Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Sông Gianh và lịch sử

Sông Gianh và lịch sử
Việt Nam là một nước có địa thế rất đặc biệt, có thể nói đặc biệt nhất thế giới. Một dãi đất hình chữ S thon thả chạy dài từ Bắc xuống Nam, ôm nguyên bờ biển dài từ Móng Cái đến Cà Mau. Dãy Trường Sơn là bức trường thành che chắn bao bọc từ biên giới miền Đông Bắc lên Tây Bắc rồi xuôi Nam đến tận Tây Ninh - Châu Đốc. Giữa biển và núi là đồng bằng cò bay thẳng cánh, là rừng già nhiều gỗ quí, là quặng mỏ vàng kẽm sắt... Huyết mạch nối liền sơn thủy là những dòng sông. Những dòng sông phân bổ đều từ Bắc chí Nam: Sông Hồng - sông Bạch Đằng - sông Đáy - sông Lam - sông Mã - sông Cả - sông Gianh - sông Bến Hải - sông Thạch Hãn - sông Mỹ Chánh - sông Bồ - sông Hương, v.v.(1) cuối cùng là Cửu Long giang, mỗi năm cung cấp phù sa làm giàu vùng đồng bằng Nam Bộ.
Đúng như lời người xưa "Rừng vàng biển bạc." Có lẽ thừa hưởng một gia tài phong phú đồ sộ như thế nên lịch sử VN qua mấy nghìn năm vẫn chìm đắm trong chiến tranh tranh chấp quyền lực. Không chỉ chống ngoại xâm, còn triệt nhau vì dòng tộc, vì thể chế, vì phe đảng...
Khi có chiến tranh, mỗi bên phải tìm cách lập phòng tuyến theo sông án ngữ, hoặc đắp thành phòng vệ khi bị tấn công. Quảng Bình có hai di tích đậm nét được ghi vào sử sách: sông Gianh và Lũy Thầy.
Lũy Thầy ai đắp mà cao
Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu.

Sông Gianh qua huyện Tuyên Hóa (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Hai câu ca dao được dân Quảng Bình truyền tụng xưa nay là để nhắc nhở ý nghĩa nói trên. Trong bài này chúng ta cùng tìm hiểu sứ mạng sông Gianh qua các thời kỳ từ hơn hai thế kỷ trước.
Nói về những con sông gắn liền với vận nước thăng trầm - vinh cũng như nhục - xưa nay có nhiều: Nhị Hà chôn quân Nam Hán, Bạch Đằng Giang chôn quân Minh, sông Cầu chôn quân Tống. Sông Bến Hải do ngoại bang định lằn ranh chia đôi đất nước, riêng sông Gianh do tranh chấp giữa Trịnh Nguyễn mà thành ranh giới Đàng Trong - Đàng Ngoài ngót 200 năm.(2)
Sông Gianh là con sông lớn nhất, trong 5 con sông của tỉnh Quảng Bình,(3) bắt nguồn từ ven núi Cô Pi cao 2,017m thuộc dãy Trường Sơn, qua các huyện Minh Hóa, Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch rồi đổ ra biển ở cửa Gianh.

Sông Gianh trên thượng nguồn (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Phía dưới thị trấn Ba Đồn khoảng 3 km, sông Gianh tiếp nhận thêm dòng sông Son chảy ra từ khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng.
Sông Gianh dài khoảng 160 km, cắt qua Quốc Lộ 1 ở Tây Bắc Cửa Gianh 5 km. Đoạn sông ở hạ lưu, từ Cửa Gianh đến Ba Đồn 6 km, đến thị trấn Đồng Lê huyện Tuyên Hóa là 47km.
Trong lịch sử, sông Gianh được gọi là Linh Giang. Nếu Đèo Ngang là ranh giới thời Đại Việt và Chiêm Thành sau khi người Việt giành được độc lập (939 Ngô Quyền) thì sông Gianh là ranh giới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1570-1786). Trong cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn, quân Trịnh án ngữ ở đèo Ngang, nhưng thực sự ranh giới Bắc Nam là sông Gianh, bên bờ Bắc có chợ Ba Đồn, nơi quân Trịnh mua thực phẩm và trao đổi hàng hóa. Bờ Nam có một số thành lũy do Đào Duy Từ tổ chức xây đắp, luỹ Thầy dài 18 km, luỹ Trường Dục dài 10 km.(4)

Sông Gianh qua Minh Hóa (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Gần mười tám thế kỷ đã đi qua, trên mảnh đất Nam Bắc ở cuối dòng sông Đại Linh Giang này, những người dân ở đây nối tiếp nhau, đi qua nhiều thế hệ đã chứng kiến biết bao nhiêu cuộc chiến đẫm máu và đau thương. Trước đó từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI mảnh đất Quảng Bình là vùng tranh chấp giữa hai vương quốc Chăm Pa và Đại Việt, vùng Nam Bắc Sông Gianh liên miên sống trong khói lửa binh đao... Năm 1285 quân Toa Đô (Nguyên Mông) từ Chiêm Thành đánh vào phủ Bố Chính; nhân dân Bố Chính đã thực hiện chủ trương vườn không nhà trống chống quân Nguyên Mông (thế kỷ thứ XIII). Thời Hậu Trần và thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống quân Minh nhân dân phủ Tân Bình (Quảng Bình nói chung) và nhân dân hai bên bờ Nam Bắc sông Gianh nói riêng, đã cùng nghĩa quân do Trần Quý Kháng chỉ huy (Thế kỷ XV) anh dũng chống giặc Minh. Tháng Tám năm 1425 sau khi vây thành Nghệ An, Lê Lợi phái tướng quân Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ đem một nghìn quân, một thớt voi chiến vượt sông Gianh vào đánh quân Minh lấy lại Tân Bình - Thuận Hoá, nhân dân hai bờ Nam Bắc sông Linh Giang hân hoan trở lại đời sống hòa bình.
Khi Pháp qua đô hộ Việt Nam, tại đoạn Quốc Lộ 1 đi qua Quảng Bình, chúng cho xây bến phà Gianh (năm 1886). Bến phà Gianh nằm ở hạ Lưu sông Gianh, cách cửa biển về phía tây 2 km. Đây cũng là phương tiện để người và xe cộ qua lại ra Bắc vào Nam.


Sông Son đổ vào sông Gianh (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Ngày nay dài theo sông là những xóm làng thuần nông, làng nghề. Làng nghề nằm ở hạ lưu sông Gianh (nón lá, bánh đa, bánh đúc Tân An đậm đà hương vị). Khúc sông Gianh chạy qua xã Phù Hóa dài chừng 4 cây số là vùng giao thoa giữa nước lợ và nước ngọt. Làng Phù Hóa nghèo nhưng dân ham học. Xuôi tiếp về hạ lưu sông Gianh, đến đoạn qua hai xã Quảng Hải và Quảng Thanh, nước sông đã bắt đầu có độ mặn.
Nơi miền sơn cước có một ngôi làng Lệ Sơn lưng tựa vào 99 ngọn núi, mặt hướng ra dòng sông Gianh cuồn cuộn sóng vỗ, từ hàng trăm năm trước đây là làng đứng đầu trong bát danh hương Quảng Bình về tinh thần hiếu học và cần cù của người dân nơi đây. Tương truyền từng có 100 con chim phượng hoàng rủ nhau bay đậu ở núi làng Lệ Sơn nên địa danh này là vùng đất linh, cảnh sắc non bồng thủy tú như tranh thủy mạc. Đôi bờ sông Gianh với cảnh sắc tuyệt mỹ của núi non sông nước, được lưu truyền từ bao đời nay. Người dân cho biết nơi đây nổi tiếng với món chắt chắt (loài hến nhỏ) xào lá lốt hay mít non, rau muống thái nhỏ ăn với bánh tráng. Khúc sông Gianh ngang qua ba xã Văn Hóa, Cảnh Hóa và Phù Hóa có loài Bống Cát nước ngọt. Đem cá xóc muối rồi rim khô ăn với cháo trắng hoặc cơm nóng. Tóm tắt cho đến nay dân chúng vùng sông Gianh vẫn sống đời đạm bạc thô sơ, chưa có dấu hiệu gì vươn lên như nhiều địa phương khác.

Cầu Gianh (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Nhiều năm sau 75 một cây cầu xây theo mô thức tiên tiến bắc qua sông Gianh giúp sự giao thông dễ dàng nhanh chóng hơn. Từ khi có cầu, phà Gianh chẳng còn ai nhớ, đường xuống phà cũng như cảnh trí chung quanh bị phai nhạt dần. Dẫu thế nào, vai trò lịch sử của sông Gianh vẫn mãi mãi được ghi trong sách sử cũng như trong tâm thức mọi người.
(1) Tạm kể như vậy chứ không sao đếm hết sông ngòi qua từng tỉnh- 213 sông.
(2) Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh có lúc người dân hoang mang không biết theo ai nên có câu:
“Sông Gianh nước chảy một dòng,
Đèn chong hai ngọn biết trông ngọn nào ... "

(3) Năm sông lớn là sông Gianh, sông Ròon, sông Nhật Lệ (hợp lưu của sông Kiến Giang và Long Đại), sông Lý Hòa và sông Dinh với tổng lưu lượng 4 tỷ m³/năm. Các sông này do nhiều lưu vực hợp thành và đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đổ ra biển.
(4) Sẽ nói rõ trong bài Lũy Thầy.

Trần Công Nhung
Theo http://nguoithamquan.blogspot.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...