Lưu Trọng Lư - Nhà văn
của khát vọng tình thương
Cách đây chưa lâu, trong khi cả nước cồn cào lo toan và đau xót trước cảnh tan
hoang bởi lũ lụt ở miền Trung, trên trang mạng Vanvn xuất hiện một thiên tiểu
thuyết của nhà văn Lưu Trọng Lư “Cầu sương điếm cỏ” (do nhà nghiên cứu văn học
Lại Nguyên Ân mới tìm thấy) viết về hậu quả cơn lũ lụt khủng khiếp ở Quảng Bình
năm 1935; và câu chuyện thương tâm nhà văn kể lại quanh số phận hai đứa trẻ bị
mất mẹ trong lũ phải lang thang tự kiếm sống, cùng với những cảnh đau lòng hiện
tại dường như cũng góp phần lay động lương tri xã hội- cái lương tri vốn bắt
đầu rệu rạo bởi những tiêu cực tràn lan khó kiểm soát… Lần đầu tiên được đọc
thiên truyện đó, tôi đã không chỉ một lần ứa lệ trước tấm lòng của nhà văn và
bồi hồi nhớ lại cảnh những bàn tay trẻ em dỡ ngói nóc nhà kêu cứu trên nước
trắng… Còn giữa những ngày nóng nực tháng 6 này, giữa cơn “địa chấn” của lòng
người trước chủ quyền Đất Nước bị xâm phạm trắng trợn, tôi đã bỗng nhớ đến một
bài thơ yêu nước Tây Ban Nha do chính nhà văn Lưu Trọng Lư đọc cho nghe, cách
đây hơn hai chục năm. Có mấy câu in hằn trong tâm trí tôi:Nếu tôi đã mở môi để ngợi ca Tổ quốc
Ngợi ca mặt sáng trong và dữ dội của Người
Mở đến nỗi đôi môi tôi xé rách
Thì vẫn còn đây lời nói của tôi …( Blax Đê Ôterô )
Nội dung bài thơ Tây Ban Nha trên và cái cách thể hiện nó của nhà văn Lưu Trọng Lư đã khiến tôi rung động sâu sắc. Đôi mắt ông long lanh ngấn lệ, giọng đọc tương phản với mưa thu buồn bã bên ngoài… Lúc đó, ai dám nghĩ rằng, người say đắm những vần thơ rực lửa kia lại là người đã từng ngồi trên một gác xép nghe mưa rơi: Mưa chi mưa mãi/ Buồn hết nửa đời xuân/ Mộng vàng không kịp hái, và để dành thi hứng của một thủ lĩnh phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật” cho những cuộc chia ly, những cuộc tìm kiếm vô vọng: Tiếng sóng vỗ trong giờ ly biệt/ Nghe vội vàng bi thiết bao nhiêu. Và cũng chính ông là người đã thâu tóm được một cách thần tình cái tâm trạng ngẩn ngơ tội nghiệp của cả một thế hệ trong bài thơ Tiếng Thu bất hủ. Nhiều người đã phân tích rất hay và thấu đáo về bài thơ đó. Nhưng theo tôi, chưa ai vạch ra được điều này: đằng sau bóng sương mù thổn thức và người cô phụ héo mòn là nỗi niềm khao khát tình yêu thương đồng loại của nhà văn, giữa một không gian thiếu vắng tình thương. Và đó cũng chính là sự “bi thiết” tận đáy lòng của một nhà văn nổi tiếng vì đa cảm và mơ mộng!
Suốt những chặng đường sáng tác sau đó của nhà văn, sự khắc khoải đến”bi thiết” của một người tự nhận “Ta: giang hồ một thi sĩ/ Dừng nghe tiếng gọi từ xoáy hồn ta” bao giờ cũng là Tình thương:
Đi giữa vườn nhân dạ ngẩn ngơ
Vì thương người lắm mới say thơ…
Cuộc sống gian nan đau khổ, “Quỷ, người lẫn lộn/ Tình nghĩa liêu trai” nhưng cũng chan chứa ân tình đáng trọng dường như lúc nào tìm thấy ở người thi sĩ vốn nhiều nước mắt này một sự ký thác sâu nặng :
Có hạt máu vùi thân cho đất sạch
Có tia nắng chiều muốn hoá kiếp ban mai…
Khi nhà văn Lưu Trọng Lư đã tìm thấy “Vòng quỹ đạo của thơ tôi” – cũng có nghĩa là tình yêu thương thường trực tìm được “địa chỉ ” để gửi gắm; hàng loạt tập thơ, tập tuỳ bút, bài báo, vở kịch ra đời dồn dập giống như một thứ “nhật ký tinh thần” của nhà văn. Trong thơ văn cũng như trong đời sống thường nhật, điều đáng yêu và đáng quý nhất ở nhà văn này là sự chân thành. Chân thành đến ngây thơ và cảm động. Ở ông, văn thơ và đời hầu như không có gì tách biệt. Khi ông nói rằng, ông nguyện làm “cây thông đứng hát/ Dâng trọn niềm vui cho tuổi trẻ lên đường”, thì chính ông cũng đã từng lăn lộn dưới mưa bom vùng tuyến lửa Khu 4 cũ, từng có mặt bên các chiến sĩ trận địa chốt biên giới phía Bắc, và đã từng đặt chân trên đỉnh Trường Sơn hàng tháng ròng để tìm lại vết chân những người lính giải phóng vượt “trọng điểm”- khi tuổi đã ngoài bảy mươi!
Ông yêu những vần thơ trong trẻo của cô thợ máy Lý Phương Liên đến nỗi, trong lúc ăn cơm ông cũng dừng đũa ngâm nga: “Buộc cánh anh/ Buộc cánh anh, cũng chẳng thành tình yêu…” Và khi biết Lý Phương Liên cùng người chồng là nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy bị hành “lên bờ xuống ruộng” bởi mấy câu trong bài thơ “Nghĩ về Thúy Kiều”, ông đã chảy nước mắt lo lắng xót xa… Kẻ viết những dòng này còn nhớ rõ cái lần được tháp tùng ông- lúc đó là Tổng thư ký Hội nghệ sĩ Sân khấu về thăm đoàn kịch nói ở Nam Định; trong bữa ăn trưa, giữa lúc hăng hái nhận xét về vở diễn mới của đoàn ông cũng kịp nhận thấy mâm cơm của các nghệ sĩ chỉ có rau, ông liền bưng cái đĩa thịt gà đãi khách duy nhất sang cho họ, khiến tất cả lặng đi nghẹn ngào…
Và đêm nay, giữa những con người
Tôi vẫn gửi thầm một tiếng thương trong trẻo
Bí quyết lớn nhất tạo cho nhà văn sức mạnh tinh thần để sống qua mọi nỗi cam go và dũng cảm viết phải chăng chính là “giữ mãi hồn thương”? Ông thương khóc cho “Bé Nga” ở Thanh Hóa bị bom Mỹ giết hại. Ông thao thức trằn trọc khi nghĩ tới những con người vô gia cư mà ông gọi là “Những cánh vạc trong đêm Niu Đenli”… Cả đời ông khao khát được “đi trong nghĩa tình không biên giới “. Cả đời ông băn khoăn vì “chữ thương chưa trọn”… Ông căn dặn các con: Và trên những tờ giấy trắng tinh
Con ghi lại những gì đời lặng thầm bỏ sót
Và những gì con người đã làm được
Cho con người!…
Không phải ngẫu nhiên mà ông yêu thích Maiakôvski – người đã từng viết những vần thơ bỏng lửa ném thẳng vào mọi ung nhọt của xã hội Xô-viết và khinh thường lũ “hoạn quan trữ tình”* cơ hội vốn chỉ quen nhấm nháp thú buồn vui bé nhỏ lạc lõng… Trong những năm cuối đời, mạch thi hứng của nhà văn vẫn giữ được sự hồn nhiên, say đắm, ngỡ ngàng của thuở hoa niên, đồng thời lại vươn tới sự khái quát sâu sắc và trầm tĩnh về chính đời mình, về những chặng đường lịch sử của dân tộc. Không hiếm những lúc “Trong đêm đen tắt phụt ngọn đèn/ Mặc cho số phận từng cơn lửa chớp”, nhưng ông luôn tự trăn trở vượt qua bao dằn vặt để “Bình minh đến với một tiếng đàn trong trẻo nhất”. Trên giường bệnh, nhà văn vẫn căm cụi viết không kể ngày đêm… ông không mệt mỏi thể hiện sự trân trọng đối với tài năng của tuổi trẻ, cổ vũ tình yêu thương giữa con người với con người, đức hy sinh vì nghĩa lớn…
Ôi! Bé bỏng một tấm thân người
Một chiếc thuyền nan bồng bềnh giữa hai bờ sống chết.
Có nỗi thương của Jêsu, có nước mắt của Phật
Và trên tay áo này,
Trên tay áo này
Những giọt đau!
Những giọt đau!
Của mẹ, của em của những bọt bèo số phận
Khi cuộc sống của nhà văn chỉ còn tính bằng những giây phút cuối cùng, một cô y tá đề nghị ông làm thơ, ông đã thốt lên những lời sau rốt: “Vô ích”- tổng kết toàn bộ “triết lý tình thương” và khát vọng tình thương mà ông theo đuổi trọn đời: “Vô ích!/ Không ai giữ nổi ta hết!/ Ta đi tìm người ta yêu/ Cứu nhân của đời ta…” Phải, tất cả là vô ích, là vô phương cứu chữa nếu như con người sống nguội lạnh tình thương! Cuộc sống sẽ là vô nghĩa, là bãi sa mạc khủng khiếp khi tình thương trở thành thứ để mua bán, đổi chác!…
Nguyễn Anh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét