện hay là cơ may nghìn năm một thuở, để chúng ta thức tỉnh, cùng nhau ngồi lại, cùng nhau học hai bài học «Thảo Luận khoa học và Đối Thoại».
Với hai bài học nầy, từng cá nhân xé lẻ, chúng ta vẫn tiếp tục làm người mù. Nhưng «Cùng Với Nhau», chúng ta có khả năng trở thành một Bồ Tát Quan Thế Âm, có một trăm đôi tay để làm. Một trăm đôi chân để bước đi những bước đi vạn dặm. Một trăm quả tim để yêu thương Nước Non và Anh Chị Em Đồng Bào. Lúc bấy giờ, mặt trời sẽ mọc lên lại trên Quê Hương của chúng ta. Và chúng ta sẽ thấy được những điều vô hình, nghe được những tiếng nói vô thanh. Sự Thật của Tình Nước, Tình Non, Tình Đồng Bào sẽ rạng ngời, trong con mắt nội tâm của mỗi người Việt Nam.
Sách tham khảo 
1. P. M. SENGE
- The Fifth Discipline  - Century Business,  London 1993.
- The Fifth Discipline, Fieldbook - Currency Book, USA 1994
- The Dance of Change - NB, London 1999.
2. NGUYỄN VĂN THÀNH 
- Tư Duy và Hành Động  - TN, 2002.
- Bản Đồ Tâm Lý và Tư Duy sáu màu -  TN, Lausanne 2002.
3. D. KANTOR & W. LEHR 
- Inside the Family - JB, San Francisco 1975.
[1] GOLEMAN D. – Emotional Intelligence, 2 vol. – Bantam Books, New York 1996..
[2] STEINER C.– Le conte chaud et doux des chaudoudoux – Illustré par PEF – InterEditions, Paris 1984..
[3] NGUYỄN VĂN THÀNH – Đồng Hành để Đồng Cảm – Tủ Sách Tình Người, Lausanne 2002.
[4] BERNE E. – Analyse transactionnelle et Psychothérapie – PB Payot Paris 1971.
Chương Mười Hai
Chuyển hóa thực trạng ngày hôm nay?
(Vai trò lãnh đạo của mỗi người chúng ta)
Chuyển hóa thực trạng ngày hôm nay có nghĩa là:
«Biến Không thành Có,
«Hóa bóng đêm thành mặt trời rạng tỏ,
«Chuyển luân rác nuôi sống những cánh đồng,
«Giữa sa mạc làm tuôn chảy dòng sông,
«Trong chết chóc vun trồng hạt mầm sống,
«Đường tiến lên: Thứ Tha và Hy Vọng»
Chuyển hóa tình trạng ngày hôm nay là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta.
Đó không phải chỉ là câu nói vu vơ, thiếu chứng liệu trong cuộc sống làm người. Có những bậc vị vọng và một số bạn bè có mặt ở giữa chúng ta… đã từng thực hiện cuộc đời và con đường chuyển hóa ấy, trong thinh lặng, nước mắt và khổ đau. Đó là những «bước lang thang, bước hồi hộp, bước bồn chồn. Bước vất vả, bước thao thức, bước xót xa. Bước cô đơn, bước ê chề, bước thất bại». Nhưng đồng thời đó cũng là những «Bước khổng lồ, bước liều mạng, bước phấn khởi. Bước khải hoàn và bước Yêu Thương».
Bước như vậy, theo lối giải thích chủ quan của tôi, là rời bỏ tất cả những gì hiện bây giờ đang còn là bóng tối trong con người của chúng ta, và can đảm đứng dậy, đi vào vùng Ánh Sáng. Ngày ngày, học lại một lối nhìn. Ngày ngày, nghe lại với vành tai xôn xao. Ngày ngày, mở rộng cửa lòng, để đón tiếp những cách làm mới. Khuôn đúc lại những thái độ mới. Thiết lập lại những quan hệ mới. Chứng nghiệm lại những tình cảm mới. Tôi luyện lại những ngôn ngữ mới… Nói tóm lại, KHÁM PHÁ Ý NGHĨA cho cuộc sống của chính mình và của anh chị em đồng bào chung quanh mình.
Bao lâu con đường đổi mới ấy chưa được khởi công xây dựng, trong con tim của mỗi người, tất cả mọi công trình đổi mới khác, đang được hô hào đó đây, ở bên ngoài, chỉ là trò hề bịp bợm, láo khoét, quảng cáo tuyên truyền hay là phương tiện ngụy trang, nhằm đàn áp, bốc lột xương máu của người khác mà thôi.
Nói một cách rõ ràng và thấm thấu, cái gì là điều quan trọng cần đặt lên hàng đầu trong cuộc sống (What matters most)? Điều nào là ưu tiên số một, trong kế hoạch hành động (First thing's first)? Bao lâu chưa có câu trả lời thỏa đáng ở nơi đây, chúng ta chỉ bơ vơ, loạn động, như vượn chuyền cành, hay là đội đá vá trời, xây nhà trên bãi cát.
Cách đây hơn năm thế kỷ (1442), Nguyễn Trãi đã khai vạch cho chúng ta con đường cần dấn bước và tiến tới:
«Lấy Đại Nghĩa mà thắng Hung tàn,
«Lấy Chí Nhân mà thay Cường bạo».
Hẳn thực, không đi con đường Nhân Nghĩa – Tình Người, trong lòng cuộc đời, chúng ta chưa ý thức mình là ai và không thể nào kết hợp, hướng dẫn quần chúng. Không đi con đường làm bằng chất liệu hiểu biết và yêu thương nầy, mỗi cá nhân chúng ta không thể nào thực thi những bước «đồng hành và chia sẻ» với người anh chị em, hai bên cạnh chúng ta.
Trong tinh thần và ý nghĩa ấy, thay đổi thực trạng ngày hôm nay, trong con người của chúng ta, cũng như trong môi trường Quê Hương và Đất Nước… không phải «là điều làm cũng được, không làm thì không sao». Nếu không ra tay thực thi công cuộc thay đổi ấy, trong bản thân và cuộc đời, chúng ta chưa làm người một cách thực sự và trọn vẹn.
Thế nhưng, chúng ta làm thế nào? Trên bình diện khoa học, đâu là những kỹ năng cần tôi luyện và học tập hằng ngày, để Ngôn và Hành, lời nói và việc làm ăn khớp với nhau?
Nhằm thúc đẩy và kêu gọi mỗi người – nhất là những ai thuộc giới trẻ – khám phá, sáng tạo cho mình những câu trả lời trung thực, can đảm và liêm chính, chương nầy sẽ lần lượt giới thiệu hai trọng điểm:
Trong phần thứ nhất: Tại sao, động lực nào thúc đẩy chúng ta chuyển hóa thực trạng ngày hôm nay? Một cách cụ thể chúng ta cần chuyển hóa những gì? Và chuyển hóa bằng cách nào? Chúng ta thực thi những động tác chuyển hóa ấy với ai, trong địa hạt nào?
Trong phần thứ hai: chúng ta cần tôi luyện những điều kiện và kỹ năng nào, trên mặt khoa học, để có thể bắt tay vào việc, không trì hoãn, hẹn rày hẹn mai?
Trong lời kết luận, tôi sẽ nhấn mạnh rằng: Chuyển hóa thực trạng ngày hôm nay, trong bản thân của mỗi người, cũng như chuyển hóa thực trạng của Quê Hương và Đất Nước là vai trò và trách nhiệm của từng người, không trừ sót một ai. Khi làm những điều ấy, một đàng, chúng ta thực hiện những hoài bão trọng đại trong cuộc đời làm người của mình. Đàng khác, khi làm những điều ấy, chúng ta đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của chúng ta, một cách can trường. Không tránh né. Không thoái thác. Không khoán trắng cho một ai. Không ngồi chờ quả sung từ đâu đâu bỗng nhiên rơi vào miệng. Đồng thời, không đội đá vá trời. Không cho mình có mọi quyền năng. Không tưởng mình nắm trọn trong tay mọi chân lý.
Lãnh đạo trong thời đại Nghìn Năm Thứ Ba, có nghĩa là đồng hành và chia sẻ. Thay vì áp đặt từ trên, từ ngoài, chúng ta bước từng bước đồng cảm với người anh chị em, trên mỗi chặng đường làm người và xây dựng quê huơng.
Phần thứ nhất:
Bốn động tác để chuyển hóa thực trạng ngày hôm nay
Để có thể chuyển hóa cuộc đời và tìm ra ý hướng làm người, chúng ta cần khảo sát bốn vấn đề cơ bản sau đây:
- Tại sao chúng ta phải thay đổi thực trạng ngày hôm nay?
- Thực trạng ấy bao gồm những gì?
- Chúng ta thay đổi thế nào, làm gì, bắt đầu từ đâu?
-  Chúng ta làm công việc thay đổi với ai?
Vấn đề thứ nhất: Lý tưởng làm người thúc giục chúng ta chuyển hóa cuộc đời
- Vai trò của chúng ta trong lòng cuộc đời (roles),
- Những giá trị chính yếu có khả năng điều hướng toàn diện cuộc sống và thúc giục chúng ta đi lên, vươn tới   (governing values),
- Sứ mệnh cần thực hiện và thành đạt (Mission).  
Trong tình hình xã hội và chính trị hiện nay, con người có xu thế sử dụng bạo động, để cưỡng chế người khác thực hiện ý muốn của mình. Dùng chiến tranh, để áp đặt hòa bình. Dùng nhà tù, để cải tạo, chỉnh huấn. Dùng roi đòn, để giáo dục con cái. Dùng áp lực, để đòi hỏi kẻ khác phải thay đổi. Vào thời Trung Cổ, tôn giáo chính thống ở Âu Châu đã dùng giàn thiêu, để trừng trị những thành phần phản đạo.    
Tuy nhiên, kinh nghiệm và thực tế cho chúng ta thấy rằng :  khi con người  bị cưỡng chế, trừng phạt… thay vì thay đổi, con người chỉ trở nên phản động hoặc bị động. Những ai BỊ đối xử bằng bạo động và cưỡng bách, trong tuổi thiếu thời, theo định luật phản hồi nhân quả, trong địa hạt tâm lý, những người ấy chầy kíp sẽ trở thành tác nhân gây ra bạo động cho những người khác, bằng cách nầy hoặc cách khác, khi họ đảm nhận những trách vụ trong lòng xã hội.
Theo lối nhìn của tâm lý đương đại, duy bản sắc hay là lý tưởng làm người là động cơ thúc đẩy con người không ngừng chuyển hóa bản thân và cuộc đời. Trong lăng kính và ý nghĩa ấy, tôi chỉ có thể thay đổi, chừng nào tôi ý thức được rằng: Tôi là ai? Con người đích thực của tôi làm bằng những chất liệu nào? Nhu cầu làm người đòi hỏi tôi phải thực hiện, thành đạt những gì trong cuộc sống hằng ngày?
Nói một cách vắn gọn, lý tưởng là năng động từ bên trong nội tâm, kêu mời và thúc đẩy tôi đứng dậy, vươn mình lên, tiến tới.
Theo tác giả Hyrum W. Smith (2001), lý tưởng là một tiến trình không bao giờ có điểm tới nơi. Đó là một con đường tôi phải đi, suốt cuộc đời, bằng cách hướng tới một cái gì cao đẹp, trọng đại nhất trong đời tôi. Là ưu tiên số một, đứng trước tất cả mọi ưu tiên còn lại.
Tuy nhiên, trong thân phận và điều kiện làm người, sai lầm có thể có mặt khắp muôn nơi. Điều mà tôi khẳng định là tốt đẹp, cao quí ngày hôm nay, chưa hẳn còn tốt đẹp và cao quí, trong năm hoặc mười năm sau này. Chính vì lý do đó, ngày ngày, tôi cần rà soát, kiểm điểm và điều chỉnh lại toàn diện con người của tôi.
Nhằm mục tiêu đổi mới, đánh sáng lại những chiều kích trọng đại và cao cả, trong lý tưởng và hoài bảo, chúng ta cần dựa vào những chuẩn mực sau đây:
Chuẩn mực thứ nhất: lý tưởng là viễn ảnh kỳ hùng, có khả năng động viên con người toàn diện của tôi, trong cuộc sống thường ngày. Cho nên, bốn lãnh vực thuộc cuộc sống làm người phải đóng góp phần mình một cách đồng đều, vào công việc thực hiện lý tưởng.
Lãnh vực thứ nhất là sự kiện hay là hành động cụ thể và khách quan. Hẳn thực, thiếu hành động chứng minh, lý tưởng chỉ là quảng cáo, tuyên truyền.
Lãnh vực thứ hai là lối nhìn của lý trí có khả năng điều hướng mọi hành động. Lối nhìn ấy được diễn tả và thông đạt cho người khác bằng ngôn ngữ.
Lãnh vực thứ ba là những xúc động hăng say, hứng khởi, nhiệt tình, có khả năng động viên con người ngày ngày bước tới, vượt qua mọi trở ngại và thách đố.
Lãnh vực sau cùng là quan hệ xây dựng và đóng góp, giữa người và người. Nếu lý tưởng là động cơ thúc đẩy tôi làm người, tôi không thể nhân danh lý tưởng ấy, để đàn áp, bốc lột, thống trị và thủ tiêu những ai đang làm người với tôi, hai bên cạnh tôi.
Khi cán cân thăng bằng không có mặt giữa bốn yếu tố sinh hoạt nầy, lý tưởng sẽ lập tức trở thành thui chột, phiến diện: đó là một ý thức hệ độc tài, thống trị, đàn áp. Hẳn thực, tự bản chất lý tưởng mang đến cho chúng ta nhiệt tình và hăng say, hạnh phúc và an bình nội tâm. Ý thức hệ, trái lại, bất kể thuộc loại nào – chính trị, tôn giáo, triết lý hay là khoa học – chỉ gieo rắc lo sợ, hận thù và nghi kỵ, trong cuộc sống làm người.
Sơ đồ số 1
a. Tình trạng quân bình
b. Tình trạng thiếu quân bình
Chuẩn mực thứ hai: lý tưởng có quan hệ mật thiết với nhu cầu cơ bản và chính đáng của tôi và đồng thời tôn trọng nhu cầu làm người của kẻ khác.
Để định nghĩa và khẳng quyết nhu cầu của mình, chúng ta cần thực thi hai động tác bổ túc cho nhau. Trước hết, chúng ta trình bày, một cách tích cực, TÔI MUỐN gì, để yêu cầu kẻ khác đóng góp và thỏa mãn.
Thứ đến, chúng ta cần diễn tả một cách tiêu cực: TÔI KHÔNG CHẤP NHẬN những gì. Khi đề xuất những giới hạn, chúng ta khẳng định chủ quyền của mình và đòi hỏi kẻ khác tôn trọng, dừng lại, không tìm cách vượt qua.
Để khẳng định lý tưởng, chúng ta diễn tả nhu cầu của mình. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng có trách nhiệm lắng nghe, nhìn nhận và coi trọng nhu cầu của kẻ khác. Không có thái độ ĐỒNG CẢM hai chiều như vậy, mọi quan hệ giữa người và người sẽ trở thành tranh chấp và xung đột, hận thù và chiến tranh: Tao hơn mày thua. Mày phải chết, để cho tao sống.
Thi sĩ John Donne, vào thế kỷ thứ 17, đã nhấn mạnh tính liên đới, đồng trách nhiệm của những ai mang thân phận và cuộc sống làm người, qua câu nói sau đây:
«Không một con người nào là một cô đảo. Trên con đường làm người, chúng ta có những liên hệ, gắn bó chặt chẽ vào nhau».
Hẳn thực, trên cùng một chuyến tàu làm người, tôi không thể sống sót một mình, khi những người khác phải chết đuối hay là bị tiêu diệt.
Chuẩn mực thứ ba: lý tưởng soi đường, dẫn lối cho chúng ta trong lòng cuộc đời. Cho nên, lý tưởng phải được chúng ta ý thức, nghĩa là diễn tả ra ngoài, bằng lời nói và hành động. Nhờ đó, chúng ta biết: chúng ta đi đâu, về đâu. Hiện tại chúng ta đang có những thuận lợi nào? Những cạm bẫy nào đang cản trở bước đường của chúng ta. Theo tác giả H.W. Smith, nhằm khám phá và xác định lý tưởng của mình, chúng ta cần khảo sát một cách rõ ràng và tường tận ba thành tố chính yếu:
- Thành tố thứ nhất: vai trò hay là trách nhiệm hiện tại của tôi là gì? Trong tình hình hiện tại, tôi có những quan hệ ràng buộc nào? Tôi cần làm những gì cho những người cùng chia sẻ cuộc sống với tôi?
- Thành tố thứ hai: những giá trị nào đang điều hướng cuộc đời của tôi?  Khi hành động ăn khớp với những giá trị cơ bản, tôi có những cảm nghiệm hăng say và hứng khởi, hạnh phúc và an bình nội tâm. Trái lại, khi khổ đau, chán nản, lo buồn, thất vọng… xuất hiện trong nội tâm, đó là những tiếng còi báo động cho tôi biết rằng những giá trị của tôi không được tôn trọng, những nhu cầu chính đáng của tôi không được thỏa mãn.
- Thành tố thứ ba: Mục đích cuối cùng mà tôi nhắm tới là gì? Sứ mệnh mà tôi muốn thực hiện và hoàn thành một cách mỹ mãn, trong cuộc sống làm người bao gồm những chiều kích chính yếu nào? Nói một cách vắn gọn, «ưu tiên số một», hay là «điều quan trọng bậc nhất» trong cuộc sống làm người là gì? Vì lý do và chí hướng nào, tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống, danh vọng và tiền tài?
- Bao lâu chúng ta chưa tìm kiếm, diễn tả, một cách rõ ràng và trong sáng – hay là viết ra, trên giấy trắng mực đen – những điểm vừa được trình bày… Đó là giai đoạn khám phá (Discovering),
- Bao lâu chúng ta chưa thiết lập những kế hoạch hành động, với những mục tiêu ngắn và dài hạn, có những thời hạn được xác định rõ rệt… Đó là giai đoạn hoạch định chương trình (Planning),
- Bao lâu chúng ta chưa biế: ngày hôm nay, tôi cần thực thi những động tác cụ thể nào… Đó là giai đoạn thực hiện (Acting),
- Bao lâu chúng ta chưa đi qua ba giai đoạn ấy, lý tưởng còn rất xa vời, thoát khỏi tầm nắm bắt của chúng ta. Nói đúng hơn, đó chỉ là một giấc mơ còn chập chờn, mờ ảo, chưa được chúng ta tìm cách chuyển hóa thành hiện thực, trong cuộc đời làm người, ở đây và bây giờ.
Vấn đề thứ hai: Thực trạng ngày hôm nay
- Những năng động cần phát huy,
- Những bị động cần chuyển hóa.
Khi nói đến lý tưởng, trong phần vừa qua, chúng ta đã khảo sát mục đích tối hậu của cuộc đời. Đó là tận điểm, chúng ta nhắm tới và quyết tâm thực hiện, trong toàn thể cuộc đời. Thực trạng ngày hôm nay, trái lại, là vị trí hiện thời của chúng ta. Đó là con người hiện thực và cụ thể, với bao nhiêu điểm tích cực và tiêu cực đang còn trà trộn vào nhau.
Khi so sánh lý tưởng và con người hiện thực ngày hôm nay, một cách khách quan và khoa học, chúng ta sẽ dễ dàng phân biệt hai lãnh vực đối kháng với nhau : Một bên là những năng động thúc giục, kêu mời chúng ta thực hiện lý tưởng trong lòng cuộc đời. Bên kia là những bị động, những chướng ngại đang cản trở con đường đi lên và bẻ gãy ý chí vươn tới của chúng ta.
Để có thể phân biệt những gì là ánh sáng và bóng tối, những gì là năng động và bị động, trong con người hiện thực, chúng ta cần sử dụng hai phương thức hành động bổ túc và điều hướng lẫn nhau.
Phương thức thứ nhất là quan sát mình, nhìn mình, ý thức về mình. Khi chúng ta «biết mình», theo lời nhận xét của tổ tiên, chúng ta sẽ có khả năng «trăm trận, trăm thắng», có nghĩa là «làm chủ bản thân và cuộc đời». Trên con đường hướng đến lý tưởng, chúng ta có thể đánh giá chúng ta đang ở đâu. Nếu chúng ta đã đi đúng hướng, chúng ta tiếp tục đi tới, bổ túc và kiện toàn. Trường hợp có những sai lệch, chúng ta điều chỉnh, sửa sai. Sai lầm là một điều tự nhiên và thường tình, trong cuộc sống làm người. Khi sai lầm được ý thức và sửa chữa, sai lầm không còn là sai lầm. Sai lầm trở thành một bài học phong phú, một kinh nghiệm quí hóa, để thăng tiến bản thân và làm đẹp cuộc đời. Ngoài ra, những ai ý thức một cách sáng suốt về những sai lầm của mình, những người ấy có khả năng đồng cảm với tha nhân và sẵn sàng thứ tha cho những anh chị em đã vi phạm những lỗi lầm, trên con đường làm người.
Câu chuyện sau đây minh họa những điều tôi vừa đề xuất:
Một thiền sinh hỏi vị thầy của mình:
Thưa sư ông, làm sao sư ông có thể luôn luôn điềm đạm, làm chủ bản thân mình, một cách tuyệt hảo như vậy?
Sư ông trả lời: vì ông đã có những quyết định đứng đắn, trước mỗi hành động.
- Nhưng làm sao để có những quyết định đứng đắn?
- Vì ông đã có nhiều kinh nghiệm, trong cuộc đời.
- Nhưng thế nào là có nhiều kinh nghiệm?
- Vì chính ông đã có những quyết định sai lầm trong quá khứ, khi còn bé nhỏ như con bây giờ.
Chính vì những lý do vừa được đề xuất, trong cuốn sách «Nguyễn Trãi và vấn đề giáo dục con cái» (2001), tôi đã yêu cầu những bậc cha mẹ, cũng như những ai thực thi vai trò giáo dục, trong lòng quê hương, hãy can đảm sáng tạo cho con em chúng ta, năm khung trời mở rộng:
- Thứ nhất, cho phép con em khẳng định tính độc đáo và khác biệt của mình,
- Thứ hai, cho phép con em sai lầm,
- Thứ ba, khuyến khích và cho phép con em diễn tả, nhất là những xúc động tiêu cực, như giận, buồn, lo, sợ…
- Thứ bốn, cho phép con em mộng mơ, trình bày ra ngoài những ước vọng và hoài bão của mình, một cách hồn nhiên, thoáng thoát,
- Thứ năm, cho phép con em có quyền từ chối, trả lời «Không» với chúng ta, để khẳng quyết con người của mình.
Làm được như vậy, chúng ta đang đặt nền móng vững chắc, cho từng thế hệ tự do và sáng tạo, cơ hồ Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hậu Ỷ Lan… có điều kiện xuất hiện và triển nở, trên từng tấc đất của Núi sông.
Mặc dù với bao nhiêu cố gắng, như tôi vừa giới thiệu, để nhìn mình, quan sát mình, tìm hiểu mình, một cách khách quan và chính xác, thiên kiến, thành kiến vẫn luôn luôn tồn tại. Chúng nó len lỏi, nằm vùng trong mỗi lối nhìn, ý kiến và quan điểm của chúng ta, nhất là khi chúng ta nói về mình, binh vực mình, đề cao mình. Theo cách nhìn của Tâm lý đương đại, chúng ta có xu thế nhìn mình, xuyên qua  một loại «cửa sổ vô hình». Đó là một «hệ tin tưởng» (belief window), đã đóng lớp rêu phong, trong tâm tưởng của chúng ta, từ những ngày thơ ấu. Do đó, chúng ta dễ dàng xuyên tạc, bóp méo những tin tức về mình. Chúng ta tin tưởng như đinh đóng đó là những «sự thật một trăm phần trăm». Cho nên, chúng ta không bao giờ tìm cách kiểm chứng, đặt lại vấn đề, sửa sai và đổi mới.
Còn có một cách làm thứ hai là yêu cầu kẻ khác đóng góp, phản hồi. Lắng nghe họ và tạo điều kiện, để cho họ nói về chúng ta, một cách thành thực và chính xác. Tôi sẽ khảo sát cách làm nầy, khi đề cập vấn đề thứ tư sau nầy.
Nhằm tóm lược tất cả những điều được trình bày trong phần nầy, chúng ta hãy trở lại với câu hỏi: thực trạng cần được chúng ta chuyển hóa ngày hôm nay bao gồm những gì ? Đó là tất cả những bị động, những sức nặng ù lì đang làm tê liệt mọi sức sống vươn lên của chúng ta, trên con đường thực hiện lý tưởng. Đó là «những lực lượng phản động», đang đóng sào huyệt giữa con tim của mỗi người trong chúng ta tất cả, không trừ sót một ai. Thay vì đưa tay chỉ phe bên kia, để tố cáo, mạt sát, kết án, loại trừ, chúng ta hãy can đảm nhìn mình. Tên giặc đang đàn áp chúng ta và gieo rắc hận thù khắp muôn nơi, trên quê hương của chúng ta, là chính mình chúng ta. Cho nên, mọi kế hoạch đổi thay và chuyển hóa cuộc đời… phải bắt đầu từ nơi đó: con người của chúng ta.
Hẳn thực, mỗi người hãy tự nhủ lòng mình:  suốt một đời phục vụ điều Thiện, rao giảng điều Thiện, đấu tranh cho điều Thiện, trên khắp mọi nẻo đường của quê hương và thế giới… điều Ác vẫn luôn luôn tồn tại trong tôi, trong lối nhìn của tôi, trong từng hơi thở và lời nói của tôi, trong từng thớ thịt và xương máu của tôi.
Khi mỗi người Việt Nam ý thức được điều ấy, một cách thành khẩn và khiêm cung, chúng ta đang là bình minh, gọi mặt trời trở về, trên ruộng đồng của quê huơng.
Vấn đề thứ ba: Thiết lập và thực hiện Kế Hoạch Hành Động
Câu hỏi thứ nhất: Chúng ta cần làm gì, với những năng động đã được khám phá?
Câu hỏi thứ hai: Chúng ta chuyển hóa thế nào những sức nặng ù lì, bị động, trong lòng cuộc sống?
Để trả lời một cách vắn gọn, chúng ta cần lưu tâm đến những giai đoạn quan trọng cần thực hiện sau đây:
- Củng cố và phát huy những năng động đã có mặt, nhưng chưa được thuần thành.
- Trở lui với những năng động đã thuần thành, trong những giai đoạn khó khăn và khủng hoảng, trên con đường thực hiện lý tưởng, để củng cố niềm tin vào chính mình và tìm lại an toàn nội tâm.
- Phân chia mục đích của cuộc đời (bao gồm những giá trị và sứ mệnh), thành nhiều mục tiêu cụ thể, được xếp đặt theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3…
- Phân chia mỗi mục tiêu cụ thể thành hai loại mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Thời gian thực hiện mục tiêu dài hạn kéo dài từ 1 đến 3 năm tối đa. Thời gian thực hiện mỗi mục tiêu ngắn hạn không vượt quá 6 tháng.
- Để thực hiện mỗi mục tiêu ngắn hạn, chúng ta cần sáng tạo từ 5 đến 10 tác động cụ thể, để thực tập, tôi luyện lặp lui lặp tới, mỗi ngày, cho đến khi nào mục tiêu ngắn hạn được hoàn thành, nhuần thục.
- Một cách đặc biệt, để chuyển hóa những sức nặng ù lì, bị động, trở ngại… chúng hãy khảo sát hai bình diện khác nhau, nhưng luôn luôn chồng chéo lên nhau.
Bình diện thứ nhất là những hành vi tiêu cực, hoàn toàn đối nghịch với chí hướng vươn lên, đi tới, xích lại gần lý tưởng.
Bình diện thứ hai là chức năng hoặc phần vụ TÍCH CỰC của những hành vi tiêu cực đang gây cho chúng ta những rối loạn, phiền hà, trì trệ.
Khi tìm ra được chức năng tích cực, chúng ta có thể đề xuất những tác động cụ thể, để đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu làm người của chúng ta. Xuyên qua cách chuyển hóa nầy, hành vi tiêu cực sẽ từ từ nhường bước cho những hành vi tích cực và năng động, có khả năng phục vụ lý tưởng, mà chúng ta muốn thực hiện trong lòng cuộc đời.
Ví dụ sau đây sẽ minh họa cách làm vừa được giới thiệu. Em A không muốn đi học. Phần vụ tích cực của hành vi từ chối ấy là bảo vệ an toàn cho bản thân và cuộc sống của mình, vì ở trường học, một vài học sinh lớn hơn đã có thái độ đe dọa, đối với em ấy.  Để hóa giải tình trạng khó khăn nầy, cô giáo ở lớp học cần lưu tâm đến em A nhiều hơn, trong các giờ ra chơi… để em A tìm lại được lòng tự tin và an toàn nội tâm.
- Sau khi thời gian thực hiện mục tiêu đã chấm dứt, chúng ta cần ngồi lại, đánh giá kết quả. Nếu mục tiêu đã thành đạt, chúng ta cần nêu ra một cách rõ ràng: chúng ta đã đạt được kết quả, nhờ vào những kỹ năng nào? Nếu công việc đã thất bại, chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm: chúng ta thất bại, tại ví lý do nào? Lần sau, chúng ta cần bổ túc và kiện toàn ở chỗ nào?
Vấn đề thứ tư: Yêu cầu kẻ khác đóng góp, phản hồi
- Bạn THẤY, NGHE gì, ở đâu, khi nào...?
- Từ những sự kiện ấy, bạn đề xuất GIẢ THUYẾT nào?
- Xuyên qua LỐI NHÌN hay là cách THUYÊN GIẢI của bạn, tôi cần rút ra những kết luận nào? Tôi cần LÀM GÌ?
- Với những cộng sự viên, tôi cần phát huy những QUAN HỆ nào?
- Trong lãnh vực XÚC ĐỘNG và TÌNH CẢM, theo bạn tôi đang có những nhu cầu nào? Và những người cùng chung sống và làm việc với tôi, đang cần gì? Tôi  đáp ứng thế nào?
Từ giai đoạn khám phá lý tưởng cho đến lúc đánh giá những thành quả thâu lượm được, trong từng mỗi bước đi tới, chúng ta cần những đóng góp phản hồi của kẻ khác, về con người của chúng ta, trong bốn lãnh vực sinh hoạt:
- thứ nhất là những hành động và ngôn ngữ khách quan bên ngoài,
- thứ hai là những giá trị và lối nhìn có khả năng điều hướng toàn diện con người,
- thứ ba là đời sống xúc động và tình cảm,
- thứ bốn là những quan hệ tiếp xúc và trao đổi qua lại giữa người với người, trong môi trường xã hội.
Như trước đây tôi đã nhấn mạnh, thiếu một trong bốn thành tố trên đây, con người của chúng ta sẽ mất quân bình. Và lý tưởng, mà chúng ta muốn thực hiện, chỉ là một ý đồ «má phấn môi son hay là vẽ rồng họa rắn».
Tuy nhiên, tôi cần phải thêm, không một tin tức nào là sự thật một trăm phần trăm. Mỗi tin tức do người khác cung ứng đều là quặng sản. Chính chúng ta, theo lối nói của văn hào Paulo Cuelho, là người «luyện vàng», có khả năng biến sắt, thép, đồng, chì… thành vàng nguyên chất. Nếu chúng ta thích nịnh bợ, người khác sẽ tìm cách để «vuốt đuôi» chúng ta. Nếu chúng ta thích lèo lái mọi sự, người khác sẽ «làm vui lòng»,  «vỗ tay hoan hô», hay là «thinh lặng đồng lõa». Nếu chúng ta là những người «cố quyết tìm sự thật», ở cuối chặng đường tìm kiếm, sự thật sẽ đến viếng thăm và cư ngụ trong quả tim của chúng ta. Sự thật không bao giờ là sự kiện, có sẵn trước mặt. Sự thật – bất kỳ loại sự thật nào – đi đôi với đức tin vào mình và vào người khác. Sự thật là hoa trái của một quan hệ qua lại, hai chiều giữa hai tâm hồn bồi đắp và nuôi dưỡng lẫn nhau.
Trong tác phẩm «Đồng cảm để đồng hành» Tình Người, Mùa xuân 2003), tôi đã quảng diễn một cách sâu rộng những động tác cụ thể cần thực hiện, khi chúng ta đồng cảm với kẻ khác: có mặt với họ, lắng nghe họ, trân trọng và nhìn nhận những gì họ trao ban cho chúng ta, mặc dù đó có thể là những nhu cầu làm người bị ngụy trang, đằng sau ngôn ngữ hận thù, tố cáo, kết án, lăng nhục... Khi chúng ta có khả năng nhận ra khuôn mặt làm người của kẻ khác, đằng sau những «nét mặt còn nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi», chính lúc đó, chúng ta ĐANG LÀM NGƯỜI. Lý tưởng làm người đang thành xương thành thịt, trong con người của chúng ta.
Không bước đi những bước đồng cảm với anh chị em đồng bào, chúng ta không thể nào khám phá nhu cầu chính đáng và cơ bản của họ. Bản chất đích thực của vai trò lãnh đạo phải chăng là tạo ra mọi điều kiện thuận lợi và tốt hảo, để kẻ khác cũng làm người với chúng ta?
Nói khác đi, trong mỗi phút giây, khi chúng ta cố quyết làm người, trong từng quan hệ tiếp xúc và trao đổi, chúng ta đang đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của mình, mặc dù chúng ta chỉ là một người phu quét đường, trong một khu chợ. Hiểu được sự thật ấy, chúng ta sẽ nhận thức được một cách rốt ráo thế nào là trở nên người lãnh đạo có khả năng đồng hành và đồng cảm, trong lòng quê hương và dân tộc, trong những tình huống hiện nay.
Phần thứ hai 
Bốn kỹ năng khoa học để thực hiện lý tưởng
trong mỗi giây phút của cuộc đời
- Ý thức về mình (Self-awareness),
- Làm chủ bản thân và cuộc đời của mình (Self-management),
- Khả năng đồng cảm với tha nhân (Empathy),
- Khả năng kết dệt những quan hệ đóng góp xây dựng và trao đổi hài hòa với những người chung sống trong môi trường (Relationship-management).
Để có thể thực hiện lý tưởng, trong bốn giai đoạn được trình bày trên đây, về mặt kiến thức và khoa học, chúng ta cần vận dụng kỹ năng «vừa Tình vừa Lý», trong con người của chúng ta. Theo lối gọi của Daniel Goleman, đó là một loại «Trí Thông Minh coi trọng Tình Cảm», có cơ sở cụ thể và khách quan, trong Hệ Thần Kinh trung ương não bộ.
Cơ sở nầy là đường dây liên lạc nối kết cấu trúc Hạnh Nhân thuộc Hệ Viền nằm sâu trong não bộ và Thùy Trán bên trái, thuộc Hệ Tân Vỏ Não. Nếu vì lý do tai nạn hoặc bệnh hoạn, cấu trúc Hạnh Nhân bị thương tổn, bệnh nhân vẫn duy trì khả năng lý luận, nhưng không còn biết đồng cảm với người khác. Trái lại, khi Thùy Trán – nhất là phần phía trên – bị thương tổn, bệnh nhân sẽ mất khả năng làm chủ hay là chế ngự đời sống xúc động và tình cảm của mình.
Nhờ có những tin tức trao qua gửi về giữa Hạnh Nhân và Thùy Trán, chúng ta kết hợp một cách hài hòa, bốn loại khả năng cùng một lúc:
- thứ nhất là khả năng hiểu biết ý nghĩa của những sự kiện xảy ra bên ngoài,
- thứ hai là khả năng vận dụng trực giác, để có một lối nhìn toàn diện, tổng thể trước những vấn đề phức tạp,
- thứ ba là khả năng điều hướng, điều hợp đời sống tình cảm và xúc động,
- thứ bốn là khả năng đồng cảm với người khác, nghĩa là đặt mình vào vị trí của họ, hiểu được họ, như chính họ hiểu mình, trong những quan hệ tiếp xúc và trao đổi.
- Khả năng kết hợp và vận dụng vừa Tình vừa Lý, như chúng ta đã nói, còn mang tên là «Trí Thông Minh coi trọng Tình Cảm», cung ứng cho chúng ta bốn loại kỹ năng cần thiết cho mọi công tác lãnh đạo, từ giai đoạn đề xuất khám phá một hướng đi đến giai đoạn hoàn thành kế hoạch hành động.
Sơ đồ số 2
a. Tân vỏ não
      (Néocortex)
b. Hệ Viền
(Système limbique)
Kỹ năng thứ nhất:  Ý thức về mình
Khi ý thức về mình được mài nhọn và đánh sáng mỗi ngày, nhờ học tập, tôi luyện và khả năng lắng nghe kẻ khác… tôi có ít nhất hai kỹ năng tinh nhuệ, khả dĩ bồi đắp cho lý tưởng làm người và vai trò lãnh đạo.
Kỹ năng thứ nhất cho phép tôi nhận thức và phân định một cách dễ dàng, nhanh chóng: đâu là những năng động tích cực, đâu là những bị động tiêu cực đang cùng có mặt trong con người hiện thực của tôi.
Kỹ năng thứ hai tạo điều kiện cho tôi biết phân biệt một cách sáng suốt và bén nhạy lằn ranh giữa những sự kiện khách quan và những thiên kiến hay là những định kiến. Đó là những «Hệ tin tưởng» xa xưa, cổ đại, chưa bao giờ được tôi nhận diện và đối diện, bằng cách kiểm chứng, một cách can đảm, chân thành và khoa học.
Kỹ năng thứ hai: Làm chủ bản thân mình
Khi có kỹ năng làm chủ bản thân và cuộc đời, tôi biết: tôi đang đi về đâu? Hiện tại tôi ở chỗ nào? Tôi cần phải làm gì? Khi có một chướng ngại xuất hiện, trên đường đi, tôi hóa giải bằng cách nào? Tôi chuyển biến thế nào những thất bại, lỗi lầm… trong cuộc đời thành kinh nghiệm quí hóa và bài học thăng tiến bản thân?
Một cách đặc biệt, trong đời sống xúc động và tình cảm, con người có kỹ năng làm chủ bản thân mình không bao giờ bị tê liệt và tràn ngập, trước những cơn khổ đau trầm trọng, hay là trong những tình huống bệnh hoạn, tang chế xảy đến một cách bất ngờ.
Trên đây, tôi đã nói đến vai trò của Thùy Trán, bên phía trái, thuộc hệ Tân Vỏ Não. Nhờ hoạt động của cấu trúc nầy, con người có khả năng gọi trở về, trong cuộc đời của mình, những kinh nghiệm thành công, hạnh phúc, vui sướng đã có mặt trong quá khứ, để hóa giải, hoặc bồi đắp cho những tình huống cay nghiệt, u tối đang xảy ra trong giờ phút hiện tại.
Kỹ năng thứ ba: Đồng Cảm với tha nhân
Mặc dù bao nhiêu nét khác biệt, đang tạo ngăn cách giữa bản thân tôi và người đối diện, nhờ vào kỹ năng đồng cảm, tôi vẫn nhận ra khuôn mặt của tôi, trong người ấy, và khuôn mặt của người ấy đang hiện diện trong thâm cung của quả tim tôi. 
Câu nói của người đi trước đang nhắc nhủ cho chúng ta về sự thật «nhất tâm» ấy: «Mình với ta, tuy hai mà một. Ta với Mình sao một mà hai?». Dựa vào những nét khác biệt, tôi có thể đón nhận nơi người khác, những bài học và kinh nghiệm, để bổ túc và kiện toàn những gì còn thiếu sót, trong con người và cuộc đời của tôi.
Trái lại, khi khám phá được những điểm giống nhau, như khổ đau, buồn chán, thất vọng, phản bội, lỗi lầm… chúng ta chỉ có một con đường, để cùng đi với nhau: đó là Thương Yêu và Tha Thứ.
Dân tộc nào không rút ra được, từ lịch sử của mình, những bài học Tha Thứ, dân tộc ấy đang trên đường suy vong và tự hủy.
Kỹ năng thứ tư: Đóng góp xây dựng và quan hệ hài hòa
Người khác – bất kể họ là ai, bạn hay thù, thân nhân hoặc xa lạ – là vốn đầu tư lớn lao và phong phú hơn tất cả mọi loại vốn đầu tư khác. Đó là vốn đầu tư có khả năng biến chúng ta thành người.
Tuy nhiên, như tôi đã nhấn mạnh nhiều lần trước đây, chúng ta là  «người luyện vàng», có khả năng biến thành vàng những gì là quặng sản, trong tầm tay của chúng ta. Đối với tha nhân, có mặt trong môi trường sinh hoạt hằng ngày, từ ngày sinh ra khỏi lòng Mẹ, chúng ta cũng có một trách nhiệm luyện vàng như vậy. Họ sẽ đóng góp, nếu chúng ta biết yêu cầu và đón nhận những đóng góp của họ. Nếu chúng ta đối xử với họ như kẻ thù, họ sẽ là những tên thực dân, xâm lược. Thể theo lối nhìn của Eric Berne – tác giả sáng lập Phương Pháp phân tích những quan hệ trao đổi (Analyse transactionnelle) –  không một người nào là nạn nhân, cứu tinh hay thực dân, tự bản sắc của mình. Trong mọi quan hệ trao đổi giữa người với người, nếu chúng ta thấy mình là nạn nhân, chúng ta sẽ tìm người, để «tấn phong họ» thành tên thực dân hay là vị cứu tinh. Trái lại, khi chúng ta thấy ai khác là nạn nhân, chúng ta sẽ nhảy vào đóng vai trò tên thực dân hay là vị cứu tinh. Tuy nhiên, không ai có thể «chơi» trò chơi làm thực dân, hay là làm vị cứu tinh suốt cuộc đời. Tên thực dân sẽ bị đánh ngã quỵ, để trở thành nạn nhân. Vị cứu tinh một ngày nào đó sẽ trở thành tên thực dân, đối với những người, mà mình đã cứu vãn và viện trợ. Và nạn nhân ngày trước bây giờ trở thành tên thực dân, đối với người khác, thậm chí đối với anh chị em đồng bào của mình.
Chính vì những lý do vừa được quảng khai, trong những quan hệ tiếp xúc và trao đổi, nếu kẻ khác được chúng ta cư xử và đãi ngộ là người, chúng ta sẽ làm người. Trái lại, khi kẻ khác chỉ là «công cụ» hay là «đồ vật», trong lối nhìn của chúng ta, lúc bấy giờ chúng ta  chỉ là «nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi», nghĩa là một quái thai, trong thế giới làm người.
Trong tinh thần và lăng kính ấy, để có thể lãnh đạo anh chị em đồng bào, chúng ta hãy bắt đầu LÀM NGƯỜI và trân trọng tư cách làm người của anh chị em chúng ta.
KẾT LUẬN:
Cái gì sẽ xảy ra, nếu chúng ta thực hiện lý tưởng với bốn giai đoạn được đề xuất trên đây?
Nếu ngày ngày can trường, kiên nhẫn bước đi trên con đường hướng đến lý tưởng, chúng ta sẽ trở thành «ai», hay là «cái gì»?
Để trả lời, tôi xin khẳng quyết một cách vắn gọn như sau:
- Chúng ta là những Thánh Gióng: Lên đường đánh tan Giặc ÂN, và mang về cho Đất Nước thanh bình và thịnh vượng, sau khi được bà con xa gần cho ăn, cho mặc, cho ngựa, cho gươm. Làm xong phận sự, Thánh Gióng đã thanh thản ra đi, trở về Trời với Mẹ Âu Cơ.
- Chúng ta là những Trần Hưng Đạo: Tại Vạn Kiếp, khi vua Trần Nhân Tôn ngự thuyền đến tham vấn:
«Thế giặc quá to, đánh nhau lâu sợ hại cho dân. Hay là Trẫm ra hàng, để cứu muôn dân?». Trần Hưng Đạo đã khảng khái tâu lại: «Nếu Bệ Hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu trẫm trước đã».
- Chúng ta là những vua Lý Thánh Tôn đầy lòng nhân từ và quí trọng người dân của mình. Nhà vua thường than thở với Triều Đình: «Trẫm yêu dân như yêu con». Cho nên, vào mùa rét lạnh, Nhà Vua truyền lệnh phân phát chăn chiếu cho những tội nhân.
- Chúng ta là những Trần Bình Trọng: Khi quân Nguyên xâm chiếm Nước ta lần thứ hai, Trần Bình Trọng bị bắt ở biên thùy và bị giải đến trước tướng Nguyên là Thoát Hoan. Tướng nầy đem mồi phú quí dụ Trần Bình Trọng: «Hãy về hàng ta đi, rồi sẽ được phong làm vương đất Bắc». Trần Bình Trọng nổi giận, quát lên rằng: «Ta thà làm quỷ Nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc».
- Chúng ta là những Nguyễn Trãi: «Chăn lạnh choàng vai, đêm chẳng ngủ. Suốt đời, ôm mãi nỗi lo dân».
Để có thể trả lời một cách can đảm và trung thực, mỗi người hãy trở về trong thâm cung của lòng mình. Hãy lắng nghe lời kêu gọi của Núi Sông, Đất Nước. Hãy gọi Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ trở về với chúng ta và giữa chúng ta:
«Hãy gọi Cha về, lòng ai thao thức sóng vỗ,
«Hãy lắng nghe lời ru của Mẹ, khi cuộc đời đầy giông tố.
«Công cha Như Núi Thái Sơn,
«Nghĩa Mẹ như Nước trong nguồn chảy ra,
«Anh em cùng một Mái Nhà,
«Ngọt bùi chia sẻ, gần xa một lòng.
«Con là ai? – Hạt bụi, giữa Đất Trời Vũ Trụ.
«Nhưng đời con gây động chuyển hằng ngàn tinh tú.
«Con đứng lên, đập tan những hận thù, bom đạn…
«Bàn tay con, ngày ngày sáng tạo Núi Sông tròn đầy và viên mãn.
«Bước chân con mang Hạnh phúc cho Đời,
«Quả Tim con Nguồn Suối không bao giờ cạn vơi .
«Giữa bão tố, Hồn Đại Dương vẫn lặng,
«Ngày sương mù, Lòng Trời Cao cứ nắng .
«Ngàn sông tràn nước, ngàn mảnh trăng rơi…
«Muôn dặm không mây, chỉ một Bầu Trời».
Phải chăng đó là lý tưởng, chúng ta đang quyết tâm ngày ngày thực hiện trong cuộc đời của mình?
Sách tham khảo
1. GOLEMAN D. – The new Leaders  – Little Brown, London 2002.
2. SMITH H.W. – What matters most – Simon & Schuster, London 2001.
3. NGUYỄN VĂN THÀNH – Nguyễn Trãi và Vấn đề giáo dục con cái – Tình Người, Lausanne 2001.
4. NGUYỄN VĂN THÀNH – Đồng Cảm để Đồng Hành – Tình Người, Lausanne 2003.
5. MỘT NHÓM GIÁO SƯ – Việt Sử, quyển 1 và 2 – Inst. Asie du Sud-Est, Paris 1993.
6. NGUYỄN VĂN THÀNH – Sơn Tinh và Thủy Tinh : hai con đường, MỘT Nước Non – Tình Người, Lausanne Mùa Thu 2003.
Thay lời Kết Luận
Chiếc Bè để qua sông
Nhằm kết thúc cuốn sách «Huyền Sử của Việt Nam: Con Đường LUYỆN VÀNG của Con Rồng Cháu Tiên», tôi xin phép mượn lại câu chuyện «Làm thế nào để bảo vệ Cái KHỐ», mà Anh Hương Vĩnh ở Canada, đã có nhã ý chia sẻ cho tôi. Chính Anh đã rút ra từ một tác phẩm của Linh Mục Anthony de MELLO: [1]
«Một minh sư cảm thấy phấn khởi bởi những tiến bộ tâm linh của đệ tử cho đến nỗi nghĩ rằng anh ta không cần hướng dẫn thêm nữa nên đã để đệ tử đó lại trong cái chòi nho nhỏ của mình ở bên bờ sông.
Mỗi sáng mai, sau lễ tắm gội, đệ tử đó treo cái khố lên cho khô. Đó là vật sở hữu duy nhất của anh! Ngày kia anh rất rầu rĩ vì thấy cái khố bị chuột gặm nát. Do đó, anh phải xin dân làng cho cái khố khác. Khi lũ chuột gặm nhắm nhiều lỗ trong cái khố nầy nữa, đích thân anh nuôi một con mèo. Anh không bị lũ chuột quấy phá nữa nhưng giờ đây, thêm vào việc khất thực cho chính mình, anh phải xin thêm sữa nữa.
Anh tự nghĩ: "Khất thực như thế quá phức tạp và cũng là gánh quá nặng cho dân làng; chi bằng ta nuôi một con bò cái." Khi nuôi được bò, anh phải đi xin cỏ khô. Anh tự nghĩ: "Cuốc đất trồng cỏ quanh chòi của mình dễ quá." Nhưng điều đó cũng quá phiền phức vì anh không còn bao nhiêu thời giờ để chiêm niệm. Vì vậy anh đã mướn nông dân cuốc đất trồng cỏ cho anh. Bây giờ đây phải trông nom đám nông dân đã trở nên những công việc lắt nhắt nên anh đã cưới vợ để chia sẻ công việc nầy với anh. Dĩ nhiên, chẳng bao lâu, anh đã trở nên một trong những người giàu có nhất làng.
Nhiều năm sau, minh sư của anh ta tình cờ đi ngang qua đó và rất đỗi ngạc nhiên khi thấy một tòa nhà nguy nga tráng lệ ở nơi mà xưa kia là cái chòi được dựng lên. Ông hỏi một người giúp việc: "Đây chẳng phải là nơi mà một đệ tử của tôi thường sống chăng?"
Trước khi được trả lời, chính người đệ tử xuất hiện. Minh sư hỏi: ‘Con ơi, sao ra nông nỗi nầy?’
Chàng thanh niên trả lời: "Thưa thầy, thầy sẽ không tin nổi, nhưng không có cách nào khác để con có thể bảo vệ cái khố của con!"»
Nếu ngày hôm nay, Đức Phật hay là Đức Kitô hiện hình, đi ngang qua những xóm nghèo và thấy mọc lên chan chan «những Công Trình», những «Tháp Ba Ben» ngổn ngang, đồ sộ và giàu sang, bên cạnh những túp lều rách nát... chắc chắn các Ngài cũng sẽ hỏi mỗi người trong chúng ta: «Con ơi, sao ra nông nỗi nầy?». Nông nỗi có nghĩa là những cớ sự chướng tai, gai mắt, không hợp tình, hợp lý, không «nhập thể làm người» ở giữa lòng đại đa số dân chúng đang chân lấm tay bùn.
Nhằm trả lời, chàng thiền sinh kia đã nêu ra lý do: để bảo vệ cái khố bị chuột gặm nhắm nhiều lỗ.
Còn chúng ta, chúng ta sẽ đưa ra lý do nào? Chúng ta bảo vệ «Cái KHỐ» nào đây?
Thực ra, theo lối nhìn và cách suy tư của tôi, cái khố bị chuột cắn nhiều lỗ đã trở thành một hình tượng lung linh, diệu vợi, trong tâm tưởng của chàng thiền sinh kia. Cái khố ấy đánh dấu một điểm mốc khá tiến bộ, trên con đường tu luyện và trong cuộc đời «vô trước», nghĩa là không còn vướng mắc và buộc chặt vào trong vòng mê cung của vật chất và của cải. Tuy nhiên, vì quá muốn bảo vệ cái hình hài bề ngoài, anh chàng thiền sinh kia đã quên mất cái thực chất và thực tế của nội tâm. Cho nên, cái vòng mê cung vẫn luẩn quẩn trở lui lại, buộc trói và bóp nghẹt mọi ý hướng vươn lên và giải thoát của anh. Anh đã lãng quên và dồn nén con đường Luyện Vàng luôn luôn còn đó, có mặt trong quả tim của mình.
Với những câu chuyện HUYỀN SỬ Việt Nam, chúng ta cũng cần vun trồng và tưới tẩm một thái độ tương tự. Thay vì bảo vệ một «cái khố», chúng ta sống trọn vẹn và hết mình Con Đường Luyện Vàng, đang được cưu mang ấp ủ trong tâm hồn. Hẳn thực Huyền Sử chỉ là những «chiếc bè». Nhưng chiếc bè Huyền Sử giúp chúng ta vượt qua «bến bờ bên kia», tìm lại mặt mũi uyên nguyên của mình và của mỗi người anh chị em đồng bào. Họ là những Thánh Gióng, những Thần Kim Qui, những Cô Tấm, Cô Cám, những Hoàng Hậu Ỷ Lan, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... Chúng ta sinh ra để Đồng Cảm và Đồng Hành với họ, trên mỗi chặng đường của Quê Hương. Họ là Nước, là Non. Là Sơn, là Thủy. Cùng với chúng ta, họ đang làm nên NON NƯỚC và Núi Sông.
Ngoài ra, có những vấn đề khắc nghiệt... có những cơ hội oái oăm đang là yếu tố dẫn khởi, biến họ thành những Sơn Tinh và Thủy Tinh, đang lôi kéo nhau đi vào con đường xung đột, hận thù và chiến tranh. Nhưng thực ra cả hai bên đều đáng thương và cần Tình Thương của chúng ta, vì cả hai đang bị khổ đau nghiền nát, trong lòng cuộc đời. Chúng ta hãy làm những con người có khả năng bắc lại «Nhịp Cầu Hiểu Biết và Yêu Thương», để hai bên bờ tả ngạn và hữu ngạn có thể nhìn nhau, gặp nhau và cùng nhau đi theo một dòng chảy của Quê Hương.
Một cách nào đó, tôi không ngần ngại gọi những câu chuyện Huyền Sử là những «Chiếc Bè giúp chúng ta qua sông». Đó là những hình tượng lung linh và tuyệt vợi trong tâm hồn, nhưng không có một bề mặt sáng chói và lòe loẹt. Những hình tượng ấy đang ngày ngày nhắc nhở cho chúng ta: từng mỗi người, chúng ta không là gì cả. Nhưng khi chúng ta họp nhau lại.
«Ánh mắt con là cả một Bầu Trời,   
«Quả tim con là Nguồn Suối không bao giờ cạn vơi».
Nói khác đi, chúng ta là Quan Thế Âm, một vị Bồ Tát «thiên thủ, thiên nhãn»:  
«Con là ai? Hạt bụi giữa đất trời, vũ trụ.
«Nhưng đời con gây động chuyển hằng ngàn tinh tú.
«Con ra đi, mở rộng nhiều con đường... tình bạn,
«Con mang về hạnh phúc tròn đầy và viên mãn».
Riêng tôi, trong lòng Quê Hương, tôi chỉ có tham vọng làm «Thằng Bờm», ngày ngày ngồi trên lưng trâu, ca hát líu lo, như ngọn gió thoảng: 
«Tôi muốn hóa thân thành gió,
«Thổi ào ạt khắp Non Sông,
«Dập tắt những ngọn lửa nồng
«Của chiến tranh, hận thù và thiên kiến...
«Tôi muốn hóa thân thành gió,
«Mang hơi mát cho anh chị em đồng bào,
«Không phân biệt giàu nghèo,
«Không kỳ thị tôn giáo,
«Không chia rẽ Bắc, Trung, Nam...
«Kêu mời sống trung thực và hiên ngang làm,
«Không ỏm tỏi, không eo sèo như loài sáo cưởng.
«Tôi muốn hóa thân thành gió,
«Mang an lạc cho lòng người khổ đau,
«Mang ủi an cho tâm hồn cô quạnh,
«Mang hơi ấm cho những vùng đất rét lạnh,
«Mang đường đi cho những ai đang phân vân rối loạn,
«Trước những ngã ba đường cô đơn và hoạn nạn.
«Gió đến từ Trời Xanh của Bà Âu Cơ,
«Gió thổi về từ lòng Biển Khơi của Lạc Long Quân,
«Gió ru... như giọng hò ca dao của Mẹ,
«Gió nhẹ... như tiếng nói của người tình đang thầm thì và thỏ thẻ...».
Cùng một tác giả
Trong Tủ Sách Tình Người, Lausanne Thụy Sĩ:
  1. Đường vào Nội Tâm với Phân Tâm Học, 1997
  2. Phát huy Nhân Lực, 1998
  3. Đối Thoại: Quê Hương Tình Người, 1999
  4. Lắng Nghe, 1999
  5. Quan hệ Mẹ Con, 2000
  6. Tự Tin, 2000
  7. Khung Trời Mở Rộng, 2000
  8. Nguyễn Trãi và vấn đề giáo dục con cái, 2001
  9. Bản đồ Tâm Lý và Tư Duy sáu màu, 2002
10. Tư Duy và Hành Động, 2002
11. Đồng Cảm để Đồng Hành, 2003
12. Sơn Tinh và Thủy Tinh: Hai con đường một Nước Non, 2003
13. Le projet pédago-éducatif, 1997
Trong Định Hướng Tùng Thư, Strasbourg Pháp:
14. Đối Thoại với các Tôn Giáo, 1998
15. Nguyễn Trãi: Một Tấm Lòng, 2001.
Tất cả mọi tác phẩm trên đây đều được nộp lưu chiếu tại hai thư viện Thụy Sĩ:
- Bibliothèque Nationale Suisse, Hallwyuistrasse 15,  3003 Berne.
- Bibliothèque Cantonale et Universitaire - Lausanne, Place de la Riponne 6, 1000 Lausanne 17.
[1] Hương Vinh - Ai lên Núi Chúa 1,2,3 và 4 trong Nguyệt San Dấn Thân năm 2004, Houston U.S.A.
Lausanne, Tháng 6 năm 2004
Nguyễn Văn Thành 
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...