Cô hái mơ - Thơ Nguyễn Bính,
… Tôi bắt đầu đi vào âm nhạc vào năm 1942 với bài
thơ Cô Hái Mơ của Nguyễn Bính do tôi phổ thành ca khúc. Cũng cần kể thêm một số
bài thơ khác của Huy Cận, Xuân Diệu… mà tôi phổ nhạc dở dang và bài Con Đường
Vui mà tôi cùng Lê Vy, một thanh niên rất giỏi nhạc ở Hưng Yên, soạn ra vào trước
và sau đó…
Bài Cô Hái Mơ là một trong những bài ca cải cách sơ khởi của
nền Tân Nhạc Việt Nam. Trong những năm 1943-1945, tôi có may mắn là người ca
sĩ đầu tiên đi khắp mọi nơi ở trong nước để biểu dương một số loại nhạc mới mẻ
và hấp dẫn so với những loại nhạc cổ đang đi vào quên lãng. Cô hái Mơ được phổ
biến trong dịp này…
CÔ HÁI MƠ
(Theo thơ Nguyễn Bính)
Thơ thẩn đường chiều, một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh mờ
Khí trời trong sáng và êm ái
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ.
Hỡi cô con gái hái mơ già!
Cô chửa về ư? Đường còn xa
Mà ánh chiều hôm dần sắp tắt
Hay cô ở lại về cùng ta
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương
Cô hái mơ ơi!
Không trả lời tôi lấy một lời.
Cứ lặng mà đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi.
Cô hái mơ - Thơ Nguyễn Bính
Nhạc Phạm Duy - Ca sĩ Hà Thanh
TÔI ĐI TÌM CÔ HÁI MƠ Ở CHÙA HƯƠNG
Ảnh trên đây là ảnh cô sơ nữ có lẽ thi sĩ Nguyễn Bính đã gặp
trong rừng mơ rồi cho chúng ta một bài thơ rất ngây thơ, trong sáng. Lúc thi sĩ
viết ra bài thơ Cô Hái Mơ, có thể là một ngày Xuân của những năm 1930… nhưng cô
gái là người Mường nên không hiểu thi sĩ nói gì? Cô không trả lời là đúng quá!
Năm 2003, tôi phải mò lên Động Hương Sơn để tìm nàng…
Xe hơi đưa chúng tôi đi Bến Đục để từ đó xuống thuyền chèo
vào Chùa Hương, thuyền trôi trên một dòng nước rất tròn gọi là Suối Yến.
Bến Đục bây giờ rất rộng lớn, khang trang, với hàng trăm con
đò nằm đợi khách. Vào ngày hội dân chúng chen nhau xuống thuyền, nhưng vào mùa
Hạ 2003 này, chỉ có hai nhóm khách du lịch, một là gia đình chúng tôi, hai là một
nhóm Tây Ba Lô. Tôi vui sướng lắm, vì xưa nay tôi rất tránh đi du lịch tại những
nơi đông người, hồi đi thăm Trung Cộng năm trước, tôi không thấy đền đài miếu
tượng gì cả, chỉ thấy đám đông, ồn ào và ồn ào.
Cảm giác đầu tiên khi tôi xuống thuyền, lúc thuyền rời bến,
đưa mắt ra nhìn chung quanh, tôi dường như đang lạc vào một cõi tiên.
Giống như khi xưa, Cao Bá Quát nói:
Giữa dòng đáy nước lồng gương
Đào Nguyên là đây! Nhưng ngày xưa, người Việt rất thực tế, đặt
tên cho những ngọn núi ở khu Đào Nguyên này là núi “mâm xôi”, là núi “voi phục”…
Trời mùa Hạ, dưới nắng trưa hừng hực, may mà tôi mặc quần áo
bà ba, lại cởi áo cho mát… tôi tận hưởng cái thú lướt trên sông (gọi Suối Yến)
nhúng khăn vào nước, rửa ngực, rửa mặt, chao ôi là mát mẻ…
Thuyền trôi tới nửa đường thì phải chui qua một chiếc cầu gọi
là cầu Hội. Ai cũng nghĩ rằng chiếc cầu có tên như vậy là vì nơi đây người ta
đón khách đi trẩy hội, nhưng thực ra, chiếc cầu này dẫn tới một làng lân cận có
cái tên là làng Hội Xá.
Vào ngày hội mùa Xuân, khi thuyền gặp nhau ở đây là khách trẩy
hội làm thơ để tặng nhau…
Rồi sau hai giờ đồng hồ trôi trên suối Yến, chúng tôi tới bến,
leo lên chùa ngoài gọi là chùa Thiên Trù… Nhưng chúng tôi không có ý định đi lễ
chùa, chuyến đi này là để đi tìm một rừng mơ mà thi sĩ đã nói trong bài thơ.
Gặp ai cũng nghe nói mùa này không phải mùa mơ, tôi ngồi nghỉ
chân tại cổng chùa ngoài (Thiên Trù), sau đó khi cố leo một quãng dốc…
… trong khi Duy Cường vào thăm gác chuông, thăm tổ đường của
chùa Thiên Sơn, rồi nhân hôm nay là ngày giỗ mẹ, thắp nén hương khấn mẹ.
Chùa ngoài có những khoảng rộng râm mát, sân lát gạch rộng
rãi, cây cổ thụ ngả nghiêng, giúp đỡ cho thân già được tỉnh táo sau những cuộc
leo trèo rất mệt nhọc…
…phải nằm bệt xuống phản gỗ nơi quán lộ thiên bên đường như
người chết rồi…
Nằm nghỉ ở quán bên đường, hỏi về rừng mơ thì được nghe bà chủ
nói:
“…Thưa ông, làm gì có rừng mơ rừng mận nào ở chung quanh đây!
Chả là khi xưa những người đi thăm chùa Hương phải leo nhiều dốc thì ai cũng mệt
mỏi và khát nước, người ở đây bảo họ cố gắng trèo đi nữa, sắp sửa tới rừng mơ rồi…tha
hồ mà ăn mơ để giải khát!”
Tôi thất vọng là thở dài: “Thế là mục đích của chuyến đi này
của tôi không thành, tôi không gặp được cô hái mơ!”
Tôi giật mình: “Muốn, muốn lắm chứ!”
Bà chủ quán, tuổi trạc sáu mươi, tìm tòi khá lâu trong các
ngăn kéo, lôi ra một bức ảnh nhỏ, rồi nói:
“Đây là ảnh tôi, do ông Võ An Ninh chụp cách đây hơn 40 năm…
Tặng ông đó!”
Đằng sau tấm ảnh có ghi tên người mẫu là cô Huệ, ảnh do nhiếp
ảnh gia nổi tiếng là Võ An Ninh chụp ngày 22 tháng 11 năm 1964. Trong ảnh, cô
Huệ này đang đứng trước vài cành hoa mơ… Biết đâu cô Huệ này chẳng là cô hái mơ
“bằng xương bằng thịt” trong bài thơ của Nguyễn Bính? Và tôi là người được thừa
hưởng cái gia tài quý báu này. Ha ha!
Thế là tôi mãn nguyện, xuống thuyền giã từ chùa Hương… Phải
chèo hai tiếng mới tới bến Đục để lên xe hơi về Hà Nội.
Chuyến đi chùa Hương để tìm cô hái mơ này rất thú vị. Tôi thì
được bức ảnh tuyệt vời, Duy Cường thì được biết thêm một thắng cảnh đệ nhất của
Việt Nam. Nếu có một chút buồn trong lòng cha con nhà này, thì đó là vì thấy cô
lái thuyền chở chúng tôi đi chơi suốt một ngày trời, cuối cùng chỉ lĩnh được có
một số tiền tương đương với một đô la mà thôi!. Hình như con trai tôi tặng cô
lái thuyền thêm một chút tiền tip.
Nguồn: Trích từ cuốn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét