Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

Một thoáng nhớ về Mai Trinh Đỗ Thị

Một thoáng nhớ về Mai Trinh Đỗ Thị
Tôi gặp Mai Trinh Đỗ Thị vào một buổi sớm mai khi trời còn chập chờn giữa tàn đêm và chớm rạng đông. Lúc ấy tôi cảm thấy hình như mình bị choáng váng trước người thiếu nữ có sắc đẹp liêu trai hoang đường, sắc đẹp phảng phất nét trung cổ Tây phương, nhất là đôi mắt, không biết Người Sơn Tây của Quang Dũng mắt đẹp đến chừng nào, nhưng đôi mắt của người thiếu nữ trước mắt tôi chứa đựng cả “một trời viễn xứ khôn khuây”. Đó là một buổi sáng của năm 1977. Nếu chỉ có buổi sáng ấy thôi, không bao giờ gặp lại người thiếu nữ ấy nữa chắc tôi sẽ có một trang vàng trong cuộc đời của mình. Thế nhưng, tôi đã gặp lại, có vẻ như là một trò đùa tai quái của thượng đế an bài bắt đầu. Thay vì một trang vàng, tôi có một trang đời với đầy đủ hương vị của cuộc đời.
Chỉ gặp lại lần thứ hai trong một đêm thơ ở Hội Văn nghệ, tôi được biết nàng thiếu nữ có đôi mắt sắc như dao cau ấy tên là Đỗ Thị Mai Trinh, con gái nhà văn Hoàng Ly, tác giả của những bộ tiểu thuyết đường rừng kỳ lạ thuở còn là học sinh tôi rất thích đọc. Hình như bao nhiêu huyền bí, hoang dại của núi rừng Việt Bắc thường được nhà văn Hoàng Ly miêu tả trong tác phẩm của ông tích tụ nơi người con gái tôi nghĩ là đã thừa hưởng trọn vẹn “gen” của ông; chính bởi thế, ngay lần gặp đầu tiên tôi đã như hớp phải bùa ngải rừng thiêng, quên đi nhân vật thứ hai luôn xuất hiện bên cạnh nàng, nhân vật này không “vai năm tấc rộng thân mười thước cao” nhưng lù lù như Quách Tỉnh đứng cạnh Hoàng Dung chàng chính là chủ nhân Động Hoa Vàng: Phạm Thiên Thư. Tuy có hơi bất ngờ nhưng vốn có cảm tình với Phạm Thiên Thư nên tôi kịp tỉnh hồn đúng lúc. Có một điều làm tôi ân hận là sau khi trở thành bạn khá gần gũi với vợ chồng Phạm Thiên Thư, thường xuyên gặp gỡ tôi cảm thấy tựa như mình vừa mất một cái gì, mơ hồ nhưng có thật. Đó chính là ánh mắt thăm thẳm đã nhìn tôi một buổi sáng năm nào. Thật lạ lùng, cũng đôi mắt ấy bây giờ như rừng hết sương mù, núi vắng mây. Những lo toan của cuộc sống đã làm cho ánh mắt ấy hao gầy. Một ý nghĩ ích kỷ bất chợt lóe lên: nếu đừng gặp lại, đừng quen biết có phải tôi giữ mãi được trong ký ức ánh mắt hoang đường ẩn hiện sương khói vùng Thập Vạn Đại sơn…
Nhưng cuộc đời vẫn bước về phía trước, cuốn theo tất cả những gì trên đường nó đi. Một hôm tôi đang ngồi lai rai với Phù Hư, Trương Đạm Thủy và Hoàng Linh (con trai của nhà văn Hoàng Ly) chợt có người bước đến, người còn xa nhưng hương thơm đã ngạt ngào như chúng tôi đang ngồi bên khóm dạ lan hương, ngước nhìn lên tôi chợt thấy Mai Trinh Đỗ Thị, nàng tặng tôi tập thơ “Tám tác giả đi tìm nhân vật”. Hoàng Linh nhìn chị mình nói đùa: Tám tác giả đi tìm… tác phẩm. Bị em trai đùa dai nhưng Mai Trinh không giận, tôi mời nàng cùng ngồi nhưng Mai Trinh cáo từ vì nàng đang ngồi chung với mấy người bạn ở bàn khác. Tôi ngạc nhiên không thấy Phạm Thiên Thư cùng đi, theo Mai Trinh có mấy gương mặt có thơ in trong tập thơ “Tám tác giả” nàng vừa tặng tôi. Tôi thắc mắc hỏi Hoàng Linh cậu ta chỉ nhún vai. Tôi cảm thấy bâng khuâng tiếc tiếc, người thiếu nữ có vóc dáng liêu trai tôi biết những năm về trước bây giờ đẫy đà, cũng bia bọt như đàn ông, nàng đã bước một bước từ Đỗ Thị Mai Trinh thành Mai Trinh Đỗ Thị. Tôi nốc cạn ly bia chia buồn với chính mình.
Một lần khác, tôi đang ngồi nhâm nhi cà phê với Huy Tưởng thì Mai Trinh đi qua, tôi mời nàng cùng ngồi uống. Mai Trinh cho biết nàng vừa viết xong một cuốn tiểu thuyết đầu tay có tựa đề “Chuông gọi hồn”. Tuy cái tựa giống tựa một tác phẩm của tác giả Mặt trời vẫn mọc nhưng tôi không muốn góp phần làm èo ọt tác phẩm đầu tay của Mai Trinh, chỉ khuyến khích nàng viết như đang sống. Mai Trinh ngỏ ý muốn tôi đỡ đầu cho tác phẩm của nàng được ra mắt. Tuy hoàn toàn chưa đọc một chữ trong tác phẩm mình được đề nghị làm… cha nuôi, tôi vẫn vui vẻ gật đầu.
Hai tháng sau, “Chuông gọi hồn” xuất bản. Đến đây, tôi nghĩ mình đã trả xong ơn đời đã cho tôi được gặp Đỗ Thị Mai Trinh trong một buổi sáng tinh mơ, buổi sáng ấy tôi sẽ đem theo mãi mãi.
Trần Áng Sơn
Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/
Theo http://4phuong.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà th...