Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Văn Cao, người đi theo mưa gió xa muôn trùng

Văn Cao, người đi theo mưa gió xa muôn trùng
Tôi yêu nhạc Văn Cao, từ Bến Xuân đến Buồn Tàn Thu, từ Suối Mơ cho tới Thiên Thai v.v… Tôi nhớ lúc vừa lên Trung học, vốn dốt Toán nên tôi và hai đứa bạn chung lớp được bố mẹ cho học thêm Toán Lý Hóa ở nhà thầy giáo Thanh. Gặp ông thầy văn nghệ, nên sau giờ học của ba đứa, ông lại mang cây đàn mandoline ra khảy và dạy chơi cho chúng tôi vài nốt nhạc. Ông chỉ cho chúng tôi đàn nhạc khúc Thiên Thai, lúc ấy nào tôi có biết tác giả đã soạn ra ca khúc này là ai, chỉ biết giai điệu và lời nhạc hay mà thôi, nên mỗi lần về nhà, thường hay nghêu ngao hát đi hát lại mỗi khi có… một mình (bởi biết mình thuộc loại hay hát chứ không phải hát hay). Và nhất là được ôm cây đàn gẩy tưng tưng vài nốt đồ rê mi fa sol la là thích chí lắm, tiếc rằng hết năm học đó, thầy Thanh chuyển đi trường khác, không còn mở lớp dạy Toán nữa nên chúng tôi đành chia tay với ngón đàn vui. Mới đầu còn buồn vì luyến tiếc rồi dần dần tôi quên mất những nốt nhạc và cũng chẳng còn nhớ tới cây đàn. Nhưng tôi vẫn thuộc lời bài Thiên Thai và cũng đã biết được tên tác giả là nhạc sĩ Văn Cao, bởi có lẽ ca khúc này đã gây âm vang trong tâm hồn tôi cảnh đẹp của con đường dẫn tới đào nguyên (tôi cũng đã từng ước ao phải chi có một ngày nào mình cũng được lạc bước tới Đào Nguyên để tha hồ được ngắm cảnh đẹp như thơ vẽ ấy). Hẳn đó là dòng sông - suối nhỏ ven theo rừng đào đang độ đơm hoa. Đó là hình ảnh một mái chèo trên sông, có chàng Lưu Nguyễn đang mê mải lướt theo từng cánh hoa đào rơi trên dòng nước trong xanh, êm êm màu trời rất gợn sóng hoa bay. Mái chèo càng lúc càng khua nhanh để đuổi theo tiếng hát, tiếng hát từ nẻo nào đưa vọng mà theo gió tiếng đàn nghe xao xuyến quá. Tiếng tơ trầm như rãi xuống những lời êm ái, ngọt ngào, tha thiết dường bao. Ôi tôi yêu làm sao, những nốt nhạc cao thả xuống như hoa đào rung nhẹ cánh rơi:
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Còn tuyệt ngữ nào sánh bằng chữ “Vang lừng trên sóng” để diễn tả buổi chiều đẹp, tiếng hát hay, giòng sông êm êm trôi chảy mà không nén được gợn sóng rộn ràng bên nỗi lòng của người khách say cảnh đẹp, say tiếng hát đến ngất ngây!
Để rồi ngay giây phút ấy, người nhạc sĩ đã xuất thần tạo nên khúc nhạc Thiên Thai từ huyền thoại Lưu Nguyễn ngày xưa:
Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
theo gió tiếng đàn xao xuyến
phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền
mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền

Đang say mê lướt theo cánh đào rơi, bỗng người nhạc sĩ chợt làm lòng tôi chùng xuống khi một thoáng cùng người trên chiếc thuyền con ngoảnh mặt nhìn về chốn cũ xa xăm sau lớp sương chiều:
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
quê hương dần xa lấp núi ngàn
bâng khuâng chèo khua nước ngọc tuyền

Tôi thích hình ảnh “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan” và ước mong có một lần nào được dạo thuyền bên cánh rừng giăng trải thật nhiều rặng hoa xinh. Tôi cũng thích lối dùng chữ “chiếc thuyền lan” của nhạc sĩ Văn Cao, nét chấm phá thật thơ mộng làm sao, như chuyên chở điều lãng mạn, thơm tho từ hình ảnh mong manh của một chiếc thuyền con giữa giòng suối (hay giòng đời) mênh mang. Tôi sinh ra ở một nơi nhiêu kinh rạch sông suối (Long Tuyền – Bình Thủy) nên rất cảm xúc trước những câu gợi cảnh gợi tình mà người nhạc sĩ đã đặt nỗi lòng vào tâm trạng người xưa: “bâng khuâng chèo khua nước ngọc tuyền”. Và sau nầy khi phải xa rời quê Mẹ, mỗi khi nghĩ về quê hương hay Sàigòn, tôi thấy lòng chao động dạt dào bao luyến tiếc tựa như “bầu sương khói” phủ quanh hồn mình, khi nghẹn ngào nhớ thương mà chỉ thấy “quê hương dần xa lấp núi ngàn.”
Có một điều tôi không đồng tâm trạng: "‘nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta”. Dẫu buồn, dẫu không ngăn được lòng đau xót xa nhưng tôi vẫn cứ muốn nhớ tới hoài, nghĩ tới mãi, nhắc nhở luôn luôn về những kỷ niệm thân thương, hình ảnh đẹp của quê hương ngày cũ, là Sàigòn là Việt Nam dấu yêu!
Khi tìm hiểu về dòng nhạc Văn Cao mà có rất nhiều ca khúc tôi yêu mến, tôi càng ngưỡng mộ ông hơn ở bản chất chân phương đôn hậu. Và càng thương cảm cũng như buồn tiếc cho giòng nhạc trữ tình đáng lý ra sẽ có nhiều hơn nữa từ trái tim nồng nhiệt với cuộc sống và tài nghệ đa năng của người nhạc sĩ tài hoa này. Văn Cao, người nhạc sĩ lớn với bề dầy cùng chiều sâu của nhiều tác phẩm đã phải sống nhiều năm cơ cực ở miền Bắc. Những ca khúc nổi tiếng của ông, đã làm rung động hằng triệu trái tim của bao lớp người yêu mến nhạc Văn Cao ở miền Nam. Những ca khúc được truyền đi như giòng nước chảy xiết khắp mạch đất miền Nam, được hát vang khắp trời Tự Do như: Thiên Thai, Bến Xuân, Trương Chi, Suối Mơ v.v…thì lại bị nhà cầm quyền Hà Nội cấm không cho hát hoặc lưu hành các tuyệt phẩm đó dù ông là tác giả bài Tiến Quân Ca mà Hà nội đã chọn làm quốc ca.
Văn Cao là tác giả của nhiều ca khúc trữ tình và hùng tráng như nhạc phẩm Buồn Tàn Thu (1939) khi ông mới mười bẩy tuổi. Hai năm sau ông sáng tác thêm nhạc khúc Thiên Thai (1941) rồi Đàn Chim Việt, Bến Xuân, Suối Mơ, Thăng Long Hành Khúc, Trương Chi, Tiếng Đàn Xưa. Không những thế, những bài ca hùng tráng hát cho Hải, Lục, Không Quân của quân đội Việt Nam Cộng Hòa chính do ông soạn thành ca khúc mà chúng ta đã nghe và yêu mến trong hơn nửa thế kỷ qua. Đặc biệt Trường ca Sông Lô mà nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác năm 1947 bên dòng sông chảy quanh đồi núi Việt Trì thuộc tỉnh Phú Thọ, miền Trung Du Bắc Việt, nơi mảnh đất uy linh có đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ghi ơn công đức của mười tám vị vua Hùng thời lập quốc. Trường ca Sông Lô đã đi vào lịch sử, đánh dấu những ngày hào hùng đất nước bừng lên ánh sáng soi niềm tin bất khuất, của đoàn thanh niên thiếu nữ cứu quốc đi theo lửa dậy kháng chiến chống sự đàn áp bất công của thực dân Pháp đã đô hộ dân ta gần trăm năm.
Có thể vì cuộc sống chịu nhiều thua thiệt chán chường ấy, ông không còn niềm vui sức sáng tác nữa. Mãi cho đến khoảng mười năm cuối đời, trải qua bao cay đắng, khổ nghèo, mới được chính quyền Hà Nội quan tâm ưu ái, cho phép hát lại các ca khúc đã bị ngăn cấm trước đây. Họ đã tổ chức cho ông những đêm nhạc Văn Cao ở Hà Nội và ngay tại Sàigòn, nhóm văn nhạc sĩ trong miền Nam cũng đôi lần tổ chức những buổi hội ngộ giữa nhạc sĩ cùng những người đã từng yêu mến nhạc Văn Cao, những buổi nhạc chào đón ông thật ấm áp và tràn đầy tình tri ngộ thân thương quý mến.
Như tôi đã được đọc một bài viết ngắn của nhà thơ Đỗ Trung Quân khi thuật lại tâm tư cảm xúc của nhạc sĩ Văn Cao khi ông ghé thăm Sàigòn khoảng đầu thập niên chín mươi:
“Buổi tiệc nhỏ tiễn ông về lại Hà Nội sớm mai. Một chút rượu và hoa thân mật, ấm cúng tại Hội Âm Nhạc thành phố. Người nhạc sĩ gầy yếu đỏ hoe đôi mắt. Có những khi nước mắt không thể chẩy ra ngoài được… Ông từng viết câu thơ như thế. Nhưng sáng nay, đôi mắt già rớm lệ. Ông run rẩy nói: “Đời tôi chỉ toàn lận đận… Ngoài vợ tôi và Hà Nội, chưa đâu tôi có nhiều kỷ niệm bằng ở đây, miền Nam, thành phố này… Nếu còn sức khỏe, tôi sẽ vào thăm… Những ngườI trẻ của Sàigòn đáng mến lắm, tôi chào họ…”.
Riêng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – người rất ngưỡng mộ Văn Cao về tài hoa nghệ thuật – đã tha thiết nói về những nỗi buồn đau thầm kín mà rất thâm sâu của Văn Cao:
“Cho đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi cái không khí ảm đạm, cô đơn của những mùa đông ở Hà Nội, với hình ảnh một Văn Cao ngồi một mình với cốc rượu trước mặt ngày này qua ngày khác. Anh ngồi đó mà như một sự vắng mặt trước cuộc sống. Ngồi hơn hai mươi năm như một cái bóng. Ly rượu cũng biến thành cái bóng. Cái bóng của hai người. Thân thiết, chia sẻ cùng nhau những nỗi đời riêng, hiu quạnh, không còn ai khác có thể chia sẻ dùm. Những ngày này, ở đây, giữa Sàigòn xưa và nay, tôi thấy ở anh thoáng hiện những nụ cười yêu đời hóm hỉnh. dấu hiệu của một sự yêu đời đã trở lại. Vì đời yêu anh nên anh phải yêu đời. Yêu đời là lẽ sống của những người không bệnh hoạn. Anh Văn Cao đã nói với những người yêu nhạc ở thành phố Sài gòn về tình yêu, về những kỷ niệm xa xưa đã làm nên những bài hát trữ tình của anh. Ai cũng thấy rõ anh đã có một thời yêu đương, một thời mơ mộng…”
Thật đáng buồn và đáng tiếc thay, thời yêu đương, mơ mộng đã làm nên những ca khúc bất hủ của Văn Cao ngắn ngủi quá. Sau ngày chia đôi đất nước, ông ở lại Hà Nội là nơi gắn bó của ông suốt thời tuổi trẻ cam go, chiến đấu và yêu đương. Ông còn ở đấy cùng gia đình đầm ấm, tuy vẫn túng thiếu khổ nghèo, nhưng chắc chắn không bằng thời gian kháng chiến gian lao, thế mà ông đã mất rất nhiều, mất ánh nắng lấp lánh của tình yêu trong cuộc sống, mất những cảm nhận nồng nàn về con người và đất nước. Mà niềm đau và nỗi mất mát lớn lao nhất, không phải riêng ông là là nỗi mất mát cho âm nhạc Việt Nam cùng những người yêu mến nhạc Văn Cao, là ngọn lửa nghệ thuật cháy bùng lên, sáng rực của trái tim tài hoa đã dần tàn lụi trong âm ỉ, đau thương. Bởi nếu (như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết) trong hai mươi năm trước và gần ba mươi năm sau ngày “thống nhất” ông tiếp tục hưởng nhận được sự yêu thương thì ông đã vẫn yêu đời và đã vẫn hăng say sáng tác biết bao ca khúc tuyệt vời từ trái tim nồng ấm thiết tha của ông. Nhưng dẫu sao những ca khúc của ông đã viết vẫn còn sống mãi mãi trong trái tim mọi người. Thời gian không bôi xóa và che dấu được tài năng nghệ thuật của người nhạc sĩ đã sống một đời cho âm nhạc, như Văn Cao.
Cuộc đời ông đã qua có phải chăng là tiếng lòng từ thơ ông đã bùi ngùi thổ lộ:
Con thuyền đi qua
để lại sóng
đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
đoàn người đi qua
để lại bóng
tôi không đi qua tôi
để lại gì?

(Bài thơ Không Đề - 1967)
Nhạc sĩ Văn Cao sinh năm 1923 tại Hải Phòng và mất ngày 10 tháng bảy năm 1995 tại Hà Nội, thọ bảy mươi hai tuổi. Hình ảnh ông mà tôi đã gặp trong một bức tranh lụa đen trắng ở Sàigòn, đó là nhân dáng một nghệ sĩ với cốt cách phiêu bồng, dáng dấp gầy gò thanh mảnh, mái tóc dài bạc trắng như râu, màu trắng bạc như mây như cước, ánh mắt còn lấp lánh nụ cười với nhân gian, như nụ cười ông thể hiện một tấm lòng son sắt thủy chung, thắm thiết với tình yêu cuộc sống, con người và âm nhạc Việt Nam.
Ngọc Thủy 
Theo https://nslide.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...