Tưởng nhớ Duyệt
Từ một mùa khai giảng rất xa, trong sân trường Nữ Tiểu
Học Đà Nẵng, có một nữ sinh hồn nhiên năng động, chạy tung tăng khắp nơi, khiến
mọi người chú ý. Đó là cô bé lai Pháp rất đẹp, miệng cười có hai răng cửa hơi bị
thưa, da trắng, mũi cao, ánh mắt thân thiện. Trường có ba lớp nhất, cô bé học
nhất A, tôi nhất B, chưa hề quen nhau.
Năm sau, hai đứa thi đậu vào đệ thất trường Trung học Phan
Châu Trinh Đà Nẵng, tình cờ được xếp ngồi cùng bàn, mới biết tên bạn ấy hoàn
toàn Việt Nam: Phạm Thị Duyệt. Lớp toàn nữ, phần đông là người Quảng Nam. Tôi
không thích tiếng Quảng vì tên tôi thường bị gọi là “Ứa”. Duyệt - cô bạn Huế hiếm
hoi, hiền lành, tốt bụng, xử dụng những ngôn từ “rặc” Huế chỉ mình tôi hiểu, điều
này khiến chúng tôi xích lại gần nhau hơn.
Ái, Lan và Duyệt
Lên đệ lục, phân ban Anh - Pháp, nam nữ học chung, chúng tôi vẫn
được ngồi cùng, nên tình thân ngày càng sâu đậm. Nhà tôi rất gần trường. Chúng
tôi học buổi sáng, nếu chiều có giờ, tôi thường rủ Duyệt về nhà ăn cơm, nghỉ
trưa để cùng đi học tiếp. Duyệt hay kể chuyện về Huế cho tôi nghe, về những kỷ
niệm thuở ấu thơ, những bà con dòng họ hoàng phái, những người đẹp một thời…
Tôi vẫn thường ra Huế thăm ông bà ngoại, các cô dì… nhưng tôi cảm nhận tình yêu
Duyệt dành cho Huế nhiều hơn tôi. Không nhớ vào dịp nào, Duyệt đã mua cho tôi bản
nhạc Thương Về Xứ Huế với lời đề tặng rất dễ thương.
Lớp Tứ 2 (nk 60-61): Duyệt thắt bím, thứ 3 từ trái sang
Duyệt là thành viên trong nhóm bạn thân của tôi, những ngày rảnh
rỗi, thường rủ nhau đi dạo bờ sông, lên Ngã Năm ăn chè hay đạp xe ra biển Thanh
Bình hóng gió. Cùng học, cùng chơi. Tuổi trăng rằm tươi đẹp biết bao. Chúng tôi
không có nhiều kỷ niệm vì Duyệt nghỉ học rất sớm. Duyệt không đến trường nhưng
lại tham dự lớp Anh Văn của Hội Việt Mỹ đặt trung tâm tại trường tôi. Chiều chiều,
Duyệt thường đi ngang nhà tôi, tươi cười vẫy gọi. Bẵng đi một dạo, không thấy
Duyệt nữa, rồi sau đó, tôi nhận được thư Duyệt, báo tin gia đình đã chuyển vô
Sài Gòn. Tôi định trả lời thư nhưng rồi quên mất vì bận rộn học hành, thức
khuya dậy sớm trước những kỳ thi đang chờ đợi. Tôi mất liên lạc với Duyệt.
Ái và Duyệt 1971
Năm Mậu Thân 1968, gia đình tôi chạy vào Sài Gòn lánh nạn. Một
buổi sáng, tôi đi lang thang trên đường Lê Lợi thì có tiếng gọi. Cô bạn tôi
đang đứng trong một cửa hàng cạnh nhà sách Khai Trí, tóc uốn cao, chiếc áo đầm
hoa ôm trọn dáng người phốp pháp, trông Duyệt có da có thịt hơn trước rất nhiều.
Vẫn tiếng Huế lảnh lót: “Ái, mi không nhận ra tao hả?” Tôi suýt không nhận ra
thiệt, nên giả lả: “Tao cứ tưởng bà đầm xòe mô chớ.” “Mi ở mô? Ghi địa chỉ cho
tao.” Nhà tôi ở Phú Nhuận, trong con hẻm quanh co, địa chỉ lộn xộn với ba cái
“xuyệt” như mê hồn trận, vậy mà chiều hôm đó, Duyệt vẫn tìm đến tận nơi. Gặp lại
nhau giữa đất khách quê người, tình bạn giữa chúng tôi ngày càng mật thiết. Duyệt
đã kết hôn, hiện kinh doanh nhiều mặt hàng, cuộc sống khá giả. Nhớ có lần Duyệt
vừa cười vừa nhìn sát mặt tôi: “Mi có thấy chi không?” Tôi lắc đầu. “Mi nhìn kỹ
đi, tao đã làm lại hai cái răng cửa. Để răng thưa nói không ai tin mi ơi. Nhờ rứa
mà tao mới buôn may bán đắt.” Nhưng đến khi Duyệt hùn hạp với người chị họ mở
quán bán món Huế trên đường Trần Quang Diệu quận 3 thì vận may không đến, quán
vắng khách vì người Nam thích phở, hủ tiếu… hơn bún bò, cơm hến…, thêm nữa, con
đường này có quá nhiều hàng ăn, lại nấu ngon hơn nên không cạnh tranh nổi. Sau
75, đất trời đảo lộn, những người có quốc tịch nước ngoài được phép rời khỏi
VN. Duyệt cùng chồng con sang Pháp định cư. Lần thứ hai, chúng tôi mất liên lạc.
Duyệt bìa phải (Walnut -California 2006)
Qua thế kỷ 21, khi trang Web Một Thời Phan Châu Trinh Đà Nẵng
được thành lập ở hải ngoại, bạn bè biết được tin tức của nhau, thì không bao
lâu, tôi nhận được airmail của Duyệt từ Mỹ. Thư kèm theo tấm hình hai đứa chụp
năm 1971 trước passage Eden Sài Gòn. Hình lấy liền (polaroid) nên rất mờ và
không trung thực. Chỉ có mấy chữ: “Ái ơi, mi còn sống hả? nghe tin mi vượt biên
bị rơi xuống biển, tao khóc hết nước mắt.” Lúc này, tôi quen viết trên vi tính
nên in thư ra gửi Duyệt, nó trả lời: “Tao muốn thấy nét chữ của mi như ngày xưa
thôi.” Tôi làm biếng viết tay nên thư từ thưa dần, chỉ có điện thoại, lâu lâu
Duyệt gọi về nói chuyện cả tiếng đồng hồ. Lần gặp cuối vào năm 2010, khi Duyệt
về Việt Nam ăn tết, cùng tôi và các bạn đi Hội Hoa Xuân ở Tao Đàn. Lúc này, tôi
đang chờ phỏng vấn định cư. Duyệt nói: “Ở Mỹ, cùng tiểu bang còn khó gặp nhau,
huống chi mi ở tiểu bang khác. Thôi, chừ thấy mặt nhau là mừng rồi.”
Duyệt đội mũ đỏ (Hội Hoa Xuân Sài Gòn 2010)
Đúng như lời cô bạn tôi, hai đứa cùng sống ở Mỹ nhưng chỉ gặp
nhau trên điện thoại, chuyện vui ít, chuyện buồn nhiều vì Duyệt bị tiểu đường
đã lâu, ngày càng nặng, nên rất bi quan. Rồi suốt một thời gian, tôi không gọi
cho Duyệt được nữa. Bất ngờ, Diệp ở Houston báo tin Duyệt đã vào bệnh viện,
đang muốn gặp tôi. Gọi nhiều lần mới được. Giọng Duyệt qua điện thoại rất yếu:
“Miệng tao lạt quá, ăn chi cũng không thấy ngon.” Khi Thu Hà cho biết Duyệt đã
chuyển bệnh viện khác, có số điện thoại mới, nhưng chưa kịp gọi thì Duyệt không
chờ tôi nữa. Quỳnh Chi là người báo tin buồn. Xa xôi quá, đành nhờ bạn thay mặt
mình đặt vòng hoa và thắp nén nhang trước di ảnh Duyệt. Quỳnh Chi đã gửi cho
tôi tấm hình Duyệt “In Memory” được gia đình tặng khi đến viếng lễ tang và viết:
“Ái thương, Duyệt mất trong khi ngủ nên nét mặt bạn mình thanh thản, bình yên
như đang đi vào mộng.”
… Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già, một ngày kia đến bờ, đời
người như gió qua...
Vĩnh biệt.
11/ 3/ 2014
Thùy An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét