20 truyện ngắn của 16 tác giả
từ nhiều thế hệ, nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới đã được nhà văn - dịch
giả Đào Minh Hiệp tuyển chọn, dịch và giới thiệu qua tập sách có tên chung
"Con của mặt trời". Sách do Nhà xuất bản Văn học cấp phép và Hội VHNT
Phú Yên hỗ trợ kinh phí xuất bản, vừa phát hành tháng 8-2010. Có thể nói, tập
sách như một dàn hợp xướng, một bức tranh đa màu sắc giới thiệu đến bạn đọc
những nét chấm phá về nhiều nền văn hóa khác nhau, nhiều giọng nói, tiếng cười,
nhiều tâm hồn khác nhau. Và tất cả đều được gắn kết hài hòa bởi một ngôn ngữ
chung: Tình yêu cuộc sống.
Ta có thể cảm nhận sự khác nhau nhưng rất hài hòa đó qua suy nghĩ
của nhân vật họa sĩ khi nhìn thấy cảnh đôi trai gái đang trên xe trượt tuyết
trong truyện ngắn "Con của mặt trời" của nhà văn Na Uy Knủt Hamsun
(giải Nobel Văn học năm 1920): "Anh,
một kẻ ngụ cư đến từ xứ sở mặt trời nhìn cảnh ấy không kìm nổi tiếng cười. Còn
đôi nam nữ kia vẫn bình thản, không chút ngạc nhiên nhìn ngắm thế giới huyền bí
và đáng sợ của băng tuyết đang bao trùm khắp xung quanh. Họ chẳng hề bận tâm về
nó, bởi lẽ chính họ là những đứa con của băng tuyết và đã lớn lên giữa băng
tuyết."
Qua tập sách, ta có thể bắt gặp những tâm hồn với khát vọng yêu
đương, khát vọng tìm cầu một hạnh phúc cho mình (Phà ngang của
I.Bachmann-Áo; Giáng sinh đầu tiên của O'Brien của J.Winterson-Anh; Vợ
chưa cưới hay con hổ của
F.Stockton-Mỹ, Ba vị hôn phu, Những bức chân dung
trong rừng của
E.Morovich-Italia...). Có khi ta bắt gặp tình yêu đắm đuối với cuộc sống này (Cây xương rồng của M.Ergovic-Croatia, Con
của mặt trời của
K.Hamsun-Na Uy...); hoặc gặp phải những tình huống dở khóc dở cười (Những tên trộm độc ác của E.Morovich -Italia, Tội
ác không tang chứng của
M.Tournier-Pháp, Bảy tầng của D. Buzzati-Italia...)
Về khát vọng yêu đương và tìm cầu hạnh phúc, ta có thể đọc những
dòng nội tâm trong "Giáng sinh đầu tiên của O'Brien":"O'Brien cầm tờ báo lên và nhìn vào
mục "Trái tim cô đơn". Vào dịp Giáng sinh, mục rao vặt này không chứa
hết trong một cột báo mà phải vài trang mới đủ, càng gần đến lễ Giáng sinh càng
nhiều. Hết cột báo này đến cột báo khác: những người đàn ông, đàn bà, thông
minh, khỏe mạnh, không bị dị tật đang khao khát tình yêu...Chẳng lẽ tất cả bọn
họ cũng đón Giáng sinh một mình hay sao? Còn các cặp hạnh phúc đang vây kín các
cửa hàng lại là thiểu số?"
"Cô ngồi
trong phòng và lên danh sách những điều người ta hay mơ ước: nào là lấy chồng,
sinh con, sự nghiệp, du lịch, nhà cửa và tiền bạc...Vào lễ Giáng sinh, những
điều cốt lõi ấy của cuộc sống bỗng trở nên sáng rõ lạ thường. Nếu ta đạt được,
cho dù chỉ một số điều thôi, ta sẽ có những ngày lễ vui chơi thỏa thích trong
mái ấm gia đình (...) Thật lạ lùng là mọi người, ngay cả những kẻ khổ hạnh nhất
cũng đắm chìm trong những mơ mộng viển vông đó. O'Brien không phải là chuyên
gia về thần học, nhưng cô thấy ở đây có điều gì đó không bình thường."
Với truyện "Cây xương rồng" của M.Ergovic (Croatia), vấn
đề tình yêu và ứng xử đối với cuộc sống được đặt ra:"Tất cả những điều tôi vừa kể chẳng
có gì quan trọng. Chẳng qua là tôi chỉ muốn nhớ lại rằng, trong cuộc sống cần
phải có sự ứng xử với những sự việc nhỏ nhặt nhất bằng một sự rung động chân
thành, ngoài ra chẳng cần gì khác."
Đọc truyện của K.Hamsun "Con của mặt trời", ta thấy rằng
cuộc đời này còn nhiều điều đáng phải quan tâm hơn nữa với lòng thánh
thiện:"Đêm xuống,
tuyết rơi. Anh nghĩ, ở trong rừng, lũ chim chắc phải lạnh lắm, rễ cây hoa đồng
thảo nằm trong lòng đất chắc phải chịu cái lạnh khủng khiếp, còn những con thỏ,
mùa này kiếm ăn ra sao?"
Từ quan tâm đến vạn vật, nhân vật trong truyện càng yêu thương
mãnh liệt đối với cuộc đời này: "Có
điều là sự biến đổi cảm xúc trong con người anh diễn ra rất nhanh. Bình thường,
anh không thích trả lời thư, nhưng giờ đây, anh ngồi lì bên bàn viết trả lời
hàng đống thư, thậm chí cả với những người chưa cần phải hồi âm, với những lời
thăm hỏi xã giao và những tin tức vụn vặt. Tâm trạng của anh u ám, ảo giác như
cái chết đang đến gần, và với những lá thư gửi đi khắp nước anh hy vọng ít ra
thì mình cũng sẽ duy trì được mối dây liên lạc với cuộc đời."
Truyện ngắn "Vợ chưa cưới hay con hổ" của F.Stockton
(Mỹ) được giới thiệu "in lần đầu năm 1882, cho đến nay được tái bản hàng
trăm lần với hàng chục thứ tiếng khác nhau trên thế giới, được các nhà phê bình
văn học xếp vào loại tác phẩm kinh điển về bố cục về tâm lý nhân vật".
Truyện kể về tình yêu "phi pháp" giữa một chàng trai và cô công chúa,
bị vua cha cho xử công khai: có hai cánh cửa khép kín, nếu đẩy vào gặp hổ sẽ bị
ăn thịt, gặp người đẹp sẽ được cưới làm vợ. Không còn cách nào hơn, chàng trai
đưa mắt cầu cứu công chúa đang ngồi trên khán đài, nhưng oái oăm là chọn kiểu
nào thì công chúa cũng bị mất tình yêu. Ở đoạn kết, tác giả đặt chúng ta vào
ranh giới giữa thiện và ác rất khó lựa chọn: "Công chúa đã quyết định như thế nào là việc không dễ
dàng, và tôi không phải là người duy nhất có quyền đưa ra lời giải. Chính vì
vậy tôi dành cho tất cả các bạn cơ hội để trả lời câu hỏi: Ai sẽ bước ra khỏi
cánh cửa được mở-vợ chưa cưới hay con hổ?"
Bạn đọc cũng sẽ bắt gặp những nhân vật đa tính cách với cốt truyện
đầy kịch tích, nhuốm màu hình sự như trong "Tội ác không tang chứng"
của M.Tournier-Pháp, "Trên bến cảng Hanya" của S.Zeitlin-Mỹ... Chúng
ta hãy nghe ngài thanh tra "Trên bến cảng Hanya" suy nghiệm:
"...Có thể trong mỗi
chúng ta có vô vàn những tính cách, những khả năng, những tình cảm, những điều
kỳ quặc, và tất cả chúng đều được che đậy hay thể hiện ra tùy thuộc vào từng
hoàn cảnh khác nhau. Khi đó chúng ta sẽ biến mình thành một con người không thể
lường trước và dự kiến trước được. Chỉ cần để mắt quan sát kỹ ta sẽ thấy, con
người quả là một sinh vật vô cùng bí hiểm."
Có thể nói, các tác giả mỗi người một vẻ, và bạn đọc cũng mỗi
người một "gu". Có người thích tác phẩm này, lại có người yêu tác
phẩm khác. Đó cũng là chuyện bình thường. Riêng với tập sách này, truyện ám ảnh
tôi nhất là tác phẩm "Bảy tầng" của nhà văn Ý D. Buzzati. Tình tiết
truyện như sau:
"Các bác
sĩ phát hiện bệnh của Juzeppe Korte chỉ mới ở giai đoạn đầu, song họ vẫn gửi
anh đến bệnh viện chuyên khoa nổi tiếng này. Ở đây có các bác sĩ giỏi nhất cùng
với những trang thiết bị hiện đại nhất." Theo mô tả, bệnh viện
này có bảy tầng, càng xuống thấp có nghĩa là bệnh tình càng nặng, và đặc biệt
với tầng thấp nhất là tầng một thì "Bệnh
nhân ở tầng một hầu như chẳng còn sống được bao lăm nữa. Các bác sĩ đã bó tay.
Công việc ở đây đã thuộc về các cha cố." Vậy mà Korte đã bị
chuyển đến tầng một tuyệt vọng nhất, tại sao? Có thể tóm tắt thế này: Từ tầng
bảy chuyển xuống tầng sáu, vì anh phải nhường chỗ cho 3 mẹ con một bệnh nhân
nữ; chuyển xuống tầng năm, vì có sự "tiến
hành hàng loạt thay đổi trong sự sắp xếp bệnh nhân"; chuyển
xuống tầng bốn, vì Korte mới xuất hiện nốt ban mà "thiết bị chiếu tia Gamma chỉ bố trí
ở tầng bốn"; chuyển xuống tầng ba, vì "việc chiếu xạ bằng tia Gamma chỉ mới
làm được một nửa công việc."; chuyển xuống tầng hai, vì "tầng ba sẽ đóng cửa trong hai tuần
và tất cả cán bộ nhân viên ở đây sẽ đi nghỉ phép trong hai tuần.";
cuối cùng, đỉnh điểm của sự chịu đựng là chuyển xuống tầng một, vì có giấy
chuyển "do chính giáo
sư Đati ký", mà giáo sư Đati là bác sĩ giám đốc bệnh viện
"đã phải đột ngột lên
đường cho một chuyến công tác ngắn ngày"!
Trong cuộc "run rủi" đẩy đưa này, toàn những lý do chính
đáng cả, đến nỗi anh chàng Korte như bị thôi miên bởi lời lẽ ngọt ngào như được
lập trình sẵn của các y bác sĩ, sản phẩm hoàn hảo của nền văn minh hiện đại nói
chung và y học nói riêng. Khi Korte nhận lời chuyển xuống tầng sáu, nhường chỗ
cho ba mẹ con một bệnh nhân nữ thì được nghe: "-Vô cùng cảm ơn anh,-người y
sĩ nghiêng mình chào.-Đối với những người như anh, thú thật là tôi không mong
gì hơn nữa." Rồi lời ngọt nhạt đề nghị chuyển xuống các tầng
thấp của một bác sĩ khác: "-Phỉ phui cái miệng của anh!
Tầng một à!-trong giọng nói của bác sĩ thoáng chút mai mỉa. Vậy mà anh cũng nói
được! Nhưng tôi sẽ xin được nằm ở tầng ba, thậm chí tầng hai nữa, đúng thế đấy.
Ở tầng dưới việc điều trị tốt hơn nhiều, tôi đảm bảo với anh như vậy. Trang
thiết bị cũng tốt hơn, hiện đại hơn, ê kíp điều trị cũng nhiều kinh nghiệm
hơn...".
Thậm chí vị bác sĩ này còn hứa với Korte bằng giọng ngọt như đường phèn nếu Korte được điều trị xong: "-Dĩ nhiên là anh sẽ trở lại tầng bảy chứ còn đi đâu nữa!-bác sĩ mỉm cười sau khi kết thúc việc thăm khám.-Bệnh nhân nào chả muốn như vậy" .
Thậm chí vị bác sĩ này còn hứa với Korte bằng giọng ngọt như đường phèn nếu Korte được điều trị xong: "-Dĩ nhiên là anh sẽ trở lại tầng bảy chứ còn đi đâu nữa!-bác sĩ mỉm cười sau khi kết thúc việc thăm khám.-Bệnh nhân nào chả muốn như vậy" .
Trước mê hồn trận của sự ngọt ngào nghề nghiệp từ miệng các y-bác
sĩ được đào tạo bài bản theo "công nghệ cao", có thừa chuyên môn
nhưng thiếu tình người, anh chàng Korte khốn khổ vốn cứng rắn nóng nảy là thế, cũng
đành "thúc thủ" trong cuộc "phiêu lưu" điều trị từ tầng bảy
xuống tầng một, để rồi, "Korte
cảm thấy một sự tuyệt vọng sâu sắc. Ngay trong buổi chiều hôm ấy nhiệt độ của
anh lại tăng đột ngột.", bởi vì "Anh đã đánh mất sự bình yên trong
lòng, mà bệnh tật chỉ chờ có vậy." Trước đó, để trấn an, anh
đã: "...bất chấp những lời châm chọc của các y tá, anh
vẫn cương quyết bắt họ phải dán một miếng giấy lên cửa phòng anh: "Juzeppe
Korte. Tầng ba. Tạm thời chuyển xuống đây."" và, "Trong suốt lịch sử của bệnh viện,
chưa bao giờ xảy ra một trường hợp nào như vậy.". Tại tầng
một, Korte đã tái tê một thân một mình: "Vậy là, vì một sự nhầm lẫn vớ vẩn nào đó mà Korte đành
phải chuyển xuống tầng cuối cùng-bến đỗ của những người đã chết. Trong khi tình
trạng của anh, theo quan điểm của các bác sĩ xét nét nhất cũng cho phép anh có
đủ quyền được nằm ở tấng thứ sáu nếu không muốn nói là tầng thứ bảy! Sự việc
quả là phi lý đến mức chính Korte cũng phải bật cười thành tiếng."
Đọc xong truyện này, ta thấy nền văn minh hiện đại đã có lúc trở
nên vô cảm, đẩy con người vào bước tuyệt vọng hãi hùng bằng những đề nghị đầy
lịch thiệp nhưng vô cùng lạnh lẽo. Người ta xử lý công việc liên quan đến con
người chỉ quá chú trọng vào chuyên môn cao, công nghệ hiện đại với sự vận
hành ưu việt như một cỗ máy tối tân (điều cần thiết), nhưng thiếu mất tình
người (điều cơ bản). Truyện ngắn như hồi chuông cảnh báo những bất ổn của thế
giới văn minh mà chúng ta đang sống.
Tập sách với độ dày vừa phải, nhưng là cả một sự lao động chăm
chút để chuyển ngữ và "chuyển" tâm hồn của nhiều dân tộc khác nhau
đến với bạn đọc Việt Nam. Người dịch, nhà văn Đào Minh Hiệp cho biết: Chỉ đọc
các tác giả nổi tiếng thì không kể, nhưng nếu muốn phát hiện ra tác giả mới,
sách mới, mà hay, thì buộc phải đọc rất kỹ, rất nhiều. Để kết thúc bài này, tôi
xin mượn lời một nhà báo đã viết: "Qua tác phẩm văn học dịch, chúng tôi
hiểu biết thêm về thế giới... Cái sự "hiểu biết thêm" ấy được gửi gắm
vào một số dịch giả, nhiều khi biết tác phẩm do dịch giả mình tin cậy dịch là tìm
mua, mua không được thì tìm mượn. Sự tin cậy ấy có được trước hết là ở dịch
giả, bởi họ là người có khả năng phát hiện và dịch tác phẩm trên nền tảng một
"phông" văn hóa rất đáng kính trọng. Nói cách khác, dịch giả đã vừa
tìm hiểu kỹ lưỡng về tác giả, vừa "nhập thân" vào nền văn hóa đã khai
sinh ra tác phẩm, từ đó làm cho tác phẩm văn học dịch có thể tồn tại như một
"sinh thể" trong một môi trường văn hóa khác".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét