Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Động Từ Thức

Động Từ Thức
Đường đi Động Từ Thức
Thuở học trò hẳn ai cũng thuộc bài hát Tiếng Sáo Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao. Nhân dịp chơi thuyền trên sông Hương, nhạc sĩ nghe tiếng hát đâu đó khiến ông nhớ cảnh Lưu Thần Nguyễn Triệu lạc Thiên Thai. Bài nhạc phác họa cuộc sống thần tiên mộng ảo của hai chàng trai đi hái thuốc vào tiết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch):
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng,
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên.
Đào Nguyên hay Thiên Thai là tên một hòn núi thuộc huyện Thiên Thai, tỉnh Chiết (Triết) Giang bên Tàu. Đời Hán Minh đế, niên hiệu Vĩnh Bình (58 sau DL) có hai chàng nho sĩ tên Lưu Thần và Nguyễn Triệu quê đất Diêm Khê. Nhân tiết Đoan Ngọ, vào núi Thiên Thai hái thuốc chữa bệnh, nhưng chẳng may bị lạc, không tìm được lối về. Lang thang trong núi gần tháng, lương thực đã cạn, phải ăn những quả đào hai bên suối, và uống nước khe. Một hôm Lưu, Nguyễn thấy có những hột cơm vừng và rau tươi trôi theo suối nên đoán chắc có người ở đâu đây. Hai người bèn lần mò theo dòng suối đi tìm, bất ngờ gặp một vùng cây cỏ xanh tươi, phong cảnh thơ mộng đẹp đẽ. Đương ngẩn ngơ ngắm cảnh, bỗng nghe giọng thánh thót: “Lưu, Nguyễn hai chàng sao đến chậm thế!”
Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai
Nghe gọi đích danh mình, Lưu Nguyễn rất ngạc nhiên, vừa lúc có hai cô gái rẽ hoa bước ra. Quả là đôi giai nhân tuyệt thế. Như quen biết nhau từ xưa, hai nàng ân cần mời hai chàng vào động, và xưng tên là Ngọc Kiều và Giáng Tiên. Lưu Thần và Nguyễn Triệu mừng rỡ theo ngay. Vào động nhìn thấy chung quanh trang hoàng lộng lẫy không ngờ, lại có mùi hương thoang thoảng. Đến bữa cơm, hai nàng dọn cơm vừng và các món cao lương mỹ vị mà xưa nay hai người chưa từng được nếm qua. Cơm nước xong, một đoàn mỹ nữ mang vào mâm đào chín và rượu ngọt, rồi múa hát dâng rượu, chúc mừng: "Chúng em xin có lời mừng tân lang và tân giai nhân nên duyên cầm sắt." Nói xong, họ lại họp nhau múa hát trong không khí tưng bừng rực rỡ xiêm y. Hai chàng Lưu, Nguyễn say mê nghĩ mình quá hạnh phúc gặp cảnh Tiên.
Từ Thức trở về
Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên
đây đó nỗi lòng mong nhớ
Này khúc bồng lai
là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi
Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên

(Tiếng Sáo Thiên Thai nhạc Văn Cao)
Đến khuya, tiệc tàn khách về. Ngọc Kiều và Giáng Tiên mời hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu cùng nâng ly chúc tụng nhau đêm tân hôn mặn nồng.
Say mê cảnh đẹp, đầm ấm trong tình vợ chồng, Lưu Nguyễn hầu như quên hẳn cảnh trần gian. Nơi đây bốn mùa tiết trời ấm áp đâu đâu cũng hoa bướm muôn màu nhởn nhơ bay lượn, chim hót véo von, trời trong gió mát đượm mùi hương phảng phất quanh mình.
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm
Nhớ quê chiều nào xa khơi Chắc không đường về
Tiên nữ ơi!
Nhưng, hai năm trôi qua, cảnh dù đẹp, vợ dù xinh, đời sống thật thần tiên cũng không sao xóa được nỗi nhớ quê nhà, nên hai chàng thỏ thẻ với vợ xin về thăm, hẹn thời gian ngắn sẽ quay trở lại. Hai nàng buồn bã can ngăn. Nhưng lòng nhớ cố hương ray rứt đêm ngày, Lưu Nguyễn cứ năn nỉ mãi. Biết không cầm được chồng, hai nàng ngậm ngùi, thở dài:
- Nhờ hồng phúc kiếp trước mà hai chàng được cùng chị em chúng tôi kết duyên chồng vợ, kẻ tiên người tục hòa hợp chốn Thiên Thai. Tưởng rằng trăm ngàn năm giữ một chữ đồng, nào ngờ hai chàng căn trần chưa dứt nên mới hai năm đã buồn nhớ đòi về quê cũ. Hạ giới trần tục, kiếp người ngắn ngủi, hai chàng có về lại trần gian thì cảnh cũ người xưa cũng không còn như trước. Chia ly ai chẳng đau lòng, nhưng đã nghiệp chướng làm sao thoát khỏi.
 Động Từ Thức cửa vào hang 2

Bia cửa Thần Phù
Thế rồi hai nàng tiễn chân Lưu Nguyễn ra khỏi động, bịn rịn đưa xuống tận chân núi. Ngoài xa khói lam phủ nóc nhà ai, hai chàng loanh quanh một lúc rồi ra khỏi núi Thiên Thai, về ngay quê cũ. Cây đa cổ thụ đầu làng còn kia nhưng cảnh vật đã khác hẳn. Làng xóm toàn người xa lạ, không ai có thể nhận ra Lưu, Nguyễn là người quen ngày trước. Cả hai vô cùng ngạc nhiên, mới chỉ hai năm, sao cảnh vật lại đổi thay một cách lạ kỳ thế này. Lối cũ không còn, cây đa đầu làng giờ đã quá già cỗi, cành lá úa vàng chứng tỏ thời gian qua lâu lắm rồi. Bỗng gặp một cụ già gần trăm tuổi, hai chàng Lưu, Nguyễn hỏi thăm chuyện nhà. Cụ già bèn kể lại cách nay 700 năm, cụ có một ông tổ bảy đời tên Nguyễn Triệu, nhân tiết Đoan Ngọ cùng bạn là Lưu Thần vào núi hái thuốc rồi biệt tích. Bấy giờ Lưu Thần, Nguyễn Triệu mới biết một ngày trên Tiên giới bằng một năm ở trần gian. Cả hai bơ vơ, hối tiếc bèn rủ nhau quay lại động Đào Nguyên. Nhưng còn thấy đâu cảnh bồng lai Tiên giới ngày xưa…
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao?
Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên.
Vòng vo, quanh quẩn... cuối cùng hai chàng lại lủi thủi trở về âm thầm sống nơi quê cũ cho đến đời Võ Đế (265- 275), hai chàng mới bỏ đi, chẳng biết đi đâu, không ai còn gặp nữa.
Tương tự chuyện hai chàng nho sĩ đời Hán Minh Đế, Việt Nam có chuyện ông huyện Từ Thức người Tống Sơn, nay là Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá làm tri huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nhân buổi dự hội Mẫu Đơn, gặp một cô gái trẻ đẹp bị nhà chùa bắt trói vì làm gãy hoa. Huyện Từ Thức động lòng cởi áo gấm chuộc cho thiếu nữ ra về.
Thời gian sau để tang mẹ, chàng từ quan, ngao du sơn thủy. Một lần ra cửa biển Thần Phù, Hà Tĩnh (1), gặp một hang động, ông huyện Tiên Du tò mò đi sâu vào xem, càng vào sâu càng hấp dẫn bởi cảnh đẹp lộng lẫy chàng chưa từng thấy bao giờ. Huyện Thức mê say theo cảnh, đến một lúc quay lại thì không thấy đâu là đường về. Ngay lúc ấy, một bà lão tóc bạc phơ, xiêm y như một bà Tiên. Từ Thức rất đỗi ngạc nhiên, chưa biết ăn nói thế nào thì bà lão đã mở lời: “Vui mừng đón chàng trai đến chơi. Vào mùa xuân năm trước, trong ngày hội mẫu đơn ở chùa Phật Tích, con gái ta lỡ tay làm gãy một bông hoa bị nhà chùa giữ lại. Chàng lòng thương cởi áo gấm chuộc lỗi con gái ta là Giáng Hương. Ơn ấy ta và con gái mãi không quên. Nay chàng đã đến đây xin mời lưu lại nơi này, ta sẽ gả Giáng Hương cho chàng làm vợ.”
Lưu Nguyễn và tiên nữ
Bà lão vừa dứt lời, trong động tiếng ca hát chào mừng hòa với tiếng nhạc du dương réo rắt truyền đi khắp nơi. Đồng thời từ trên cao hoa trắng rơi như tuyết trong ánh sáng huyền ảo của cảnh giới Bồng Lai. Thế rồi ngày tháng qua, Từ Thức ngất ngây với đời sống Tiên cảnh, không còn nhớ chuyện trần gian nơi chàng sống với bà con họ hàng bao năm qua. Nhưng, một hôm Từ Thức bỗng chợt nhớ quê nhà, nhớ bà con ruột thịt, nhớ cây đa đầu làng, nhớ cánh đồng bát ngát màu xanh, nhớ tiếng gà canh khuya, nhớ giọng hò trên sông vắng. …Bao nhiêu hình ảnh âm thanh của quá khứ ập về réo gọi, làm cho chàng ngồi đứng không yên…Từ Thức đành tỉ tê xin Giáng Hương cho về thăm quê một chuyến. Chàng nghĩ cũng không mất mát gì, cùng lắm năm ba hôm rồi trở lại. Giáng Hương buồn rầu không nói, vì biết có nói Từ Thức cũng không sao kềm được nỗi nhớ nhà đang đốt cháy lòng chàng. Giáng Hương viết sẵn mấy hàng từ biệt cài vào áo chồng, dặn về đến quê hãy đọc. Nàng tiễn chồng ra cửa động, kết xe mây cho chàng về hạ giới.
Đến quê nhà, Từ Thức thấy tất cả đều đổi thay, cây đa trước đình làng nay đã hoàn toàn biến đổi, rễ nó ăn trùm lên tam quan, đình làng không biết nay đâu chỉ còn trơ lại đám đất hoang với tam quan đổ nát rêu phong. Từ Thức cố nhớ "mình mới xa nhà có nửa năm mà sao cảnh nay khác quá vậy. Chàng tìm những người thân quen cũ nhưng tuyệt nhiên không thấy ai, ai cũng nhận ra chàng.
Cuối cùng gặp một lão ông râu tóc bạc phơ, hỏi ra mới biết đó là cháu nội của mình.
Từ Thức buồn bã, "Hóa ra mình sống với Giáng Hương mới nửa năm mà trần thế đã gần 200 năm." Chàng sực nhớ lấy thư vợ ra đọc, thì than ôi... không bao giờ có thể trở lại cõi Tiên với vợ được nữa, bởi hạnh phúc chỉ đến một lần.

Kết hoan hỷ (ư) vân trung, 
tiên duyên dĩ đoạn
Phỏng Tiên sơn (ư) hải thượng, 

hậu hội vô nhân
(Kết bạn loan trong mây, 

duyên xưa đã dứt
Tìm núi Tiên trên biển, 

dịp khác không còn.)
Từ Thức buồn rầu lang thang rày đây mai đó, cuối cùng trôi dạt về đâu chẳng ai biết.
Chuyện Thần Tiên xứ nào cũng có và có nhiều. Ngày nay khoa học tiến bộ tới đâu cũng khó mà tìm lại Bồng Lai Tiên Cảnh. Dầu vậy tôi vẫn có chương trình tìm động Từ Thức trên đường từ Hà Nội vào Nam năm nay. Giáng Hương Từ Thức nay không còn, nhưng chắc chắn động Từ Thức nơi giao duyên “Tiên tục” vẫn còn đó, ở làng Nga Thiện, huyện Nga Sơn Thanh Hóa.
Qua khỏi đèo Tam Điệp vào địa phận Bỉm Sơn, biết đã gần đường đi động Từ Thức, thấy có ông già bán hoa quả, tôi dừng xe hỏi thăm, ông bảo “ngang qua chỗ chợ, rẽ trái cứ thế đi thẳng.”
Thấy ông lão vui tính tôi hỏi thêm một câu về sự tích động, ông lại kể một chi tiết chưa từng nghe bao giờ, “Từ Thức ở làng Nga Sơn một hôm lên núi chơi gặp Tiên, thấy cảnh đẹp mê rồi ở luôn một năm sau nhớ nhà mới tìm đường về làng cũ. Từ Thức đi khắp nơi hỏi thăm bà con dòng họ, ai cũng lắc đầu cho là người điên, riêng có một lão ông đầu tóc bạc trắng nói, “Cách nay mấy trăm năm có một người đi vào núi rồi lạc mất chẳng thấy về, đúng sai chẳng ai biết.” Từ Thức vừa giận người trêu chọc vừa buồn không tìm ra họ hàng, bèn lấy bình rượu Tiên mang theo, rưới suốt đường trở lại động. Từ đó đất đai cả vùng cằn cỗi, dân nghèo đói không làm nên được chuyện gì.”
Núi Nga Sơn
Đến một ngã ba rẽ về hướng Đông, ai cũng bảo “Chạy thẳng là đến động Từ Thức,” chỉ mấy phút thấy trước mặt có núi, mừng thầm “Vầy thì dư thì giờ đi Gia Miêu.” Tới nơi lại đường cụt, phải quay lui ngã tư rẽ trái. Lúc qua một cầu nhỏ gặp ngã ba có bảng chỉ trái đi Nga Sơn 12km, rẽ phải đi làng Đoài. Vậy là đường còn xa, còn qua nhiều ngã ba, ngã tư, thế mà ai cũng bảo “chạy thẳng là đến.” Cách chỉ đường của người mình lúc nào cũng đơn giản dễ như thấy trước mặt. Lần về Hải Phòng tìm cây đa 13 gốc (1), ai cũng bảo 500m là tới, thực sự có đến 6 – 7 lần 500m.

                              Nhũ non trong Động Từ Thức
Ra khỏi vùng cư dân là qua cánh đồng rộng mênh mông trơ gốc rạ. Cuối cùng tôi cũng tìm được đường về xã Nga Thiện đi động Từ Thức. Đời sống dân cư vùng này vắng lặng có vẻ nghèo nàn như lời ông già đèo Tam Điệp. Đường sá đang đổ cát đá, sửa sang. Đi hết làng lại gặp một cánh đồng lúa vừa mới gặt. Trước mặt là dãy núi dài nơi có động Từ Thức.
Theo sách vở mô tả, động Từ Thức còn gọi là Động Bích Đào, một trong những động đẹp nổi tiếng nhiều nhũ đá, được gắn liền với truyền thuyết Từ Thức gặp Tiên. Động nằm trên sườn một ngọn núi thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Từ rìa làng Nga Thiện nhìn dãy núi trước mặt, không có dấu hiệu gì là hang động, núi không có dạng núi vôi như ở Ninh Bình (Tam Cốc) hay ở chùa Hương (Hà Tây), mà dạng núi đá miền Trung, chân núi lài ra đồng ruộng. Vài ba con bò, năm bảy con trâu, điểm tí màu sắc cho cảnh đỡ tẻ nhạt.
Vào đến chân núi mới thấy thấp thoáng vài người trong một lán trại, tôi hơi nghi nghi, một thắng tích nổi tiếng mà hoang vắng vậy sao. Một chiếc cầu nhỏ bắc qua khe nước cạn, đến khu rừng cây, tôi dừng xe quan sát, vẫn không một bóng du khách. Một tấm bảng viết theo lối thư pháp (quái đản), vôi vữa mốc meo, nhức cả mắt mới đọc được (2), “Động Thừ Thức kính chào quý khách.” Không rõ huyện Thức ngày trước có “văn hoa bay bướm” kiểu quê mùa rẻ tiền vậy không. Từ bảng “chào quí khách” vào chân núi hơn trăm mét, đây là một công viên hoang dã, cây rừng sơn trắng gốc (?), đường mòn hai ba lối, một tấm bảng nhỏ vẽ “sơ đồ động Từ Thức” đóng trên gốc cây (4 mũi tên đi 4 ngã).
Đường lên động ngay trước mặt, cửa động cao trên trăm bậc đá xây, có tay vịn, dễ đi. Vừa lên mươi bậc thì bị nhiều dây leo to bằng bắp chân từ trên cây cao thòng xuống ngoằn ngoèo chắn lối, du khách phải khom người đi qua như một cách vái chào.
                               Từ Thức trong động Bích Đào
Đến cửa hang, không thấy ai, cảnh im phăng phắc, bên trái có miếu Sơn Thần nho nhỏ, trước miếu có một rổ tre đựng mấy chiếc đèn pin, mươi đôi dép nhựa bày trên thềm đá. Đèn cho khách thuê vào động, còn dép nhựa? Trước cửa động có một bia đá khắc bài thơ chữ Hán do Lê Quí Đôn cảm tác khi thăm động vào thế kỷ XVII (3). Trong động, tối đen, khí lạnh toát ra thấy cũng ơn ớn. Tôi quay lui lấy một chiếc đèn pin để xuống hang thì nghe có tiếng người đàn bà kêu dưới chân núi “để tôi bật đèn đã.”
Cửa hang thấp, vừa tầm người đi. Trong động đã có ánh đèn vàng mờ mờ. Xuống chừng 3m là khu “tiền sảnh,” trần động cao lối 5m, vào sâu thêm vòm động cao hơn tí, những cột nhũ nối từ nóc xuống nền như để chống đỡ trần nhà. Động các nơi như Phong Nha, Ngũ Hành ít ra cũng cao 15-20m.
Đứng một lúc lắng nghe tiếng nước nhỏ giọt tí tách rõ mồn một, hơi lạnh tăng dần. Tiếng nước rơi trên nền đá, trên những chiếc dĩa hứng rải rác đó đây tạo thành âm giai cao độ khác nhau nghe như một thứ âm nhạc cõi nào. Tôi cẩn thận từng bước, dưới chân ẩm ướt có thể trợt té. Nhũ trong động Từ Thức ở “tiền sảnh” có hơi khác với động các nơi, không có những khối nhũ tượng hình rõ rệt, “Đạo sĩ, Tiên Ông, Cung điện,” …v.v. nhưng có những nụ nhũ non nhô cao chừng vài phân. Biết mấy trăm năm mới có được một cột nhũ như thế kia. Phần lớn các khối nhũ là dạng nhũ khía chảy dài từ nóc xuống nền, đặc biệt một khối nhũ đứng rời có hình một quả đào nên Động Từ Thức còn có tên động Bích Đào. Nhìn quả “Đào Tiên,” tâm hồn bỗng nhẹ lâng lâng, và tưởng chừng có tiếng ai hát văng vẳng:
Thiên Tiên chúng em xin dâng 
hai chàng trái đào thơm
Khúc nghê thường này 

đều cùng múa vui bầy Tiên theo đàn
Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên
đây đó nỗi lòng mong nhớ
Này khúc bồng lai
là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi
Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên

(Tiếng sáo Thiên Thai nhạc Văn Cao) Vào sâu thêm, góc bên trái mấy mảng nhũ buông xuống lưng chừng như màn che ngăn phòng. Một vài khối nhũ riêng lẻ lớn nhỏ không đều, cấu tạo khác nhau, giàu tưởng tượng cũng chỉ thấy dạng voi xù thời tiền sử, hay những tháp nhọn trên nóc đền đài xứ Thái, Cambodia... chứ không như nhiều “nhà văn” mô tả, “Này đây Đụn gạo, kho tiền, này kia bồn muối, vườn cây trái có đầy đủ các loại, rồi mâm xôi, thủ lợn, rồi phường bát âm, gõ vào tạo nên một thứ âm thanh thú vị. Rồi bàn cờ tiên, một bàn đá phẳng lỳ có đầy đủ các quân cờ, đường kẻ….” Một nơi được gọi là chốn Thiên Thai mộng ảo mà có cả “mâm xôi, thủ lợn” của bợm nhậu thì trần tục quá! Ở đây cũng nhiều cột nhũ bị cắt ngang như nhũ gần cửa động.
Qua một khe cửa hẹp là vào động trong, nhũ đá đa dạng và nhiều hơn, tập trung từng khoảnh, người xem dễ ghi nhận, ảnh chụp cô đọng hơn. Động Từ Thức là một hệ thống nhiều động ăn sâu nhưng cửa động càng lúc càng hẹp càng tối và nhiều vũng nước đọng. Chưa thấy công trình khảo cổ nào định tuổi của động Từ Thức, theo tôi, động Từ Thức còn rất trẻ, nhũ còn tiếp tục nhỏ xuống ngày đêm để tạo thêm hình tượng mới. Những động khác như Tiên Sơn (động khô) Phong Nha, Thiên Đường (Quảng Bình), hang Đầu Gỗ (Quảng Ninh) (4)... đã được định hình từ hàng nghìn năm.
    Đường lên Động Từ Thức

Với mắt bình thường, cố gắng lắm cũng chỉ ghi nhận đôi phần do hệ thống soi sáng có tính tạm bợ, vài ba bóng đèn watt thấp rời rạc, không đủ soi đường. Vào đến động hai đã cảm thấy ngài ngại. Phải chi có vài người cùng đi thì yên tâm “thám hiểm.” Như có một nguyên tắc chung trong quá trình hình thành hang động, càng vào sâu các hình tượng nhũ càng đa dạng, càng lạ chứ không đơn giản mộc mạc như bên ngoài. Càng vào sâu càng âm u càng lạnh, càng nhiều ngóc ngách, nhiều bóng tối, tự nhiên người đâm ra lo nghĩ vẩn vơ.
Tôi dừng lại thầm tính toán, nên đi tiếp hay lui, đầu óc lại liên tưởng những tai nạn hầm mõ, chuyện bất trắc núi rừng, hơn nữa có mỗi một mình, nhỡ điện cúp bất thần hay đèn pin hỏng thì xoay sở thế nào. Lúc ấy mà được làm Từ Thức thì may ra... Theo sử sách ghi thì cuối động còn có đường lên trời, có đường xuống âm phủ. Đường lên trời là những bậc đá đều nhau, là đường Từ Thức Giáng Hương cùng các nàng Tiên dạo chơi ngoạn cảnh. Đường xuống âm phủ là một cửa hang ăn sâu xuống lòng núi với nhiều bậc đá chênh vênh, ẩm ướt, nhiều ngõ ngách tối om om, người bạo dạn mấy cũng không dám xuống một mình. Nhớ lần đi hang Cắc Cớ (5) cũng đầy khó khăn, cũng đường xuống "âm phủ, đường lên trời" nhưng đông người đi, ánh sáng trong động không tù mù như đây.
“Tiền sảnh" Động Từ Thức
Đang lúc tiến thối lưỡng nan thì bỗng đèn vụt tắt, tất cả tối đen, tôi hơi hoảng, vội bật đèn pin hươ hươ, cảm thấy cột sống lạnh ngắt, mắt hoa, người muốn xiêu xiêu. Cố định thần, tôi hít thở thật sâu, cố trấn an "chẳng việc gì phải sợ..." Lúc mới vào động, lòng đã nghi ngại chuyện điện đóm xứ mình, ai ngờ lại xảy ra thật. Bỗng có tiếng ầm ầm như động đất, vừa mới hồi tỉnh lại hoảng hốt run người. Tự nhiên cúp điện lại có tiếng động. Hãi quá. Hay do hoang tưởng. Trống ngực đập liên hồi, chân muốn bỏ chạy, nhưng chạy làm sao trong bóng tối chập chờn bao nhiêu hình thù quái dị, va đầu vào đá là họa đến ngay. Cố từng bước lui dần, đến khi thấy ánh sáng từ cửa động rọi vào tôi thở phào nhẹ nhõm. Từ cửa động nhìn xuống cánh đồng rạ vàng, nắng ban mai lung qua rừng cây xanh lá, chiếc cầu nho nhỏ qua khe, tiếng chí chí của mấy con chim sâu...tôi dần trở lại bình thường và tâm tư như đang nối tiếp "tiếng sáo Thiên Thai":
Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
Quê hương dần xa lấp núi ngàn
Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền
Ai hát trên bờ Đào Nguyên
Người đàn bà ngồi chờ sẵn trước cửa động để thu tiền thuê đèn. Tôi hỏi với vẻ bình thản:
- Những đôi dép để làm gì hả bà?
- Để cho các cô đi guốc cao gót thuê.
- Sao không thấy khách thăm động nhỉ?
- Tết mới đông, người đi chen chân, ngày thường ít thôi.
- Ngôi đền dưới kia thờ ai vậy bà?
- Đền Mẫu, linh lắm ông à, khách đến cúng hàng ngày. Ghé qua đền Mẫu, trong chánh điện đang có người cầu xin gì đó. Một bà làm “dịch vụ,” đọc như máy bài cúng Mẫu kể tên họ thân chủ và thay mặt thân chủ xin Thánh ban cho những điều mong ước.
Đồng hồ đã quá 9 giờ, còn một nơi phải đến: khu di tích Gia Miêu.
Động Bích Đào đã từng là nơi hấp dẫn đối với tao nhân mặc khách. Ngày xưa nhiều danh sĩ tiếng tăm như: Lê Quý Đôn, Trịnh Sâm, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thượng Hiền, … đã đến đây và lưu lại nhiều áng văn thơ ca ngợi nơi này.
Một đất nước an bình, có một nền giáo dục nhân bản, một xã hội đạo đức mẫu mực thì không cần hô hào học tập này nọ, không cần khẩu hiệu kêu gọi văn hóa văn minh, con người đương nhiên có lễ nghĩa trí tín. Ngày nay ai cũng thừa nhận mọi thứ đều xuống cấp, suy sụp sa đọa. “Cơ quan chức năng,” “báo đài,” gia đình, học đường, người người khắp nơi kêu gào “cứu nguy” …Nhưng, xem ra vô vọng ai cứu đây! Thật sự rất buồn khi đến thăm các di tích danh lam (được nhà nước công nhận) thấy toàn chuyện “vô văn hóa”: viết vẽ bậy bạ, phá phách chôm chỉa…mà không một ai chịu trách nhiệm, chỉ biết bán vé thu tiền. Đến bao giờ người Việt mới nhận ra được trắng đen, tốt xấu, thiện ác…để không bị thiên hạ cười chê (6).
Cửa Động Từ Thức
(1) Cây đa 13 gốc trang 144 QHQOK tập 10
(2) Phải mất hơn một tiếng đồng hồ “quét dọn” mới đọc được lời chào. Thực lòng mà nói, tôi không hiểu tại sao con người xhcn lại hay thích lối “văn chương” “văn hóa” kỳ cục như vậy. Có phải sân khấu đâu mà vẽ vời câu khách. Rõ ràng ngay thẳng chính xác là yếu tố cần đối với di tích danh lam.
(3) Bài thơ chữ Hán của Lê Quí Đôn làm từ thế kỷ 18
Hải Thượng quần Tiên sự diễu mang
Bích Đào động khẩu thái hoang lương
Càn khôn nhất kệ cùng Từ Thức
Vân thủy song nga lão Giáng Hương
Thạch cổ hữu phong sao hữu nhật
Sa diêm vô vị niết thu sương
Thế nhân khổ tác Thiên Thai Mộng
Thùy thức Thiên Thai diệc hý trường

Dịch nghĩa
Bầy quần Tiên chơi trên cửa biển
Bích Đào cửa động cảnh hoang vu
Đất trời in mờ nét Giáng Hương
Trống đá dội vang rung ánh nhật
Muối còn phai nhạt quấn màn sương
Người đời khổ vì mơ Tiên cảnh
Ai biết Thiên Thai một hý trường.
Tháng 11/2013
Trần Công Nhung
Theo http://nguoithamquan.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...