Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Sầu thiên thu

Sầu thiên thu
Cuối năm 1885, vua Hàm Nghi rời Ấu Sơn ra Quy Đạt rồi đến làng Ba Vương. Trong đoàn tùy tùng có Trương Quang Ngọc cùng đạo quân Mường khoảng 200 người, nhiều trận đánh ác liệt diễn ra dưới chân núi Lập Cập khiến quân Pháp thất bại nặng nề.
Đến giữa năm 1886, quân Pháp tăng viện. Quân Mường do Trương Quang Ngọc chỉ huy, nép sau những lũy tre bắn ra rất dữ, Pháp bị tổn hại nhiều. Nhưng vì quân đơn súng ít, Quang Ngọc không dám ham chiến, đem vua chạy sang núi Ma Rài. 250 quân của thiếu tá Pelletier và đại úy Parreaux vẫn truy kích luôn trong ba tuần, và đã đụng độ nhiều lần với đội quân hộ giá. Trận đánh ác liệt nhất diễn ra tại Trại Na vào cuối tháng Giêng năm 1885. Quân Pháp vừa đánh thẳng, vừa bọc hậu, khiến đoàn ngự đạo bỏ chạy tán loạn. May nhờ một lính người Mường cõng vua chạy thoát, nhưng gạo, đồ đạc và ngay cả con ngựa cũng phải bỏ lại.…                                      
Trương Quang Ngọc cùng đám thuộc hạ vượt qua lũy Thửa thì trời đã canh ba. Trăng hạ tuần nhợt nhạt hắt ánh sáng qua những lùm cây bụi lúp xúp ven đồi trông xa như những bóng ma ngồi xõa tóc. Băng qua khu vườn hoang mọc đầy chuối rừng và dứa dại, bọn họ lần lượt theo lối tắt tiến đến con đường chính qua làng Ấu Sơn. Đến đầu làng, Trương Quang Ngọc ra hiệu cho đám thuộc hạ dừng lại rồi khẽ nói với phó tướng:
- Ngươi dẫn các anh em vượt dãy Ấu Sơn về hợp quân với tướng Tôn Thất Thiệp đợi lệnh đức vua. Ta ghé qua chỗ này một chút rồi đuổi theo sau.
  Đi theo Trương Quang Ngọc đã lâu, viên phó tướng hiểu rõ nỗi bận tâm trong lòng chủ tướng. Người con gái mà Trương Quang Ngọc đem lòng yêu thương bấy lâu vẫn còn ở lại trong ngôi làng này. Viên phó tướng cúi đầu nhận lệnh rồi vội vã dẫn quân đi. Trương Quang Ngọc rẽ vào con đường mòn mờ nhạt dưới ánh trăng dẫn đến ngôi nhà nhỏ nằm nép dưới lùm cây cọ. Ông khẽ lấy chuôi kiếm gõ ba tiếng một vào cái đõ ong bỏ không treo lủng lẳng đầu hè. Từ trong nhà có tiếng chân người vội vã, rồi ngọn đèn dầu trẩu được thắp lên. Một người đàn bà còn khá trẻ cầm đèn chống bức phên nứa bước ra, chị thoáng ngạc nhiên khi thấy người đàn ông cao lớn cầm cây kiếm đứng im lìm trước mặt:
- Sao chàng đến vào giờ này?
- Ta dẫn quân đánh lạc hướng giặc Pháp để đoàn ngự đạo rút về bên châu Tuyên Hóa. Tiện đường ghé qua đây.

Nghi xuống chiếu Cần Vương, nhân dân quanh vùng đều hăng hái tham gia tụ nghĩa, chị cũng đem những bài thuốc của cha truyền lại để cung cấp cho nghĩa quân. Mấy hôm nay nghe tin Pháp đưa quân đánh vào làng Chà Mạc, lòng chị nóng như lửa đốt.
- Quân ta phải rút lui sao?
Trương Quang Ngọc nén tiếng thở dài. Ông bước vào nhà, lặng lẽ ngồi xuống chiếc chõng tre kê bên chái bếp. Giờ lâu, ông khẽ nói:
- Quân giặc quá đông, hỏa lực rất mạnh, ta chống đỡ không nổi. Người chết nhiều không kể hết, số còn lại vừa đánh vừa chạy.
- Giờ chàng tính sao?
Trương Quang Ngọc ngước nhìn thiếu phụ đang loay hoay nhóm lửa, vóc dáng hao gầy làm ông không khỏi xót xa. Từ khi cuộc Cần Vương bắt đầu ở vùng sơn cước này, trai tráng hầu hết gia nhập nghĩa binh, làng xóm chỉ còn đàn bà trẻ nhỏ vừa vất vả cày cấy kiếm ăn vừa dắt díu nhau chạy loạn. Không ai biết ngày mai sẽ ra sao.
- Ta cũng không biết nữa. Từ trận Ba Vương, trận Cửa Khe đến trận Trại Na, quân ta đều chống đỡ kiên cường nhưng thế lực ngày càng suy yếu. Đạo quân Mường của ta trước đây mười phần giờ không còn lại được hai ba. Ta thật sự đã quá mệt mỏi với cuộc chiến này. Thu Liên, ta chỉ muốn vứt bỏ tất cả để cùng nàng đi đến một nơi thật xa, nơi không có thù hận cũng không có chiến tranh, chỉ cần hai ta bên nhau sống bình an là đủ. Hãy đi với ta được không?
Đây không phải lần đầu tiên Trương Quang Ngọc nói với chị điều này. Mười năm trước vào một buổi chiều hè nhạt nắng, khi chị đang mải mê hái thuốc bên khe núi thì một con thỏ trắng bị thương đột ngột từ đâu lao đến nhảy vào nấp trong gùi. Chị chỉ vừa kịp bế nó lên thì một đoàn người ngựa cung nỏ từ đâu rầm rập lao tới. Dẫn đầu là một chàng trai cao lớn, làn da ngăm đen và đôi mắt sáng ngời dưới vầng trán được bịt bằng chiếc khăn thêu hai cánh chim ưng của tù trưởng. Nhìn thấy người con gái đang hoảng hốt ôm lấy con thỏ con run rẩy, chàng xuống ngựa bước lại gần, khẽ nói:
- Đưa đây.
Cô gái trẻ lùi lại một bước:
- Không.
Chàng trai mỉm cười:
 - Ta không nói con thỏ. Đưa chiếc gùi đây rồi lên ngựa cùng ta để về. Trong rừng trời sập tối rất nhanh, nguy hiểm lắm.
Bấy giờ chị mới thảng thốt nhìn quanh, thì ra vì mải kiếm cây thuốc cha dặn mà chị quên mất mặt trời sắp lặn. Chị im lặng đỡ lấy con thỏ rồi mang gùi trên vai quả quyết bước đi. Biết không thuyết phục được cô gái trẻ, Trương Quang Ngọc dắt ngựa chậm rãi đi theo sau lưng nàng đến khi ra khỏi cửa rừng. Đợi đến khi bóng nàng khuất sau lối rẽ vào làng Ấu Sơn, Trương Quang Ngọc mới dẫn đoàn tùy tùng lên ngựa trở về Tuyên Hóa.
Lần đó chị không đi cùng Trương Quang Ngọc. Cả sau này, khi mối lương duyên giữa hai người bị mẹ cha ngăn cấm, chị vẫn không trốn đi cùng chàng. Hơn một trăm năm trước, có một người thầy thuốc họ Phạm được mời sang Tuyên Hóa chữa bệnh cho tù trưởng họ Trương nhưng không hiểu sao mới uống xong thang thuốc đầu tiên thì bệnh nhân đột ngột qua đời. Nhà họ Trương liền kiện thầy thuốc tội mưu sát khiến ông bị tống giam trong ngục rồi không chịu được oan khiên mà thắt cổ tự vẫn. Người thầy thuốc đó là cố nội Thu Liên. Sau đó, hai nhà họ Phạm và họ Trương coi nhau như kẻ thù không đội trời chung, cách một dãy núi nhưng không bao giờ giáp mặt. Thế nhưng mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ không ngăn được tình yêu nảy nở giữa chàng trai và cô gái sau lần tình cờ gặp nhau nơi chân núi Ma Rài. Đến khi biết được chuyện này, cha Thu Liên giam chị trong nhà, thề sẽ giết bất cứ người nhà họ Trương nào dám đặt chân đến bên này dãy Ấu Sơn. Trương Quang Ngọc bất chấp tính mạng qua gặp chị muốn hai người cùng trốn đi, nhưng chị biết mình mãi mãi không thể bước qua lời nguyền dòng họ.
Bên ngoài chợt có tiếng một con cú đêm kêu lên thảng thốt. Thu Liên dứt mình khỏi những kí ức xa xăm của một thời tuổi trẻ, chị khẽ nhìn sang người đàn ông dáng dấp phong sương đang ngồi trầm ngâm như pho tượng.
 - Chàng có thể đi được sao?
Trương Quang Ngọc khẽ nhíu mày, vết sẹo của lần bị thương trong trận Cửa Khe nơi trán ông đỏ ửng lên giật giật.
- Ta đã thấy rất nhiều những người anh em thân thiết ngã xuống ngay trước mặt mà không thể làm gì được. Nàng có hiểu nỗi đau đớn đó như thế nào không? Bao giờ sẽ đến ngày đó đây - cái ngày chiến thắng cuối cùng mà chúng ta phải đổi bằng máu? Ta thấy hoang mang. Sau khi cha mẹ ta mất đi trong một trận càn của Pháp, ta chỉ còn lại chỗ dựa duy nhất trên đời là nàng thôi. Chiến tranh loạn lạc, dao súng vô tình, ai có thể biết trước được ngày mai sẽ ra sao.
- Thiếp không thể đi cùng chàng… Thu Liên nghẹn ngào thốt lên.
Trương Quang Ngọc đột ngột cúi xuống nắm lấy tay thiếu phụ, gương mặt không thể giấu nỗi đớn đau:
- Tại sao nàng mãi mãi từ chối ta như thế?
Thiếu phụ lấy hết can đảm để rút tay ra. Chậm một chút nữa thôi, có lẽ chị sẽ òa lên khóc, sẽ gật đầu nhận lời cùng chàng dứt áo ra đi. Người đàn ông trước mặt chị đang suy sụp. Chị ước gì có thể san sẻ gánh nặng quá lớn trên vai chàng:
- Để thiếp nắm cơm cho chàng mang theo.
Trương Quang Ngọc vụt đứng dậy bước ra ngoài. Trăng đã lặn từ lâu, mảnh sân nhỏ ngập đầy sương trắng. Đây đó tiếng gà rừng thưa thớt gáy. Ông quay lại rút con dao nhỏ sáng loáng mang bên người trao cho thiếu phụ:
- Đây là vật ta vẫn hằng mang theo từ khi còn nhỏ. Nàng hãy giữ lấy để hộ thân.
Người đàn ông quả quyết bước đi, bóng dáng mờ dần trong sương mù và cây dại, để lại sau lưng thiếu phụ lặng lẽ lau nước mắt. Từ khi đi theo vua Hàm Nghi, nhà họ Phạm và họ Trương gạt qua thù hận, cùng đồng lòng phò trợ đức vua đánh giặc cứu nước. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, vì bị thương nặng trong một trận đánh cha chị đã trao lại cho chị phương thuốc bí truyền, dặn chị dù là phận nữ nhi cũng phải dốc hết lòng vì nước. Cả một vùng thượng du này chỉ có cha chị là thầy thuốc duy nhất, giờ đây chị là truyền nhân cuối cùng. Cuộc chiến còn kéo dài, chị lẽ nào có thể cùng Trương Quang Ngọc bỏ đi.   
                                                        
Qua tháng Giêng năm Mậu Tý (1888), viên đại tá người Pháp coi đạo quân ở Huế ra Quảng Bình, rồi chia quân đi tuần tiễu. Biết tin giặc Pháp sắp càn lên, khắp châu Tuyên Hóa nghĩa quân ngày đêm ra sức chuẩn bị phòng thủ. Vua Hàm Nghi hầu như ngày đêm không nghỉ. Bên cạnh nỗi lo chống giặc, người còn canh cánh một nỗi lo khác. Có tin tức mật báo về cho hay hiệp quản Trương Quang Ngọc, vị tướng đắc lực vẫn lãnh đạo lính Mường đi theo phò tá ngài mấy năm nay hình như đang dao động. Thậm chí có tin Trương Quang Ngọc đã gặp gỡ Nguyễn Đình Tình, viên suất đội vừa ra đầu thú ở đồn Đồng Cá và nhận gạo muối từ ông ta. Tình thế nguy cấp, tướng Tôn Thất Thuyết cùng đề đốc Trần Xuân Soạn sang Trung Quốc cầu viện vẫn không có tin tức gì. Nhà vua biết mình phải tự quyết định. Người cho gọi Trương Quang Ngọc vào gặp.
Trương Quang Ngọc đến nơi ở của đức vua tại khe Tá Bào, cung kính hành lễ. Đức vua lệnh cho hai tướng hộ vệ Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm ra ngoài, người muốn một mình nói chuyện.
- Ta nghe nói gần đây khanh không được khỏe?
- Đa tạ bệ hạ. Thần giận mình không may bị ốm nên không thể dốc hết sức phò trợ người trong lúc cấp thiết này.
- Bệnh của tướng quân phải chăng từ trong tâm mà ra?

Trương Quang Ngọc giật mình liếc trộm đức vua. Nhà vua trẻ nhìn lại Trương Quang Ngọc, ánh mắt thấu suốt và điềm tĩnh. Khi cùng Tôn Thất Thuyết rời kinh đô Huế, nhà vua mới chỉ là một đứa trẻ mười ba tuổi. Nhưng mấy năm qua, người đã được tôi luyện trong trận phong ba, vượt qua muôn vàn hiểm nguy, đói khát, bệnh tật nơi rừng thiêng nước độc để đủ sức gánh vác trên vai trọng trách lãnh đạo muôn dân giành lại giang sơn. Lẽ nào nhà vua đã biết được chuyện gì rồi chăng? Trương Quang Ngọc cảm thấy không thể trốn tránh trước cái nhìn chiếu rọi tâm can mình. Ông đã nguyện trung thành theo vua hộ giá từ khi người mới lên đây, nhưng càng ngày, ông càng nhận thấy hình như họ đang theo đuổi hai con đường khác nhau.
 - Tâu bệ hạ, quả thật thần có hơi lo lắng trước thế giặc quá mạnh. Người Pháp có quân đông, có súng đạn, nghe nói còn có tàu chiến đậu ngoài biển có thể bắn xa ngàn vạn thước. Chúng ta mấy năm qua bị vây khốn ở vùng núi này, lương thực cạn kiệt, quân số hao tổn. Thần e rằng không thể chống đỡ nổi.
- Nếu chưa đánh đã sợ, chẳng phải tự nhận lấy phần thua sao.
Trương Quang Ngọc lấy hết can đảm nhìn thẳng vào đức vua:
- Cho phép thần trộm hỏi, bệ hạ nghĩ chúng ta có thể thắng được không?
Câu hỏi xoáy vào lòng nhà vua trẻ như mũi dao đâm thấu ngực. Người đã bao nhiêu lần hỏi đại thần Tôn Thất Thuyết câu này, khi mới xuất bôn ra Quảng Trị, tại hành cung Tân Sở, hay ở sơn phòng Phú Gia. Ba năm kháng Pháp, tận mắt Người thấy bao nhiêu binh lính trung thành ngã xuống, bao nhiêu nghĩa sĩ lại cầm giáo mác tiếp bước đứng lên. Cuối cùng chúng ta có thắng được không? Nhà vua nói với Trương Quang Ngọc mà như nói với chính mình:
 - Dù ngoại bang có mạnh đến thế nào, người nước Nam chưa bao giờ cam chịu làm nô lệ. Nếu lần này chiến thắng, chúng ta sẽ giành lại giang sơn. Nhược bằng không may thất bại, cũng là một cách để chỉ cho con cháu chúng ta biết tìm con đường khác. Nhất định cuối cùng phải giữ được nước Nam. Trương Quang Ngọc, trẫm mong khanh vì nước mà hết sức dốc lòng, để tên tuổi còn lưu danh sử sách.
Trương Quang Ngọc lặng lẽ nhìn đức vua trẻ. Phải. Người là vua của một nước. Người đang gánh trên vai sứ mệnh mà lịch sử trao gửi vào tay mình. Nhưng thần chỉ là một tên dân đen nhỏ nhoi, một ngọn cỏ tầm thường giữa cơn bão táp. Điều muốn hỏi, Trương Quang Ngọc không bao giờ dám hỏi. Trong dân gian vẫn đồn rằng, sau thất bại trận đồn Mang Cá, chính Tôn Thất Thuyết đã ép vua Hàm Nghi rời khỏi cung để xuất bôn chứ không phải chủ ý của Người. Trương Quang Ngọc ngập ngừng nói:
- Tâu bệ hạ, chúng ta có thể nghĩ đến một kế hòa hoãn với người Pháp được không?
Nhà vua chưa kịp trả lời Trương Quang Ngọc thì một cơn ho kéo đến. Người ôm ngực, thân mình gầy gò gần như gập xuống. Dứt cơn ho, nhà vua nhấp một ngụm trà, gương mặt trở lại vẻ bình thản như lúc đầu:
- Trẫm biết trong lòng khanh nghĩ gì. Nếu muốn hòa hoãn với người Pháp, ba năm trước ta đã không rời bỏ kinh thành để lên đây. Người ta không thể quay lại cái lồng đã nhốt mình, dù đó là cái lồng bằng vàng đi nữa.
Nhà vua ra hiệu muốn nghỉ, Trương Quang Ngọc cúi đầu lạy tạ rồi bước ra. Vừa ra khỏi con dốc, ông tình cờ gặp hai cận vệ của vua vội vã dẫn một người lạ đi vào. Người đó mặc quần áo chàm của lính, chân quấn xà cạp, khăn sụp xuống che kín mặt. Dù chỉ lướt ngang qua nhưng dáng đi quen thuộc quá khiến Trương Quang Ngọc dừng lại băn khoăn. Thu Liên, chẳng lẽ là nàng sao?
Trương Quang Ngọc không nhìn nhầm, người vừa được vua Hàm Nghi triệu vào chính là Thu Liên. Đã mấy tháng nay, mặc dù cố sức chống chọi nhưng bệnh ho của nhà vua ngày càng nặng. Quan ngự y đi theo sau khi đã tìm hết mọi cách, liền xin đức vua cho gọi truyền nhân của danh y họ Phạm nổi tiếng ở vùng thượng du vào. Người đó đang cẩn trọng bắt mạch cho đức vua.
- Bệnh của ta thế nào khanh cứ nói thật đi.
Thu Liên không dám ngẩng đầu lên nhìn đức vua. Nếu không có chiến tranh tao loạn, có lẽ cả đời thường dân như chị nằm mơ cũng chẳng nghĩ đến một ngày được diện kiến mặt rồng. Nhưng bây giờ đức vua đang ở đây, trong căn nhà lá rách nát bốn bề giữa vùng núi non hoang vu này, với một đội quân tràn đầy tinh thần yêu nước nhưng ngày càng kiệt quệ.
- Tâu bệ hạ, người bị ho đã lâu chưa?
- Đã hơn một tháng nay, mỗi lúc một nặng, có khi còn thấy máu.
- Muôn tâu, người vốn bị cảm nhiễm phong hàn nhưng do không được chữa trị kịp thời nên khí độc đã đi vào ngũ tạng. Thần sẽ kê cho người một đơn thuốc có thể đẩy lùi cơn ho. Nhưng để dứt được bệnh thì quan trọng nhất là phải nghỉ ngơi và bồi bổ cơ thể.
Thu Liên nói đến đó rồi đột ngột dừng lại. Lần đầu tiên, chị dám ngẩng đầu lên nhìn đức vua và bỗng thấy lòng đau xót. Người còn quá trẻ, gương mặt xanh xao hốc hác, đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ. Chị từng nghe Trương Quang Ngọc kể có khi hàng tháng nghĩa quân bị vây khốn trong rừng, đức vua cũng chỉ mỗi ngày ăn một bữa rau rừng và uống nước suối như mọi người lính khác. Giọng chị nghẹn lại:
- Xin bệ hạ cố giữ gìn long thể, công cuộc Cần Vương trông cậy vào người.
Vua Hàm Nghi mỉm cười:
- Khanh yên tâm, dù chỉ còn một hơi thở ta cũng sẽ dốc lòng chiến đấu, không phụ những người đã vào sinh ra tử cùng ta.
Thu Liên về làng Ấu Sơn thì trời đã xế chiều. Trong bóng hoàng hôn chạng vạng, chị ngạc nhiên thấy Trương Quang Ngọc đang ngồi đợi trước thềm.
- Thiếp tưởng chàng không quay lại nữa?
- Ta nhớ nàng.
Ngày xưa Trương Quang Ngọc vẫn nói thế mỗi khi đường đột vượt núi sang thăm người con gái mình yêu. Câu nói cất lên từ thuở tóc còn xanh, bây giờ vẫn vẹn nguyên khi trên đầu hai người đã bắt đầu sợi bạc. Thu Liên ngẩng lên nhìn bầu trời sẫm tối, những cánh chim mệt mỏi trôi lạc giữa không trung.
- Hôm nay nàng đi đâu?
Thu Liên im lặng. Trưa nay ở con dốc dẫn vào nơi đức vua ngự, chị đã nhìn thấy Trương Quang Ngọc ngang qua. Mặc dù đã cải trang rất kĩ theo lời dặn dò của những người lính cận vệ nhưng có lẽ không qua nổi mắt chàng. Chị không muốn giấu Trương Quang Ngọc điều gì, nhưng đức vua đã dặn bệnh tình của Người là việc cơ mật, tuyệt đối không được tiết lộ cho bất kì ai. Chị ngập ngừng nói:
- Thiếp vào núi tìm cây thuốc.

Trương Quang Ngọc thở dài:
- Đến nàng cũng không tin ta nữa phải không? Bao năm qua dẫu ta đã liều mình chinh chiến, những người bên cạnh nhà vua vẫn nghi ngờ ta. Họ sợ ta lập công với vua rồi cướp chỗ của họ. Giờ họ lại ngờ ta thông đồng với giặc Pháp. Ta đã đổ máu vô ích sao.
Thu Liên bật khóc:
- Chàng đừng nói thế. Chiều nay thiếp được triệu vào để khám bệnh cho đức vua. Người rất yếu nhưng vẫn cố sức chống chọi. Người vì nước mà rời cung đến nơi rừng thiêng nước độc này chịu bao gian khổ. Chúng ta sao có thể phụ lòng Người. Xin chàng đừng hỏi gì thêm nữa.
- Ta sẽ không hỏi nếu nàng không muốn nói. Đã bao giờ ta ép nàng điều gì đâu.
 Thu Liên nắm lấy bàn tay chai sạn của người đàn ông đang cầm trên đốc kiếm. Trương Quang Ngọc buông rơi cây kiếm, siết chặt lấy bàn tay bé nhỏ của nàng.
- Thiếp sợ lắm…
- Ta cũng thế…
 Trương Quang Ngọc về trại thì trời đã tối hẳn. Chưa kịp nghỉ ngơi thì quân lính báo bắt được một người lạ đột nhập vào sân trại.
- Dẫn vào đây.
Người lạ mặt bị trói giật cánh khuỷu đẩy vào ngã chúi. Trương Quang Ngọc bước lại, thảng thốt nhận ra suất đội Nguyễn Đình Tình, kẻ vừa đầu thú ở đồn Đồng Cá. Nguyễn Đình Tình với Trương Quang Ngọc là chỗ quen biết lâu năm. Trước đây hắn từng chỉ huy một cách quân chiến đấu bên cạnh vua Hàm Nghi, nhưng sau này không chịu được gian khổ liền đem quân ra hàng Pháp. Nguyễn Đình Tình hiểu rõ tính cách của Trương Quang Ngọc, liền nhận lời người Pháp đột nhập vào đồn Chà Mạc để dụ hàng.
- Các người ra ngoài cả đi. Chuyện này chớ có tiết lộ cho ai.
Quân lính vâng lệnh bước ra, Trương Quang Ngọc bước lại gần Nguyễn Đình Tình.
- Sao ngươi lại dám đến đây?
- Ta mang theo khẩu dụ của Hoàng Thái Hậu.
Trương Quang Ngọc bật cười ha hả:
- Đừng có khoác lác nữa. Một kẻ đào tẩu như ngươi không bị chém đầu là đã may còn dám quay lại đây ba hoa với ta. Ngươi có tin ta một nhát kết liễu đời ngươi không.
Nguyễn Đình Tình cười ngạo nghễ:
- Người sắp chết là ông chứ không phải là tôi. Quân Pháp sắp càn lên rồi ông biết chưa, một dúm quân rách rưới của ông định chống chọi kiểu gì. Hơn nữa tôi còn biết điều này, có lẽ ông không hay biết, bệnh tình nhà vua đã nặng lắm rồi, có khi không qua khỏi mùa đông này đâu. Nhà vua chết, Cần Vương cũng tự khắc tan rã.
Trương Quang Ngọc không khỏi giật mình. Tại sao chuyện cơ mật này lại bị tiết lộ ra ngoài. Lẽ nào bên cạnh đức vua có nội gián. Nguyễn Đình Tình ngồi thẳng dậy đàng hoàng:
 - Tôi không phải kẻ phản bội, mà là kẻ thức thời. Nhà vua cần được đưa về kinh để chữa trị, chỗ của người không phải ở đây. Hoàng Thái Hậu biết ông là chỗ dựa tin cẩn của đức vua bấy lâu nay ở vùng thượng du này, lệnh cho ông tìm cách đưa nhà vua trở về. Mọi việc sau đó triều đình sẽ thu xếp.
Trương Quang Ngọc không giấu được vẻ khinh bỉ:
- Ta chẳng việc gì phải tuân lệnh triều đình nào. Ta chỉ phò tá đức Hàm Nghi.
Nguyễn Đình Tình cười lớn:
- Ông phò tá đức vua hay đang đẩy người vào chỗ chết? Hãy nhìn xem ba năm qua ông làm được gì hay chỉ khiến hàng nghìn binh lính bỏ mạng và hàng vạn dân đen chạy loạn mà thôi. Đức vua liệu có thể cầm cự lâu hơn nữa hay không.
- Đó là con đường nhà vua đã chọn - Trương Quang Ngọc đáp.
Nguyễn Đình Tình lắc đầu:
- Ông sai rồi. Nhà vua chỉ là một đứa trẻ mà thôi. Ngày xưa khi bị Tôn Thất Thuyết ép rời cung, chính người cũng không đồng ý. Chuyện đó ai chẳng biết. Sau này người dần dần nghe theo Tôn Thất Thuyết để kêu gọi Cần Vương, phản đối việc hợp tác với người Pháp. Nhưng giờ Tôn Thất Thuyết ở đâu? Không ai biết. Nhà vua đã mất đi chỗ dựa. Nếu giờ ông đưa được đức vua về kinh, vừa cứu được Người khỏi cái chết do bệnh tật, vừa đem lại hòa bình cho vùng thượng đạo này. Nhà vua sẽ nhận ra tấm chân tình của người Pháp ngay thôi. Một quyết định của ông lúc này sẽ làm chuyển xoay lịch sử, cứu được hàng vạn người trong đó có cả nhà vua. Trương Quang Ngọc, ông là người uy dũng, hiểu biết, chớ thấy ngõ cụt mà vẫn đâm đầu vào.
Nguyễn Đình Tình đi khỏi, tảng đá đè trĩu lên trái tim Trương Quang Ngọc lại càng trĩu nặng. Nỗi lo sợ ám ảnh bấy lâu nay lớn dần lên khi ông đã nhìn thấy trước thất bại không thể tránh khỏi của cuộc Cần Vương. Nhà vua nói đúng, rồi một vận hội mới sẽ đến, người nước Nam sẽ giành lại được nước Nam. Nhưng kiếp người ngắn ngủi như con thiêu thân phải chết trước lúc bình minh, không thể lấy sinh mạng nhỏ nhoi chuyển vần bánh xe lịch sử, đành cam chịu để nó cuốn theo nghiền nát thành cát bụi. Trời xanh thăm thẳm, sao lại sinh ra ta vào chính lúc này.
Ta sẽ kết thúc tất cả chuyện này. Sẽ không còn ai phải bỏ mình nơi rừng thiêng nước độc. Không còn ai phải mòn mỏi tựa cửa đợi chờ. Không còn ai phải bừng bừng hi vọng dứt áo ra đi rồi chết trong bi phẫn. Một cánh cửa đóng lại. Chờ đến ngày sau một cánh cửa khác mở ra.
Sử cũ chép rằng ngày 26 tháng 9 năm Mậu Tý, Trương Quang Ngọc và suất đội Tình đem hơn hai mươi thủ hạ, lên vây khe Tá Bào là chỗ vua Hàm Nghi đóng. Đến độ nửa đêm, cả nhóm xông vào đâm chết Tôn Thất Thiệp, và bắt sống được nhà vua. Sáng ngày hôm sau, nhóm tạo phản đem nhà vua nộp cho đại úy Boulangier trông coi đồn Thanh Lạng. Quân Pháp giữ lời hứa rút về, phong Trương Quang Ngọc giữ hàm lãnh binh, các châu huyện vùng thượng đạo để thổ tù cai quản như cũ.
Mùa đông đến sớm trên dãy Giăng Màn. Trong sân đồn Thanh Lạng, những cây ngô đồng cổ thụ bắt đầu trút lá. Đã năm năm kể từ buổi tối cầm đầu nhóm tạo phản bắt vua Hàm Nghi, Trương Quang Ngọc hầu như không đêm nào ngủ được. Trái với suy nghĩ của ông, sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, phong trào Cần Vương không những không bị dập tắt mà còn được thổi bùng lên mạnh mẽ. Nhân dân thà đổi cái chết để giành lại tự do, còn hơn là sự yên bình giả tạo trong vòng nô lệ.
Lẽ nào ta đã sai rồi chăng?
Chợt có tiếng bước chân rất khẽ bên ngoài thư phòng, Trương Quang Ngọc chụp vội lấy cây nỏ. Rất nhiều người muốn giết ông để trả thù cho đức vua, tính mạng Trương Quang Ngọc lơ lửng như ngàn cân treo trên sợi tóc.
- Ai đó?
Lính canh cửa thưa lại:
- Dạ bẩm Trương tướng quân, bên ngoài cổng đồn có một người phụ nữ nói là người nhà của tướng quân từ làng Ấu Sơn sang đây xin gặp.
Trương Quang Ngọc khẽ nhíu mày, người làng Ấu Sơn, lẽ nào có tin tức gì của Thu Liên chăng?
- Người đó có nói tên gì không?
- Dạ bẩm, người đó tự xưng là Phạm Thu Liên. Lại có mang theo vật này nói là tín vật tướng quân từng gửi lại.

Trương Quang Ngọc sững sờ nhìn con dao nhỏ được người lính đưa vào. Con dao đã theo chân ông suốt thời trai trẻ, cán dao bằng sừng trên có khắc chữ Quang vẫn còn nhìn rõ, lưỡi dao ngời lên lạnh buốt. Đây là vật ông đã gửi lại nàng một buổi tối rất xa rồi, trước khi ông quyết định sẽ một mình rẽ sang con đường khác. Thu Liên, ta đã muốn quên nàng, sao giờ nàng lại đến tìm ta?
- Mau cho mời người vào.
Thiếu phụ lặng lẽ ngồi đối diện với Trương Quang Ngọc. Rất nhiều năm tháng qua đi, đôi mắt nàng vẫn nguyên vẹn cái nhìn buồn thăm thẳm ấy. Trương Quang Ngọc lên tiếng phá vỡ sự im lặng nén chặt trong căn phòng:
- Nàng gầy đi nhiều quá.
Thiếu phụ nở nụ cười yếu ớt. Lần cuối cùng họ gặp nhau cách đây đã năm năm, giữa năm năm đó là bao nhiêu biến loạn, chiến tranh, khói lửa, đớn đau và phản bội.
- Chàng cũng gầy đi nhiều.
- Nàng có oán hận ta không? - Trương Quang Ngọc cay đắng - Tất cả mọi người đều oán hận ta, khinh thường ta là kẻ phản bội nhục nhã, kẻ hám lợi mà tiếp tay cho giặc. Nàng có biết rằng ngày đó ta đưa vua Hàm Nghi cho người Pháp cũng chỉ vì muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chiến sắp đi vào ngõ cụt mà thôi.
Thiếu phụ trở nên buồn bã:
- Thiếp đã nghĩ rất lâu, rất lâu trước khi đến đây gặp chàng. Nếu như ngày đó thiếp đồng ý theo chàng bỏ đi đến một nơi thật xa, có lẽ cuộc đời chàng đã khác đi chăng? Có lẽ hôm nay chàng đã không phải sống trong sợ hãi như thế này chăng? Tướng quân Phan Đình Phùng bên căn cứ Vụ Quang đã hạ lệnh cho bộ tướng bằng mọi cách phải giết chàng để trả thù cho đức vua, chàng cũng đã biết tin này rồi phải không?
- Ta biết. Người người đều nguyền rủa ta là kẻ phản bội. Người người đều muốn giết ta. Không ai nhớ những ngày ta đã cùng nhà vua lăn lộn nơi rừng sâu nước độc, đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi và máu trên những cánh rừng này. Ta kiệt sức rồi. Chẳng lẽ ta mong ước một cuộc sống bình an cũng không được sao?
Thiếu phụ đột ngột nắm tay Trương Quang Ngọc:
- Chàng hãy trốn đi cùng với thiếp được không, ngay tối hôm nay. Nếu không sẽ muộn mất. Hai chúng ta cùng đi đến một nơi thật xa để làm lại từ đầu.
Đến lượt Trương Quang Ngọc rút tay ra:
- Nàng hãy quên ta đi. Ta đã đi nhầm đường rồi, muốn trở lại cũng không được nữa.
Thu Liên quay mặt đi để giấu giọt nước mắt đang tràn ra. Mấy ngày trước đưa thuốc lên căn cứ Vụ Quang, chị loáng thoáng nghe tin tướng quân Lãnh Thạc chuẩn bị tấn công đồn Thanh Lạng. Lòng chị rối như tơ vò. Dẫu biết không thể tha thứ cho Trương Quang Ngọc tội phản bội, nhưng sâu thẳm trong lòng chị không muốn ông phải chết. Giờ đây chị biết mình đã muộn, đối diện với chị không phải là chàng trai trẻ tuổi anh tuấn năm xưa mà là một người đàn ông đã chết trong cõi lòng rồi.
Tối 24 tháng Chạp năm 1893, Trương Quang Ngọc đang hút thuốc phiện thì chợt ngoài đồn có tiếng hò reo, tiếp một toán quân có đủ khí giới phá các cửa cùng sấn vào. Ông vội giật lấy cái nỏ, món khí giới sở trường, chạy ra toan chống cự thì trúng một viên đạn xuyên bả vai. Trương Quang Ngọc vừa ngã thì họ chạy đến, cắt lấy đầu và hò reo. Mất chủ tướng, quân trong đồn của ông không chống nổi, đều bị giết.
Lãnh Thạc phóng hỏa đốt đồn Thanh Lạng, bỏ thi thể Ngọc lại và xách đầu Ngọc đến treo ở túp nhà tại khe Tá Bào là chỗ vua Hàm Nghi ở trước đây. Mấy hôm sau người nhà mới dám đến lượm thi hài không đầu của Quang Ngọc và chôn ở cách đồn Thanh Lạng, chỗ ông bị giết, chừng vài trăm thước.
Rất nhiều năm về sau, người dân quanh vùng Ấu Sơn vẫn kể lại rằng, nếu ai qua lại dãy núi này vào những đêm trăng sáng vẫn thấy thấp thoáng xa xa một bóng ma không đầu ngồi than khóc. Phải chuẩn bị sẵn lấy vài cây thuốc nam phơi khô đốt khói lên huơ huơ phía trước thì bóng ma mới biến đi. Chuyện không biết thực hư thế nào nhưng người ta nói rằng mối sầu thiên thu ấy thì chỉ một người có thể hiểu...
Trần Thị Tú Ngọc 
Nguồn: Văn nghệ Quân đội
Theo http://vanvn.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...