Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Những bài ca đi cùng năm tháng

Những bài ca đi cùng năm tháng
Năm 2016 Trường THPT Tân Trào, thành phố Tuyên Quang tiến hành đại lễ, kỷ niệm 70 năm ngày Hội trường.
Đất trời đã vào thu, trời thu se lạnh, gợi niềm man mác, khiến tôi nhung nhớ những năm tháng đã đi qua của tuổi ấu thơ, những ngày cắp sách tới trường cùng bè bạn dưới những tán bàng lá đỏ, trên đồi cao lộng gió; những kỷ niệm sâu sắc không thể mờ phai với bạn bè cùng các thầy cô của Trường THPT Tân Trào.
Cũng vào những ngày này, trong tôi lại dấy lên những giai điệu rộn ràng, náo nức và tha thiết của những bản Trường ca, ca ngợi Trường Tân Trào thân thương!
Bao năm đã qua đi, những ca từ, giai điệu về Trường Tân Trào ấy luôn vang lên dưới mái trường, trong từng lớp học; nó còn lan tỏa trong muôn ngàn trái tim của thày trò Tân Trào trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc!
Nhưng cũng bao năm ấy, mấy ai biết: Có bao nhiêu bài ca, bao nhiêu nhạc sỹ đã sáng tác về Trường Tân Trào; và tên cụ thể của từng bài ca ấy là gì, hay chỉ gọi chung tất cả là “Tân Trào ca”, “Bài ca Tân Trào”?...
Là một trò cũ và cũng là một cựu giáo viên của trường, với một tình yêu sâu sắc, tôi đã quyết đi tìm nguồn gốc, xuất xứ hầu hết các khúc ca về Trường Trung học Tân Trào.
Tôi tìm đến nhà của nhạc sĩ La Thăng ở  làng Ngọc Hà (Hà Nội). NS La Thăng năm nay 86 tuổi, nhưng  vẫn khỏe mạnh, tinh tường. Ông là một trong những giáo viên thế hệ đầu tiên của trường. Thầy La Thăng vui vẻ, nhiệt tình mở toàn tập sáng tác của thầy suốt hơn sáu chục năm qua. Tay run run cảm động, thày chỉ cho tôi bài hát viết về trường. Thày nói: Đây, bài hát có tên “Bài ca chính thức của Trường Trung học Tân trào”. Với một cảm xúc khó tả, nghẹn ngào, đồng điệu tâm hồn, tôi cùng thày cất lên bài ca:
“Đoàn học sinh, cùng ngước mắt ta nhìn bóng cờ hồng tươi/Nhắc nhở lòng, cùng đồng tâm ra công sách đèn/…Tân Trào học đường bao nguồn mến yêu tràn trề/Tân trào học đường đúc muôn chí trai”.
“Bài ca chính thức của Trường Trung học Tân Trào”, theo tôi đó là bài “trường ca” đầu tiên. NS La Thăng nói: “Tôi viết với nhiệt tình của tuổi 20 để “ghi ơn bao vị ân nhân kính mến” đã có công dựng nên ngôi trường này”.
Lứa chúng tôi, khóa 1959 - 1962 thời ấy còn luôn truyền miệng nhau hát một bài ca khác của ông Lê Cảnh Đức - Cựu học sinh Tân Trào, nay đã quá cố! Bài hát được ông sáng tác sau những ngày xa trường khoảng 1955 - 1956, mang theo một nỗi niềm xao xuyến, tiếc nuối của một học sinh sớm rời xa mái trường “yêu dấu”:
“Tân Trào trường cũ ơi! Dù rằng bước đường xa xôi/Lòng tôi vẫn nhớ tới trường/Mái trường yêu ơi! Cho tôi gửi lời thân mến/Đàn em bé năm xưa, giờ đây lớn khôn rồi”. (Bài Trường cũ thân yêu)
(Ông Lê Cảnh Đức có 4 bài hát về Trường Tân Trào)
Nhiều năm sau khi ra trường, tôi lại được nghe bài “Tân Trào ca” của nhạc sĩ Thế Cường.
Nhạc sĩ Thế Cường (tên thật là Trần Phú) từ Hà Nội lên giảng dạy môn Văn ở trường vào năm 1963. Khi tiếp xúc với cảnh đẹp nên thơ, với lớp học trò hồn nhiên, trong trẻo của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, tâm hồn nghệ sĩ trào dâng, thôi thúc ông viết bài  “Tân Trào ca”. Bài hát đã được thầy trò các thế hệ sau dựng thành một bản hợp xướng bề thế và hoành tráng, nên mấy chục năm qua vẫn được đăng tải, lưu giữ trên mạng:
“Trường tôi bên đồi mới, đẹp tựa bông hoa nở/Lời ca cất lên bay bổng, mang nhiệt huyết tràn đầy của tuổi thanh xuân/Dưới mái trường này,đây bao sức sống.../Lớp lớp hoa đời đang tô điểm sông núi/Trên khắp các miền Tổ quốc đang kêu gọi ta lên đường”
Rồi màn hợp xướng vút bay lên, ca ngợi vẻ đẹp rạng rỡ, lung linh của ngôi trường như một vườn hoa xuân:
“A! Trường ta là vườn hoa, vườn hoa xuân dạt dào.../Đời học sinh mang bao sức sống/Rộn mơ ước trong muôn trái tim/Sức mạnh sẽ lấp sông đào biển/Xây dựng nên đất nước huy hoàng…”
Và Tân Trào trở thành “mẹ hiền mến yêu” luôn khắc trong tim bao thế hệ thầy trò với một lòng biết ơn sâu sắc:
“Mẹ hiền ơi con luôn nhớ ghi/Bao tháng năm còn nhớ mãi Tân Trào thân yêu…”
(Nhạc sĩ Thế Cường còn có một bài nữa viết cho đơn ca nữ về Tân Trào - theo cô giáo Hoàn).
Hai mươi năm, sau cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, lại rộ lên một loạt bài ca mới về Trường THPT Tân Trào:
- Có một lớp 10B như thế của Nguyễn Bình (lời: Thầy giáo Hà Thạch Cáp).
- Tân Trào ca: Nguyễn Bình.
- Mái trường quê hương của Thanh Phúc (khoảng năm 1996).
- Tân Trào mái trường xưa của Phan Hồ (khoảng năm 1996).
- Và gần đây nhất, năm 2015 là bài: Tự hào thay, Trường Tân Trào của chúng ta của Trương Quang Lục.
Hầu hết những người sáng tác đều là học sinh cũ của trường (trừ Trương Quang Lục). Có người là NS chuyên nghiệp, có người là nghiệp dư. Song ca từ của tất cả các bài ca về Trường Tân Trào ấy đều đẹp mượt mà, thấm đậm tình người; vẽ lại những ngày gian khổ của buổi đầu kháng chiến; gợi nhớ tình yêu quê hương Tuyên Quang, tình yêu mái trường xưa, tình thày trò, tình bạn và cả tình yêu lứa đôi của tuổi học trò:
“Về Tuyên Quang ta nhớ mái trường xưa. Về Tuyên Quang, ta nhớ tình bạn quê hương… Nay lại trở về, tìm lại dấu xưa. Ở đó có bao kỷ niệm, củ sắn chia đôi... Chung nhau ngọn đèn” (Thanh Phúc).
“Hôm nay về tìm bạn, tóc bạn đã pha sương!... Bên dòng sông Lô xanh, nơi tuổi thơ hò hẹn, mắt nhìn nhau không nói, tan học chẳng muốn về. Có một thời để nhớ và một thời để thương!” (Phan Hồ).
“Nhớ năm xưa,... Dựng nên trường mái tranh vách nứa, từng trang sách có ánh lửa chàm sáng soi. Tự hào biết bao được học dưới ngôi trường, đem cho ta ước vọng, xây tương lai thắm hồng. Thầy cô mến thương đã dìu dắt ta luyện rèn, đạo đức và tri thức, niềm tin yêu vững bền”. (Trương Quang Lục).
Đó là về ca từ.
Về giai điệu, trừ “Bài ca chính thức của Trường TH Tân Trào” (La Thăng) có giọng điệu trang ngiêm, thành kính, còn tất cả các bài khác của 9 nhạc sĩ (với tổng số 15 bài Trường ca) mà tôi biết, đều da diết, thiết tha, nhẹ nhàng, êm ái, sâu lắng; gợi nhớ, gợi thương mái ấm trường xưa! (Lê Cảnh Đức, Phan Hồ, Thanh Phúc, Thế Cường, Nguyễn Bình) hoặc rộn ràng, dồn dập, thúc giục, hùng tráng, mang âm hưởng hành khúc trái tim (Trương Quang Lục, Thế Cường, La Thăng). Các bài ca Tân Trào đều toát lên vẻ lạc quan, yêu đời, trẻ trung và hết sức lãng mạn.
Tôi xin được nói thêm về bài Tân Trào ca của Nguyễn Bình:
Nguyễn Bình - Cựu học sinh khóa 1960 - 1963 - sáng tác hai bài: Bài “Có một lớp 10B như thế” và bài “Tân Trào ca”, nhưng bài “Tân trào ca” (1985) thì được phổ biến nhiều hơn. Bài hát này của ông có một sức lan tỏa khá mạnh mẽ, qua nhiều thế hệ kể từ khi nó ra đời. Vì sao vậy?
Theo tôi, trước hết là vì nó ngắn gọn, giai điệu vòng tròn, láy lại nhiều âm hưởng, điệp khúc.
Hai nữa là vì ca từ, hình ảnh gần gũi, dung dị:
“Dù thời gian trôi đi vẫn nhớ về tổ ấm. Nơi đây, đàn chim lớn khôn, bay cao và bay xa. Nơi đây ngàn hoa thắm tươi, hương thơm tỏa lan xa. Tân trào, vườn ươm ước mơ (mỗi đoạn 3 lần)”.
bài “Tân Trào ca” phổ biến và dễ hát đến mức khi một người cất lên thì tất cả có thể đồng loạt hát theo rồi vỗ tay, đánh nhịp. Thực sự nó đã trở thành một bài ca dân dã, một bài đồng dao của các đồng môn trường THPT Tân Trào Tuyên Quang.
Đến tận bây giờ, sau 70 năm chia xa mái trường, khi gặp lại nhau, hát lên những bài ca, ca ngợi trường, chúng tôi vẫn không thể kìm nén nổi những cảm xúc đau đáu, bồi hồi, khiến cho dòng lệ cứ trào rơi!
Hơn chục bài ca về Trường Tân Trào trên, qua một chặng đường dài 70 năm, vẫn luôn được truyền tụng, hát vang, trở thành những bài ca bất hủ, những bài ca đi cùng năm tháng của mái Trường THPT Tân Trào Tuyên Quang thân yêu!.
10/2016
Đỗ Quý Nhân
Theo http://vanhocnghethuat.tuyenquang.gov.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...