Nỗi nhớ da diết của những người con xa quê trong những thời
khắc thiêng liêng đáng nhớ nhất của mỗi cuộc đời, của mỗi con người…:
Từng đợt gió mùa Đông Bắc cùng những hạt mưa phùn lất phất
càng làm cho cái rét thêm sâu, thêm đậm.
Mới hơn 9 giờ tối mà đường phố đã vắng hoe. Không biết giờ
này bà con ở quê có còn thức hay đã ngon giấc sau một ngày bươn bả cuốc cày,
xáo xới, vun gốc, tỉa cành những gì còn sót lại sau bao trận cuồng phong.
Theo dòng suy tưởng miên man, bao kỷ niệm tuổi thơ những
ngày giáp tết lại hiện về trong tôi …
Cũng những ngày như ngày hôm nay của những năm sáu mươi
thế kỷ trước. Cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ chưa xẩy ra. Những cánh đồng
chiêm lúa đã xanh cây, bén rễ. Những cánh đồng màu trồng khoai, đất đã cày lật
thành vồng, chỉ chờ rắc rều, lên luống, đặt dây. Những ngày ấy, trên các
nẻo đường quê tôi đã rậm rịch bước chân của từng đoàn người lũ lượt vào rừng cắt
cỏ, hái củi, chặt rào… sắm sửa chuẩn bị đón mừng tết đến, xuân về. Những việc
làm đó đã trở thành nếp quen, một phong tục đẹp.
Cơm nước xong, băng qua những cánh đồng trước mặt làng. Lên hết
dốc Chập Cờ, Đá Bạc, qua Lều Cù, đến ngã ba đi Giếng Mây, Ba Trại ai ai cũng phải
dừng chân nghỉ lại. Chẳng phải vì đã thấm mệt hay mỏi gối, chồn chân. Dừng chân
nghỉ lại vừa là để đợi chờ nhau, vừa như là một cuộc hội quân, chuẩn bị kỹ càng
trước khi tiến vào rừng sâu với bao công việc.
- Ai bứt cỏ, cắt léc chuẩn bị thức ăn cho trâu, bò những ngày
tết thì vào đường Ba Trại, đến đồi Thủ Lộc. Đồi Thủ Lộc vừa lắm cỏ lại nhiều
dâu. Cỏ đã cắt đầy gánh, dưới gốc những cây dâu quả chín mọng, thơm lừng chưa kịp
nếm đã thấy ngon.
- Ai chặt cây ran làm hàng rào, chặt cây gỗ thật dài để làm cột
cờ thì xuôi Hòn Am vào rừng Phù Kinh, Phù Hữu.
- Ai chặt củi nấu bánh chưng, hay ra làng Rào, Kẻ Lái bán đổi…
thì đi hướng Hòn Chùa…
Những điều thuốc lá cuốn sâu kèn to như ngón tay rít lên vội
vã những hơi cuối cùng. Những miếng trầu chưa kịp nhuyễn cũng vội nhả bã. Rựa,
rìu, dao, búa ai nấy đều được sắm soi, chêm chặt lại. Tất cả sẵn sàng để tiến
vào rừng sâu. Những bàn chân trần bước vội. Đạp lên cả gai góc, mỏm đá sắc nhọn.
Ai nấy hăm hở, hì hục, khẩn trương để rồi ba bốn giờ chiều lại vọng lên những
tiếng hú, tiếng gọi nhau tất tả trở về. Cũng lắm khi có người trời đã nhá nhem
mà chưa ra khỏi cửa rừng. Đó đây le lói ngọn đèn dầu vàng vọt, tiếng gọi, tiếng
hỏi nhau í ới của những người đi ngừa ai đó vì sức yếu, đường xa mà tụt lại.
Vất vả gian nan mà nồng ấm tình quê, đậm đà hương vị tết.
Hôm nay đã là những ngày giáp tết. Không biết những ngày này
quê tôi có ai còn vào rừng cắt cỏ, bươn bả vượt năm bẩy cây số trèo đèo, leo dốc
để chặt những cây gỗ thật đẹp, thật dài về làm cột cờ, đèn kéo quân treo trong
những ngày tết? Những con đường một thời quen thuộc nay còn được nghe những bước
chân rậm rịch, hối hả mỗi bận đi về đến chai sần, mòn vẹt cả gót chân?
Hơn năm chục năm rồi, sao đêm nay hình ảnh những con đường,
những khuôn mặt thân quen, những cái tên mộc mạc của quê hương lại hiện về,
vang vọng trong tôi rõ ràng, sâu đậm thế?
Mà cũng thật lạ lùng. Không biết tự bao giờ, ai đã đặt tên
cho cả vùng đất quê tôi đúng như ông Nguyễn Tú, tác giả tập sách Văn hóa dân
gian Quảng Bình đã viết: “Từ hệ Hoành Sơn trở vào phía nam sông Gianh, ta bắt gặp
cả một vùng đồi núi gọi là núi Đệ Lệ mà các đỉnh, các đèo, các khe, các suối,
các sông, ruộng đồng, nương rẫy… đó không mang những cái tên chữ nghĩa văn thơ.
Chỉ có những cái tên mang ý nghĩa tượng trưng cho quần thể gia tộc, gây nên
tình cảm cho bao con cháu” (trang 87,88).
Không biết ý kiến trên của ông Nguyễn Tú chính xác đến đâu.
Nhưng quả thật những cái tên của làng tôi: Cao Lao, Lệ Đệ, Thầy Bói, Động Léc,
Động Dôn, Cồn Hác, Cồn Soi, Cồn Mụ Đội, rẫy Ông Ly… Những cái tên thật nôm na,
mộc mạc chẳng thơ văn chút nào mà sao mỗi khi tết đến, xuân về lại cồn cào nỗi
nhớ. Nỗi nhớ da diết của những người con xa quê trong những thời khắc thiêng
liêng đáng nhớ nhất của mỗi cuộc đời, của mỗi con người…:
Những ngày tết đến.
Những độ xuân về.
Ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Ngọ 2014
Lưu Văn Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét